Dạo này ít lướt web, cũng không để ý lắm đến cách ăn nói của thanh niên bây giờ.
Dạo trước, có một đợt, cái thứ mà người ta hay gọi với một cái tên đầy thân thương và khoan dung là : " giới trẻ", vâng " giới trẻ" nghĩ ra một kiểu ăn nói, một cách ứng xử mới. Tất cả các từ như "biết","rồi","chết"... được chuyển thành "bít", "rùi", "chít". Không hiểu cái "giới trẻ" ấy nghĩ thế nào, riêng tớ, không hiểu có trẻ hay không, mà tớ khó có thể chấp nhận cái cách ăn nói kiểu đấy. Giá mà "giới trẻ" đấy biết, tự hào quốc gia, việc nhỏ nhất, là tự hào và nâng niu những con chữ, những âm thanh mà mình đang viết, đang nói hàng ngày.
Từ dạo trước đấy đến nay, ngày lại ngày, lại càng có nhiều biến thể, "bạn" thành "b*n" ( tớ cũng không hiểu tại sao một mĩ từ như "bạn" lại được chuyển thành một từ như thế, hình như xã hội thay đổi, và vị thế của người bạn cũng thay đổi theo thì phải), rồi "mặt" thành "mẹt" ( tớ lại càng không hiểu, cái "mặt" sao lại ví với cái "mẹt" được? không hiểu lòng tự trọng để đi đâu nữa ).
Giờ đây thì cái thứ tiếng Việt của "giới trẻ" ấy nó đi quá xa rồi, không còn chỉ đơn giản là biến đổi âm điệu, họ còn sẵn sàng thay đổi đi cả từ ngữ: hok (hog) là không. Cái này thì quả thực không-thể-nào-hiểu nổi. Nhớ lại ngày xưa, để có được bảng mẫu tự latin và tiếng Việt như bây giờ, biết bao ông đồ đã phải bỏ nghiên mực, biết bao nhà thư pháp đã phải đổi nghề, thế mà giờ đây, "giới trẻ" lại không biết nâng niu, không biết trân trọng nó.
Tiếng Việt, thứ tiếng kì lạ với 5 loại dấu; cùng â,ă,ơ... là một trong những ngôn ngữ hay nhất trên thế giới. "Giới trẻ" ấy chắc không thể ngờ rằng thứ ngôn ngữ ngày ngày mình vẫn được nghe, khi ra nước ngoài, người dân nước ngoài coi đó là tiếng hát - chỉ nói bình thường thôi nhé, cũng đã giống như một bài hát rồi. Mỗi khi viết tên mình, lại tự hào đặt thêm những dấu sắc, nặng, hỏi ngã, vì đấy là một phần của tên, một phần của ngôn ngữ, một phần của đất nước, sao cứ phải bắt chước ai đó mà bỏ đi ( Lê Hoàng Giang chứ không phải Le Hoang Giang, mặc kệ những thứ qui định bỏ dấu bởi chẳng có qui định nào bằng lòng tự hào dân tộc). Cứ tiếc tại sao người Việt ta cứ phải đi tìm những thứ lai căng, nửa nọ nửa kia mà quên đi giá trị chân chính của chính những gì quen thuộc nhất. Lại nói lại một lần nữa, yêu nước là yêu từ những điều bình dị nhất.
Vậy mới biết, "giới trẻ" cũng có năm ba loại, không cứ chụp mũ cho ai hết được.
Thân
Lê Hoàng Giang