Thứ Bảy, 06/05/2006, 10:03
“Hậu tuyệt thực”- chuyện bây giờ mới kể
TPCN - Ngày 29/4, sau khi ngừng tuyệt thực, chị Thái “mỏi mòn” chờ đợi một quyết định mang tính đột phá. Nhiều thư đi tin lại, nhiều đoàn đến thăm viếng, đàm phán nhưng tất cả đều chỉ dừng ở mức thăm dò và những điều khoản trong QĐ 32.
Gay cấn đến phút chót
Nghị định này có “không công nhận khiếu kiện chị Thái bị buộc thôi việc” vẫn luôn được đặt lên bàn như một điều kiện tiên quyết.
Sáng ngày 5/5 đại diện của ĐHKHTN và ĐHQG HN lại đến làm việc tại nhà chị Thái. Chuyện vẫn không có gì tiến triển.
Chị Thái kể lại: “Tôi thấy mình cần có một quyết định kiên quyết hơn. Sau khi tham khảo ý kiến của các luật sư, tôi cho rằng nếu vụ việc cứ tiếp tục diễn ra thế này, tôi sẽ khởi kiện ĐHQG HN ra tòa án hành chính. Tôi đã mua một máy tông-đơ điện và dự định sẽ dùng nó cắt trụi tóc, để lại trên đầu duy nhất hai con số “32”, đội đơn đến tòa. Như đã nói trước kia, tôi sẽ phản đối QĐ 32 đến cùng”.
Sau khi được thông báo quyết định không kém phần “cực đoan” này, đại diện của ĐHQG HN đã lập tức gọi điện thoại báo cáo lãnh đạo. Khoảng nửa giờ sau, ông Đào Trọng Thi đích thân tới gặp chị Thái.
Trước kia hai người đều là “dân” Lômônôxốp (cùng học ở trường ĐH Tổng hợp Matxcơva); từ khi xảy ra vụ việc, đây là lần đầu tiên ông Thi tới nhà chị Thái. Khiếu kiện kéo dài hơn 7 năm nhưng cuộc gặp với người lãnh đạo cao nhất của ĐHQG chỉ diễn ra trong vòng nửa tiếng đồng hồ là mọi việc được giải quyết.
Ông Đào Trọng Thi bắt tay chị Thái: “Nguyện vọng của chị được chấp nhận. Ngay trong chiều nay, tôi sẽ ra quyết định mới”.
Khoảng 3h chiều cùng ngày, đại diện ĐHQG HN đã đến trao quyết định mới - quyết định số số 419/QĐ-TCCB ông Đào Trọng Thi, UV TƯ Đảng - GĐ ĐHQG HN đã giao cho ĐHKHTN làm thủ tục khôi phục lại toàn bộ quyền lợi chính đáng của chị Nguyễn Thị Thái... Vụ khiếu kiện kéo dài 7 năm, làm tốn rất nhiều giấy mực đã tạm kết thúc.
Ở góc độ nào đó, quyết định này đã cứu sống một mạng người, thể hiện cách ứng xử nhân văn trong những khiếu kiện dân sự. Tuy nó đến khá muộn màng nhưng là một quyết định hợp lòng người, được dư luận hoan nghênh.
Từ vụ việc trên, có thể những bài học kinh nghiệm bổ ích sẽ được rút ra trong cách giải quyết các vụ việc tranh chấp kéo dài, gây nên những hậu quả hoàn toàn có thể tránh.
Cầm quyết định trên tay, chị Thái rơi nước mắt. 7 năm và nửa tiếng đồng hồ ! Cho dù luôn tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của chính nghĩa thì ngày ấy đến với chị Thái vẫn đột ngột. Chưa lúc nào chị cảm thấy mệt như lúc này...
Đầu tiên là phục hồi sức khỏe
Chúng tôi hỏi: “Tình trạng sức khỏe của chị bây giờ thế nào?”.
“Tôi vẫn còn rất mệt. Những ngày mới tuyệt thực, có một người bạn đến hướng dẫn tôi phương pháp nhịn ăn mà vẫn kéo dài được sự chịu đựng của cơ thể. Đó là: tránh di chuyển tối đa, không được đọc sách, xem TV, không nói chuyện, hạn chế làm việc trí óc, không đánh răng (thuốc đánh răng có thể gây kích thích tới dạ dày), không xúc miệng bằng nước muối, không được tắm (mất nhiệt, dễ ốm)v.v... Thế nhưng hầu như tôi chẳng thực hiện được điều nào.
Tôi nhịn ăn không phải để chữa bệnh hay thí nghiệm mà để đấu tranh. Hầu như ngày nào tôi cũng tiếp khách từ sáng sớm đến tận nửa đêm. Tôi phải trả lời điện thoại, sao chụp, in ấn văn bản giấy tờ suốt ngày. Trong thời gian này tôi đã làm thêm 40 bộ hồ sơ liên quan đến những oan ức của mình, mỗi bộ gồm 4 quyển, mỗi quyển dày hàng trăm trang...
Với sức khỏe của mình, tôi nghĩ có thể dễ dàng nhịn ăn từ một tháng trở ra. Nhưng vì phải làm việc với cường độ cao như vậy, đến ngày thứ 17, tôi gần như kiệt quệ. Điều này xin nói thật, không phải để ca ngợi các nhà báo: Nếu ngày thứ 20 tôi không được đọc báo, để biết rằng lời cầu cứu của mình đã thấu tới công luận và nhận thấy mình cần có những điều chỉnh phù hợp, mà ngừng tuyệt thực thì có lẽ bây giờ tôi đã...”.
“Và thế là mọi việc thành dang dở chỉ vì một phương pháp đấu tranh quá cực đoan?”.
“Không hẳn như vậy. Năm 2001, khi phát hiện ra mình bị sa bẫy, 3 tháng ròng, cứ nghĩ đến nỗi oan ức tôi lại khóc ròng, mắt gần như bị mù. Một người quen của tôi trước kia làm trong ngành SBS (săn bắt cướp) cũng từng gặp cảnh oan sai, nhưng anh đã không chứng minh được sự trong sạch của mình nên thậm chí đã phải ngồi tù.
Anh đã truyền cho tôi kinh nghiệm xương máu: để tự bảo vệ, không bao giờ được bỏ đi bất cứ chứng cứ nào, dù là nhỏ nhất. Những chứng cứ tôi thu thập đã được tin học hóa và lưu trữ cẩn thận. Nói dại, nếu chẳng may tôi có bề nào thì vẫn sẽ có người tiếp tục đấu tranh cho tôi...”.
“Chế độ dinh dưỡng của chị hiện nay ra sao?”.
“Sau khi ngừng tuyệt thực, 2 ngày đầu tôi chỉ uống nước gạo rang. Từ ngày thứ 3 trở đi tôi bắt đầu ăn cháo gạo lức nấu với sữa. Các bữa phải chia nhỏ, ăn từ từ, cách 3 tiếng ăn/lần theo chế độ của em bé”.
“Bao nhiêu lâu nữa chị mới trở lại bình thường?”.
“Thông thường thì khoảng 1 tháng. Nhưng vì tôi vẫn phải làm việc với cường độ cao nên cơ thể phục hồi rất chậm. Nói chuyện liên tục khoảng 1 tiếng đồng hồ là thấy tai ù, mờ mắt, những khi mệt quá, vẫn phải thở bằng bình ôxy. Ưu tiên hàng đầu lúc này là sức khỏe...”.
Nghĩ đến tương lai
Chúng tôi hỏi: “Nguyện vọng của chị bây giờ?”.
“Tôi muốn được trở về khoa Hóa tiếp tục giảng dạy”.
“Nhưng thời gian gián đoạn lâu thế, về mặt chuyên môn có vấn đề gì không?” - “Tôi tin tưởng mình sẽ bắt kịp nhanh vì kiến thức đang dạy trong trường hiện nay mới chỉ là một phần nhỏ những gì chúng tôi được học ở Lômônôxốp trước kia. Cách đây nhiều năm, tôi từng đề nghị sử dụng video, máy vi tính để mô phỏng các thí nghiệm, khắc phục khó khăn về thiết bị thí nghiệm trong trường ĐH của chúng ta. Quan điểm này ngày ấy không được chia sẻ. Hy vọng bây giờ mọi việc đã khác đi và tôi sẽ có điều kiện triển khai ý tưởng của mình”.
“Trở về khoa Hóa, nơi từng có nhiều “ân oán” với mình, về mặt quan hệ, liệu có trở ngại gì không?”.
“Với những người cá tính cương trực thì ở đâu cũng có người yêu, kẻ ghét. Gần 20 năm gắn bó với khoa Hóa, đừng nghĩ tôi chỉ có mâu thuẫn với một số người làm công tác quản lí thời bấy giờ đâu, tôi còn có rất nhiều người bạn thực sự đồng cảm và hiểu mình”.
“Đã bao giờ chị nghĩ sẽ tìm một công việc khác?”.
“Hôm qua tôi vừa nói đùa với ông Đỗ Xuân Đông, Chánh thanh tra Bộ Nội vụ: “Hay anh cho em về Bộ làm công tác thanh tra?”. Ông Đông giơ tay bắt: “Đồng ý ngay. Chúng tôi sẽ giao cho chị phụ trách giải quyết những vụ khiếu kiện kéo dài!”.
Tuy chỉ là nói vui, nhưng suốt 7 năm đi đấu tranh, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Chính qua những tích lũy này mà tôi hiểu ra rằng, người giải quyết khiếu nại, tố cáo cần nhất phải có TÂM, có sự đồng cảm, không, chỉ cần không vô cảm trước nỗi oan ức của người bị hại thì chẳng khiếu kiện nào không giải quyết được.
Nhưng tôi yêu nghề sư phạm, ra đi từ đâu, tôi vẫn muốn trở về nơi đó. Lẽ dĩ nhiên, nếu thấy công việc không phù hợp, tôi sẽ cân nhắc đến những cơ hội khác”.
Vẫn tiếp tục công việc cũ: dạy tiếng Anh cho trẻ em
Trong một lần trao đổi, chị Võ Hạnh Phúc (con gái đại tướng Võ Nguyên Giáp, trước kia cùng học ở Lômônôxốp với chị Thái và là người đã thường xuyên gặp khuyên giải, giúp đỡ chị Thái trong thời gian tuyệt thực), đã nói với tôi: “Đừng nghĩ rằng 7 năm qua Thái chỉ ở nhà đội đơn đi kiện cáo nhé. Chị ấy vẫn tiếp tục làm nghề sư phạm tại gia. Thái là một cô giáo dạy tiếng Anh cho học sinh phổ thông có tiếng ở Hà Nội đấy”.
Chúng tôi hỏi chị Thái: “Làm thầy cô giáo mà không được dạy, hẳn chị rất đau lòng?”.
Chị Thái: “Khi bị buộc ra khỏi biên chế, tôi rất buồn nhưng vẫn có ý định phấn đấu trở lại... biên chế. Tôi hỏi ông Nguyễn Văn Mậu, Hiệu trưởng trường ĐHKHTN: “Nếu em viết đơn xin về trường làm việc lại từ đầu thì thế nào?”. Ông Mậu trả lời: “Chị sẽ phải trải qua 2 năm thực tập như một SV mới ra trường rồi mới được xét vào biên chế”.
Thật vô lý, một giáo viên có thâm niên giảng dạy 20 năm mà bây giờ lại trở thành một SV thực tập! Tôi lại xin đi dạy miễn phí cho khối chuyên Sinh vì khi ấy con trai tôi đang học ở đây, trong đội tuyển đi thi quốc gia và quốc tế.
Ở khối chuyên Sinh, người ta yêu cầu tôi lên bộ phận đào tạo của trường ĐHKHTN để kiểm tra ngoại ngữ. Những người ở bộ phận đào tạo ngạc nhiên: “Chị mới học ở Úc về, trình độ chúng em làm sao mà kiểm tra nổi chị. Đây cũng là lần đầu tiên chúng em nhận được lệnh kiểm tra ngoại ngữ kiểu này”. Tôi biết người ta đang tiếp tục gây khó khăn.
Xin đi dạy không công mà còn không được, tôi đành về nhà tiếp tục việc dạy ngoại ngữ cho các cháu nhỏ”.
“Được biết, lớp ngoại ngữ của chị có khá nhiều em đã thành công?”.
“Khi các cháu được giải, phụ huynh đến cảm ơn, bao giờ tôi cũng nói: 50% là của các cháu, 30% của cha mẹ, tôi chỉ nhận 20% đã là hơi quá nhiều rồi. Nếu không có những người bố, người mẹ hàng ngày chở con đi học từ Cầu Giấy, Nghĩa Tâm, có người từ bên kia sông Hồng tới nhà tôi, bền bỉ không kể mưa gió, nắng nôi; nếu không có lòng ham mê học tập của các em thì làm sao có thành công hôm nay?”.
“Bí quyết của chị là gì?”.
“Tôi không dạy để các cháu trở thành những học sinh chuyên ngữ. Học sinh của tôi hầu hết đều khá giỏi một môn nào đó. Tôi chỉ trang bị cho các cháu tiếng Anh như một công cụ vào đời, để thi lấy học bổng, để đi du học, thậm chí có thể sống và hòa nhập khi đến một nước nói tiếng Anh”.
“Chị có thể nêu tên một số em tiêu biểu?”.
“Thời gian gần đây có em Hoàng Thị Kim Liên, học sinh lớp 5 đã được cử sang Indonesia thi toán làm hoàn toàn bằng tiếng Anh và em đã đoạt giải Nhất. Gần hơn nữa có em Vũ Hoàng Nghĩa, cũng học lớp 5 vừa đoạt giải nhất tiếng Anh toàn thành phố Hà Nội...”.
“Nếu chị trở lại ĐHKHTN công tác, việc dạy tiếng Anh cho các em học sinh có bị gián đoạn?”.
“Không. Từ trước đến nay, việc dạy học vẫn tiến hành ngoài giờ. Nó chỉ bị gián đoạn trong thời gian tôi tuyệt thực”.
*
Chúng tôi hỏi chị Thái trước khi chia tay: “Vừa trải qua một “kiếp nạn” như vậy, tâm trạng của chị lúc này thế nào?”.
“Tôi thấy mình như đứa trẻ lên một (không chỉ trong chuyện ăn uống đâu) và đang bắt đầu một cuộc đời mới. Người thân, gia đình, bạn bè, các cơ quan công luận đã khai sinh lại cho tôi. Tôi cảm thấy mình trở thành một người hoàn toàn khác.
Trước đây tôi chỉ nghĩ nhiều đến bản thân, dễ vui, dễ buồn, yêu ghét không thể giữ được trong lòng; còn bây giờ mình đã chín chắn lên rất nhiều. ở tuổi 50 mà nói ra điều này kể cũng hơi buồn cười, nhưng sự thật là như vậy. Chuyện yêu ghét lúc này thật nhỏ bé và vô nghĩa. Tôi đã có thêm rất nhiều người bạn thực sự, đã chia sẻ, giúp đỡ tôi vượt qua những lúc tưởng như cận kề với cái chết”.
Minh Vũ, cậu con trai lớn đang học thạc sĩ ở Úc mới bay về thăm mẹ những ngày tuyệt thực cuối cùng. Cậu đang hoàn thành ước mơ mà mẹ đành để nhỡ khi không kịp hoàn thành khóa học thạc sĩ, phải về nước trước thời hạn để lo chữa bệnh cho con mình. Chúng tôi nói đùa: “Đồng chí này cũng có công to trong việc chăm sóc mẹ đây!”. Vũ bẽn lẽn cười còn chị Thái thì công nhận: “Những lúc khó khăn, không gì bằng cảm giác có thêm một người thân ở bên cạnh!”.
5/5/2006
Việt Khôi