Trở thành Normalien của Ecole Normale Sup' ?

Trương Tuấn Anh
(truongtuananh)

New Member
Xin chào các bạn,
Tôi xin thông báo tới các bạn năm nay là năm thứ 4 trường Ecole normale superieure phố Ulm (ENS) mở kì thi tuyển sinh đối với người nước ngoài (Sélection Internationale).
ENS là trường nổi tiếng nhất nước Pháp về khoa học cơ bảnvới 4 giải Nobel (trong đó 3 giải Nobel Vật lý) và toàn bộ 8 giải Field mà nước Pháp có được (gần đây nhất là giải Field 2002). Có nhiều người Việt Nam nổi tiếng cũng từng theo học ở trường như nhà KH Trần Đức Thảo, nhà toán học Ngô Bảo Châu hiện là GS trường Paris 11... Có 4 trường ENS ở Pháp: ENS de Paris (hay ENS d'Ulm vì trường nằm trên phố Ulm), ENS de Lyons, ENS de Cachan và 1 trường nữa tôi không nhớ tên nhưng chỉ có ENS d'Ulm là danh tiếng.
Thông tin về trường : http://www.ens.fr
Chi tiết về hồ sơ dự thi các bạn có thể tìm thấy ở http://www.ens.fr/international/

Dưới đây là danh sách những câu hỏi mà chúng tôi nhận được trong thời gian vừa qua, rất tiếc tôi thuộc ban Khoa học nên nhiều câu trả lời chỉ liên quan đến ban này. Nếu bạn có thắc mắc hoặc cần giúp đỡ có thể liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ cuối bài này.

1.Những lĩnh vực mà ENS đào tạo?
Trường có 2 ban là ban Khoa học và ban Văn chương gồm tổng cộng khoảng gần 20 lĩnh vực. Đây cũng là những môn mà bạn được quyền thi.
Ban khoa học: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và khoa học trái đất.
Ban văn chương: Văn học, triết học, Lịch sử, nghệ thuật, ngôn ngữ, Lịch sử nghệ thuật, Địa lý, Kinh tể, Nghiên cứu điện ảnh, xã hội học, nhân chủng học...
Điểm đặc biệt của trường là rất khuyến khích sinh viên học kết hợp nhiều ngành (cursus interdisciplinaires). Bạn có thể học cùng một lúc khoa Toán- khoa Lý hoặc Sinh - Y học - Hóa học hay Kinh tế - Luật... tùy sở thích và sáng tạo của mỗi người.

2. Có những cách nào để được vào học ENS?
Để trở thành sinh viên của trường (‘normalien’), có 2 con đường :
-Thi tuyển thông thường dành cho người Pháp: lấy khoảng 100 người mỗi ban (Sciences ou Lettres).
- Thi tuyển dành cho SV quốc tế (Sélection Internationale): 10 người mỗi ban.

3. Normalien có những gì?
- Với người Pháp: lương 1480 €/1 tháng (nhưng phải đóng thuế thu nhập) trong 4 năm và được công nhận là công chức của chính phủ Pháp, phải phục vụ chính phủ trong 10 năm (nhưng thường các công ty tư nhân sẵn sàng hoàn trả chi phí đào tạo cho trường để nhận normalien ngay sau khi tốt nghiệp)
- Với người nước ngoài: học bổng 1000 €/tháng trong 3 năm. Đây là HB cao nhất đối với bậc đại học ở Pháp.
- Được ở trong KTX của trường và không phải đóng học phí. Trường nằm ở quận 5, trung tâm Paris nên rất thuận lợi cho mọi hoạt động, đi lại.
- Mọi thủ tục giấy tờ trường lo hết, xin visas đi thi ở VN không cần khám sức khỏe hay chứng minh tài chính, không cần phỏng vấn hay biết tiếng Pháp, việc xin thẻ lưu trú cũng không cần lo.
- Trường có quan hệ hợp tác với rất nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu lớn trên thế giới nên bạn có thể đến thực tập hay làm PhD ở các trường, viện nổi tiếng như Princeton, Havard, Oxford, CNRS... rất dễ dàng.

4. Bằng cấp của ENS rất có giá trị?
Trước đây, trường không cấp bằng cho cả người Pháp lẫn người nước ngoài. Bắt đầu từ năm nay, trường sẽ cấp bằng cho người Pháp tuyển qua concours chính và người nước ngoài tuyển qua Sélection Internationale. Ngoài ra bạn có thể đăng kí một trường ĐH khác ở Paris để lấy bằng của trường này mặc dù bạn không cần học 1 tiết nào ở đó cả. Bạn sẽ có 1 status là normalien và có thể đề dưới chức danh sau này là normalien hoặc ancien élève de l' Ecole Normale Sup'. Bằng cấp của trường được quốc tế công nhận, trên bằng sẽ ghi chuyên ngành chính và ngành phụ bạn học ở trường.

5. Chương trình học ở trường?
Nếu thi đỗ, bạn sẽ được học tiếng 2 tuần đầu tháng 9, sau đó khai giảng 2 tuần, rồi vào học. Về chương trình học không có sự khác biệt nào giữa người Pháp và người nước ngoài.
Năm 1°: Licence tương đương năm thứ 3 trong các trường ĐH bình thường ở Pháp và ở VN. Thực tập trong phòng thí nghiệm 2 tháng.
Năm 2°: Master 1. Kì 2 thực tập 5 tháng ở Pháp hoặc ở nước ngoài.
Năm 3°: Master 2. Kì 2 thực tập 5 tháng ở Pháp hoặc ở nước ngoài.
Với người Pháp, năm thứ 4 bắt đầu làm Tiến sĩ. Với người nước ngoài: có thể xin học bổng khác làm tiếp TS ở trường.
Tuy nhiên, nếu bạn đủ khả năng có thể bỏ qua Licence vào học ngay Master1.
Giảng viên thường là giáo sư ở trường hoặc các nhà KH nổi tiếng của Pháp và trên thế giới.

6.Điều kiện dự thi:
- Dưới 24 tuổi (tức là bạn phải sinh sau ngày 1/1/1981)
- Không có Quốc tịch Pháp.
- Đã hoàn thành ít nhầt hai năm đầu đại học tại 1 nước ngoài Pháp. Ngoại lệ: Những SV nước ngoài đến Pháp học sau ngày 1/8/2004 cũng có thể tham gia.
- Chưa từng tham dự kì thi này.
-Riêng với sinh viên dự thi ban khoa học ngoài việc nộp HS qua đường bưu điện còn bắt buộc phải đăng kí qua mạng từ ngày 3/1 đên 15/3/2005 theo địa chỉ: http://www.ens.fr/international .

7. Tất cả những người nộp đơn sẽ sang Pháp thi?
Không phải vậy. Chỉ có rất ít những người có hồ sơ tốt mới được mời sang Pháp dự thi vào tháng 7, thường chỉ khoảng 30 đến 35 người mỗi ban. Sẽ có 10 người được nhận vào học ở mỗi ban.

8.Tôi phải dự thi 2 môn?
Đúng vậy, bạn không được thi nhiều hay ít hơn. Thi môn nào là tùy bạn đăng kí trong hồ sơ. Do đó bạn phải biết năng lực và sở thich của mình để chọn môn nào chính, môn nào phụ. Môn chính là ngành chính bạn sẽ theo học ở trường.

9.Kỳ thi gồm những gì?
Kỳ thi sẽ diễn ra trong vòng 1 tuần tại trường gồm 4 buổi thi:
- Thi viết: thời gian 4h, hệ số 3. Sẽ có 2 đề thi tương ứng với 2 môn mà bạn chọn và được phát cùng một lúc. Mỗi đề gồm 3 câu, 2 câu đầu mỗi đề khó hơn dành cho thí sinh chọn môn đó là môn chính, câu thứ 3 dễ hơn dành cho thí sinh chọn là môn phụ.
- Thi bình luận: thời gian 3h, hệ số 2. Sẽ có 1 đoạn văn dài khoản 1 trang A4 nêu 1 vấn đề, bạn phải dùng những hiểu biết của mình để bình luận vấn đề đó. Thường đó là 1 vấn đề về phương pháp tư duy trong khoa học, những hiện tượng chung của nhiều ngành KH, mang ít nhiều mầu sắc triết học. Bạn nên chú ý vận dụng kiến thức và lấy VD trong chuyên ngành của mình.
- Thi nói môn chính: thời gian 45'+ 15' chuẩn bị, hệ số 6. Sẽ có 1 bài khoảng 5 câu hỏi, bạn phải trình bày trên bảng như 1 buổi giải bài tập. Nếu bạn gặp khó khăn, giám khảo sẽ gợi ý, nếu bạn thực sự không giải được thì có thể chuyển sang câu khác hoặc 1 bài mới hoàn toàn. Có thể sẽ có những câu hỏi phụ đánh giá tầm hiểu biết của bạn

- Thi nói môn phụ: thời gian 45', hệ số 4.Giám khảo sẽ lần lượt đưa ra từng câu hỏi một, bạn phải giải ngay trên bảng, không có thời gian chuẩn bị. Mặc dù vậy, độ khó của kỳ thi này so với concours của người pháp chỉ bằng 1 nửa

10. Trong đề thi viết, có bắt buộc phải chọn 2 câu đầu đề chính và câu thứ 3 đề phụ?
Hoàn toàn không, nhưng bạn sẽ không được nhiều điểm nếu làm bài thứ ba (được đánh giá là dễ nhất của môn mà ban dự thi. Còn nếu bạn làm được 2 bài đầu của môn phụ thì quá tốt. Vấn đề là phải phân phối thời gian hợp lý, căn cứ vào hệ số điểm.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
11.Tôi có bắt buộc phải biết tiếng Pháp?
Không cần thiết đối với ban KH, đề thi bằng tiếng Anh hoặc Pháp, bài bình luận ban có thể làm bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý hay Tây Ban Nha. Còn lại bạn có thể thi bằng tiếng Anh hoặc Pháp. Nếu bạn biết tiếng Pháp thì tốt hơn vì giám khảo thi nói chưa chắc đã thông thạo tiếng Anh và nếu đỗ bạn được học tiếng 2 tuần rồi vào học ngay bằng tiếng Pháp. Anh Nguyễn Thành Trung-SI 2003 khi thi không hề biêt 1 từ tiếng Pháp nào cả.

12. Tôi đã đỗ Ecole Polytechnique (X) liệu có nên thi vào ENS?
Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào sở thích của bạn. X là trường kỹ sư còn ENS là trường đào tạo Khoa học.Hầu hết SV tốt nghiệp ENS đều làm nghiên cứu sinh, phần lớn trở thành các nhà khoa học của CNRS, CEA..., giáo sư đại học, dạy Prépas hay chính khách. Hầu hết SV đỗ ENS đều đỗ X. Nếu bạn yêu thich khoa học thì ENS là sự lựa chọn số 1.


13. Số lượng 10 SV quốc tế mỗi ban là quá ít?
Nếu bạn biết rằng một năm ENS chỉ nhận vào khoảng 100 SV Pháp cho tất cả các khoa thì sẽ thấy 10 SV nước ngoài không phải là ít.Đương nhiên bạn phải chấp nhận tỷ lệ chọi cao nhưng vẫn chưa là gì so với tỉ lệ chọi của người Pháp vào trường. Toán và Vật lý là hai khoa luôn có nhiều người đăng kí thi nhất trong ban KH.

14. Chi phí nếu tôi được mời đến Pháp dự thi?
Bạn có thể giữ lại biên lai để xin hoàn lại tiền vé máy bay. Điều này gần như chắc chắn vì cả 3 SV Việt nam thi vào trường đều được hoàn tiền. Trường sẽ cho bạn thuê 1 phòng ở KTX trong thời gian thi với giá 8€/ngày.

15. Tôi đã tốt nghiệp ĐH ở VN thì có nên dự thi?
Các SV VN dự thi các năm trước đều đã tốt nghiệp ĐH ở VN. Nhưng nếu bạn đã học xong cả cao học và đang làm TS thì trường sẽ không chấp nhận cho thi. Tuy nhiên những người có hồ sơ tốt mà không đủ điều kiện thi hay thi không đủ điểm có thể theo học dự thính không phải đóng tiền nhưng không được cấp bằng của trường, không có quyền lợi của normalien.

16. Hồ sơ phải điền bằng tiếng Pháp?
Đúng vậy, bạn có thể nhờ người khác dịch hoặc điền giúp.Những thứ khác như thư giới thiệu, kế hoạch nghiên cứu thì có thể làm bằng tiếng Anh. Hồ sơ phải được viết bằng bút bi đen, viết toàn bộ bằng chữ in hoa ở phần I.

17. Hạn cuối nộp hồ sơ
15-3-2005 tính theo dấu bưu điện, nhưng phải đến giữa tháng 4 hồ sơ mới được chuyển đến từng khoa để xét nên trong thời gian đó bạn có thể thoải mái bổ sung HS nếu cần. Không có ưu tiên nào cho HS nộp sớm vì nơi nhận hồ sơ chỉ có trách nhiệm tập hợp HS.
18. Đề thi của Pháp thế nào?
Rất dài, bạn nên làm quen với những đề thi gồm 3 bài, 5 đến 10 mặt giấy với gần 20 câu hỏi. Các câu hỏi sẽ được cung cấp dữ kiện dần dần và liên quan chặt chẽ với nhau nên nếu không giải được những câu trước thì rất khó đi tiếp. Bạn sẽ chỉ được điểm nêu giải đúng ý, do vậy bạn nên giải chặt chẽ từng câu hơn là đưa ra lập luận thiếu thuyết phục cho từng câu.

19. Tài liệu ôn thi ?
Đề thi các năm trước, đánh giá của ban Giám khảo bạn có thể tìm thấy ở trang : http://www.ens.fr/international
Kiến thức ôn thi là 3 năm đầu đại học. Nếu có điều kiện và thời gian, bạn nên ôn theo chương trình prépas* : MP*, PC* cho ban KH . Môn tin học nên ôn trong quyển « Introduction to Algorithms » hay bản tiếng Pháp là "Introduction à l'algorithmique" của các tác giả Cormen-Leiserson-Rivest-Steins. Ở VN có thể tìm tài liệu ở TV KHKT 24 Lý Thường Kiệt, còn ở Pháp thì có rất nhiều sách luyện thi, có thể ra hiệu Gilbert gần trường mua sách cũ. Nên ôn bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, cũng có thể xem thêm trong bộ sách dịch từ tiếng Pháp dành cho kỹ sư tài năng của ĐH Bách Khoa Hà Nội mặc dù có nhiều chỗ dịch không chuẩn lắm.

20. Một vài lời khuyên của tôi:
Bạn nên hoàn thiện hồ sơ càng sớm và đầy đủ càng tốt để gửi đúng ngày quy định, sau đó có thể bổ sung sau. Khâu chuẩn bị HS rất quan trọng vì người Pháp hoàn toàn không biết gì về nền giáo dục VN, với 1 số thành tích quan trọng bạn nên có vài lời giới thiệu vì ngay cả giải quốc tế cũng không phổ biến ở Pháp. Đừng ngần ngại nói mình tiếng Pháp kém và chọn tiếng Anh để thi nếu đúng như vậy. Bạn nên chỉ ra điểm mạnh của trường và khoa mình theo học. Trong HS, mục motivation và projet là quan trọng nhất, bạn nên viết riêng ra tờ giấy khác, nêu được 1 số điểm nổi bật của trường, lý do bạn thực sự muốn học trường trong lettre de motivation. Phần projet, bạn nên ghi đầy đủ, chi tiết, chọn đề tài độc đáo 1 chút, không nên to tát quá cũng không nên tầm thường quá và nhấn mạnh nếu học ở ENS bạn sẽ hoàn thành được projet của mình. Nên làm cả CV dù trường không yêu cầu. Một yếu tố quyết định nữa là 2 thư giới thiệu, bạn nên chọn 2 giáo sư phải có học vị tiến sĩ và nên xin thư giới thiệu của thầy trưởng khoa bạn học.
Nếu được mời dự thi bạn đừng ngần ngại viết email xin hoàn tiền vé và nên xin tự mua vé để chủ động cho chuyến đi. Khi làm visas nên xin status là SV đi thi để có thể trở lại Pháp mà không cần cấp lại visas hoặc ở lại Pháp luôn nếu đỗ. Bạn nên đến trước ngày thi ít nhất 1 tuần để ổn định sức khỏe và ôn thi vì sách vở ở đây rất nhiều. Nếu bạn học chuyên ngành Toán, Tin, Lý, Sinh, Văn thì ở ENS cũng có người VN có thể giúp bạn được.

21. Liên lạc với chúng tôi?
Hiện giờ ở ENS có 7 người VN và 2 người Pháp gốc Việt đang học và làm việc. Bạn có thể liên hệ với họ bất cứ lúc nào chắc chắn sẽ được giúp đỡ. Nếu bạn được mời đến Ulm thì không có lý do gì mà bạn không liên hệ trước với họ cả.

1. Nguyễn Phong Quang, giảng viên chính khoa Tin, [email protected] (ghi chú: sinh ở Pháp, nên dùng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để trao đổi)
2. Nguyễn Lương Liêm Bình, sinh viên khoa Sinh, concours F/S 2003
[email protected] (ghi chú: sinh ở Pháp, nên dùng tiếng Pháp để trao đổi)
3. Phạm Quang Cường, sinh viên khoa Tin, concours Math-Info 2003,
[email protected]
4. Cao Việt Dũng, sinh viên khoa Văn, concours Sélection Internationale 2002, [email protected] (Pháp1 Ams 94-97)
5. Nguyễn Thành Trung, sinh viên khoa Tin, concours Sélection Internationale 2003, [email protected]
6. Trương Tuấn Anh, sinh viên khoa Lý, concours Sélection Internationale 2004, [email protected] hoặc [email protected] (Lý1 Ams 97-00)
Những SV trường X hiện đang làm nghiên cứu sinh ở ENS:
7. Phan Dương Hiệu, nghiên cứu sinh khoa Tin, [email protected]
8. Nguyễn Đức Phương, nghiên cứu sinh khoa Lý, [email protected] (Lý1 Ams 94-97)
9. Trần Minh Anh, nghiên cứu sinh khoa Toán, no information :)) , (con thầy Trần Hữu Hiệp dạy Toán trường mình).

Cuối cùng chúc bạn thành công và hẹn gặp lại tại phố Ulm vào mùa hè năm tới.

Paris, 17-12-2004
Les vietnamiens survivants à Ulm
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên