Trương Quế Chi: Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam
16:42' 01/02/2005 (GMT+7)
13 tuổi, Trương Quế Chi đã xuất bản một tập truyện thiếu nhi dịch từ tiếng Pháp. Trước đó, em đã có nhiều truyện dịch được đăng báo...
Trương Quế Chi, dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam
Gặp Quế Chi đang online, Chi bảo: “Anh đừng nghĩ Chi xuất sắc, sẽ thất vọng đấy. Chi chỉ nhận mình có tình yêu, niềm say mê, tinh thần tự lập và tham vọng. Những điều đó tạo cho Chi cá tính và đem đến một cuộc sống có ý nghĩa”. Từ online, tôi cùng Chi offline để tìm những điều “phản chiếu” ở cô bạn sinh năm 1987 này.
Tự nói về công việc của mình, cô bạn sinh năm 1987 này cho biết: “Chi rất thích loạt bài dịch của mình về các bạn nhỏ Palestine ở mục To: TNTP”. Vì “Palestine có những đặc điểm giống mình. Ở cách xa nhau, nhưng cả hai đều đã trải qua những năm tháng đau thương, mất mát. Trẻ em Palestine cũng đều yêu hòa bình, tự do. Chỉ có khác, Việt Nam đã giành độc lập, còn với Palestine, đó vẫn là dấu hỏi...”.
Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 30 tổ chức năm 2001 với chủ đề “Viết về tình bạn và sự khác biệt giữa chúng ta” đã đánh trúng vào mối quan tâm của Chi. Viết thư tham dự và bức thư của Chi đoạt giải nhất năm đó. Thư bắt đầu bằng cái tên “Serena”, một người bạn tưởng tượng, là công dân của đất nước Palestine xa xăm...
Lật trang 160 cuốn sách Guiness Việt Nam thế kỷ 20, sẽ thấy tên Trương Quế Chi ở mục “Dịch giả nhỏ tuổi nhất”.
Chi dịch nhiều đến độ không nhớ nổi mình đã “sản xuất” bao nhiêu bài báo, truyện ngắn, truyện vừa từ tiếng Pháp sang Việt ngữ. Hồi lớp 6, lối hành văn của Chi phù hợp với độ tuổi và báo Thiếu niên Tiền phong cứ đều đều đăng bài dịch của Chi.
Các tác phẩm dịch của Chi đã xuất bản: Con cá voi có đôi mắt vàng (2000), Cuộc phiêu lưu của mèo và nhím (2001), Cô bé và đàn sói hoang (2001).
Thơ Chi đăng báo từng chùm. Thơ chưa “trình làng” cũng nhiều, đủ để in thành tập. Chi thích đọc thơ của Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Văn Cầm Hải,... vì tìm thấy sự đồng cảm. Riêng chuyện đọc, Chi làm tôi sốc khi bảo: “Chi không buồn vì điểm kém, nhưng lại buồn và “đau” khi...đọc sách. Một cuốn sách Chi đọc cả tháng, có khi rầm rì cả năm. Lúc đọc xong, thấy mệt nhoài, kiệt sức...”. “Chi có thể khóc bất cứ lúc nào khi nghĩ đến chuyện sống không người mình yêu...”.
Đang học lớp 12 Pháp 2, người ta có thể hát “17, em chưa lớn đâu” khi năm mới, thêm tuổi mới và nhất là khi sắp bước qua tuổi học trò. Còn với Chi “lối đi ngay dưới chân mình”, Chi muốn đi xa. Chi khẳng định mình, hội nhập bằng trí tuệ, khả năng, sự vận động sáng tạo để tìm ra cái mới, chọn cách sống dung hòa và bộc lộ được nền văn hóa đặc trưng. Sự bình thường của gia đình như bao gia đình khác, kiến thức, học vấn tối thiểu thu nhận từ thầy cô, trường lớp là nền tảng để Chi bước tới. Nói về hội nhập như vậy thì hơi khô và khuôn mẫu, đúng không? Để có cách nói khác, thơ hơn, với Chi dễ thôi. “Chi tự tin là mình có kiến thức nền tốt, đặc biệt, có thiên hướng về nghệ thuật. Là một cá tính, Chi sẽ là gam màu trong bức tranh, là một dòng ca từ trong bản nhạc, là một câu góp nên bài thơ, là một khuôn hình trong cuốn phim của nghệ thuật điện ảnh. Hiểu mình như thế, Chi sẽ không e ngại hòa nhập với cộng đồng...”
Ngày Chủ nhật, trường Hà Nội – Amsterdam vẫn tấp nập, đông vui. Đứng bên giàn hoa giấy trước lan can lớp học, Chi ngước nhìn: “Trên tầng 4 kia, Chi thích ngồi hay nằm trên lan can. Ngửa mặt lên trời, thấy mọi thứ đảo ngược, chông chênh, rất thú vị...”. Chi cười thích thú, như là không quan tâm đến việc có bạn bảo: “Con bé này, toàn làm chuyện khác người!”.