Đọc văn Thảo Hảo

Đỗ Huyền My
(Sagittarius)

Điều hành viên
Thảo Hảo với 'sức nặng' của thỏ bông

Cuốn Tản văn mới của Thảo Hảo.

Tập hợp những bài tản văn trên báo ba năm gần đây, Phan Thị Vàng Anh ra mắt độc giả cuốn "Nhân trường hợp chị thỏ bông" với bút danh Thảo Hảo. Những câu chuyện nhỏ của cuộc sống nhưng nhiều chiêm nghiệm đánh dấu sự trở lại chinh phục độc giả của chị.

Người ta biết đến Phan Thị Vàng Anh, cô con gái nhỏ trong cảm hứng thơ của thi sĩ Chế Lan Viên từ khi còn bước đi lẫm chẫm. Rồi đến với truyện ngắn Kịch câm bùng nổ trên văn đàn khi Vàng Anh mới ở tuổi hai mươi. Khả năng nhận biết cuộc sống trong từng chi tiết nhỏ đã làm cho trang viết của chị đầy ắp hương vị cảm xúc và cũng đầy kịch tính. Màn kịch tâm lý không lời diễn ra giữa người cha và cô con gái âm thầm, khốc liệt ấy nhiều lúc khiến người đọc thấy choáng váng. Ở cô gái mang tên "con chim nhỏ trên bầu trời xanh" có cái gì đó bạo liệt nhưng cũng thật yếu mềm, cô độc. Những truyện ngắn Khi người ta trẻ, rồi Hoa muộn lần lượt tạo ra tiếng vang. Người ta gọi truyện của chị là lối viết không có cốt truyện và không ít cây bút trẻ học tập theo cách viết của Vàng Anh.

Mới đây, tập tản văn của Thảo Hảo được in tại Nhà xuất bản Hội nhà văn ra mắt bạn đọc với nhiều bất ngờ thú vị. Trong nhịp sống gấp gáp đang trôi qua hờ hững, khi đọc những dòng suy nghĩ của Thảo Hảo, người ta bỗng giật mình vì dường như mình đã làm vuột qua nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Khả năng quan sát những chi tiết nhỏ lại có dịp được tận dụng tối đa trong trang viết, có điều sự quan sát ấy của chị đằm hơn, nó gắn liền với sự chiêm nghiệm và trăn trở. Những chuyện văn hóa, chuyện ứng xử, thậm chí cả chuyện thời sự được Vàng Anh chuyển tải theo dòng suy nghĩ và những cách nói khác nhau, nhiều khi khiến người đọc bật cười vì sự ngộ nghĩnh và đáo để.

Trong trang viết của Thảo Hảo bây giờ có cả cái nhìn xét nét của một biên tập viên. Công việc biên tập tại Nhà xuất bản Trẻ đã chuyển hóa sự tỉ mỉ vào những trang tản văn của chị. Khả năng lật lại vấn đề, nhìn lại những cái mà theo lẽ thường người ta dễ bỏ qua để thấy được "chuyện đáng bàn" của nó. Đó là cách của Vàng Anh trong Nhân trường hợp chị thỏ bông. Những bài viết khi bất bình, phẫn nộ, lúc chế giễu, xúc động và pha chút đắng cay... tạo nên một dư vị riêng cho cuốn sách. Mới nghe những cái tên như Giao trứng cho ác, Cuối cùng thì lè lưỡi hay Sự nan giải của Tí, người đọc lớn tuổi sẽ không mấy hứng thú vì nghĩ đó là những chuyện của con trẻ nhưng đọc đi rồi đọc lại, người ta ngẫm ra nhiều điều. Ẩn sau mỗi sự kiện là tâm trạng nôn nóng, tấm lòng trách nhiệm của người cầm bút.

Trong Nhân trường hợp chị thỏ bông, người viết hay đi lang thang, theo sự triền miên của cảm xúc nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy sự "thơ thẩn" ấy không đơn giản. Nó có sự logic sắc sảo của lý trí, phân tích nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều. Một vài dòng suy nghĩ trong Ai sẽ làm việc này đây, từ sự việc hai con bò tót bị chết mà chị liên tưởng đến trách nhiệm của người nghệ sĩ, những người sống trong sự yêu mến và trí nhớ của độc giả nhưng thái độ của họ là "khoanh tay đứng bên lề cuộc sống là chuyện quan trọng".

Tác giả không ngại nói thẳng, thậm chí ngoa ngoắt khi bàn đến những mặt trái trong cuộc sống. Sự trớ trêu được chị tìm kiếm đến tận cùng trong bản thân các hiện tượng. Từ một đề thi trên báo Tuổi Trẻ của Sở giáo dục Cần Thơ về yêu cầu tìm từ trái nghĩa với từ "bà ngoại", chị có bài viết dài ngót chục trang với nhan đề Giao trứng cho ác. Rồi khi đến phòng triển lãm tranh, chứng kiến cảnh dở khóc dở cười cũng khiến tác giả nghĩ đến chuyện May mà không biết vẽ.

Nhân trường hợp chị thỏ bông, cái tên ngộ nghĩnh đến thế nhưng khi khám phá tập tản văn của Thảo Hảo, người đọc thêm một lần nhìn lại mình, nhìn lại cuộc sống xung quanh để thấy nó có ý nghĩa hơn. Thảo Hảo khiến người ta nhớ hơn đến một Phan Thị Vàng Anh đầy bản lĩnh và cá tính ngày nào.

Thu Hà

(Sưu tầm từ VnExpress)
 
Đây, ví dụ vài bài:

1. Nhân trường hợp chị thỏ bông

Bạn tôi, vợ về quê thăm mẹ. Anh ở nhà, vào đúng ngày chủ nhật, thì buồn. Alô cho một người bạn, và cả hai đi mát-xa.

Cô gái làm mát-xa cho anh rất xinh, mặt tỉnh bơ, vừa làm vừa kể chuyện cười. Cô kể chuyện chị thỏ bông đi lạc.

"Chị thỏ bông có chồng là anh thỏ bông. Một hôm chị thỏ bông đi vào rừng tìm cà rốt. Lúc quay trở ra thì bị lạc. Chị đi một đoạn thì gặp anh thỏ trắng. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ trắng bảo, 'muốn biết thì ở lại đây đêm nay'. Chị thỏ bông đành ở lại.

Ngày hôm sau, chị đi tiếp, mãi vẫn không thấy đường. Chị nhìn thấy anh thỏ nâu. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ nâu nói, 'muốn biết thì ở lại đây đêm nay'. Chị thỏ bông cắn răng ở lại đấy một đêm.

Hôm sau nữa, chị đi tiếp. Vẫn lạc đường. Lần này thì gặp anh thỏ đen. Chị đến hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ đen cũng nói, 'muốn biết thì ở lại đây đêm nay'. Chị thỏ đen tặc lưỡi ở lại.

Sáng hôm sau, chị tỉnh dậy, và lên đường. Ði được một đoạn thì thấy nhà, với anh thỏ bông đang đánh răng trước cửa. Chị về nhà được hai hôm thì biết mình có mang."

Cô mát-xa đố: "Em đố anh, con của chị thỏ bông sẽ có màu gì?"
Bạn tôi đoán, cà phê sữa bông, khoang đen bông..., mãi cũng sai, đành hỏi cô.

Cô bảo: "Muốn biết thì ở lại đây đêm nay".

Ðương nhiên là bạn tôi không phải thỏ bông nên không ở lại. Chỉ cười khà khà, tí sau rút ví ra, cho tiền boa, và về kể tôi nghe, tấm tắc khen mãi cô gái massage tinh ranh làm anh buồn cười - cái việc mà cả mấy năm nay vợ anh không làm được.

*
Thưa chị em phụ nữ,

Không làm chồng cười được là một cái tội rất to. Nó khiến cho chồng các chị phải đi tìm nụ cười ở những nơi khác. Và đó là một cái quyền của đàn ông.
Cái này không phải là mình tôi nghĩ ra và phát ngôn. Mà điều này, báo (dành cho phụ nữ) nào cũng có nói. "Khi anh ấy có người khác, bạn hãy xem lại mình." Nghe như một châm ngôn.

Bởi vì các chị không biết kể chuyện chị thỏ bông, cho nên các anh phải đi nghe người khác kể lại câu chuyện ấy.

Bởi vì các chị không biết mát-xa, cho nên các chị không thể cấm các anh đi mát-xa.

Bởi vì các chị không biết quá nhiều thứ nên các anh phải đi lấy kiến thức từ nơi khác.

Bởi vì các chị biết quá nhiều thứ nên các anh sẽ đi phổ biến kiến thức cho nơi khác.

Bởi vì các chị quá hiền,
Bởi vì các chị quá dữ,
Bởi vì các chị quá ngăn nắp,
Bởi vì các chị quá bừa bộn...

Kiểu gì, như báo đã nói, cũng là lỗi của các chị thôi.

Và báo (có lẽ đã ăn hối lộ của đàn ông) mà đề cao quá sức cái công dung ngôn hạnh, gần như đặt hẳn các chị lên bàn thờ, khiến các chị không leo xuống được để đấu tranh bình đẳng với đàn ông, cho nên các chị đành ở đó mà vui vầy với bếp núc cùng con cái.

Trong khi đó,

Thưa các chị,

Một món quà nhân ngày phụ nữ mà tôi muốn tặng cho các chị, dù mở ra các chị có thể nhăn mặt, thấy vô đạo đức, gói lại không nhận, là phần phân tích sau vụ việc chị thỏ bông vừa qua để các chị biết thực lực các chị đến đâu:

Các chị dễ rơi vào tình huống "chị thỏ bông" hơn các anh

Có lẽ, chẳng ai nói cho chồng các chị biết rằng: phụ nữ có khả năng sa ngã hơn đàn ông rất nhiều. Lại không phải kiểu sa ngã Ăn-bánh-trả-tiền-một-lần-rồi-quên như đàn ông, mà đây là sa ngã tinh thần, thương thương nhớ nhớ mà chồng các chị có biết thì chỉ có nát tim gan. Không báo nào răn đe người đàn ông rằng nếu anh cứ để bụng bia đi lại nghênh ngang trong nhà mà quăng quật vợ, thì vợ anh, tuy cúi mặt hiền thục nấu ăn trong bếp cho anh đó, nhưng tâm trí là hướng về người khác rồi; như một nơi an ủi, như một chốn yêu thương; chỉ rất may cho anh, rằng chị đã ở cái thế "bàn thờ" của phụ nữ Á đông, nên ít khi để cho mọi việc đến nơi đến chốn, chứ còn không thì...

2. Luôn có những người khác mà chị không biết

Chị thỏ bông chỉ cần đi ra đường cũng đã thấy muôn sắc thỏ đón chào mình. Anh thỏ bông có thể thấy vợ là nhàm, nhưng những anh thỏ khác thì không thế.

Các chị cũng thế, để ra một ngày nhìn quanh mình đi, rồi các chị sẽ thấy, nếu các chị bật đèn xanh, sẽ có vài người đàn ông mong được các chị cười với họ một cái, hay ăn một bữa cơm của các chị nấu, hay được các chị xoa đầu.
Lâu nay các chị vẫn được giáo dục trở thành một bông hồng duy nhất cho một người duy nhất. Ðó hình như là chiến lược của cánh đàn ông. Ðàn ông không nói với các chị rằng, nếu càng nhiều người ngắm, thì họ càng quý bông hồng của mình. Không đời nào họ nói như thế. Họ chỉ muốn an toàn, nên cố hướng dẫn các chị nở mãi một cách, tỏa hương mãi một loại; loại nào, cách nào công dung ngôn hạnh tiết liệt nhất. Thế rồi sau đó, khi đã đúc được chị thành bông hoa nhựa rồi, họ lại chỉ muốn tìm đến những bông hoa dại biết kể chuyện thỏ bông.

Thường bao giờ họ cũng bắt các chị lựa chọn: hoặc là hoa dại và không có anh ấy, hoặc là thành hoa nhựa và có anh ấy; các chị sẽ chọn ngay con đường hoa nhựa.

Các chị không biết, rằng nếu các chị cứng đầu làm hoa dại, thì các chị sẽ không mất gì cả, mà còn kích thích người ta giữ các chị lại hơn.

Gia đình còn hay mất là do đạo đức các chị.

Chị thỏ bông có cái khả năng đi ba đêm về mà anh thỏ bông vẫn không biết, và trên đường có rất nhiều anh thỏ đen, nâu, trắng sẵn sàng rủ chị phiêu lưu. Cái gia đình thỏ bông thật ra còn hay mất là do chị, do đạo đức của chị đến đâu. Chị thỏ bông hoàn toàn có thể tạo ra những vụ việc đi lạc lần nữa để phiêu lưu mà chẳng mất gì. Nhưng trời phú cho chị thỏ bông (cũng như cho các chị em phụ nữ) cái khả năng nghĩ về đạo đức rất mạnh, cho nên anh thỏ bông mới còn vợ cùng nhai cà rốt với mình.

**

Tóm lại:

Sau vụ việc chị thỏ bông này, hẳn các anh đã thấy mình cũng cần cảnh giác mà giữ vợ?

Bởi vì con đường hư hỏng của phụ nữ không cần mất công như các anh đâu. Theo một thống kê mật, những lời đề nghị của phụ nữ được chấp nhận tới 8/10, trong khi đàn ông chỉ có 1.5/10 mà thôi.

Bình đẳng với phụ nữ là cho họ biết vũ khí mà họ có, và để họ tùy nghi xử dụng sau khi đã cân nhắc được mất.

Hôm nay, nhân vụ chị thỏ bông, tôi lấy lại chút bình đẳng cho các chị. Còn bây giờ, tôi phải đi. Có người đang đợi tôi để hỏi: muốn làm hoa dại hay hoa nhựa.

Tôi nghĩ kỹ rồi. Tôi chỉ hung hăng thế thôi. Ðể không mất anh ấy, tôi sẽ làm hoa nhựa.
--
 
2. 34 tỉ, 16 tỉ, và bao nhiêu đồng bào?

Tháng trước, đến làm việc tại phòng y tế xã nọ, thuộc miền núi phía Bắc, ngồi một lúc lâu và uống rất nhiều trà xong, thì xin lỗi, cả đoàn có “nhu cầu”.

Nhà vệ sinh nằm ở một góc vườn xa, xây bằng gạch, ngang chừng 80 phân, cao quá đầu người một tí, cánh cửa gỗ ọp ẹp chắp vá, không khép kín nổi.

Hỏi trưởng phòng y tế, nhà vệ sinh của các anh bẩn thế này, bé thế này, làm sao anh vận động được dân trong vùng ở sạch?

Anh trưởng phòng y tế cho biết, thật đáng thương, chỉ có hai trăm nghìn đồng để làm cái nhà vệ sinh ấy thôi. Bằng gạch cơ mà. Đến cánh cửa là hết tiền, anh em phải lấy gỗ ở nhà chắp lại tạm.

Sẵn dịp, anh đưa sang nhà bếp tập thể. Hai triệu một cái bếp ăn cho nhân viên, cũng là nơi nấu nước sôi cho công việc y tế. Tiền bên trên chỉ cho chừng ấy, anh em đốn một cây mít, một cây gì nữa (tôi quên rồi) trong sân, bán lấy tiền bù vào để hoàn tất nhà.

Cả một vùng nghèo lắm, thư viện không có, rạp hát không có, trường học lụp sụp, thanh niên không có gì giải trí nên chích hút rất nhiều...

****

Trong khi đó, trên báo Tuổi Trẻ, ngày 1. 12. 04, có một mẩu tin ngắn, trong đó UBMTTQ TP.HCM đã phải kiến nghị với UBNDTP về cái kế hoạch (đã được UB phê duyệt) là dùng 34,7 tỉ đồng để biến đường Đồng Khởi - một con đường tuy trung tâm nhưng có thể gọi là ngắn - thành phố đi bộ.

Với 34,7 tỉ này, theo báo, người ta chắc sẽ lại nạy gạch (mới lát) lên, lát lại bằng granite cả lòng đường lẫn vỉa hè. Người ta lắp mấy cột điện thoại công cộng (cái thứ mà giờ gần như không ai dùng nữa, vì rất khai), rồi xây thêm các bồn hoa trang trí... Con đường sang trọng đó, xưa nay vốn không phải dành cho người Việt số đông, nay sẽ sang trọng hơn, khách Tây ghé lại vài ngày sẽ có một cái nhìn về Việt Nam hào nhoáng đầy giả tạo.

****

Còn ở Hà Nội thì sao?

Hà Nội đang hối hả lắp cho xong tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” ở vườn hoa Vạn Xuân. Người ta sẽ dành cho cái tượng đài này khoảng 16 tỉ đồng. Tượng đài cũ đã có, nằm ở vườn hoa Bà Kiệu, cách nơi sẽ đặt tượng đài mới khoảng một cây số rưỡi. Cả hai tượng đài nói chung đều phải có người chiến sĩ ôm bom ba càng, một cô gái Hà Nội... 16 tỉ để gần như lặp lại một cái đã có, chỉ có những thành phố lớn mới vô tâm trước cái nghèo của đất nước như thế.

****

Thế đấy, đất nước ta, mấy chục tỉnh thành như mấy chục anh em, lại là anh em con nhà nghèo, vậy mà lại rất đúng với câu “anh em kiến giả nhất phận”. Thành phố lớn thờ ơ trước khó khăn và bế tắc của các thành phố bé. Nếu cán bộ thành phố lớn có hôm nào đi ngang qua một thị xã đìu hiu, thì chắc cũng chỉ thấy hả hê trong lòng, “thằng này thua mình xa”.

Thành phố lớn sẽ nói, mỗi vùng có một nhiệm vụ, một đặc thù, tiền chi mỗi nơi phải mỗi khác.
Nhưng dùng 34,7 tỉ phố đi bộ để nâng cấp 34 cái trường học miền núi, hay dùng 16 tỉ tượng đài để cải tạo 16 trung tâm y tế xã, các vị thấy cái nào mang tính “vì đồng bào” hơn?

Chúng ta vẫn có phong trào Thanh niên Tình nguyện để dạy cho sinh viên cái tinh thần tương trợ những người yếu hơn mình. Nhưng sinh viên chỉ là những người chưa là gì cả trong guồng máy. Họ đến với hai bàn tay và tình cảm của họ, để đào mấy con mương, làm mấy cái cầu khỉ. Rồi cái nghèo ở một vùng xa vẫn hoàn nghèo, khoảng cách thành thị-nông thôn chẳng thu ngắn lại được sau mấy tháng hè. Sẽ chỉ là vô ích và hình thức, nếu chính cái tinh thần tương trợ ấy không có trong bản thân những người đứng đầu các tỉnh thành.

Nhưng thôi (có thể tôi nghĩ sai?), biết đâu trong chiến lược của các vị lại có mục cứ giữ nguyên những vùng nghèo đói, để mùa hè còn có nơi mà giáo dục thanh niên hai chữ “đồng bào”!

2.12.04


--

Lâu lắm rồi mới lại được đọc những dòng viết thế này... Rất phê :D


--
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Ôi, lại chuyện "chị thỏ bông", lâu lắm em không đọc, truyện này buồn cười thật, mà thấy cứ kì kì thế nào ý ;)
 
Em đọc cuốn này lâu lắm rồi. hấp dẫn,dễ nhớ lâu,suy nghĩ nhiều, nhưng hình như thiếu 1 cái gì đó để cso thể coi là 1 tác phẩm hay .
 
Đọc lần đầu thấy thích
Đọc lần hai thấy ngộ được ra nhiều điều
Đọc lần ba thấy một sắc thái tư duy khác hẳn
Tiếc là ko nhớ tên,nhưng thấy truyện về gã làm đường viết tốt nhất
 
Buồn cười ơi là buồn cười, lâu lắm rồi không viết bài trả lời forum ams nhà mình nên quên xừ mất cả phải làm như nào, khikhih...
Anyway, em chỉ tò mò muốn hỏi để biết xem là chị Huyền My học major gì ở bên này thế ạ?!
 
Back
Bên trên