Phạm Quang Minh
(Minh172)
New Member
Nếu bạn nào vẫn chưa tin là " Tình yêu không biên giới, tình yêu không có tuổi "... thì câu chuyện dưới đây sẽ là một chứng minh giản dị câu nói đó.
***********************************************
Chuyện tình không biên giới dài 31 năm
Năm 1971, chàng sinh viên 22 tuổi Phạm Ngọc Cảnh đang là lưu học sinh Việt Nam ngành hóa học ở thành phố Hàm Hưng (cách thủ đô Bình Nhưỡng 300 km về phía đông bắc) được cử xuống nhà máy hóa chất thực tập hè. Tại đây, Cảnh gặp Ri Yong-hui. Rồi họ yêu nhau. Nhưng hồi đó, nếu lưu học sinh Việt Nam mà có chuyện tình cảm với người địa phương thì cả hai bên gặp rắc rối to. Vậy là, họ cứ yêu nhau âm thầm trong suốt hai năm, cho đến ngày Cảnh đến hạn về nước. Cuộc chia tay cũng thầm lặng, vội vã. Anh chỉ nói được vài câu tuyệt vọng với mẹ của Rui: "Mẹ nói với cô ấy đi lấy chồng để khỏi uổng phí tuổi xuân".
Những năm dài sau đó chỉ có vài lá thư ngắn ngủi đi lại. Bà mẹ Ri Yong-hui cho Cảnh biết con gái mình vẫn không đồng ý lấy chồng vì quá yêu Cảnh, mặc dù cô cũng dối lòng khuyên Cảnh như anh khuyên cô. "Khi anh ấy về nước, tôi ốm mất một tháng và tự tử vài lần vì tuyệt vọng nhưng mẹ tôi cứu được", - chị Ri Yong-hui kể lại những chuỗi ngày dài tuyệt vọng khi cả hai con tim không có cách gì đoàn tụ.
Năm năm sau đó, Cảnh có dịp quay lại Bắc Triều Tiên ba tuần. Gặp nhau, Cảnh chìa ra bức thư anh viết sẵn gửi phu nhân của chủ tịch Kim Il-sung với hy vọng biết đâu bà ấy động lòng mà tác thành cho đôi trẻ. Nhưng Ri Yong-hui không tin vào sự may mắn ấy. Cô khuyên anh không gửi đi, rồi chỉ biết khóc vì nửa muốn giữ Cảnh lại, nửa muốn cả hai người tìm đến cái chết bên nhau.
Lúc ấy, người cứng cỏi chính là Cảnh. Anh tự gây dựng lấy một niềm tin mãnh liệt với người yêu rằng: phải tính cách khác để lấy được nhau dù có bao lâu đi nữa. Yêu nhau đến thế thì trời sẽ phải động lòng. "Nói vậy thôi chứ tôi chẳng biết cách nào. Không lẽ thằng đàn ông cũng bi lụy, tuyệt vọng", - Cảnh lại quay về nước, tiếp tục công việc ở viện thiết kế công nghiệp hóa chất, chơi môtô nghiệp dư và sống đơn độc với khối u tình được nuôi dưỡng bằng 1 - 2 lá thư hiếm hoi mỗi năm.
"Tôi sẽ tiếp tục đợi ..."
Ðầu những năm 1990, Cảnh chuyển về sở thể dục thể thao Hà Nội làm phiên dịch cho hai chuyên gia Bắc Triều Tiên sang dạy taekwondo. Cảnh bỏ nghề kỹ sư hóa chất với hy vọng cứ gần gũi những người Triều Tiên sẽ nghĩ ra cách nối lại liên lạc với người yêu. Chàng thanh niên đẹp trai những năm 1970 khi ấy đã là một người đàn ông đứng tuổi độc thân, lặng lẽ. Làm việc với hai chuyên gia một thời gian, Cảnh nghĩ cách viết đơn gửi sứ quán nhờ giúp đỡ, kèm theo là "hồ sơ" mối tình gồm hơn 40 lá thư kéo dài hơn 20 năm mà anh lưu giữ đầy đủ. Anh tự đi vận động thành lập câu lạc bộ hữu nghị Việt-Triều. Và đó cũng bắt đầu chuỗi thời gian 10 năm đột nhiên Cảnh không hề nhận được tin tức gì của Ri Yong-hui. Lá thư cuối cùng anh nhận được đề ngày 02/09/1992. Người đàn bà 44 tuổi ấy viết: "Năm tháng trôi qua rất nhiều. Chúng ta đã già nhưng tình cảm, tấm lòng vẫn như thời trẻ". Những dòng chữ ấy tiếp tục nuôi hy vọng cho anh.
Vài tháng sau, Cảnh được cùng đoàn vận động viên taekwondo Hà Nội sang Bình Nhưỡng thi đấu nhưng 10 ngày ở Bình Nhưỡng, anh không có cách gì liên lạc được với Ri Yong-hui và những người quen khác ngoài bốn bức tường khách sạn. Thất vọng nối tiếp thất vọng, khi chỉ mấy tháng sau khi về nước, anh được ông đại sứ Triều Tiên (đời đại sứ thứ tư nhận đơn xin kết hôn của Cảnh) mời lên sứ quán để thông báo: "Cô ấy đã đi lấy chồng". Người đàn ông chân thành, nồng nhiệt đã bật khóc tại chỗ. Anh khóc vì bất lực suốt 22 năm qua. Cảnh không bao giờ tin Ri Yong-hui đi lấy chồng.
Tháng 07/2001, nghe tin chủ tịch quốc hội Triều Tiên - Kim Yong-nam sang thăm Việt Nam, Cảnh quyết tiếp cận đoàn bằng được để gặp Park Sang-kil - một người bạn cũ của anh nay đi phiên dịch cho lãnh đạo đoàn. Nhưng Park Sang-kil báo cho Cảnh một tin xấu: "Ðịa phương bảo với tôi cô ấy chết 10 năm rồi". Cảnh vẫn không chịu tin và cứ nhất quyết tự nhủ rằng Ri không chết.
Linh tính của một người có tình yêu mãnh liệt ấy đã đúng. Vài tháng sau, qua đại sứ Việt Nam tại Bắc Triều Tiên - Ðỗ Thị Hòa, Park Sang-kil gửi cho Cảnh một lá thư xin lỗi và cho biết có sự nhầm lẫn rằng người chết là cô em. Người yêu của Cảnh vẫn sống và vẫn đợi anh dù không biết đến bao giờ gặp nhau.
Nghe tin chủ tịch nước Trần Ðức Lương chuẩn bị sang thăm Triều Tiên vào tháng 05/2002, Cảnh nghĩ ngợi suốt mấy đêm rồi đánh liều viết hai bức thư gửi chủ tịch nước Trần Ðức Lương và bộ trưởng bộ ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhờ giúp đỡ. Quá cảm kích và thương xót sự kiên trì suốt 31 năm trời của con trai, bố đẻ của Cảnh là ông Phạm Ngọc Diệp (nguyên là đại biện lâm thời Việt Nam tại Cuba, Cộng hòa dân chủ Ðức những năm 1955-1967, từng là cố vấn phát ngôn đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa tại hội nghị Paris năm 1968) cũng đành lên tiếng nhờ bộ trưởng Nguyễn Dy Niên nếu có điều kiện thì giúp đỡ người con trai chung tình 53 tuổi của ông.
Không rõ những sự tác động qua con đường ngoại giao ấy thế nào mà khi Phạm Ngọc Cảnh đi công tác miền nam hồi tháng chín vừa rồi, anh nhận được tin vui từ bộ ngoại giao. Họ chuyển cho anh công văn đề ngày 04/09/2002 từ Triều Tiên với nội dung: "Ủy ban thường vụ hội nghị nhân dân tối cao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên phê chuẩn việc kết hôn của Phạm Ngọc Cảnh - công dân Việt Nam với Ri Yong-hui - công dân Triều Tiên ngày 19/08/2002".
Với tờ giấy "thông hành" đó trong tay, Cảnh vội lên đường sang Bình Nhưỡng đón người vợ tương lai. Nhiều bạn bè khuyên anh: "Biết đâu anh sẽ thất vọng khi gặp một phụ nữ già, xấu. Sau 31 năm rồi còn gì nữa...". Nhưng ngày 01/10 anh lấy vé tàu sang Bắc Kinh để quá cảnh trước khi sang Bình Nhưỡng.
Cuộc tái ngộ sau 31 năm đã diễn ra như một bộ phim không lời. Chỉ có những ánh mắt và ý nghĩ. Nhìn người phụ nữ gày gò, Cảnh không cầm được nước mắt. Anh thầm nghĩ sẽ dành trọn phần đời còn lại để chăm sóc người phụ nữ mà anh đã chờ suốt 31 năm qua. "Ðối với tôi đó như một giấc mơ - chị Ri Yong-hui nói - Ðã nhiều lần tôi định chọn cái chết để bảo vệ tình yêu. Nhưng tôi lại sống với hy vọng có được ngày hôm nay. Bây giờ thì...".
Họ tổ chức một đám cưới tại Bình Nhưỡng (23/10) và tại Hà Nội (13/12) . Nhìn cặp vợ chồng mới dù không còn trẻ nhưng rạng ngời hạnh phúc trong căn hộ tập thể giản dị, phòng 105 - nhà C8, tập thể Thành Công - Hà Nội, khách mời như thấu hiểu thế nào là sức mạnh của tình yêu.
Ngọc Lan
Theo Tuổi Trẻ
***********************************************
Chuyện tình không biên giới dài 31 năm
Năm 1971, chàng sinh viên 22 tuổi Phạm Ngọc Cảnh đang là lưu học sinh Việt Nam ngành hóa học ở thành phố Hàm Hưng (cách thủ đô Bình Nhưỡng 300 km về phía đông bắc) được cử xuống nhà máy hóa chất thực tập hè. Tại đây, Cảnh gặp Ri Yong-hui. Rồi họ yêu nhau. Nhưng hồi đó, nếu lưu học sinh Việt Nam mà có chuyện tình cảm với người địa phương thì cả hai bên gặp rắc rối to. Vậy là, họ cứ yêu nhau âm thầm trong suốt hai năm, cho đến ngày Cảnh đến hạn về nước. Cuộc chia tay cũng thầm lặng, vội vã. Anh chỉ nói được vài câu tuyệt vọng với mẹ của Rui: "Mẹ nói với cô ấy đi lấy chồng để khỏi uổng phí tuổi xuân".
Những năm dài sau đó chỉ có vài lá thư ngắn ngủi đi lại. Bà mẹ Ri Yong-hui cho Cảnh biết con gái mình vẫn không đồng ý lấy chồng vì quá yêu Cảnh, mặc dù cô cũng dối lòng khuyên Cảnh như anh khuyên cô. "Khi anh ấy về nước, tôi ốm mất một tháng và tự tử vài lần vì tuyệt vọng nhưng mẹ tôi cứu được", - chị Ri Yong-hui kể lại những chuỗi ngày dài tuyệt vọng khi cả hai con tim không có cách gì đoàn tụ.
Năm năm sau đó, Cảnh có dịp quay lại Bắc Triều Tiên ba tuần. Gặp nhau, Cảnh chìa ra bức thư anh viết sẵn gửi phu nhân của chủ tịch Kim Il-sung với hy vọng biết đâu bà ấy động lòng mà tác thành cho đôi trẻ. Nhưng Ri Yong-hui không tin vào sự may mắn ấy. Cô khuyên anh không gửi đi, rồi chỉ biết khóc vì nửa muốn giữ Cảnh lại, nửa muốn cả hai người tìm đến cái chết bên nhau.
Lúc ấy, người cứng cỏi chính là Cảnh. Anh tự gây dựng lấy một niềm tin mãnh liệt với người yêu rằng: phải tính cách khác để lấy được nhau dù có bao lâu đi nữa. Yêu nhau đến thế thì trời sẽ phải động lòng. "Nói vậy thôi chứ tôi chẳng biết cách nào. Không lẽ thằng đàn ông cũng bi lụy, tuyệt vọng", - Cảnh lại quay về nước, tiếp tục công việc ở viện thiết kế công nghiệp hóa chất, chơi môtô nghiệp dư và sống đơn độc với khối u tình được nuôi dưỡng bằng 1 - 2 lá thư hiếm hoi mỗi năm.
"Tôi sẽ tiếp tục đợi ..."
Ðầu những năm 1990, Cảnh chuyển về sở thể dục thể thao Hà Nội làm phiên dịch cho hai chuyên gia Bắc Triều Tiên sang dạy taekwondo. Cảnh bỏ nghề kỹ sư hóa chất với hy vọng cứ gần gũi những người Triều Tiên sẽ nghĩ ra cách nối lại liên lạc với người yêu. Chàng thanh niên đẹp trai những năm 1970 khi ấy đã là một người đàn ông đứng tuổi độc thân, lặng lẽ. Làm việc với hai chuyên gia một thời gian, Cảnh nghĩ cách viết đơn gửi sứ quán nhờ giúp đỡ, kèm theo là "hồ sơ" mối tình gồm hơn 40 lá thư kéo dài hơn 20 năm mà anh lưu giữ đầy đủ. Anh tự đi vận động thành lập câu lạc bộ hữu nghị Việt-Triều. Và đó cũng bắt đầu chuỗi thời gian 10 năm đột nhiên Cảnh không hề nhận được tin tức gì của Ri Yong-hui. Lá thư cuối cùng anh nhận được đề ngày 02/09/1992. Người đàn bà 44 tuổi ấy viết: "Năm tháng trôi qua rất nhiều. Chúng ta đã già nhưng tình cảm, tấm lòng vẫn như thời trẻ". Những dòng chữ ấy tiếp tục nuôi hy vọng cho anh.
Vài tháng sau, Cảnh được cùng đoàn vận động viên taekwondo Hà Nội sang Bình Nhưỡng thi đấu nhưng 10 ngày ở Bình Nhưỡng, anh không có cách gì liên lạc được với Ri Yong-hui và những người quen khác ngoài bốn bức tường khách sạn. Thất vọng nối tiếp thất vọng, khi chỉ mấy tháng sau khi về nước, anh được ông đại sứ Triều Tiên (đời đại sứ thứ tư nhận đơn xin kết hôn của Cảnh) mời lên sứ quán để thông báo: "Cô ấy đã đi lấy chồng". Người đàn ông chân thành, nồng nhiệt đã bật khóc tại chỗ. Anh khóc vì bất lực suốt 22 năm qua. Cảnh không bao giờ tin Ri Yong-hui đi lấy chồng.
Tháng 07/2001, nghe tin chủ tịch quốc hội Triều Tiên - Kim Yong-nam sang thăm Việt Nam, Cảnh quyết tiếp cận đoàn bằng được để gặp Park Sang-kil - một người bạn cũ của anh nay đi phiên dịch cho lãnh đạo đoàn. Nhưng Park Sang-kil báo cho Cảnh một tin xấu: "Ðịa phương bảo với tôi cô ấy chết 10 năm rồi". Cảnh vẫn không chịu tin và cứ nhất quyết tự nhủ rằng Ri không chết.
Linh tính của một người có tình yêu mãnh liệt ấy đã đúng. Vài tháng sau, qua đại sứ Việt Nam tại Bắc Triều Tiên - Ðỗ Thị Hòa, Park Sang-kil gửi cho Cảnh một lá thư xin lỗi và cho biết có sự nhầm lẫn rằng người chết là cô em. Người yêu của Cảnh vẫn sống và vẫn đợi anh dù không biết đến bao giờ gặp nhau.
Nghe tin chủ tịch nước Trần Ðức Lương chuẩn bị sang thăm Triều Tiên vào tháng 05/2002, Cảnh nghĩ ngợi suốt mấy đêm rồi đánh liều viết hai bức thư gửi chủ tịch nước Trần Ðức Lương và bộ trưởng bộ ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhờ giúp đỡ. Quá cảm kích và thương xót sự kiên trì suốt 31 năm trời của con trai, bố đẻ của Cảnh là ông Phạm Ngọc Diệp (nguyên là đại biện lâm thời Việt Nam tại Cuba, Cộng hòa dân chủ Ðức những năm 1955-1967, từng là cố vấn phát ngôn đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa tại hội nghị Paris năm 1968) cũng đành lên tiếng nhờ bộ trưởng Nguyễn Dy Niên nếu có điều kiện thì giúp đỡ người con trai chung tình 53 tuổi của ông.
Không rõ những sự tác động qua con đường ngoại giao ấy thế nào mà khi Phạm Ngọc Cảnh đi công tác miền nam hồi tháng chín vừa rồi, anh nhận được tin vui từ bộ ngoại giao. Họ chuyển cho anh công văn đề ngày 04/09/2002 từ Triều Tiên với nội dung: "Ủy ban thường vụ hội nghị nhân dân tối cao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên phê chuẩn việc kết hôn của Phạm Ngọc Cảnh - công dân Việt Nam với Ri Yong-hui - công dân Triều Tiên ngày 19/08/2002".
Với tờ giấy "thông hành" đó trong tay, Cảnh vội lên đường sang Bình Nhưỡng đón người vợ tương lai. Nhiều bạn bè khuyên anh: "Biết đâu anh sẽ thất vọng khi gặp một phụ nữ già, xấu. Sau 31 năm rồi còn gì nữa...". Nhưng ngày 01/10 anh lấy vé tàu sang Bắc Kinh để quá cảnh trước khi sang Bình Nhưỡng.
Cuộc tái ngộ sau 31 năm đã diễn ra như một bộ phim không lời. Chỉ có những ánh mắt và ý nghĩ. Nhìn người phụ nữ gày gò, Cảnh không cầm được nước mắt. Anh thầm nghĩ sẽ dành trọn phần đời còn lại để chăm sóc người phụ nữ mà anh đã chờ suốt 31 năm qua. "Ðối với tôi đó như một giấc mơ - chị Ri Yong-hui nói - Ðã nhiều lần tôi định chọn cái chết để bảo vệ tình yêu. Nhưng tôi lại sống với hy vọng có được ngày hôm nay. Bây giờ thì...".
Họ tổ chức một đám cưới tại Bình Nhưỡng (23/10) và tại Hà Nội (13/12) . Nhìn cặp vợ chồng mới dù không còn trẻ nhưng rạng ngời hạnh phúc trong căn hộ tập thể giản dị, phòng 105 - nhà C8, tập thể Thành Công - Hà Nội, khách mời như thấu hiểu thế nào là sức mạnh của tình yêu.
Ngọc Lan
Theo Tuổi Trẻ
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành: