Giao thừa...
--------------------------------------------------------------------------------
Chà, vậy là đã 30 Tết rồi đấy. 30 Tết. Lại một năm nữa sắp qua, một năm mới sắp đến, một cái Tết đã gần kề. Mà hãy xem, làm thế nào mà nó biết hôm nay là 30 Tết chứ! Ko phải là vì đó là ngày thứ hai được nghỉ học, ko phải vì lịch treo tường, ko phải vì bị bố mẹ bắt dọn nhà... Đó là quá khứ rồi, là bao năm qua rồi. Năm nay nó biết hôm nay là 30 Tết vì hôm nọ nói chuyện với mẹ nó hỏi với một câu lúc gần dập máy:
- "À thế mẹ ơi, năm nay bao nhiều là 30 Tết ạ?"
- "Mùng 8 tháng 2 con ạ!"
Giọng mẹ với theo trước khi điện thoại mất tín hiệu hẳn. Có lẽ nó sẽ ko bao giờ quên cái câu nói ấy của mẹ... "Mùng 8 tháng 2 con ạ"...
Giờ này mẹ đang làm gì nhỉ. 9h sáng 30 ah, mẹ đang đi chợ, đang nấu gà, đang chuẩn bị bàn thờ... Nó có thể tượng tượng chính xác đến từng chi tiết những việc làm của mẹ. Chô này lau chùi lại một tí, chỗ kia bày biện thêm một chút, rồi:
- "Ani đâu, lên tầng 3 lấy cho mẹ tớ sớ xuống đây", hay là "Ani ơi, chạy ra ngoài mua hộ mẹ ít mộc nhĩ"...
Cứ thế, mẹ mải miết qua ngày 30, ngày cuối cùng của năm, một cách bận rộn.
Bà nội thì sao nhỉ? Bà ngày nào cũng ở nhà, cho nên cái sự được nghỉ của mọi người vào 30 Tết đối với bà ko quan hệ. 30 Tết thì bà sẽ trực chiến luôn trên cái tầng 3 ấy. Bà sẽ khấn trong phòng thờ, với cả đèn to lẫn 2 đèn thờ bật sáng và mùi hương vòng thơm quyện khói bay nghi ngút:
-"Con lạy Nam mô a di đà Phật... Con lạy Ngọc Hoàng Thượng đế, con Lạy đức Quốc mẫu vua bà, tam tòa Thánh Mẫu, con lạy tả quan Nam Tào, hữu quan Bắc Đẩu, hội đồng các quan... Mong cho nước chảy một dòng, thuyền xuôi một bến, bách bệnh tiêu tan, vạn bệnh tiêu trừ..."
Bài khấn của bà bao năm qua vẫn vậy, ko thay đổi gì hết, và đã ngấm vào đầu con bé là nó từ khi nó còn bé lắm cơ... Và bài khấn ấy cũng là một phần của cuộc đời bà nữa, bà ko bao giờ quên, dù chỉ một chữ trong đó, mặc dù với những chuyện khác, bà đã lẫn nhiều rồi... Rồi thì bà cũng sẽ bị cuốn vào cái vòn chuẩn bị Tết nữa chứ. Bà sẽ xuống bếp, sẽ hỏi mẹ:
- "Hoa à, cái nồi măng này để thêm một tí nữa là được đấy nhỉ, mẹ thấy cũng nhừ lắm rồi", hay là "Để mẹ làm cái chân tẩy cho, con lên xem nhà thờ còn thiếu gì nữa ko, mẹ thấy cũng khá đầy đủ rồi đấy"...
Cứ thế, bà cũng bận rộn suốt cả một ngày 30, tất bật với những công việc chuẩn bị, và luôn miệng: "Tết nhất đến nơi rồi"...
Còn nó, nó làm gì ngày 30? Ngủ dậy trễ một chút, lao vào giúp mẹ, dọn nhà, đặc biệt là cái bàn học quanh năm bừa bãi của nó, đi tắm, ngồi chờ cô Hà chú Học đến... Nó sẽ nhăn mặt khi thấy mẹ cứ vất vả, sẽ nói:
- "Thôi mẹ ơi, giải phóng sức lao động đi, Tết nào cũng vất vả thế này, con ko muốn mẹ già nhanh đâu".
Rồi mẹ sẽ nói:
- "Thế này là đơn giản lắm rồi còn gì con.
- "Bỏ nồi măng đi mẹ, nấu vất vả, mà con có thích ăn đâu!
- "Có mỗi cô ko thích, cả nhà thích mà đòi bỏ hả cô?
Rồi mẹ lại cười và tiếp tục làm việc... Ngày 30 của nó cũng bị cuốn vào vòng xoáy công việc đó, mệt thật, nhưng nó yêu lắm, vì trong khi phải làm những cái việc như thế, nó cảm nhận được Tết đang đến thật gần, thật gần...
Rồi bữa ăn giao tất niên nhà nó sẽ có gì nhỉ, xem nào,làm sao mà quên được: bánh chưng, dưa hành, canh măng (ý ẹ ), bóng xào cà rốt, su hào, miến, gà luộc, thịt bò kho... Những món ăn bao năm nay nó vẫn thấy mẹ bày trên bàn Tết. Mẹ sẽ lại nấu nhiều, báo hại nó đến ra Giêng vẫn phải ăn ủng hộ để giải quyết hậu quả...
Rồi nhà nó sẽ có một cành đào phai - đối với nó đào phai là nhất - cắm trong một chiếc bình cổ cao, thả vài viên B1 vào cho tươi. Nó sẽ dùng các bao lì xì và thiếp chúc Tết để trang trí, và cả phá hoại cành đào nữa chứ, nó vốn tay chân vụng về từ bé... Nhưng bố mẹ chả mắng nó đâu, Tết mà...
Tối giao thừa nhà nó sẽ quây quần, cả nhà mở champagne, Bodeaux, mở hộp mứt Tết, các loại kẹo bánh, hạt dẻ Mĩ nữa chứ )chả hiểu có phải Tàu giả danh ko ). Rồi mọi người sẽ nâng cốc, chúc mừng nhau, nó sẽ lại nghe bố nói:
- "Một năm nữa lại qua rồi đấy con ạ, mới ngày nào chuẩn bị 30, giờ đã lại Tết rồi..."
Những lời chúc của bố bao giờ cũng đi kèm với những trách nhiệm, những nhiệm vụ phía trước mắt của nó, nên nhiều khi nó... ngại nghe bố chúc. Còn những lời chúc của mẹ bao giờ cũng dịu dàng, nhẹ nhàng, tình cảm, đến là mềm lòng... Cả nhà nó se chụp ảnh, với những bộ quần áo mới và đẹp nhất. Nó sẽ uống rượu với bố, sẽ cười thật nhiều, sẽ dịu dàng hơn với nhóc Tuấn, ko làm bà chị la sát hàng ngày nữa...
Mà đó, lại còn Tết với nhóc nữa chứ. Hàng ngày nhóc cũng nói nhiều (nhức cả đầu) rồi, cho nên chả ai nhận ra Tết nhóc thậm chí còn nói nhiều hơn. Nhóc sẽ rối rít chạy khắp nhà, sẽ hỏi những câu ngây ngô như là:
- "Chị ơi, Tết từ đâu ra?"
- "Từ trong quyển lịch ra đó!"
Thế là nhóc sẽ cười sặc sụa:
- "Gớm, cái chị này!"
Gần giao thừa, tất cả đếm ngược: "10...9...8...7...6...5...4...3...2...1...0" Champagne lại bật, mọi người lại chúc mừng nhau, nói với nhau những lời yêu thương...
Rồi cả nhà nó sẽ lên sân thượng khấn, nó sẽ giúp mẹ bê cái bàn kính đó ra sân thượng, bày biện mọi thứ, và sau khi xong, cả nhà sẽ cúng hướng về bên phải xem pháo hoa. Nó sẽ dùng cái ống nhòm của bố nhìn cho rõ. Rồi cả nhà sẽ lầm rầm kêu ca nhà ông hàng xóm vô duyên tự nhiên lên tầng, cao quá nhà nó, che hết cả pháo hoa... Hết pháo hoa nó lại dọn bàn giúp mẹ, rồi cả nhà xuống tầng 1 chơi, xem cầu truyền hình, nó gọi điện chúc Tết bạn bè, và cả một đống điện thoại đến nữa chứ.
Giao thừa của nó là vậy đấy, bao năm qua vẫn vậy. Nhiều lúc nghĩ nó tự kêu ca: "sao buồn chán vô vị, Tết nào cũng giống Tết nào"... Nhưng bây giờ nó mới nhận ra nó đã ngu ngốc đến mức nào. Cái sự buồn chán vô vị ấy, năm nào cũng giống nhau ấy, thế mà là vô giá đấy. Bây giờ, ngôi giữa 4 bức tưởng, trước mặt là cái máy tính và những công việc bề bộn cũng một lũ bạn ko có chút khái niệm nào về Tết, nó mới hiểu những năm qua nó đã hạnh phúc đến nhường nào. Hạnh phúc chỉ giản đơn thế thôi, mà nó đã ko biết...
Nước mắt nó vẫn rơi, thánh thót, từng giọt một, nó đã lau đến tờ giấy ăn cuối cùng trong số 30 tờ nó lấy từ nhà bếp. Giờ này ở Việt Nam nhà nó đang nhộn nhịp lắm đây... Chiều tất niên... Giao thừa... Năm đầu tiên nó ăn Tết xa nhà, xa tất cả... Nó yếu đuối lắm, nó biết thế, ko yếu đuối sao nó khóc nhiều thế? Nhưng nó cứ để rơi mình trong cái yếu đuối ấy, nó cứ để nước mắt tràn mi như thế, nó ko cố kìm nén, ko cố gượng cười... Bởi nó biết rằng nước mắt mới là bạn của nó, những lúc thế này. Ở nơi xa xôi này, nó thầm cấu chúc cho gia đình nó, mẹ Hoa, bố Trung, bà nội, nhóc Tuấn một năm mới tràn đầy hạnh phúc, chỉ có tiếng cười, một năm mới nhiều may mắn, nhiều tình yêu thương... Nó cũng thầm chúc cho tất cả những người mà nó yêu thương và tất cả những người yêu thương nó một cái Tết đầm ấm bên người thân, một năm mới an lành, với tất cả những ước mong thành sự thực...
Nó muốn viết cho gia đình nó mấy dòng này:
Giao thừa đầu tiên con xa vòng tay mẹ
Xa bố, xa bà, xa cả lợn con...
Vẫn biết rằng con chẳng thể làm gì hơn
Nhưng vẫn mơ lại được về trong tay mẹ...
Con ở đây trong ko gian quạnh quẽ
Chẳng có đào, cũng chẳng có bánh chưng...
Ở bên con - những ánh mắt lạnh lùng
Tuyết vẫn phủ dày trên những bước đi...
Con biết rằng vẫn có những khi
Con cãi lời, chưa ngoan với bố mẹ
Nhưng bây giờ cho con xin lỗi nhé
Dù bây giờ lời xin lỗi chẳng đến được đâu...
Sắp năm mới rồi, con chỉ muốn nói một câu
Một câu duy nhất con vẫn hằng ấp ủ
Tết xa nhà với con sẽ là đủ
Khi mẹ biết rằng: Con yêu mẹ biết bao nhiêu..."