Một số thực trạng Nhạc VIỆT hiện nay:
Nhạc Việt gốc Hoa: Chiều lòng hàng triệu đôi tai dễ tính!
VietNamNet) - Sự lên ngôi của những sáng tác bắt chước nhạc Hoa một lần nữa khẳng định "đôi tai công chúng" không phải là thước đo sự phát triển theo chiều sâu của một nền âm nhạc. Nhưng nói gì thì nói, đó là một lựa chọn thông minh của những ai theo đuổi dòng nhạc thị trường.
Hết thời "ăn vụng" nhạc Hoa!
Ca sĩ Minh Thuận, người khép lại dòng nhạc Hoa lời Việt
Vào Nhạc Việt nghe ca sĩ Minh Thuận hát.
Những năm 1980, nhạc Hong Kong phát triển mạnh mẽ nhờ sự pha trộn nhạc Mỹ nên các ca khúc nhạc Hoa dễ nghe hơn rất nhiều. Từ đó, Cantonese pop hoặc Canto-pop (dùng tiếng Quảng Đông), tức là nhạc Hongkong trở nên phổ biến và ảnh hưởng đến âm nhạc của các quốc gia khác. Ở VN, các bài hát như Bến Thượng Hải, Bông hồng Trung Hoa, 999 đoá hồng... khởi đầu cho phong trào nhạc Hoa lời Việt. Loạt vidéo ca nhạc Mưa Bụi với tiếng hát Tài Linh, Sỹ Ben, Lam Trường v.v. cũng thành công nhờ những bài hát Hoa lời Việt.
Công chúng nhận xét đa phần nhạc Hoa rất trữ tình, nhẹ nhàng và giai điệu đẹp. Riêng đối với người Viêt, Canto pop cực kỳ dễ nghe vì nó cũng đi từ ngũ cung như nhạc Việt. Còn nói như GS Trần Văn Khê thì nhạc Việt chính là nhạc Hoa được... viết ngược lại.
Sự hồ hởi với nhạc Hoa tiếp tục phát huy sức mạnh khi Ưng Hoàng Phúc tách khỏi nhóm 1088 và thắng đậm liên tiếp. Nhạc Hoa lời Việt chỉ tạm xẹp xuống vào khoảng tháng 10/2004, khi công ước Berne thực thi tại VN. Người cuối cùng kịp thời ra được bộ đĩa nhạc Hoa lời Việt trong giai đoạn này là ca sĩ Minh Thuận với album 13 năm sau Chàng trai Bắc Kinh trở lại như một kết thúc tròn trịa cho thể loại nhạc nữa nạc nữa mỡ này.
Sự ảnh hưởng của công ước Berne vào nền âm nhạc trong nước rất rõ rệt. Muốn hát nhạc nước ngoài không còn chuyện "chùa" nữa. Phải đi lùng, đi săn, đi mò để mua. Công ty Thế giới Giải trí phải bỏ tiền mua bản quyền sử dụng hai ca khúc đang nổi tiếng của Hong Kong và đặt hàng 4 ca khúc mới toanh với giá 6.000 đô la Hong Kong (khoảng 800 USD). Sau đó, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương cũng mua được hai bài với giá 500 USD/bài.
Khi người Việt tự "nấu" nhạc Hoa
Ưng Hoàng Phúc - Phạm Quỳnh Anh hát nhạc Hoa do người Việt sáng tác
Vào Nhạc Việt nghe Ưng Hoàng Phúc hát.
Nói gì thì nói, dù vẫn có thể mua được với giá không đắt lắm nhưng giới nhạc trong nước bắt đầu tìm cách... đối phó.
Tại thời điểm cuối năm 2004, sự mất mát về nguồn nhạc Hoa và nhạc nước ngoài đã làm giảm lượng bài hit cho đến khi Duy Mạnh bắn phát súng chính thức, khôi phục nó bằng dòng nhạc Hoa do người Việt sáng tác.
Anh đầu tư một album toàn nhạc Hoa, viết sao cho thật giống và hát bằng cái giọng nhão nhẹt cho thêm phần ủy mị. Thế là nổi ngay! Bài Kiếp đỏ đen nổi tiếng nhanh không phải vì nội dung kêu gọi người nghe ngay tức khắc thói bài bạc mà vì âm điệu Hoa và chất giọng của Duy Mạnh bắt chước Hoa rất đạt. Điều này lý giải vì sao lượng công chúng của Kiếp đỏ đen gồm rất nhiều người chưa một lần thử trò cờ bạc. Chỉ đợi có vậy, hàng loạt ca sĩ, nhạc sĩ đùng đùng chạy đi viết nhạc Hoa.
Bài hát Vầng trăng khóc và Mộng thuỷ tinh đã đưa tên tuổi của nhạc sĩ vô danh Nguyễn Văn Chung từ bóng tối bước ra ánh sáng. Từ thành công này, tên tuổi của Nhật Tinh Anh "sống" lại sau bao nhiêu sóng gió thăng trầm. Còn Nguyễn Văn Chung tiếp tục viết hàng loạt những ca khúc theo công thức tương tự: Đêm trăng tình yêu, Ngôi sao tình nhân, và mới đây nhất, bài Cơn mưa bắt đầu tình yêu đã bước lên các bảng xếp hạng.
Duy Mạnh mở đường cho phong trào sáng tác nhạc Hoa
Vào Nhạc Việt nghe những sáng tác của Nguyễn Văn Chung và Duy Mạnh
Gần đây, ca sĩ nổi tiếng có chất giọng ổn định là Phan Đinh Tùng bỗng nhiên chuyển phong cách. So với 3 album trước, anh có những sáng tác riêng, dù chưa thành hit nhưng cũng có vị trí tốt trong lòng công chúng. Đến album thứ 4, Phan Đinh Tùng giới thiệu những bài hát mềm mại, diụ dàng, ướt át. Từ tiếng đàn, nhạc cụ, lẫn giọng hát hơi nhẹ đi, nghe cứ như một Duy Mạnh nào đó chứ không phải Phan Đinh Tùng mạnh mẽ ngày xưa.
Đến lượt nhạc sĩ Vũ Quốc Việt "biến" từ một nhạc sĩ đạo mạo, có uy tín trong việc sáng tác một số bài sâu lắng như Còn đó chút hồng phai cũng chạy theo nhạc Hoa, mọi việc có lẽ trở nên khó hiểu hơn. Không những phát hành luôn một album mang âm hưởng nhạc Hoa, anh còn chơi sốc bằng những ngôn từ đầu đường xó chợ để... dễ hiểu.
Năm 2000, nhạc sĩ Quốc An từng sáng tác bài hát Tình phiêu lãng theo đúng công thức nhạc Hoa, anh nói về kinh nghiệm viết nhạc Hoa như sau: "Nhạc Hong Kong hay còn gọi là Canto pop cũng pha trộn nhiều nhạc Mỹ. Mà nhạc VN của chúng ta vốn dĩ cũng ảnh hưởng nhiều từ nhạc Âu - Mỹ, nên việc sáng tác một bài hát giống như nhạc Hoa chỉ cần thêm một vài chất liệu nữa. Không có gì ghê gớm!" Sau sự thử nghiệm đầu tiên, bắt chước thật giống nhạc Hoa bằng bài hát Tình phiêu lãng, đến nay nhạc sĩ Quốc An không sáng tác thể loại này nữa vì anh muốn đi tìm bản sắc riêng.
Sự lên ngôi của những sáng tác bắt chước nhạc Hoa một lần nữa khẳng định "đôi tai công chúng" không phải là thước đo sự phát triển theo chiều sâu của một nền âm nhạc. Nhưng nói gì thì nói, đó là một lựa chọn thông minh của những ai theo đuổi dòng nhạc thị trường.
Thanh Chung