Những chú lính chì Thể Công
Cuối cùng những chú lính chì Thể Công cũng đã quay lại sân chơi cao nhất của bóng đá nước ta. So với những đội mới lên hạng trong những năm gần đây như Khánh Hòa, Thanh Hóa, Đồng Tháp hay Huế, Thể Công có một bề dày hơn hẳn.
Trong trái tim fans hâm mộ - Thể Công vẫn là số 1
Dù muốn dù không, Thể Công vẫn là một tên tuổi đáng gờm, một tượng đài trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
1. Vào năm 1975, Thể Công, Tổng Cục Đường Sắt và Công An Hà Nội đã là ba tên tuổi lớn của bóng đá thủ đô. Lúc đó, các fan bóng đá Sài Gòn dù chưa tận mắt chứng kiến các đội bóng trên thi đấu nhưng qua những câu chuyện truyền khẩu đã biết đến các danh thủ Hiển “cóc”, Hùng “xồm”, đã biết câu vè “bay như gôn Khánh, đánh như gôn Kim”.
Đến khi giải bóng đá Hồng Hà ở miền Bắc tổ chức đồng thời với giải Trường Sơn ở miền Trung và giải Cửu Long ở miền Nam, người hâm mộ mới có cơ hội biết nhiều hơn về bóng đá miền Bắc qua các bài tường thuật trên báo chí.
Thể Công vô địch giải Hồng Hà lần đó, nhưng đội bóng đầu tiên của Hà Nội vào Sài Gòn đá giao hữu là đội hạng nhì Tổng Cục Đường Sắt. Năm 1976, như kiếm sĩ Phù Tang vượt biển qua Trung Thổ thách đấu, Đường Sắt một mình một ngựa xuôi Nam.
Đại cao thủ được người miền Nam yêu mến nhất lúc đó là Cảng Sài Gòn với những danh tài Tam Lang, Tư Lê, Ngôn, Thà được lĩnh ấn tiên phong. Hoàn toàn bất ngờ, lối chơi bay bướm đẹp mắt của Cảng đã bị lối chơi giàu thể lực của Tổng Cục Đường Sắt hạ đẹp 2-0.
Người Sài Gòn chưa hết sững sờ, đã bàng hoàng nghe tin thất trận của Tây Ninh, Đồng Tháp liên tiếp bay về. Tây Ninh của Chảy, Rỡ, Đồng Tháp của Hảo, Chôm, Bạch, Phúc thời đó là những cao thủ hùng cứ một phương, thế mà đội nào cũng bị Tổng Cục Đường Sắt giã cho 3 quả.
Sau khi thắng tiếp Cần Thơ 2-0, Đường Sắt quay lại sân Thống Nhất đấu trận cuối cùng với Hải Quan - đương kim vô địch giải Cửu Long. Bằng trận thắng 2-1 trước Đường Sắt, cuối cùng Hải Quan cũng đã “rửa mặt” cho bóng đá miền Nam nhưng hình ảnh kiêu hùng của Tổng Cục Đường Sắt còn đọng lại trong tâm trí người hâm mộ rất lâu.
2. Nhưng Tổng Cục Đường Sắt chỉ là á quân giải Hồng Hà. Cao thủ xếp thứ hai mà võ công đã bá đạo như thế, đội vô địch tài nghệ còn ghê gớm biết chừng nào. Đại danh Thể Công từ đó vang rền như sấm nổ bên tai.
Giải toàn quốc đầu tiên năm 1980, Tổng Cục Đường Sắt sau khi đứng đầu bảng B, lọt vào vòng chung kết thắng nốt hai đội đầu bảng kia là Hải Quan và Công An Hà Nội để lên ngôi vô địch. Nhưng giải đó, Thể Công không tham dự.
Rõ ràng, nếu Thể Công tham dự, Đường Sắt chưa chắc đã trở thành nhà vô địch quốc gia đầu tiên trong lịch sử. Thể Công cho tới lúc đó giống như thần long thấy đầu mà chẳng thấy đuôi, càng khiến cho quần hào tò mò.
Hoàn toàn ngẫu nhiên, cái cách Thể Công xuất hiện rất giống với cách gieo hiếu kỳ của các nhân vật kỳ bí trong truyện Kim Dung. Chẳng hạn trước khi Mộ Dung Phục hiện thân, lời truyền khẩu trên giang hồ về “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung” lẫn những giai thoại về đòn “gậy ông đập lưng ông” đủ khiến cho anh hùng lưỡng đạo kinh tâm động phách. Người chưa xuất hiện mà oai danh đã chấn động lòng người.
Cuộc đời đã sắp xếp cuộc ra mắt của Thể Công trước giới bóng đá toàn quốc theo một kịch bản hồi hộp y chang truyện kiếm hiệp kỳ tình. “Lão nhị” Tổng Cục Đường Sắt xuất hiện ở chương 1, tới chương thứ 3 “lão đại” Thể Công mới từ từ lộ diện. “Lão đại” vừa hạ sơn, lập tức “độc bá quần hùng”.
Quả nhiên danh bất hư truyền, Thể Công vô địch quốc gia hai mùa liên tiếp một cách dễ dàng. Và người hâm mộ quả bóng tròn được dịp chiêm ngưỡng tài nghệ của hàng loạt danh thủ: Thế Anh, Cao Cường, Trần Văn Khánh, Nguyễn Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ, Quản Trọng Hùng... với một loại võ công đặc dị phi thường.
Chỉ tiếc một điều, các cao thủ Thể Công chỉ tung hoành giang hồ một thời gian ngắn, sau đó đều lên nhậm chức trưởng lão hết ráo nên họ chỉ lên ngôi minh chủ được thêm có 3 lần vào các năm 1987, 1990 (với thế hệ Hồng Sơn, Việt Hoàng) và 1998 (với thế hệ Quốc Trung, Thạch Bảo Khanh).
Đến khi giải quốc gia biến thành V-League với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đội bóng doanh nghiệp, Thể Công từ từ tuột dốc rồi rơi thẳng xuống hạng Nhất đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập.
3. Bây giờ thì họ đã quay lại, tất nhiên không ai coi họ là “lão đại” nữa. Giang hồ đương đại, “tứ đại thiên vương” đang là Bình Dương, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng. Nhưng không ai dám coi thường họ. Đơn giản vì họ là Thể Công.
Giang hồ vẫn truyền tụng: “Cây có bóng, người có danh”. Cây càng lớn thì bóng càng to, người có thanh danh trọng đại ắt phải là kẻ anh hùng, dù ba năm qua họ lâm vào cảnh “anh hùng mạt vận”. Thể Công quay lại V-League hẳn nhiên rất khác với Huế hay Đồng Nai quay lại V-League.
Với bề dày truyền thống sau lưng, với nguồn kinh phí dồi dào số một V-League, với hai, ba lứa cầu thủ trẻ đang âm thầm “luyện công” ở các “mật động” nước ngoài, nếu họ đã gỡ bỏ được những trói buộc trong cơ chế quản lý để quyết tìm lại thanh danh xưa, có khi vài ba mùa nữa, giang hồ lại kêu họ là “lão đại”. Biết đâu đấy!
http://bongdaso.com/Art_15726.aspx?cat=0
Tiêu đề thì nghe rất cổ tích nhưng đọc ra thì toàn thấy kiếm hiệp
)