Vị giám đốc tật nguyền nối những số phận khổ đau

Ngô Xuân Bách
(ngô xuân bách)

New Member
Đi lên từ hai bàn tay trắng và nỗi đau tật nguyền, chị trở thành một doanh nhân thành đạt. Nhưng có lẽ mọi người biết đến chị Nguyễn Thu Xinh, Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Đại Hoa, nhiều hơn với vai trò của một nhà hoạt động xã hội, là đầu mối liên kết các câu lạc bộ những người khuyết tật ở Hà Nội.


Tuổi 19 không tiếng cười



Gặp chị tại hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ của người khuyết tật lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Thấy chị luôn tất bật, chạy ngược xuôi lo tổ chức, khuôn mặt ngời hạnh phúc, tự tin, tôi không thể nghĩ đã có lúc chị tưởng như ngục gục trước nỗi đau…



Tốt nghiệp PTTH, 18 tuổi, NguyenThu Xinh đẹp như đoá hồng sớm mai, tương lai tươi sáng đang rộng mở trước mắt. Tưởng rằng cô bé xinh đẹp này sẽ thực hiện được ước mơ theo đuổi nghiệp của cha, trở thành một diễn viên nổi tiếng. Nhưng số phận đã không cho chị thực hiện ước mơ cháy bỏng của đời mình.



19 tuổi, trong một lần đi chơi, chị bị tai nạn giao thông. Khoảnh khắc ngắn ngủi ấy khiến chị bất tỉnh 2 tháng. Vừa tỉnh dậy, bác sỹ nói phải cưa tay, chị lặng lẽ không nói lời gì, chỉ khóc. “Cảm giác lúc đó thực sự không thể diễn tả nỗi, cứ nghĩ không còn một bàn tay, vừa thấy sợ, vừa thấy tủi. Lại nghĩ đến ước mơ làm diễn viên, sao mà chua xót thế… May mà có gia đình ở bên, tôi mới vượt qua đau khổ ấy”.



Cả đêm không ngủ, chị chỉ nghĩ làm thế nào để giữ lại được bàn tay của mình. Buổi sáng, bác sỹ vừa đến chị cầu xin: “Bác sỹ cố giữ lại cánh tay cho cháu. Dù có thế nào, cháu cũng tập luyện để cánh tay đó có ích”. Trước sự “năn nỉ” và ánh mắt cương nghị của cô gái trẻ, các bác sỹ ở bệnh viện E đã cố gắng mổ ghép lại cánh tay cho chị. May mắn, ca mổ thành công. Nhưng cũng từ đó, cánh tay của chị thành tật, sưng to và bị khèo quặt ngược lại.



Đứng lên giữa cuộc đời



Không cam chịu là một người khuyết tật, khi vết mổ vừa lành, không đợi bác sĩ dặn dò phải chịu khó luyện tập, ngày ngày, chị tập cử động từng đốt ngón tay. Lâu ngày không vận động, tay cứng lại không thể cử động được, chị kiên nhẫn mỗi ngày tập mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng, nó cũng nghe theo sự điều khiển của chị dù còn rất khó khăn.



Sau khi ra viện, trong một lần tình cờ chị gặp người bạn đời của mình. Nhưng cuộc hôn nhân đó lại quá ngắn ngủi khi chị phát hiện anh ấy đã có gia đình. Chia tay - nỗi đau vượt tưởng không vượt qua, nhưng chính cái mầm sống chị đang mang trong mình đã thôi thúc chị phải gắng sống, vượt qua mọi nghiệt ngã để làm lại từ đầu.



“Đúng lúc đau khổ nhất ấy tôi lại nghĩ đến việc phải học. Nếu không học đời tôi, con tôi rồi sẽ ra sao? Cũng chính vì có động lực ấy mà tôi quyết tâm ôn thi đại học”, chị Xinh tâm sự. Để có tiền ăn học và nuôi con, chị không ngần ngại làm đủ mọi việc, từ osin, quét rác, làm tóc rối…



Tất cả những việc chị đã từng làm cũng khó sánh được những đau đớn, khó khăn khi chị học cầm lại chiếc bút. Bàn tay phải bị tật không nghe theo chị, để chị lại phải học cách cầm bút như đứa trẻ. Tập nhiều đến mức năm đầu ngón tay toé máu, rồi đến lúc chai lì, chị viết được chữ. Cuối cùng, những nỗ lực của chị cũng được đền đáp, chị trở thành cô sinh viên trường Đại học Thương Mại Hà Nội.



Chị Xinh bộc bạch: “Ngày đầu tiên vào lớp, ánh mắt mọi người dõi theo khiến mình rất ái ngại, nhưng nhờ có sự quyết tâm từ trước, mình cố lờ đi tất cả, tự an ủi mình rồi mọi người sẽ quen”.




Chị Xinh với những sinh viên tình nguyện

Trong lớp luôn có tiếng xì xầm và ánh mắt không mấy thiện cảm đổ dồn về phía chị. Có lẽ, ở lứa tuổi đó, một cô gái khuyết tật như chị lại đã làm mẹ khiến mọi người chú ý hơn. Bỏ ngoài tai tất cả những lời đàm tiếu của bạn bè, chị chỉ nghĩ đến học và nuôi con. Rồi mọi người cũng dần hiểu, cảm thông với chị, giúp đỡ chị nhiều trong học tập.



Mỗi người ai cũng có những hoài bão riêng của mình. Xinh cũng vậy, ngoài giờ học, giờ làm, chị dành nhiều thời gian để thực hiện dự định của mình, một dự định có lẽ gắn với cả cuộc đời của chị. Vừa xong năm học thứ nhất, chị đã hoàn thành dự án: “Du lịch, giao lưu văn hoá dân gian Việt Nam” khiến thầy cô, bạn bè bất ngờ, cảm phục. Năm 1996, dự án được Bộ Văn hoá - Thông tin bảo vệ độc quyền.



Nối vòng tay lớn



Từ đề tài nghiên cứu khoa học “Du lịch, giao lưu văn hoá dân gian Việt Nam”, chị mong ước sẽ theo đuổi nghành du lịch. Nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn là một chặng đường dài đầy gian nan.



Chị mạnh dạn đến Đại sứ quán một số nước để đặt vấn đề muốn giới thiệu đất nước, con người Việt Nam và mong họ giúp đỡ. Họ rất cảm phục một cô gái nhỏ bé lại có mong muốn mãnh liệt giới thiệu với bạn bè thế giới về đất nước, con người, những nét văn hoá dân gian của Việt Nam. Thế là chị được mời đến những cuộc họp để gặp gỡ các doanh nghiệp, trao đổi nghiệp vụ về việc tổ chức các tour cho các công ty ở Đại sứ quán…



Có được những kinh nghiệm ban đầu, cộng với sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè, chị quyết định mở công ty du lịch để thực hiện hoài bão từ thời sinh viên. Công ty Du lịch và Thương mại Đại Hoa do chị làm giám đốc chọn cho mình một đường đi riêng.



Là một người khuyết tật, chị hiểu và luôn quan tâm đến những nhu cầu bình thường của họ. Và Đại Hoa đã xây dựng các dự án tour du lịch phù hợp với người khuyết tật, như các tour theo chủ đề “Tour du lịch cho người khuyết tật”, “Tour du lịch về văn hoá, miệt vuờn”, “Tour du lịch tư vấn đầu tư hay làng nghề”… Chính những ý tưởng đó đã tạo nên điểm nhấn và được các đoàn khách Pháp, Mỹ, Trung Quốc có ấn tượng tốt đẹp.



Là đầu mối liên kết các CLB Người khuyết tật ở Hà Nội như: Bạn và tôi, Hy vọng, Vì tương lai tươi sáng; chị Xinh còn tổ chức rất nhiều tour du lịch cho nhiều người khuyết tật ở các tỉnh, thành phố. Chị cũng là người khuyết tật đầu tiên đứng lên tổ chức tết cho 500 người khuyết tật ở các tỉnh phía Bắc. Công ty chị lo trọn vẹn cho 50 người khuyết tật đi nghỉ mát ở Trung Quốc; chị cũng là người khởi xướng tổ chức triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ của người khuyết tật với mong muốn tìm một hướng ra cho sản phẩm của họ.



Có lẽ, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người phụ nữ này là đem lại niềm vui cho những người đồng cảnh. Để có được sự thành công của ngày hôm nay, chị đã lao vào công việc bất kể ngày đêm. Chị tâm sự: “Mọi việc làm của tôi, mỗi con đường tôi đi đều hướng về người khuyết tật. Họ có quá nhiều thiệt thòi, tôi muốn làm gì đó để bù đắp cho họ, bù đắp cho chính những thiệt thòi của mình”.



Đề án xây dựng ngôi trường đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật của chị cuối cùng cũng được kí duyệt. Thời gian không xa nữa, khi trung tâm dạy nghề này được thành lập, người khuyết tật sẽ có một nghề giúp họ sống và đứng vững trong cuộc đời. Với chị, hạnh phúc giản đơn được làm cây cầu nối vòng tay yêu thương đến tất cả những số phận còn khổ đau…(theo dantri.com.vn)
 
Back
Bên trên