Nguyễn Tuấn Nam đã viết:
Các bác học văn để làm gì thế , chia sẻ cho mọi người đi ...
Học văn để hiểu và thực hiện hai trong số năm điều Bác Hồ dạy:
1. Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào
..............
5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
Học văn để không nhầm Nguyễn Thi với Nguyễn Đình Thi, Nam Cao với Nguyễn Công Hoan, Bế Kiến Quốc với Bế Văn Đàn, Dương Hương Ly với Dương Thu Hương, để đừng nhầm Ma Văn Kháng là anh trai của Ma Thị Bích Việt, để đừng khen thơ tình Tố Hữu và thơ cách mạng của Xuân Diệu hay.
Mỗi học sinh có cách cảm nhận riêng về môn văn, nhưng hay/dở phần lớn là do người truyền thụ. Phần lớn các em thấy môn văn không hay là vì phương pháp dạy văn của giáo viên chưa có gì lôi cuốn, thu hút cả. Học văn có thể gói gọn trong hai từ: "Chép chính tả" và "học thuộc lòng". Vậy thì lớp 12 đâu có khác gì lớp 1?
Hồi cấp hai chị được học một cô giáo dạy văn rất ấn tượng. Gần như cô chẳng giảng mấy, toàn để cả lờp tự bình lấy. Trong giờ văn tất cả học sinh đều phải động não. Cô chỉ gợi ý: Biện pháp tu từ ( VD: dùng từ láy, lặp, đảo, so sánh, nhân hóa, cường điệu, thậm xưng...) này có ý nghĩa gì? Vì sao tác giả không sử dụng biện pháp khác? Nếu dùng biện pháp khác thì ý nghĩa của câu thơ/văn sẽ thay đổi như thế nào? Nếu ai trả lời đúng cô sẽ cho điểm miệng luôn, tùy chất lượng câu trả lời có thể được điểm 8, 9 hoặc 10. Điều này kích thích cả lớp phát biểu, bàn luận rất sôi nổi, vì giờ học sôi động như một buổi seminar nho nhỏ, cũng vì nguyên nhân khác nữa là muốn có điểm để khỏi bị kiểm tra miệng. Đến cuối học kỳ, có những học sinh có nhiều điểm miệng quá cô sẽ hỏi ý kiến từng người, thích bỏ bớt điểm nào, giữ lại điểm nào, vì quy định chỉ cần có hai điểm miệng/1 học kỳ thôi, nhưng cô sẽ giữ lại cho từ 3-4 điểm. Tất nhiên ai cũng bỏ những điểm kém đi, giữ lại những điểm cao hơn. Điểm miệng này không được thay cho điểm kiểm tra 15 phút và kiểm tra một tiết. Trong bài kiểm tra viết, nếu ai có ý hay, độc đáo, thể hiện là sáng tạo của riêng mình (tất nhiên phải đúng chứ không phải bình luận nhăng cuội), cô sẽ đánh dấu bút đỏ vào ý đó và cuối bài sẽ cộng thêm điểm. Chị rất thích được viết thế này, chứ như những giáo viên khác không cho phép học sinh bình luận chệch đi một chút so với ý mình thì chán, chẳng muốn học - Làm thui chột hết cả sáng tạo của trẻ con.
Còn cách dạy tập làm văn của cô cũng hay. Tại sao chúng ta không ai kêu ca môn toán mà lại kêu ca môn văn? là vì môn toán có công thức rõ ràng, 1+1=2, đúng sai biết ngay chứ không mông lung như môn văn. Cô cũng dạy viết văn theo công thức như môn toán và công khai cách chấm điểm văn của cô (cũng cần nói thêm là cô rất công bằng). VD: mỗi bài văn cần có đầy đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết luận. Trong phần mở bài phải nói mấy ý, tùy mỗi thể loại văn sẽ được giới thiệu như thế nào. Phần kết luận phải chốt lại mấy ý và mở ra cho người đọc hướng suy luận tiếp như thế nào. Phần thân bài nếu muốn nói mấy ý thì tách mỗi ý ra một đoạn để người đọc tiện theo dõi. Trong mỗi đoạn nhỏ đó có một câu mở đoạn (Giới thiệu mình sẽ nói gì trong đoạn đó), sau đó là phát triển ra thêm (VD: trong văn chứng minh cần đưa là lời chứng minh, phân tích của mình, đưa ra bằng chứng, dẫn chứng cụ thể. Tốt nhất là nên trích nguyên văn (để trong ngoặc kép) hoặc trường hợp bất dắc dĩ do không nhớ chính xác nguyên văn thì mới dẫn chứng gián tiếp, không để trong ngoặc kép). Sau đó cần câu kết đoạn, dẫn dắt người đọc sang đoạn mới. Cô rất chú ý dạy học sinh viết chuyển câu chuyển đoạn nhuần nhuyễn, tránh tình trạng người đọc thấy bài văn gồm những đoạn chẳng ăn khớp gì với nhau, cứ như là văn cắt dán vậy, mặc dù do chính tay mình viết ra. Sau khi dạy xong cách viết rồi cô sẽ ra một đề văn, bảo cả lớp viết thử mở bài. Cô cho khoảng 15phút, sau đó sẽ gọi một vài người đọc thử bài mình, cô và cả lớp sẽ cùng phân tích mở bài đó điểm nào được, điểm nào chưa được, chỗ nào hay, chỗ nào không. Cách này làm cả lớp cùng rút được kinh nghiệm để khỏi mắc những lỗi như của bạn đó. Các buổi học sau sẽ là viết thử từng đoạn một của thân bài, rồi kết luận. Vậy là sau vài buổi, hầu như mọi người đều được cô sửa, và đến giờ kiểm tra một tiết thì không ai là không viết được một bài văn hoàn chỉnh. Hay or không còn tùy thuộc giọng văn và năng khiếu của từng người, nhưng ít nhất là ai cũng biết cách viết và viết đúng một cách tự tin, không ai có nhu cầu phải quay cóp cả. Chừng đấy thôi ít nhất cũng đã được điểm 7 rồi. Còn ai viết hay, bay bổng, mềm mại, chau chuốt sẽ được điểm cao hơn. Cô động viên để không ai ngại ngùng gì mỗi khi đọc bài viết của mình trước lớp: "Không ai sinh ra mà thành nhà văn/nhà thơ ngay cả. Nếu không thất bại sao có thành công, nên đọc bài để cô và các bạn biết mà sửa cho chỗ dở, khuyến khích chỗ hay còn hơn là viết ra mà chẳng biết mình viết đúng hay sai, rồi đến lúc đi thi cũng không biết phải viết cái gì nữa, hoặc viết ra rồi chẳng biết đúng sai, hay dở thế nào". Phương pháp dạy văn của cô được nhiều giáo viên rất thích và dự giờ để học hỏi rất nhiều nhưng hình như chưa ai áp dụng được như cô cả. Trong giờ tập làm văn cô sẽ nhắc lại những biện pháp tu từ, những từ vựng mà cô đã dạy trong giờ từ ngữ ngữ pháp và dạy cách áp dụng để viết văn ra sao, hoặc trong giờ từ ngữ ngữ pháp, khi dạy về một biện pháp tu từ cô sẽ bảo viết thử một đoạn văn có sử dụng biện pháp tu từ đó. Cách này làm cho học sinh thấy sự cần thiết phải học tiếng Việt là để tìm đúng từ, đúng cách nói để diễn đạt cho đúng ý mình, tránh bị hiểu lầm, cũng như thấy được mối liên hệ chặt chẽ với nhau giữa các môn học tiếng Việt, phân tích văn học và làm văn, qua đó học tốt từng môn để bổ trợ cho nhau sẽ không nhàm chán.
Sau này chị có học văn vài người nữa, có những thầy cô bình giảng rất hay làm mình mê ly nhưng chi tiết và cẩn thận, có phương pháp rất khoa học như cô giáo này thì chị không được gặp nữa. Chị thấy mình rất may mắn vì được là học trò của cô. Chị nghĩ là nếu các em được học một cô giáo như vậy các em cũng sẽ thấy hết cái hay cái đẹp của môn văn. Cũng có thể có nhiều giáo viên khác cũng có cách giảng rất dễ tiếp thu, và ai được truyền đạt bởi những giáo viên đó cũng sẽ thật là hạnh phúc.