Xin phép Bạn Nguyễn Nguyên Phương người đã mở chủ đề này được bàn luật 1chút về luật pháp để trao đổi rút kinh nghiệp cho những kế hoạch trong tương lai? Để không phải "...giật mình,..."
Bài trước bàn về 1 số điều luật liên quan về tội vu khống, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của công dân... trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bài "Quyền nhân thân ngày càng được pháp luật bảo vệ"
Bài này thử tìm hiểu về Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Luật Báo chí Việt Nam.
1. Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và chú thích (Các điều bổ sung sửa đổi )
Các điều này bổ sung vào và là điều bổ sung sửa đổi của Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được Quốc hội đề xuất và được các bang phê chuẩn theo
Điều 5 của Hiến pháp ban đầu.
Mười điều bổ sung sửa đổi đầu tiên, hay còn được gọi là Tuyên ngôn Nhân quyền, được đề xuất ngày 25/9/1789 và được phê chuẩn ngày 15/12/1791. Ban đầu, các Điều bổ sung sửa đổi chỉ hạn chế Chính phủ Liên bang. Nhưng Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 tuyên bố rằng không bang nào có thể tước đoạt cuộc sống, quyền tự do, hay tài sản của bất kỳ ai mà không thông qua “quy trình pháp lý phù hợp”. Tòa án Tối cao đã diễn đạt những từ này có nghĩa là hầu hết Tuyên ngôn Nhân quyền được áp dụng để giới hạn quyền của các bang cũng như của các chính quyền địa phương.
Tuyên ngôn Nhân quyền
Điều bổ sung sửa đổi thứ 9
QUYỀN CỦA NHÂN DÂN
Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người dân.
CHÚ THÍCH:
Một số người lo sợ rằng việc liệt kê các quyền trong Tuyên ngôn Nhân quyền sẽ được giải thích là các quyền khác không được liệt kê sẽ không được bảo vệ. Điều bổ sung sửa đổi này được thông qua nhằm ngăn cản các giải thích sai lầm như vậy.
Ngoài lề: Còn về rượu có:
Điều bổ sung sửa đổi thứ 18
LUẬT CẤM RƯỢU
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 18/12/1917 và được thông qua vào ngày 16/1/1919.
Khoản 1 Một năm sau khi phê chuẩn điều khoản này của Hiến pháp, việc sản xuất, mua bán hoặc chuyên chở các loại rượu có cồn ở trong nước, nhập khẩu từ nước ngoài, xuất khẩu từ Hoa Kỳ và các lãnh thổ thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ đều bị cấm.
Khoản 2
Quốc hội và các bang có quyền lực như nhau khi triển khai điều khoản này của Hiến pháp.
Khoản 3
Ðiều khoản này sẽ không có hiệu lực trừ phi được phê chuẩn bởi cơ quan lập pháp của các bang như một điều bổ sung của Hiến pháp trong vòng 7 năm kể từ ngày Quốc hội chuyển đến các bang như Hiến pháp quy định].
CHÚ THÍCH:
Đây là điều bổ sung sửa đổi lệnh cấm nhằm ngăn cấm nhân dân pha chế, bán hoặc vận chuyển rượu. Điều này đã bị hủy bỏ bởi Điều bổ sung sửa đổi thứ 21 năm 1933.
2. Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí
Nghị định của Chính phủ Số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002, quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Nhằm bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, bảo hộ và tạo điều kiện cho cơ quan báo chí, nhà báo thực hiện quyền hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động báo chí;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin,
NGHỊ ĐỊNH
Chương III
Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí
Điều 4. Cải chính trên báo chí
1. Khi có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung thông tin trên báo chí sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì cơ quan báo chí phải đăng, phát nguyên văn văn bản kết luận đó cùng với lời xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả. Cơ quan báo chí phải đăng, phát văn bản kết luận vào đúng vị trí với cùng một kiểu, cỡ chữ (đối với báo in, báo điện tử), đúng chuyên mục đã phát sóng (đối với báo nói, báo hình) mà báo chí đã đăng, phát thông tin trên.
Thời điểm đăng, phát được tính từ ngày cơ quan báo chí nhận được văn bản kết luận như sau: năm (5) ngày đối với báo ngày, đài phát thanh, đài truyền hình; mười (10) ngày đối với báo tuần và trong số ra gần nhất đối với tạp chí. Đối với tạp chí xuất bản trên ba mươi (30) ngày/kỳ thì ngoài việc phải đăng trên tạp chí đó trong số ra gần nhất, còn phải thông qua một tờ báo hàng ngày hoặc đài phát thanh, đài truyền hình có phạm vi phát hành, phủ sóng tương đương với phạm vi phát hành của tạp chí mình để đăng, phát kết luận đó và phải chịu toàn bộ phí tổn về việc cải chính.
2. Trường hợp cơ quan báo chí, tác giả tự phát hiện nội dung thông tin trên báo chí, tác phẩm của mình có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải cải chính, xin lỗi trên báo chí của mình đồng thời phải gửi văn bản cải chính, xin lỗi đến tổ chức, cá nhân đó.
Thể thức cải chính, xin lỗi trên báo chí như quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Cơ quan báo chí nhận được lời phát biểu bằng văn bản của tổ chức, cá nhân về những nội dung đề cập trên báo chí của mình khi có căn cứ cho rằng báo chí đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến họ thì phải đăng, phát lời phát biểu đó đúng vị trí, chuyên mục mà báo chí đã đăng, phát thông tin. Lời phát biểu không được vượt quá diện tích, thời lượng đã đăng, phát nội dung thông tin nói trên.
Trường hợp không nhất trí với lời phát biểu của tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí có quyền thông tin tiếp làm rõ quan điểm của mình. Sau ba (3) lần đăng, phát ý kiến phát biểu của tổ chức, cá nhân và cơ quan báo chí mà không có sự nhất trí giữa hai bên thì cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có quyền yêu cầu ngừng đăng, phát các thông tin của đương sự. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đến cơ quan chủ quản của báo chí đó, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
Thể thức, thời gian đăng, phát lời phát biểu của tổ chức, cá nhân như quy định tại khoản 1 Điều này.
Cơ quan báo chí có quyền không đăng, phát lời phát biểu của tổ chức, cá nhân nếu lời phát biểu của tổ chức, cá nhân đó vi phạm pháp luật, xúc phạm đến uy tín, danh dự của cơ quan báo chí, tác giả. Trong trường hợp đó cơ quan báo chí phải gửi văn bản báo cho tổ chức, cá nhân biết, nói rõ lý do, đồng thời phải gửi báo cáo bằng văn bản tới cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
Chương VI
Điều 21. Xử lý vi phạm
Cơ quan báo chí; cơ quan chủ quản báo chí; người đứng đầu cơ quan báo chí, nhà báo, người hoạt động nghiệp vụ báo chí; tổ chức, cá nhân khác có các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Việc xử phạt hành chính phải tuân theo các quy định tại Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin.
3. Hình thức xử phạt khi vi phạm quy định báo chí
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin thì vi phạm quy định về những điều không được thông tin trên báo chí bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a. Tiết lộ bí mật đời tư khi chưa được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân của người đó trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b. Công bố thư riêng của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người viết thư, người nhận thư hoặc chủ sở hữu hợp pháp bức thư đó;
c. Thông tin sai sự thực gây ảnh hưởng xấu.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a. Miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, chém giết rùng rợn trong các bản tin, bài viết, hình ảnh;
b. Đăng, phát tranh ảnh kích dâm, khỏa thân, hở thân thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam;
c. Truyền bá hủ tục, mê tín, dị đoan;
d. Thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với một tổ chức, cá nhân.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a. Vi phạm khoản 4 Điều 10 Luật báo chí nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
c. Thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với một trong các hành vi sau:
a. Vi phạm khoản 1, 2, 3 Điều 10 Luật báo chí nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b. Đăng, phát lại tác phẩm báo chí đã có lệnh cấm lưu hành hoặc tịch thu.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a. Tịch thu ấn phẩm, tang vật và phương tiện vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2,3 và 4 Điều này nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
b. Cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định tại Điều này nếu gây thiệt hại còn bị áp dụng biện pháp buộc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật./.
* Và bài viết của Steven Pressman là biên tập viên và phóng viên pháp lý ở San Francisco, California.
LUẬT VỀ TỘI PHỈ BÁNG Ở HOA KỲ
Năm 1637, một nhà văn người Anh tên là William Prynn đã phạm một lỗi đáng tiếc khi viết một quyển sách chỉ trích nữ hoàng. Prynn bất hạnh đã bị đưa ra xét xử trước một hội đồng thẩm phán, bị kết tội phỉ báng và bị kết án chung thân. Ông ta còn phải chịu một hình phạt bổ sung là cắt tai trước khi bị đẩy vào tù.
Nếu Prynn sống ở nước Mỹ hiện đại hôm nay chứ không phải ở nước Anh vào thế kỷ XVII, chắc chắn ông ta sẽ được tự do viết cuốn sách của mình - dù là về nữ hoàng hay về một tổng thống Mỹ - mà không phải lo sợ bị mất tai hoặc phải vào tù.
Phỉ báng là một thuật ngữ pháp lý mô tả hình thức phỉ báng bằng văn bản mà từ điển định nghĩa là “sự xúc phạm phi lý hoặc sai lệch làm tổn hại tới uy tín của một người nào đó”. Đôi khi thuật ngữ vu khống cũng được sử dụng với nghĩa như phỉ báng. Hai thuật ngữ này đều có nghĩa giống nhau mặc dù vu khống thường chỉ những lời phỉ báng về một ai đó nhưng là nói với một người khác chứ không phải được viết trên một tờ báo, một bài tạp chí hay trong sách. Ngày nay, sự khác biệt mang tính pháp lý giữa phỉ báng và vu khống hầu như không còn nữa, phần lớn là do sự xuất hiện của thời đại điện tử. Ví dụ: mạng lưới truyền hình Mỹ thỉnh thoảng đã bị kiện vì tội phỉ báng mặc dù các phóng viên tin tức và phóng viên thường trú “đưa ra những lời lẽ phỉ báng trước các khán thính giả chứ không phải với các độc giả.
Đối với Hoa Kỳ, luật điều chỉnh tội phỉ báng và vu khống đã bắt đầu hình thành thậm chí trước khi các thuộc địa giành lại nền độc lập từ người Anh. Một trong những vụ án nổi tiếng nhất của Mỹ là vụ liên quan đến chủ báo John Peter Zenger ở New York, người đã phải vào tù năm 1734 vì đăng những bài công kích mang tính chính trị đối với viên thống đốc thuộc địa bang New York. Luật sư của Zenger đã tạo ra một tiền lệ pháp lý khi lập luận thành công rằng sự thật là lời biện hộ chắc chắn trong các vụ kiện về tội phỉ báng. Cho tới thời điểm đó, những lời phát biểu bị cho là phỉ báng đối với một ai đó là đúng hay sai không quan trọng lắm. Tuy nhiên, sau vụ Zenger, người ta chỉ có thể thắng kiện nếu những lời phỉ báng đó được chứng minh là sai.
Vụ Zenger cũng tạo ra một tiền lệ khác nữa mà đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Các vụ kiện về tội phỉ báng, một phần trong quy trình tố tụng dân sự (chứ không phải là hình sự), có thể do bồi thẩm đoàn xét xử và bồi thẩm đoàn có quyền quyết định liệu một ấn phẩm có đăng tải những lời phỉ báng về một người nào đó hay không. Nếu đúng thì bồi thẩm đoàn có quyền quyết định mức độ tổn hại mà cá nhân người bị phỉ báng phải chịu đựng và khoản tiền bồi thường thiệt hại mà họ được nhận như sự đền bù. Ở Hoa Kỳ ngày nay, khoảng 90% các phiên tòa về tội phỉ báng do các bồi thẩm đoàn xét xử.
Các nhà lập hiến Hoa Kỳ thế kỷ XVII đã bảo đảm quyền tự do báo chí bằng Điều luật sửa đổi thứ nhất của Tuyên ngôn Nhân quyền. Mặc dù vậy, trong nhiều năm, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ - tòa án cao nhất của Mỹ - đã không dựa vào Điều luật sửa đổi đầu tiên này để bảo vệ giới truyền thông trước các vụ kiện về tội phỉ báng. Thay vào đó, mỗi bang lại có luật điều chỉnh tội phỉ báng lại khác nhau và trên cả nước không có một bộ luật thống nhất và chặt chẽ nào điều chỉnh vấn đề này.
Tất cả đã thay đổi vào năm 1964 khi Tòa án Tối cao đưa ra quyết định cách mạng hóa luật điều chỉnh tội phỉ báng ở Hoa Kỳ. Phán quyết nổi tiếng trong vụ Sullivan kiện Thời báo New York đã tạo ra một quy định ngang bằng với những bảo đảm về quyền tự do báo chí trong Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp. Trong phán quyết của mình, Tòa án đã quyết định rằng các công chức không thể thắng kiện trừ phi các phóng viên hoặc biên tập viên bị kết tội “thực sự có ác ý” khi đăng tải những thông tin sai sự thật về họ.
Như thế nào là ác ý để chứng minh tội phỉ báng? Vị thẩm phán về hưu William J. Brenman, Jr., người ra phán quyết Sullivan, đã định nghĩa đó là “nhận thức rằng thông tin được đăng là sai” hoặc thông tin được đăng tải “một cách bừa bãi bất chấp đúng hay sai”. Nói cách khác, công chức không thể khiếu kiện tội phỉ báng nếu chỉ đơn giản chứng minh thông tin về họ được truyền đi hoặc được đăng tải là sai. Giờ đây, họ phải chứng minh được là nhà báo không những đã cố tình đăng tin sai mà còn không phân biệt thế nào là giả và thế nào là thật.
Tòa án Tối cao sau đó đã mở rộng việc áp dụng cái gọi là quy định Sullivan đối với “các nhân vật của công chúng”, nghĩa là những người không làm việc trong các cơ quan công quyền nhưng vẫn thu hút báo giới vì sự nổi trội của họ trong mắt công chúng. Nhiều năm qua, các tòa án Mỹ đã quyết định nhóm người này gồm có các nhân vật danh tiếng trong lĩnh vực giải trí, các nhà văn nổi tiếng, vận động viên và những người thường xuyên thu hút sự chú ý của giới truyền thông.
Đối với cá nhân dân thường, việc kiểm tra để chứng minh tội phỉ báng không khó. Mặc dù các phán quyết của Tòa án Tối cao, chẳng hạn như quyết định Sullivan, được áp dụng ở mọi nơi trên nước Mỹ, nhưng hầu hết các bang vẫn sử dụng luật riêng của mình trong trường hợp vụ việc liên quan đến dân thường. Thông thường, những luật này yêu cầu các nhân vật của công chúng, những người cho rằng họ bị phỉ báng, phải chứng minh được nhà báo đã cẩu thả khi đăng thông tin sai về họ. Sự cẩu thả, giống như ác ý, là một thuật ngữ pháp lý chỉ sự thiếu thận trọng của phóng viên hoặc biên tập viên. Vì dân thường ít bị giới truyền thông động chạm đến bằng các công chức, nên luật về phỉ báng của Hoa Kỳ thừa nhận họ có quyền được pháp luật bảo vệ nhiều hơn trước những tuyên bố sai sự thật.
Mỗi năm trên nước Mỹ có hàng trăm vụ kiện các tờ báo, tạp chí, các đài phát thanh và vô tuyến truyền hình về tội phỉ báng. Nét đặc trưng của các vụ kiện này là đều do các công chức đương nhiệm hoặc đã về hưu, những người làm công việc giải trí hoặc các nhà điều hành kinh doanh khởi kiện. Những người này cho rằng họ bị tổn hại vì sự công khai chỉ trích của giới truyền thông - thường là buộc tội hoặc cho rằng họ tham gia các hoạt động trái pháp luật, không đúng đắn hoặc có vấn đề.
Ví dụ: tháng 12/1990, một thẩm phán của Tòa án Tối cao Pennsylvania đã thắng kiện và được bồi thường 6 triệu đô-la trong vụ kiện tờ báo Người điều tra Philadenlphia vì năm 1983 báo này đã đăng một loạt bài cho rằng ông ta phạm tội rao bán ảnh hưởng của mình. Tháng 4/1991, trong một trong những cáo trạng lớn nhất về tội phỉ báng được đưa ra đối với giới truyền thông, cựu công tố viên quận ở bang Texas là Victor Feazell đã nhận được 58 triệu đô-la tiền bồi thường sau khi đài truyền hình Dallas cáo buộc ông nhận hối lộ để dàn xếp các vụ lái xe trong khi say rượu. Feazell nói sau khi bồi thẩm đoàn tuyên bố cáo trạng: “Bản cáo trạng này đã gửi một thông điệp tới phần còn lại của giới truyền thông là phải đưa tin chính xác”.
Hai tháng sau, một thẩm phán tòa án quận tại bang đó không chỉ tán thành phán quyết trên mà còn bổ sung một điều khoản cộng thêm 10% phí lợi tức hàng năm vào khoản bồi thường nếu đài truyền hình kháng cáo và thua kiện. Một dàn xếp đã đạt được ngay sau đó.
Tháng 5/1991, bồi thẩm đoàn ở Chicago, Illinois đã quyết định cho nhà kinh doanh Robert Crinkley được nhận khoản bồi thường 2,25 triệu đô-la vì một bài báo trong Tạp chí Phố Wall đã đưa tin sai rằng ông ta có liên quan tới các khoản hối lộ cho các quan chức nước ngoài. Crinkley nói rằng vì bài báo đó mà không ai thuê ông ta sau khi ông không còn làm cho chủ cũ nữa. Bồi thẩm đoàn nhất trí rằng ông ta là nạn nhân của tội phỉ báng mặc dù tờ báo đã đăng bài cải chính cho bài báo trên. Tháng 9/1991, quyết định cho hưởng mức bồi thường đó đã bị thẩm phán Howard Miller của tòa án lưu động bãi bỏ. Miller đã ra lệnh mở một phiên tòa mới về vấn đề thiệt hại sau khi kết luận rằng bằng chứng trong vụ kiện không đủ để làm căn cứ cho một khoản bồi thường lớn như vậy. Luật sư của Crinkley đã bắt đầu lên kế hoạch kháng cáo.
Trong những vụ kiện này và các vụ kiện khác, người khởi kiện tội phỉ báng phải chứng minh được rằng họ đã bị phỉ báng. Nói cách khác, một nhân vật của công chúng phải chứng minh được rằng phóng viên không chỉ đăng tải những thông tin sai lệch mà còn làm việc đó một cách ác ý và thiếu thận trọng, không hề tìm cách xác định sự thật. Các vụ kiện về tội phỉ báng không chỉ giới hạn ở những tranh chấp giữa giới truyền thông và đối tượng được họ đề cập đến. Tháng 7/1989, Công ty American Express thừa nhận đã phát tán thông tin sai về một Giám đốc ngân hàng quốc tế, người kiểm soát Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa của New York. Khi luật sư của Giám đốc ngân hàng đe dọa sẽ khởi kiện về tội phỉ báng, American Express đã nhận lỗi và đồng ý dành 8 triệu đô-la cho hoạt động từ thiện như là một cách dàn xếp vụ kiện.
Bên cạnh việc phân biệt giữa nhân vật của công chúng và dân thường, các tòa án Mỹ cũng quyết định rằng nhiều loại thông tin đăng tải nhìn chung được miễn tội phỉ báng. Ví dụ: hầu như không thể kết tội nhà văn phạm tội phỉ báng nếu tác phẩm của họ chỉ đề cập đến ý kiến chứ không phải thực tế. Trong phán quyết về tội phỉ báng năm 1974, Tòa án Tối cao đã khẳng định:“Theo Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp, không tồn tại những thứ như ý kiến sai”.
Không lâu trước đây, một chủ nhà hàng ở New Orleans đã kiện một nhà phê bình ẩm thực vì ông này đã viết những điều không khen ngợi về cơ sở ăn uống của anh ta. Tòa án Tối cao Louisiana đã nói với chủ nhà hàng là việc làm đó chẳng ích gì nếu anh ta muốn trắng tay.
Gần đây hơn, Jerry Falwell, một chức sắc tôn giáo Mỹ, đã kiện một tạp chí sau khi họ đăng một bài châm biếm chua cay về Falwell, chế giễu lòng mộ đạo của ông ta. Thực sự, bồi thẩm đoàn bang Virgina đã phán quyết cho Falwell được hưởng khoản bồi thường 200.000 đô-la sau khi kết luận rằng tạp chí đã gây ra “nỗi đau khổ về tinh thần” cho vị mục sư nổi tiếng này. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ sau đó đã bác bỏ phán quyết trên khi giải thích rằng bài châm biếm, dù có làm tổn thương và gây đau khổ cho đối tượng của nó như thế nào, cũng vẫn được Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp bảo vệ.
Floyd Adam, một luật sư ở New York, người chuyên đại diện cho các tổ chức truyền thông, ước tính trong các vụ kiện do bồi thẩm đoàn giải quyết những người khiếu kiện tội phỉ báng giành phần thắng trong khoảng 75% số vụ. Tuy nhiên, giới truyền thông luôn đảo ngược được cáo trạng của bồi thẩm đoàn nếu họ kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn. Abrams nói rằng nguyên nhân là do các bồi thẩm viên thường không hiểu đầy đủ hoặc không áp dụng các chuẩn mực pháp lý thích hợp liên quan đến vụ kiện. Do vậy, nếu thua kiện ở giai đoạn đầu các tổ chức truyền thông thường kháng cáo lên tòa phúc thẩm.
Trong những năm gần đây, nhiều phòng xử án Mỹ đã biến thành những chiến trường pháp lý dữ dội bởi rất nhiều vụ kiện về tội phỉ báng được công bố rộng rãi đã trở thành tiêu điểm chú ý khắp thế giới. Một ví dụ trong số đó là vào năm 1976 khi tờ báo khổ nhỏ National Enquirer đăng một mẩu tin về Carol Burnett, diễn viên truyền hình nổi tiếng. Tờ báo đưa tin sai rằng Burnett đã tham gia cuộc tranh luận bẩn thỉu với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại một nhà hàng ở Washington.
Bồi thẩm đoàn ở Los Angeles cuối cùng đã cho Burnett hưởng 1,6 triệu đô-la bồi thường khi kết luận rằng tờ National Enquirer đã không hề bận tâm tới việc tìm hiểu xem việc đó là có thật hay không. Tòa phúc thẩm sau đó đã giảm mức bồi thường vì bị phỉ báng cho Burnett xuống còn 200.000 đô-la, đồng ý là cô đã bị phỉ báng nhưng quyết định Enquirer không nên bị trừng phạt quá nặng vì hành vi sai sót của họ. Dù vậy, cô diễn viên truyền hình vẫn hài lòng với kết quả đó. Burnett nói sau khi vụ kiện kết thúc: “Nếu họ chỉ đưa cho tôi 1 đô-la ngoài tiền vé, tôi cũng vẫn hài lòng vì đó là nguyên tắc”.
Trong các vụ kiện khác, những nguyên tắc cơ bản hầu như biến mất trong hàng loạt các chiến thuật pháp lý mà đôi khi những chiến thuật đó đã biến những phiên tòa xét xử tội phỉ báng thành những cuộc chiến tốn kém mà chẳng rõ ai là người thắng cuộc.
Tình trạng này xảy ra sau khi Tướng William Westmoreland thuộc Quân đội Mỹ kiện hãng truyền hình CBS và đòi bồi thường 120 triệu đô-la. Westmoreland rất tức giận vì chương trình tin tức CBS năm 1982 đã buộc tội ông phóng đại về tiến triển quân sự của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Sau phiên tòa bồi thẩm kéo dài 18 tuần ở thành phố New York, Westmoreland và CBS đã đạt được giải pháp riêng rẽ mà rốt cuộc là cả hai bên đều phải nhượng bộ.
Rodney Smolla, một chuyên gia về vấn đề phỉ báng và là giáo sư luật của Trường Đại học William và Mary đã viết: “Cuối cùng, phiên tòa đi đến hồi kết thúc, cũng u ám và chẳng giải quyết được gì như chính cuộc chiến tranh Việt Nam”.
Sau vụ Westmoreland, một vài chuyên gia pháp lý đã chỉ trích cách thức hệ thống pháp luật Mỹ giải quyết các vấn đề về phỉ báng. Một số chuyên gia trong đó đã đổ lỗi cho các tổ chức truyền thông vì quá dựa dẫm vào những bảo đảm về tự do báo chí trong Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp. Daniel Popeo, một luật sư ở Washington nói rằng Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp chỉ nghiêng về bênh vực giới truyền thông mà không bảo vệ “nạn nhân” của việc đưa tin bất công đó.
Các phóng viên đã đáp lại bằng một loạt những lời than phiền của họ về các vụ kiện về tội phỉ báng. Thực vậy, họ nói, các tòa án đã làm cho người ta khó có thể thắng kiện. Tuy nhiên, nguy cơ bị kiện cũng khiến nhiều hãng truyền thông không dám đăng tải những câu chuyện gây tranh cãi. Các hãng truyền thông lớn như CBS hoặc Thời báo New York đều có nguồn tài chính để theo đuổi các vụ kiện về tội phỉ báng tốn kém.Tuy nhiên, các đài truyền hình và những tờ báo nhỏ sẽ khó có thể chịu được gánh nặng chi phí tốn kém như vậy.
Cuộc tranh luận đang tiếp diễn về tội phỉ báng đã dẫn tới ít nhất một đề xuất về việc biên soạn một tập hợp mới các luật điều chỉnh tội phỉ báng để giúp các công chức và những người khác chứng minh vụ việc dễ dàng hơn. Đề xuất này - do một hội đồng luật sư, giáo sư luật và đại diện của giới truyền thông soạn thảo - cũng sẽ loại bỏ những khoản tiền bồi thường lớn mà các cơ quan truyền thông phạm tội phỉ báng có thể phải gánh chịu.
Theo Roslyn Mazer, một luật sư của giới truyền thông ở Washington, hơn một phần tư thế kỷ qua, các tòa án đã thiên vị cho giới truyền thông trong vấn đề phỉ báng, “tuy nhiên những chiến thắng này của họ phải khó khăn và tốn kém lắm mới đạt được, phải mất hàng triệu đô-la để trả cho luật sư và hàng ngàn giờ làm việc của các văn phòng luật sư và phòng xử án”.
Bruce Fein, cựu luật gia tư vấn cho Ủy ban Truyền thông Liên bang, cơ quan điều hành của Chính phủ Mỹ, là một trong số những luật sư giúp soạn thảo tập hợp các luật về phỉ báng. Fein nói, mục tiêu cuối cùng là để bảo đảm các nhà báo sẽ đưa tin chính xác sao cho công chúng được thông tin tốt hơn về những sự kiện quan trọng của cộng đồng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng quan trọng là giới truyền thông vẫn có quyền tự do lớn trong việc quyết định đăng tin gì. Fein nói: “Trong một xã hội dân chủ, mọi người phải chấp nhận cả những điểm xấu của giới truyền thông”.
Chào Thân ái & Quyết thắng!