Cô sinh viên người Mỹ tiếp tục cuộc hành trình về Việt nam của mình bằng cách đến các bảo tàng và điểm đầu tiên là Bảo tàng chứng tích. Và những gì cô thấy ở đây khiến cô liên tưởng đến cuộc chiến Iraq: Người Iraq sẽ xây nên một bảo tàng cho thấy chúng tôi đã vô nhân đạo và tàn ác đến thế nào.
Cô viết:
“Nếu tôi không thể thấy một người Việt Nam bình thường chỉ trích nước Mỹ, thì tôi cho là có thể Chính phủ Việt Nam sẽ làm điều đó. Vì vậy tôi đến các bảo tàng mà tôi cho có thể là tiếng nói của chính phủ.
Bảo tàng chiến tranh
Phòng trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TPHCM bắt đầu bằng một câu trích dẫn của Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara năm 1995: "Dù sao chúng ta cũng đã sai lầm, sai lầm thậm tệ. Chúng ta nợ các thế hệ tương lai một lời giải thích tại sao". Bảo tàng thêm vào đó một lời thuyết minh: "Đó là một sai lầm đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho đất nước và con người Việt Nam".
Tôi đã há hốc miệng vì kinh ngạc khi quay sang một góc và nhìn thấy vài bức ảnh từ thời chiến tranh Việt Nam.
Tôi ở TPHCM chỉ hai tháng sau khi những chi tiết về các vụ ngược đãi ở nhà tù Abu Ghraib (Iraq) bắt đầu được lôi ra ánh sáng. Đó là thời kỳ khó khăn để đi du lịch với tư cách là một người Mỹ, để bảo vệ những đồng bào của tôi, khi mà mỗi bức ảnh (về Abu Ghraib) được công bố lại càng xấu xa hơn.
Ở đó, trên một bức tường ở Sài Gòn, là bức ảnh một lính bộ binh Mỹ với một tù binh Việt Nam bị xích cổ. Một bức ảnh khác cho thấy bốn lính Mỹ đang cười và xách hai cái đầu đứt rời. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy những bức ảnh này.
Một website du lịch của Việt Nam nói rằng 6 triệu người đã đến thăm bảo tàng này, trong đó có hơn một triệu du khách nước ngoài. Nhưng vào ngày mà tôi đến đây thì hầu như tất cả khách tham quan ở đó là người nước ngoài. Ngoài sân bảo tàng đầy những quả bom và xe tăng Mỹ, nhưng phần đáng xem nhất lại ở bên trong: Các bức ảnh trẻ em bị bom napal, vụ thảm sát Mỹ Lai, một người đàn ông bị bắt đã bị xe bọc thép kéo lê đến chết, những mẫu hài nhi dị tật chết lưu. Tôi cố ghìm nước mắt và đôi lúc là cảm giác buồn nôn.
Tôi cố trấn an mình rằng tất cả đó chỉ là tuyên truyền. Nhưng trên thực tế, sự tuyên truyền này không có nghĩa là sự thật đã không xảy ra. Các bức ảnh đều thật, và tất cả làm ta choáng váng vì chúng quá giống những bức ảnh đã được chụp ở Abu Ghraib.
Bài học quá khứ
Cha tôi chưa bao giờ quen biết ai đã từng ở Hà Nội, kể cả trong thời gian chiến tranh. Ông rất ngạc nhiên khi tôi viết thư về nhà: "Con thích Hà Nội - kiến trúc Pháp, những con phố hẹp, xe máy, sông Hồng và những người bán hàng rong. Con có thể ở đây thật lâu, thật lâu."
Chúng tôi đã thua trong chiến tranh ở Việt Nam. Chúng tôi cuối cùng đã đầu hàng và rút về nước năm 1975, sau khi 58 nghìn lính Mỹ đã chết.
Bây giờ còn quá sớm để nói di sản của chiến tranh Iraq là gì, bởi vì cuộc chiến Iraq còn lâu mới kết thúc. Nhưng nếu chúng tôi không buộc mình phải nhận ra rằng chiến tranh không chỉ là về chúng tôi, rằng quân đội chúng tôi không chỉ là một phép ẩn dụ cho câu chuyện Mỹ về chủ nghĩa anh hùng, thì chúng tôi sẽ lại trải qua tất cả những điều này một lần nữa. Người Iraq sẽ xây nên một bảo tàng cho thấy chúng tôi đã vô nhân đạo và tàn ác đến thế nào. Chúng tôi sẽ đi những đôi giày đi bộ tiện lợi, và sẽ đến xem, sẽ lắc đầu trước những tội ác. "Đừng bao giờ lặp lại" - chúng tôi sẽ nói vậy. Và chúng tôi sẽ sai lầm