Các nhóm lợi ích ở VN

Đoàn Trang
(Ms_Independent)

Điều hành viên
Nhóm lợi ích

Trong nền kinh tế-chính trị của Việt Nam, một đám mây đen đang lớn dần phía chân trời: mây đen của chính trị nhóm lợi ích. Nó là căn bệnh được lập trình sẵn của mọi nền kinh tế thị trường, nhất là các nền kinh tế chuyển đổi. Việt Nam cũng không là ngoại lệ, và không có lựa chọn nào khác là phải đối diện và chuẩn bị hứng chịu những cơn gió lạnh của chính trị nhóm lợi ích.

Kể từ các nghiên cứu đột phá vào thập niên 1950, lý thuyết về nhóm lợi ích đã đem lại hiểu biết sâu sắc về nhà nước, trở thành xương sống của phân tích chính sách hiện đại. Các nhà kinh tế đã từ bỏ niềm tin ngây thơ về một nhà nước “vô tư” và “nhất quán”, có thể can thiệp để “định hướng” và tránh những thất bại của thị trường. Ngày nay, người ta hiểu rằng các chính sách chịu ảnh hưởng bởi sự tranh giành và thỏa hiệp giữa các nhóm lợi ích-quyền lực.

Các nhóm lợi ích là gì?

Đằng sau các chính sách của nhà nước, (chẳng hạn, bảo hộ công nghiệp ô tô), luôn có những nhóm người hưởng lợi (các tập đoàn sản xuất ô tô trong nước) và những nhóm bị thiệt thòi (người tiêu dùng, các nhà nhập khẩu). Các nhóm này có xu hướng liên kết lại thành các nhóm/tập đoàn lợi ích để cùng nhau gây ảnh hưởng lên chính sách theo hướng có lợi nhất cho mình. Các nhóm lợi ích không có mục tiêu giành quyền lực, mà gây ảnh hưởng “mềm” tới các quan chức và bộ máy nhà nước để có được đặc quyền.

Khác với các vụ hối lộ đơn lẻ của các cá nhân, nhóm lợi ích có khả năng tồn tại lâu dài, và bắt rễ rất sâu và rộng vào bộ máy nhà nước. Họ muốn hai thứ từ nhà nước: các đặc lợi từ chính sách (thuế, trợ cấp, bảo hộ, quyền độc quyền v.v.), và sự ưu ái của các quan chức thực thi chính sách (các hợp đồng với nhà nước, sự bảo kê v.v.). Các công cụ mà nhóm lợi ích sử dụng rất đa dạng. Ở phương Tây, họ sử dụng các phương thức hợp pháp, từ vận động hậu trường, tài trợ cho việc lập chính sách đến vận động phiếu bầu, phản đối qua công luận v.v. Các nền chính trị không minh bạch là môi trường thuận lợi cho một hình thức vận động hiệu quả nhất: hối lộ và mua chuộc quan chức.

Có thể chia ra hai loại: nhóm lợi ích công, vận động cho lợi ích của một số đông hoặc toàn xã hội như bảo vệ môi trường, các công đoàn, hội nông dân v.v. và nhóm lợi ích tư, chỉ vận động cho lợi ích cục bộ của một số rất nhỏ các thành viên (như các doanh nghiệp trong một ngành đòi bảo hộ cho mình v.v.).

Thách thức lớn nhất với bất kì một nhóm lợi ích nào là vượt qua vấn đề “người ăn ké” (free rider). Trong khi việc tác động lên chính sách (ví dụ, nâng thuế nhập khẩu ô tô cũ) luôn tốn kém, khi một chính sách thông qua thì cả nhóm được hưởng lợi, bất kể một thành viên có đóng góp cho việc tác động đó hay không. Vì thế, chính những nhóm lợi ích tư, số lượng nhỏ nhưng có khả năng thu lợi lớn từ việc bóp méo chính sách lại thường có khả năng cấu kết trong những hành động chung, chiến thắng cả những đám đông to lớn. Như trường hợp Zuellig Farma độc quyền giá thuốc, hàng chục triệu người tiêu dùng đã thất bại đau đớn trước một công ty ngoại quốc.

Có 2 điều kiện cơ bản về cung và cầu để chính trị nhóm lợi ích hình thành. Về phía cầu: trong xã hội hình thành những thế lực kinh tế lớn, cấu kết chặt chẽ và có rất nhiều tiền để mua chính sách hay sự bảo kê. Các thế lực này thường là các đại công ty (bất kể là quốc doanh, tư bản nước ngoài hay tư nhân), hay các tập đoàn tội phạm kinh doanh các ngành bị cấm nhưng mang lại lợi nhuận siêu ngạch (ma túy, cờ bạc, cho vay nặng lãi v.v.). Về phía cung: nhà nước yếu và bị chia rẽ, các chính trị gia và công chức sẵn sàng bán mình cho đồng tiền.

Sự trỗi dậy của các tập đoàn lợi ích ở Việt Nam

Trong nền kinh tế tập trung ở Việt Nam trước đổi mới, không còn tồn tại các thế lực kinh tế độc lập, đủ lớn để chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách, và đủ mạnh để ảnh hưởng lên quyết định của nhà nước. Về phía cung, nhà nước trung ương tập quyền thời đó rất mạnh, khiến sự ảnh hưởng để thay đổi chính sách (dù là có lợi cho dân chúng) cũng rất khó khăn. (Xem loạt bài “Đêm trước đổi mới” đăng trên Tuổi trẻ Online).

Nhưng nền kinh tế thị trường càng lớn thì lợi ích thu được từ việc ảnh hưởng chính sách trở nên khổng lồ. Đương nhiên, ai trong cuộc chơi của thị trường cũng đều cảm nhận rất rõ điều này. Vì thế, các đại gia tư bản nước ngoài nhảy vào Việt Nam ngay sau khi mở cửa. Nhà nước thì chủ tâm xây dựng các tổng công ty. Các đại gia tư nhân dù chậm chân cũng đang hình thành. Các tập đoàn tội phạm lớn nhanh. Tất cả đều ra sức thâm nhập vào bộ máy nhà nước để giành đặc lợi.

Mặt khác, bộ máy nhà nước cũng ngày càng phân hóa theo các lợi ích đa dạng (địa phương, ngành v.v.), trở thành người đại diện của các nhóm lợi ích khác nhau. Một ví dụ điển hình của sự phân hóa là các ngành quan trọng đều có những ảnh hưởng riêng, đòi hỏi riêng mà chính sách đàm phán gia nhập WTO không thống nhất. Tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển là ví dụ điển hình của tình trạng phân hóa này: "Mỗi ngành khi đi đàm phán đều có phương án đàm phán riêng của mình mà Trưởng đoàn đàm phán không biết"

Điểm mặt vài nhóm lợi ích ở Việt Nam

Các tập đoàn lợi ích nhân danh gì và thực sự vì ai? Họ thường nhân danh lợi ích quốc gia, nhưng thực tế thì thường vì lợi nhuận của chính họ. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) là một tập đoàn lợi ích như thế. Được hưởng đặc lợi từ tầng tầng lớp lớp thuế và lệnh cấm đánh vào ô tô nhập khẩu, giá ô tô sản xuất ở Việt Nam luôn cao gấp 2 đến 3 lần so với các nước. Dù thế, VAMA vẫn thường cùng nhau nâng giá rất đặc trưng của các cartel công nghiệp .

Mười một “đại gia" FDI trong VAMA vẫn đang cầm trịch thị trường ô tô. Có hãng ô tô nào khi đến một nước đang phát triển mà lại không vẽ ra viễn cảnh một ngành công nghiệp ô tô “hoành tráng” sánh ngang với Hàn Quốc vài thập kỉ trước? Rốt cuộc, lợi ích dân tộc là gì sau mười bốn năm hi sinh lợi ích người tiêu dùng để ưu đãi các nhà tư bản (từ năm 1992 đến nay)? Dù luôn hứa hẹn nội địa hóa lên 30-40% trong vòng 10 năm, đến nay tỷ lệ nội địa hoá mà các DN thực hiện mới chỉ đạt 2-10%. Dường như cầu ngoại viện bằng bảo hộ vẫn thường đưa đến những giấc mơ không thành về “công nghiệp mũi nhọn”, sau khi mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà tư bản nước ngoài (và có thể cả những khoản lợi không nhỏ cho các quan chức ủng hộ nó). Dẫu sao, với ván bài ô tô, người cầm trịch cuối cùng vẫn là chính phủ Việt Nam. Miễn là các quan chức liên quan không bị ảnh hưởng bởi tập đoàn lợi ích hùng mạnh kia.

Vụ Zuellig Farma Vietnam (ZFV) lại cho thấy sức mạnh trường tồn của các nhóm tư bản nước ngoài và quyền năng khuynh đảo của họ với thị trường thuốc nhỏ bé của Việt Nam. ZFV là đại diện độc quyền của 27 hãng dược phẩm hàng đầu thế giới, từng phân phối 157 dòng thuốc ở Việt Nam. Trong nhiều năm, ZFV liên tục nâng giá thuốc, có loại tăng tới 60% một năm. Việc Bộ Y tế không “phát hiện” sự lũng đoạn thị trường của ZFV cho đến khi báo chí phanh phui, cũng như sự cố khởi tố phóng viên Lan Anh (báo Tuổi trẻ) về tội “tiết lộ bí mật nhà nước” cho thấy thế lực ngầm của ZFV. Nhưng việc Bộ Y tế rút quyền phân phối thuốc của ZFV sau đó đã chứng tỏ công ty ngoại quốc chưa kịp bám rễ vào cơ quan công quyền.

Dù sao, dẫu có mất quyền phân phối thì thế độc quyền của ZF vẫn không suy chuyển. (Các nhà nhập khẩu thuốc không thể mua được thuốc từ các hãng bào chế đã có số đăng kí cấp cho Zuellig Farma). Quyền lực của các công ty dược phẩm khổng lồ vượt quá phạm vi một quốc gia, lợi ích của nó được các nước giàu bảo vệ nhiệt thành. Và các nước nghèo sẽ còn phải đương đầu với chúng trong nhiều thập kỉ tới.

Ngược lại, vụ Năm Cam thực chất là sự thâm nhập của một tập đoàn tội phạm kinh doanh ngành công nghiệp cờ bạc với lợi nhuận siêu ngạch vào các quan chức có thể bảo kê cho nó. Tồn tại trong hơn một thập kỉ, xây dựng được tiềm lực tài chính to lớn, tập đoàn này đã cắm vòi của nó vào hàng ngũ quan chức cao cấp trong cả hành pháp, tư pháp, công tố và báo chí. Bị báo chí phanh phui, bị bắt lần đầu vào năm 1995 nhưng Năm Cam vẫn bành trướng tập đoàn của mình trước khi nó bị đập tan vào 2002. Điều này cho thấy sự dai dẳng của các mối quan hệ giữa các quan chức với các tập đoàn lợi ích, một khi họ đã nhúng chàm.

Vụ đưa nâng khống giá thiết bị bưu điện lên vài chục lần, gây thiệt hại hơn 40 tỉ đồng của Nguyễn Lâm Thái (năm 2005) lại cho thấy một lối tiến hóa ngược của các nhóm lợi ích. Ở đây, quyền lực thiếu kiểm soát đã đỡ đẻ cho nhóm lợi ích. Thái vốn không có tiềm lực tài chính. Nhờ vào quan hệ với các bưu điện ở miền Trung và miền Nam và với các cán bộ ở Trung tâm kiểm định giá (Bộ Tài chính), Thái đã tạo ra một mạng lưới các công ty con để trục lợi. Các “công ty sân sau” này được tạo ra để chuyển quyền lực hành chính (quyền định giá, quyền mua thiết bị không qua đấu thầu) thành tiền, là kết quả chứ không phải là nguyên nhân của sự lạm quyền.

Vụ tham nhũng khổng lồ từ việc mua bán thầu xây dựng các công trình của Petro Việt Nam cho thấy các nhóm lợi ích hình thành trong ruột của các đại công ty do nhà nước hậu thuẫn. Các ngành công nghiệp quy mô lớn và mang tính kĩ thuật cao (dầu khí, viễn thông, ngân hàng, công nghiệp quốc phòng v.v.) thường được coi là thiên đường của tham nhũng. Những hợp đồng khổng lồ trị giá hàng chục triệu USD nằm ngoài tầm rà quét của báo giới và dân chúng do tính chất phức tạp và “nhạy cảm” của chúng. Chỉ có những công chức nằm sâu trong hệ thống đó mới biết rõ các ngóc ngách, đủ khả năng tạo ra các nhóm lợi ích rất nhỏ nhưng đủ sức móc rỗng ruột các tổng công ty hùng mạnh. Không cần dùng báo chí hay bất kì phương thức lobby ồn ào nào, chúng đi thẳng đến quyền lực thông qua con đường ngắn nhất: tiền. Trái tim của các tập đoàn tham nhũng như thế nằm trong chính hệ thống. Các doanh nghiệp bên ngoài chỉ được dựng lên nhằm hợp thức hóa những nguồn lợi họ đã nhắm từ trước.

Đương nhiên, các tập đoàn lợi ích hình thành, tiến hóa nhanh nhất và có tổ chức nhất trong những ngành béo bở nhất. Nhưng trong các mảng khác của đời sống xã hội, cuộc đấu giữa các nhóm lợi ích nhỏ hơn cũng không kém phần quyết liệt. Nhìn vào sự hình thành của Luật về Hội , sau một thập kỉ tranh cãi, người ta hiểu rõ rằng đây không đơn thuần là cuộc đấu tranh của các tổ chức xã hội đòi các cơ quan công quyền nới lỏng kiểm soát. Tiến trình còn chậm vì còn những nhóm lợi ích thủ cựu (vested interest) đang hưởng lợi từ nguyên trạng (được bao cấp) ngăn cản các nhóm khác. Có những hội có lịch sử lâu dài nhưng đang ngắc ngoải vì thiếu đường lối trong nền kinh tế thị trường tìm cách cản trở quá trình đổi mới. Đặc lợi của các nhóm này rất nhỏ so với những lợi ích của cải cách, nhưng những nhóm hưởng lợi lại không có cách nào “mua chuộc” được họ. Vì thế, các nhóm thủ cựu vận dụng mọi thứ, kể cả dựa vào ý thức hệ để bảo vệ lợi ích của mình.

Ngay trong hệ thống hành chính, cũng lại có những lợi ích khác nhau. Các địa phương muốn giành các dự án lớn về cho địa phương mình. Các ngành muốn giữ quyền cấp phép và kiểm soát, những cỗ máy in tiền cho ngành. Trong hệ thống giáo dục, các trường ĐH công lập vốn được hưởng các cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên lâu năm, vẫn tiếp tục vận động để hưởng trợ cấp hàng năm từ ngân sách.
 
Thuần dưỡng các nhóm lợi ích

Không nghi ngờ gì nữa, các nhóm lợi ích tư ở VN sẽ ngày càng lớn mạnh, ngày càng can thiệp sâu quá trình ra chính sách.

Với tiềm lực tài chính lớn và ở ngay sát nách với Nhà nước, nó tiến hóa và thích nghi với sự phát triển kinh tế còn nhanh hơn cả sự nhận thức của số đông công chúng hay các nhóm lợi ích công.

Những nhóm lợi ích mới sẽ tiếp tục hình thành từ trong nước và từ nước ngoài vào. Dù cuộc cạnh tranh giữa chúng sẽ tiếp tục mạnh lên, nhưng không có gì đảm bảo rằng quyền lợi của đại bộ phận dân chúng sẽ được bảo vệ. Nếu không sớm thừa nhận và chuẩn bị sống chung với nó, các nhóm lợi ích tư này có thể ngăn chặn cải cách hoặc làm quá trình cải cách tuột khỏi sự kiểm soát, tạo ra một xã hội được thống trị bởi thiểu số (orligarchy).

Tương lai của các nhóm lợi ích tư

Xin nêu ra một ví dụ trên lĩnh vực kinh tế. Một tương lai tồi tệ có thể xảy ra là các nhóm lợi ích (trong hay ngoài nước) cấu kết với các quan chức để chiếm lấy số tài sản khổng lồ được cổ phần hóa với giá rẻ như cho, như đã xảy ra ở Nga thời kỳ tư nhân hóa theo liệu pháp sốc. Sau khi trở thành các tập đoàn tài phiệt, họ quay trở lại thâu tóm nền chính trị dưới thời Tổng thống Yeltsin để tiếp tục giành lấy những đặc quyền kinh tế cho mình.

Cho đến nay, các nhà tài phiệt Nga vẫn còn nắm tới 72% doanh thu dầu thô, 92% kim loại màu và 71% ôtô ở quốc gia công nghiệp rất giàu tài nguyên này. Nước Nga phải trả giá bằng những bất ổn chính trị khi Tổng thống Putin cố gắng khống chế ảnh hưởng của các nhà tài phiệt lên nhà nước.

Một phần là do sự e ngại kịch bản này, quá trình cổ phần hóa của VN diễn ra chậm chạp. Nhưng cổ phần hóa chậm có thể chỉ trì hoãn chứ không tháo ngòi nổ của việc thâu tóm tài sản vào tay một số nhóm lợi ích tư này. Nhất định các nhóm lợi ích tư này mong muốn điều đó. Và nhất định là nếu sự thống nhất của Nhà nước bị lung lay trong khi pháp luật còn lỏng lẻo, sẽ không gì có thể ghìm cương được họ.

Ẩn số và lời giải

Các nhóm lợi ích là hệ quả của xu thế đa dạng hóa về lợi ích do phát triển đem lại. Vì thế, lời giải hoàn toàn không phải là be bờ chặn đứng dòng nước chảy xuôi, mà là tạo ra các kênh dẫn để chúng làm lợi cho xã hội và đẩy nhanh cải cách. Nếu có hành lang pháp lý cho hoạt động lobby và quá trình ra chính sách minh bạch, các nhóm lợi ích sẽ phải thuyết phục công chúng thay vì đầu tư vào các quan chức.

Để tránh sự phê phán từ các tổ chức bảo vệ môi trường, các hãng ôtô sẽ đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường, an toàn giao thông. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhóm lợi ích sẽ góp phần soi sáng những ảnh hưởng đa chiều của cải cách và những lỗ hổng trong cơ chế.

Trong môi trường thiếu minh bạch, những lỗ hổng trong cơ chế chính là nơi các nhóm lợi ích xoáy vào để thu lợi. Ví dụ: cơ chế bộ chủ quản đối với các doanh nghiệp, trường học tạo ra các nhóm lợi ích nằm ngay trong bộ máy nhà nước và có quan hệ quá mật thiết với cơ quan công quyền. Việc định hướng không rõ ràng và dứt khoát tạo ra lý cớ cho các nhóm lợi ích thủ cựu cản trở cải cách.

Quá trình lập chính sách chưa minh bạch (thiếu thông tin về quá trình soạn thảo, ban hành và thực thi lẫn đánh giá tác động tới các nhóm xã hội) còn tạo cơ hội “đi đêm” của một vài nhóm lợi ích với các quan chức. Việc lấp những lỗ hổng này đã dần trở thành một nội dung chính của việc đẩy mạnh đổi mới ở nước ta.

Từ quan điểm của lý thuyết nhóm lợi ích, chúng ta đã phát hiện hai biến số còn bị thiếu: sự hình thành các nhóm lợi ích tư hưởng lợi từ cải cách và các nhóm lợi ích công. Từ đó, chúng ta sẽ có giải pháp từ dưới lên.

Một là, bất kỳ nhà nước nào muốn độc lập về chính sách đều phải tạo ra cho được cơ chế kiềm chế và đối trọng giữa các nhóm lợi ích tư. Như chúng ta đã phân tích, mỗi chính sách đều tạo ra đồng minh và đối thủ. Sự cạnh tranh giữa các nhóm có quyền lợi đối nghịch sẽ làm giảm bớt sức tấn công vào nhà lập chính sách. Chẳng hạn, trong chính sách bảo hộ ôtô, một hiệp hội các nhà nhập khẩu ôtô (mới và cũ) sẽ tạo ra thế cân bằng trong chính sách phát triển ngành ôtô.

Đặc biệt là trong quá trình cải cách kinh tế - xã hội, luôn có những nhóm lợi ích thủ cựu do sợ mất quyền lợi (mất độc quyền, mất bảo hộ, trợ cấp) mà tìm mọi cách cản trở. Trong khi đó, những nhóm lợi ích mới được hưởng lợi từ cải cách (được sử dụng dịch vụ tốt hơn với giá rẻ hơn, cơ hội việc làm...) lại chưa được hình thành để làm thành đối trọng. Thực tế là việc hình thành các nhóm lợi ích tư mới, hưởng lợi từ cải cách ở VN còn khá chậm chạp. Muốn tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, Nhà nước phải chủ động nâng đỡ các nhóm mới này làm đồng minh cho mình.

Hai là, các nhóm lợi ích công (các nhóm bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ nông dân, công đoàn...) và truyền thông có thể là khắc tinh của các nhóm lợi ích tư. Bởi vì yếu huyệt của các nhóm lợi ích tư là họ khó biện minh được cho lợi ích ích kỷ của mình. Họ thường thông qua những vận động hậu trường nhằm thay đổi chính sách. Khi đương đầu với các nhóm lợi ích công trên báo chí, họ sẽ không còn có thể “múa tay trong bị” như khi một mình đem tiền đến nhà các quan chức.

Ở nước ta, cho đến nay, trong những vấn đề thiết yếu với người dân như độc quyền thuốc, không thấy bóng dáng của các hội bảo vệ người tiêu dùng. Đây là hệ quả của thời kỳ tập trung hóa quá mức đời sống xã hội ở nước ta. Chỉ khi có các tổ chức đại diện hữu hiệu để chống lại các tập đoàn lợi ích hùng mạnh, người dân mới thoát khỏi tình trạng “thất bại trong phối hợp”.

Để đảm bảo cho mỗi chính sách trong tương lai thật sự đại diện cho lợi ích của số đông, nhất thiết phải tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích công hình thành. Đương nhiên, muốn có đồng minh tin cậy, Nhà nước phải nới bớt quyền kiểm soát với chính các đồng minh ấy trước. Đã có những dấu hiệu đột phá khi Chính phủ giao cho Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật dự thảo luật về hội. Liệu có một cuộc cởi trói cho các hội, để từ đó gây được sự ủng hộ to lớn của quảng đại quần chúng với công cuộc đổi mới, hay chính cuộc cởi trói này sẽ bị chặn lại bởi các nhóm lợi ích thủ cựu? Ẩn số này sẽ ảnh hưởng to lớn đến tương lai của đất nước.

Tạo đối trọng giữa các nhóm lợi ích: trường hợp Mỹ

Thomas Jefferson, một trong những “nhà lập quốc” của Mỹ, tin rằng các nhóm lợi ích vận động chính quyền cho những lợi ích của họ chính là biểu hiện của nền dân chủ tự do. Vấn đề chỉ là có pháp luật minh bạch và tạo thế đối trọng giữa các nhóm. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chính quyền đã không tiến hóa kịp với sự phát triển khủng khiếp của các nhóm lợi ích, đặc biệt là sự cấu kết giữa các “tờ rớt” công nghiệp với chính giới vào đầu thế kỷ 20. Vào năm 1935, Hugo Black, một nghị sĩ, sau này trở thành chánh án Tối cao Pháp viện, từng báo động: “Đi ngược lại truyền thống, đi ngược lại đạo đức công cộng và thù địch với chính quyền trung thực, các nhóm lợi ích này đã đạt được vị thế quyền lực tới mức có thể đe dọa chính nhà nước”.

Nước Mỹ đứng trước hai đòi hỏi trái ngược: một mặt phải thừa nhận tính đa dạng về lợi ích, một mặt phải ngăn sự lũng đoạn chính sách. Rốt cuộc, họ giải quyết mâu thuẫn theo đúng truyền thống tự do của mình. Một mặt họ tạo ra hàng loạt luật và án lệ mới bảo vệ hệ thống chính trị và các đảng phái khỏi ảnh hưởng vận động hành lang về tài chính. Mặt khác, họ luật hóa các nhóm lợi ích, như các luật về các ủy ban hành động chính trị (PACs), về các công ty vận động hành lang. Chính sự tự do trong việc lobby chính sách đã tạo ra rất nhiều nhóm lợi ích cạnh tranh và đối trọng lẫn nhau.

Dù vậy, vẫn có lúc cả hệ thống chính quyền Mỹ bị chao đảo vì các nhóm lobby. Gần đây, một cơn địa chấn chính trị nổ ra trong quốc hội khi Abramoff, nhà vận động hành lang có thế lực nhất của Mỹ, bị kết tội trong một loạt scandal chính trị cao cấp. Sự thao túng của Abramoff sẽ không dừng lại nếu các đối thủ của ông ta trong giới lobby không cung cấp thông tin cho báo giới về các hoạt động mờ ám của Abramoff. Sau vụ khủng hoảng này, hàng loạt kiến nghị cải tổ luật về các nhóm lợi ích được đưa ra.

Trường hợp nước Mỹ cho thấy dù dân chủ và minh bạch là điều kiện cần để chống lại sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích, nhưng không có giải pháp từ trên xuống nào là nhanh chóng và vĩnh viễn. Mỗi chính quyền phải chủ động phát triển cơ chế đề kháng thông qua các quá trình tự cải tổ lâu dài và đau đớn.

Nhưng lịch sử chính trị Mỹ cũng có rất nhiều ví dụ về những ảnh hưởng tích cực của các nhóm lợi ích công với chính sách: vào cuối thập kỷ 1990, dưới sự lobby của các tập đoàn dược phẩm hùng mạnh, việc nhập khẩu thuốc theo đơn vào Mỹ rất ngặt nghèo. Không chịu nổi giá thuốc leo thang, các cụ già vùng đông bắc Mỹ, dưới sự tổ chức của các hội hưu trí, đã đi xe buýt sang Canada mua thuốc (trái phép). Phong trào bất tuân dân sự này ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính quyền. Dù cuộc chiến pháp lý giữa các tập đoàn thuốc và người tiêu dùng còn tiếp diễn, nhưng hàng loạt tiểu bang đã mặc cả với các hãng thuốc để giảm giá cho người nghèo hay nới lỏng qui định nhập khẩu thuốc.

Huy động các nhóm lợi ích công cho cải cách: trường hợp Philippines

Các nền dân chủ non trẻ rất dễ bị tổn thương bởi các nhóm lợi ích. Trong thời kỳ dân chủ (1946-1972), nền chính trị của Philippines, dù có các thiết chế dân chủ tương tự như Mỹ, vẫn bị lũng đoạn bởi sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích tư. Các nhóm này hình thành từ một bên là khoảng 100 gia đình tài phiệt muốn giành đặc quyền đặc lợi, với một bên là các chính trị gia cần tiền để mua phiếu bầu. Bị lũng đoạn, nền dân chủ của Philippines sụp đổ, nhường bước cho nền độc tài của Marcos. Toàn bộ nhà nước lại trở thành một nhóm lợi ích khổng lồ tập trung xung quanh Marcos.

Philippines chỉ hồi sinh nhờ sự phát triển của các nhóm lợi ích công được sự ủng hộ to lớn từ dân chúng. Ngày nay, có tới 14.000 tổ chức dân sự phi tôn giáo ở đất nước hơn 80 triệu dân này. Để chống lại các nhóm lợi ích tư đã cắm rễ vào từng ngóc ngách của chính quyền, các chính quyền hậu Marcos đã chủ động nâng đỡ và đưa các nhóm lợi ích công vào quá trình lập chính sách, như tổ chức các “hội nghị thượng đỉnh dân tộc”, các “bàn tròn” với các đại diện của các nhóm lợi ích công.

Không những thế, chính quyền còn tạo ra các hội đồng về các vấn đề xã hội và cải cách ở cấp chính phủ, trong đó có sự tham gia của các nhóm này. Kết quả là chính quyền có được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng để cải cách toàn diện.

Từ 1992-1998, có tới 85 luật cải cách xã hội được thông qua. Mặc dù còn những di sản nặng nề của nhiều thập kỷ bị lũng đoạn bởi các nhóm lợi ích tư, Philippines có thể được coi là một ví dụ sinh động về ảnh hưởng to lớn, tích cực và từ dưới lên của các nhóm lợi ích công trong cải cách toàn diện.

NGUYỄN AN NGUYÊN (Nghiên cứu sinh kinh tế, Rice University, USA)
 
Vai trò của các nhóm lợi ích
R. Allen Hays

"Nhóm lợi ích là một cơ cấu có tổ chức của công dân, những người có chung mục tiêu và muốn gây ảnh hưởng tới chính sách công." - Jeffrey Berry, Hiệp hội các nhóm lợi ích


Nhóm lợi ích là một cơ chế quan trọng qua đó các công dân Mỹ làm cho các quan chức được bầu lên biết đến những ý tưởng, nhu cầu và quan điểm của mình. Công dân có thể thường thấy một nhóm lợi ích tập trung vào các mối quan tâm của họ, bất luận họ chú trọng đến những mối quan tâm đó đến mức nào. Thư mục các hiệp hội tình nguyện của Mỹ cho thấy có vô vàn lý do để công dân tập hợp lại với nhau. Bách khoa thư về các hiệp hội của Gale Research, Inc., được công nhận rộng rãi là một trong những danh sách toàn diện nhất về các hiệp hội. Không phải tất cả các nhóm này đều hoạt động về mặt chính trị, nhưng nhiều nhóm trong số đó cũng cố gắng gây ảnh hưởng tới chính sách công.

Các cơ cấu chính thức và những truyền thống phi chính thức trong nền chính trị Mỹ là mảnh đất màu mỡ để các nhóm lợi ích phát triển. Trong hệ thống Mỹ có một đặc điểm làm gia tăng ảnh hưởng cho các nhóm lợi ích đó chính là sự yếu kém tương đối của các đảng phái chính trị Mỹ, sự yếu kém này một phần xuất phát từ sự phân chia quyền lực giữa ngành lập pháp và hành pháp. Trong một hệ thống nghị viện như ở Anh, việc thủ tướng nắm quyền phụ thuộc vào sự ủng hộ của đa số trong Quốc hội, các đảng phái có quyền kiểm soát đáng kể đối với các nghị sĩ và do vậy kiểm soát luôn việc hoạch định chính sách. Ngược lại, về mặt chính trị, các cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội Mỹ là những sự kiện riêng rẽ, ngay cả khi những cuộc bầu cử này được tổ chức cùng thời điểm. Mỗi nghị sĩ phải xây dựng một liên minh thắng thế tại bang hay quận của họ, và bản chất của những liên minh này rất khác so với liên minh đa số do ứng cử viên tổng thống thành công thành lập. Bằng chứng rõ ràng của điều này là thực tế rằng, trong suốt khoảng thời gian kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, Quốc hội và chức vị tổng thống đều chịu sự kiểm soát của đảng đối lập. Do đó, các thành viên Đảng dân chủ và đảng Cộng hòa không phải lúc nào cũng chắc chắn ủng hộ quan điểm của tổng thống là người của đảng mình hoặc cương lĩnh tranh cử của đảng. Không trung thành lắm đối với đảng làm ảnh hưởng của các nhóm lợi ích được tăng cường, cả trong các cuộc bầu cử, khi sự hỗ trợ tài chính của họ là vô cùng quan trọng và sau này, khi các nhóm đã hỗ trợ ứng cử viên thắng thế dính líu chặt chẽ hơn tới công việc hoạch định chính sách.

Đặc điểm thứ hai của hệ thống khuyến khích sự phát triển của các nhóm lợi ích là sự phi tập trung hóa quyền lực chính trị đối với các bang và các địa phương, gọi là hệ thống liên bang hay "chủ nghĩa liên bang". Các Hiệp hội của công dân thường bắt đầu ở cấp độ bang và địa phương, sau đó kết hợp thành các tổ chức toàn quốc. Do vậy, phi tập trung hóa khuyến khích sự phát triển đa dạng hơn của các nhóm lợi ích. Phi tập trung hóa cũng làm suy yếu hơn nữa hệ thống đảng bởi sự đa dạng về kinh tế và xã hội của 50 bang làm cho kỷ luật nghiêm khắc trong đảng trở nên khó thực hiện. Thêm vào đó, hệ thống quan tòa độc lập, mạnh mẽ trong hệ thống Mỹ cũng tăng thêm sức mạnh của các nhóm lợi ích. Các tòa án Mỹ thường đưa ra phán quyết về các vấn đề mà ở các chính thể dân chủ khác, những vấn đề đó thuộc thầm quyền của ngành lập pháp hoặc của giới chức quan liêu. Do đó, các nhóm lợi ích có thể kiện để đạt được mục tiêu chính sách mà họ không giành được thông qua hoạt động lập pháp. Chẳng hạn như, vào đầu những năm 1950, những chiến thắng tại tòa án của Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu đã tạo nên những vết nứt đầu tiên trong chính sách phân biệt chủng tộc của Mỹ. Sự kiện này xảy ra nhiều năm trước khi Quốc hội do những người miền nam nắm giữ những vị trí chủ chốt sẵn sàng hành động.

Cuối cùng, truyền thống tự do hầu như không hạn chế của Mỹ về ngôn luận, báo chí và tụ họp cũng có nghĩa là bất cứ quan điểm nào mà một nhóm lợi ích đưa ra, có cấp tiến đến mức nào, cũng đều được phép công khai. Việc tập trung hóa ngày càng tăng của truyền thông kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai chắc chắn đã làm cho các nhóm có quan điểm khác với đa số khó có thể được lắng nghe một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, xu hướng tập trung hóa này phần nào bị đối trọng bởi sự tiếp cận rộng rãi của các nhóm đối với Internet. Tóm lại, truyền thống tự do ngôn luận và tự do báo chí của Mỹ, những truyền thống mang lại vô vàn cơ hội để công khai hóa các vấn đề xã hội và đưa ra những quan điểm về chính sách công, đã khuyến khích sự hình thành của các nhóm này.

Sự đa dạng của các nhóm lợi ích

Trước năm 1970, cuốn sách đặc thù của Mỹ về các nhóm lợi ích tập trung chủ yếu vào ba hình thức sau: nhóm lợi ích về kinh doanh, nhóm lợi ích về lao động và nhóm lợi ích về nông nghiệp. Kể từ đó, sự đa dạng của các nhóm lợi ích trở nên phức tạp hơn nhiều. Các nhóm lợi ích về nông nghiệp đã mất ảnh hưởng do số lượng nông dân ở Mỹ giảm. Thêm vào đó, nhiều nhóm mới không thuộc ba nhóm trên đã xuất hiện.

Nhóm lợi ích về kinh doanh

Hầu hết các học giả đều nhất trí rằng các tổ chức kinh doanh đóng vai trò nòng cốt trong nền chính trị Mỹ. Các tập đoàn lớn có uy tín với tư cách là những chủ thể quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Do các quan chức trúng cử chịu trách nhiệm về sự vận hành của nền kinh tế đất nước nên họ lo sợ các chính sách chống lại các nhóm lợi ích về kinh doanh sẽ gây tổn hại cho sự vận hành đó. Tuy nhiên, các tổ chức kinh doanh cũng sử dụng những đòn bẩy ảnh hưởng trực tiếp. Các công ty đa quốc gia lớn phải sử dụng những nguồn lực to lớn của mình để đạt được các mục tiêu chính trị. Họ thường là thành viên của nhiều hiệp hội thương mại đại diện cho quan điểm của toàn bộ ngành công nghiệp trong tiến trình chính trị. Các công ty cũng ủng hộ các nhóm "ô dù" như Hiệp hội Quốc gia của các nhà sản xuất và Phòng thương mại Mỹ, những tổ chức đại diện cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp. Cuối cùng, các công ty cá nhân trực tiếp vận động các nghị sĩ và họ rót hàng triệu đô-la đóng góp cho các chiến dịch vận động tranh cử của các ứng cử viên mà họ ủng hộ.

Công đoàn

Đầu thế kỷ 20 công đoàn phát triển chậm, nhưng vào những năm 1930 công đoàn đã giành được vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị Mỹ. Đạo luật Quan hệ Lao động Quốc gia bảo vệ quyền thương thuyết tập thể và cho phép công đoàn phát triển nhanh hơn. Vào những năm 1950, số lượng thành viên công đoàn đã lên tới 35% lực lượng lao động. Tuy nhiên, vào những năm 1960, số lượng thành viên công đoàn bắt đầu giảm xuống ở mức hiện hành khoảng 15% dân số lao động và sức mạnh chính trị của các tổ chức công đoàn suy giảm cùng với sức mạnh kinh tế của họ. Những lý do của sự suy giảm số lượng thành viên công đoàn rất phức tạp, không thể thảo luận chi tiết ở đây, song sự suy giảm đó là do sự thay đổi bản chất của nền kinh tế toàn cầu và sự chuyển đổi ở nước Mỹ từ một nền kinh tế dựa trên chế tạo sang nền kinh tế theo hướng dịch vụ. Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn vẫn có ảnh hưởng đáng kể khi họ tập trung năng lực vào một cuộc bầu cử hoặc một vấn đề nào đó.

Hiệp hội nghề nghiệp

Một hình thức quan trọng khác của các nhóm lợi ích là hiệp hội nghề nghiệp. Các nhóm như Hiệp hội Y tế Mỹ và Hội Luật gia Mỹ tập trung vào các lợi ích tập thể, các giá trị và vị trí nghề nghiệp của họ. Ít ảnh hưởng nhưng được tổ chức chặt chẽ là các ngành nghề trong khu vực công cộng. Hầu hết các chuyên ngành trong chính phủ các bang và địa phương đều có tổ chức toàn quốc của riêng mình. Chẳng hạn như trong lĩnh vực chính sách nhà ở có các nhóm sau: Hiệp hội Quốc gia của các Quan chức về Nhà ở và Tái phát triển, Hội đồng Quốc gia các Cơ quan nhà ở các bang và Hội đồng các Nhà chức trách về Nhà ở công. Những nhóm này bị luật liên bang và luật của bang hạn chế tham gia các hoạt động đảng phái. Tuy nhiên, họ điều trần trước Quốc hội về các vấn đề ảnh hưởng tới các chương trình của họ và tổ chức cho các thành viên của nhóm thảo luận với các đại diện ở bang hoặc quận của mình. Do khách hàng của các chương trình công có thu nhập thấp hiếm khi tổ chức thành những nhóm lợi ích có ảnh hưởng ở cấp độ quốc gia nên trong tiến trình chính trị ở Mỹ, những hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ này là đại diện quan trọng cho tầng lớp người nghèo.

Các nhóm liên chính phủ

Một hình thức nhóm lợi ích có liên quan nữa là nhóm lợi ích đại diện cho các đơn vị của chính phủ liên bang và địa phương, vận động cho những lợi ích của họ ở cấp độ quốc gia. Trong khi những nhóm này không có vai trò chính thức trong hệ thống liên bang Mỹ-một hệ thống phân chia quyền lực giữa chính phủ quốc gia, bang và địa phương- thì họ có chức năng hoạt động như các nhóm lợi ích khác. Họ bày tỏ quan điểm của các thành viên tới Quốc hội và chính quyền và dùng lý lẽ ủng hộ quan điểm của họ trên các phương tiện truyền thông. Hiệp hội Quốc gia các thống đốc bang (NGA) và Liên đoàn Toàn quốc Cơ quan Lập pháp bang đại diện cho quan chức các bang là một ví dụ. Do thống đốc các bang có trách nhiệm chính trị và hành chính trực tiếp đối với việc thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội do chính phủ liên bang ủy nhiệm, nên NGA có ảnh hưởng trong việc trợ giúp các thành viên của Quốc hội soạn thảo luật phúc lợi xã hội. Lợi ích về thể chế chung của các hạt được đại diện bởi Hiệp hội Quốc gia các địa hạt, và lợi ích của các thành phố được đại diện bởi Liên hiệp Quốc gia các thành phố và Liên đoàn các thị trưởng Mỹ.

Các nhóm lợi ích công

Hình thức nhóm lợi ích phát triển nhanh nhất từ những năm 1970 là các "nhóm lợi ích công". Nhà khoa học chính trị Jefferey Berry định nghĩa nhóm lợi ích công là nhóm ủng hộ những lợi ích không phải là những lợi ích vật chất trực tiếp đối với thành viên của họ mà là bày tỏ những giá trị của họ gắn với xã hội với tư cách là một chỉnh thể. Những nhóm lợi ích công đầu tiên được hình thành từ các phong trào đòi quyền dân sự, quyền của phụ nữ và các phong trào môi trường trong những năm 1960. Qua thời gian, ủng hộ viên của những phong trào này trải qua một quá trình phát triển, chuyển đổi từ bày tỏ quan điểm bằng phản đối trên đường phố sang hành động có tổ chức trong hệ thống chính trị. Sau này các nhóm lợi ích công vận động về những vấn đề mới như quyền của người tàn tật, ngăn chặn lạm dụng trẻ em hoặc bạo lực trong gia đình và quyền của những người đồng tính luyến ái. Những nhóm này cũng là những nhóm ủng hộ mạnh mẽ các chương trình làm lợi cho người nghèo. Một số nhóm điển hình trong hình thức nhóm lợi ích này là Liên minh Quốc gia về nhà ở cho những người có thu nhập thấp, Quỹ bảo vệ trẻ em và Công dân Công cộng (nhóm này do nhà hoạt động vì khách hàng Ralph Nader lãnh đạo).

Các nhóm lợi ích công nhìn chung thiếu nguồn lực tài chính của các nhóm kinh doanh. Mặc dù theo các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, các vấn đề mà họ ủng hộ thường thu hút được sự đồng tình của công chúng nhưng ít có tổ chức nào có đông đảo thành viên. Lý do của tình trạng này chính là bản chất mơ hồ trong mục tiêu của họ góp phần tạo ra vấn đề "kẻ ăn theo"- đó là một cá nhân có thể được lợi từ nỗ lực của nhóm lợi ích mà không nhất thiết phải là thành viên hoặc ít nhất thì cũng không phải dính líu chặt chẽ với nhóm. Tuy nhiên, các nhóm này dùng chuyên môn và nỗ lực thu thập thông tin để đưa ra những vấn đề mà không nhóm nào khác giải quyết. Lúc đầu, hầu hết các nhóm lợi ích công đều ở bên lề lĩnh vực chính trị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây những người bảo thủ đã tổ chức những nhóm riêng của họ, chủ yếu là phản ứng trước sự chuyển đổi tự do của chính sách công trong những năm 1960 và 1970. Trong số các nhóm lợi ích công điển hình có Liên đoàn Quốc gia của những người đóng thuế và Phụ nữ vì nước Mỹ. Các cơ quan cố vấn bảo thủ như Quỹ Di sản có thể cũng hoạt động như các nhóm lợi ích khi công tác nghiên cứu của họ có xu hướng ủng hộ thế giới quan bảo thủ. Theo quan điểm tự do, có thể nói điều tương tự như vậy về Viện Đô Thị.

Những nhóm lợi ích công trong nước này giống như các tổ chức phi chính phủ (NGOs) xuất hiện trên trường quốc tế từ những năm 1980. Trong thực tế một số nhóm ở Mỹ có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Cả hai đều nhận được sự ủng hộ của những công dân có mối quan tâm về những vấn đề xã hội nói chung hơn là những lợi ích kinh tế trước mắt.

Những hạn chế về tính hiệu quả của các nhóm lợi ích

Như bản điều tra tóm lược này cho thấy trên sân khấu chính trị Mỹ có rất nhiều nhóm lợi ích; một công trình nghiên cứu lớn cho thấy tính hiệu quả của các nhóm này thay đổi đáng kể trong việc làm cho quan điểm của các thành viên của mình được lắng nghe. Lý do của sự thay đổi này là ở chỗ các nhóm sử dụng các nguồn lực chính trị chủ chốt, thành viên, sự đoàn kết/cường độ, tiền và thông tin như thế nào.

Số lượng và sự gắn kết của các thành viên

Có vẻ lôgic khi nhận định rằng các nhóm lợi ích có sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng sẽ là những nhóm có ảnh hưởng nhất. Các quan chức trúng cử đấu tranh mạnh mẽ cho những chính sách được số đông quan trọng ủng hộ qua các cuộc thăm dò dư luận, bởi vì họ muốn có thêm số lượng lớn cử tri có tiềm năng ủng hộ những quan điểm này tham gia liên minh thắng thế của mình. Tuy nhiên, có một vài nhân tố làm phức tạp vấn đề này.

Sự thật là có hàng triệu công dân tham gia các nhóm lợi ích và một số nhóm như câu lạc bộ Sierra các nhà hoạt động về môi trường và AFL/CIO -tổ chức lao động- là những nhóm có quy mô lớn. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ sẽ thấy hầu hết các nhóm có đông đảo thành viên lại chỉ thu nạp một số lượng rất ít các ủng hộ viên tiềm năng của họ. Chẳng hạn như, qua thăm dò cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ những quy định chặt chẽ về môi trường. Những ủng hộ viên này hình thành một đội ngũ hàng triệu thành viên tiềm năng cho các nhóm lợi ích về môi trường. Tuy nhiên, ngay cả những nhóm lợi ích về môi trường lớn nhất cũng khẳng định số thành viên của họ cũng chỉ dưới một triệu. Số lượng thành viên tương đối nhỏ này cũng cho thấy số công dân tham gia các nhóm lợi ích chỉ chiếm rất ít trong dân số nước Mỹ.

Nhà kinh tế Mancur Olson đã qua đời đưa ra lời giải thích có tính thuyết phục nhất về hiện tượng này. Ông lập luận rằng việc một nhóm lợi ích đạt được mục tiêu chính sách của mình, về mặt kinh tế mà nói đó là một "công trình công cộng". Tức là, những lợi ích từ sự thành công của một nhóm được hưởng bởi những người nhất trí với quan điểm của nhóm, dù họ có thực sự tham gia nhóm đó hay không. Do đó, nếu như cá voi được bảo vệ khỏi sự tiệt chủng thì một người có thể hài lòng sự tồn tại của chúng, ngay cả khi người đó không bao giờ trả lệ phí cho nhóm lợi ích "bảo vệ cá voi". Sự thật là nếu không có ai đóng góp thì nhóm sẽ không thể tồn tại. Tuy nhiên, trong những nhóm lớn, sự đóng góp của mỗi thành viên mới là không đáng kể. Do đó, trong khi hàng ngàn ủng hộ viên sẽ tham gia thì nhiều người khác lại không tham gia nhóm hoặc đưa ra cam kết đầy đủ; họ sẽ trở thành "những kẻ ăn theo", chẳng hạn như hưởng lợi ích trong khi những người khác lại đóng góp và tham gia tích cực.

Một vấn đề nghiêm trọng khác nữa mà các nhóm có đông thành viên phải đối mặt đó là biến sự ủng hộ của công dân đối với nhóm thành những lá phiếu cho những ứng cử viên ủng hộ mục tiêu của mình. Bỏ phiếu là một hành động phức tạp, liên quan đến nhiều động cơ và ảnh hưởng: tính cách của ứng cử viên, sự trung thành với đảng và một loạt các vấn đề. Nghiên cứu việc bỏ phiếu cho thấy nhiều cử tri không nhận thức đầy đủ những quan điểm chính sách của các ứng cử viên mà họ ủng hộ. Do đó, một nhóm khó có thể cho thấy những lựa chọn bỏ phiếu của ủng hộ viên của mình chủ yếu là được thúc đẩy bởi những vấn đề cụ thể của nhóm. Các nhóm có khả năng thuyết phục các ứng cử viên về sức mạnh bỏ phiếu của họ lại được kính nể. Chẳng hạn như Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) - một tổ chức phản đối luật kiểm soát súng- đã thuyết phục các nghị sĩ rằng các thành viên hiệp hội sẽ bỏ phiếu ủng hộ hoặc không ủng hộ họ chỉ dựa trên vấn đề đó mà thôi. Do đó, NRA đã có ảnh hưởng lớn hơn nhiều nếu tính theo số lượng thành viên của hiệp hội, ngay cả khi hầu hết người Mỹ ủng hộ luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn.

Do những khó khăn trong việc huy động đông đảo thành viên, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi những nhóm nhỏ hơn với tinh thần đoàn kết và nhiệt huyết hơn lại có ảnh hưởng lớn hơn nếu so với số lượng thành viên của nhóm. Thứ nhất, nhóm càng nhỏ thì đóng góp của các thành viên càng lớn, do đó số lượng "những kẻ ăn theo" được giảm xuống. Thứ hai, ngay cả khi xuất hiện Internet, liên lạc giữa các thành viên trong các nhóm nhỏ vẫn dễ dàng hơn nhiều, do đó việc huy động thành viên cũng dễ dàng hơn nhiều. Nếu những lợi thế của các nhóm nhỏ này được tăng cường bởi những thành viên có lợi ích to lớn trong việc đưa ra các chính sách, lúc ấy ngay cả một nhóm nhỏ cũng có thể trở nên rất mạnh.

Tiền

Tầm quan trọng của tiền trong nền chính trị Mỹ đã gia tăng trong những năm gần đây do chi phí cho các cuộc vận động về chính trị tăng nhanh. Những luật hiện hành hạn chế đóng góp cho các chiến dịch vận động cũng có những lỗ hổng, và nhiều quan chức trúng cử của cả hai đảng đều do dự khi ủng hộ những thay đổi trong hệ thống hiện hành vì những thay đổi đó có thể đem lại lợi thế cho đối thủ của họ. Các nhóm lợi ích có ảnh hưởng nhất trong các cuộc bầu cử toàn quốc nhìn chung đóng góp tự nguyện cho các ứng cử viên, số tiền đóng góp lên tới hàng trăm nghìn đô-la. Thêm vào đó, cũng cần có những nguồn lực tài chính đáng kể để duy trì sự có mặt ở Washington vào giữa các cuộc bầu cử. Một nhóm cần có một nhân viên chuyên nghiệp để gây ảnh hưởng tới luật đang tác động đến những lợi ích của nhóm, các nhân viên liên lạc với thành viên của nhóm và hỗ trợ dịch vụ cho họ. Các nhóm không có mặt liên tục ở Washington không thể có được ảnh hưởng đằng sau cánh gà đối với chi tiết của luật mà ảnh hưởng đó là dấu hiệu của một nhóm lợi ích thành công.

Tiền cũng tác động với các nhân tố thành viên và sự gắn kết. Để có thể vượt qua vấn đề những kẻ ăn theo, các nhóm phải thu hút "các thương gia chính sách" - đó là các cá nhân tìm kiếm phần thưởng vật chất, nghề nghiệp hoặc tư tưởng từ việc thành lập một nhóm thành công. Để làm được như vậy các thành viên tiềm năng của nhóm phải có những nguồn lực dồi dào đủ để hình thành một cở sở tổ chức đầy hứa hẹn. Nhu cầu cần có nguồn lực dồi dào này tạo thành mức sàn thu nhập, dưới mức sàn đó các nhóm tiềm năng không thể được hình thành. Vì lý do này nên khá ít nhóm trực tiếp đại diện cho người nghèo. Tuy nhiên, trên mức sàn này vai trò của các nguồn lực trở nên phức tạp hơn. Về mặt lý thyết, người ta có thể lập luận rằng một nhóm với 1.000.000 thành viên, mỗi người góp 5 đô-la thì có thể quyên góp được 5.000.000 đô-la cũng như một nhóm với 10.000 thành viên trong đó mỗi người đóng 500 đô-la. Chỉ khi chúng ta xem xét vấn đề những kẻ ăn theo cộng với những chi phí liên lạc cao với một số lượng đông đảo thành viên, lúc ấy bất lợi thực sự của nhóm lớn hơn mới hiển hiện rõ ràng.

Một nhân tố khác ảnh hưởng tới sự huy động các nguồn lực của nhóm đó là vấn đề thành viên của nhóm, họ là cá nhân các công dân hay các tổ chức khác. Trong thực tế, nhiều nhóm lợi ích có ảnh hưởng mạnh lại là các tổ chức của các tổ chức, bao gồm các hiệp hội thương mại, hiệp hội ngành nghề và các nhóm đại diện cho các nhà cung cấp dịch vụ công cộng và phi lợi nhuận. Một nhóm được hình thành bởi các tổ chức khác có ít thực thể để huy động hơn, tuy nhiên nhóm đó vẫn có thể khẳng định mình đại diện cho hàng ngàn người thuộc những thực thể này. Thêm vào đó, thành viên của nhóm có thể sử dụng các nguồn lực của tổ chức chứ không phải nguồn lực tài chính của cá nhân để ủng hộ nhóm.

Thông tin

Cùng với tiền và có các thành viên cam kết, thông tin là nguồn lực mạnh nhất mà một nhóm lợi ích cần có. Thông tin được trao đổi theo một số phương thức. Thứ nhất, thông tin từ các nhóm lợi ích tới những người ra quyết định. Các nhóm thường có kiến thức chuyên môn mà các nghị sĩ thiếu, và họ nóng lòng được giảng giải cho các nhà làm luật về những vấn đề mà họ quan tâm. Sự thật là thông tin mà họ cung cấp nhìn chung có xu hướng thiên vị và nhằm củng cố lợi ích của nhóm. Các nghị sĩ nhận thức rõ sự thiên vị này song vẫn có thể thấy các thông tin đó là có ích. Một trong những lợi thế cơ bản của việc liên tục có mặt ở Washington là cơ hội cung cấp thông tin cho các nhà làm luật tại những điểm chủ chốt trong quá trình ra quyết định.

Thứ hai, thông tin từ các ngành lập pháp và hành pháp đến các nhóm lợi ích. Những nhân viên của họ lần theo các dự thảo luật, từ đó nhận thức được những thời điểm thuận tiện nhất để gây ảnh hưởng tới quá trình làm luật. Những tiếp xúc không chính thức với nhân viên quốc hội là cơ hội để biện minh/chứng thực tại các buổi đều trần và huy động thành viên của nhóm khi phần bỏ phiếu quan trọng đến gần. Qua quá trình này họ nhận biết được ai là người có ảnh hưởng nhất và những chiến lược
nào sẽ giành được sự ủng hộ của họ. Đôi khi, họ có thể đạt được sự thay đổi trong văn bản chi tiết của một dự luật ở Quốc hội và sự thay đổi đó sẽ tác động tới ảnh hưởng của nhóm.

Cuối cùng, các nhóm lợi ích trao đổi thông tin với các thành viên và các công dân khác. Họ có thể tiến hành một cuộc điều tra hay nghiên cứu để thổi phồng một vấn đề. Nếu họ thu hút được đầy đủ sự chú ý của truyền thông, các nghị sĩ sẽ cảm thấy buộc phải phản hồi. Họ cũng lấy thông tin từ các thành viên, và thông báo cho các thành viên về các quyết định sắp tới. Đối với hầu hết các luật, chỉ có một số rất ít cá nhân công dân được tiếp xúc với các nhà làm luật. Do đó, 200 lá thư được một nhóm gửi đến cùng lúc có thể giống như một trận bão thư.

Sự phát triển nhanh chóng của Internet trong năm năm qua đã làm giảm đáng kể chi phí liên lạc của đông đảo công dân. Hầu hết các nhóm lợi ích giờ đây đã có các trang Web và nhiều người dùng thư điện tử để liên lạc với các thành viên và làm phương tiện để thành viên của họ liên lạc với những người ra quyết định. Tuy nhiên, phương tiện này quá mới mẻ đến mức các nhóm vẫn đang học cách sử dụng nó một cách sao cho hiệu quả nhất và còn quá sớm để nói chính xác nó sẽ tác động đến mức nào đối với tiến trình ảnh hưởng của các nhóm lợi ích.

Một ví dụ mới đây về ảnh hưởng của Internet đó là việc sử dụng các trang web có tính bảo thủ để đưa các thông tin tiêu cực về cựu tổng thống Clinton, một số thông tin chính xác song một số thông tin khác đã bị bóp méo hoặc thổi phồng. Việc này có thể duy trì động lực tiếp tục đòi luận tội tổng thổng Clinton, mặc dù đa số người dân Mỹ phản đối. Trừ phi các chủ thể kinh tế lớn nghĩ ra cách để kiểm soát truy cập Internet, từ đó giảm chi phí của Internet, lúc ấy phương tiện truyền thông mới này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng dân chủ hóa đối với đàm thoại chính trị. Ngược lại, Internet cũng có thể khuyến khích sự chia tách công dân thành những nhóm nhỏ, tự động liên kết với nhau, những nhóm này sẽ cô lập bản thân ngay trong thế giới quan đang ngày càng trở nên kỳ quặc.

Tiến tới các nhóm lợi ích công hiệu quả hơn

Vì những lý do này mà xu hướng thiên về các nhóm nhỏ hơn, gắn kết hơn, có tài chính tốt hơn luôn thắng thế xu hướng thiên về các nhóm đại diện cho số lượng lớn công dân. Những lợi ích cụ thể thường chiếm ưu thế so với những lợi ích có tính chung chung hơn của những gì mà người ta gọi là những lợi ích công cộng lớn hơn. Tuy nhiên, sự phổ biến của các nhóm lợi ích công trong những năm gần đây làm cho hệ thống các nhóm lợi ích với tư cách là một chỉnh thể trở nên có tính đại diện hơn đối với sự đa dạng về dư luận trong nhân dân Mỹ. Các nhóm lợi ích công thường có khả năng giành thắng lợi trước các đối thủ có vẻ mạnh hơn và được đầu tư tài chính tốt hơn. Mặc dù vậy, vào cuối ngày các quan chức thắng cử đều biết rằng phải mất tiền mới giành được phiếu bầu. Nhiều khi các nhóm lợi ích có cơ sở rộng không thể chắc chắn tung ra phiếu bầu của thành viên của họ nhưng các hiệp hội thương mại và các công ty tư nhân lại có thể chắc chắn tung ra những đồng đô-la - những đồng đô-la mà các ứng cử viên cần để mua quảng cáo trên truyền hình.

Một nhân tố quan trọng mà nhiều nhóm lợi ích công bị thiếu đó là không có sự tổ chức chính trị khéo léo ở cơ sở. Về đặc thù, những nhóm này có rất ít nhân viên và được ủng hộ bởi hàng ngàn thành viên mà sợi dây liên kết những thành viên đó với nhóm chỉ là sự đóng góp tài chính định kỳ. Cơ cấu này ngược lại với hình thức trước đó của các tổ chức chính trị lớn, trong đó các phong trào toàn quốc được xây dựng từ các tổ chức địa phương nhỏ hơn và trực diện. Ngoại lệ có một số ít các nhà hoạt động còn gặp nhau chứ thành viên của các nhóm hiện đại hiếm khi gặp nhau trực tiếp.

Các nhà quan sát xã hội Mỹ ngày càng quan tâm đến sự suy giảm của công dân trong việc tham gia các hoạt động cộng đồng. Sự suy giảm này xảy ra đối với các tổ chức phi chính trị cũng như các tổ chức chính trị. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, đó là: tác động có tính biệt lập của tivi; sự gia tăng của việc một người làm nhiều nghề và những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, ở đó thanh niên ít có thời gian rỗi; và thái độ hoài nghi do các chiến dịch tranh cử bị chi phối bởi truyền thông chủ yếu tập trung vào tính cách và các vụ bê bối hơn là những vấn đề có ý nghĩa gây ra.

Bất luận nguyên nhân của tình trạng suy giảm này là gì đi nữa, về mặt chính trị, nhóm lợi ích nào có thể huy động hiệu quả người dân thông qua hoạt động ở địa phương và cơ sở, nhóm đó sẽ có một vị trí vững mạnh. Nhóm đó sẽ phát triển một cơ sở thành viên vững chắc mà không phải chi phí tốn kém nhờ những kênh liên lạc đã có. Thông qua việc bổ sung vận động toàn quốc bằng tiếp xúc trực tiếp ở địa phương với các ứng cử viên và các nhà đương cục, có thể lập luận một cách thuyết phục rằng thành viên của nhóm sẽ bỏ phiếu dựa trên các vấn đề của nhóm. Đó sẽ thực sự là một phong trào rộng lớn chứ không phải là một nhóm tinh hoa nhỏ, được tài trợ bởi các ủng hộ viên bị động.

Tuy nhiên, việc hình thành một nhóm như vậy cũng gặp phải những trở ngại ghê gớm. Cần phải có một khoản tiền lớn ban đầu để hỗ trợ các chiến dịch tổ chức. Cũng phải vượt qua xu hướng của Mỹ đó là tách biệt các vấn đề của địa phương và các vấn đề quốc gia. Cuối cùng, phải tranh thủ lôi kéo nhiều công dân, những người đánh đổi việc trao đổi trực diện với những người láng giềng của mình để tập trung vào các vấn đề mà phương tiện truyền thông quốc gia đưa ra.

Dấu hiệu của một xã hội dân chủ là xã hội đó cho phép công dân hình thành các nguồn lực chính trị thay thế mà họ có thể huy động khi cho rằng các chủ thể kinh tế tư nhân hoặc các quan chức chính phủ đã vi phạm lợi ích của họ. Theo hướng đó, các nhóm lợi ích có tổ chức đóng vai trò cơ bản; họ giúp công dân sử dụng hiệu quả hơn những nguồn lực họ có: bỏ phiếu, tự do ngôn luận, tự do hội họp và kiện tụng.

____________

Đọc thêm:

Frank R.Baumgartner and Beth Leech, Những lợi ích cơ bản: Tầm quan trọng của các nhóm trong chính trị và khoa học chính trị (Princeton University Press, 1998)
Jeffrey Berry, Vận động cho nhân dân: Thái độ chính trị của các nhóm lợi ích công (Princeton University Press,1977)
Allan J. Cigler and Burdett A. Loomis, Nền chính trị của các nhóm lợi ích (4th ed., Congressional Quarterly Press, 1995)
Michael T. Hayes, Các nhà vận động và các nghị sĩ: Lý thuyết thị trường chính trị (Rutgers University Press, 1981)
R. Aleen Hays, Ai ủng hộ người nghèo: Các nhóm lợi ích toàn quốc và chính sách xã hội ( Garland Press {forthcoming, 2001)
Charles Lindblom, Chính trị và thị trường: Hệ thống kinh tế chính trị thế giới ( Basic Books, 1977)

____________

Về tác giả: R. Allen Hays là giám đốc chương trình đào tạo sau đại học về chính sách công và là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tổng hợp Bắc Iowa. Cuốn “Chính quyền liên bang và nhà ở đô thị” của ông được sử dụng rộng rãi như tài liệu tham khảo về lịch sử của chính sách nhà ở. Gần đây, các nghiên cứu của ông đã mở rộng hơn bao trùm cả hoạt động của nhóm lợi ích quanh việc xây dựng chính sách xã hội. Cuốn sách “Ai ủng hộ cho người nghèo?”, do Routletge xuất bản năm 2001, dẫn chứng và so sánh hoạt động của nhóm lợi ích trong ba lĩnh vực chính trị xã hội ở Mỹ: nhà ở, thức ăn, hỗ trợ tiền mặt. Trước khi dạy ở Đại học Tổng hợp Bắc Iowa, Giáo sư Hays là người quản lý vấn đề nhà ở của chính quyền địa phương.

____________

Xem toàn văn bằng tiếng Anh tại đây
 
The Role of Interest Groups

By R. Allen Hays


"An interest group is an organized body of individuals who share some goals and who try to influence public policy."
-- Jeffrey Berry,​

The Interest Group Society

Interest groups are one important mechanism through which citizens in the United States make their ideas, needs, and views known to elected officials. Citizens can usually find an interest group that focuses on their concerns, no matter how specialized they may be. Directories of American voluntary associations reveal the incredible variety of reasons why citizens band together. The Gale Research, Inc., Encyclopedia of Associations is widely regarded as one of the most comprehensive lists. Not all of these groups are politically active, but a great many try to influence public policy.

Both the formal structure and the informal traditions of American politics provide fertile ground for interest groups. One feature of the American system that enhances their influence is the relative weakness of U.S. political parties, which stems, in part, from the separation of powers between the executive and legislative branches. In a parliamentary system such as Great Britain, where the prime minister's hold on office depends on majority support in Parliament, parties exert considerable control over legislators and, as a consequence, over policy making. In contrast, elections of the U.S. president and Congress are politically separate events, even when held at the same time. Each legislator must construct a winning coalition in his or her state or district, and the nature of these coalitions is quite different from the majority coalition that the successful presidential candidate assembles. Clear evidence for this is the fact that Congress and the presidency have been in the control of opposing parties most of the time since World War II. As a consequence, neither Democrats nor Republicans are invariably bound to support the positions of their party's president or their party's electoral platform. Weak party loyalty enhances interest-group influence, both during elections, when their financial support can be critical, and afterwards, when groups that supported the winning candidate become closely involved in policy making.

A second feature of the system that encourages interest groups is the decentralization of political power to states and localities, known as the federal system, or "federalism." Citizen associations often get started at the state and local levels, later combining into national organizations. Decentralization thus encourages a greater variety of interest groups. It also further weakens the party system, because the social and economic diversity of the 50 states make strict party discipline difficult.

In addition, a strong, independent judiciary in the American system enhances the power of interest groups. U.S. courts often rule on issues that, in other democratic polities, would be under the control of the legislature or bureaucracy. Thus, interest groups can utilize litigation to achieve policy objectives that they cannot obtain through legislative action. For example, in the early 1950s, court victories by the National Association for the Advancement of Colored People (NAACP) created the first cracks in American racial segregation, years before a Congress dominated by Southerners in key positions was willing to act.

Finally, the American tradition of virtually unlimited freedom of speech, press, and assembly means that nearly any point of view expressed by an interest group, no matter how radical, is permitted a public airing. To be sure, the increasing centralization of the media since World War II has made it more difficult for groups with fringe views to gain a serious hearing. However, this centralizing trend has been partially counteracted by the open access granted to groups on the Internet. On the whole, the American free speech and free press traditions, which offer numerous opportunities to publicize societal problems and lay out positions on public policy, encourage group formation.

The universe of interest groups

Before 1970, the typical American textbook on interest groups devoted most of its pages to three categories: business, labor, and agriculture. Since then, the interest-group universe has become much more complicated. Agricultural groups have lost influence due to the declining number of farmers in the United States. In addition, many new groups that fit none of these categories have emerged.

Business

Most scholars would agree that business plays a central role in American politics. Major corporations carry the prestige of being important players in the U.S. economy. Because elected officials are held accountable for the nation's economic performance, they often fear anti-business policies will harm that performance.

Yet, business also utilizes direct levers of influence. Large multinational corporations bring vast resources to bear on their political goals. They are usually members of multiple trade associations, which represent an entire industry's views in the political process. Corporations also support "umbrella" groups, such as the National Association of Manufacturers and the U.S. Chamber of Commerce, that speak for the whole business community. Finally, individual companies directly lobby legislators, and they funnel millions of dollars in campaign contributions to the candidates they favor.

Labor unions

Labor unions grew slowly in the early part of the 20th century, but they gained a significant place in the American political system in the 1930s. The National Labor Relations Act protected collective bargaining and enabled unions to grow much faster. They reached a peak membership of 35 percent of the labor force in the 1950s. However, in the 1960s, union membership began to decline toward its current level of approximately 15 percent of the working population, and the political power of unions declined along with their economic power. The reasons for this decline in union membership, too complex to discuss in detail here, lie in the changing nature of the global economy, and the shift in the United States from a manufacturing-based economy to one more service-oriented. Unions, however, still exert considerable clout when they focus their energies on an election or an issue.

Professional associations

Another important type of interest group is the association of professionals. Groups like the American Medical Association and the American Bar Association focus on the collective interests, values, and status of their profession. Less powerful, but nonetheless well organized, are professionals in the public sector. Virtually every specialty within state and local governments has its own national organization. In housing policy, for example, groups include the National Association of Housing and Redevelopment Officials, the National Council of State Housing Agencies, and the Council of Large Public Housing Authorities. Such groups are restricted from partisan activities by state and federal laws. However, they testify before Congress on issues affecting their programs, and they organize their members to speak with representatives from their own states or districts. Since low-income clients of public programs rarely organize themselves into interest groups that are influential at the national level, these associations of service providers are an important voice for the poor in the American political process.

Intergovernmental groups

A related category consists of interest groups representing units of state and local government, lobbying for their interests on the national level. While these groups have no official role in the U.S. federal system that divides authority among national, state, and local governments, they function much as other interest groups do. That is, they present the views of their members to Congress and the administration and make the case for their positions in the media. The National Governors' Association (NGA) and the National Conference of State Legislatures represent state officials, for example. Since state governors have direct administrative and political responsibility for carrying out social welfare programs mandated by the federal government, the NGA in particular has been influential in helping members of Congress draft social welfare legislation. The general institutional interests of counties are represented by the National Association of Counties, and those of cities by the National League of Cities and the U.S. Conference of Mayors.

Public interest groups

The type of interest group experiencing the most rapid growth since 1970 is the "public interest group." Political scientist Jeffrey Berry defines a public interest group as one that supports goals that are not of direct material benefit to its members but rather express their values pertaining to society as a whole. The first public interest groups were spawned by the civil rights, women's rights, and environmental movements of the 1960s. Supporters of these causes often went through an evolution over time that transferred the expression of their views from street protest to organized action within the political system. Later, public interest groups mobilized on new issues, such as the rights of the disabled, prevention of child abuse or domestic violence, and gay/lesbian rights. These groups have also been major advocates for programs benefiting the poor. Some leading groups of this type include the National Low Income Housing Coalition, the Children's Defense Fund, and Public Citizen (the group led by consumer activist Ralph Nader).

Public interest groups generally lack the financial resources of business groups. While the issues they champion often enjoy considerable public support according to opinion polls, few have mass memberships. One reason for this is that the intangible nature of their goals contributes to the "free rider" problem -- that is, an individual can benefit from an interest group's efforts without being a member, or at least without being heavily involved. Nevertheless, they use their expertise and information-gathering efforts to raise issues that no other groups are addressing. Initially, most public interest groups were on the left of the political spectrum. However, in recent years conservatives have organized their own groups, largely in response to the perceived liberal shift of public policy in the 1960s and 1970s. Among leading public interest groups in this category are the National Taxpayer's Union and Concerned Women for America. Conservative think tanks such as the Heritage Foundation may also function as interest groups, as their research tends to support the conservative world-view. The same could, perhaps, be said about the Urban Institute on the liberal side.

These domestic public interest groups resemble the Non-Governmental Organizations (NGOs) that have sprung up on the international scene since the 1980s. In fact, some American groups have close ties with international NGOs. In both cases, support comes from citizens concerned about a general social issue, rather than immediate economic interests.

Limits on interest-group effectiveness

As this brief survey suggests, there are a great variety of interest groups on the American political scene; a large body of research indicates that their effectiveness in making the views of their members heard varies considerably. The reasons for this disparity lie in how a group employs its chief political resources: membership, cohesion/intensity, money, and information.

Number and cohesion of members

It would seem logical to assume that interest groups with a large base of support in the population would be the most influential. Elected officials champion the policies advocated by significant majorities in opinion polling, because they want to add the large number of potential voters supporting these positions to their winning coalitions. However, several factors complicate this picture.

It is true that millions of citizens belong to interest groups and that some, such as the environmentalist Sierra Club and the AFL/CIO, the labor organization, are quite large. However, a closer look shows that most mass-membership groups enroll only a small fraction of their potential supporters. For example, polls show substantial majorities of Americans in favor of strong environmental regulations. These supporters constitute a pool of millions of potential members for environmental interest groups. However, even the largest environmental groups claim memberships of under one million. This relatively small number of members is in keeping with the overall principle that the number of citizens who join interest groups is a small fraction of the U.S. population.

The late economist Mancur Olson advanced the most plausible explanation for this phenomenon. He argued that the achievement of a policy goal by an interest group is, in economic terms, a "public good." That is, the benefits of a group's success are enjoyed by those who agree with a group's position, whether or not they actually join the group. Thus, if whales are saved from extinction, one can derive satisfaction from their existence, even if one never paid dues to a "save the whales" interest group. It is true, of course, that if no one contributes, the group won't exist. However, in large groups the marginal contribution of each new member is small. Therefore, while thousands of supporters will join, many others will not join the group or make a full commitment; they will become "free riders", i.e., enjoying the benefits while others actively participate and pay.

Another serious problem faced by a mass-membership group is translating citizen support for the group into votes for candidates that support its goals. Voting is a complex act, involving multiple motivations and influences: the candidate's personality, party loyalty, and a range of issues. Voting studies show that many voters are not fully aware of the policy positions taken by candidates they support. As a result, it is often difficult for a group to show that the voting choices of its supporters are primarily motivated by its particular issues. Groups that can convince candidates of their voting power become feared and respected. For example, the National Rifle Association (NRA), which opposes gun control laws, has convinced legislators that its members will vote for or against them solely on this issue. Therefore, the NRA wields influence far out of proportion to its numbers, even though most Americans favor stronger gun control laws.

Because of the difficulties of mobilizing mass memberships, it is not surprising that smaller cohesive groups with more intensity of feeling often exercise influence far greater than their numbers might suggest. First, the smaller the group, the larger the marginal contribution of each member, so that "free riders" are reduced. Secondly, until the advent of the Internet, communication among members was much easier in smaller groups, thus making mobilization much easier. If these advantages of smaller size are reinforced by its members having a large stake in policy outcomes, then even a small group may become very powerful.

Money

The importance of money in American politics has increased in recent years, due to the escalating costs of political campaigns. Existing laws limiting campaign contributions have gaps in them, and, many elected officials from both parties are reluctant to support changes in the current system that might give some advantage to their opponents. Interest groups that are most influential in national elections generally make voluntary contributions to candidates totaling in the hundreds of thousands of dollars.

In addition, considerable financial resources are needed to maintain a presence in Washington between elections. A group needs a professional staff to influence legislation affecting its interests, in addition to the staff needed to communicate with its members and to offer them services. Groups without a steady Washington presence cannot exert the behind-the-scenes influence on the details of legislation that is the hallmark of a successful interest group.

Money also interacts with the factors of membership and cohesion. In order to overcome the free rider problem, groups must attract "policy entrepreneurs" -- that is, individuals who seek material, professional, or ideological rewards from organizing a successful group. To do so, the group's potential membership must have sufficient surplus resources to provide a promising organizational base. This need for a surplus creates an income floor, below which potential groups are unlikely to be organized. For this reason, relatively few groups directly represent the poor.

Above this floor, however, the role of resources becomes more complex. In the abstract, one might argue that a group with 1,000,000 members who each contribute $5 could raise as much money ($5,000,000) as a group with 10,000 members who can contribute $500 each. It is only when one considers the free rider problem, plus the high costs of communicating with a large membership, that the true disadvantage of the larger group becomes apparent.

Another factor affecting a group's mobilization of resources is whether its membership consists of individual citizens or of other organizations. Many powerful interest groups are, in fact, organizations of organizations. This includes trade associations, professional associations, and groups representing public and nonprofit service providers. A group composed of other organizations has fewer entities to mobilize, yet it can still claim to represent the thousands of people affiliated with those entities. In addition, its members can use organizational resources, rather than personal financial resources, to support it.

Information

Next to a committed membership and money, information is the most powerful resource that an interest group can possess. Information is exchanged in several ways. First, information passes from interest groups to decision-makers. Groups often have technical knowledge that legislators lack, and they are eager to educate lawmakers on the issues they care about. It's true that the information they provide generally comes with a bias that reinforces the group's interests. Legislators are well aware of the bias, but may still find this information useful. One of the main advantages of a continuous presence in Washington is the opportunity to provide information to lawmakers at key points in the decision-making process.

Second, information flows from the legislative and executive branches to interest groups. Their staffers track legislative proposals, thus becoming aware of the most propitious times to try to influence the legislative process. Their informal contacts with congressional staff provide opportunities to testify at hearings and to mobilize their group's members when a crucial vote is near. Through this process, they learn which actors are most powerful and what strategies will gain their support. On occasion, they can obtain a modification to the detailed language of a bill in Congress that will affect its impact.

Finally, interest groups exchange information with members and with other citizens. They may conduct an investigation or commission a study that dramatizes a problem. If they attract sufficient media attention, legislators feel pressure to respond. They also solicit information from their members, and inform them about upcoming decisions. On most legislation, only a small number of private citizens contact their legislators. Therefore, 200 letters orchestrated by a group can seem like a blizzard of mail.

The rapid growth of the Internet during the last five years has radically reduced the cost of communication among large numbers of citizens. Most interest groups now have Web pages, and many use e-mail both to communicate with members and as a means for their members to communicate with decision-makers. However, the medium is so new that groups are still learning how best to utilize it, and it is too early to tell exactly how much influence it will have on the process of interest-group influence.

One recent example of such influence was the use of certain conservative Web sites to circulate negative information about former President Bill Clinton, some of it accurate and some of it grossly distorted or fabricated. This probably helped keep the momentum for Clinton's impeachment going, although a majority of Americans still opposed it. Unless large economic actors figure out a way to control Internet access, and thus increase its cost, the new medium is likely to have a democratizing influence on political dialogue. Conversely, it is possible that the Internet may also encourage the fragmentation of citizens into small, electronically linked groups who isolate themselves within increasingly bizarre world views.

Toward more effective public interest groups

For these reasons the preferences of smaller, more cohesive, better financed groups win out, more often than not, over the preferences of groups representing larger numbers of citizens. And particularistic interests frequently prevail over the more general interests of what one might call the larger public. The proliferation of public interest groups in recent years does, however, make the interest-group system as a whole more representative of the diversity of opinions among Americans. And public interest groups are often able to score victories over seemingly more powerful, better-financed opponents. At the end of the day, though, elected officials know that it takes money to win votes. Many times mass-based interest groups cannot reliably deliver the votes of their members, but trade associations and individual corporations can reliably deliver the dollars that candidates need to buy television advertising.

A crucial missing element in many public interest groups is the lack of genuine grassroots political organization. These groups typically consist of a small staff, supported by thousands of members whose only link to the group is periodic financial contributions. This structure is in contrast to earlier forms of mass political organization, in which national movements were built from smaller, face-to-face local organizations. With the exception of a small number of activists, members of modern groups rarely meet face to face.

Recent observers of American society have become increasingly concerned with a decline in community involvement by citizens. This decline applies to nonpolitical, as well as political organizations. Many causes have been advanced for this phenomenon: the isolating effects of television; the increase in dual-career and single-parent families where adults have little leisure time; and the cynicism generated by media-dominated campaigns that focus on personalities and scandals, rather than meaningful issues.

Whatever the causes of this decline, an interest group that could effectively mobilize people through local, grassroots chapters would be in a powerful position politically. It would develop a steady membership base that would be less expensive to reach because of established channels of communication. By supplementing national lobbying with direct local contacts with candidates and office holders, it could convincingly argue that its members will vote based on group issues. It would truly be a mass movement, rather than a small elite, funded by passive supporters.

However, the obstacles to creating such a group are formidable. A large initial infusion of money would be necessary to support local organizing campaigns. It would also have to overcome the American tendency to separate local from national issues. Finally, many citizens would have to be wooed from their tendency to focus on issues raised by the national media at the expense of face-to-face exchange with their neighbors.

A hallmark of a democratic society is that it allows citizens to create alternative political resources that they can mobilize when they believe private economic actors or government officials violate their interests. In that sense, organized interest groups play a fundamental role; they help citizens more effectively utilize the resources they have: voting, free speech, assembly, and the judicial process.

For Additional Reading

Frank R. Baumgartner and Beth Leech, Basic Interests: The Importance of Groups in Politics and Political Science (Princeton University Press, 1998)

Jeffrey Berry, Lobbying for the People: The Political Behavior of Public Interest Groups (Princeton University Press, 1977)

Allan J. Cigler and Burdett A. Loomis, Interest Group Politics (4th ed., Congressional Quarterly Press, 1995)

Michael T. Hayes, Lobbyists and Legislators: A Theory of Political Markets (Rutgers University Press, 1981)

R. Allen Hays, Who Speaks for the Poor? National Interest Groups and Social Policy (Garland Press [forthcoming, 2001])

Charles Lindblom, Politics and Markets: The World's Political-Economic Systems (Basic Books, 1977)

Mancur Olson, The Logic of Collective Action: Public Goods and the Theory of Groups (Schocken Books, 1970)

Mark P. Petracca, ed. The Politics of Interests (Westview Press, 1992)



________________

About the Author:
R. Allen Hays is director of the Graduate Program in Public Policy and a professor of political science at the University of Northern Iowa. His book, The Federal Government and Urban Housing, is a widely utilized source on the history of housing policy. More recently, his research has broadened to encompass the interest-group process surrounding the making of social policy. His book, Who Speaks for the Poor?, published by Routledge in 2001, documents and compares interest-group activity in three U.S. social policy areas: housing, food, and cash assistance. Prior to teaching at the University of Northern Iowa, Professor Hays worked as a local government housing administrator.
 
Việt Nam và WTO (I)
RFA - 2005.11.23
Tiến sĩ Trần Văn Hiển - Nguyễn An

Thưa quý thính giả, Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO cả thập kỷ trước. Tuy nhiên, việc trở thành hội viên của tổ chức quốc tế này mới chỉ trở nên cấp thiết trong đôi ba năm trở lại đây, khi nền kinh tế đã có những bước phát triển tốt song song với yêu cầu hội nhập vào thế giới ngày càng cấp thiết hơn.

Để tìm hiểu quá trình Việt Nam xin gia nhập WTO cùng những vấn đề liên quan đến việc gia nhập ấy, ban Việt ngữ đài Á châu tự do đã thực hiện một loạt cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Văn Hiển, giáo sư đại học và CPA ở tiểu bang Texas, Hoa kỳ. Giáo sư Hiển hàng năm đi công tác ở Việt Nam cho đại học của ông. Mời quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ vào giáo sư Hiển.

Bài 1: Yếu tố con người trong phát triển kinh tế

Nguyễn An: Chào giáo sư Trần Văn Hiển. Liên quan đến chuyện Việt Nam xin gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, thì theo ông ta cần phải bàn những vấn đề gì?

Trần Văn Hiển: Trước nhất tôi có lời cảm tạ đài Á châu tự do cho tôi cơ hội chia sẻ sự hiểu biết của tôi với người Việt khắp nơi trên thế giới.

Mục đích những bài phân tích kinh tế của tôi về việc Việt Nam gia nhập WTO là giúp người Việt trong và ngoài nước hiểu rõ một vấn đề rất quan trọng và phức tạp cho tương lai đất nước. Sự hiểu biết này sẽ giúp người Việt chúng ta cùng nhau giúp đất nước thay đổi để có một chính quyền pháp trị hơn, minh bạch hơn, hợp lý hơn trong sự quản lý nền kinh tế, để tạo một môi trường lành mạnh cho sự phát triển kinh tế vững bền ở cấp bậc cao.

Trong ý hướng ấy, tôi xin trình bày với thính giả 7 đề tài sau đây:

- Yếu tố con người trong sự phát triển kinh tế.
- Cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam.
- Tại sao Việt Nam cần phải nhập vào WTO
- WTO là gì và Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình gia nhập tổ chức này.
- Sự gia nhập WTO sẽ giúp Việt Nam giải quyết một số thử thách kinh tế trầm trọng như thế nào?
- Người nước ngoài có thể giúp Việt Nam thay đổi, để tiến lên qua mô hình WTO.
- Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam cần phải làm gì để trở thành một quốc gia phú cường?

Nước giàu và nước nghèo

Nguyễn An: Vậy hôm nay xin được bàn vấn đề thứ nhất, yếu tố con người trong phát triển kinh tế. Nói đến phát triển kinh tế, là nói đến nước giàu và nước nghèo. Theo ông giữa hai loại quốc gia này, sự khác biệt dễ nhận thấy nhất là gì?

Trần Văn Hiển: Sự khác biệt rất lớn giữa nước giàu và nước nghèo, nằm ở yếu tố con người. Ví dụ như vùng đất tên gọi là California chạy dài từ nước Mỹ qua đến Mễ tây cơ. California phía bên Mỹ thì trù phú thịnh vượng, trong khi đó California bên Mễ thì nghèo nàn lạc hậu. Chổ giàu có nhiều tổ chức kinh tế lớn với năng suất cao. Chổ nghèo thì chẳng có tổ chức kinh tế nào lớn cả.

Sở dĩ những tổ chức kinh tế lớn đạt được năng suất cao, vì họ thấu hiểu khách hàng cần gì, họ phục vụ khách hàng tận tâm, chuyên môn hoá công việc, có tổ chức chặt chẽ gắn liền lợi ích của công ty với lợi ích của nhân viên. Thêm vào đó tổ chức kinh tế lớn có nhiều vốn, có thể làm những chuyện lớn và lâu dài được.

Quốc gia nào có nhiều tổ chức kinh tế lớn với năng suất cao, sẽ là một quốc gia giàu có, còn ngược lại sẽ nghèo đói. Để tạo dựng được những tổ chức kinh tế lớn, giàu và mạnh, quốc gia phải có con người nhiều khả năng. Do đó, điều cực kỳ quan trọng cho mọi quốc gia là phải tạo ra được một môi trường lành mạnh cho sự phát triển con người trước. Con người với nhiều khả năng sẽ là động lực đẩy đất nước đi lên.

Ðộng lực đưa đất nước tiến lên

Nguyễn An: Thế xin GS cho biết, chúng ta cần phải đào tạo như thế nào để con người trở thành động lực đưa đất nước tiến lên?

Trần Văn Hiển: Về vấn đề đào tạo con người, có tất cả là năm lảnh vực đào tạo như sau:

Yếu tố cơ bản - gồm có sức khỏe; hiểu biết tổng quát về khoa học, về mối tương quan giữa con người với môi trường, với xã hội và với thế giới; có tinh thần trách nhiệm; có lòng tự tin; năng động; có thể suy nghĩ và hành động độc lập; thành thật và đạo đức; tôn trọng mọi người; can đảm nói lên sự thật; can đảm nhận và thực hiện những thử thách mới, có tinh thần lạc quan; có chí ganh đua cao.

Yếu tố chuyên môn công việc - gồm có những chuyên môn cần khi làm việc kiếm sống như bác sĩ, dược sĩ, kế toán, thợ nề, thợ mộc, v.v… Chuyên môn đòi hỏi nhiều về trí tuệ và nền kinh tế đang cần, thường được lương cao.

Yếu tố giao tiếp - gồm khả năng làm việc chung một cách hòa giải với mọi người, được nhiều người tin, ít kẻ chống đối, có nhiều bạn, có khả năng giải quyết những tranh chấp, có thể thuyết phục người khác, v.v..

Yếu tố sáng tạo - gồm những khả năng tạo nên được những gì mới lạ mà xã hội cần như sản phẩm mới, dịch vụ mới, tư tưởng hay ý kiến mới, tổ chức kinh tế mới, thị trường mới, phong cách làm việc hữu hiệu mới, v.v…

Yếu tố lãnh đạo - gồm có khả năng liên kết những cá nhân riêng rẽ thành một tổ chức kinh tế vững chắc hữu hiệu; có tầm nhìn cao, xa, rõ rệt; tạo được mối quan hệ với những tổ chức kinh tế trong và ngoài nước một cách hữu ích, hòa giải, đạo đức, ngay thẳng, và có nhiều lợi ích; xác định rõ các mục tiêu có thể đạt được và truyền bá cho nhân viên; hiểu rõ được những nhu cầu của nhân viên và gắn liền nhu cầu này vào mục tiêu của tổ chức kinh tế; tạo sự gắn bó, trung thành và nhiệt tâm lâu dài của nhân viên với tổ chức kinh tế, biết cách tăng cường năng suất chung của tổ chức kinh tế.

Con người của nước nghèo thường thiếu những yếu tố quan trọng này, hay là những người có yếu tố này, không được dụng vào những vị trí tương ứng.

Vai trò của nhà nước

Nguyễn An: Từ những điều vừa nói về yếu tố con người, ông có thể nói về vai trò của nhà nước trong sự phát triển yếu tố con người và sự tạo dựng những tổ chức kinh tế lớn với năng suất cao không?

Trần Văn Hiển: Vấn đề phát triển con người và phát triển kinh tế là chuyện chung của cá nhân, gia đình, chính quyền và xã hội. Ai cũng có thể tham gia vào sự phát triển này. Tuy nhiên vai trò của nhà nước rất là quan trọng như sau:

- Chính quyền tạo một môi trường chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định cho mọi người làm việc.

- Chính quyền giáo dục người dân những yếu tố con người nêu ra trong bài này.

- Chính quyền có thể làm gương sáng cho cá nhân bằng cách trung thực, đạo đức, tôn trọng sự thật, công bằng, có tinh thần trách nhiệm với người dân, dùng người dân đúng chỗ, dựa trên tài năng của họ hơn là dựa trên bè phái, v.v..

- Chính quyền tạo một môi trường pháp lý lành mạnh trong đó người dân có thể phát huy mọi yếu tố con người, được tự do hội họp để tạo nên tổ chức kinh tế mới, và được tự do buôn bán với mọi người xa gần.

Nguyễn An: Vừa rồi là ông nói chung các chính quyền. Trường hợp của Việt Nam thì sao?

Trần Văn Hiển: Người Việt Nam rất thông minh và chịu khó, nhưng nước Việt Nam rất nghèo. Sự nghèo khó này cho thấy là yếu tố con người ở Việt Nam vẫn còn rất kém. Đây là lỗi chung của xã hội vì đại đa số các nước Á châu và Phi châu là thế. Nếu chúng ta muốn hiểu được sự yếu kém của chính quyền Việt Nam ra sao trong sự đào tạo con người, chúng ta có thể nhìn vào ba dữ kiện sau:

Hệ thống giáo dục của Việt Nam ra sao? Việt Nam không có những tổ chức kinh tế lớn, năng suất cao và giàu mạnh, cho thấy rằng hệ thống giáo dục của Việt Nam trong 70 năm qua không đào tạo người dân với những yếu tố con người cao như giao tiếp, sáng tạo và lãnh đạo hay những ngưòi tài không được dùng đúng chỗ.

Chính quyền có minh bạch không? Theo Transparency International, sự minh bạch của chính quyền Việt Nam rất kém. Năm 2004 bị xếp thứ ba từ chót đếm lên trong khu vực, hơn được Indonesia và Miến Điện. Do đó, chính quyền Việt Nam cần phải thay đổi nhiều lắm trước khi được làm gương sáng cho người dân.

Người dân có được tự do phát triển không? Theo tổ chức Freedom House, chính quyền Việt Nam hạn chế rất nhiều tự do cho sự phát triển con người. Năm 2004 bị xếp thứ nhì từ chót đếm lên trong khu vực, hơn được Miến Điện. Một lần nữa chính quyền Việt Nam còn rất nhiều việc lớn phải làm trong sự nâng cao yếu tố con người cho phát triển kinh tế.

Nguyễn An: Xin cảm ơn giáo sư Trần Văn Hiển.

Vừa rồi là cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ và Tiến sĩ Trần Văn Hiển về vốn con người trong phát triển kinh tế, là phần đầu của loạt bài phân tích kinh tế về Việt Nam và WTO. Chủ đề thảo luận kỳ tới sẽ là, cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam, mong quý thính giả đón nghe. Cũng xin nhắc rằng ý kiến của giáo sư Hiển không nhất thiết phản ánh quan điểm của ban Việt ngữ đài Á châu tự do, và chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp thêm.
 
Việt Nam và WTO (II)
RFA - 2005.11.23

Tiến sĩ Trần Văn Hiển - Nguyễn An

Thưa quý thính giả, Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO cả thập kỷ trước. Tuy nhiên, việc trở thành hội viên của tổ chức quốc tế này mới chỉ trở nên cấp thiết trong đôi ba năm trở lại đây, khi nền kinh tế đã có những bước phát triển tốt song song với yêu cầu hội nhập vào thế giới ngày càng cấp thiết hơn.

Để tìm hiểu quá trình Việt Nam xin gia nhập WTO cùng những vấn đề liên quan đến việc gia nhập ấy, ban Việt ngữ đài Á châu tự do đã thực hiện một loạt cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Văn Hiển, giáo sư đại học và CPA ở tiểu bang Texas, Hoa kỳ.

Giáo sư Hiển hàng năm đi công tác ở Việt Nam cho đại học của ông. Trong buổi phát thanh trước, ông Hiển đã bàn về tài năng con người trong phát triển kinh tế. Kỳ này, chủ đề trao đổi là cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam. Mời quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ vào giáo sư Hiển.

Bài 2: Cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam

Nguyễn An: Về đại thể, theo giáo sư thì cấu trúc của nền Kinh tế Việt Nam như thế nào?

Tiến sĩ Trần Văn Hiển: Năm 2004, Việt Nam có 82 triệu dân, GDP là 42 tỉ đô la, và GDP đầu người là 550 đô la. Chúng ta có thể nhìn cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam theo hai góc độ khác nhau: 1) theo ngành chuyên môn và 2) theo quyền sở hữu.

Theo góc độ chuyên môn, kinh tế Việt Nam chia làm 3 khu vực: 1) nông nghiệp, 2) kỹ nghệ và xây dựng và 3) dịch vụ.

- Khu vực nông nghiệp sản xuất 22% của GDP, dùng 2/3 dân số.
- Khu vực kỹ nghệ và xây dựng sản xuất 40% của GDP, dùng 13% dân số
- Khu vực dịch vụ sản xuất 38% của GDP, dùng 21% dân số.

Theo góc độ ai làm sở hữu, kinh tế Việt Nam được chia làm 3 khu vực: 1) nhà nước, 2) nước ngoài, và 3) tư nhân.

Khu vực kinh tế nhà nước sản xuất 38% của GDP. Đây là khu vực tập trung những công ty lớn và những kỹ nghệ trọng điểm của Việt Nam. Khu vực này vẫn tăng trưởng đều về số lượng từ 1986, sau khi Việt Nam chuyển hướng qua kinh tế thị trường. Tuy nhiên sự tăng trưởng này không đem lại công ăn việc làm cho người dân bao nhiêu, trong khi cần rất nhiều trợ cấp từ chính quyền.

Khu vực kinh tế nước ngoài sản xuất 14% của GDP. Khu vực này phát triển rất nhanh vào đầu thập niên 90. Nhưng sau đó chậm lại nhiều.

Khu vực kinh tế tư nhân sản xuất 48% của GDP. Khu vực này bắt đầu phát triển mạnh sau chính sách đổi mới vào năm 1986, tăng vọt sau khi Việt Nam ký hiệp ước song phương với Mỹ (gọi tắt là BTA) và thông qua luật đầu tư trong nước vào năm 2001.

Trong thập niên 90, kinh tế Việt Nam phát triển khoảng 4.8%, thua nếu so với mức phát triển trung bình của khu vực là 5.8%. Những năm gần đây, nhất là sau BTA, sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu cao hơn khu vực. Tuy nhiên vẫn thua Trung Quốc chừng 2% đến 3% mỗi năm.

Khi đọ thu nhập trên đầu người của Việt Nam, 550 đô la, với các nước nghèo trong khu vực như Trung Quốc, Philippines và Indonesia, GDP đầu người của Việt Nam dưới ½ của họ.

Hạ tầng cơ sở

Nguyễn An: Một trong những điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế là có hạ tầng cơ sở vững mạnh. Trường hợp của Việt Nam ra sao?

Tiến sĩ Trần Văn Hiển: Về hạ tầng cơ sở thì Việt Nam rất là kém cho nhu cầu hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước. Một vài ví dụ như sau:

Ví dụ 1. Đất nước không có những hệ thống vận chuyển tối tân để vận chuyển người và hàng hóa giữa hai miền Nam Bắc, giữa thôn quê và thành thị, giữa vùng xa với các trung tâm thương mại.

Ví dụ 2. Ô nhiễm môi trường rất nặng trong những thành phố lớn, và hiểm họa y tế như SARS và cúm gà hoành hành Việt Nam.

Ví dụ 3. Trong những thập niên qua, Việt Nam đạt được nhiều kết quả tốt trong giáo dục phổ thông, và đại đa số người dân biết đọc biết viết. Tuy nhiên bậc đại học của Việt Nam vẫn kém xa các nước trong khu vực.

Nguyễn An: Giáo sư có thể giải thích tại sao, nhà nước Việt Nam không xây dựng được hạ tầng cơ sở tốt cho sự phát triển kinh tế không?

Tiến sĩ Trần Văn Hiển: Tôi nhìn thấy một số lý do như sau:

Chính quyền Việt Nam không thu thuế từ người giàu. Đa số thu nhập của người giàu ở Việt Nam là tiền mặt, và hầu như họ không đóng thuế. Vì không thu đủ thuế, chính quyền Việt Nam không đủ tiền xây hạ tầng cơ sở.

Chính quyền Việt Nam ít khả năng huy động vốn của người dân. Khi chính quyền Việt Nam bán công khố phiếu cho người dân, không có mấy ai tình nguyện mua. Vì vậy chính quyền Việt Nam không có thêm một phương cách hữu hiệu khác thu tiền cho xây dựng hạ tầng cơ sở.

Chính quyền với minh bạch thấp đưa đến nhiều công trình xây dựng bị đình trệ, hay xây dựng với chất lượng rất kém.

Khu vực kinh tế quốc doanh

Nguyễn An: Chính phủ Việt Nam chủ trương kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Vậy khu vực quốc doanh tại Việt Nam hoạt động thế nào?

Tiến sĩ Trần Văn Hiển: Khu vực kinh tế quốc doanh, về vấn đề buôn bán với những công ty hoặc cá nhân khác, thì vẫn bình thường thôi, nghĩa là thị trường định giá cho sản phẩm của họ. Sự khác biệt lớn nhất giữa họ và những công ty khác là: 1) liên hệ với nhà nước, 2) phong cách làm việc, 3) thành tựu.

Về liên hệ với nhà nước, đây là những điều quan trọng:

- Công ty nhà nước là những công ty nắm những ngành trọng điểm mà nhà nước ấn định. Có nhiều cơ hội được độc quyền.

- Được cấp giấy phép nhanh chóng. Đây là một lợi điểm rất lớn vì xin giấy phép ở Việt Nam là một chuyện khó khăn và tốn kém không lường được.

- Có thể được trợ cấp/đầu tư từ ngân sách nhà nước. Mỗi năm nhà nước dùng gần một nửa ngân sách để trợ cấp những công ty quốc doanh.

- Được cho đất, hay thuê đất với giá rất hạ. Đất ở Việt Nam đắt như vàng, được cấp đất như được cấp vàng.

- Được ngân hàng nhà nước cho vay dễ dãi.

- Được các cơ quan nhà nước khác giúp đỡ, không bị vòi vĩnh.

Về phong cách làm việc, có 3 điều chính:

- Lương rất thấp và lợi nhuận của công ty không gắn liền với lợi nhuận của nhân viên đưa đến nhân viên làm việc kém năng suất.

- Công ty thường vướng bận bởi những thủ tục hành chính phức tạp

- Đảng ủy của Đảng CS (không phải giám đốc công ty) quyết định mọi chuyện quan trọng như về nhân sự và hành chính như là chọn lãnh đạo, đầu tư, sa thải nhân viên, v.v.

Về thành tựu, có bốn điều quan trọng:

- Vẫn tăng trưởng đều đều về số lượng trong hai thập niên qua mặc dù nền kinh tế đang chuyển hướng qua kinh tế thị trường.

- Năng suất thấp. Vì ít quyền lợi đưa đến nhân viên làm hết giờ hơn là làm hết trách nhiệm.

- Chi phí đầu tư rất cao. Theo bài nghiên cứu của David Deprice của ĐH Harvard, cho thủ tướng Phan Văn Khải, thì Việt Nam cần đầu tư 3 dollars để tạo ra một dollar mới cho GDP khi đầu tư vào khu vực tư nhân, nhưng cần đến 5 dollars, hay 80% hơn, khi đầu tư vào khu vực quốc doanh.

- Không tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân, mặc dầu được nhà nước ưu đãi.

Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa

Nguyễn An: Nhà nước Hà Nội thường tuyên bố Việt Nam là một nước kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Là người từng về Việt Nam nhiều lần và với cái nhìn của một nhà kinh tế, ông nhận xét thế nào về cái định hướng Xã hội chủ nghĩa ấy?

Tiến sĩ Trần Văn Hiển: Nhìn vào cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam, khu vực kinh tế nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân là hầu như 80%-90% là kinh tế thị trường. 10%-20% không thị trường là do sự khó khăn trong việc xin giấy phép từ nhà nước Việt Nam và điều này đưa đến nền kinh tế Việt Nam kém tính cạnh tranh hơn những nền kinh tế thị trường khác mà việc xin giấy phép dễ dàng hơn.

Khu vực kinh tế quốc doanh chiếm 38% của GDP. Khu vực này chỉ là kinh tế thị trường 10%-20% vì giá cả được định bởi thị trường. Còn tất cả những gì còn lại thì chẳng khác gì khu vực kinh tế quốc doanh của các nước xã hội chủ nghĩa khác.

Nguyễn An: Cảm ơn Tiến sĩ Trần Văn Hiển.

Vừa rồi là cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ và Tiến sĩ Trần Văn Hiển về cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam, là bài thứ hai của loạt bài phân tích kinh tế về Việt Nam và WTO. Chủ đề thảo luận kỳ tới sẽ là, sự cần thiết gia nhập WTO của Việt Nam, mong quý thính giả đón nghe.
 
Back
Bên trên