Bill Gates rời bỏ "ngai vàng" tại Microsoft
Gates (phải) sẽ chuyển giao lại trách nhiệm chèo lái Microsoft cho Steve Ballmer - (ảnh: AP)
Ngay tại thời điểm này, chủ tịch của tập đoàn Microsoft Bill Gates sẽ thôi không đảm nhiệm cương vị của giám đốc kiến trúc phần mềm cho Microsoft và đến tháng 7/2008, ông sẽ từ bỏ hoàn toàn mọi chức vụ quản lý của mình tại tập đoàn phần mềm khổng lồ này.
>> Chuyến thăm của Bill Gates tại Việt Nam
Quyết định chấn động?
Quyết định của Gates được đưa ra vào thời điểm mà Microsoft - hãng phần mềm có hệ điều hành chạy trên 90% máy tính của toàn thế giới - đang phải vật lộn tìm kiếm các nguồn tăng trưởng mới.
Theo phương án mới, Gates sẽ chuyển giao lại trọng trách công nghệ cho Ray Ozzie, người mới gia nhập Microsoft hồi năm ngoái. Ray cũng chính là "trái tim" của chiến dịch duy trì địa vị thống trị tại Microsoft, bằng cách biến các phần mềm desktop thành dịch vụ Web.
Gates cho biết đến tháng 7/2008, ông sẽ dành trọn vẹn thời gian của mình cho quỹ từ thiện mà vợ chồng ông lập ra - Bill and Melinda Gates - để nâng cao tình trạng sức khỏe và giáo dục trên toàn thế giới. Thế nhưng, ông cũng nói thêm là sẽ làm việc "part-time cho Microsoft".
Người đàn ông giàu nhất thế giới, với trị giá tài sản ước tính lên tới 50 tỷ USD (Tạp chí Forbes thống kê hồi tháng 3 vừa qua), sẽ vẫn là chủ tịch của Microsoft, kiêm cố vấn cấp cao cho những dự án phát triển trọng điểm sau thời điểm chuyển giao 2008.
"Hiển nhiên, tôi đã rất khó khăn khi đưa ra quyết định này", Gates nói trong cuộc họp báo. "Tuy nhiên, những gì các bạn chứng kiến hôm nay không phải là một sự nghỉ hưu, mà chỉ là sự sắp xếp lại những mối ưu tiên của cá nhân tôi mà thôi".
Không gây xáo trộn
Giới phân tích không cho rằng thông tin này sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Microsoft - hãng có tới hơn 60.000 nhân viên trên toàn thế giới. Gates bắt đầu giảm bớt phần việc của mình ngay từ tháng 1/2000, khi ông trao lại chức danh giám đốc điều hành cho Steve Ballmer.
"Bill Gates có thể rút lui khỏi cái trách nhiệm "thường nhật" nhưng ông sẽ không bao giờ, không bao giờ từ bỏ hoàn toàn Microsoft", giáo sư Anthony Sabino của Đại học St John nhận định.
Giá cổ phiếu của Microsoft đã tăng giá 0,9% trên sàn giao dịch Nasdaq, đạt 22,07 USD. Đây là một chi tiết thú vị, nếu biết rằng cổ phiếu của Gã khổng lồ phần mềm đã giảm tới 13% trong năm qua, do các nhà đầu tư nghi ngờ khả năng tìm kiếm thị trường tăng trưởng mới của hãng.
Bên cạnh đó, Microsoft cũng đang nỗ lực phản pháo lại những đợt lấn sân táo tợn của Google và Apple Computer. Chưa hết, hãng còn phải đau đầu với Windows Vista khi liên tiếp hoãn lên hoãn xuống thời điểm phát hành vài lần và cắt bỏ nhiều tính năng rất được chờ đợi.
"Tôi dám cá là Gates đang cảm thấy mệt mỏi với việc đập đầu vào tường và cố nghĩ xem kiếm được lợi nhuận từ đâu, ngoài hệ điều hành Windows ra", Shannon Reid, giám đốc quỹ đầu tư Evergreen Strategic nói.
Điều chỉnh cơ cấu
Trong cuộc họp báo, vẫn như thường lệ, Steve Ballmer tỏ ra tự tin, bình tĩnh và rất nhiệt tình. Ông nói rằng Microsoft đặt mục tiêu chinh phục thêm 1 tỷ khách hàng vào thập kỷ tới.
"Chúng tôi đang chuyển đổi để có thể đáp ứng nhu cầu của một thế giới hiện đại, luôn khát công nghệ mới. Chúng tôi sẽ duy trì tư tưởng của Gates và "Nghĩ lớn, làm lớn" và sẽ còn phát triển ra lớn hơn nữa", Ballmer nói.
Ozzie, người được Gates lựa chọn thay chân mình trong cương vị kiến trúc sư trưởng phần mềm Microsoft, chính là tác giả của Lotus Notes, một trong những chương trình email tập đoàn thông dụng đầu tiên và hiện đang thuộc sở hữu của IBM.
Craig Mundie, một giám đốc kỹ thuật khác sẽ được nhận chức danh mới là giám đốc nghiên cứu và chiến lược của Microsoft.
Ballmer nhấn mạnh rằng cơ cấu mới của Microsoft sẽ san bớt trách nhiệm cho các quan chức ở cấp thấp hơn, nhờ đó mà Microsoft có thể đưa ra quyết định nhanh chóng mà không cần tới Gates hoặc Ballmer.
Sự thay đổi này được đưa ra do nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng bộ máy quá cồng kềnh và nặng nề của Microsoft khiến cho hãng rất khó xoay trở và ứng phó với sự nhanh nhẹn trong cạnh tranh của Google hay các đối thủ khác.
Tuy nhiên, chính Ballmer cũng thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với AP rằng "không tài nào thay thế được Bill Gates", và bất cứ ai có suy nghĩ như vậy cũng chỉ là "vọng tưởng".
"Thế giới đã dành cho tôi quá nhiều sự chú ý. Trên thực tế, Microsoft là một công ty quy tụ cả biển tài năng", Gates nói. "Chưa bao giờ, đội ngũ lãnh đạo của chúng tôi lại mạnh đến vậy".
Và như để trấn an nốt số ít những người hoài nghi còn lại, Steve Ballmer khẳng định như đinh đóng cột rằng ông không có ý định từ chức. "Tôi còn gắn bó với Microsoft dài dài".
Cả Ozzie lẫn Mundie đều sẽ tiếp tục báo cáo công việc với Gates. Vào một thời điểm không xác định từ nay cho đến tháng 7/2008, họ sẽ chuyển sang báo cáo cho Ballmer.
Dấu chấm hết cho một kỷ nguyên
Theo AP, bước đi này sẽ chấm dứt một kỷ nguyên tại Microsoft - kể từ khi Gates sáng lập ra hãng vào năm 1975 cùng với người bạn từ thuở thiếu thời Paul Allen. Gates cho biết ông muốn lui về để dành nhiều thời gian hơn cho những công việc từ thiện của mình.
Trước đó, trong chuyến sang thăm Việt Nam, Bill Gates cũng nói rằng "trong tương lai, ông sẽ dành thời gian để nghĩ nhiều hơn về việc dùng tài sản khổng lồ của mình vào các công việc từ thiện thế nào cho hiệu quả nhất, mang lại nhiều tác động đến cho thế giới nhất".
Gates tuyên bố rằng ông không có ý định từ bỏ vị trí cổ đông lớn nhất của Microsoft, và ông "tự hào vì điều đó".
Tuy nhiên, Gates khẳng định quyết định này hoàn toàn không chịu ảnh hưởng bởi những thách thức và khó khăn gần đây của Microsoft. "Có lúc nào trong suốt lịch sử của hãng mà người ta không đặt ra những câu hỏi hoài nghi đâu", Gates hóm hỉnh nói.
Gates cho biết khi mới lập quỹ vào năm 2000, ông đã không nhận ra việc giải quyết những vấn đề như y tế và giáo dục toàn cầu chông gai đến mức nào. Hiện nay, quỹ Bill & Melinda Gates là quỹ từ thiện lớn nhất thế giới, với tài sản lên tới 29,1 tỷ USD.
Quỹ này được coi là người đi đầu trong chiến dịch nâng cao sức khỏe cộng đồng trên quy mô quốc tế, nhất là trong cuộc chiến chống lại HIV, bệnh tả và lao tại các nước đang phát triển. Còn tại Mỹ, quỹ tập trung nguồn lực cho việc cải cách giáo dục và hệ thống thư viện công cộng.
(Theo VNN)