anh Phong nói thế nào chứ PIRLO thi băm đc ai
)
)
Andrea Pirlo, sự bắt đầu của một trường phái mới hay chỉ là một hiện tượng kì thú?
Bóng đá trở thành môn thể thao hoàn thiện từ thế kỉ 18. Trong suốt một thời gian dài, nó là một trò choi mang tính biểu diễn cao. Các sơ đồ chiến thuật đã có, nhưng nó không quá quan trọng. Đó là thứ bóng đá thơ ngây kéo dài tới tận đầu những năm 1960 khi mà các sơ đồ với 4 đến 5 tiền đạo được phổ biến và thịnh hành.
Để đối phó với sự xưng hùng xưng bá của Real Mađri và Benfica tại C1, một triết lý bóng đá mới đã ra đời. Nó đối lập hoàn toàn với phong cách thi đấu trước kia. Nó được áp dụng rộng rãi ở Italy và mang đến những thành công rực rỡ cho Calcio tại đấu trường châu lục, nhất là Inter. Nó là sản phẩm tuyệt vời của HLV người Argentina - Helenio Herrera. Vâng, nó là Catenaccio. Tuy nhiên, trường phái này cũng không tồn tại quá lâu. Nó bị đưa vào bảo tàng sau những thành công của lối đá tấn công tổng lực (total football) cùng sự chỉnh sửa của luật việt vị. Thực ra điểm yếu của chiến thuật catenaccio đã lộ rõ từ thất bai 1-2 của Inter trước Celtic năm 1967.
Và sau đó, khi HLV người Hà Lan Rinus Michels phát triển thứ bóng đá tổng lực, trường phái này đã đi vào quên lãng. Trường phái total football này đã làm vinh danh bóng đá Ha Lan tại thập kỉ 70 khi Ajax dành 3 chức vô địch C1, Ha Lan vào đến chung kết World Cup 74, 78. Song nó cũng đi vào quá sứ sau sự suy tàn của Barca - "Dream Team". Thực ra trường phái này đã mất vị trí độc tôn vào tay một trường phái khác, cá nhân hơn nhưng ít hao tổn sức lực hơn. Đó chính là sơ đồ 4-4-2 với tiền vệ hình con thoi hay rõ hơn là 4-3-2-1 hay 4-1-2-1-2 mà trong đó vị trí của hộ công chính là linh hồn của đội bóng. Ðó chính là sơ đồ 4-4-2 với hàng tiền vệ con thoi hay rõ ràng hơn là 4-3-1-2 hay 4-1-2-1-2 mà trong dó vị trí chủ công chính là linh hồn của đội bóng. Có Maradona, Argentina đoạt cúp vàng. có Platini, Juve vô địch C1, Pháp vô địch Euro. Lối chơi này một lần nữa giúp Pháp dành vinh quang, và biến Zidane thành huyền thoại. Nhưng, sau khi Zidane giã từ sự nghiệp, trên thế giới đã không còn những số 10 kinh điển. Riquelme, người có lẽ là duy nhất còn có được lối chơi của một số 10 đúng nghĩa thực chất là một kẻ thất bại. Anh không có chỗ đứng ngay trong những CLB hạng trung, và chính anh là biểu tượng thất bại của Argentina. Vạn vật đều có tương sinh, tương khắc, trong bóng đá cũng vậy, chẳng có sơ đồ nào giữ được vị trí độc tôn mãi mãi. Và các sơ đồ với số 10 cổ điển đã không còn hợp lý trong bóng đá hiện đại. Trong hơn 2 thập kỉ, các tiền vệ phòng ngự đã học được rất nhiều, đã biết cách khắc chế các số 10. Và vì vậy các tiền vệ phòng ngự giỏi ngày càng nhiều. Họ có thể lực, chịu khó đeo bám, không ngần ngại phạm lỗi. Hơn nữa các HLV sẵn sàng đưa sơ đồ gồm 2 tiền vệ trụ để khắc chế các số 10.
Riêng với bóng đá Italy, những thất bại của một thế hệ hào hoa với những số 10 xuất sắc như R. Baggio, Del Piero, F. Totti, rõ ràng đã đặt ra một bài toán khó mà muốn đưa Italy lên đỉnh cao họ phải giải được nó. Họ không thể tiếp tục dùng những số 10, nhưng người Ý cũng không thể chiến thắng chỉ với những công nhân, những người chăm chỉ nhưng ít sáng tạo. Để chiến thắng họ cần một bộ óc siêu việt để dẫn đường.
Và như một phần tất yếu của lịch sử, đã có một sơ đồ chiến thuật mới được khai sinh, nó giải quyết được những khó khăn của bóng đá Ý nói riêng và cũng là một cách khắc chế tình trạng dư thừa tiền vệ trụ xuất sắc. Sơ đồ này có mầm mống từ Liedholm, người đã tạo ra một mẫu tiền vệ mới, mà học trò của ông là Ancelotti. Tuy nhiên, sơ đồ đó chỉ trở nên rõ ràng khi chính Ancelotti làm HLV, còn người thực thi là một kẻ bỏ đi ở Inter: Andrea Pirlo. Trong sơ đồ của Ancelotti, Pirlo từ một hộ công đã được kéo lùi xuống, đá ở vị trí thấp nhất trong hàng tiền vệ. Nhưng vai trò của anh không phải là phòng ngự. Ance trông mong gì ở anh? Pirlo có những cú sút phạt tuyệt đẹp, nhưng anh không bằng Juninho. Anh có kĩ thuật khá tốt, nhưng không thể so với các số 10 nổi tiếng. Hơn nữa anh lại không có một nền tảng thể lực, thể hình tốt. Nhưng hơn bất kì một HLV nào khác, ông hiểu và biết cách phát huy tối đa điểm mạnh của Pirlo. Trong giai đoạn thừa mứa các tiền vệ trụ xuất sắc, đã có nhiều sơ đồ chiến thuật được khai phá nhằm chống lại xu hướng này. Đó là những sơ đồ dùng tới 2 tiền vệ công (4-3-2-1), (4-2-2-2) hoặc 3 (4-2-3-1). Tư tưởng của việc dùng những sơ đồ này là dùng cương chế cương, sử dụng nhiều tiền vệ tấn công để chống lại các sơ đồ mang tính phòng ngự cao.
Nhưng Ance, một người từng chơi bóng ở vị trí tiền vệ phòng ngự lại tìm ra một phương án mới. Tư tưởng của ông là lấy nhu chế cương. Người ta có câu "Nhượng nhất bộ, hải khoát thiên không - Lùi một bước thấy biển rộng trời cao". Chắc hẳn rằng, vì từng chơi bóng ở vị trí thấp trong hàng tiền vệ, Ancelotti rất thấu hiểu điều này. Ông vẫn sử dụng những tiền vệ công ( R. Costa, C.Seedorff, R. Kaka) nhưng người đóng vai trò là một số 10 lại được bố trí lùi lại, ẩn mình trong vai trò của một tiền vệ trụ. Ancelotti hiểu rằng, Pirlo không có đủ kĩ thuật và thể lực để cạnh tranh với những tiền vệ to khoẻ, có sức càn lướt tốt. Nhưng Pirlo lại có một nhãn quan chiến thuật tuyệt vời, cùng khả năng chuyền bóng dài với độ chính xác cực cao. Việc kéo anh lùi lại khiến anh vừa có được khả năng bao quát sân tốt hơn, lại vừa tạo cho anh một không gian đủ rộng rãi để xử lý và điều phối bóng.
Có lẽ tư tưởng của Ancelotti đã xuất hiện từ khi ông còn là một học trò của Liedholm. Nhưng ông chỉ thực hiện được nó khi có một con người đầy đủ phẩm chất để nắm giữ vị trí quan trọng nhất trong sơ đồ này. Thực sự là vai trò của Pirlo là một phát kiến mới, nó khác hoàn toàn với các tiền vệ khác. Pirlo không phải là một tiền vệ trụ bởi nhiệm vụ chính của anh là phát động tấn công. Anh càng không phải là một số 10 đích thực vì anh thi đấu quá xa khung thành đối phương. Anh cũng chẳng phải là tiền vệ trung tâm trong mô hình (4-4-2) cổ điển. Trong mô hình đó có 2 tiền vệ trung tâm cùng công, cùng thủ, hoạt động liên tục. Rõ ràng Pirlo không giống thế. Anh là một mẫu tiền vệ riêng mà ở đây xin mạn phép được gọi là "tiền vệ kiểu Liedholm". Trước Pirlo, đã có những người chơi bóng khá giống anh. Đó là D.Albertini và chính C.Ancelotti. Tuy nhiên, về cơ bản lối chơi của họ khác hẳn Pirlo. Ance thi đấu trong một đội bóng đồng đều, cực mạnh ở cả 3 tuyến, vì vậy vai trò của ông không quá quan trọng. Albertini có những đường chuyền dài rất sắc sảo, chính xác nhưng nhiệm vụ chính của Albertini vẫn là thu hồi bóng. Vì vậy có thể nói Pirlo là người đầu tiên thi đấu với vai trò này.
Thực tế đã cho thấy sơ đồ do Ancelotti khám phá ra này đã phát huy tác dụng rất lớn. Nó là nền tảng trong những thành công của Milan tại Champions League trong 5 năm qua, và Scudetto 2004. Nó cũng là lời giải cho bài toán mà người Italy đã mất hơn 20 năm để tìm ra. Trong hơn 20 năm, người Ý đã có những số 10 xuất sắc: từ R. Baggio, R. Mancini đến A. Del Piero, F. Totti. Tuy nhiên, họ không thể nào so được với D.Maradona, Z. Zidane, và cả M. Platini. Người ta có thể đổ lỗi cho sự không may mắn như các trận chung kết World Cup 94' và Euro 2000, nhưng rõ ràng có một điều gì đó rất không ổn.
Tuy nhiên, phát minh của Ance chính là chìa khoá đưa đến thành công của Italy tại World Cup 2006. Lippi không áp dụng mô hình giống hệt Milan bởi giữa Milan và Italy có sự khác biệt rõ rệt về nhân sự. Italy không có những tiền vệ công xuất sắc như Kaka và Seedorff, nhưng Italy lại có một hàng thủ cực kì vững trãi cộng với sự cơ động ở hai cánh. Song, Italy và Milan có một điểm chung, đó là Andrea Pirlo. Cả Lippi và Ance đều sử dụng Pirlo là bộ óc của đội bóng, là người phân phối và điều tiết trận đấu. Và cả hai đều thành công, những thành công nối tiếp nhau. Nhưng liệu với những thành công liên tiếp đó, liệu chúng ta có thể gọi sơ đồ mà Ancelotti khám phá ra là một trường phái hay không?
Câu trả lời có lẽ là không! Để một mô hình trở thành một trường phái, nó phải chứng tỏ được sự ưu việt và được sử dụng phổ biến trong một thời gian nhất định. Tất cả các mô hình catenaccio, mô hình total football hay mô hình dựa vào những số 10 đều thực hiện được những điều trên. Do vậy nó được gọi là trường phái.
Mô hình "tiền vệ kiểu Liedholm" đã đạt được những thành công với Pirlo, nhưng nó cũng có những điểm yếu rất dễ nhận ra.
Chúng ta hầu như không thể kiếm được một cầu thủ kiến thiết tốt như Zidane lại thu hồi bóng tốt như Makelele. Vì vậy, có thể nói, khi sử dụng một "tiền vệ kiểu Liedholm", sẽ gặp khó khăn trong phòng ngự, nhất là vào giai đoạn hiện nay khi đẳng cấp của các trung vệ có chiều hướng đi xuống. Nếu sử dụng một một "tiền vệ kiểu Liedholm", khi đối phương tấn công, để hỗ trợ phòng ngự, các tiền vệ bên cạnh phải co lại để giúp đỡ, nhưng nó có thể tạo ra lỗ hổng lớn ở biên. Còn nếu không hỗ trợ, các trung vệ sẽ đối mặt với các đợt tấn công thẳng vào trung lộ. Chính điều này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các tiền vệ, nhất là khi đối mặt với các đội bóng sử dụng phương châm:"dùng lực phá trí".
Nhưng có lẽ, còn có hai nguyên nhân lớn hơn khiến cho mô hình này khó lòng trở thành một trường phái.
Thứ nhất, Pirlo là một mẫu cầu thủ hoàn hảo cho mô hình này. Nhưng sau Pirlo là ai? Những người nào có thể phổ biến mô hình này? Trên thế giới mới xuất hiện 2 người có tiềm năng trở thành Pirlo đệ nhị: Montolivo và Aquilani. Nhưng để trở thành "Pirlo mới", có lẽ còn quá sớm để khẳng định.
Thứ hai, đây có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất. Thực ra khi ngày càng được thương mại hoá, đồng tiền đã làm thay đổi toàn diện thế giới bóng đá. Dưới sức ép của đồng tiền, vai trò của HLV ngày càng quan trọng. Nhưng sơ đồ chiến thuật của quá khứ và hiện tại được nghiên cứu tỉ mẩn. Thậm chí ở một khía cạnh nào đó, nó đã trở thành một khoa học, đựoc CNTT(IT) số hoá. Họ hiểu cặn kẽ điểm mạnh và yếu của từng sơ dồ, đề ra nhiều phương án khác nhau để khắc chế. Vì vậy, bóng đá đang nằm trong giai đoạn rất đa dạng thậm chí là hỗn loạn về mặt chiến thuật. Ngay cả nhưng trường phái thuộc về quá khứ, catenaccio, total football... tuy thực tế không còn tồn tại một cách thuần tuý như trước kia, nhưng nó vẫn được áp dụng trong hiện tại, và có rất nhiều biến dạng. Và chính sự đa dạng này đã giết chết các trường phái. Nó chỉ ra rằng không một mô hình nào là tối ưu, là độc tôn nữa. Các đội bóng có những chiến thuật khác nhau. Bản thân mỗi đội bóng cũng sử dụng nhiều sơ đồ trong một mùa bóng, thậm chí là trong một trận đấu.
Vì những lí do đó, những sáng tạo của Ancelotti khó có thể gọi là một trường phái, và A. Pirlo có lẽ chỉ là một hiện tượng kì thú của bóng đá thế giới, một ly cocktail độc nhất vô nhị (Kazenka) mà thôi.
Nhưng nếu trong năm 2008, sơ đồ này lại phát huy tác dụng, Milan bảo vệ thành công chức vô địch Champions League, Italy vô địch Euro, Pirlo đoạt Quả bóng vàng, biết đâu mô hình này lại được thịnh hành và trở thành một trào lưu mới. Khi đó Ancelotti và A. Pirlo sẽ đi vào lịch sử bóng đá như những người đầu tiên khám phá và thực hiện trường phái này.