Vụt lớn từ "Đồng Vọng" - kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ Văn Cao

Nguyễn Minh Trung
(Nguyen Minh Trung)

New Member
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày nhạc sĩ Văn Cao mất (10.7.1995 - 10.7.2005):

Vụt lớn từ nhóm "Đồng Vọng"


Nguyễn Thụỵ Kha

Khi còn sống, Văn Cao thường nhắc tới hai nhạc sĩ có ảnh hưởng trên con đường âm nhạc của mình. Đó là Lê Thương và Hoàng Quý. Phong cách âm nhạc bắt nguồn từ âm nhạc cổ truyền Việt Nam của Lê Thương đã ảnh hưởng ngay tới Văn Cao trong sáng tác đầu tay "Buồn tàn thu", được Văn Cao tiếp thu và mở rộng tới "Thiên thai", tạo ra một vệt những tác phẩm lãng mạn. Còn Hoàng Quý thì khiến cho Văn Cao tạo ra một vệt những tác phẩm yêu nước hào hùng khi tham gia nhóm "Đồng Vọng" của ông.

download_image%28106736%29


Trong nhóm, Văn Cao viết những bài ca hướng đạo với mạch nhạc tươi thắm mà sau này, âm hưởng ấy vẫn còn tràn đầy trong những bài ca cách mạng. Với chủ đề vui sống, Văn Cao đã viết ra một ca khúc ngắn vừa giản dị vừa lôi cuốn mang tựa đề rất Việt "Anh em khá cầm tay". Lời ca thật dễ mến với giai điệu dễ thuộc. Khi ngẫm ngợi lịch sử mang chất anh hùng ca, Văn Cao lại viết một ca khúc ngân nga mang tựa đề "Gió núi". Rất tiếc hai ca khúc trẻ trung, lành mạnh này chưa bao giờ được trình diễn trên sân khấu hôm nay để cho ta cảm thấu thêm mọi ngả trong tâm hồn sáng tạo của Văn Cao.

Khi Hoàng Quý viết "Trên sông Bạch Đằng" và "Khoan dô khoan", Văn Cao cũng viết "Chiều buồn trên sông Bạch Đằng" và "Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang". Có lẽ ở thời điểm ấy, những ca khúc lãng mạn của Văn Cao nổi trội nhiều hơn, nên "Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang" không được đón nhận rộng rãi bằng "Trên sông Bạch Đằng" của Hoàng Quý hay "Bạch Đằng Giang" của Lưu Hữu Phước.

Phải đến khi "Gò Đống Đa" và "Thăng Long hành khúc ca", Văn Cao mới thực sự vụt lớn từ nhóm "Đồng Vọng", mới đạt được một vị trí quan trọng trong dòng nhạc yêu nước. Các tác phẩm này cùng với sự tác động của đoàn thể cách mạng, Văn Cao mới đủ bản lĩnh tạm khép lại những rung cảm lãng mạn. Từ những rung cảm yêu nước hồn nhiên trong sáng ở nhóm "Đồng Vọng", Văn Cao đã dứt khoát bước vào đội ngũ cách mạng bằng việc viết ngay bản hành khúc cho lực lượng vũ trang của đội ngũ này - bản hành khúc cho một dự báo về cuộc tổng khởi nghĩa sau đó ít lâu. Theo tinh thần đầu tiên của "Tiến quân ca", nốt nhạc mở bài ngân dài như một tiếng cồng xuất quân ở miền rừng núi. Nhưng Văn Cao đâu nghĩ có một ngày ca khúc này phải được tấu lên bằng dàn quân nhạc, có một ngày trở thành quốc ca của đất nước.

Lòng yêu nước và khát khao tự do thấm vào ông từ nhóm "Đồng Vọng" đã khiến cho Văn Cao có được vinh dự đó, sau khi được các đồng nghiệp là nhạc trưởng quân nhạc Đinh Ngọc Liên và Nguyễn Hữu Hiếu chỉnh lý cho phù hợp với dàn quân nhạc bằng việc thay nốt mở bài kéo dài bằng một nốt móc đơn tạo động lực cho dàn quân nhạc tấu lên tác phẩm. Ngay từ chiều ngày 17.8.1945, trong cuộc míttinh của Tổng hội Công chức tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã được cách mạng biến thành cuộc kêu gọi tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, khi nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu tấu lên "Tiến quân ca" bằng cây đàn ácmônium trong lúc cờ đỏ sao vàng tung bay, "Tiến quân ca" của Văn Cao - một nhạc sĩ thuộc nhóm "Đồng Vọng" - đã thuộc về dân tộc Việt Nam. Bản sắc dân tộc của "Tiến quân ca" đã được xác lập thiêng liêng như thế .

download_image%28106733%29

Nhạc sĩ Văn Cao.


Nhiệt tâm với cách mạng, mang tinh thần "Đồng Vọng" hoà nhập vào cách mạng, khi Hoàng Quý viết "Sa trường tiến hành khúc" và "Cảm tử quân" thì Văn Cao với tầm nhìn của một sự vụt lớn đã cho ra đời "Chiến sĩ Việt Nam" dành cho bộ binh của lực lượng vũ trang cách mạng, "Không quân Việt Nam" với ước vọng một quân chủng hiện đại sẽ ra đời và "Hải quân Việt Nam" cùng một ước vọng như thế. Nếu Đỗ Nhuận có "Du kích ca" và Lưu Hữu Phước có "Đoàn quân ma" thì Văn Cao cũng có "Bắc Sơn" dành cho lực lượng dân quân du kích của chiến tranh nhân dân. Nhận ra sức tiền phong của giai cấp công nhân, Văn Cao viết "Công nhân Việt Nam" trong dịp kỷ niệm Quốc tế Lao động 1.5.1946 với cảm hứng cụ thể từ những nhịp điệu lao động của công nhân đường sắt. Tất cả những tác phẩm này đều bừng khởi trong những ngày sục sôi cách mạng.

Bay lên bằng âm nhạc lãng mạn, Văn Cao vụt lớn từ nhóm "Đồng Vọng" với những giai điệu yêu nước và để rồi thăng hoa trong những tác phẩm cách mạng. Sự hoà nhập của ba tốc độ bay này đã giúp cho Văn Cao đủ độ chín để viết lại trường ca "Trương Chi" mà ông đã thai nghén từ tiền chiến. Trong "Trương Chi" được hoàn chỉnh sau ngày cách mạng thành công, Văn Cao đã mơ ước tới một ngày thành công của xã hội mới: "Ngồi đây ta gõ ván thuyền/ Ta ca trái đất còn riêng ta".

Từ nhóm "Đồng Vọng", nhạc sĩ Văn Cao không chỉ đạt tới đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc, ông còn thành công trong giọng điệu mới ở thơ ca và cả trong hội hoạ để trở thành bậc tài danh bất tử.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên