Gửi anh Trung!
Em nói thực, em còn rất nhỏ, chưa từng ra nước ngoài, không quan tâm nhiều đến chính trị. Nói chung là những điều em viết có thể có người coi là "thiếu hiểu biết". Song em cảm thấy mình có trách nhiệm bày tỏ ý kiến.
Đầu tiên về mặt giáo dục. Chúng ta, ko ai phản đối rằng "Giáo dục Việt Nam chưa thiết thực và phù hợp". Chúng ta có thói quen nhìn ra thế giới và mơ ước. Song có phải tất cả những học sinh ở các nước khác ra khỏi trường đều là những công dân tốt, cái đầu bùng nổ và một bộ óc siêu việt? Cái gì cũng bao hàm ưu và khuyết. Dù giáo dục VN chưa thể đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của một môi trường sư phạm tốt song điều ấy không đồng nghĩa là chúng ta đang có một môi trường sư phạm tồi. Đất nước ta còn nghèo. Anh phải công nhận thế thì anh cũng phải hiểu làm thế nào mà tạo điều kiện vật chất đầy đủ được cho hs, làm cách nào theo những nước phương Tây giàu có được. Chúng ta đang cố nhưng kết quả không thể ngày một ngày hai. Chỉ trích kiểu vạch lá tìm sâu thì có thể ra cả một ổ. Làm một bài tóan có cách dài cách ngắn miễn ra đáp số là được. Chúng ta đã tạo ra một nền giáo dục “hơi dài” và đang cố tiến đến “cách ưu việt” đấy chứ.
Còn về tự do ngôn luận. Thì em nghĩ chúng ta phải thực hiện đúng những điều đã nói. Phải có một nơi nào đó lắng nghe tiếng nói của quần chúng nhân dân thực sự. Một ban bộ ngành nào đó. Và ở đây phải có một sự tôn trọng đúng đắn với ý kiến của nhân dân. Người ta hiểu sai thì giải thích để người ta hiểu đúng. Chứ không phải lúc nào cũng là tung hô, là ca ngợi. Một bộ máy lãnh đạo tốt, một nhà nước hoàn thiện với những người dân “ngoan” tuyệt đối là một điều không thể. Em không tin ở đâu có! Vì thế có lẽ chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề thực tế hơn, chứ đừng vì sợ bị chê cười mà cố tạo ra một cái thành lũy bề ngoài vững chắc. Chấp nhận sai và sửa sai là điều cần nhất bây giờ đối với mỗi người Việt Nam, cần được giáo dục nhất. Chính sự thiếu sót ở đây đã làm thui trột đi bản năng: lên tiếng của chúng ta. Nhân dân ta dũng cảm trong chiến đấu ngày trước thì bây giờ cần dũng cảm đối mặt với cá nhân, nhận ra cái sai và sửa sai, chấp nhận cái chưa hoàn thiện của mình. Đó là tiếp nối truyền thống.
Có được cái tư chất ấy, mới có được một thế hệ dám nói và dám nghe. Còn nếu không thì chỉ là tự do ngôn luận sách vở, có thì cũng là chỉ trích thiếu tính xây dựng, lắng nghe qua quýt.
Cuối cùng là về Đảng. Phải nói một điều, em tự hào là người Việt Nam, tôn thờ Bác Hồ, theo Đảng một lòng. Đúng là Đảng còn nhiều điều bất cập, có nhiều Đảng viên tha hóa đạo đức, song như đã nói cái gì cũng có ưu và khuyết. Yêu thì chọn cái tốt để yêu và ghét cái xấu. Ghét cái xấu để biến nó thành cái tốt để yêu. Chứ không phải ghét cái xấu phủ nhận luôn cái tốt. Phải nhìn nhận là không có Đảng thì cuộc sống của nhân dân ta không no ấm như bây giờ. Đừng so sánh với Pháp, Nhật, Anh, Mĩ, Hàn… Họ làm được cả 1000 euro 1 tháng nhưng một cái vé xem film cũng 5 euro, một cái bánh cũng tới 1$. Họ có nhiều tiền thì phải lo cho rất nhiều khoản. Cái sướng của con người là khái niệm không bao giờ thỏa mãn. Đừng có voi đòi tiên. Chúng ta phải biết chấp nhận là nước ta nghèo, là bộ máy lãnh đạo của chúng ta còn chưa hoàn thiện để mà cố, để mà thay đổi. Không phải chấp nhận để bó tay ngồi than khổ hay chê trách nhau. Đảng mang lại tự do ấm no cho mỗi chúng ta, nếu không nước chúng ta đã là thuộc địa. Mác – Lê Nin sai trái thế nào em không biết nhưng Bác Hồ theo họ và đưa chúng ta thoát khỏi những tháng ngày đấu tranh triền miên, đạt được hòa bình và tự do như bây giờ. Chẳng lẽ Bác Hồ đã lạc lối mà vẫn đưa chúng ta về đúng đường? Hay ý anh làm nước thuộc địa thích hơn? Có phải bây giờ thế giới công bằng chúng ta có là bang thứ 53 của Mĩ thì vẫn vui, không đói khổ tí nào?
Cái sự phủ nhận của anh hoàn toàn mang tính phiến diện, ăn xong phủi đít. Có lẽ cũng là tình trạng xa nước lâu ngày, thui trột dần.
Mĩ sung sướng thế nhưng mà khủng bố chết cả nghìn người, thanh niên đi lính rồi chết trận, ma túy, sex rồi đủ cả tạo thành một mảng tâm tối của xã hội. Không nói Việt Nam không có cái này cái khác nhưng rõ ràng chúng ta đang sống thanh bình hơn rất nhiều nước khác. Một điều mà nước Mĩ có lẽ trăm năm nữa cũng khó đạt được.
Cái thiếu ở VN chính là trách nhiệm, trách nhiệm trong mọi vấn đề. Thiếu trách nhiệm với đất nước thì có nạn chảy máu chất xám . Thiếu trách nhiệm với nhân dân thì tham nhũng, rút ruột công trình. Thiếu trách nhiệm với cộng đồng thì buôn lậu, buôn hàng cấm. Thiếu trách nhiệm với gia đình thì ăn cắp tiền bố mẹ, đua đòi. Thiếu trách nhiệm với bản thân thì bỏ bê học tập, nghiện hút, quan hệ lung tung.
Đi đường thấy đâm nhau thì chạy hay đứng xem chứ chả vào giúp người ta vì sợ liên lụy. Thấy trấn lột lúc tối thì sợ bị vạ lây. Thấy móc túi thì lo bị dính dáng. Thấy người ta làm điều sai thì không dám nói vì sợ bị trả thù. Nói chung là xã hội mình còn khổ nhiều nếu không có những người biết nghĩ đến cộng đồng và bản thân. Nếu thế thì mọi cố gắng đều là vô ích.
Thay đổi cả một nhà nước không phải vấn đề một sớm một chiều. Không phải ngồi đây viết vài dòng là thay đổi được cả một chính quyền hàng trăm nghìn người. Cái chúng ta cần cũng không phải là những lời sáo rỗng thế này, chỉ trích lẫn nhau, lên tiếng “dũng cảm”. Còn làm thế nào thì tự mỗi người có suy nghĩ riêng.