Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải: "Giáo viên cũng dốt"

Lưu Công Thành
(congthanh)

Điều hành viên
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải: ''Hổng kiến thức vật lý - nhà dột từ nóc''

"Theo tiêu chuẩn đặt ra của chương trình sách giáo khoa mới, nhất là sách Vật lý lớp 6, học sinh phải làm thí nghiệm có kết quả tốt mới có thể tự tạo được kiến thức mới. Vậy mà dù đã hết tuần thứ 10 của năm học 2002 - 2003, nhưng nhiều trường ở các địa phương vẫn chưa mua thiết bị dạy học cho lớp 1 và lớp 6, hoặc có nơi mua mà không dùng hoặc chỉ dùng cho giáo viên làm mẫu. Đến các giáo viên dạy vật lý, thậm chí đã lên thạc sĩ nhưng cũng chỉ coi thí nghiệm như một "tiết mục" phải làm để đối phó. Sau đây là trăn trở của một nhà khoa học vật lý - tiến sĩ Nguyễn Văn Khải.


Thiết bị thí nghiệm vật lý giả và kém chất lượng ở đâu ra?

Đối với môn vật lý chương trình phổ thông, nếu không có thí nghiệm thì chỉ cần giảng bài mười lăm, hai mươi phút là hết bài. Trong khi các thí nghiệm được rất đơn giản, học sinh có thể thường thấy các hiện tượng vật lý tương tự trong đời sống, thì thiết bị thí nghiệm của bộ giáo dục và đào tạo bán ra lại khá phức tạp và đắt đỏ.

Cuối tuần thứ 3 của năm học này, tôi lên Hà Giang giúp đỡ một số học sinh Tân Thịnh, Tân Nam bị lũ quét. Chẳng cứ ở sở giáo dục và đào tạo, mà ở các trường người ta cũng đều không muốn mua bộ thiết bị dạy học cho cả lớp 1 và lớp 6. Vùng này chẳng nhiều gỗ, ròng rọc cheo rèm cửa bán đầy chợ giá 2.000 đ/cái. Ai chẳng làm được mặt phẳng nghiêng bằng gỗ kê trên vài quyển sách, dại gì mua mặt phẳng nghiêng từ Hà Nội chuyển lên, gồm hai thanh gỗ ròng rọc, một lặp là sắt uốn hình chữ U có chốt để thay đổi độ cao mặt phẳng nghiêng giá 45.000 đ/cái. Vậy mà với mấy cái đồ thí nghiệm cỏn con này, cả nước phải chi: 9.286 bộ x 6 cái x 45.000 đồng = 2.507.220.000 đồng.

Chiều ngày 03/11, tôi đến trường phổ thông cơ sở Giảng Võ thì thấy một cô giáo dùng một thanh sắt có hai gờ làm mặt phẳng nghiêng để dạy bài động năng chứ không dùng đồ thật của bộ bán. Theo giải thích của cô giáo này: "Chân mặt phẳng nghiêng bộ bắt mua là một ròng rọc, vật lăn hay trượt xuống tới đó bị giữ lại. Cả thế giới chưa có mặt phẳng nghiêng nào dùng cho học sinh lại có cấu tạo như vậy. Đã vậy, khi kéo đồ nặng trên sàn nhà, ai cũng dùng ván làm mặt phẳng nghiêng, kéo lên thấy nặng thì thay tấm dài hơn, tức kéo dài mặt phẳng nghiêng đẩy sẽ dễ hơn. Chẳng ai hạ thấp độ cao mặt phẳng nghiêng như phải làm theo đồ thí nghiệm (h.14.1 trang 48 sách giáo khoa Vật lý 6 in năm 2002)".

Trong một lần đi công tác ở tỉnh Hà Giang, có phụ huynh tâm sự với tôi: "Mỗi tháng nộp 12 kg ngô cho con đi học là đã cố gắng lắm rồi, bây giờ bắt đổi 45 kg ngô để lấy hai thanh gỗ ấy thì ai chịu nổi". Còn theo một thầy giáo có tên là Đặng Vũ Hải: "Thì chỉ cần chọn mua một số thiết bị thí nghiệm với giá khoảng 3.000.000 đồng là đủ. Nếu mua ở chợ Hà Giang còn rẻ hơn nhiều lần, không cần mua hết mọi thứ với giá tới 26.500.000 đ/bộ. Mà nhiều trường hiện giờ còn chưa có chỗ để đồ thí nghiệm cơ mà".

Nhiều trường học trong những ngôi nhà cấp 4, cửa ra vào nứt toác, tủ đựng đồ thiết bị dạy học không có cánh, đầy bụi đất, đến cái bóng đèn dây tóc giá 2.000 đ/cái còn không có mà dùng, nói gì tới bỏ tiền mua cốc thuỷ tinh của bộ làm thí nghiệm. Ấy là chưa kể đến mấy cái đồ đấy toàn được làm bằng thuỷ tinh chất lượng tồi, kẻ vạch lem nhem, đáng lý ghi là ml lại ghi là ml, ở vạch thứ tư đã ghi là 200, tới vạch thứ 6 cũng ghi là 200, mà giá tới 16.000 đồng/bộ.

Chỉ riêng quả cân làm thí nghiệm, thay vì dùng quả nặng 200 g giá 4.000 đồng/quả để đo trọng lượng riêng, nhiều trường đã có sáng kiến dùng những vật nặng có trọng lượng tương đương. Nếu trường nào cũng làm như vậy thì tính sơ sơ, chúng ta có thể tiết kiệm được: 9.286 bộ x 6 quả cân x 4.000 đồng = 222.864.000 đồng.


Hổng kiến thức vật lý - "nhà dột tự nóc"

Trong hai ngày 07 và 8/10, phòng giáo dục và đào tạo quận Ba Đình, Hà Nội đã tổ chức cho tất cả giáo viên vật lý trong quận học làm thí nghiệm vật Lý lớp 6 dưới sự hướng dẫn của các thầy ở Trung ương về. Nhưng chẳng may khi thầy làm thí nghiệm về "vật rắn co lại khi gặp lạnh" thì lại không thành công. Trước sự cố này thầy giáo cũng chẳng biết giải thích vì sao.

Khi các học viên hỏi: "Tại sao vừa treo quả cân vào móc lực kế, móc đã rời khỏi lực kế? Treo một quả, lò xo dãn 2 cm, treo hai quả dãn 4,5 cm, mà đáng ra chỉ dãn 4 cm?...", vị thầy giáo đã thản nhiên trả lời: "Ai có ý kiến gì cứ ghi vào giấy để chuyển tới nơi cần đến; còn lực kế không chính xác vì bộ giao cho 5 công ty thiết bị giáo dục làm đồ thí nghiệm cho toàn quốc, mới chỉ cho lớp 1 và lớp 6 đã tới 300 tỷ đồng trong thời gian ngắn, phân xưởng chỉ có một người cuốn dây lò xo, làm vội nên đo sai nhiều".

Thật kỳ lạ, mỗi lực kế giá 18.000 đ/cái, mỗi bộ có 6 cái 1N, 6 cái 5N. Toàn quốc phải mua của người đó: 9.286 bộ x 12 cái x 18.000 đồng = 2.005.776.000 đồng. Trong khi đó, với trình độ lớp 6, chỉ cần một lò xo giá 500 đ/cái và một tấm gỗ, một cái móc... cứ cho đắt là 4.000 đ/cái, thì cả nước chỉ mất khoảng 9.286 bộ x 12 cái x 4.000 đ = 445.728.000 đồng là cùng. Vừa rẻ mà có khi còn chính xác hơn.

Tương tự, trong một lần dự giảng ở một trường huyện Thanh Trì, Hà Nội, giảng viên vật lý đã giải thích với các học sinh của mình và chúng tôi rằng: "Khi đo nhiệt độ nước đá bằng nhiệt kế có nước màu đỏ, nhiệt kế chỉ 60oC vì nước đó là dầu, nếu là rượu sẽ chỉ 0oC. Còn trong sách giáo khoa, theo danh mục thiết bị dạy học đó phải là nhiệt kế rượu, tại sao giáo viên lại bảo là nhiệt kế dầu?

Ngày 19/09, sở giáo dục đào tạo thành phố Hà Nội đã có công văn gửi các phòng giáo dục đào tạo trong thành phố về sự xuất hiện thiết bị dạy học giả và kém chất lượng. Sở ra chỉ thị sẽ tổ chức đến các trường kiểm tra vào tháng 10 này. Không biết có thật là sở không biết thiết bị dạy học giả, kém chât lượng từ đâu mà ra không?


Kiểm tra trắc nghiệm môn vật lý - tốt hay dở?

Thời gian qua nhiều trường phổ thông cơ sở đã tổ chức kiểm tra kiến thức học sinh bằng hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, tôi nhận thấy hầu hết các cháu đều ú ớ không hiểu đề bài kiểm tra của mình, nói gì đến việc nhớ kiến thức liên quan đến bài kiểm tra. Một cháu học sinh lớp 6C, trường phổ thông cơ sở Nguyễn Du, Hà Nội đã nói với tôi: "Cháu cũng chẳng nhớ người ta hỏi cái gì cả...".

Có nên kiểm tra trắc nghiệm hay không? Theo ý kiến của riêng tôi, hiện khả năng nói các thuật ngữ kỹ thuật cũng như việc trình bày các vấn đề khoa học kỹ thuật của học sinh chúng ta rất kém... Việc chép lại đầu bài, viết giả thiết kết luận, trình bày các hiện tượng vật lý cũng là một cách rèn luyện khả năng tư duy và nhận thức về đầu bài kiểm tra, bài giảng của học sinh.

Chính vì vậy, nếu việc kiểm tra trắc nghiệm bị lạm dụng sẽ làm giảm chất lượng học tập của học sinh. Đặc biệt, hiện nay các sách vật lý mới, sách bài tập và vở bài tập vật lý in sẵn mang, các bài tập chỉ được giải bằng cách điền vài chữ, như vậy sẽ không tạo hiệu quả cao đối với quá trình tiếp thu bài vở của các cháu.

Chiều 12/11, tôi được mời hướng dẫn 30 cháu học sinh giỏi vật lý lớp 11 của một trường cấp 3 nổi tiếng ở Hà Nội. Khi tôi đề nghị bắt đầu ôn từ lớp 7, tất cả đều tỏ ra không thích. Các cháu chỉ yêu cầu tôi ra các bài mẫu và làm những thí nghiệm thường có trong các kỳ học sinh giỏi của thành phố, toàn quốc và quốc tế. Nhưng khi tôi hỏi về một số kiến thức vật lý cơ bản thì hầu như không có học sinh nào trả lời được. Vậy mà rồi trong số các học sinh đó chắc chắn sẽ có người giành được giải trong các kỳ thi học sinh giỏi sắp tới đấy!?

Trước đó, vào sáng 10/11, 2 thạc sĩ, 3 cử nhân vật lý đến mượn tôi đồ thí nghiệm. Những vị thạc sĩ, cử nhân này đã không ngần ngại nói với tôi rằng họ không biết rõ về cách làm thí nghiệm định luật Ôm, chỉnh lưu, rơle. Mới đây thôi, tối 15/11, rất nhiều nơi điện thoại đề nghị tôi hướng dẫn thi giáo viên giỏi, và mỗi người chỉ đề nghị hướng dẫn 1 bài, điều này thường xảy ra trong 4 năm nay gần đây. Chỉ có điều, với những bài giảng không thể làm thí nghiệm theo hướng dẫn của sách giáo khoa vì sai thực tế thì các giáo viên này lập tức đề nghị đến phần đó họ sẽ không làm. Song cái chính là khi những giáo viên dạy giỏi đó trả lời các câu hỏi của tôi, tôi cảm thấy thật đau lòng vì sự thiếu hổng kiến thức vật lý của họ. Nóc nhà đã dột rồi, nền lại xây bằng cát và bùn thì làm sao có ngôi nhà cao, chắc chắn được!


Nguyễn Văn Khải

Theo VASC Orient
 
Mọi người nghĩ thế nào về bài viết ra đời cách đây hơn 2 năm đó?
 
Back
Bên trên