! Antonio Vivaldi
Nhạc sĩ của sắc màu và hy vọng
Source:vietnam.net
Giữa những ồn ào, náo nhiệt của ngày hôm nay, ta tìm đến với âm nhạc của Vivaldi như tìm về một khu vườn rợp mát, yên bình, tĩnh lặng, nơi con người có được những giây phút thư giãn hiếm hoi để tìm lại “nguồn năng lượng sống”, để con người trở nên thánh thiện hơn, nhân hậu hơn, lạc quan hơn…
Âm nhạc của Vivaldi là một “cõi thiền” thực sự, một trạm dừng chân…cần có cho nhân loại giữa thế kỷ 21 đầy âu lo, căng thẳng, ồn ào và nhiều biến động này.
Mozart của Venice
Cuộc đời của Vivaldi có rất nhiều điểm tương đồng với thiên tài âm nhạc Mozart, vì thế, sau này nhiều người đã gọi ông là Mozart của Venice.
Ông sinh ngày 04/03/1678 tại Venice, từ nhỏ ông học nhạc với cha, một nhạc công Violin của nhà thờ Saint Mark. Cha Vivaldi vẫn thường cho ông cùng biểu diễn trong các buổi hòa nhạc tại nhà thờ, tại đó, ông đã bộc lộ tài năng bẩm sinh từ rất sớm. Ông chơi được nhiều nhạc cụ khác nhau. Sau khi tốt nghiệp trường dòng năm 1703, ông trở thành giáo viên âm nhạc cho một trường dành cho những bé gái mồ côi và ông đã gắn bó với ngôi trường này gần như suốt cuộc đời mình (đến năm 1740). Trong thời gian ấy, ông sáng tác, giảng dạy và cùng với học sinh biểu diễn những tác phẩm của mình. Từ năm 1813, Vivaldi mở rộng lĩnh vực sáng tác sang Opera và tổ chức các buổi biểu diễn Opera trong và ngoài nước. Vivaldi mất ngày 28/07/1741 tại Vienna, để lại một khối lượng tác phẩm khổng lồ gồm hơn 500 bản Concerto, 70 bản Sonata, 45 vở Opera, những ca khúc sáng tác cho nhà thờ như Oratorio, Motet…
Cũng như Mozart, Vivaldi chết trong im lặng, toàn bộ tác phẩm của ông bị phát tán khắp nơi và rơi vào quên lãng…Có một chi tiết khá lý thú, trong đám tang ông có sự tham dự của Joseph Haydn (một nhạc sĩ tài ba của nhân loại), khi ấy còn là một chú bé hát trong dàn đồng ca tang lễ.
Hai trăm năm quên lãng và cuộc trở về
Trong suốt gần hai trăm năm sau đó, các tác phẩm của ông hầu như không được biểu diễn và rất nhiều bản thảo âm nhạc của ông nằm yên bám bụi trên ngăn tủ của các gia đình quý tộc và các nhà sưu tầm đồ cổ…Có thể nói nhạc sĩ người Đức Sebastian Bach là một trong những người đã “phát hiện lại” Vivaldi và âm nhạc của ông. Trong quá trình nghiên cứu và sáng tác, Bach đã gặp một số tác phẩm bị bỏ quên của Vivaldi, phần lớn là dưới dạng sơ thảo, ông đã bắt tay hoàn chỉnh các tác phẩm này. Dấu ấn Vivaldi trong âm nhạc của Bach là một điều không khó nhận ra.
Từ những năm 20 của thế kỷ trước, Vivaldi đã thực sự quay về bằng một chuỗi các sự kiện rất đáng ngạc nhiên – các tác phẩm của ông bất ngờ được phát hiện trong những lần di chuyển, dọn dẹp của các nhà sưu tầm, buôn bán đồ cổ với sự góp sức của các tên tuổi như: Arnold Schering, Karl Straude, Ludwig Landshoff, Afred Einstein và Wolfgang Forner.
Sau gần hai trăm năm im lặng, những giai điệu tuyệt vời của âm nhạc Vivaldi đã ngân lên, chinh phục trái tim người yêu âm nhạc, khẳng định vị trí không gì có thể thay thế được của ông trong dòng nhạc cổ điển của nhân loại.
Âm nhạc của sắc màu và hy vọng
Đến với nhạc Vivaldi, ngoài âm thanh quyến rũ, ta còn ngỡ như đang được ngắm nhìn những bức tranh thiên nhiên rực rỡ sắc màu. Khái niệm màu sắc trong âm nhạc thể hiện khá đậm nét trong âm nhạc của Vivaldi, có người gọi ông là họa sĩ dùng âm thanh tạo nên sắc màu thiên nhiên, đẹp chẳng kém gì Levitan mô tả thiên nhiên Nga trong những bức tranh: Mùa thu vàng, Tháng ba, Nơi yên tĩnh đời đời…
Bản giao hưởng bốn mùa của Vivaldi mãi là những giai điệu trác tuyệt đưa tâm hồn ta bay bổng, đưa ta đến với thiên nhiên tươi đẹp của vùng bắc Ý Lombardy và Venice quê hương ông. Mỗi người cảm nhận âm nhạc Vivaldi theo một cách riêng, nên không có gì lạ khi có đến hàng trăm cách thể hiện khác nhau bản giao hưởng bốn mùa của nhiều dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới. Âm nhạc của ông là tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu thương những con người bất hạnh mà cuộc đời ông là một minh chứng…
Khu vườn yên tĩnh giữa thế kỷ đầy biến động
Giữa những ồn ào, náo nhiệt của ngày hôm nay, ta tìm đến với âm nhạc của Vivaldi như tìm về một khu vườn rợp mát, yên bình, tĩnh lặng, nơi con người có được những giây phút thư giãn hiếm hoi để tìm lại “nguồn năng lượng sống”, để con người trở nên thánh thiện hơn, nhân hậu hơn, lạc quan hơn…Âm nhạc của Vivaldi là một “cõi thiền” thực sự, một trạm dừng chân…cần có cho nhân loại giữa thế kỷ 21 đầy âu lo, căng thẳng, ồn ào và nhiều biến động này.
Double Cello Concerto
Flute Concerto No.3
Winter
Summer
Autumn
Spring
etc....