Giận dữ

Đỗ Việt
(doviet)

Thành viên danh dự
Nhiều người ý thực được tác hại của sự giận dữ và tìm đến những phương pháp giúp họ kìm nén, đẩy lùi cơn giận của mình. Họ không biết rằng họ làm như thế là đã tự tích tụ sân hận trong lòng mình. Sự kiềm chế ấy chỉ là tạm thời và rất dễ có nguy cơ bùng nổ khi những ức chế bị dồn nén quá ngưỡng cho phép.

Kiềm chế giận dữ không phải là không tốt, nhưng về lâu dài, phương pháp ấy không mang lại cho tâm ta sự an lạc đích thực.

Cơn giận dữ cũng như một dòng nước lũ mãnh liệt, người ta có thể chặn đứng nó bằng một công trình kiên cố, nhưng không thể đảm bảo được rằng công trình ấy sẽ luôn trụ vững sau nhiều đợt sóng nước dồn dập. Dòng lũ giận dữ có nguồn gốc và có bản chất hữu hạn. Thay vì ngăn chặn nó, nếu ta đối diện và tìm cho nó một lối thoát thì khí nước sẽ dần dịu xuống và trở nên hiền hòa hơn.

Cơn giận dữ có thể là một biểu hiện thái quá của sự chán nản, khi ta bắt gặp một điều gì đó khiến ta không hài lòng. Hiện tượng này thuộc bản năng của con người và chịu ảnh hưởng của thần kinh thực vật (cơ chế hoạt động vô thức). Con người rất có thể là loài động vật duy nhất có khả năng ý thức, giám sát và khống chế bản năng này. Vì thế, trong những lúc giận dữ, chúng ta dễ có biểu hiện giống với các loài động vật khác. Cơn giận dữ cũng có thể bắt nguồn từ sự sợ hãi, hoặc nổi lên do bị kích thích bởi một nguồn giận dữ bên ngoài.

Giận dữ chính là cái bẫy tâm lí mời ta bước vào một hố sâu, nơi có tua tủa chông gai của sự phẫn nộ và rừng rực ngọn lửa căm hờn. Bước vào nó, không dễ thoát ra một cách an toàn và lành lặn. Chỉ có hai cách hữu hiệu để bảo vệ mình trước cái bẫy này: một là tự rèn luyện một trái tim sắt đá (để vượt qua chông gai) và băng giá (để không bị thiêu trụi), hai là tỉnh táo từ chối ngay từ đầu lời mời khiếm nhã ấy.

Khi ta từ chối giận dữ thì ta không còn cần phải kìm nén và khống chế cơn giận của mình nữa, bởi thật ra nó chưa từng xuất hiện.

Đứng trước một người đang tức giận, ta rất có thể bị kích thích bởi cơn giận của đối phương, dẫn đến việc tạo điều kiện cho cơn giận của mình phát khởi. Việc ấy cũng giống như một con thú dữ lồng lộn lên khi bị chọc giận, nghĩa là ta đánh mất trí tuệ của con người để dễ dàng bị mắc lừa, cục súc như một con thú hoang.
Nếu được, hãy tự vận dụng trí tuệ của mình để hiểu nguyên nhân của cơn giận dữ trong họ, và hãy nghĩ rằng sự giận dữ ấy chứng tỏ họ có một nỗi đau trong lòng. Đứng trước nỗi đau của người khác, nếu ta biết cảm thông và mong muốn giúp họ vượt qua thì điều ấy chắc chắn sẽ có lợi cho cả ta và họ; bằng không, phản ứng của ta sẽ chỉ càng chứng tỏ sự bồng bột, thiếu suy nghĩ và thậm chí là độc ác (một cách vô ý thức) trước sự đau đớn của người khác.

Hãy nghe lời Đức Phật nhắc nhở: khi ta tiếp nhận một cơn giận của người nào đó mà không đẩy ngược lại, thì cơn giận ấy cuối cùng sẽ kiệt sức. Nếu chúng ta muốn chứng tỏ sức mạnh của mình, thì những lời lẽ sỗ sàng và vũ lực không phải là phương tiện đắc lực. Chỉ có cái tâm thanh tĩnh và an lạc mới là gốc rễ của sức mạnh phi phàm. Sức mạnh này tiềm tàng trong mỗi người; chúng ta chỉ cần rèn tâm, luyện ý, tự nó sẽ xuất hiện để che chở ta.


(HNK7)
 
Tại sao nhiều người có treo đến 10 chữ "Nhẫn" trong nhà vẫn không kiềm chế nổi.
Đó là cảm xúc...
 
Chỉ là thứ lý thuyết nói nghe vui tai, cứ như nước đổ đầu vịt thôi :|
cho dù có treo 1000 chữ mà ko tĩnh tâm với chữ nhẫn đc thì cũng vậy thôi :|
 
Back
Bên trên