võ thuật thiếu lâm

Phạm Minh Tuấn
(namhongson)

New Member
Ngày nay, các nhà nghiên cứu lịch sử võ học đều thừa nhận, Thiếu Lâm không những là cội nguồn của nhiều môn võ khác, mà còn được tôn xưng là Ngôi Sao Bắc Đẩu trong nền võ học.
Võ học Thiếu Lâm vừa gắn liền với ngôi cổ tự lịch sử, vừa là kho võ học vô cùng đồ sộ. Thật vậy, ngoài những đường quyền, ngọn cước và sử dụng đủ loại binh khí (thập bát ban võ nghệ), võ thuật Thiếu Lâm còn có những phương pháp rèn luyện công phu đặc dị như: luyện nội công, luyện ngoại công, khinh công, ngạnh công, nhuyễn công, điểm huyệt và giải huyệt, y dược trị thương và các phương pháp thu nhận, huấn luyện môn đồ cũng như phương pháp xây dựng Thiền Viện, Võ Đường...
Vậy Võ học Thiếu Lâm phát xuất từ đâu ? Khi nào ?
Chùa Thiếu Lâm nằm ở hướng Tây bắc huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, cách Bắc Kinh 600 km về phía Nam .Chùa tọa lạc ở sườn Tây núi Tung Sơn, mặt đối với núi Thiếu Thất, lưng dựa Ngũ Nhũ Phong. Vì chùa được xây dựng trong rừng rậm ở sườn âm núi Thiếu Thất nên lấy tên là Thiếu Lâm Tự.
Năm Thái Hòa thứ 19, Bắc Ngụy (năm 495), vua Hiếu Văn Đế xây dựng chùa Thiếu Lâm, ban tặng cho vị cao tăng Ấn Độ tên là Bạt Đà, dùng để cư trú mà hành đạo. Võ học Thiếu Lâm có mặt từ đây.
Ngài Bồ Đề Đạt Ma, tên thật là Bồ Đề Đa La, con trai thứ ba của vua Nam Thiên Trúc, thuộc dòng Sát Đế Lợi. Về sau Ngài đi tu và gặp Tổ Bát Nhã Đa La, đời thứ 27 của Phật giáo Thiên Trúc. Ngài được truyền Y Bát làm Tổ đời 28. Sau đó vào ngày 21 tháng 7 năm Mậu Tuất (năm 518 sau tây Lịch) Ngài lên thuyền vượt biển sang Trung Hoa. Ngài tới Quảng Châu vào ngày 1 tháng 10 năm Đinh Mùi. Vua Lương Võ Đế hay tin liền mời Ngài về Kim Lăng để hội kiến, nhưng vì ý không hợp nhau nên chia tay... Năm Hiếu Xương thứ ba, đời Bắc Ngụy (527), Ngài Bồ Đề Đạt Ma đến Tung Sơn. Tại đây, Ngài thấy nhiều nhà sư có thể trạng yếu đuối, thường hay ngủ gật trong lúc Ngài thuyết giảng và không chịu nổi với khí lạnh bên ngoài của núi rừng xâm nhập. Vì thế, Ngài quyết định tham thiền để tìm cách giúp đỡ những nhà sư này. Kết quả sau 9 năm diện bích trong động thiếu thất, Ngài đã đúc kết hết thảy tinh yếu vào trong hai cuốn Dịch Cân Kinh và Tẩy Thủy Kinh, trở thành thủy tổ của Thiếu Lâm võ công và cũng là Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa.
Theo “Tổ Tổ tương truyền di ngôn khẩu quyết văn” và “Bồ đề hành kinh” thì Bồ Đề Đạt ma nhập diệt vào ngày 9 tháng 10 năm Bính Thìn (năm 536 sau TL), nhằm năm Thiên Giám thứ 2, đời Lương Võ Đế. Sau khi Ngài viên tịch, các Đại sư Thiếu Lâm tiếp tục tập luyện những phương thức do Ngài truyền lại. Với Dịch Cân Kinh thì rèn luyện nội công, còn Tẩy Thủy Kinh thì rèn luyện khí công. Chẳng bao lâu, các Đại sư nhận ra rằng việc luyện tập Dịch Cân Kinh và Tẩy Thủy Kinh, không những làm sức khỏe tăng tiến, cơ thể mạnh mẽ mà tinh thần càng phấn chấn, trầm tĩnh, có thể chống lại khí hậu lạnh của núi rừng, bịnh tật, mệt mỏi sau khi ngồi thiền và có thể dũng cảm vượt qua những khó khăn nguy hiểm trong lúc đi hành đạo.
Võ thuật được phát triển mạnh mẽ vào đời Đường (618 - 907), sau khi 13 võ Tăng giúp Vua Đường Thái Tông phá trận Vương Thế Sung (630). Lịch sử võ thuật Trung Quốc còn nhắc nhở nhiều đến ba vị có công lớn nhất từ Thiếu Lâm Tự là Chí Tháo, Huệ Dương và Đàm Tông. Võ Thuật Thiếu Lâm nguyên thuỷ có 18 thế chính yếu. Đến đời Tống, Tống Thái Tổ phát triển thành 32 thế Trường quyền. Một thế kỷ sau, Giác Viễn Thượng Nhân mở rộng thành 72 thế (thất thập nhị huyền công). Từ đó, trải qua các thời đại, các Đại sư không ngừng rèn luyện và sáng tác thêm, khiến cho võ thuật Thiếu Lâm ngày càng phong phú và đồ sộ. Đến đời nhà Minh, tùy theo sở thích, căn cơ và phong thổ mà môn phái Thiếu Lâm chia làm hai hệ phái: Bắc phái và Nam phái. Đỉnh cao của võ thuật Thiếu Lâm là vào đời nhà Thanh, thời Ngài Chí Thiện Thiền sư, không những võ học phát triển trong Tăng nhân mà còn truyền ra bên ngoài, đi vào đời sống người dân, tạo nguồn sức sống mạnh mẽ, nâng cao tinh thần thượng võ, cứu nguy giúp nước.
Chùa Thiếu Lâm bị hủy hoại một phần vào những năm 556, 962 và 844. Chùa bị cháy ba lần vào những năm 612, 1736 và 1928. Điều may mắn là mỗi lần cháy chùa chỉ bị hủy hoại một phần, ngay cả lần binh lính Mãn Thanh tấn công chùa. Sau thời kỳ cách Mạng văn hóa, Trung Quốc coi võ thuật Thiếu Lâm là di sản văn hóa dân tộc cần được bảo tồn. Chùa Thiếu Lâm được trùng tu vào những năm cuối thập kỷ 70.
Như trên đã nói, các vị Đại Sư Thiếu Lâm không những võ công tuyệt thế, nội công thâm hậu mà còn có võ đức sáng ngời. Trong môn đồ Thiếu Lâm Tự, còn lưu truyền lời dạy của Đại sư Hạnh Ẩn, và xem đó là tấm gương soi mình, là mục đích luyện võ của mình: “Nếu có một kẻ nào đó, mà kẻ ấy là một người vô đạo đức xin được truyền thụ võ công, Ta sẽ không dạy cho hắn điều gì cả, dù kẻ ấy muốn dâng cho ta ngàn vàng. Con có thể biến đá thành vàng, một khi con hấp thụ được võ thuật chân truyền từ Thiếu Lâm”, và khi mà chúng ta được chân truyền từ võ học Thiếu Lâm thì “con có thể xuyên qua kim cang thạch bích,vận dụng cơ thể phát sinh kình lực cần có và phải chắc chắn rằng con không sợ hãi để con đủ can đảm. Khi xoay mình phải nhanh và uy lực như một cơn lốc di chuyển khỏi thế bất lợi mà thân người vẫn đúng tư thế, chiếm lĩnh vị trí thuận lợi. Cái duỗi tay của con như mây che lấp ánh trăng và đứng vững trên đôi chân của con tựa như thế núi. Hông của con trầm xuống làm vững chắc bộ tấn, nhờ thế mà con không bị đánh ngã. Rèn luyện và rèn luyện mãi, nếu con là người nghiêm túc thì không để thời gian trôi qua vô ích...”
Như vậy, chúng ta thấy võ đức chính là linh hồn của võ thuật, việc tôn cao võ đức là truyền thống từ xưa đến nay của giới võ thuật. Một vị võ sư, nội công thâm hậu, võ công trác tuyệt mà không có võ đức, mang đầy tà tâm thì sẽ gây cho giang hồ nhiều sóng gió, chắc chắn bị võ lâm đồng đạo chê trách và bị tiêu diệt. Còn vị được bầu làm Minh Chủ Võ Lâm thì không những võ công cao siêu mà còn có võ đức sáng ngời.
Tiên sư nói: “Tập võ giả thượng đức bất thượng lực” nghĩa là, tập võ chuộng đức không chuộng sức. Sức tuy đả thương người nhưng chưa chắc tâm phục, còn có đức tuy lực kém mà mọi người tâm phục khẩu phục. Cho nên Đức là phẩm chất của người luyện võ, là tiêu chuẩn để dự đoán một người mới học võ có thể đạt được chân công hay không.Các đại sư tiền bối Thiếu Lâm rất chú trọng đến việc huấn luyện và bồi dưỡng võ đức, đã chế ra một hệ thống các quy định giới cấm, bắt buột người học Thiếu Lâm phải tuân thủ nghiêm ngặt. Thời nhà Minh, trong Thiếu Lâm thập điều giới ước có ghi: “... truyền dạy học trò cần chọn lọc thận trọng, nếu xác nhận là kẻ sĩ thật thà giản dị, hồn hậu, trung nghĩa thì có thể đem kỹ thuật truyền cho...”; “... người tập luyện ấy khỏe thể xác, tâm hồn làm tôn chỉ trọng yếu, quen luyện tậm sớm tối không được tùy ý ngưng nghỉ...”; “...lấy lòng từ bi của Phật gia làm gốc, tinh thông võ nghệ chỉ để tự vệ, không vì huyết khí cương cường mà ham đấu đá...”; “...bình nhật phải tôn kính Sư trưởng, không được có hành vi chống cự hoặc ngạo mạn...”. Như vậy, chúng ta thấy người học võ phải lấy việc rèn luyện thân tâm làm tôn chỉ, lấy tự vệ làm đức tín, phản đối việc cậy khỏe đấu đá, cậy mạnh hiếp yếu mà phải “lấy đức dày chở vật” cứu khốn phù nguy.
Võ đức còn thể hiện qua cách bái chào trong lúc luyện tập hay diễn quyền. Khi bước vào buổi tập, hay diễn quyền, chúng ta thường bái để biểu lộ sự tôn kính vị khai sáng võ học, còn chào là biểu lộ sự cung kính người Thầy đang trực tiếp hướng dẫn cho chúng ta. Bái quyền chào còn gọi là mời quyền, là chiêu thế mang tính lễ nghi trong võ thuật, đồng thời, bái quyền chào biểu hiện sự khiêm tốn, lễ độ, là bộ phận đạo đức trong quyền, là đầu mối tốt đẹp của bài múa và tiêu chí một môn quyền thuật nào đó, có thể phản ảnh được tôn chỉ và bộ mặt tinh thần của môn phái. Người tập võ không chỉ bái quyền làm lễ mà ý ở chỗ tránh làm đối phương hoài nghi, cũng đồng thời, tránh đối phương có khả năng che giấu cơ hội sát hại bằng tay. Trong võ thuật có nhiều cách chào khác nhau, tùy theo môn phái, quốc gia; môn phái Phật gia thường chào hợp chưởng. Từ năm 1986, người ta chế định ra quy cách chào bái quyền thống nhất với hàm nghĩa mới mẻ, tay phải nắm thành quyền với ý “lấy võ kết bạn”; tay trái gập ngón cái không tự cao tự đại, chưởng trái che quyền phải với ý quyền do lý tới; bốn ngón chưởng trái xòe sát nhau, ý nói đồng đạo võ lâm bốn biển đoàn kết, cùng lòng mở mang võ thuật.
Luyện tập Thiếu Lâm đòi hỏi chúng ta phải kiên trì, phải lập chí cầu học, phải lập tâm khổ luyện. Tục ngữ có nói : “Ngật đắc khổ trung khổ, phương vi nhân thượng nhân” nghĩa là, nuôi được cái khổ nhất trong cái khổ thì mới có thể làm bậc Thượng Nhân được. Nên người học võ Thiếu Lâm phải bền lòng vững chí “Trời nóng không sợ đổ mồ hôi, trời lạnh không sợ cóng tay chân, bệnh vặt không nghỉ, mang bệnh luyện công, gió mưa không ngại, ngày ngày như một, năm năm như một”.
Võ học Thiếu Lâm, cũng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội công và ngoại công. Nội công là chỉ sự tu luyện về khí huyết, nội khí, kinh mạch, tinh thần. Ngoại công là sự rèn luyện cơ bắp, gân cốt, kình lực như : Thiết Sa Chưởng, Thiết Tý Chuyên...
Và điểm đặc biệt nữa của võ thuật Thiếu Lâm là “Quyền Thiền Nhất Thể”. Quyền Thiền Nhất Thể tức là phương pháp kết hợp giữa Thiền và Quyền, phương pháp cụ thể là lấy “tọa thiền công” làm pháp luyện nội công chủ yếu (dùng các hình thức tọa thiền để luyện Tinh Khí Thần); thông qua tập trung tư tưởng (ý thủ đan điền), bài trừ tạp niệm, tiến hành điều tâm, điều tức, điều thân; thông qua Phật học, thanh quy Phật môn, để bồi dưỡng tiết tháo và võ đức; thông qua tu tâm dưỡng tánh, bồi bổ nguyên khí, tu luyện võ đức, đạt đến cảnh giới “quyền thiền hợp nhất”. Như thế quyền và thiền có mặt trong nhau, hỗ tương cùng nhau phát triển.
Võ học phát triển, Thiếu Lâm có mặt khắp nơi, không kể Đông Tây Nam Bắc và tùy theo phong thổ mỗi quốc gia mà có những nét đặc sắc riêng. Theo Lịch sử võ học thế giới chép rằng, các môn phái Nga My, Không Động, Võ Đang xuất phát từ Thiếu Lâm Tự; Karatedo, Taekwondo, Judo phát xuất từ cương quyền, nhu quyền, nhu thuật của Thiếu Lâm Tự; Kiếm đạo của Nhật Bản, võ đạo trên thế giới đều tôn Ngài Bồ Đề Đạt Ma làm thủy tổ. Như vậy, chúng ta thấy, bao nhiêu hoa trái xum xuê vươn lên từ cây đại thọ thiền học hay võ học ở Trung Hoa và Việt Nam đều vươn lên từ Ngài Bồ Đề Đạt Ma, nên chúng ta có thể nói thiền và võ thuật cùng chung gốc và có mối quan hệ rất mật thiết.
Qua đây, chúng ta thấy những luồng sức mạnh tiết ra từ võ học, len lỏi trong tâm khảm của mỗi con người, làm cho đời sống con người cao quý. Tinh thần thượng võ được đề cao, nhất là đời sống được hiển bày, khiến con người đi đến với nhau trong niềm tin chân thật, trong sáng, chắc chắn quốc gia hưng thịnh, dân tộc vinh quang.
(tài liệu tham khỏa võ thuật)
 
Back
Bên trên