Giới chuyên môn nước Anh không thể giấu nổi sự lo ngại khi nhà ĐKVĐ Premier League Arsenal tung ra sân một đội hình gồm toàn cầu thủ nước ngoài trong trận thắng Crystal Palace vừa qua.
Đội bóng Anh nhưng không có cầu thủ người Anh
Danh sách đăng ký 16 cầu thủ Arsenal tham dự trận đấu với Palace không hề có lấy một cầu thủ mang quốc tịch Anh mà chỉ gồm 6 người Pháp (Cygan, Clichy, Pires, Henry, Vieira, Flamini), 3 người Tây Ban Nha (Fabregas, Reyes, Almunia), 2 người Hà Lan (Bergkamp, Van Persie), 1 người Cameroon (Lauren), 1 người Đức (Lehmann), 1 người Bờ Biển Ngà (Toure), 1 người Brazil (Edu) và 1 người Thuỵ Sĩ (Senderos).
Không có cầu thủ Anh tại một CLB Anh
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Anh lại có một chuyện như vậy xảy ra, bởi khi Chelsea tung ra sân một đội hình gồm toàn ngoại binh vào năm 1999, thì trên băng ghế dự bị của họ vẫn còn 4 cầu thủ mang quốc tịch Anh.
Phản ứng trước sự việc này, Paul Merson, cựu danh thủ Arsenal hiện là HLV của CLB Walsall, phát biểu: "Theo quan điểm của cá nhân tôi thì đây là một chuyện thật sự lố bịch. Đấy là lý do vì sao mà bóng đá Anh thường thi đấu kém thành công ở những giải lớn khi mà những CLB hàng đầu như Arsenal chẳng có lấy nổi một cầu thủ người Anh trong đội hình".
Còn Gordon Taylor, Giám đốc Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA), nhận xét rằng ĐT Anh có thể sẽ phải chờ tới 40 năm mới có thể đoạt được một danh hiệu lớn nếu như các CLB tiếp tục đặt quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích của ĐTQG. Taylor nói tiếp: "Arsene Wenger phải thực thi nhiệm vụ của mình nên tôi không muốn trách ông ấy. Nhưng đây thực sự là một xu hướng phát triển đáng lo ngại đối với bóng đá Anh. Liệu rằng trong một tương lai gần các cầu thủ trẻ của chúng ta có nhận được đủ cơ hội cần thiết để phát triển tài năng?".
''Chúng tôi không quan tâm tới quốc tịch của cầu thủ''
Trước phản ứng của dư luận tại Anh, HLV Arsenal Wenger tỏ ra khá bất ngờ: "Tôi chẳng biết gì về chuyện này cho tới khi được người khác thông báo). Tôi không để ý tới quốc tịch của các cầu thủ, tôi chỉ quan tâm đến phong độ và khả năng chuyên môn của họ''.
Còn Liam Brady, một cựu huyền thoại tại sân Highbury và hiện nay đảm trách cương vị HLV tuyến trẻ của Arsenal, thì lớn tiếng khẳng định: ''Chúng tôi rất trung thành với chiến lược phát triển dành cho tất cả các cầu thủ trẻ tại CLB mà không quan tâm tới quốc tịch của họ. Nếu có bất cứ ai nghi ngờ về sự tồn tại của hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ của Arsenal, thì hãy nhìn vào lối chơi mà các tài năng trẻ của chúng tôi đã thể hiện khi họ đánh bại Everton và Manchester City tại League Cup mùa giải năm nay''.
Theo Taylor, HLV Wenger không phải là người đáng trách, nhưng Taylor đã thẳng thừng phê phán phó chủ tịch Arsenal David Dein, một thành viên có máu mặt của LĐBĐ Anh (FA), về việc đã ''bật đèn xanh'' cho khuynh hướng ưu tiên sử dụng cầu thủ nước ngoài tại Arsenal, và việc ông này công khai lên tiếng phản đối đề nghị của UEFA nhằm tạo điều kiện phát triển cầu thủ bản địa.
Nếu đề xuất này được thực thi, kể từ mùa bóng năm sau, trong danh sách đăng ký 25 cầu thủ của các CLB châu Âu sẽ phải gồm ít nhất 4 người đã có 3 năm được huấn luyện, và thi đấu tại chính CLB đó trong độ tuổi từ 15 tới 21. Trong số này, phải có 2 người là sản phẩm của lò đào tạo trẻ ở CLB đó, và UEFA dự định sẽ tăng gấp đôi con số này vào mùa giải năm sau.
Giống như ''ông sếp'' Dein, Brady cũng thể hiện thái độ không đồng tình trước đề xuất của UEFA với lý do ''UEFA cố gắng tạo một sân chơi thật sự công bằng, nhưng trong bóng đá làm gì có chuyện như vậy'' (?!). Trong danh sách 34 cầu thủ chính thức của Arsenal ở mùa giải năm nay, chỉ có 5 thành viên mang quốc tịch thuộc Vương quốc Anh, tương đương với 15%, còn con số này ở Chelsea là 32%.
Chuyện buồn về Chilvers
Tuy nhiên, không giống như lời khẳng định của HLV Brady, ở Arsenal không phải cầu thủ trẻ nào cũng có cơ hội và may mắn như Justin Hoyte và Ryan Smith, những người đã được đôn lên đội 1 Arsenal từ tuyến trẻ và hiện là thành viên của ĐT U-21 Anh. Câu chuyện về Liam Chilvers là một thực trạng buồn cho công tác đào tạo cầu thủ trẻ tại Highbury mà không ai có thể phủ nhận.
Chilvers gia nhập Arsenal từ khi mới 9 tuổi, và được coi là một trong những tài năng hứa hẹn nhất của CLB này cùng với Graham Stack và Jay Bothroyd, nhưng không có ai trong số 3 cầu thủ nói trên được vinh dự tham dự Premier League trong màu áo Arsenal.
Năm nay 23 tuổi, Chilvers hiện là cầu thủ của đội bóng hạng Nhất Colchester, Bothroyd tạm trụ lại Blackburn Rovers sau một thời gian lặn lội sang Italia khoác áo Perugia, còn không thấy ai nghe nói gì về trường hợp của Stack.
Chilvers tiết lộ rằng hầu hết các cầu thủ người Anh tại Arsenal đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển sự nghiệp, và phần lớn trong số họ sẽ bị đẩy sang các CLB khác theo hình thức cho mượn nếu như HLV Wenger mua được những cầu thủ nước ngoài ở cùng vị trí thi đấu.
Chilvers, Stack và Bothroyd đã lần lượt rời khỏi Arsenal theo con đường như vậy, và giờ đây những tài năng trẻ khác như David Bentley và Jermaine Pennant (đang cho Norwich City và Birmingham City mượn) rất có thể sẽ theo bước bậc đàn anh của mình. Thậm chí, Pennant còn không muốn trở về Arsenal do liên tục bị mang cho mượn vì không cạnh tranh được với Freddie Ljungberg, và đề nghị Birmingham hãy ký kết hợp đồng chính thức với mình.
Trái bóng nằm trong chân BTC Premier League và FA
Theo kết quả của một chương trình nghiên cứu do Đại học Tổng hợp Leicester tiến hành, không chỉ riêng giới chuyên môn mà ngay cả những CĐV Anh cũng bày tỏ thái độ không đồng tình trước khuynh hướng ''vọng ngoại'' của các CLB. Bằng chứng là vào năm 1997, chỉ có 37% khán giả tại Premier League nói rằng giải đấu này có quá nhiều cầu thủ nước ngoài, nhưng sang năm 2001, con số này đã tăng lên thành 60%.
Giám đốc điều hành PFA Taylor nhận xét: ''Các CLB như Arsenal, Liverpool hay Chelsea, và bản thân các HLV không có lỗi, bởi nhiệm vụ của họ là làm tất cả những gì mang lại lợi ích cao nhất cho đội bóng. Thẩm quyền để giải quyết bài toán này nằm ở cấp cao hơn, chẳng hạn như BTC Premier League hay LĐBĐ Anh, và trách nhiệm của họ là phải tìm ra giải pháp tốt nhất cho bóng đá Anh''.
Taylor nhấn mạnh rằng bóng đá Anh nên nhìn bài học nhãn tiền của Scotland để tránh lặp lại sai lầm tương tự. 5 năm trước, Scotland đứng thứ 20 trên bảng xếp hạng FIFA, nhưng vị trí hiện tại của họ là 86, ngang với Albania, và nguyên nhân dẫn tới sự tụt dốc này không có gì khác hơn ngoài việc những CLB hàng đầu quá dựa vào lực lượng ngoại binh.