Kì 3 :Những cánh én quả cảm
Ông là tướng Nguyễn Hồng Nhị, AHLLVT, nguyên Trung đoàn trưởng đầu tiên Đoàn Không quân Lam Sơn, trực tiếp chỉ huy không chiến đánh B.52 trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”. Chúng tôi gặp ông khi ông vừa đi tập thể dục về. Trông ông vẫn tráng kiện, phong độ, không mất đi vẻ đẹp của người phi công lái Mig ngày xưa. Khi được hỏi về những ngày tháng 12/1972, ông vẫn không giấu được niềm vui trong giọng nói Bình Định quê hương.
Những cánh én quả cảm
"Nhiệm vụ của chúng tôi là chặn đánh từ xa, tiêu diệt các máy bay hộ tống, nếu có thể tìm cách bắn hạ B.52 và làm rối loạn đội hình, tạo điều kiện cho tên lửa và các đơn vị phòng không mặt đất bắn máy bay địch. Những cuộc không chiến đúng là không cân sức. Mig của ta bé nhỏ giữa cả bầy chiến đấu cơ hùng hậu của Mỹ, nhưng những cánh én quả cảm của ta vẫn “tả xung hữu đột” gây cho địch phải khó khăn chống đỡ, thậm chí có lúc bị động, chỉ mới vài đường bay của Mig, đội hình của chúng đã tan tác..." - ông Nhị.
Tướng Nhị kể, đêm 27/12/1972, lần đầu tiên Mig 21 do phi công Phạm Tuân bắn hạ B.52, đã làm cho tất cả các chiến sĩ lái máy bay của ta như được khích lệ, tin vào việc Mig sẽ đối đầu được với B.52.
Một không khí ngầm đua nhau tiêu diệt B.52, rạng danh “cánh én Việt Nam” đã diễn ra. Trong số đó có phi công Vũ Xuân Thiều, người Hà Nội, một chàng trai điềm đạm, kỹ thuật bay giỏi. Được phân công trực bay đêm đánh B.52, nhưng có lẽ sốt ruột nên anh kỳ kèo cho đánh ban ngày với lý do rất dễ thương: Kiếm một chiếc máy bay địch làm quà tặng người yêu. Nhiều lúc tâm sự với đồng đội, anh nói: "Nếu như gặp B.52, bắn không rơi, em sẽ đâm vào nó. Em làm quả đạn, nhất định nó phải chết”.
Như định mệnh, đêm 28/12/1972, Thiều trực chiến và được lệnh cất cánh từ một sân bay dã chiến ở miền Trung. Tại Sở Chỉ huy bay, đường chì đỏ - máy bay của Thiều, từ từ tiếp cận vệt chì đen - máy bay B.52, và hàng chục chấm đen của các máy bay tiêm kích bảo vệ B.52, sóng nhiễu, khói mù che mắt máy bay Mig của ta.
Với sự khéo léo và mưu trí, lách qua được vòng vây dày đặc của các chiến đấu cơ địch, Thiều đã cho chiếc Mig 21 của mình áp sát B.52 và xin lệnh phóng đạn. Đạn đã phóng nhưng B.52 chỉ bị thương. Thiều xin lệnh tấn công tiếp… Vài giây sau, tín hiệu của Thiều trên bản đồ bay biến mất, kể cả dấu hiệu của chiếc B.52. Cả Sở Chỉ huy rộn lên, B.52 đã bị bắn cháy. Nhưng rồi trái tim mọi người như thắt lại. Các chiến sĩ liên lạc gọi dồn dập. Vừa khóc vừa gọi Thiều. Nhưng không một tín hiệu hồi âm.
Một ngày sau, từ Yên Châu (Sơn La), người dân đã kể lại: Họ thấy 2 vệt lửa, một vầng lửa lớn bùng lên, một vầng lửa nhỏ lao vút vào, từng mảnh lửa rơi xuống. "Chúng tôi tới nơi, xác chiếc B.52 còn âm ỉ cháy, cách gần đấy là chiếc Mig 21 của Thiều. Anh đã được đồng bào Sơn La an táng trọng thể. Chúng tôi hiểu, anh đã cùng chiếc Mig của mình thành quả đạn cảm tử tiêu diệt B.52. Ngày đó, vì yêu cầu bí mật quân sự, chúng tôi chưa thể công bố hành động cảm tử đó. Nhưng hôm nay, anh là người anh hùng của nhân dân, trong trái tim người Hà Nội, sống mãi cùng đồng đội của lực lượng Không quân Việt Nam...".
Trong toàn cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước lực lượng Không quân Việt Nam hy sinh 367 người. Các anh nằm yên nghỉ mãi mãi trên một ngọn đồi ở Sóc Sơn - Hà Nội. Ở đây đã xây một tượng đài chiến thắng của không quân, hàng năm tới ngày 22/12, kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN các đồng đội lại tới đây thắp hương tưởng niệm các anh. Còn trong 12 ngày đêm của tháng 12/1972, thật kỳ diệu, gần như không có tổn thất, trừ sự hy sinh oanh liệt của "quầng sáng" Vũ Xuân Thiều.
Rất thú vị, sau này tướng Nguyễn Hồng Nhị gặp lại những phi công Mỹ đã có mặt ở trận tuyến 12 ngày đêm Hà Nội. Đó là năm 1991, ông sang Mỹ, với vai trò đàm phán mua máy bay dân dụng cho Hàng không dân dụng Việt Nam. Lúc này, Việt Nam vẫn còn bị Mỹ cấm vận, các việc giao thương mua bán còn khó khăn dù đã có những tín hiệu khả quan.
Song điều ông nhớ nhất là cuộc gặp với các cựu phi công Mỹ: "Chúng tôi không có vẻ gì thù hằn hay tỏ thái độ nghi kỵ như đã từng là đối thủ của nhau. Mà đó là những cuộc chuyện trò cởi mở giữa các “đồng nghiệp” lái máy bay, trao đổi một số kinh nghiệm, kể lại những cuộc không chiến đã thành quá khứ. Họ vẫn rất thán phục ta, vẫn không thể hiểu được vì sao Mig của ta lại bắn rơi B.52, cho dù những thông số kỹ thuật của các loại vũ khí không đối không đều tỏ rõ Mig không thể bắn được B.52, thế mà B.52 đã phải khuất phục trước Mig của ta".
Chuyện về một tấm ảnh
Gặp ông trong những ngày này thật khó, vì tuy tuổi đã cao, ông vẫn không thôi rời ống kính, thu lại những khoảnh khắc cuộc sống, mà có thể sau này sẽ là những vật chứng lịch sử. Ông là NSNA Đoàn Công Tính, người phóng viên chiến trường nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài với những tấm ảnh về Thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972, và 12 ngày đêm Hà Nội - "Điện Biên Phủ trên không".
Không giấu diếm niềm tự hào vì đã được là nhân chứng tham dự những ngày lịch sử đó. Ông hào hứng kể...
...Khi đó ông vừa ở Thành cổ Quảng Trị ra. Từ đạn bom lại rơi vào bom đạn của 12 ngày đêm Hà Nội. Ông nhận lệnh chuẩn bị chiến dịch lớn: chụp ảnh B.52 bị cháy trên bầu trời Hà Nội. Ông cũng không biết phải chuẩn bị như thế nào, đã thấy B.52 cháy rơi bao giờ đâu, ngoài một chỉ đạo của bên Tổng cục Chính trị: Đây là việc chiến đấu phối hợp tác chiến các quân binh chủng máy bay, tên lửa, cao xạ, các loại súng pháo phòng không từ 37 ly, 14 ly 5, 13 ly 2, 12 ly 7, súng trường… tạo một lưới đạn từ tầm cao đến tầm thấp, chặn đứng mọi con đường của máy bay Mỹ.
Đoàn Công Tính được phân công xuống F361 tên lửa, đóng quân ở Phú Thụy, Gia Lâm, Hà Nội. Ngày 18/12/1972, ông được chứng kiến F361 bắn rơi B.52, nhưng chưa “chộp” được khoảnh khắc hợp đồng chiến đấu của các lưới lửa. Thật ra, lúc ấy không có ai “bắt” phóng viên phải chụp như thế nào, nhưng ông nghĩ nếu chụp riêng tên lửa, pháo, hay lưới lửa tầm thấp thì không có gì đặc biệt. Và ông nghĩ phải chụp một bức ảnh phải có cả 3 tầm lửa để nói lên ý nghĩa của sự hiệp lực toàn quân toàn dân. Đó còn là tổng lực của sức mạnh Hà Nội, là cuộc chiến tranh nhân dân quyết chiến và quyết thắng mọi đe dọa hủy diệt của Mỹ.
Sau 7 ngày “canh”, cùng trực chiến với các chiến sĩ, Đoàn Công Tính luôn để máy ở tốc độ B, không chân máy mà gác trên cành cây, khuôn hình canh sẵn. Hồi đó, không có ống kính góc rộng, chỉ có ống kích 50. Cũng “oách” lắm so với nhiều người, thế nhưng khuôn hình chật hẹp, tối mù mù. Ngắm trong ống kính, mỗi khi tên lửa phụt lên, chớp sáng lòa hết cả khuôn hình, không thấy gì khác.
Và rồi khoảnh khắc ông chờ đợi cả 7 ngày đã đến. Sau một cú bấm máy, tấm ảnh “Đêm tháng chạp” ra đời. Trong ảnh có đủ lưới lửa tầm cao của tên lửa, tầm trung của cao xạ và tầm thấp của 12 ly 7, như một tấm màn lửa úp chụp máy bay Mỹ trong bầu trời đêm. Một sự phối hợp tuyệt đẹp, máy bay Mỹ không rơi mới lạ! Tấm ảnh đã được đăng ngay trên trang nhất báo QĐND ngày 27/12/1972, được giải A ảnh nghệ thuật Hà Nội năm 1973, được bày ở Bảo tàng Quân đội và đăng ở nhiều báo nước ngoài.
"Tọa độ lửa Hà Nội là lò sát sinh B.52"
Khi ấy, Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng Sài Gòn - Gia Định, truyền trên sóng những lời “chia lửa”: Sài Gòn gửi Hà Nội: ”…Lửa miền Bắc đã khều lửa miền Nam, lửa Hà Nội đang giục lửa Sài Gòn và từ ngoài vô trong, từ hậu phương lớn bất khuất đến tiền tuyến lớn anh hùng đang lên tiếng trả lời đanh thép: Đánh! Lửa thiêu cháy pháo đài bay B.52, lửa đốt cháy kho bom thành Tuy Hạ, chụp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đốt cháy kho hậu cần Long Bình và kho dầu Nhà Bè. Lửa vây hãm và tiêu diệt quân ngụy, thiêu hàng mảng lớn cơ đồ “bình định” của Mỹ - Thiệu. Lửa đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Gia Định. Lửa chiến đấu của quân và dân ta ở cả 2 miền Nam - Bắc đang ngày càng cao ngọn. Và đó là tốt nhất để trả lời Nixon và bè lũ…"
Romesh Chandra, Tổng Thư ký Hội đồng Hòa bình thế giới: Việt Nam đồng nghĩa với sự vinh quang, lòng dũng cảm và tinh thần quyết thắng. Mỗi lần đứng bên cạnh hố bom do Mỹ rải xuống Việt Nam, chúng tôi đều nhận ra rằng, nhân dân Việt Nam không phải hy sinh chỉ vì Việt Nam mà cả vì chúng tôi.
Hãng Reuters cũng đưa tin: Tọa độ lửa Hà Nội là lò sát sinh B.52 và người lái B.52. Nếu cứ đánh tiếp theo đà này thì trong 2 tháng nữa B.52 sẽ tuyệt chủng.
Còn nhiều nữa, các hãng thông tấn báo chí liên tục đưa tin ngợi ca tinh thần chiến đấu của nhân dân Việt Nam và Hà Nội. L’Express, Rainbow: Xưa và nay chưa từng có một dân tộc nào nhỏ như vậy mà có trọng lượng lớn như vậy đối với lịch sử.
Europa, Jaque Madol: Việt Nam sẽ thắng! Không một kẻ thù nào tiêu diệt được một dân tộc vĩ đại như Việt Nam. Nếu dân tộc này đầu hàng thì cả nhân loại sẽ bị sụp đổ.
Washington Pos nhận định: Thất bại này buộc Tổng thống và cố vấn của ông ta chấp nhận những điều kiện của Hà Nội.
Chính John Negroponte, chuyên viên của Kissinger thừa nhận: "Chúng ta ném bom Bắc Việt Nam để rồi chúng ta chấp nhận thua".
Nguồn:
http://vietnamnet.vn/psks/2007/12/760443/
Mấy chú F111 cánh cụp cánh xòe giá trị hơn cả B52 cũng rụng như rạ đấy thôi.
)
Đọc báo hồi trước thấy kể ở miền Trung bắn 100 quả SAM lên trời ko
chúng cái máy bay nào.8-}
:-? sao lại viết sai cta thế kia? [-(
pót nốt.
Kì 4:
"Chắc tay búa, vững tay súng"
Nhắc đến những người công nhân tự vệ bắn hạ máy bay địch trên bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm 1972, không thể không nhắc đến đội tự vệ của Nhà máy Cơ khí Mai Động. Chị Phạm Thị Viễn, nguyên thành viên đội tự vệ hào hứng kể lại chiến công của tiểu đội công nhân tự vệ bắn hạ F111 năm ấy.
Tiểu đội công nhân Nhà máy Cơ khí Mai Động bắn hạo máy bay F111 - Ảnh tư liệu
Ngày ấy, đội tự vệ của Nhà máy Cơ khí Mai Động gồm 11 người: Viễn, Hiếu, Dần, Thành, Trung, Sinh (Nam), Tuyên, Quang, Sinh, Khuyến, Mai. Tất cả đều là công nhân được giao nhiệm vụ bảo vệ khu vực nhà máy. Mới đầu, anh chị em trong đội tự vệ phải thay phiên nhau trực, một tuần tham gia tự vệ rồi lại một tuần về Nhà máy tham gia sản xuất.
Nhưng đến đầu năm 1972, khi Mỹ cho không quân đánh vào Hà Nội, đội tự vệ của Nhà máy Cơ khí Mai Động được biên chế rời vị trí sản xuất để trực chiến 24/24. Đội tự vệ được cấp trên giao cho 2 khẩu súng 14 ly 5 và được đặt tên là đơn vị “Ao út” (đơn vị có nhiều người có thân hình nhỏ bé, ít tuổi).
Đêm ngày 18/12/1972, Mỹ cho máy bay ném bom vào Bệnh viện Bạch Mai, khu dân cư tập thể Mai Hương, bãi Phúc Xá… Cả Hà Nội rực trong lửa đạn. Từ đêm 18/12 đến đêm 22/12, trung đội “Ao út” được điều động đến nằm cách xa trận địa Đại đội pháo 100 Hai Bà Trưng khoảng 300 m (đây cũng là công nhân của các nhà máy Dệt 8 -3…) để hợp đồng tác chiến.
Đêm đó, cấp trên thông báo máy bay B52 sẽ đánh vào Hà Nội, Đại đội tự vệ “Ao út” được Đại đội pháo 100 đề nghị sang tiếp đạn. Trong hoàn cảnh đó, dù toàn là những người nhỏ con nhưng chị Viễn, chị Hiếu, chị Dần, anh Trung đã cùng với các anh em tự vệ trong đơn vị tham gia vận chuyển vác bom đạn phục vụ cho đơn vị pháo 100.
Sau đó “Ao út” lại được di chuyển ra trận địa mới ở Vân Đồn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Khoảng 8h ngày 22/12/1972, đơn vị “Ao út” được cấp trên báo máy bay địch lại có đợt đánh bom vào Hà Nội. Do bên quân khu Thủ đô đã theo dõi được đường bay của máy bay F111 của địch, thường xuyên bay trinh sát dẫn đường cho B52 vào bắn phá, nên đã báo cho đơn vị xác định rõ vị trí, lên nòng pháo chờ địch.
Tiểu đội súng cao xạ của Nhà máy Cơ khí Mai Động đã điều chỉnh góc độ của súng 14 ly 5 và sẵn sàng chờ địch tới. Đúng 22h45 ngày 22/12/1972, nhận được lệnh bắn của chỉ huy, tiểu đội đồng loạt nổ súng bằng một điểm xạ ngắm 22 viên đạn, bắn cháy máy bay F111 của địch.
“Khi chúng tôi bắn xong thấy máy bay xẹt qua có một vệt sáng nhưng vẫn không biết mình đã bắn trúng. Mãi sau cho đến khi được cấp trên báo đơn vị đã bắn cháy máy bay F111 rơi ở Hoà Bình, bắt sống hai phi công, lúc đó chúng tôi mới được biết nên vô cùng sung sướng” - chị Viễn nhớ lại giờ phút lịch sử đó.
Nét mặt vui tươi, chị kể tiếp: “Sau chiến công bắn hạ F111, chúng tôi nhận được rất nhiều lời khen tặng, có lần đích thân bác Tôn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xuống chúc mừng và tặng quà, động viên anh chị em phát huy tinh thần đã đạt được để tiếp tục chiến đấu. Món quà mà tôi nhớ nhất chính là 5 thùng lương khô được anh chị em trong đơn vị đem ra ăn ngon lành, trong niềm hạnh phúc của chiến công đã đạt được”.
Sau ngày hoà bình lập lại, các anh chị em trong Đội tự vệ lại trở về tham gia sản xuất tại Nhà máy Cơ khí Mai Động. Sau 35 năm, giờ đây những người thanh niên tuổi 19, đôi mươi năm ấy đã thành ông, thành bà. Có người tuổi cao đã về hưu, người còn khả năng thì tiếp tục ở lại cống hiến cho Nhà máy (nay là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Mai Động).
Trong niềm vui kỷ niệm 35 năm chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội, ông Nguyễn Văn Trung, PGĐ Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Mai Động - người đã tham gia đại đội “Ao út” bắn hạ F111 vui vẻ cho biết: “Ngày ấy, chúng tôi là những công nhân được tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời Thủ đô và chiến công bắn hạ máy bay F111 là kỷ niệm mà những người công nhân chúng tôi thời đó không thể nào quên. Trước đây, trong chiến tranh chúng tôi tham gia đánh giặc Mỹ, còn bây giờ trong thời bình chúng tôi tự hào được góp một phần sức mình vào sự phát triển của nhà máy và xây dựng Thủ đô”.
35 năm đã trôi qua, nhưng vào những dịp kỷ niệm này, các thành viên trong đại đội "Ao út" thường gặp gỡ nhau để ôn lại ký ức hào hùng ấy. Tại công ty, ngay bên cạnh phòng ông là những kỷ vật, những tấm ảnh tư liệu về những ngày tham gia chiến đấu bảo vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động được ông bố trí trưng bày tại một gian phòng rộng và bảo quản trang nghiêm. Với ông, những kỷ vật đó chính là một phần không thể thiếu để công ty phát triển như ngày hôm nay
Niềm vui của đội trưởng công binh phá bom
Cũng là công nhân cơ khí như đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động, nhưng ông Nguyễn Văn Tuyến, công nhân Nhà máy Cơ khí Hà Nội lại có nhiệm vụ quan sát tham gia tháo dỡ mọi loại bom mìn trên địa bàn Hà Nội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm chúc mừng Đơn vị bắn rơi máy bay F111 (1972) - Ảnh tư liệu
Chúng tôi gặp ông trong buổi lễ kỷ niệm 35 năm đánh thắng B52 trên bầu trời Hà Nội (do UBND quận Đống Đa tổ chức vào ngày 8/12/2007). Trên tay ôm bó hoa tươi thắm do những người đồng chí, đồng đội năm xưa tặng, ông Tuyến vui vẻ kể về chuyện ông tham gia phá bom trong suốt 12 ngày đêm Mỹ đánh phá Hà Nội.
... Là công nhân cơ khí, nhưng trong suốt thời kỳ Mỹ ném bom đánh phá ra miền Bắc, ông Tuyến đã tham gia phá bỏ gần 100 quả bom các loại. Trong đó riêng chiến dịch 12 ngày đêm, ông đã tham gia phá 6 quả bom loại nặng 200 kg trên đường Trường Chinh, sân bay Bạch Mai, làng Định Công, cánh đồng Định Công.
Ông Tuyến nhớ lại: “Trong chiến dịch 12 ngày đêm, cả Hà Nội là một bãi chiến trường, bom mìn được rải khắp nơi gần khu dân cư. Nhiệm vụ của chúng tôi phải quan sát và tháo nhặt các loại bom rơi vãi để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống, tránh tình trạng gây chết do bom nổ sót. Chính vì thế, cứ nơi nào có bom Mỹ thả xuống là chúng tôi lại có mặt”.
Ông Tuyến kể về chuyện ông tham gia phá bom trong suốt 12 ngày đêm Mỹ đánh phá Hà Nội.
Có lẽ, chính vì sự có mặt ở mọi nơi, mọi lúc tại những điểm nóng bỏng nên ông Tuyến cho rằng mình là người “nổi tiếng”. Sở dĩ, ông nhận mình như vậy bởi nhiều hôm ông đi phá bom quên không đeo băng đỏ nhưng mọi người vẫn nhận ra ông là người tháo bom và cái tên "Tuyến phá bom" cũng được gọi từ đó.
Trong những lần tham gia phá bom trong 12 ngày đêm, ông nhớ nhất lần phá quả bom tại Sân bay Bạch Mai. Lần đó, sau nhiều giờ tháo bỏ quả bom loại 200 kg, cuối cùng tháo xong thì ông mới biết chỉ cần chậm một chút nữa thôi là bom có thể phát nổ ngay tức khắc.
Sau lần đó, mọi người thấy may cho ông, nhưng ông chỉ cười và nói: “Nếu nó nổ thì đã nổ rồi. Cái “nghề” mình làm là như thế, ranh giới giữa may mắn và rủi ro chỉ cách nhau trong gang tấc”.
35 trước, họ là những người công nhân "chắc tay búa, vững tay súng" cùng quân dân thủ đô bảo vệ Hà Nội. 35 năm sau, giữa những ngày Hà Nội kỷ niệm chiến thắng B52, hình như họ là những người vui nhất, khi thấy Hà Nội đổi thay như bây giờ.
Nguồn:
http://vietnamnet.vn/psks/2007/12/760582/