Với bao tà áo xanh đây mùa thu ...

Huỳnh Khắc Tùng
(Tunghk)

New Member
Với bao tà áo xanh đây mùa thu...

Cứ mỗi tối khi bật on time cho bộ giàn, tôi thường theo thói quen, program cho ca khúc Tà Áo Xanh của Đoàn Chuẩn. Và sáng sáng tỉnh giấc trong ca khúc này, tôi lại dễ chịu vì như mọi bài hát khác của Đoàn Chuẩn, Tà Áo Xanh đẹp từ trong lời hát đến giai điệu.

So với cái gia tài mà Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn đã trao tặng cho âm nhạc Việt Nam, người ta sẽ nói Đoàn Chuẩn hơi keo kiệt . Nhưng không vì thế mà Đoàn Chuẩn lại không thể ở lại trong mỗi trái tim của khán thính giả . Vỏn vẹn chỉ với 10 ca khúc (có người cho là 11, nếu tính cả Xin Vĩnh Biệt), Đoàn Chuẩn đã khai sinh cho cả một dòng nhạc mang đậm âm hưởng dân ca, đầy những luyến láy, đầy những cung bậc mà "chỉ chạm khẽ vào là đã biết tự nó ngân nga ..."

Đoàn Chuẩn sinh năm 1926 ở Hà Nội . Người nhạc sĩ Hà thành này bắt đầu viết ở tuổi còn khá trẻ và ngưng viết cũng khá trẻ . Nói ngưng viết là nói một cách cứng nhắc, ông chỉ ngưng xuất bản những ca khúc của ông thôi, còn viết thì bảo đảm là không ... ngừng. Như có lần ông đã thú nhận, ông có viết thêm một ít ca khúc, nhưng hình như cái phút thăng hoa đã qua, nên những ca khúc đó "hơi tệ", ông chỉ để cho mình ông biết . Tuy vậy, giới am hiểu không hoàn toàn cảm thấy thuyết phục, vì thứ nhất, một người có thể viết những dòng lãng mạn như "... nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương ... nét bút đa tình lả lơi ..." không thể tự dưng mà khô cạn nguồn cảm hứng . Thứ hai, như nhiều người cho biết, Đoàn Chuẩn là người rất tôn trọng âm nhạc, cho nên vì khiêm tốn mà ông nói thế thôi . Thứ ba, ... có trời biết, họa chăng phải hỏi Đoàn Chuẩn phu nhân thì may ra ...

Nhiều người không tin, lão cũng không tin . Nhưng lão không tin thì lão làm được gì, ngoài chuyện lâu lâu phải nghe lại trọn một vòng quay mười tác phẩm ... tiêu biểu của ông, những tác phẩm mà ngay từ lần đầu tiên được nghe ở tuổi còn rất trẻ, lão đã biết đắm say ...
Mà cái dòng nhạc của Đoàn Chuẩn cũng lạ, lúc thì cấu trúc rõ ràng, lúc lại không . Cho nên hát nhạc Đoàn Chuẩn, có nhạc đệm cũng hay mà hát chay cũng hay nốt . Một cây guitar cũng đủ, mà rải vài phím dương cầm cũng đủ . Thì ra là vậy, ông viết cho chính ông thì phải, ông chơi đàn guitar và Hạ Uy Cầm đó mà ... Nói chuyện hát Đoàn Chuẩn không cần nhạc đệm, lão nghe loại hình biểu diễn bất đắc dĩ này nhiều nhất, và cũng thích nó nhất, vì Đoàn Chuẩn đến với lão từ người phụ nữ mà lão yêu thương và kính trọng nhất, Mẹ lão ...

... Bố lão đi xa, chắc vì đó mà Mẹ lão lâu lâu cũng có một chút buồn . Và lâu lâu, từ trong góc bàn, xó bếp hay bên cánh võng, lão lại nghe Mẹ hát à ơi, "... Biết nhau để mà nhớ, nhớ nhau để ... sầu dâng, tình trần ôi mong manh ..." Lão vô tình mà lớn lên từ những điệu nhạc lay lắt, rưng rức nỗi nhớ đó .

... Kỳ lạ lắm, thưở bé Mẹ ru nó ngủ . Nó lớn lên một chút, nó lại hát ru Mẹ ngủ . Mẹ đi đường xa về, tay chân nhức mỏi, đầu óc căng thẳng, thằng con trai bé dại vào đấm lưng cho Mẹ và hát Mẹ nghe, điều có ý nghĩa nhất mà nó có thể làm để Mẹ nó vui (nó nghĩ vậy) . Và nó cất tiếng trẻ thơ, hát những bài ... của người lớn "Thu nay vì đâu nhớ nhiều - Thu nay vì đâu tiếc nhiều - Đêm đêm nhìn cây trút lá - Lòng thấy rộn ràng, ngỡ bóng ai về ..." Nó thường băt'' đầu bằng Thu Quyến Rũ, chuyển sang Lá Thư, rồi quay về với Lá Đổ Muôn Chiều, rồi năn nỉ Mẹ nó hát Tà Áo Xanh . Bài này khó hát, nhất là đối với tuổi nhỏ như nó . Vả lại, bài hát này, nó muốn dành riêng cho Mẹ nó hát .

Thời gian theo nhau đi vun vút, năm này qua tháng khác . Bố nó vẫn ở xa lắm, ở một miền rừng núi . Thằng bé giờ cũng đã lớn . Nó vẫn hát Đoàn Chuẩn, giờ đây đã nhiều hơn, vì số bài nó biết cũng nhiều hơn . Hơn nữa, nó cũng hiểu hơn những gì nó hát, cho nên cái sự diễn cảm cũng theo đó mà thay đổi . Mẹ nó cũng già đi theo tháng năm, quầng mắt nhiều thêm những vết chân chim . Nhưng vẫn vậy, nhưng bài ca vẫn còn mang những ý nghĩa tương tự của ngày nó còn bé . Và đôi khi, nó tìm thấy trong ánh mắt Mẹ cười vui, có gì đó cứ mãi long lanh, long lanh ...

Nhạc phẩm đầu tiên "Tình Nghệ Sĩ" được Đoàn Chuẩn ký dưới bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Thật ra đây không phải là một mối tình bí mật nào như một số lời đồn đãi đã lan truyền. Từ Linh chỉ là em trai của một người bạn thân thiết của Đoàn Chuẩn và rất được Đoàn Chuẩn qúy trọng, thương mến. Bài hát đầu tiên đã được giới thưởng ngoạn tán thưởng nên Đoàn Chuẩn đã quyết định cứ giữ bút danh như thế cho những nhạc phẩm kế tiếp sau đó. Từ Linh mất vào năm 1992 vì chứng bịnh ung thư. Nhưng dù vậy, năm 1994 sau khi nhận được nhuận bút từ Hãng phim trẻ cho cuốn video Gửi gió cho mây ngàn bay, Đoàn Chuẩn vẫn trích ra một nửa để gửi tặng cho con trai của Từ Linh.

Năm Đoàn Chuẩn lên 4 thì bố mất, mẹ của ông đã một tay tần tảo nuôi mấy anh em Đoàn Chuẩn ăn học và gầy dựng nên một sản nghiệp lớn là hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng khắp Đông Dương thời bấy giờ. Sống trong một gia đình khá giả, Đoàn Chuẩn được gia đình cho đi học đủ thứ nhưng ông thích nhất là học guitar với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, và sau này là hạ uy cầm với thầy William Chấn - một người Trung Quốc chơi đàn ở Hà Nội.

Kháng Chiến bùng nổ, cậu công tử Hà thành Đoàn Chuẩn cũng hăm hở và hồn nhiên lên đường lên chiến khu. Ông bắt đầu viết nhạc từ đó. Điểm đặc biệt là đa số những tác phẩm của ông, dù được viết trong suốt chiều dài 9 năm tham gia chiến khu, có vẻ chẳng ăn nhập gì đến cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, đầy hiểm nguy, chết chóc. Và nhất là lời ca, cứ như ở một cõi nào khác.

Dù cống hiến cho đời nhiều ca khúc lãng mạn, tuyệt vời, Đoàn Chuẩn thường vẫn cứ khiêm nhường xem mình chỉ là một "tay mơ" viết nhạc mà thôi. Ngoài Văn Cao, Phạm Duy và một vài nhạc sĩ khác nổi tiếng từ trước cả thời kỳ kháng chiến là được ông xem như những bậc tài danh. Còn lại Dzoãn Mẫn, Hoàng Giác, Tô Vũ, Nguyễn Văn Ti'..... đều là những "tay mơ".

Nhạc phẩm Tình Nghệ Sĩ đã được Đoàn Chuẩn viết vào năm 1948 trong thời gian ông đi tản cư, gặp một cô hàng cà phê người Hà Nội rất đep. Tất cả ông và bạn bè đều mê, mỗi chàng làm một bài "tặng" nàng trong âm thầm mà nàng không hề hay biết. Tình yêu tuổi trẻ của Đoàn Chuẩn chỉ đến độ như thế thôi. "Yêu để không cần được yêu lại, yêu để yêu đời hơn và yêu .... mình hơn".

Chàng công tử Hà Thành kể về cuộc sống của mình ngày xưa như sau: "Trước cách mạng tôi không hút thuốc, không uống rượu, không thuốc phiện, cũng không cô đầu, có mỗi một thú chơi ô tô, trong đó có một chiếc Vedete mà cả Bắc Kỳ mới có hai chiếc, chiếc kia là của ..... thủ hiến nhưng không mới bằng của tôi (!). Lại thêm cái bịnh đa tình nữa, thấy người đẹp là yêu, mà lại cứ yêu một mình. Thế thì làm gì mà chẳng buồn ... Thu đi cho lá vàng bay, lá rơi cho đám cưới vệ Tình anh một con thuyền bé chìm sâu đại dương .... Tình yêu thì ở đâu mà chẳng thế, bao giờ chẳng thế, đẹp mà buồn. Mà tôi lại chỉ thích viết về tình yêu thôi.

Chàng công tử Hà Thành đó bây giờ đã là một cụ ông gần 80 tuổi (80 tuổi là thời điểm của bài viết. Đến giờ thì ông đã mất), bằng với tuổi của Văn Cao. Cuộc sống của ông, về mặt vật chất, so ra may mắn hơn nhiều người có cùng hoàn cảnh và cùng lứa. Vợ con ông lo lắng và chăm sóc cho ông chu đáo. Ngày ngày, ông vẫn còn nghe nhạc (tất nhiên có cả nhạc của ông nữa) và vẫn liên lạc thường xuyên với nhạc sĩ Dzoãn Mẫn.

Đoàn Chuẩn không bao giờ tiếc nuối ông đã viết qúa ít. Ông cho rằng khi "tình đã nhạt, duyên đã hết, tài đã vơi thì thôi đi chứ cố làm gì". Theo lời ông, ông chỉ tiếc một điều, tiếc vô cùng vì "tất cả các cô ca sĩ hát nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh hay thì .... chẳng cô nào đẹp cả, mà tôi suốt đời chỉ yêu cái gì đẹp mà thôi".

Ước mơ cuối đời của Đoàn Chuẩn là được ra đi trong một giấc ngủ yên lành.

Gửi gió cho mây ngàn bay
Gửi bướm muôn màu về hoa
Gửi thêm ánh trăng, màu xanh lá thư .......

(st)
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Là bạn viết bài này ạ. Thật phục quá. Nhớ cái dạo Hanoi những năm cuối 80, đầu 90 đi đâu cũng vàng vọt Tuấn Vũ, Don Hồ gì gì đấy thì tôi đã bị bắt cóc vào Huế. Ngoại và Ba nghe rất nhiều Đoàn Chuẩn-Từ Linh, rồi Trịnh Công Sơn, Văn Cao. Bé chẳng cảm được cái thanh tao nhưng cũng bị mê hoặc.

Trong bài có đoạn bạn viết về Tình nghệ sỹ, umm, tôi ko hiểu rõ lắm..
-Nhạc phẩm đầu tiên "Tình Nghệ Sĩ" được Đoàn Chuẩn ký dưới bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Bài hát đầu tiên đã được giới thưởng ngoạn tán thưởng nên Đoàn Chuẩn đã quyết định cứ giữ bút danh như thế cho những nhạc phẩm kế tiếp sau đó

-Nhạc phẩm Tình Nghệ Sĩ đã được Đoàn Chuẩn viết vào năm 1948 trong thời gian ông đi tản cư, gặp một cô hàng cà phê người Hà Nội rất đep. Tất cả ông và bạn bè đều mê, mỗi chàng làm một bài "tặng" nàng trong âm thầm mà nàng không hề hay biết.

Tôi vẫn được nghe kể rằng, ký Đoàn Chuẩn-Từ Linh vì lời có sự góp sức của Từ Linh thì phải. À, mà theo tôi biết thì bác Đoàn Chuẩn sinh ở Hải Phòng chứ nhỉ. Vì cứ nói đến Hải Phòng tôi nghĩ đến bác Nguyên Hồng và bác Chuẩn :).

10 nhạc phẩm mà bạn kể, có phải là thế này ko?
1. Tà áo xanh
2. Tình nghệ sỹ
3. Gửi người em gái
4. Thu quyến rũ
5. Gửi gió cho mây ngàn bay
6. Chuyển bến
7. lá thư
8. Đường về miền Bắc
9. Cành hoa duyên kiếp
10. Lá đổ muôn chiều

Cũng gần một năm rồi từ cái ngày bác Đoàn Chuẩn theo " gió ngàn bay". Tôi nhớ dạo đó, trời vừa chớm đông, Hà Nội lạnh lắm và một người bạn báo tin...mày ơi, Đoàn Chuẩn mất rồi. Ở bên này chẳng lạnh như Hanoi nhưng tôi cảm giác cái lạnh chạy vào từng mạch máu. Tôi vẫn nhớ như in dáng ngồi của bác cùng bác gái bên bàn ăn, hiền từ mà thanh thản.

Mò vào vnexpress ...

Thẫn thờ...
 
Chào bạn,

Mình nhớ là khoảng tháng 11 cơ...hình như 15/11 thì phải...
Năm vừa rồi buồn thật đấy ..mới khoảng mồng 5 Tết thì cô Lê Dung ...đến 1/4 TCS lại bỏ đi..rồi bác Đoàn Chuẩn, nghệ sỹ Út Trà Ôn..

Đĩa nhạc nhà mình có thì là Khánh Ly hát. Đúng là ở VN ít người hát nhạc Đoàn Chuẩn thật. Ánh Tuyết mình cũng chưa được nghe, có lẽ cũng sẽ giống Thái Thanh ....

Với mình, cũng có một người hát hay nhất, là Mẹ.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Ánh Tuyết hát nhạc Đoàn Chuẩn không hay bằng Lê Dung. Có lẽ giọng Ánh Tuyết thiếu một chút mượt mà cần thiết để hát những bài hát của Đoàn Chuẩn.

Hát hay, cần nhất là có cảm xúc trong những lời hát. Trịnh Công Sơn hay Trần Tiến, dù giọng hát không hay nhưng chính cảm xúc của tác giả đã làm họ hát hay hơn nhiều ca sĩ. Mình nghĩ rằng mẹ Miên có nhiều đồng cảm với Đoàn Chuẩn.
 
Hình như bài mà anh Tùng nói "Với bao tà áo xanh đây mùa thu lá vàng, hàng cây đững hững hờ....." đó là bài Gửi gió cho mây ngàn bay, chứ không phải bài Tà áo xanh đâu thì phải anh ạ!
Em có 1 CD "Dang dở" toàn những bản nhạc tiền chiến, ca sĩ hải ngoại hát, nghe hòa âm phối khí hay lắm, tiếng nhạc nó cứ trong trẻo, mộng mơ đúng như ý nghĩa bài hát, chứ không phối như mấy bài của Ánh Tuyết đâu. Hát kiểu Ánh Tuyết nó mất đi cái tâm trạng của bài hát mất rồi...
 
:) đúng rồi Hoàng Hà, tà áo xanh là "ta quen nhau mùa thu, ta thương nhau mùa đông,ta yêu nhau mùa xuân", nghe Khánh Ly hát Đoàn Chuẩn Từ Linh hay phết, có Thái Thanh ngày trước cũng được, mà Ánh Tuyết sau này cũng được đấy chứ ;)

đọc lại thấy mình hồi xưa hiền vật, xưng với cụ Túng là mình với bạn, ặc =)), thế mà cưa mãi chẳng đổ :((
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Em nghe Như Mai (Thiên thai), Lưu Hồng (Gửi gió cho mây ngàn bay) hát chị ạ, mấy ca sĩ này của hải ngoại, tên nghe cũng lạ, nhưng thể hiện mấy bài đó rất hay! Em chưa nghe thử Khánh Ly, nhưng theo ý kiến của riêng em thì sở trường của Khánh Ly là nhạc Trịnh.
Trong CD đấy còn có mấy bài như Dư âm (Nguyễn Văn Tí), Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong) nghe cực hay! Sắp tới em sẽ đưa mấy bài trong CD đó lên http://m.1asphost.com/jollyjoker, nếu có thể thì chị down về nghe thử, em nghĩ là chị cũng thích ngay ;)
Em rất thích nghe nhạc tiền chiến mỗi khi trời mưa, nếu mà lại mưa to vào buổi tối, tắt hết đèn đi ngồi trong bóng tối nghe nhạc thì không còn thú vui nào bằng. Ngoài trời thì tiếng mưa, không khí thì mát mẻ, nhạc êm dịu, du dương..... chà :x
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Không hiểu sao càng nghe Ánh Tuyết hát lại càng không thích. Nghĩ kỹ thấy Ánh Tuyết không có cái duyên của Thuỵ Văn Miên, viết mãi mà mình đọc có thấy chán đâu.

Dư âm có những câu như "Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ" hay nhỉ. Mình cũng thích Cao Minh hát bài Ai có về bên bến sông Tương, nhắn người em gái tôi thương, mắt huyền giờ có vấn vương... Giọng Cao Minh trầm ấm, có những đoạn xuống giọng rất hay. Bạn Miên và bạn Hà có thích bài này không?
 
Những bài như vậy em có thể nghe mãi không chán :x Em còn thích Huyền Châu hát bài Nụ cười sơn cước nghe hay lắm, không hiểu sao các nhạc sĩ ngày xưa có thể sáng tác ra được những tác phẩm như thế!
 
Back
Bên trên