:cry: Chị Chi kiếm được source hay thế. Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ No.1 của em đấy. Em cũng xin góp vui bằng một vài suy nghĩ của em về nhạc Trịnh. Bài này một lần em đã post lên ở Vninvest rồi, nhưng vẫn muốn mang lên đây để share với mọi người. Em viết không có kiến thức chuyên nghiệp đâu ạ, chỉ là cảm nhận thôi.
_________________________________________________________
Bài hát của Trịnh Công Sơn đầu tiên tôi hát là " Nắng Thủy Tinh". Khi ấy tôi mới là nhóc con lớp 5, chưa biết gì về " tình đời, tình người", hay nối đau xé ruột trong nhạc Trịnh cả. Chỉ biết là bài hát ấy cứ trong leo lẻo, và cái cô bạn ngồi cạnh tôi mắt cũng trong như thế, như nuốt từng lời tôi hát:
Màu nắng hay là màu mắt em
Mùa thu mưa bay cho tay mềm
Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm
Rồi có hôm nào mây bay lên...
Lúc ấy là mùa thu, sân thượng nhà Hà lộng gió, nắng thu nhẹ như tơ, mỏng manh tưởng chạm vào là vỡ tan được. Bầu trời gần lắm và xanh như miệng giếng. Cỏ dại ở đâu vươn mình lên ngơ ngác nhìn quanh. Lúc ấy tôi tưởng như mình sắp bay lên thật, cả cô bạn kia cũng thế. Hai đứa hay mơ màng tưởng mình như ở trong bài hát, cả cảnh với người cư nhẹ như không.
Đó là lần đầu tiên tôi đến với nhạc Trịnh và bắt đầu cảm nhận mơ hồ về nó. Cảm nhận đầu tiên về những nốt nhạc duyên dáng ấy là sự trong trẻo đến thanh thoát. Tôi yêu cái thế giới lung linh trong nhạc Trịnh, thế giới lúc nào cũng chênh chao những con đường nắng không biết trải về đâu, những ngôi thành cổ như những lâu đài trong cổ tích, tiếng chuông chùa xa xăm, một khu vườn nhỏ có một loài hoa dại nở lặng lẽ , một loài sâu ngủ ngoan trong đất, một mùi hương quỳnh như có như không, tiếng lục lạc ngựa vẳng từ đâu xa lắm. Tôi yêu những bức tranh không màu ấy đơn giản chỉ như đứa trẻ mừng rỡ khi thấy thế giới cổ tích của mình được chuyển thành giai điệu, từng giọt âm thanh cứ thánh thót rơi, làm cho thế giới ấy càng xa xôi bí ẩn gợi thức bao tò mò.
Nhưng một hôm nào đó, khi bắt đầu biết buồn, tôi bất chợt nhận ra thế giới ấy đối với tôi là thế giới trẻ thơ, đối với Trịnh Công Sơn là nơi nương náu. Cái thế giới ảo có nhiều điều thần tiên ấy là nơi ông gửi gắm những nỗi niềm kín đáo, giống như cách một đứa trẻ cất giữ nhứng thứ đồ lấp lánh, đôi khi len lén giở ra để chắc rằng trong tay mình vẫn còn chút gì quí giá. Ở đó có những khoảnh khắc rất thơ mà tâm hồn rất đa cảm ấy ghi lại
Nhòa phố mong manh nhoè phố mưa..
Chợt nắng long lanh, chợt nắng thưa
(Đoản khúc thu Hà Nội)
Hay là cái buồn xanh xao mà lãng mạn:
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu..
( Diễm xưa)
Rồi có lúc lại là những cảm xúc dứ dội và hoang dã, những cảm xúc nguyên sơ và có lúc ngây thơ:
Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó, nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mây miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm
( Dấu chân địa đàng)
Nhưng quý giá hơn cả là hình ảnh một người con gái Huế. Giống như trong một giấc mơ, người con gái ấy như một cái bóng không nhìn rõ mặt, nhưng cũng đủ như một nỗi ám ảnh kéo dài, một cơn mê khó dứt, để một đời TCS " Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay", rồi " Gọi tên em mãi suốt cơn mê này".
Đó là một nửa êm đềm trong tâm thức TCS. Nhưng nếu chỉ có không gian nhạt nhòa và thơ trẻ ấy, sẽ không làm nên một Trịnh Công Sơn mà tôi ngưỡng mộ. Khi tôi bắt đầu hiểu rằng những ca khúc của Trịnh Công Sơn là những mảnh nhỏ kí ức cuộc đời ông, tôi bắt đầu cảm thấy đó là một nhân cách lớn. Bởi vì ông đã sống một cách chân thật hiếm có, viết thành thật những cảm nhận của mình, và dũng cảm bước ra khỏi bầu trời trong quả trứng mà ông ngủ yên. Dầu có nhứng lúc ông cảm thấy tuyệt vọng trước cuộc đời nhiều sóng gió:
Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
( Này em có nhớ)
Và không biết bao lần tê dại trong nỗi đau tình đời và tình người, không biết bao nhiêu lần ở "đỉnh cao" rồi "về vực sâu", không biết bao lần thấy chồn chân mỏi gối, muốn quay về cái vỏ yếm thế
Người nằm co như loài thú khi mùa đông về
Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình
( Phúc âm buồn)
Và cuống quýt, thu lu trước những khốn khổ, đày đọa của kiếp người, đến nối đã có lúc mong cho mình được ra đi, được giải thoát:
Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây
Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này?
..
Còn bao lâu tôi xa em, xa em, xa tôi?
Nhưng rồi cuối cùng thực ra ông vẫn đã nếm trải hết cuộc đời nhiều sóng gió ấy. Như một chú gà con dò dẫm bước ra khỏi vỏ trứng, rồi nhận ra thế giới bên ngoài đẹp quá, TCS đã sống hết mình để trải nghiệm hết các nỗi khổ niềm vui, và vẫn chưa khi nào thôi háo hức. Con người truân chuyên ấy đã bao lần phải vượt qua nỗi sợ bơ vơ, bị " bỏ xa xôi yêu và gần gũi", bị " bỏ tôi đững bên đời kia", rồi bao lần " phơi tình cho nắng khô mau". Thé nhưng mỗi khi một tình yêu mới đến, lại thấy một TCS mới mẻ yêu hồn nhiên như chưa từng vấp ngã
Một cuộc tình nhỏ bé, bên đôi môi hồng đào
Đường đời xa lắm nhé, em không nhớ tôi sao?
( Môi hồng đào)
Bời vậy thật không có gì đáng ngạc nhiên là càng ngày, nhạc Trịnh càng đằm hơn, mang nặng triết lý của một người từng trải. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác thích thú khi nghe bài " Con mắt còn lại" của ông. Dường như triết lý sống của TCS ẩn náu trong đó, trong một nụ cười tinh quái phớt đời:
Con mắt còn lại, nhìn một thành hai
Nhìn em yêu thương, nhìn em thú dữ
Con mắt còn lại, ngờ vực tình tôi
Cuồng điên yêu thương, cuồng điên nỗi nhớ...
Đó là hai mặt của cuộc sống, có "lên cao" và có " xuống thấp", có thánh thiện và xấu xa, có thực có hư. Quan trọng hơn cả là cái nhìn vị tha, khi hai con mắt biết chấp nhận sự đa chiều của cuộc sống ấy, để yêu đời ngày một tha thiết hơn:
Con mắt còn lại, nhẹ nhàng từ tâm
Nhìn em ra đi, lòng em xa vắng
Con mắt còn lại, là đêm tối tăm
Con mắt còn lại, là đêm nồng nàn...
Và khi đã hoàn toàn bươc ra khỏi vỏ trứng ấy với triết lý sống kia, tôi thấy một TCS sôi nổi và rực lửa với những ca khúc Da Vàng. Thú thực khi nghe Khánh Ly chầm chậm nhả chữ những bài hát phản chiến, tôi không khỏi cảm thấy thần kinh mình rệu rã và hơi sởn gai ốc. Nhưng đó chính là hiện thực chiến tranh. Tôi chưa thấy nhạc sĩ đương thời nào viết về chiến tranh chân thực đến thế. Lần đầu tiên tôi thấy một nhạc sĩ không nói đến những đoàn quân hùng dũng huy chương đỏ ngực rầm rập bước ra chiến trường. Lần đầu tiên tôi thấy một nhạc sĩ không cố gắng tung hô cho sự chém giết, không đứng về bên nào trong nhứng cuộc chiến phi nghĩa và đẫm máu. Trong các bài ca của ông chỉ thấy dấy lên sự xót thương với những kiếp người bị đày đọa trong chiến tranh, thấy những núi xương, những em thơ giật mình, những tương lai bị đốt cháy theo từng loạt đạn về đêm đêm. Cái chết đến với người lính một cách vô nghĩa khi cuộc đời còn mở rộng thênh thang
Bạn bè còn đây anh nhớ không anh
Người tình còn đây anh nhớ không anh
Vườn cỏ còn xanh, bạn bè rồi xa
Khi bóng anh, như cánh chim chìm xuống..
( Cho một người nằm xuống)
Và còn tệ hơn cái chết, đó là cuộc sống mòn mỏi của những cô gái làng chơi, sống một kiếp hao gầy, để nghe những tàn phai:
Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là một chuyến xe...
..Nhớ về một người tình cũ
Nhớ về một đời đã quá ê chề...
Ở góc độ này, tôi cho rằng Trịnh Công Sơn có nhân loại tính. Đã có mấy nhạc sĩ dành những giai điệu êm ái của mình để xót thương những phận người như vậy. Chính Trịnh Công Sơn cũng đã thầm thốt lên mơ ước nhân bản của mình trong bài " Có những con đường" :
Đương nhân loại một đường rất dài
Đường sau này mọi người sẽ tới
Đất tương lai không ai thù ghét ai
Đường lứa đôi...
Tôi xin kết thúc đôi dòng lan man của mình về một nhạc sĩ tôi yêu bằng đôi dòng tự sự của ông, câu nói có thể bạn đã thấy quen thuộc từ lâu
Tôi chợt biết vì sao tôi sống. Vì đất nước này cần một trái tim. Và như thế tôi đến trong cuộc đời. Và như thế tôi sống vui từng ngày. Đã yêu đời bằng trái tim tôi.