Vĩnh biệt tài tử Ngọc Bảo!

Đào Việt Nga
(ngadv)

Member
Cuộc sống vẫn luôn chứa đựng những điều bất ngờ như thế. Người nghệ sĩ tài hoa của muôn đời đã lặng lẽ ra đi mà không biết rằng bao con người đang bàng hoàng, tiếc nuối đến khôn cùng cho một giọng ca, một phong cách lãng tử xưa nay hiếm có này.

Tài tử Ngọc Bảo, cái biệt danh nghe mà đã thấy chất "chơi" ở trong đó rồi. "Chơi" là dám hết mình với nghệ thuật, sống đến tận cùng với nỗi đam mê nghệ thuật bất chấp thời thế đổi thay, bất chấp sức mạnh tàn phá của thời gian. Vẫn là từng nét nhạc rưng rưng khi ông thả hồn trong bài hát "Gửi người em gái" của Đoàn Chuẩn, đôi mắt mơ màng của ông khiến người nghe như càng say hơn với cái tình của người Hà Nội cổ - một tình cảm da diết, thầm lặng và u hoài.

Tóc đã bạc, da đã nhăn nheo, chuyển động đã chậm, từng ấy hậu quả của bước chuyển thời gian không làm mất đi thần thái hào hoa của chàng trai Hà Nội năm nào. Cái chất sang và lãng tử ngập tràn chữ tình ngấm trọn trong từng bài hát ông mang đến cho đời đã làm rung động biết bao trái tim phụ nữ. Họ yêu tiếng hát của ông hay cũng chính là yêu nhân cách của ông, một biểu tượng bất tử của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Cứ như thể cuộc đời này là chốn dừng chân tạm thời trong hành trình bất tận cống hiến vì nghệ thuật của ông. Biết đâu ở một cuộc đời khác, ông đang say sưa cất tiếng hát những bản tình ca tha thiết thấm đượm tình người cho những linh hồn cô liêu xích lại gần với nhau hơn.
 
May mà có dịp được nghe ông hát khá nhiều lần trên tivi TPHCM, phong cách dí dỏm, và lối hát giản dị của ông thật sự lôi cuốn, và ko thể nghĩ là ông đã ngót 70 vào thời điểm ấy...

1' ngậm ngùi tiễn biệt ông...

hix hix bao nhiêu giọng ca lần lượt ra đi, hết Lê Dung, Ngọc Tân, rồi đến Lê Hựu Hà, tài tử Ngọc Bảo, ko biết sau này ai sẽ thay thế, mong rằng ko phải anh Fuk iu vấu
 
Em cũng mới nghe tin tài tử Ngọc Bảo qua đời vào chiều hôm qua (giờ VN). Hồi cấp 3 em mới biết đến ông và có nghe một số (ít) bài của ông, đặc biệt là "Gửi người em gái" mà chị Nga có nhắc tới.

(May quá, được em Bùi Việt ở CVA share cho bài này, upload lên mọi người cùng nghe)

[wma]http://0104ams.free.fr/doviet/Gui%20nguoi%20em%20gai%20mien%20nam.wma[/wma]
 
Đào Việt Nga đã viết:
Cuộc sống vẫn luôn chứa đựng những điều bất ngờ như thế. Người nghệ sĩ tài hoa của muôn đời đã lặng lẽ ra đi mà không biết rằng bao con người đang bàng hoàng, tiếc nuối đến khôn cùng cho một giọng ca, một phong cách lãng tử xưa nay hiếm có này.

Tài tử Ngọc Bảo, cái biệt danh nghe mà đã thấy chất "chơi" ở trong đó rồi. "Chơi" là dám hết mình với nghệ thuật, sống đến tận cùng với nỗi đam mê nghệ thuật bất chấp thời thế đổi thay, bất chấp sức mạnh tàn phá của thời gian. Vẫn là từng nét nhạc rưng rưng khi ông thả hồn trong bài hát "Gửi người em gái" của Đoàn Chuẩn, đôi mắt mơ màng của ông khiến người nghe như càng say hơn với cái tình của người Hà Nội cổ - một tình cảm da diết, thầm lặng và u hoài.

Tóc đã bạc, da đã nhăn nheo, chuyển động đã chậm, từng ấy hậu quả của bước chuyển thời gian không làm mất đi thần thái hào hoa của chàng trai Hà Nội năm nào. Cái chất sang và lãng tử ngập tràn chữ tình ngấm trọn trong từng bài hát ông mang đến cho đời đã làm rung động biết bao trái tim phụ nữ. Họ yêu tiếng hát của ông hay cũng chính là yêu nhân cách của ông, một biểu tượng bất tử của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Cứ như thể cuộc đời này là chốn dừng chân tạm thời trong hành trình bất tận cống hiến vì nghệ thuật của ông. Biết đâu ở một cuộc đời khác, ông đang say sưa cất tiếng hát những bản tình ca tha thiết thấm đượm tình người cho những linh hồn cô liêu xích lại gần với nhau hơn.

Cám ơn Nga vì nhũng dòng này! Anh thấy đau và xót quá! Chiều qua, ngồi bàn với mấy người bạn cũng làm truyền thông, lên kế hoạch tiếp chuyện và phỏng vấn các cụ ngoài độ tuổi "thất thập", anh đã đưa ông NB lên đầu trong list. Mình lại còn nói gở thế này cơ chứ: "Các cụ bây giờ trông ngoài có thể khỏe, nhưng đến lúc nào các cụ thình lình bảo nhau ra đi một loạt... là lũ trẻ còn trơ khấc một mình đấy!"

Độ 2 tiếng sau thì nhận được tin từ SG là ông NB mất rồi :(

May mà, cách đây tròn 1 tháng, thế nào anh còn kịp đưa một bài báo về ông NB, ko thì có khi bên này, cũng chả mấy ai nhớ và quan tâm đến thế hệ ông ấy...

"Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ..."

L.

==============

Tài tử Ngọc Bảo

Tài tử Ngọc Bảo sinh năm 1926 tại làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thân phụ ông, cụ Bùi Xuân Thắng, từng là chủ bút một tờ báo Đông Pháp rất nổi tiếng; thân mẫu của ông, bà Nguyễn Thị Quy, là người hát ả đào lừng danh đất Bắc. Khi 6 tuổi, Ngọc Bảo đã hát được ca trù và chèo. Năm 12-13 tuổi, ông học ở trường Duvillier. Lúc đó, tại Nhà hát Đa Phúc và Nhà hát Thiên Nhiên ở Hàng Bông có bán đĩa của Tino Rossi (danh ca người Pháp gốc Ý), Ngọc Bảo như bị "hút hồn". Theo như lời ông kể, hầu hết trào lưu âm nhạc cua nước ta thời kỳ này đều bị ảnh hưởng ít nhiều những giai điệu mà Tino Rossi thể hiện: "Tôi thường bỏ học đi bộ tới phòng trà Thiên Phúc ở Hàng Gai để nghe tiếng hát của Tino. Tôi học lỏm và hát theo rất tốt. Cứ 9-10 giờ tối, họ bật nhạc của ông này và ngày nào tôi cũng đứng nghe mê mẩn, nhẩm thuộc trong đầu từng câu, từng chữ". Ông bắt đầu vào nghiệp hát như thế.

Đến năm 1947, khi nhạc sĩ Tô Vũ sáng tác bài "Em đến thăm anh một chiều mưa" và Ngọc Bảo hát tại phòng trà Thiên Phúc thì mọi người mới biết đến tên tuổi ông. Năm đó ông 21 tuổi. Kể từ dạo ấy, Ngọc Bảo lừng danh từ Bắc chí Nam với nghệ danh "Tài tử". Đối với ông, hát không phải một nghề để kiếm sống mà đó là một sở thích, tâm huyết, một thú chơi thanh cao. 82 tuổi đời và 62 năm ca hát, sở trường của Ngọc Bảo là những bản tình ca sang trọng cả về ca từ lẫn nhạc điệu. "Em đến thăm anh một chiều mưa", "Thu quyến rũ", "Suối mơ", "Hoài cảm", "Gửi người em gái miền Nam", "Chiều vàng", "Đêm đông", "Cô lái đò", "Mơ hoa", "Đợi anh về", "Biệt ly", "Bóng chiều xưa", "Nỗi lòng"... - những ca khúc một thời vang bóng ấy, dưới sự thể hiện đầy tinh chiêm nghiệm của ông, nay vẫn đẹp, vẫn lãng tử và tràn đầy cảm xúc như thuở nào. Dường như cả cuộc đời của Ngọc Bảo đã gắn liền với những nhạc phẩm lãng mạn: suốt 30 năm thời chiến chinh, Ngọc Bảo đã ngưng hát khiến có người đã nói về ông: "Ba mươi năm hoạ mi ngừng hót - Để dành cho tiếng thét xung phong".

Trả lời báo chí Việt Nam, tài tử Ngọc Bảo cảm thấy vui và tự hào với danh hiệu "người ca sĩ cao tuổi nhất" của đất nước. Được hỏi "trong cuộc đời nghệ thuật của mình, ông thấy tâm đắc nhất điều gì?", Ngọc Bảo thổ lộ: "Lúc nào tôi cũng chỉ mong được hát cho khán giả nghe, đặc biệt là cho các đôi lứa yêu nhau. Tôi sẽ hát đến hơi thở cuối cùng!"

Cầu mong ý nguyện ấy của ông mãi mãi trường tồn!

(L - 7-4-2006)

Ảnh tư liệu của NCTG:

- Trò chuyện cùng tài tử Ngọc Bảo

http://s52.yousendit.com/d.aspx?id=3CCHHNFC1YWYG01VQMWQBSBKKK

- Thủ bút của tài tử Ngọc Bảo

http://s52.yousendit.com/d.aspx?id=021UCLR5OPB2I2F4VDMK85MB1S
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Đỗ Việt đã viết:
Em cũng mới nghe tin tài tử Ngọc Bảo qua đời vào chiều hôm qua (giờ VN). Hồi cấp 3 em mới biết đến ông và có nghe một số (ít) bài của ông, đặc biệt là "Gửi người em gái" mà chị Nga có nhắc tới.

(May quá, được em Bùi Việt ở CVA share cho bài này, upload lên mọi người cùng nghe)

[wma]http://0104ams.free.fr/doviet/Gui%20nguoi%20em%20gai%20mien%20nam.wma[/wma]

"Gửi người em gái miền Nam" là ca khúc gắn liền với tên tuổi tài tử Ngọc Bảo. Ông là người được chính tác giả đưa để hát đầu tiên, và đến nay ko ai hát hay được như Ngọc Bảo bài này. Phần đầu của ca khúc, Ngọc Bảo đã luyện cả tháng để có được tâm trạng như của Đoàn Chuẩn, và lần đầu tiên, khi hát cho Đoàn Chuẩn nghe, tác giả bài hát đã phải phục Ngọc Bảo hát quá "chuẩn" :)

Đầu 2004, gặp Ngọc Bảo, khi nói về những kỷ niệm này, mình thấy ông ấy còn cảm động lắm...

Sau đây là 1 bài khác do Ngọc Bảo ca:

"Ngày về" (Hoàng Giác)

http://s52.yousendit.com/d.aspx?id=1W1XY3JSQFDGS08LKFWHUUSBHD

L.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
1 phút mặc niệm người nghệ sĩ hào hoa đất Hà Thành ^^...

Lần đầu tiên em nhìn thấy tài tử Ngọc Bảo là vào năm lớp 10, khi hôm đó TV Việt Nam chiếu chương trình vinh danh ông. Khi ấy tài tử đã cao tuổi, khuôn mặt nhăn nheo, ánh mắt ko còn nhanh nhẹn, và đã có cô cháu ngoại rất lớn làm MC cho chương trình (chị Vân gì đó thì phải?) Nhưng đến lúc trả lời câu hỏi của khán giả, ông vẫn dí dỏm có duyên đến lạ thường. Và đặc biệt, đến lúc ông thể hiện lại các ca khúc trữ tình một thuở vang bóng tên tuổi mình, ko ai có thể cầm lòng... Những người già, những người cùng thế hệ ông lặng lẽ lấy khăn tay lau nước mắt; những người trẻ lần đầu biết đến ông thì lặng im trong nỗi xúc động và tôn kính trước một tài năng, một phong cách kì khôi...

Lúc đó em xem TV cùng với bà nội, là một người cùng thời với tài tử Ngọc Bảo (bà em sinh năm 1934), và cũng là một người rất lãng mạn, đã từng đam mê những ca khúc tiền chiến với những người nghệ sĩ tài hoa như Ngọc Bảo, Ánh Tuyết... Bà em lắng nghe Ngọc Bảo hát đôi mắt mơ màng, và nhắc lại những kỉ niệm ngày xưa thời con gái của bà với những ca khúc như thế... Tại sao bà hay nói câu "màu áo xanh là màu anh trót yêu", tại sao "mơ đến em một ngày đầm ấm", "nhìn xác pháo bên thềm, chạnh lòng tôi nhớ đến người em"... Một thời để yêu, và một thời để nhớ... Bà cũng kể rằng ngày xưa đã từng rất hâm mộ tài tử Ngọc Bảo và nói thêm rằng, các cô thiếu nữ Hà Nội ngày ấy, ko có ai ko mong được làm người trong mộng của người nghệ sĩ lãng tử hào hoa này...
 
Nguyễn Hoàng Linh đã viết:
Đến năm 1947, khi nhạc sĩ Tô Vũ sáng tác bài "Em đến thăm anh một chiều mưa" và Ngọc Bảo hát tại phòng trà Thiên Phúc thì mọi người mới biết đến tên tuổi ông. Năm đó ông 21 tuổi. Kể từ dạo ấy, Ngọc Bảo lừng danh từ Bắc chí Nam với nghệ danh "Tài tử". Đối với ông, hát không phải một nghề để kiếm sống mà đó là một sở thích, tâm huyết, một thú chơi thanh cao. 82 tuổi đời và 62 năm ca hát, sở trường của Ngọc Bảo là những bản tình ca sang trọng cả về ca từ lẫn nhạc điệu. "Em đến thăm anh một chiều mưa", "Thu quyến rũ", "Suối mơ", "Hoài cảm", "Gửi người em gái miền Nam", "Chiều vàng", "Đêm đông", "Cô lái đò", "Mơ hoa", "Đợi anh về", "Biệt ly", "Bóng chiều xưa", "Nỗi lòng"... - những ca khúc một thời vang bóng ấy, dưới sự thể hiện đầy tinh chiêm nghiệm của ông, nay vẫn đẹp, vẫn lãng tử và tràn đầy cảm xúc như thuở nào. Dường như cả cuộc đời của Ngọc Bảo đã gắn liền với những nhạc phẩm lãng mạn: suốt 30 năm thời chiến chinh, Ngọc Bảo đã ngưng hát khiến có người đã nói về ông: "Ba mươi năm hoạ mi ngừng hót - Để dành cho tiếng thét xung phong".

Anh ơi, 30 năm anh nói là giai đoạn từ khi nào đến khi nào ạ?

Mà bài "Gửi người em gái" cụ Ngọc Bảo hát hình như là ca từ gốc thì phải, chứ bản lưu hành hiện nay không có được cái gian truân của tình yêu như thế.

Cá nhân em thấy bài "Ngày về" cụ thể hiện tinh tế và ấm áp hơn, bài "Gửi người em gái" thì bi ai vô hạn nhưng tiếng vẫn chưa được tròn lắm, nghe hơi chói, khiến nỗi niềm trong ấy có vơi bớt sầu thương.

Cách đây khoảng 3 năm, trong một chương trình truyền hình làm riêng về cụ, tài tử Ngọc Bảo có nói là sẽ thu một đĩa cuối cùng, gọi là lưu lại cả đời phiêu ca. Không hiểu thế sự thăng trầm, số phận dự định ấy ra sao nhỉ?
 
Hix,mới mấy hôm trước còn thấy ông hát trên TV,mà bây giờ đã :(( :((
 
Vĩnh biệt “Nghệ sĩ tài tử Ngọc Bảo”!

"Sinh, lão, bệnh và tử", cuộc đời của mỗi con người không ai có thể thoát khỏi vòng luân hồi

Mà những người như Ông (sinh năm 1926!) thời gian chỉ còn tính từng đoạn. Người già như chuối chín cây.

Biết là vậy mà sao lòng mình buồn đến thế!

Hãy vẫn cứ gọi Ông như lâu này người ta vẫn gọi "Nghệ sĩ tài tử Ngọc Bảo", "nghệ sĩ của nhân dân" đó là nhân dân phong tặng cho Ông.​

Kính dâng lên Ông một tấm lòng thành kính!​
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Trần Tuấn Anh đã viết:
Anh ơi, 30 năm anh nói là giai đoạn từ khi nào đến khi nào ạ?

Thời gian 1957-1990 cụ NB ko hát. Anh được nghe cụ NB hát lần đầu, là trong loạt băng cassette của NXB Âm nhạc và Hội nhạc sĩ Việt Nam, làm để vinh danh các nhạc sĩ, cỡ 1992-1994. (Loạt băng này, vì làm theo diện "nhà nước", nên rất ít ai mua, dù xét trên phương diện tư liệu thì rất quý - anh nhờ nhà mua mấy chục cái, nhưng khi mua họ đã xếp lại chuẩn bị đi hủy rồi, và rất tò mò là sao lại có người mua cái này, mua nhiều nữa :)

Trần Tuấn Anh đã viết:
Mà bài "Gửi người em gái" cụ Ngọc Bảo hát hình như là ca từ gốc thì phải, chứ bản lưu hành hiện nay không có được cái gian truân của tình yêu như thế.

Bài này là điển hình của việc "tam sao thất bản" khi hát. Nếu coi bản của Ngọc Bảo là gốc (gần trùng 100% với các bản của Lê Dung hay Ánh Tuyết), thì các bản xưa ở miền Nam ko rõ ai đặt lời?

Có điều lạ, là hồi xưa, quen nghe các bản thịnh hành trong Nam, thấy "Gửi người con gái miền Nam" đơn thuần là một bản nhạc tình, lần đầu nghe bản có nội dung mong nhớ ngày thống nhất, có những câu có vẻ lên gân, lại ko thích lắm :)

L.

Gởi Người Em Gái Miền Nam
(Đoàn Chuẩn - Từ Linh)

1.
Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng
Hà Nội mừng đón tết, hoa chen người đi, liễu rũ... mà chi
Đêm tân xuân, hồ Gươm như say mê
Chuông reo vui, Ngọc Sơn sao uy nghi
Ngàn phía đến lễ đền
Chạnh lòng tôi nhớ tới... người em

Tôi có người em gái, tuổi chớm đôi mươi,
mắt huyền trìu mến yêu thương,
Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như dáng kiều
Hoa tình yêu!

Nhưng... một sớm mùa thu, khép giữa trời tím ngắt
Nàng đi... gót hài xanh
Người đi trong dạ sao đành
Đường quên lối cũ ân tình... nghĩa xưa

Rồi từ ngày ấy sống trong Nam nơi kim tiền
Ngục trần gian hãm tấm thân xinh, đôi mắt huyền
Đời nghèo không lối thoát, em tôi đành thôi, cúi đầu... mà đi.

Xuân năm nay, đường đêm Ca-Ti-Na
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Dần trắng xóa mặt đường
Một người em gái nhớ người thương!

2.
Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ
Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng
Nụ cười trong gió sớm, anh đến chờ em... giữa cầu Hiền Lương

Em tôi đi, màu son lên đôi môi
Khăn san bay, lả lơi bên vai ai
Trời thắm gió trăng hiền
Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên

Em! Tháp Rùa yêu dấu
Còn đó nên thơ, lớp người đổi mới khác xưa,
Thu đã qua những chiều, nên ý thơ rất nhiều,
Cả... tình yêu!

Em... nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát
Trời tan hết màu tang
Đường xưa lối ngập lá vàng
Đường nay thong thả bao nàng đón xuân

Lòng anh như giấy trắng thanh tân ép hoa tàn
Thời gian vẫn giữ nét yêu đương nơi hoa vàng
Dặn lòng tơ dẫn phím, ý thơ trào dâng, viết gửi về em!

Đêm hôm nao, ngồi nghe qua không gian
Em tôi mơ, miền quê qua sương lan
Trời Bắc lóa ánh đèn
Một người trên đất Bắc chờ em!


(Bản của NB ca)

Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Đượm đà phong kín cánh mong manh tấm hoa lòng
Hà Nội chờ đón tết vắng bóng người đi liễu rũ mà chi
Đêm tân xuân Hồ Gươm sao long lanh, hoa mai rơi rủ nhau nơi phương xa
Đường phố vắng bóng đèn, chạnh lòng tôi nhớ tới người em
Tôi có người em gái, tuổi chớm dâng hương, mắt nồng rộn ý yêu thương,
đôi mắt em nói nhiều tha thiết như dáng kiều, ôi tình yêu

Nhưng một sớm mùa thu giữa chân trời xanh ngát, nàng đi gót hài xanh
Nàng đi cho dạ sao đành, đừng quên lối cũ ân tình nghĩa xưa

Rồi từ ngày ấy nước sông ngăn cách đôi dòng
Chuyện tình vỡ lỡ bến cô đơn không ai ngờ
Tình nghèo xa cách mãi em tôi đành ôm mối sầu mà đi
Em tôi đi màu son lên đôi môi
Khăn soan bay lả lơi trên hai vai
Nhìn xác pháo bên thềm gởi lòng tôi nhớ tới người em


(Bản ko rõ ai đặt lời)
 
Tin từ Việt Nam:

Tiếng hát của tài tử Ngọc Bảo đã tắt lúc 15 giờ 30 ngày 4-5-2006 tại Hà Nội. Ông sinh năm 1926, quê quán Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội, cư ngụ tại 46/26 Vũ Thạnh, Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội. Lễ viếng từ 11 giờ ngày 7-5-2006, truy điệu lúc 14 giờ cùng ngày tại nhà Tang Lễ Hà Nội (125 Phùng Hưng, Hà Nội). Hôm nay, rất đông văn nghệ sĩ, quan chức và người dân đã tiễn đưa tài tử Ngọc Bảo về nơi yên nghỉ cuối cùng...

Người nghệ sĩ Hà Nội nhất của Hà Nội đã vĩnh viễn ra đi...

L.

TB. Bà của Bảo Thư bằng tuổi bố anh...

Bảo Thư có biết tài tử Anh Ngọc ko? Giờ đang ở Mỹ ấy. Anh Ngọc sinh năm 1925, ngày xưa nếu ở Bắc có tài tử Ngọc Bảo thì Nam là Anh Ngọc... Khi nào làm topic về tài tử Anh Ngọc đi...

Nguyễn Bảo Anh Thư đã viết:
1 phút mặc niệm người nghệ sĩ hào hoa đất Hà Thành ^^...

Lần đầu tiên em nhìn thấy tài tử Ngọc Bảo là vào năm lớp 10, khi hôm đó TV Việt Nam chiếu chương trình vinh danh ông. Khi ấy tài tử đã cao tuổi, khuôn mặt nhăn nheo, ánh mắt ko còn nhanh nhẹn, và đã có cô cháu ngoại rất lớn làm MC cho chương trình (chị Vân gì đó thì phải?) Nhưng đến lúc trả lời câu hỏi của khán giả, ông vẫn dí dỏm có duyên đến lạ thường. Và đặc biệt, đến lúc ông thể hiện lại các ca khúc trữ tình một thuở vang bóng tên tuổi mình, ko ai có thể cầm lòng... Những người già, những người cùng thế hệ ông lặng lẽ lấy khăn tay lau nước mắt; những người trẻ lần đầu biết đến ông thì lặng im trong nỗi xúc động và tôn kính trước một tài năng, một phong cách kì khôi...

Lúc đó em xem TV cùng với bà nội, là một người cùng thời với tài tử Ngọc Bảo (bà em sinh năm 1934), và cũng là một người rất lãng mạn, đã từng đam mê những ca khúc tiền chiến với những người nghệ sĩ tài hoa như Ngọc Bảo, Ánh Tuyết... Bà em lắng nghe Ngọc Bảo hát đôi mắt mơ màng, và nhắc lại những kỉ niệm ngày xưa thời con gái của bà với những ca khúc như thế... Tại sao bà hay nói câu "màu áo xanh là màu anh trót yêu", tại sao "mơ đến em một ngày đầm ấm", "nhìn xác pháo bên thềm, chạnh lòng tôi nhớ đến người em"... Một thời để yêu, và một thời để nhớ... Bà cũng kể rằng ngày xưa đã từng rất hâm mộ tài tử Ngọc Bảo và nói thêm rằng, các cô thiếu nữ Hà Nội ngày ấy, ko có ai ko mong được làm người trong mộng của người nghệ sĩ lãng tử hào hoa này...
 
Ở đây, mình chẳng hay biết gì cả, vừa có bạn Thành báo mình mới... sững sờ... :(

Chị Nga viết hay quá... Em chỉ xin viết thêm vài cảm xúc của em nữa...

Phải nói là chưa bao giờ mình nghe thấy ai diễn đạt những bài hát thời ấy hay như TT Ngọc Bảo. Giọng ông thật truyền cảm, nhưng rất tự nhiên, thanh thoát, chứ không hề bị gượng ép, uốn nắn. Phong cách biểu diễn của ông cũng rất thoải mái, và có cả 1 chút nghịch nghịch nữa...

Những nghệ sĩ thời của ông dần dần ra đi rồi...
Mình nghĩ là chỉ có người ngày xưa mới có thể diễn đạt những bài hát ngày xưa hay và cảm động được như thế. Tâm hồn của họ trong sáng hơn, thật thà hơn, và trong đó chứa đựng sự lãng mạn, lại có chút gì đó e thẹn...

Thật đáng tiếc là TT Ngọc Bảo ngừng hát hơn 30 năm...
Mà hình như ít ai nghe những thể loại nhạc này, nên rất khó tìm đĩa hay băng của TT Ngọc Bảo hát...
Thêm vài bài mà mình thấy TT Ngọc Bảo thể hiện cũng rất thành công là "Nắng chiều", "Ai về bên bến sông Tương", "Lời du tử",...

Biết bao giờ thế hệ trẻ mới bằng được thế hệ ngày xưa...
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên