Tuyển sinh ĐH năm 2003: Điểm chuẩn sẽ cao hơn năm trước

Trần Thúy Bình
(Thuy Binh)

Thành viên danh dự
PGS.TS Bùi Duy Cam, phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), cho biết đến nay, trường đã chấm xong 70% số bài thi. Nhìn vào số bài đã chấm, ông Bùi Duy Cam nhận định kết quả thi của hai môn Toán, Hoá nhìn chung cao hơn kỳ thi năm 2003, môn Lý dự kiến có kết quả tương đương. Trong đó, số bài thi có điểm 5 trở lên cao hơn nhiều, số bài thi có điểm 3 trở xuống không nhiều như năm trước. Tuy nhiên số bài điểm 9-10 khá ít. Ông Cam dự đoán điểm chuẩn của trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội (vốn được xếp vào nhóm trường tốp đầu) sẽ ở mức trên 20 điểm ở hầu hết các ngành, trong đó có ngành lấy đến 23 điểm (điểm đối với HSPT-KV3)

Trường ĐH Bách Khoa cũng đã chấm xong hai môn Toán và Lý, chấm hơn 50% số bài thi Hoá. Ông Dương Đức Hồng, trưởng phòng đào tạo trường này, nhận xét: Mặt bằng chung điểm thi của thí sinh dự thi vào trường năm nay cao hơn năm 2002. Môn Lý có trên 60% bài thi đạt điểm trên trung bình, 33% có điểm trên 6 điểm; môn Toán có 30% bài từ điểm 8 trở lên, trong đó nhiều bài thi đạt điểm 9-10. Nếu căn cứ vào kết quả chấm so với chỉ tiêu của trường, điểm chuẩn đối với NV1 phải ở mức trên 23 điểm.

Không chỉ khối A, thống kê sơ bộ tại các hội đồng chấm thi khối C, D cũgn cho thấy số bài đạt điểm trên trung bình đều ở mức trên dưới 50%, một số trường có 60% bài thi môn Văn đã chấm đạt từ 5 trở lên… Ngay cả các trường tốp giữa và tốp dưới đều lạc quan, cho rằng chất lượng đầu vào năm nay sẽ được cải thiện đáng kể, điểm tuyển dự kiến cao hơn năm trước.

Xét tuyển, còn phải chờ
Với phương thức xét tuyển các NV1 và NV2 như năm nay, các trường – kể cả các trường tốp trên – sẽ lệ thuộc nhiều vào khâu truyền dữ liệu. Chỉ khi nhận đủ dữ liệu và kết quả thí sinh đăng ký NV2, các trường mới có thể quyết định được phương án xét tuyển và định điểm chuẩn chính thức. PGS.TS Bùi Duy Cam, phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) và nhiều cán bộ quản lý các trường đại học khác đều cho rằng không phải trường nào cũng đủ điều kiện về nhân lực, phương tiện để đảm bảo việc truyền dữ liệu trôi chảy và kịp thời. Vì vậy, nếu Ban chỉ đạo tuyển sinh không có những biện pháp cứng rắn, việc công bố điểm chuẩn có thể kéo dài quá ngày 15/8.

Tiếp theo nỗi lo về việc truyền dữ liệu là băn khoăn của các trường khi xây dựng phương án xét tuyển số thí sinh “ảo” NV1 và NV2. Ông Nguyễn Văn Mạo, trưởng phòng đào tạo ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) khẳng định: Tuy trường được xếp vào hàng tốp trên nhưng vẫn phải chờ có dữ liệu để hình dung tổng thể mới dám xác định tỉ lệ và điểm chuẩn cho từng NV. Thí sinh trúng tuyển năm nay chưa chắc là sinh viên của trường. Vì thí sinh có thể trúng tuyển và lựa vọng NV2. Cùng chung nỗi lo với trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), ông Dương Đức Hồng, trưởng phòng đào tạo trường DH Bách Khoa cho biết để khắc phục tình trạng thí sinh trúng tuyển “ảo”, nhà trường năm nay chủ trương dành một tỉ lệ nhất định tuyển NV2, nhất là các ngành khó tuyển.

Để chủ động, trường ĐH Ngoại ngữ (Thanh Xuân) chọn giải pháp an toàn nhưng có phần “thiệt thòi” vì hao hụt chỉ tiêu tuyển mới. Sau khi chấm bài thi, kiểm tra và rà soát xong, trường sẽ xác định điểm chuẩn cho NV1 với tỉ lệ tuyển sinh khoảng 80-90% chỉ tiêu; 10-20% còn lại cho NV2. Trường chỉ gọi nhập học đủ 100% chỉ tiêu, chấp nhận bỏ qua lượng thí sinh “ảo” không đến nhập học của từng nguyện vọng. Với tỉ lệ như vậy, điểm chênh lệch giữa hai nguyện vọng dự kiến ở mức 2 điểm.

---------
www.htv.org.vn
 
Back
Bên trên