[Tin tức] Tự tin vào đời bằng ánh sáng của judo

Đỗ Việt
(doviet)

Thành viên danh dự
Tự tin vào đời bằng ánh sáng của judo​

Một cô bé đang đi chậm rãi trên phố thì bị một tên du côn tiến đến định giở trò xằng bậy. Nhưng nhanh như cắt, một thế judo tuyệt hảo buộc hắn phải thay đổi ý định. Đó là một tiết mục trong chương trình biểu diễn võ thuật, nhưng điều đặc biệt ở đây chính là cô bé ấy bị mù, đến từ trường Bừng Sáng.

vo-judo.jpg

Cũng thuần thục động tác như võ sinh bình thường.
Nhiều môn sinh judo cho rằng, một người đầy đủ giác quan nhập môn võ này đã là rất khó khăn, huống chi những người khiếm khuyết về thị giác. Nhưng thực tế vẫn có những con người như thế, họ có thể thực hiện thuần thục các thế đánh của môn võ này. Một tuần 3 buổi, trên lầu 1 của nhà thi đấu Phú Thọ (TP HCM) lại vang lên những tiếng vật ầm ầm của nhóm võ sĩ judo đặc biệt này.

Lớp võ hiện có 14 thành viên, tập luyện vào các ngày thứ hai, tư, sáu từ 8h đến 9h30'. Những võ sĩ này đến từ trường Bừng Sáng (quận 10) do các huấn luyện viên võ thuật giàu kinh nghiệm của liên đoàn judo TP HCM đảm trách. Mỗi ngày đi tập các em được một người của trường hướng dẫn đi đến trung tâm bằng xe taxi với đồng phục chỉnh tề. Thời gian đầu tiên gặp rất nhiều khó khăn, đích thân các huấn luyện viên được phân công phụ trách lớp phải chạy vạy khắp nơi để xin võ phục cho các học trò. Chỉ sau nửa năm tập luyện, các em đã gây sự bất ngờ cho giới chuyên môn, cũng như cho thầy của mình khi có thể thực hiện thuần thục các miếng võ đặc trưng của judo như: vật qua vai, gạt chân, khóa đối phương... Thậm chí, những VĐV này cũng đã tham gia biểu diễn tại giải thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc tại TP HCM, tháng 10 vừa qua.

Lớp được mở cách đây 6 tháng, phương pháp huấn luyện rất khác biệt so với truyền thống. Các huấn luyện viên phải nói nhiều hơn, phân tích kỹ hơn để các em hình dung và có cảm giác với thế đánh. An toàn luôn là ưu tiên hàng đầu khi huấn luyện cho những võ sinh đặc biệt này, lúc nào cũng có tối thiểu 3 huấn luyện viên sát cánh cùng các em. Họ hướng dẫn tận tình các võ sĩ trước hết vì lòng yêu nghề, hơn thế nữa là sự cảm thông. Những người thực hiện lớp học mong muốn thông qua judo, các em sẽ tự tin trong giao tiếp, có sức khỏe tốt để tự đứng vững trong hàng loạt khó khăn của cuộc sống.

Luật thi đấu dành cho võ sĩ judo bị khiếm thị cũng có điểm đặc biệt. Khi trận đấu bắt đầu, hai võ sĩ không đứng cách xa nhau ở vạch quy định như bình thường, mà cầm áo nhau đợi hiệu lệnh của trọng tài. Các trọng tài khi cho hoặc trừ điểm thì tác động trực tiếp lên tay của VĐV chứ cũng không ra ký hiệu. Các võ sinh luôn được huấn luyện viên yêu cầu la thật lớn để báo hiệu cho trọng tài biết là mình vừa mới đánh trúng đòn chứ không phải là bị té.

Trước khi khai giảng lớp võ, liên đoàn judo thành phố cũng đã cử một huấn luyện viên sang Malaysia dự lớp huấn luyện dành cho người khiếm thị gần một tháng. Nhưng thật sự bước vào trải nghiệm thực tế cũng gặp không ít khó khăn vì quá mới so với Việt Nam. Đất nước khai sinh ra môn judo là Nhật Bản, hoặc nhiều nước láng giềng của Việt Nam như Thái Lan, Philippines... đã có đội tuyển judo dành cho người khiếm thị tham gia nhiều giải đấu thế giới (Paralympic, Para Games...). Nhưng đối với Việt Nam thì đây là lần đầu tiên môn võ này được dạy cho người khiếm thị. Liên đoàn judo TP HCM cũng không giấu tham vọng sẽ có một đội tuyển tham gia Para Games năm sau tại Philippines. Huấn luyện viên Lê Khánh Hồng, người phụ trách chính chương trình, nói: "Các em tập luyện rất chăm chỉ và tỏ ra yêu thích môn võ này. Chúng tôi chỉ hy vọng mang đến cho các em một sức khỏe tốt và mong rằng đạo của judo sẽ mang đến cho các em niềm tin vào cuộc sống".

Gặp không ít khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng, nhưng bù lại các em lại rất say mê khi tiếp cận môn võ này. Bị khiếm khuyết về thị giác, bù lại họ có thính giác, sự hình dung động tác cực tốt. Cô bé có khuôn mặt xinh tươi Trần Thị Hương Giang (15 tuổi) nói: "Em rất cám ơn các thầy đã nhiệt tình truyền dạy cho tụi em trong suốt nửa năm qua. Hiện tại em có thể thực hiện thành thạo các thế đánh và sức khỏe rất tốt. Hy vọng em sẽ được đại diện Việt Nam đi thi đấu các giải quốc tế". VĐV Hà Trung Hiếu (17 tuổi) cho biết thêm: "Em thích môn võ này từ lâu do được theo dõi qua đài, em sẽ cố hết sức mình tập luyện để không phụ lòng các thầy".

Tương lai, rất có thể những võ sĩ đang mướt mồ hôi trên sàn tập trong bóng tối này sẽ là người mang vinh quang về cho tổ quốc ở các giải đấu quốc tế dành cho người khuyết tật. Nhiều người có tâm huyết cũng mong muốn sẽ mở rộng chương trình này đến nhiều địa phương trong toàn quốc, nhằm mang đến nhiều hơn nữa niềm vui cho những người kém may mắn.


(Theo VnExpress.net)
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Võ thuật cho người khuyết tật, điều này thực sự có ý nghĩa!
 
Quả là rất có ý nghĩa. Nam nghĩ CLB mình có thể làm được gì cho người tàn tật không ? (trừ hoạt động đi thăm)
 
Đỗ Việt đã viết:
Quả là rất có ý nghĩa. Nam nghĩ CLB mình có thể làm được gì cho người tàn tật không ? (trừ hoạt động đi thăm)
Mình chắc chắn không dạy được cho học võ thuật rồi. Điều này mình chưa có đủ nhân lực. Mình chỉ có thể đem niềm yêu thích võ thuật đến cho họ mà thôi. THực ra muốn làm gì cho họ thì nhiều nhưng trước hết mình phải phát triển đã, phải có lực lượng và trình độ đã.
 
chúng ta có thể nhờ tình nguyện trẻ mà ?
tại sao ko thể cơ chứ
nhóm khuyết tật ở đó hoạt động khá tốt mà
 
Không. Anh đã có kế hoạch khác rồi ;)
Có thể dừng thảo luận ở topic này, nếu cần thì mọi người lập topic mới nhé :)
 
Tôi chỉ không đồng ý cái câu cuối cùng của bài báo kia. Thằng cha viết bài này cóc hiểu gì về võ thuật. Tập luyện chỉ hi vọng kiếm huy chương >>>>> Cái này là bệnh thành tích, loại nhà báo bị bệnh thành tích là loại đáng chém 8-X !!!

Dạy võ cho người khỏe mạnh còn khó chứ nói gì dạy người tàn tật. Dù sao võ thuật (theo đúng nghĩa nhé) sẽ đem lại hiệu quả rất tốt. Tôi chỉ nhấn mạnh rằng luyện võ không phải để khoe sức mạnh, để chứng tỏ mình hơn người.
 
Hoàng Minh nói thế là hoàn toàn đúng. Nhưng mà theo tớ, sự "mang vinh quang về cho Tổ quốc" không nhất thiết đồng nghĩa với việc mang nhiều huy chương về. Tớ tin là cho dù đôi khi họ không giành chiến thắng, nhưng sự nỗ lực luyện tập và thua đối thủ một cách vinh quang thì cũng vẫn là vinh dự cho Tổ quốc, đúng không ?
Tớ nghĩ cái người đó không phải có ý nói là VN mình thèm huy chương đâu :)
 
Hì, tập luyện võ thuật chỉ với mục đích rèn luyện thôi thì người ta cũng phải nể rồi. Huy chương không phải là cái đáng giá nhất. Cái mấu chốt để đánh giá một đất nước là trình độ phát triển (trong đó con người là rất quan trọng) chứ đâu phải là huy chương :D.

Thêm một điều khác nữa: chả việc quái gì phải lo lắng cho tổ quốc, phí thời gian. Chỉ cần lo sống cho thật tốt thê là tổ quốc đã được nhờ rồi :D. Cử ở đấy mà kêu gào vì tổ quốc thì cuối cùng chỉ có toàn... thùng rỗng :D !!!
 
Back
Bên trên