Vòng đàm phán DoHa là gì thế

Nghiêm Mạnh Hùng
(bidanhyangkotmu)

New Member
Hôm qua em có search được 4 bài nói về vòng đàm phán DoHa này.
Nhưng mà nó quá dài và khó để hiểu đối với em. Có bác nào cho một cái định nghĩa ngắn gọn và dễ hiểu được ko? Mà cái vòng đàm phán này có liên quan gì đến việc gia nhập WTO của VN ko?
 
Doha là vòng đàm phán thứ 9 cua GATT/WTO. 8 vòng đàm phán kia là

1. Geneva 1947
2. Annecy 1948
3. Torquay 1950
4. Geneva 1956
5. Dillion 1960-1961
6. Kenedy 1965-1967
7. Tokyo 1973-1979
8. Uruguay 1986-1994 (dẫn đến thành lập WTO)
9. Doha 2001-?

Trên sách báo tiếng Anh không gọi Doha là Negotiation Round như các vòng trước mà gọi là Doha Development Agenda. Doha kết thúc thành công cũng có nghĩa là sẽ có thêm quyền lợi cũng như nghĩa vụ mới đối với các nước thành viên và khiến cho việc đàm phán gia nhập WTO có thể khó khăn hơn.
 
Chu Thắng Trung đã viết:
Doha là vòng đàm phán thứ 9 cua GATT/WTO. 8 vòng đàm phán kia là

1. Geneva 1947
2. Annecy 1948
3. Torquay 1950
4. Geneva 1956
5. Dillion 1960-1961
6. Kenedy 1965-1967
7. Tokyo 1973-1979
8. Uruguay 1986-1994 (dẫn đến thành lập WTO)
9. Doha 2001-?

Trên sách báo tiếng Anh không gọi Doha là Negotiation Round như các vòng trước mà gọi là Doha Development Agenda. Doha kết thúc thành công cũng có nghĩa là sẽ có thêm quyền lợi cũng như nghĩa vụ mới đối với các nước thành viên và khiến cho việc đàm phán gia nhập WTO có thể khó khăn hơn.

Cảm ơn vì cũng đã có một người trả lời cho em biết
Anh có thể tóm tắt giúp em mấy cái nội dung chính và quan trọng của vòng đàm phán này ko? Em thật không ngờ WTO ít tuổi đến thế đấy
 
WTO chính thức được thành lập là ngày 1/1/1995 nhưng tiền thân của nó là GATT đã có từ năm 1948. WTO kế thừa và phát triển những cam kết đã có của GATT.

Các nội dung chính của Doha là:

1. Nông nghiệp: Giảm thuế và các rào cản phi thuế, giảm tiến tới xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu, giảm trợ cấp trong nước.

2. Dịch vụ: Mở rộng các cam kết của Hiệp định Dịch vụ (GATS)

3. Hàng phi nông nghiệp: giảm thuế và hàng rào phi thuế.

4. Sở hữu trí tuệ: giải quyết mối liên hệ giữa sở hữu trí tuệ và y tế, chỉ dẫn địa lý, nới lỏng quy định về sở hữu trí tuệ phục vụ cho việc phát triển

5. Thương mại và đầu tư: Xem xét lại Hiệp định Đầu tư (TRIMS)

6. Thương mại và chính sách cạnh tranh: minh bạch, không phân biệt đối xử, hợp tác tự nguyện, hỗ trợ phát triển nguồn lực

7. Mua sắm chính phủ: thủ tục minh bạch

8. Tạo thuận lợi hóa cho thương mại: Xem xét lại và diễn giải chi tiết các Điều V, VIII và X của GATT 1994.

9. Xem xét lại quy định của WTO về chống phá giá và chống trợ cấp (Điều VI GATT 1994)

10. Xem xét lại quy định của WTO về các hiệp định thương mại khu vực (Điều XXIV GATT 1994)

11.Xem xét lại quy định của WTO về cơ chế giải quyết tranh chấp

12. Mối quan hệ giữa thương mại và môi trường: phân biệt giữa các biện pháp bảo vệ môi trường với các rào cản thương mại, dán nhãn sản phẩm bảo vệ môi trường, trợ cấp ngư nghiệp.

13.Thương mại điện tử

14. Các ưu đãi dành cho các nước đang phát triển bao gồm các vấn đề về các nền kinh tế có quy mô nhỏ, các nền kinh tế chậm phát triển, nợ chính phủ, chuyển giao công nghệ, hợp tác và hỗ trợ phát triển nguồn lực, các ưu đãi đặc biệt và khác biệt.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
TQ tuyên bố sẵn sàng cứu WTO
Nguồn: VNN/AFP, Xinhua, AP

Bộ Thương mại TQ hôm 26/7 tuyên bố nước này sẵn sàng tiếp xúc với tất cả các bên liên quan để cứu vãn vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Bộ Thương mại TQ cho rằng cuộc đàm phán 6 bên mới tan vỡ hôm 24/7 là một điều đáng tiếc với tất cả các thành viên WTO, bởi tiêu chí của vòng đàm phán Doha là thúc đẩy tự do và cân bằng thương mại trên toàn cầu. Cao uỷ thương mại Liên minh châu Âu (EU) Peter Mandelson hôm 25/7 cũng đã lên tiếng về sự kiện này với việc đổ lỗi Mỹ làm hỏng mọi nỗ lực của đối tác trong cuộc đàm phán 6 bên mới tan vỡ hôm 24/7.

Sau ngày vào WTO thành công, Trung Quốc vẫn không ngừng phấn đấu để hội nhập và hội nhập hơn nữa. Việc Trung Quốc ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới là một trong những nhân tố góp phần duy trì sự tăng trưởng toàn cầu.

Tuyên bố sẵn sàng cứu WTO nêu trên là minh chứng rõ nét mới nhất của nền kinh tế đang lên mạnh mẽ này.
 
Các nước đang phát triển lợi gì từ Vòng đàm phán Doha?

1-163.jpg

Các nhà đàm phán thương mại từ 149 quốc gia trên thế giới hội tụ về Hongkong tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài 6 ngày bắt đầu từ hôm nay với hy vọng tiến tới một hiệp ước thương mại toàn cầu mới. Giờ đây, khi các cuộc đàm phán trước đó chẳng đi đến đâu, người ta không đặt nhiều hy vọng vào hội nghị lần này.



Mục đích của vòng đàm phán thương mại?

Vòng đàm phán thương mại nhằm mang lại lợi ích tài chính cho các nước đang phát triển, những nước cảm thấy bị các hiệp định trước đó bỏ rơi. Tuy nhiên, động lực của nó không đơn thuần về thương mại. Vòng đàm phán Doha được khởi động chỉ 2 tháng sau cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001. Những người ủng hộ nhấn mạnh, bằng cách phổ biến sự thịnh vượng, một hiệp ước tham vọng sẽ góp phần hỗ trợ các nước nghèo trở nên ổn định hơn thay vì trở thành nơi nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố.

''Đây không phải là vòng đàm phán bàn về các vấn đề thương mại như bình thường. Khía cạnh chính trị chính là nhân tố quan trọng giúp vòng đàm phán tránh khỏi một thất bại'', William Cline - thuộc Viện Kinh tế Quốc tế - nhận xét.

Đàm phán cái gì?

Bước đầu, các nước giàu hạn chế trợ cấp nông nghiệp. Mỹ đã cam kết cắt giảm 21 tỷ tiền trợ cấp hàng năm, trong khi đó các nước đang phát triển tỏ ra bất bình trước đề xuất ''bất cập'' của Liên minh châu Âu (EU). Trợ cấp nông nghiệp khuyến khích sản xuất các mặt hàng như ngô, đậu...và như vậy nó ''cướp cơm'' của các nông dân ở những nước đang phát triển.

Thứ hai, vòng đàm phán nhằm tiến tới thoả thuận hạn chế các rào cản thương mại. Các nước giàu đã hạ thấp hàng rào thuế quan đối với một số mặt hàng chế tạo từ các nước phát triển khác, song vẫn duy trì mức thuế quan cao đánh vào các mặt hàng nông sản từ các nước đang phát triển. Kết quả là, Bangladesh phải trả ''một hoá đơn thuế'' cho lô hàng xuất khẩu trị giá 2 tỷ USD sang Mỹ ngang với hoá đơn mà Pháp phải trả cho lô hàng trị giá những 30 tỷ USD.

''Điều này thật không công bằng'', Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Paul Wolfowitz nhận xét tuần trước.

Liệu một hiệp ước Doha có chấm dứt nạn nghèo đói ở thế giới thứ ba?

Rất khó, ngày nay trên thế giới có khoảng 1,2 tỷ người có thu nhập dưới 1 USD/ngày. Nếu như hiệp ước Doha được ký kết, hàng rào thuế quan được hạ thấp, các thị trường mở cửa, thì nó cũng chỉ làm ''co lại'' đói nghèo đôi chút. Ngay cả khi xoá bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan thì cũng chỉ có thể ''nhấc'' được 23,8 triệu người lên trên ranh giới 1 USD/ngày cho đến năm 2015.

Để thực sự mang lại lợi ích phải hiểu rõ rằng, người nghèo cần nhiều hơn là chỉ giảm hàng rào thuế quan. Họ cũng cần tiền để nâng cấp hệ thống đường sá, cầu cảng và tiến hành cải cách để tận dụng các cơ hội thương mại mới của mình.

Mỹ được lợi gì?

Giả dụ thuế quan giảm, nông dân Mỹ có thể bán được nhiều thịt bò, đậu, ngô hơn ra nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh giảm chung, không chỉ người nông dân được lợi. Các công ty như Wal-Mart, Pfizer và Eastman Kodak cũng hưởng lợi.

''Tự do thương mại làm hết sức tạo ra người tiêu dùng. Nó tạo khiến tăng trưởng kinh tế nhanh hơn'', R. Scott Miller, Giám đốc phụ trách quan hệ quốc gia của Procter & Gamble, nhận xét.

Vòng đàm phán đến nay đã đạt được những gì?

Không nhiều. Các cuộc đàm phán trước đó dự kiến kết thúc vào tháng 1/2005. Giờ đây, các nhà đàm phán đang ''lao tâm khổ tứ'' quyết hoàn thành trước cuối năm 2006 để Quốc hội có thể thông qua trước khi quyền hạn đàm phán của tổng thống kết thúc vào tháng 7/2007.

Khó ở chỗ nào?

Sau 8 vòng đàm phán thương mại toàn cầu trong suốt 58 năm qua, tất cả những việc dễ đã được hoàn thành. Giờ đây, nếu ''bế tắc'' về trợ cấp nông nghiệp được tháo gỡ, cũng phải mất một năm khó khăn để đưa ra các điều khoản phức tạp về quản lý thương mại trong các dịch vụ tài chính và các dịch vụ khác.

Không ít người cho rằng, những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu có thể gây trì hoãn tiến trình đàm phán thương mại. Kể từ khi vòng đàm phán bắt đầu, các nước đang phát triển lớn như Ấn Độ đã nổi lên như một cường quốc kinh tế.

''Giữa những mục tiêu phát triển của vòng đàm phán và sự nổi lên, hội nhập vào nền kinh tế thế giới của Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tồn tại sự căng thẳng vốn có ", nhà đàm phán thương mại Susan Esserman nhận xét.

Vòng đàm phán này khác gì với các vòng trước?

Không chỉ các nước giàu giữ vai trò chi phối. Một trong những nguyên nhân mà vòng đàm phán Cancun năm 2003 thất bại là do các nước đang phát triển cảm thấy bị bức chế bởi các siêu cường thương mại truyền thống như Mỹ và EU. Giờ đây, giới lãnh đạo thuộc nhóm G20 trong đó có Brazil và Ấn Độ đã nắm được quyền phủ quyết bất kỳ thoả thuận nào.

Điều gì kế tiếp?

Những người ủng hộ vòng đàm phán Doha hy vọng các bộ trưởng thương mại ra về với một kế hoạch chi tiết hoàn tất hiệp ước thương mại Doha, gồm cả kế hoạch tổ chức hội nghị cấp cao bổ sung dự kiến vào quý I năm sau.

Tuy nhiên, Giám đốc Viện Kinh tế quốc tế C. Fred Bergsten nhận định, các cuộc đàm phán hiện nay đang đứng trước nguy cơ trở thành vòng đàm phán thương mại đầu tiên thất bại kể từ những năm 30 của thế kỷ trước.

"Vòng đàm phán Doha đang gặp rất nhiều khó khăn''.
 
Back
Bên trên