Vài cảm tưởng nhân chuyến thăm Washington DC và đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam

Nguyễn Thủy Minh
(nguyenthuyminh)

Điều hành viên
Vài cảm tưởng nhân chuyến thăm Washington DC và đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam


Những cảm nhận đầu tiên


Tôi đến Washington DC, thủ đô Hợp chủng quốc Hoa Kỳ một ngày cuối xuân. Dọc theo high way từ sân bay Dullus vào trung tâm thành phố, những rừng cây trụi lá qua mùa đông hắt lên nền trời xám một màu yên tĩnh, u buồn. Thành phố theo cảm nhận của tôi, không có vẻ hỗn loạn hay xáo trộn gì, dù trước đó hai hôm, tổng thống Mỹ vừa tuyên bố chiến tranh. Một cuộc chiến thứ bao nhiêu trong lịch sử nước Mỹ nhằm vào một dân tộc nhỏ bé khác?


Sáng sớm Chủ Nhật ở Washington DC, đường phố như còn lơ mơ ngủ. Trên những con phố dài hun hút, những chiếc máy bán báo tự động nằm im lìm. Một dòng chữ choán hết khổ giấy A4 dán trên một chiếc máy bán báo ở Đại lộ Pennsylvania đập vào mắt tôi: "US invades Iraq" (Mỹ xâm lược Iraq). Tôi tự hỏi không biết trên khắp đất Mỹ đã có bao nhiêu dòng chữ thế này. Bản tin nhanh của Reuters nói đến những cuộc bắt bớ của cảnh sát Mỹ ở những nơi có biểu tình. Trong một bản tin khác, một người dân nói với cảnh sát: "Hơn một năm trước đây (ý nói sự kiện 11/9) các anh là những người anh hùng. Còn bây giờ, các anh chống lại nhân dân. Đừng biến mình thành kẻ thù của chúng tôi". Trên tờ Washington Post thứ Tư ngày 26/3, một người dân bức xúc:


"Ngày 21 tháng 3 các phóng viên trên một trong những kênh truyền hình lớn của chúng ta đã dùng những từ như "không thể tin được", "tuyệt vời", ngoạn mục", "lôi cuốn" và "đáng kinh ngạc" để mô tả hơn 1000 đợt không kích xuống Baghdad, như thể họ đang chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa ngày 4 tháng Bảy vậy (ngày Quốc khánh Mỹ). Những người phải chịu tránh nhiệm về những đợt oanh tạc cũng bày tỏ một thái độ tương tự khi gọi chiến dịch của họ là "một cú sốc ngoạn mục", nghe như trong đoạn quảng cáo cho một bộ phim hành động. Thật đau lòng khi phải nghe những lời miêu tả thiếu chín chắn và vô cảm như vậy về sự chết chóc và phá huỷ đang xảy ra ở Iraq. Tôi đã chờ đợi rằng ngay cả những người ủng hộ cho cuộc chiến này cũng phải bày tỏ một chút nhân tính và sự tôn trọng đối với những sinh linh bị cướp đi, kể cả mạng sống của người dân Iraq. Thế giới chúng ta đang sống trở nên ngày một nguy hiểm, và điều làm tôi sợ hãi không phải là những kẻ khủng bố, mà chính là những người đã trở nên vô cảm trước chiến tranh và chết chóc". (1)


Tiếng kêu phẫn nộ của những người dân tiến bộ Mỹ bao nhiêu đời nay có thể ngăn chặn nổi những cuộc chiến thảm khốc mà các vị Tổng thống của họ, đời này tiếp đời khác đã ngang nhiên gây ra cho phần còn lại của thế giới? Washington những ngày này vẫn bình yên. Còn ở nửa kia của địa cầu, súng đang nổ, bom đang rơi, sẽ còn có thêm bao nhiêu người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha nữa? Sẽ còn thêm bao nhiêu nụ cười trẻ thơ không nguyên lành, bao đôi mắt trẻ thơ không đư?c thấy ánh mặt trời vì ảnh hưởng của vũ khí hoá học? Bao nhiêu trẻ em tàn tật vì trúng mìn cóc gài lại trên các chiến trường? Các kênh truyền hình chính vẫn liên tục cập nhật tin tức về cuộc chiến với những con số thương vong và ước tính thiệt hại cho mỗi bên. Những con số lạnh lùng ấy có phản ánh được những chấn động và mất mát mà những người dân Iraq vô tội đang phải gánh chịu, như dân tộc tôi gân ba mươi năm về trước?


Thăm đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam





Tranh thủ giờ nghỉ trưa của Hội nghị, tôi và cô bạn người Mỹ gốc Pháp rủ nhau đi thăm một số địa điểm lịch sử ở Washington DC. Alex, tên cô, thuộc thế hệ sinh ra sau cuộc chiến mà người Mỹ gọi là chiến tranh Việt Nam còn chúng tôi những người Việt Nam gọi là kháng chiến chống Mỹ. Cô hỏi tôi có nhớ gì về cuộc chiến. Tôi sinh ra một năm trước khi chiến tranh kết thúc. Mẹ tôi có một người chú (em ông ngoại, mà tôi gọi là ông trẻ) phiêu bạt vào Nam làm ăn từ những năm 50. Ông ngoại tôi mất trước giải phóng vừa đúng một tháng, không tròn ước nguyện tìm lại người em khi nước nhà thống nhất. Bên nội, tôi có người chú ruột đã ngã xuống chiến trường Quảng Trị vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến năm 1972. Chú tôi hy sinh khi mới tròn 20 tuổi, trong một trận không kích của quân đội Mỹ. Gửi thân lại trong tro bụi chiến trường. Tôi chỉ biết mặt chú qua tấm di ảnh treo dưới tấm bằng Tổ quốc ghi công. Sau này, đọc hồi ức chiến trường của anh Hồ Tú Bảo, GS Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, về dòng sông Thạch Hãn và những trận đánh bên thành Cổ, về đồng đội anh người còn, người mất, tôi đã xúc động muốn khóc. Ký ức chiến tranh trong tôi là ước nguyện chưa tròn của ông ngoại, là "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" (2) của chú và đồng đội bên dòng Thạch Hãn năm xưa. Là Đài tưởng niệm những người dân phố Khâm Thiên đã bị bom Mỹ giết hại trong Đêm Giáng sinh 1972, mỗi lần ngang qua còn đau nhói trong lòng. Là hình ảnh những em bé tật nguyền vì ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Là hoàn cảnh thương tâm của những nạn nhân chiến tranh cần sự giúp đỡ từ những người hảo tâm mà những tờ báo trong nước vẫn đăng hàng ngày. Tôi may mắn đi qua cuộc chiến lành lặn, được sống trong thời bình. Đất nước mở cửa, từng bước phát triển, bình thường hoá quan hệ với kẻ thù năm xưa. Tôi có dịp nhìn thấy một nước Mỹ bằng xương bằng thịt, một nước Mỹ năm xưa từng mang quân sang xâm chiếm đất nước tôi để chuốc lấy thất bại ê chề. Còn biết bao đồng bào của tôi, biết bao nạn nhân của cuộc chiến ấy, họ không được may mắn đi đây đi đó như thế, cuộc sống vẫn còn chật vật với từng bữa ăn, họ không biết và cũng chẳng cần biết rằng ở một góc nào đó của thế giới, "Hội chứng chiến tranh Việt Nam" vẫn chưa thôi ám ảnh.


Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam nằm trong vườn Hiến pháp (Constitution Gardens) ngay khu trung tâm DC gọi là The Mall. Bên cạnh là Nhà tưởng niệm Lincoln và Đài tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên. Từ Arlington (bang Virginia) chúng tôi đi bộ qua cầu Tưởng niệm sang DC. DC và Virginia cách nhau bởi dòng sông Potomac, dòng sông mà tên tuổi đã được người dân Việt Nam biết đến qua bài thơ "Emily con ơi" của nhà thơ cách mạng Tố Hữu. Nơi đây năm xưa, Peterson, một người dân Mỹ yêu chuộng hoà bình đã tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Mùa này anh đào đã bắt đầu nở rộ hai bên bờ sông, xung quanh Tháp Tưởng Niệm (Monument) và Nhà Tưởng Niệm Jefferson, Tổng thống thứ III của Hoa Kỳ, cha đẻ của bản Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng câu nói bất hủ "All men are created equal" (Mọi người đều sinh ra bình đẳng). Chỉ vài hôm nữa thôi, cả thành phố sẽ chìm vào Lễ hội Ngắm hoa anh đào nở (Cherry Blossom National Festival). Khi chúng tôi đến nơi, trước Nhà tưởng niệm Jefferson người ta đã dựng lên một sân khấu ngoài trời để chuẩn bị cho Lễ hội. Tôi gặp một số người đi biểu tình về, trên tay còn giương những tấm biểu ngữ "Các cựu chiến binh có lòng tự trọng, hãy dừng cuộc chiến tranh này lại" (Honor Vets, stop this war), "Hãy giải phóng cho giới truyền thông" (Free the media), "Hãy đào thải Bush" (Abort Bush). Thấy tôi giơ máy ảnh, họ đứng im cho tôi chụp.


Theo thông tin in trên tờ giới thiệu dành cho khách du lịch thì Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam được khởi công xây dựng ngày 26 tháng Ba năm 1982, theo ý tưởng của một nhóm Cựu chiến binh Việt Nam ở Washington DC, những người đã lập Quỹ Tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam để quyên góp tiền xây dựng. Khoảng hơn 1,400 đề án kiến trúc được gửi về và họ đã chọn ra đề án của cô sinh viên kiến trúc trường Yale, Maya Ying Lin. Đài tưởng niệm thực chất là một bức tường dài 246.75 feet hình chữ V nằm, với góc mở là 125 độ 12'. Chiều cao của bức tường đo ở góc mở là 10.1 feet. Bức tường được xây bằng đá granite đen bóng, khắc tên hơn 58,000 lính Mỹ chết trận hoặc mất tích ở Việt Nam theo thứ tự ngày báo tử hoặc mất tích. Trong trường hợp những người mất tích còn sống trở về, tên họ sẽ được khoanh tròn như biểu tượng của sự sống. Đây là địa điểm được thăm viếng nhiều nhất ở khu The Mall, với lượng khách trung bình hơn 4 triệu người một năm. Tờ Washingtonian tháng Mười năm 2002 nhận xét như sau về màu đen của Đài tưởng niệm trong một thành phố nổi tiếng về những toà kiến trúc bằng đá cẩm thạch trắng: "Tại thủ đô của một quốc gia nơi mà những cuộc chiến tranh luôn được nhớ đến như những chiến thắng, nó (Đài tưởng niệm) nhắc nhở về một cuộc chiến kết thúc tồi tệ" (3). Và "Một cựu chiến binh đã từng gọi nó là "một vết cắt đen tối của sự hổ thẹn và ân hận" (4). Quả thật, nếu như cuộc chiến đã từng gây chia cắt trong nội bộ người dân Mỹ gần ba chục năm về trước, thì việc tưởng niệm về nó ra sao cũng gây nên không ít mâu thuẫn trong giới hữu quan. Trong một thành phố nơi mà những đài tưởng niệm đều có hình dáng cao vút chĩa lên trời như biểu tượng của sức mạnh thì bức tường dài màu đen nằm ngang của Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam lại như một sự nhắc nhở về thất bại cay đắng của người Mỹ, về một phần lịch sử đen tối của nước Mỹ. Vì thế cũng dễ hiểu vì sao Bộ Nội vụ Mỹ đã không phê chuẩn đề án kiến trúc của cô Maya Ying Lin cho đến khi bức tượng ba người lính của nhà điêu khắc Frederick Hart được đặt trước bức tường đen.


Nhận thấy vẻ xúc động của tôi khi đứng trước bức tường có khắc dòng tên của những người đã nằm xuống, Alex yên lặng rút khăn giấy trao cho tôi. Xung quanh tôi, nhiều người cũng đến đặt hoa dưới chân tượng đài. Gần ba chục năm về trước, nước Mỹ đã nhỏ lệ đưa tiễn hơn 58,000 người con một đi không trở lại. Hơn 58,000 người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha. Vết thương chiến tranh đã bắt đầu hàn gắn, như lời mở đầu trong tờ giới thiệu về Đài tưởng niệm đã ghi, nhưng những ám ảnh về nó đã thật sự nguôi ngoai trong lòng những người dân Mỹ hay chưa, và những hậu qủa nó còn để lại cho mỗi người dân Việt Nam bao giờ mới khắc phục được? Ba chục năm sau, nước Mỹ lại tiễn hàng chục ngàn người con sang một xứ sở khác, để rồi sẽ thêm bao nhiêu người mẹ nữa phải mất con, vợ phải mất chồng, con phải mất cha, cho cả hai dân tộc Mỹ và Iraq? Rồi sẽ còn có thêm bao nhiêu "Hội chứng chiến tranh" nữa ám ảnh những người lính Mỹ trở về từ cuộc phá huỷ và tàn sát? Tôi nhớ đến câu nói của Alex: "Nước Mỹ không cần chiến tranh". Tôi cũng nhớ đến một câu trên biểu ngữ chống chiến tranh Iraq mà một người dân Mỹ vừa đi ngang qua tôi đã giương cao: "Hãy đừng nhân danh tôi" (Not in my name). Nước Mỹ đang đọc điếu văn cho chính mình (5), khi tham vọng làm bá chủ toàn cầu của những nhà cầm quyền đã chà đạp lên ước nguyện hoà bình của những người dân tiến bộ.




Auckland 11 April, 2003


Nguyễn Thuỷ Minh






________


(1) Nguyên văn bằng tiếng Anh: "On March 21, reporters o­n the major TV networks used such words as "incredible", "fantastic", "awesome", "fascinating", and "amazing" to describe the more than 1,000 air strikes o­n Baghdad. It was as though they were watching a fire work o­n 4 of July. Those responsible for the raids displayed a similar attitude in calling the campaign "shock and awe", which sounds like something from the trailer for a thriller movie. It is heartbreaking to witness such immature and insensitive portrayals of the death and destruction taking place in Iraq. I would have expected even those who support the war to display some humanity and respect for the lives being lost, including those of Iraqis. As our world becomes more dangerous, it is not the terrorists who scare me; it is the people who have become desensitized to war and the loss of life" - Aminah Shahrid Laurel.

(2) "Tây Tiến", tho Quang Dũng

(3) Nguyên văn bằng tiếng Anh: "In the capital of a nation where wars have always been remembered as victories, it speaks of a war that ended badly".

(4) Nguyên văn bằng tiếng Anh: "One (veteran) called the memorial "a black gash of shame and sorrow".

(5) Nói như nhà nghiên cứu lịch sử Emmanuel Todd
 
Không đủ khả năng viết văn nên đóng góp ảnh minh họa. Chỉ có ảnh bãi kỉ niệm chiến tranh Triều tiên, còn cái tường kỷ niệm chiến tranh Việt nam thì ngắn quá (phải dài thêm 3 lần nữa mới phải) nên không cho lên đây.

koreanwar.jpg


/Thanh
 
Back
Bên trên