''Gieo gì gặt nấy!'', gặt gì gieo nấy? Ăn gì nuôi nấy...
Những chuyện ''Gieo'' và ''Gặt'', tương xứng với vai trò căn bản nền tảng của việc ấy đối với sự sống còn của giống loài chúng ta từ thuở tổ tiên, đã trở nên một ''cặp phạm trù'' cơ bản của sự ví von, của những lối ẩn dụ hàm ngụ, của cách ngôn tục ngữ - tức là của dòng ''triết lý đời sống'' nói chung bất kỳ ai cũng từng tiếp cận. Cái quan hệ ''nhân nào quả ấy'' như vậy có vẻ hiển nhiên đến mức không cần phải luận chứng. Và bởi cái thứ ''lý thuyết'' - ''cây đời'' này cứ luôn giữ mãi cái vẻ hồn nhiên ''a, bờ, cờ...'', thây kệ chúng ta tha hồ đánh tráo sự thấu hiểu giản dị của nhãn quan ''Gieo và Gặt'' bằng đủ loại thuật ngữ và lý thuyết và lý sự mô-đéc update chồng chất lên nhau. Cho nên, nhiều ''vấn đề bức xúc'' của chúng ta sau khi đi mỏi mệt vòng vèo trên trường nghị sự thì cuối cùng lại tìm đến luận đề ''Gieo và Gặt''.
Tuy nhiên, dường như tất cả những sự phức tạp lủng củng trên con đường ấy lại chứng tỏ rằng cái vấn đề này đang tiến hoá. Hay là phản ánh sự tân tiến? Chẳng hạn, vì có lúc ta đã ''Gieo'' những vị Giám đốc, những Nhà quản lý kinh tế cận thị và thiểu năng, nên ta đã ''Gặt'' một lô những thứ dây chuyền máy móc công nghệ ''phế thải''... Để rồi, ''Gieo'' những thứ tư duy công nghiệp lỗi thời ấy mà ta ''Gặt'' một vụ buôn lậu dài dằng dặc, ''trang điểm'' cho tất cả các chốn chợ búa trong nước một bộ mặt sặc sỡ đơn điệu những thứ hàng tiêu dùng, tuy ''rẻ tiền mau hỏng'', nhưng lại cần thiết. Chỉ xem riêng một chuyện buôn lậu ấy, mãi không ngăn được, thì thấy bởi đó là ''miếng ăn'' cho rất nhiều con người. Mà ăn uống thì cũng hệ trọng chẳng kém gì ''Gieo và Gặt''.
Và cũng giống như ''Gieo và Gặt''. Cha ông ta ngày xưa, hẳn vì muốn ăn trứng cho nên nuôi gà, muốn ăn thịt cho nên nuôi trâu bò dê lợn... Đại loại muốn ăn thứ gì thì nuôi thứ ấy. Cái triết lý này cũng đơn giản như ''Gieo và Gặt''. Nhưng có lẽ vì đơn giản cho nên bị người ta quên. Vả lại chuyện nuôi trồng cũng vất vả lắm công phu, mà cứ dùng tiền để mua thì lại có vẻ còn đơn giản tiện lợi hơn nữa. Có lẽ vì thế mà việc chăn nuôi suốt bao đời nay chỉ quanh quẩn với mấy thứ gia súc gia cầm ''kinh điển''... Còn ra, muốn ăn nhung hươu mật gấu tôm hùm đều phải mua rất nhiều tiền mới có. Đùng một cái, có người nghĩ ra việc nuôi hươu lấy nhung; thế là thành phong trào. Phải nói rằng việc ấy giống như bước qua ngưỡng cửa: vượt ra ngoài, thấy như ''trời mới đất mới'' - từ đó, thấy người ta muốn ăn thì mình nuôi: nuôi gấu lấy mật, nuôi lợn rừng lai với lợn nhà, nuôi tôm hùm cá song... Mà xem ra cái sự ăn luôn đi trước một bước. Kể từ khi mở cửa, quán nhậu hàng cơm hải sản thịt rừng càng ngày càng nhiều. Mọi người đều ăn, dĩ nhiên. Và ăn ở mọi nơi mọi lúc, chỗ nào cũng ăn được. Ăn cả những thứ có vẻ xưa nay chưa từng ăn, chẳng hạn dế mèn. Chẳng bao lâu lập tức đã có người nuôi dế, nuôi hàng trăm nghìn con.
Thế là cái chuyện ''Ăn và Nuôi'' cũng lộ rõ như một sự hiển nhiên không cần phải luận chứng. Chẳng hạn, mới đây ở Trạm kiểm lâm Bãi Kè (Quỳ Hợp, Nghệ An), một vị phó hạt kiểm lâm cùng vị phó trạm và mấy anh em nhân viên ăn hối lộ của người buôn gỗ lậu, bị bắt quả tang; một vị Chi cục trưởng Chi cục KL đã bình luận: ''Nhà nước không nuôi nổi thì đối tượng khác nuôi, mà đối tượng khác nuôi thì đối tượng khác sử dụng''. Nôm na tức là, lâm tặc dĩ nhiên không ''Gieo'' rừng, mà lại ''Gặt'' gỗ, cho nên có vài vị kiểm lâm ''nuôi'' lâm tặc để ăn hối lộ./.
Nguyễn Chí Hoan - VASC Orient
Những chuyện ''Gieo'' và ''Gặt'', tương xứng với vai trò căn bản nền tảng của việc ấy đối với sự sống còn của giống loài chúng ta từ thuở tổ tiên, đã trở nên một ''cặp phạm trù'' cơ bản của sự ví von, của những lối ẩn dụ hàm ngụ, của cách ngôn tục ngữ - tức là của dòng ''triết lý đời sống'' nói chung bất kỳ ai cũng từng tiếp cận. Cái quan hệ ''nhân nào quả ấy'' như vậy có vẻ hiển nhiên đến mức không cần phải luận chứng. Và bởi cái thứ ''lý thuyết'' - ''cây đời'' này cứ luôn giữ mãi cái vẻ hồn nhiên ''a, bờ, cờ...'', thây kệ chúng ta tha hồ đánh tráo sự thấu hiểu giản dị của nhãn quan ''Gieo và Gặt'' bằng đủ loại thuật ngữ và lý thuyết và lý sự mô-đéc update chồng chất lên nhau. Cho nên, nhiều ''vấn đề bức xúc'' của chúng ta sau khi đi mỏi mệt vòng vèo trên trường nghị sự thì cuối cùng lại tìm đến luận đề ''Gieo và Gặt''.
Tuy nhiên, dường như tất cả những sự phức tạp lủng củng trên con đường ấy lại chứng tỏ rằng cái vấn đề này đang tiến hoá. Hay là phản ánh sự tân tiến? Chẳng hạn, vì có lúc ta đã ''Gieo'' những vị Giám đốc, những Nhà quản lý kinh tế cận thị và thiểu năng, nên ta đã ''Gặt'' một lô những thứ dây chuyền máy móc công nghệ ''phế thải''... Để rồi, ''Gieo'' những thứ tư duy công nghiệp lỗi thời ấy mà ta ''Gặt'' một vụ buôn lậu dài dằng dặc, ''trang điểm'' cho tất cả các chốn chợ búa trong nước một bộ mặt sặc sỡ đơn điệu những thứ hàng tiêu dùng, tuy ''rẻ tiền mau hỏng'', nhưng lại cần thiết. Chỉ xem riêng một chuyện buôn lậu ấy, mãi không ngăn được, thì thấy bởi đó là ''miếng ăn'' cho rất nhiều con người. Mà ăn uống thì cũng hệ trọng chẳng kém gì ''Gieo và Gặt''.
Và cũng giống như ''Gieo và Gặt''. Cha ông ta ngày xưa, hẳn vì muốn ăn trứng cho nên nuôi gà, muốn ăn thịt cho nên nuôi trâu bò dê lợn... Đại loại muốn ăn thứ gì thì nuôi thứ ấy. Cái triết lý này cũng đơn giản như ''Gieo và Gặt''. Nhưng có lẽ vì đơn giản cho nên bị người ta quên. Vả lại chuyện nuôi trồng cũng vất vả lắm công phu, mà cứ dùng tiền để mua thì lại có vẻ còn đơn giản tiện lợi hơn nữa. Có lẽ vì thế mà việc chăn nuôi suốt bao đời nay chỉ quanh quẩn với mấy thứ gia súc gia cầm ''kinh điển''... Còn ra, muốn ăn nhung hươu mật gấu tôm hùm đều phải mua rất nhiều tiền mới có. Đùng một cái, có người nghĩ ra việc nuôi hươu lấy nhung; thế là thành phong trào. Phải nói rằng việc ấy giống như bước qua ngưỡng cửa: vượt ra ngoài, thấy như ''trời mới đất mới'' - từ đó, thấy người ta muốn ăn thì mình nuôi: nuôi gấu lấy mật, nuôi lợn rừng lai với lợn nhà, nuôi tôm hùm cá song... Mà xem ra cái sự ăn luôn đi trước một bước. Kể từ khi mở cửa, quán nhậu hàng cơm hải sản thịt rừng càng ngày càng nhiều. Mọi người đều ăn, dĩ nhiên. Và ăn ở mọi nơi mọi lúc, chỗ nào cũng ăn được. Ăn cả những thứ có vẻ xưa nay chưa từng ăn, chẳng hạn dế mèn. Chẳng bao lâu lập tức đã có người nuôi dế, nuôi hàng trăm nghìn con.
Thế là cái chuyện ''Ăn và Nuôi'' cũng lộ rõ như một sự hiển nhiên không cần phải luận chứng. Chẳng hạn, mới đây ở Trạm kiểm lâm Bãi Kè (Quỳ Hợp, Nghệ An), một vị phó hạt kiểm lâm cùng vị phó trạm và mấy anh em nhân viên ăn hối lộ của người buôn gỗ lậu, bị bắt quả tang; một vị Chi cục trưởng Chi cục KL đã bình luận: ''Nhà nước không nuôi nổi thì đối tượng khác nuôi, mà đối tượng khác nuôi thì đối tượng khác sử dụng''. Nôm na tức là, lâm tặc dĩ nhiên không ''Gieo'' rừng, mà lại ''Gặt'' gỗ, cho nên có vài vị kiểm lâm ''nuôi'' lâm tặc để ăn hối lộ./.
Nguyễn Chí Hoan - VASC Orient