[Tham khảo] Lược khảo võ thuật trung hoa

Phạm Minh Tuấn
(namhongson)

New Member
TỪ TRIẾT ÐÔNG



LƯỢC KHẢO VÕ THUẬT TRUNG HOA


TRÍ CHI – HỒ HIẾU VŨ

dịch và chú giải



VÕ THUẬT TÙNG THƯ XUẤT BẢN

10-12-1973





LỜI NÓI ÐẦU



Mấy năm gần đây, sách viết về võ thuật xuất bản rất nhiều. Các soạn giả đã trình bày nhiều môn võ của VN và ngoại quốc. Ðó là một hiện tượng đáng mừng vì sách võ thuật đã cung cấp rất nhiều tài liệu cho người hâm mộ võ nghệ muốn tim hiểu các môn phái và luyện tập những môn mà mình thích.



Chúng tôi cũng đọc một số sách viết về võ thuật của Trung Hoa và Việt Nam. Theo nhận xét thô thiển của chúng tôi thì võ của các nước Ðông Nam Á như Nhật, Ðại Hàn, Mã Lai, Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của võ Trung Hoa vì hoàn cảnh địa lý, văn hóa, chiến tranh, vv... Nói như vậy, chúng tôi không có ý phủ nhận những tinh hoa võ Việt Nam của người Việt đã sáng tạo với bao nhiêu tâm huyết, cũng như những ảo diệu của võ thuật thuộc các nước trên. Ðiều mà chúng tôi tha thiết nhất là mong có thì giờ tìm hiểu các võ phái của Việt Nam. Nhưng chiến tranh kéo dài, hoàn cảnh riêng không cho phép chúng tôi thực hiện ý tưởng đó.


Chúng tôi đọc quyển "Quốc kỷ luận lược" của Từ-Triết-Ðông (một giáo sư văn chương kiêm võ sư) khảo cứu về võ thuật Trung Quốc, thấy có nhận xét rất xác đáng và khoa học. Tác giả đã trình bày một số lớn các võ phái Tàu như Thái Cực quyền, Hình Ý quyền... mà các sách vở viết bằng chữ quốc ngữ có đề cập đến. Vì vậy, chúng tôi lượt dịch sách này với các dụng ý sau đây :

1. Trình bày cho đọc giả Việt Nam hâm mộ võ thuật thấy một rừng võ Trung Hoa mênh mông, đã có nhiều ảnh hưởng đến võ thuật Việt Nam.

2. Giới thiệu một tác giả Trung Hoa viết về võ thuật cổ truyền của họ với những lý luận khoa học và tương đối khách quan.

3. Cung cấp cho bạn trẻ chúng ta thích võ thuật thấy cảm tưởng của một người học võ Tàu và những kinh nghiệm của một võ sư Trung Hoa.

4. Gợi cho các bạn khảo cứu võ Việt Nam những khái niệm khi nghiên cứu võ Việt và có thể so sánh với võ Tàu.

5. Kim chỉ nam thành công cho các võ sinh mới bước chân vào nghề võ, tránh những lầm lạc đáng tiếc sau một thời gian tập luyện mà vô bổ.

Sau phần dịch thuật, chúng tôi có thêm phần phụ lục với hy vọng giúp đọc giả những tài liệu để hiểu thêm về những chi tiết võ thuật trong sách của tác giả. Tài liệu tham khảo không có nhiều, nên chúng tôi cũng chưa cảm thấy đầy đủ trong phần phụ lục này. Hy vọng ở lần tái bản, chúng tôi sẽ tăng bổ thêm.

Cuối cùng, chúng tôi mong sách nầy đến tay các bạn đọc, nhất là các bạn trẻ yêu võ nghệ, như một niềm tin của một người đồng điệu gửi đến một người bạn đồng thanh khí.

Sài gòn, 21 tháng 4 năm 1973

Dịch giả cẩn chí

Trí Chi – Hồ Hiếu Vũ
 
Re: lược khao võ thuật trung hoa

CHƯƠNG MỘT



DẪN CHỨNG VÕ HỌC THỜI XƯA



Ðể phân biệt với các môn võ du nhập từ ngoại quốc vào Trung Hoa về sau này, võ thuật ngày xưa gọi là "kỹ kích". Kỹ kích còn gọi là "Quốc Kỹ".

Trong Quốc kỹ có hai loại Quyền thuật và Binh khí. Quyền thuật là môn võ tập luyện bằng tay chân không, còn binh trượng là xử dụng khí giới. Khảo cứu về những thời trước dây thấy có các môn Thủ bác (đánh bằng tay) Giốc để (giốc : đối chọi, để : xô đẩy, tức là môn đô vật) ; Ðạo dẫn (thuật hô hấp, nội công) và kiếm thuật (môn đánh kiếm). Bốn môn này liên lạc với nhau rất cần thiết cho con nhà võ, rồi dần dần họp lại thành ra kỹ kích của các đời gần đây.

Căn cứ vào sách vở có thể đưa ra những luận chứng về võ thuật.



1. QUYỀN THUẬT VÀ GIỐC ÐỂ

Trong mục "Nghệ văn chí" của sách Hán thư nói về "binh kỹ xảo" gốm có mười ba nhà, trong đó sáu thiên nói về môn thủ bác cũng xếp vào binh kỹ xảo. Như vậy thấy rằng võ thuật đã được dùng trong quân ngũ từ xưa. Truyện "Cam Diên Thọ" trong Hán thư chép :

Diên Thọ thì về môn thủ bác...

Võ sĩ được thi bằng môn thủ bác...

Như vậy môn võ nầy đã được thực dụng từ xưa.

Cũng trong Hán thư, mục "Vũ Ðế Ký" chép :

Mùa xuân năm Nguyên Phong thứ ba nhà vua sai tổ chức hội giốc để...

Như thế môn đô vật đã được dùng trong các cuộc vui đời nhà Tần (từ năm 221 đến năm 206 trước Tây lịch). Trước đời Tần chưa có danh từ giốc để nhưng đã có môn giốc để.

Từ đó về sau, môn đô vật cũng được thịnh hành. Truyện "Lý Tồn Hiền" trong Ngũ Ðại Sử chép :

Vua Trang Tông cũng thích môn giốc để thường đấu nhau với Vương Ðô và thắng luôn nên tự kiêu.

Như vậy môn đô vật tuy có thắng bại nhưng không đến nổi bị thương, vì thế có thể đấu với nhau như một môn thể thao. Môn này thường dùng sức mạnh một cách khéo léo, chủ ý vật ngã địch. Còn môn thủ bác như quyền thuật ngày nay, vừa đánh, vừa đá, cố ý làm cho địch tử thương. Hai môn này mục đích khác nhau nhưng có thể tương thông. (Tại Việt Nam môn đô vật chẳng biết có từ đời nào, nhưng đến thời đại nhà Tiền Lê (1428-1527) thì có Mạc Ðăng Dung đã thi đỗ Ðô lực sĩ. Tưởng cũng nên biết rằng đô vật Việt Nam cổ truyền không "tàn bạo" như đô vật của Âu Mỹ. Hai bên đấu vật ai bị vật ngã ngữa hai vai chạm xuống sàn hoặc bị nhấc bổng hai chân khỏi sàn là thua, và tuyệt đối cấm lên gối, đá, đánh...)



2. SỰ BIẾN THIÊN CỦA THUẬT ÐẠO DẪN

Phép đạo dẫn xưa đã có, Trong mục "Nghệ văn chí" của Hán Thư, phần "Phương kỹ lược" có ghi về 13 vị thần tiên, chép rằng :

Hoàng Ðế có thuật "Tạp tử bộ dẫn" gồm mười hai quyển, trong đó có đề cập đến phương pháp đạo dẫn.

Truyện "Hoa Ðà" trong sách Tam quốc có chép : Hoa Ðà có thuật vận khí hô hấp để chữa bệnh (Hoa Ðà biết môn ngũ cầm : Nhứt hổ, nhì nai, ba hùm, bốn dã nhân, năm chim muông).

Như vậy, đạo dẫn và quyền thuật có đã lâu, các võ thuật gia áp dụng môn đạo dẫn để tăng thêm sức mạnh. Tuy nhiên có điểm khác nhau là đạo dẫn để dưỡng sinh, còn quyền thuật để đánh kẻ địch.

Trong sách Dưỡng tín diện mệnh lục có các chương "Phục khí liệu bệnh đạo dẫn án ma", các chương này trình bày phương pháp tập luyện gần giống như môn Bát Ðoạn Cẩm và Dịch Cân Kinh sau này.



3. NGUỒN GỐC CỦA KIẾM THUẬT

Môn đánh kiếm rất tiện lợi trong võ nghệ thời xưa. Những võ khí như qua, can, mâu, kích dùng trong chiến trận. Các lối đâm, chém, lui, tiến đều phải theo mệnh lệnh, không thể nhảy nhót mau lẹ theo ý muốn của mình, chỉ có kiếm là có thể tung hoành theo ý riêng. Nếu tập luyện thuần thục thì có thể tự vệ một cách linh động nên môn này ngày càng xảo diệu, vì vậy Hạng Võ nói :

– Có thể dùng kiếm địch với một người.

Ðời Xuân Thu Chiến quốc thuật đánh kiếm đã phổ biến cả phương Nam lẫn phương Bắc Trung Hoa. Sách Ngô Việt Xuân Thu chép chuyện "Viên Công Việt Nữ" tuy gần với thần thoại, nhưng cũng đủ chứng minh rằng môn kiếm thuật rất thịnh ở phía Nam nước Tàu.

Truyện Kinh Kha trong sử ký chép :

Kha bàn về kiếm thuật trái ý Nhiếp Cái. Về sau Kha đâm không trúng Tần Thủy Hoàng, Lỗ Câu Tiễn có nói :

– Tiếc thay không tinh luyện môn kiếm thuật.

Như vậy kiếm thuật cũng thông dụng ở phương Bắc nước Tàu.

Ðến cuối đời Hán, thuật đánh kiếm vẫn còn thịnh, sách Ðiển Luận của Tào Phi có chép : kiếm pháp ở bốn phương đều khác nhau, duy chỉ ở Kinh sư là hay nhất.

Trong đời vua Hoàn Ðế, Linh Ðế có quan Hổ Bôn là Vương Việt giỏi kiếm thuật, nổi tiếng ở kinh sư. Người ở Hà Nam là Sử A theo học với Việt, cũng giỏi môn này.

Quan Phân Úy tướng quân nhà Ngụy là Ðặng Triển có thể tay không đoạt được đao, kiếm. Tào Phi lúc trẻ cũng giỏi màn đánh song kích, thường tự cho là vô địch.

Như vậy môn kiếm đến đời Tam Quốc lại thành môn tay không đoạt kiếm, cùng những loại đánh song kích, đơn kích và kiếm pháp. Về sau các môn binh khí đều bắt nguồn từ kiếm thuật.

Sách Kỹ hiệu tân thư của Thích Kế Quang cho rằng các môn chỉa ba, côn, thương, yển nguyệt đao, câu liêm đều phát nguyên từ kiếm thuật.

(Sách xưa có chép lại sự chế tạo kiếm rất tinh vi. Ngày nay những vùng Giang Tô, Long Tuyền, Chiết Giang và Tô Châu còn lưu lại những cổ tích có liên quan đến sự luyện kiếm. Ngày trước cổ nhân chẳng những giỏi về kiếm thuật mà còn giỏi về cách luyện kiếm. Tương truyền đời xưa có những thanh kiếm nổi danh như : Long Tuyền, Thái A, Tử Hồng, Ngư Trường và hai thanh kiếm thư hùng Mạc Gia và Can Tương lại càng nổi tiếng hơn, chế tạo rất tinh vi được gọi là thần kiếm. Như vaềy có thể thấy được sự quý báu và thông dụng của kiếm thuật lúc bấy giờ)



4. PHÂN TÍCH CÁC PHÁI VÕ CẬN KIM THỜI ÐẠI

Các môn thủ bác, giốc để, đạo dẫn, kiếm thuật dần dần hòa hợp với nhau thành ra quyền thuật cận đại. Môn phái về quyền thuật khác nhau nhưng đều có những ưu điểm. Các môn Thái Cực, Bát Quái, Hình Ý của Nam phái chịu ảnh hưởng thuật đạo dẫn ; các môn Thiếu Lâm, Ðàn Thoái, Hành Quyền, Ðoản Ðả, Ðịa Ðường của Bắc phái chịu ảnh hưởng của thuật thủ bác. Môn đô vật chịu ảnh hưởng của thuật giốc để. Các phương pháp dùng võ khí chịu ảnh hưởng của kiếm thuật và thủ bác, dung hợp rồi biến hóa ra vậy.

(Những điều nhận xét trên là căn cứ vào sách xưa có giá trị có thể tin được nên đưa ra để suy luận. Còn những truyền thuyết hoang đường về võ nghệ thì không đề cập đến).
 
Re: lược khao võ thuật trung hoa

CHƯƠNG HAI



NHỮNG ÐIỂM KHÁC NHAU CỦA VÕ THUẬT


Võ thuật Trung quốc ít khi được ghi chép đúng sự thật mà chỉ căn cứ vào những truyền thuyết. Vì vậy một chuyện lại có nhiều thuyết khác nhau, một tên mà có nhiều lối giải thích. Vì thời gian qua đã lâu, khó biết được chỗ nào đúng, chỗ nào sai. Nhân đó chúng tôi mới viết chương khảo dị này để ghi lại những thuyết khác nhau ấy.



1. NHỮNG THUYẾT KHÁC NHAU VỀ MÔN ÐÀN THOÁI



Ðàn thoái còn gọi là Ðàm thoái. Nguồn gốc của phái nầy đến đây chưa thể khảo cứu được. Những người gọi môn này là Ðàm thoái thì cho rằng nó được một nhà sư ở chùa Long Ðàm tại sơn lâm truyền lại. Một thuyết khác lập luận sở dĩ gọi là Ðàm thoái vì người sáng tạo ra môn võ này vốn họ Ðàm ờ tại Hà Nam. Còn gọi là Ðàn thoái thì cho rằng lúc đá chân phát lực ra thế mạnh như đạn bắn.



2. KHẢO DỊ VỀ MÔN TRA QUYỀN


Tra quyền còn gọi là Xoa quyền. Hai âm "tra" và "xoa" gần như nhau. Có lẽ môn Tra quyền thường dùng xoa chưởng, xoa bộ, rồi từ chỗ thường dùng mà môn võ này mang tên là Xoa quyền chăng ? Còn gọi là Tra quyền có lẽ môn này được một người họ Tra sáng tạo ra ?



3. KHẢO LUẬN VỀ NHỮNG THUYẾT KHÁC NHAU CỦA MÔN TRƯỜNG QUYỀN


Gần đây, người ta gọi Trường quyền tức là những môn quyền thuật ở phương Bắc Trung Quốc chuyên bôn trì, tiến thoái mau chóng. Sách Kỷ Hiệu Tân Thư của Thích Kế Quang gọi Thái tổ Trường quyền, thất thập nhị hành quyền của nhà họ Ôn đều thuộc loại này. Ðó là sự khác nhau giữa Trường quyền và Ðoản đả. Nhưng chúng tôi từng thấy bản sao sách Thái cực quyền luận có chép : "Sở dĩ gọi là trường quyền bởi quyền pháp như Trường giang, Ðại hà, thao thao bất tuyệt". Trong chương thứ năm sách Thái cực quyền thế độ giải của Hứa Vũ Sinh có chép :


Ðời Ðường, Hứa Tuyên Bình còn truyền lại môn Thái cực quyền thuật còn gọi là tam thế thất, bởi vì chỉ có 37 thế mà nổi tiếng. Phương pháp dạy từng thế một để cho người học tập thuần thục rồi mới chỉ thêm một thế khác, không xác định quyền lộ, sau khi thành công, các thế tự hỗ tương liên quán, tương kế bất đoạn (nối nhau không đứt). Vì vậy còn gọi là Trường quyền.


Cũng sách ấy chép :


Họ Du có truyền môn Thái cực quyền, gọi là Tiên thiên quyền, còn gọi là Trường quyền.


Ðó là một lối giải thích về hai chữ Trường quyền. Trường quyền còn là danh từ chuyên môn để chỉ về một loại quyền thuật như sách Kỷ Hiệu Tân Thư có chép : Tống Thái tổ dạy môn Trường quyền. Thế thì Trường quyền gồm có ba nghĩa khác nhau.



4. KHẢO LUẬN VỀ NHỮNG Ý NGHĨA KHÁC NHAU CỦA NAM PHÁI


Ngày nay cho rằng quyền thuật lưu hành ở vùng Trường giang tư thế gọn và kín đáo nên gọi là Nam quyền, còn gọi là Nam phái. Quyền thuật lưu hành vùng Sơn Ðông, Hà Bắc, tư thế rộng và không kín gọi là Bắc quyền hay còn gọi là Bắc phái. Như vậy gọi Nam phái và Bắc phái là người ta dựa theo từng khu vực có những loại quyền thuật lưu hành mà nói. Ðiều ấy cũng có lý.


Nhưng căn cứ vào nguyên nhân gọi quyền thuật là Nam phái hay Bắc phái thì Nam phái chỉ những môn Thái cực, Bát quái... chuộng về nhu. Các phái này tuy có những thế đánh địch thủ, nhưng chịu ảnh hưởng của thuật đạo dẫn ngày xưa.


Danh từ Bắc phái dùng để chỉ những môn như Trường quyền, Ðoản đả, chuộng về cương mãnh tuy cũng dùng để đả thông kinh mạch trong thân thể, nhưng mục đích là dùng để chế ngự địch thủ. Nếu theo phái biệt của quyền thuật mà xét thì võ ngày nay ở vùng Trường giang tức là môn Ðoản đả trong Bắc phái vậy.



5. NHỮNG GIẢI THÍCH KHÁC NHAU VỀ NỘI GIA VÀ NGOẠI GIA


Danh từ Nội gia và Ngoại gia trong quyền thuật bắt đầu có từ Hoàng Tông Hy viết bài : "Vương Chinh Nam mộ chí minh" trong văn tập Nam Lôi. Trước họ Hoàng, các sách võ của Thích Kế Quang, Trình Xung Ðẩu đều không có danh từ này. Theo lời họ Hoàng : Quyền thuật phái Thiếu Lâm nổi tiếng trong thiên hạ, nhưng chủ yếu là đánh kẻ địch, kẻ địch cũng nhân đó mà tìm cách đánh lại.

Còn gọi Nội gia tức là lấy tĩnh chế động, kẻ phạm vào ta lập tức ngã ngay. Vì vậy võ của phái Thiếu Lâm cũng thuộc vào hàng Ngoại gia.


Như vậy Nội gia chủ về tĩnh, còn Ngoại gia chủ về động. Cho nên Nội gia và Ngoại gia còn dùng để chỉ nội công và ngoại công.

Sách Thiếu Lâm quyền thuật bí quyết có nói :


Từ đời Minh (1368-1436) về sau bàn luận về võ nghệ mới chia làm hai phái Nội gia và Ngoại gia. Tại sao gọi là Nội gia ? Tức là tiếng phổ thông để chỉ những kẻ sống trong cõi trần này như trong nhà. Ngoại gia là chỉ những người sa môn, tu theo đạo giáo để phân biệt với người trần tục. Giống như nhà Phật gọi người tại gia và xuất gia vậy.


Ðó cũng là một thuyết về Nội gia và Ngoại gia. Nhưng thuyết của Hoàng Tông Hy tương đối xưa hơn, có thể đúng với nghĩa lúc ban đầu.



6. KHẢO CỨU SỰ KHÁC NHAU CỦA MÔN BÁT ÐOẠN CẨM


Khi bàn về môn Bát đoạn cẩm, Triều Công Vũ có viết trong Quận Trai độc thư chí như sau :


Một quyển sách bát đoạn cẩm không đề tên người soạn, chép về các thuật thổ cố nạp tân (thở hơi cũ, hít hơi mới).


Ngày nay có hai loại Bát đoạn cẩm : một loại có 8 thức thường tập theo thế kỵ mã. Một loại nữa chia thành 3 phần, tất cả 24 thức, khi tập luyện thường đứng thẳng. Loại thứ nhất chỉ tập luyện về gân sức. Loại thứ hai là hít khí vào và tưởng tượng khí thông suốt đến đầu ngón tay. Loại một tương truyền do Nhạc Vũ Mục (Nhạc Phi) sáng chế. Loại hai là do Thanh Lai chân nhân truyền.


Lại có lối ngồi mà tập luyện gọi là Văn bát đoạn, còn có tên là Thập nhị đoạn cẩm ở torng có ghi những động tác như "Tả hữu minh thiên cổ", "Tưởng hỏa thiêu tế luân", "Bối hậu ma tinh môn"... Càng gần với phép đạo dẫn, cùng với những điều ghi chép trong sách Di tiên chí của Lý Tự Củ có nhiều điểm đại đồng. Lối này rất gần với cổ pháp. Riêng loại Bát đoạn cẩm của họ Triều không thuộc về loại này.



7. KHẢO CỨU VỀ SỰ TÍCH CỦA HỒNG KỶ VÀ TRƯƠNG TÙNG KHÊ


Trong sách Thiếu Lâm côn pháp xiển tông của Trình Xung Ðẩu có chép : Ông theo các nhà sư Thiếu Lâm tập côn pháp. Trong văn tập của Lục Phu Ðình (quyển 6), chuyện "Thạch Kính Nham" có viết :


Khi Thẩm Thụy Trinh đóng quán ở Thái thương chiêu mộ những thầy giỏi võ vùng Ðông nam để luyện tập cho quân sĩ. Kính Nham nhận lời mời đến dạy. Ðồng thời cũng có nhiều người đến dạy như Tào Lan Ðình, Triệu Anh cùng với các nhà sư Thiếu Lâm như Hồng Kỷ, Hồng Tín.


Như vậy nhà sư Hồng Kỷ ở đây và nhà sư Hồng Kỷ dạy côn pháp cho Trình Xung Ðẩu có phải là một hay không ?


Sách Ninh ba phủ chí chép : Trương Tùng Khê người đất Cẩn theo học với Tôn Thập tam lão nhưng Hoàng Tông Hy không nói đến điều đó. Họ Hoàng lại cho rằng Tùng Khê vốn người ở Hải Diêm, như vậy, khác với điều chép trong Ninh ba phủ chí. Các điều chép trong sách Thiếu Lâm quyền thuật bí quyết (xem chương Tồn Nghi) lại khác nữa. Không rõ thuyết nào đúng. Nhưng sách Thiếu Lâm quyền thuật bí quyết ra đời sau này còn Ninh ba phủ chí tương đối gần sự thực hơn bởi vì do người đồng hương của Tùng Khê viết theo học với Tôn Thập tam lão, điều này sách Ninh ba phủ chí bổ khuyết cho sự thiếu sót của họ Hoàng. Còn việc Tùng Khê có phải là người ở Hải Diêm hay không là do Hoàng Tông Hy. Vì họ Hoàng là học trò của Vương Chính Nam, Chính Nam là đệ tử đời thứ ba của Trương Tùng Khê.
 
Re: lược khao võ thuật trung hoa

CHƯƠNG BA



BIỆN LUẬN VỀ NHỮNG SAI LẦM


Võ thuật Trung hoa có rất nhiều truyền thuyết sai lầm mà các điều ghi chép trong sách vở cũng có nhiều sự vay mượn ngụy tạo. Sai lầm từ đời này nối tiếp đời kia, không phải chỉ một sớm một chiều. Nay biện minh như sau để hy vọng thay đổi những chỗ sai lạc. Những chỗ cũ chính chỉ đưa ra những nét đại cương, những chỗ y thác (dựa vào đó mà thêm thắc vào) không liên quan đến đại thể cũng không đề cập đến (như người ta cho rằng môn kích được truyền từ Lữ Bố hay Tiết Nhơn Quí, thương được truyền từ Triệu Vân, Trương Phi...)



1. SỰ GIẢ MẠO VỀ YẾU LUẬN CỦA HÌNH Ý QUYỀN

Các nhà quyền thuật phái Hình Ý cho rằng môn này được truyền từ Nhạc Phi. Chuyện này do sự vay mượn mà có. Các nhà quyền thuật phái này mượn danh họ Nhạc để tăng thêm giá trị cho môn phái. Chúng tôi từng có bài : "Bạt Nhạc Phi thị Hình ý quyền yếu luận" rằng : "Lý Kiếm Thu soạn sách Hình ý quyền sơ bộ cuối cùng có phụ mười thiên về "Nhạc Võ Mục". Sách Hình ý quyền học yếu luận viết là cuốn sách này do Trịnh Liêm Phố ở Tế Xương tìm được. Theo chúng tôi xem về văn thể của bài này toàn theo khí cách của thể văn "bát tỷ" (là một thể văn biền ngẫu, giống bát cổ gồm có 8 đoạn). Thể văn "bát tỷ" không thấy Nhạc Vũ Mục viết đến bao giờ. Những người học võ thường ít hiểu văn chương nên không nghi ngờ. Còn người học văn xem qua biết ngay là do người đời sau mượn danh Nhạc Vũ Mục mà viết ra yếu luận về Hình ý quyền.



Yếu luận đã không phải do Nhạc Vũ Mục viết thì môn Hình ý quyền có phải do Vũ Mục truyền lại hay không ? Ðó là một điểm đáng nghi ngờ.



2. DỊCH CÂN KINH, TẨY TỦY KINH KHÔNG PHẢI CỦA ÐẠT MA ÐẠI SƯ

Nghiên cứu tường tận về quyền thuật của Thiếu lâm tự cũng không biết môn võ này được sáng tạo vào lúc nào. Theo những điều ghi chép trong sử thì võ Thiếu lâm có từ đời nhà Ðường (618-713). Nhưng nguồn gốc về quyền thuật và sự truyền dạy võ nghệ trong chùa Thiếu lâm thì mãi đến đời Minh (1368-1436) mới có thể khảo chứng được. Vì truyền thuyết cho rằng Ðạt Ma thiền sư sáng tạo ra võ Thiếu lâm nên nhiều người hiếu sự lại soạn thêm sách Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh để làm cho thuyết này đúng sự thực hơn. Trong bài "khảo chứng về Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh" tôi có nói :

Hai sách này do người đời Minh hoặc đời Thanh làm ra, nhưng lại thác danh là do Ðạt Ma thiền sư soạn.



Chúng tôi xin đưa ra những chứng minh :



a. Sự giả tạo trong bài văn tựa của Lý Tĩnh :

Trong bài văn tựa của Lý Tĩnh viết ở sách Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh, phần cuối cùng có ghi Lý Tĩnh Dược Sư phủ tự. Nhưng theo truyện "Lý Tĩnh" trong Cựu đường thư thì Dược Sư nguyên là tên của Lý Tĩnh. Tên "Tĩnh" là mới cải lại sau này. Thế mà trong sách ấy lấy hai chữ Dược Sư làm tên tự của Lý Tĩnh tức là ngụy tạo. Trong bài tựa còn nói : Cù Nhiêm dạy lại cho tôi (tôi tức là Lý Tĩnh) và chuyện "Cù Nhiêm khách" được viết ra vào đời Ngũ Ðại (từ 907 đến 960 gồm : Hậu Lương, Hậu Ðường, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu) do Ðỗ Quang Ðình soạn đó là một điều ngụy tạo nữa. Cuối bài tựa này còn viết bài tựa soạn ra năm Trinh Quán thứ 2 vào tháng 3. Khảo cứu trong sách Ðường Thư thì tháng 3 năm Trinh Quán thứ 2, Lý Tĩnh đang làm quan Nội Ðạo Hành Quân Ðại Tổng Quản để chống nhau với bộ lạc Tiết Diên Ðà. Như vậy chính là lúc Lý Tĩnh đang lập công, thế mà bài tựa lại nói lúc này Lý Tĩnh đã "công thành thân thoái", sai với thực tế. Ðó là một điều ngụy tạo nữa.



b. Bài tựa của Ngưu Cao cũng giả tạo

Trong bài tựa này có câu : Ngựa đất qua sông không phải là sự thực chép trong chính sử mà là chuyện bịa đặt trong tiểu thuyết. Ðó là một điều ngụy tạo. Cũng trong bài tựa này viết : soạn ra vào năm Thiệu Hưng thứ 12 cất ở vách núi đá tại Tung Sơn. Nhưng năm Thiệu Hưng thứ 11, nhà Tống đã nhường đất Hà Nam cho nước Kim (1441) Ngưu Cao làm sao có thể đem bài tựa cất dấu ở Tung Sơn ? Vã lại nếu sai người đi dấu sách thì hà tất phải dấu ở đất của nước Kim, đó là một điều ngụy tạo nữa (Tung Sơn là tên dãy núi chạy dài trên vùng đất của ba tỉnh Phúc Kiến, Hồ Nam và Giang Tây. Hai ngọn núi lớn nhất của dãy Tung Sơn là Thiếu Thất sơn và Thái Thất sơn nằm trên phần đất Tuyền Châu thuộc hai huyện Ðăng Phong và Tân Mật). Các bài tựa trên đều là ngụy tác, như vậy bài tựa cho rằng Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh truyền từ Ðạt Ma cũng không đủ tin.



Hơn nữa Ðạt Ma thiền sư mở đầu môn Thiền tông vốn dùng tĩnh tọa để chứng ngộ, không dùng văn tự để nói đến yếu chỉ môn này. Ngài truyền cho Tuệ Khả thiền sư chỉ nói rằng : Lăng Già bốn quyển có thể làm tâm ấn. Nếu Ðạt Ma có Dịch cân kinh, Tẩy tủy kinh, tại sao không nói một lượt với kinh Lăng Già ? Há rằng Dịch cân kinh còn xảo diệu hơn kinh Lăng Già hay sao ? Ðó là một chứng cớ về sự ngụy tạo vậy ?



Những chứng cớ trên đủ thấy sự ngụy tạo sách. Việc làm sách giả vào cuối đời Minh đầu đời Thanh (1436) thì thật nhiều. Sách Kỹ hiệu tân thư của Thích Kế Quang chép :



Các nhà quyền thuật xưa nay cho rằng Tống Thái tổ có 32 thế Trường quyền (tức Triệu Khuôn Dẫn, đồ đệ của Ðạt Ma trên đất Trung Hoa vào lúc nhà Ðường sắp suy tàn) lại có Lục bộ quyền, Hầu quyền, Hoá quyền. Ngày nay nhà họ Ôn có 72 thế Hành quyền, 36 thế Hợp tỏa... còn về côn pháp thì hay nhất là phái Thiếu Lâm, võ phái ở Thanh Ðiền, thương pháp thì có nhà họ Dương... đều nổi tiếng.



Họ Thích đưa ra những ưu điểm về quyền thuật và khí giới, ca tụng côn pháp của Thiếu Lâm mà không khen ngợi quyền thuật của phái này. Thích Kế Quang sống vào đời Minh Gia Tĩnh, Vạn Lịch. (Năm 1566 Thích Kế Quang cùng với Dũ Ðại Du dẹp tan giặc Nụy Khấu tức bọn cướp biển người Nhật sống ven miền duyên hải Trung Hoa). Như vậy thấy rằng lúc ấy quyền thuật Thiếu Lâm không hơn được quyền thuật các phái khác. Ðời Minh, niên hiệu Vạn Lịch, Trình Xung Ðẩu viết sách Thiếu Lâm côn pháp có đoạn nói :

Có người hỏi :

– Côn pháp của phái Thiếu Lâm rất hay mà tại sao ngày nay các nhà sư Thiếu Lâm chỉ chăm về quyền mà không chăm về côn ?

Tôi đáp :

– Côn pháp Thiếu Lâm còn có tên là Dạ Xoa, vốn thánh truyền của Khẩn Na La Vương đến nay gọi là Vô Thượng Bồ Ðề. Còn quyền thuật chưa nổi tiếng trong nước nên nay mới chăm về quyền để luyện môn này cho đến chỗ tuyệt diệu như côn pháp.



Thích Kế Quang ở lâu trong quân đội, rất thông thạo nghề võ. Nếu quyền pháp Thiếu Lâm đã nổi tiếng lúc bấy giờ thì tại sao khi luận về cái hay của quyền thuật các phái, họ Thích lại không đề cập đến quyền thuật của Thiếu Lâm ? Trình Xung Ðẩu sống đồng thời với Thích Kế Quang, lại vốn học võ ở chùa Thiếu Lâm, cho nên những điều ông ấy nói đúng với sự thật : lúc bấy giờ quyền thuật Thiếu Lâm chưa thịnh hành. Như vậy đời Vạn Lịch nhà Minh, quyền thuật Thiếu Lâm chưa được người ta coi trọng. Thế thì quyền thuật Thiếu Lâm nổi tiếng phải sau đời Vạn Lịch (1573-1621). Người soạn sách Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh phải sống sau đời Vạn Lịch, nhưng mượn danh của Ðạt Ma để tăng thêm giá trị của sách mình soạn. Sách này được soạn ra lúc quyền thuật Thiếu Lâm được thịnh hành sau đời Vạn Lịch vậy.

Hơn nữa, đời Minh có phong trào làm giả sách cổ : Phong Phường làm giả sách Thi truyện của Tử Cống, Thân Bồi làm giả sách Thi thuyết, Dương Thận làm giả sách Tạp sự bí tân rồi gọi tác giả là Vô danh thị đời Hán... Như vậy việc ngụy tạo Dịch cân kinh, Tẩy tủy kinh cũng do phong trào ấy mà ra.



3. NHỮNG SỰ SAI LẦM VỀ YẾU QUYẾT BÍ TRUYỀN CỦA QUYỀN THUẬT THIẾU LÂM

Sách Thiếu lâm quyền thuật bí quyết có nói về sư pháp của quyền thuật phái này hình như tập hợp các thuyết của các môn phái khác mà chưa đi đến chỗ chiết trung, vì vậy thuyết lý có nhiều chỗ mâu thuẫn nhau. Lời bạt về sách nầy chúng tôi đã từng viết :



Trong phần "Ngũ yếu thuyết" của sách này có nói : Thuật pháp của phái Thiếu Lâm tuy sáng tạo từ Ðạt Ma, nhưng phát triển, biến hóa cho đến chỗ đại thành là do Viễn Tính thiền sư. (Viễn Tính sinh vào cuối đời nhà Minh có sáng chế ra lối đánh kiếm và 10 quy ước của phái Thiếu Lâm). Trong phần quy ước của phái Thiếu Lâm lại nói : Giác Viễn thượng nhân trùng lập giới ước. Hai chỗ ấy mâu thuẫn nhau. Như thế thì Giác Viễn và Viễn Tính là một người hay sao ? Hay là hai người. Nếu là một người thì tại sao trong phần chú thích của thiên "Quyền pháp lịch sử dữ chân truyền" có ghi : Giác Viễn sống khoảng đời Kim hoặc đời Nguyên. Xét về thiên "môn phái Thiếu Lâm thay đổi vào đời Minh" thì : trong niên hiệu Sùng Trinh, Thái Cửu Nghi là đệ tử của Nhất Quán. Thế mà trong thiên "Sư pháp của Nam Bắc phái" lại ghi : Nhất Quán là đệ tử của Giác Viễn.



Như vậy, không cần biết Giác Viễn là người thế nào, cũng không phải sinh vào khoảng đời nhà Kim (1115-1234) hoặc đời nhà Nguyên (1279-1368). Nếu nói rằng ông sinh vào cuối đời Minh thì mới hợp lý. Có lẽ dưới đời Minh có một nhà sư lập ra 10 điều răn để mở rộng môn phái võ thuật Thiếu Lâm. Tên vị sư ấy là gì ? Không thể khảo cứu được và cũng không ai biết. Vì vậy có người gọi vị ấy là Viễn Tính hoặc gọi là Giác Viễn.



4. TRƯƠNG TAM PHONG KHÔNG PHẢI NGƯỜI ÐỜI BẮC TỐNG

Nhà học giả đời Thanh là Hoàng Tông Hy nói : Trương Tam Phong là người đời Bắc Tống. Người đời sau cho rằng thuyết này đúng nên rất tin theo, kỳ thật không đúng. Chúng tôi đã từng biện luận về bài "Mộ Chí Vương chinh Nam" của Hoàng Tông Hy như sau :

Trương Tam Phong là đạo sĩ ở núi Võ Ðương (núi Võ Ðương nằm giữa hai phần đất Giang Tây và Hà Nam). Vua Huy Tông nhà Tống triệu ông nhưng vì lời lẽ của ông không hợp ý nhà vua nên vua không dùng. Ban đầu Trương Tam Phong (tên thật là Trương Quân Bảo) nằm mơ thấy đức Huyền Ðế dạy cho quyền pháp. Ðến sáng một mình ông giết hơn 100 tên giặc. Võ thuật của Trương tiên sinh lan tràn đến Thiểm Tây và nổi tiếng nhất trong số các môn đồ của ông là Vương Tông.



Xem ra thuyết này không đúng. Mục "Phương kỹ truyện" trong Minh sử chép :



Trương Toàn Nhất tên là Quân Bảo hiệu là Tam Phong dung mạo khôi ngô, thân giống rùa, lưng giống hạc, tai to, mắt tròn, râu cứng như kích, dù trời nóng hay lạnh cũng chỉ mặt một bộ áo quần, đội một cái nón, ăn hơn một đấu gạo, mỗi ngày đi hơn trăm dặm. Ông cùng học trò đi chơi núi Võ Ðương lập ra lều cỏ mà ở. Vua Thái Tổ nhà Minh nghe tiếng, nên năm Hồng Võ thứ 14 (1382) có sai sứ đến tìm ông nhưng không gặp.



Thuyết này nếu so với thuyết của họ Hoàng tương đối gần sự thật hơn. Bởi vì năm Hồng Võ thứ 14 từng có việc nhà vua sai sứ giả tìm Trương Tam Phong. Có lẽ vì thế người này truyền miệng người kia nên sai lạc và cho đó là chuyện xảy ra vào đời Huy Tông nhà Tống. Một điều sai lạc nữa là thấy Trương Tam Phong giỏi võ nên người đời bịa đặt thêm là ông nhờ đức Huyền Ðế dạy cho võ nghệ trong giấc chiêm bao...



Nếu Trương Tam Phong là người đời Huy Tông nhà Bắc Tống (960-1126) thì tại sao từ đời Nam Tống (1127-1279) đến đời Nguyên (1279-1368) không có một ai nhắc đến tên ông ? Mãi đến đời Minh các đạo sĩ mới truyền về chuyện của Trương Tam Phong. Do đó lời nói của Hoàng Tông Hy chỉ là một thuyết dựa theo lời truyền khẩu mà thôi, không đủ để tin cậy.



Sở dĩ người ta cho rằng Trương Tam Phong là người đời Bác Tống vì một học giả có uy tín như Hoàng Tông Hy, lời nói của ông tất nhiên phải có giá trị.



5. BÁT ÐOẠN CẨM KHÔNG PHẢI DO NHẠC VŨ MỤC SÁNG TẠO

Tục truyền thường nói : môn Bát Ðoạn Cẩm được sáng tạo bởi Nhạc Vũ Mục. Thật ra môn này chỉ là chi nhánh của các bậc đạo gia thường tu hành theo phép đạo dẫn trước khi Nhạc Vũ Mục (Nhạc Phi) ra đời. Trong sách Di Kiên Chí của Hồng Mại có chép : năm Chính Hoà thứ 7, Lý Tự Củ làm Khởi Cư Lang thường tập phép hô hấp gọi là "Trường sinh an lạc pháp". Về sau phép này biến hoá thành môn Bát đoạn cẩm. Năm Chính Hoà thứ 7 là đời vua Huy Tông nhà Tống, lúc ấy Nhạc Vũ Mục chưa xuất thế mà môn Bát Ðoạn Cẩm đã thông hành ở đời, như vậy đủ chứng minh rằng môn này không phải do Nhạc Vũ Mục sáng tạo.



6. THƯƠNG PHÁP CỦA LỤC PHU ÐÌNH KHÔNG PHẢI LÀ MAI HOA THƯƠNG

Lục Phu Ðình rất giỏi võ nghệ, người ở vùng Thái Thương đến nay còn nhắc nhở, tán thưởng. Nhưng nhiều người cho rằng lọ Lục giỏi về Mai Hoa thương. Chúng tôi khảo cứu thấy nhiều người cùng học võ một lượt với Lục Phu Ðình như Trần Hồ (Họ Trần cũng là bậc danh Nho chuyên về Lý học ở Thái Thương). Trần Hồ có viết về cuộc đời của Lục Phu Ðình, chỉ nói Phu Ðình theo Thạch Kính Nam học thương pháp, không nói đến chuyện theo học võ với ai nữa. Xem chuyện Thạch Kính Nam của Phu Ðình thì Kính Nham giỏi về Lê Hoa thương pháp. Như vậy từ Lê Hoa thương biến thành Mai Hoa thương là có chỗ sai lầm. Gần đây, xem sách Trung Quốc thể dục sử, mục "Các nhà giỏi võ nghệ đời Thanh" của Quách Hy Phần thấy viết :

Phu Ðình giỏi võ nghệ, lối Mai Hoa thương pháp của ông là do một nhà sư ở núi Nga Mi truyền dạy.

Nếu chuyện này có thật thì tại sao Trần Hồ không chép vào phần viết về cuộc đời của Lục Phu Ðình ? Có lẽ Quách Hy Phần căn cứ vào truyền thuyết của nhiều người cho nên mới có sự nhầm lẫn ấy.
 
Re: lược khao võ thuật trung hoa

CHƯƠNG BỐN



NHỮNG VÕ PHÁI CẬN ÐẠI


Phần trước đã khảo cứu về nguồn gốc của quyền thuật, có thể coi các phương pháp đánh bằng tay, đô vật, thuật hô hấp của đạo gia, kiếm thuật là đầu mối của võ thuật cận đại. Căn cứ vào sách vở để so sánh các môn phái gần đây, ta thấy có rất nhiều sự biến thiên, nhưng có thể suy xét mà tìm ra được nguồn gốc.



Từ đời Minh (1368-1660) trở về sau, các hệ phái võ thuật tương đối rõ ràng. Thầy, trò nối nhau truyền thụ tinh hoa quyền thuật và võ khí có thể nhìn vào sách vở mà thấu rõ. Còn từ đời Minh trở về trước, nguồn gốc rất mơ hồ, phần đông chỉ căn cứ vào các truyền thuyết mà thôi. Nay lược thuật các võ phái cận đại là căn cứ vào những điều có thể tin được. Những điểm nào nghi ngờ thì xếp vào phần tồn nghi. Nếu chỗ nào có nhiều thuyết khác nhau thì lấy thuyết nào có thể tin tưởng nhất liệt vào chương này.

Hiện nay, gọi là quyền thuật, có thể chia thành Nam, Bắc hai phái. Nguồn gốc của Nam phái bắt đầu từ Trương Tam Phong ở núi Võ Ðương, trong đó, chủ yếu là Thái Cực môn, cùng với hai môn Bát Quái và Hình Ý, xếp thành một phái. Chi nhánh của Bắc phái thì rất nhiều. Trứ danh nhất gồm có Ðàm Thoái, Tra Quyền, Thiếu Lâm, Ðoản Ðả, Ðịa Ðường, Bát Cực, Phê Quải...



Võ công của Nam phái phần nhiều nhu hòa, những người theo học đa số là văn nhân, học sĩ, phần đông có ghi chép lại những điều đã học. Vì vậy nguồn gốc tương đối minh bạch – võ công của Bắc phái tương đối cương mãnh, những người theo học đa số là võ sĩ thô mãng, vì vậy nguồn gốc mờ mịt, khó biết được – nay theo sự tường thuật về nguồn gốc của các môn phái ghi chép lại ở sau.



1. NAM PHÁI



a. Thái Cực quyền

Thái Cực quyền được sáng tạo bởi đạo sĩ ở núi Võ Ðương là Trương Tam Phong : Họ Trương là người cuối đời Nguyên (1368). Ðầu đời Minh về sau có Vương Tông Nhạc ở Thiểm Tây dạy về Thái Cực quyền. Trần Châu Ðồng ở Ôn Châu theo học môn này với Vương Tông Nhạc.

Trong niên hiệu Gia Tĩnh triều Minh (1522-1567) có Trương Tùng Khê theo học với ông già Tôn Thập Tam rồi dạy cho mấy người học trò. Trong số ấy, nổi tiếng nhất là Từ Minh, Diệp Kế Mỹ, Cận Tuyền.

Về sau lại nhiều người giỏi Thái Cực quyền như Ngô Côn Sơn, Chu Văn Tuyền, Ðơn Tư Nam, Trần Trịnh Thạch, vv.... Côn Sơn lại lại dạy cho Lý Thiên Mục, Từ Ðại Nhạc, Thiên Mục dạy cho Dư Ba Trọng, Ngô Thất Lang, Từ Mậu Hoằng, Vân Truyền dạy cho Lư Thiệu Kỳ, Trinh Thạch dạy cho Tăng Nhĩ, Tăng Vĩ. Tư Nam dạy cho Vương Lai Hàm, Chinh Nam. Chinh Nam đem Thái Cực quyền dạy cho con của nhà học giả Vương Tông Hy là Bách Gia. Võ nghệ của Bách Gia chưa đạt đến tuyệt đỉnh, nhưng lại đem 6 lộ quyền pháp của Chinh Nam truyền thụ, cùng với ca quyết về Thập đoạn cẩm ra chú thích thành ra võ học về Thái Cực quyền ở phương Nam Trung Quốc.



Vương Tông Nhạc truyền thụ cho Tưởng Phát ở Hà Nam. Tưởng Phát lại dạy cho Trần Gia Câu, Trần Trường Hưng ở Hoài Khánh thuộc Hà Nam. Trường Hưng có 2 con là Cảnh tín và Kỷ Tín. Dương Phúc Khôi, tự Lộ Thiền ở huyện Vĩnh Niên tỉnh Hà Bắc với người cùng làng là Lý Bá Khôi theo học với Trần Trường Hưng. Lúc mới theo học, các bạn đồng môn phần lớn đều họ Trần, rất kỳ thị 2 người. Dương và Lý kết bạn với nhau, hết sức nghiên cứu, luyện tập, thường suốt đêm không ngủ. Trần Trường Hưng biết Phúc Khôi rất cần mẫn nên truyền hết những thế bí hiểm. Phúc Khôi có 3 trai, trưởng tử chết sớm, thứ tử là Ngọc, tự Ban Hầu, tam tử là Giám, tự Kiện Hầu đều học được bí truyền của cha. Kiện Hầu có người con là Triệu Thanh, tự Trừng Phố cũng nối được nghiệp nhà. Lại có người ở Bắc Bình, có 3 học trò giỏi là Vạn Xuân, Lăng Sơn, Toàn Hựu. Về sau, 3 người lại theo lời của Phúc Khôi, theo học với Ban Hầu. Vì vậy ở Bắc Bình có môn Thái Cực quyền của nhà họ Dương.



Trong niên hiệu Ðạo Hàm nhà Thanh có người ở Quảng Bình là Vũ Võ Nhượng nghe nói ở Hà Nam có Triệu Bảo Trấn, Trần Thanh Bình giỏi Thái Cực quyền, bèn đến xin học. Về sau truyền cho Hách Vi Chân, Vi Chân dạy cho Tôn Phúc Toàn. Phúc Toàn người ở Hà Bắc, tự Lộc Ðường rất nổi tiếng là giỏi Thái Cực quyền. Ðệ tử theo học rất đông, ông lại soạn sách Thái Cực quyền học. Vì vậy, ở Bắc Bình lại có môn Thái Cực quyền của họ Tôn.



b. Bát Quái quyền, còn gọi Bát Quái chưởng

Tôn Lộc Ðường viết :



Trong "Du Thân Bát Quái Liên Hoàn chưởng" có chứa 18 đường La Hán quyền, gồm 72 tiệt thoái, 72 ám cước, đến như các môn điểm huyệt, kiếm thuật và các món võ khí cũng chứa đựng trong Bát Quái quyền.



Bát Quái quyền không rõ do ai sáng chế và xuất hiện vào đời nào. Tục truyền có người tên Ðổng Hải Xuyên, gặp được một dị nhân ở vùng An Huy mà học được môn này. Ðệ tử của họ Ðổng có Trình Ðình Hoa, Lý Tồn Nghĩa, Doãn Phúc, Mã Duy Kỳ, Ngụy Cát, Tống Vĩnh Tường, Lý Văn Báo, Triệu Văn Long, Trình Ðình Hoa dạy cho Tôn Lộc Ðường. Môn Bát Quái của họ Trình rất nổi tiếng ở Bắc Phương. Biến cố năm Canh Tý (năm 1900), họ Trịnh bị người Ðức giết. Người con là Hữu Long cũng nối được nghiệp nhà. Trong số đệ tử, giỏi nhất là Tôn Lộc Ðường có soạn sách Bát Quái quyền học.



c. Có phải Hình Ý môn do Nhạc Phi sáng tạo từ đời Tống ?

Xem dụng ý của môn này thì cùng nguồn gốc với Thái Cực quyền. Trong khoảng cuối đời Minh, đầu đời Thanh (1660) có người ở Bồ Ðông là Cơ Tế Khả, tự là Long Phong dạy môn này cho Tào Kế Vũ. Họ Tào thi võ đời Khang Hy, đỗ đầu cả 3 lần làm Thiểm Tây Tĩnh Viễn Tổng Trấn. Tào Kế Vũ dạy cho Cơ Thọ và người ở Lạc Dương là Mã Học Lễ. Trong niên hiệu Hàm Phong, có người ở Kỳ Huyện là Ðới Long Bang cùng em là Lăng Bang theo học với họ Mã được bí truyền, nổi tiếng ở vùng Sơn Hữu. Người ở Thâm Châu là Lý Năng đến đất Tấn, nghe danh họ Ðới, đến xin học. Suốt 9 năm, công phu thành tựu. Từ đó ở Hà Bắc mới có môn Hình Ý quyền. Lý Năng dạy cho người ở hà Bắc là Lưu Kỳ Lan, Quách Văn Thâm, Tống Thế Vinh, người ở Sơn Tây là Xa Nghị Tề, người ở Giang Tô là Bạch Tây Viên. Ðệ tử của Lưu Kỳ Lan là Lý Tồn Nghĩa, Cảnh Kế Thiện, Triệu Chấn Tiêu, Chu Minh Thái. Ðệ tử của Quách Văn Thâm là Lý Khôi Nguyên, Lưu Dũng Kỳ. Lý Khôi Nguyên dạy cho Tôn Lộc Ðường. Lộc Ðường viết quyển Hình Ý quyền học. Lý Tồn Nghĩa dạy cho Thượng Văn Tường, Hách Ân Quang, Lý Vân Sơn... Con của Vân Sơn là Kiếm Thu cũng viết sách Hình Ý quyền học sơ bộ.



Như vậy bảo rằng Hình Ý quyền do Nhạc Vũ Mục sáng tạo từ đời Tống là không đúng.



2. BẮC PHÁI



a. Môn phái Ðàn Thoái

Ðàn thoái còn gọi là Ðàm thoái là một môn quyền thuật rất nổi tiếng trong Bắc phái. Các tư thế của các nhà chuyên về Ðàn thoái thường có nhiều chỗ giống nhau, có thể tạm chia thành hai chi nhánh chính : Một nhánh võ gồm có 12 lộ, một chi nhánh gồm có 10 lộ. Những người theo học 12 lộ thường gọi là Ðàm thoái. Từ khi người ở Hà Bắc là Hoắc Nguyên Giáp xuống phương Nam, sáng lập Tinh Võ Hội ở Thượng Hải, người phương Nam theo học môn nầy rất đông. Trong Tinh Võ Hội dạy Ðàm thoái làm căn bản. Những người hội viên của Tinh Võ Hội không ai là không tập môn này. Những người theo học 10 lộ thường gọi môn này là Ðàn thoái, và cho rằng môn này được truyền bởi Hồi giáo. Phái nầy rất thịnh hành ở tỉnh Sơn Ðông. Nhiều người ở Hà Nam cũng theo học. Những người trong Hồi giáo tập luyện quyền thuật, có đến 7, 8 người theo học môn này. 10 lộ Ðàm thoái và Tra quyền rất được những người trong Hồi giáo tán thưởng và chuyên tập. Người giỏi nhất về môn này là Mã Vĩnh Trinh nổi tiếng mạnh nhất Thượng Hải trong mấy chục năm về trước. Nhưng họ Mã không có học trò ở phương Nam Trung Hoa, mấy chục năm về trước, các võ sư thuộc phái Tra quyền là Dương Phụng Chân, Trương Học Sinh được mời dạy võ tại dinh của quan trấn thủ đất Tế Nam. Về sau, học trò của Học Sinh là Vu Chấn Thanh được mời dạy võ ở trường Cao Ðẳng Sư Phạm tại Nam Kinh. Sau đó, Dương Phụng Chân cũng được mời xuống dạy võ ở Trung Hoa Vũ Thuật Hội tại Thượng Hải. Bạn đồng môn của Vu Chấn Thanh là Mã Cẩm Tiêu dạy quyền thuật ở trường Ðệ ngũ tỉnh lập ở Giang Tô. Lại có người Hà Nam là Hà Thế Xương, tự là Ngọc Sơn cùng dạy Tra quyền ở Trung Hoa Võ Thuật hội tại Thượng Hải. Họ Hà mất năm Dân quốc thứ 16, thọ 86 tuổi là bạn thân của Mã Vĩnh Trinh. Lại có người ở Sơn Ðông là Mã Vĩnh Thắng theo học Tra quyền với Tưởng Văn Anh và 10 lộ Ðàn thoái của Hồi giáo. Mã Vĩnh Thắng dạy võ tại trường Công nghiệp chuyên môn học hiệu tại Giang Tô. Từ đó Ðàn thoái và Tra quyền được phổ biến ở vùng Giang Nam.



b. Tra quyền

Còn gọi là Xoa quyền, không biết được sáng tạo từ đời nào. Theo những võ sư của môn này thì Tra quyền cùng một gốc với 10 lộ Ðàn thoái đều được truyền từ Tây vực. Theo sách Kỷ hiệu tân thư quyền kinh của Thích Kế Quang thì nhà họ Ôn có 72 đường Hành quyền, cùng một dụng ý như Tra quyền. Môn võ nầy chuyên luyện tiến thối nhanh nhẹn. Như vậy, có thể xem Tra quyền và Ðàn thoái cùng nguồn gốc vậy.



c. Thiếu lâm

Phái này được xem là lĩnh tụ của võ thuật Trung Quốc. Thực ra, quyền thuật của phái Thiếu lâm chỉ nổi tiếng từ trung diệp đời Minh trở về sau. Ðầu đời nhà Thanh, quyền thuật Thiếu lâm đi đến chỗ cực thịnh.

Trong niên hiệu Vạn lịch nhà Minh, các nhà sư Hồng Kỷ, Hồng Tín theo lời mời của Thẩm Tụy Trình ở Bình Hồ, đến Thái Thương dạy võ cho binh sĩ. Ðến khi nhà Minh mất, các bậc cố lão, di dân cùng những người thuộc tông thất nhà Minh trốn vào chùa Thiếu lâm, gắng sức học tập võ nghệ, để mưu việc khôi phục đất nước.



d. Bát phiên

Còn gọi là Phiên tử môn. Theo sách Kỷ hiệu tân thư của Thích Kế Quang thì ngày xưa có môn "Bát Thiển Phiên" tức là quyền thuật của phái này, rất phổ biến vào đời nhà Minh. Ngày nay, tại Hà Bắc có Trần Tử Chính nổi tiếng về môn này, ông có dạy võ tại Tinh Võ Hội.



e. Trường quyền môn

Còn gọi là Thái Tổ môn lưu hành từ đời Minh (1368-1660). Trong sách Quyền kinh của họ Thích có nói :

Tống Thái Tổ có 32 thế Trường Quyền. Và : Trường quyền được nổi tiếng từ Tống Thái Tổ.



Như vậy nguồn gốc của môn nầy rất xưa. Gần đây có người ở Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Ðông là Lương Ðức Khôi nổi tiếng về Trường Quyền.



g. Mê Tung môn

Mê Tung môn là môn võ gia truyền của nhà họ Hoắc, đến đời Hoắc Nguyên Giáp đã truyền được 7 thế hệ. Tinh Võ Hội ở Thượng Hải là do Hoắc Nguyên Giáp sáng lập, nhưng nay, quyền thuật chính được dạy ở Tinh Võ Hội là Nhị Lang môn do Triệu Chân Quần truyền thụ.



h. Ðoản đả

Theo sách Quyền kinh của họ Thích thì có "Miên chương đoản đả". Theo truyện Biên Trừng trong sách Ninh ba phủ chí thì :



Giang Bân đem mấy vạn binh hộ vệ cho vua xuống Giang Nam. Khi sắp trở về, Bân cho rằng quân sĩ ở phuơng Nam không khỏe bằng quân phương Bắc, nên có ý giữ toán quân này ở lại trấn thủ. Tư Mã Kiều Vũ nhất định không chịu, cho rằng quân sĩ phương Nam cũng có khả năng, xin hội quân ở hai miền Nam, Bắc lại tỉ võ. Vì vậy mới gọi Biên Trừng và người ở Kim Hoa là Miên Chương đến kinh đô. Kiều Vũ cùng Giang Bân đến diễn võ trường xem tỉ thí. Quân phương Bắc múa song đao như đạn xẹt, Biên Trừng vung côn ra đánh, song đao đều gảy.



Xem như vậy thì Miên Chương và Biên Trừng là người cùng thời với nhau, đều thuộc vào trung diệp nhà Minh.



Ðến nay, những người theo học Trường quyền đều tập thêm về Ðoản đả. Trong môn Ðàm thoái cũng có 6 lộ Ðoản đả. Những người ở vùng Giang Nam chuyên tập về Ðoản đả.



i. Ðịa đường môn

Theo sách Quyền kinh của Thích Kế Quang thì Thiên Trật Trương là tổ môn võ này. Ngày nay, Ðịa đường môn phổ biến ở phương Bắc Trung Hoa, thường dùng những đòn của Trường quyền làm căn bản. Ngược lại, ở vùng Giang Nam lại dùng những đòn của Ðoản đả làm căn bản. Môn "Túy bát tiên" rất được xem trọng trong phái Ðịa đường. Gần đây, ở Hà Bắc có Trương Cảnh Phúc, tự là Giới Thần nổi tiếng về Ðịa đường môn, từng dạy võ ở Trung Hoa thể dục hội tại Thượng Hải.



k. Phê quải và Bát cực

Hai môn quyền thuật này không biết có từ đời nào và do ai sáng tạo. Môn võ Bát cực hơi có vẻ chậm chạp còn Phê quải môn thì hoạt bát mà hữu dụng, tương đối có nhiều tính chất mềm dẽo nhất trong các loại quyền cương mãnh của Bắc phái.



3. ÐÔ VẬT

Môn này có từ đời thượng cổ của Trung Quốc. Ðời Minh, Trần Nguyên Bân đem dạy môn này cho người Nhật thành ra Nhu Thuật. Trần Nguyên Bân rất nổi tiếng về môn này vào đời Minh. Gần đây, người ở Bảo Dương là Mã Lương Thường đề xướng môn đô vật. Trong khi họ Mã làm trấn thủ sứ ở Tế Nam, trong đám bộ hạ có nhiều nhân tài về môn đô vật nhất là Vương Chấn Sơn. Về sau có doãn Chiếm Khôi xuống phương Nam dạy môn này, nhưng người phương Nam Trung Quốc không ưa tập môn đô vật lắm.



4. KIẾM THUẬT

Ngày nay, ngoài việc sử dụng quyền thuật, các môn phái đều học thêm về lối dùng binh khí, thường có nhiều người nổi tiếng vì chuyên sử dụng một loại binh khí nào đó. Nay đem những môn phái thiện dụng về võ khí cùng với nguồn gốc liệt kê ra sau đây :



a. Kiếm

Ðời Minh, có người ở Thường Thục là Thạch Ðiện, tự là Kính Nham học kiếm thuật với Cảnh Quật rồi dạy cho người ở Thái Thương là Lục Thế Nghi, người ở Thông Uy là Trần Hồ... Một danh tướng đời Minh là Dũ Ðại Dư từng theo Lý Lương Khâm học lối đánh trường kiếm ở vùng Kinh, Sở. Ðến đời Thanh, có Vương Diệu Thần ở Sơn Ðông nổi tiếng về đánh kiếm, dạy cho Ngô Ngọc Sinh ở Tứ Xuyên. Ngọc sinh lại dạy cho Tống Tồn Phượng. Họ Tống có soạn sách Kiếm pháp chân truyền. Theo tác giả, nhà kiếm thuật nổi tiếng đương thời là Lý Cảnh Lâm từng theo học với kiếm sư Trần Thế Quân, tục truyền kiếm thuật của họ Trần đã đến chỗ thần diệu. Môn kiếm này áp dụng thân pháp của quyền Thái cực, bộ pháp của môn Bát quái, khai sáng một lối kiếm thuật riêng. Lại có Tôn Phúc Toàn soạn quyển Bát quái kiếm. Triệu Liên Hoà còn truyền lại "Ðạt ma kiếm", "Thế bào kiếm", Mã Kim Tiêu có truyền lại môn "Thuần dương kiếm", Trương Cảnh Phúc truyền lại môn "Bàn long kiếm".



b. Thương pháp

Theo sách Kỷ hiệu tân thư của Thích Kế Quang, thì dòng họ Dương nổi tiếng về Lê hoa thương pháp, cho rằng :

Thần hóa vô cùng, người đời sau không hiểu được chỗ sâu xa của nó. Hoặc có kẻ biết mà giữ kín không dạy, hoặc dạy sai hẵn với chân truyền. Vì vậy thương pháp phổ thông chỉ có thương pháp nhà họ Mã, nhà họ Sa, gọi là Can tử. Các loại thương này đều có chỗ hay, nhưng cách dùng đánh xa hay đánh gần có nhiều điểm khác nhau, chỉ có pháp đánh thương của dòng họ Dương thì tay cầm đốc thương, đưa thương ra rất dài, lại vừa có hư, có thực, có kỳ, có chính. Lúc tiến lên thì dũng mãnh, lúc lui về thì nhanh nhẹn. Thế rất hiểm, lúc bất động như núi Thái sơn, lúc động như điện xẹt. Vì vậy mới có câu : "Trong vòng 20 năm, ngọn Lê hoa thương không gặp một đối thủ". Thật có thể đáng tin vậy.

Xem như thế thì có lẽ Thích Kế Quang học được chân truyền lối đánh thương của họ Dương.



c. Côn pháp

Ðời nhà Minh, các danh tướng như Dũ Ðại Du, Thích Kế Quang đều giỏi về côn pháp. Lại có những người thiện dụng môn này như Lý Lương Khâm, Lưu Bang Hiệp, Lâm Diệm... Lại có lối côn pháp ở Thanh Ðiền, người đời Minh cũng không rõ nguồn gốc. Trong niên hiệu Vạn lịch đời Minh, có người ở Tân Ðô là Trình Xung Ðẩu, tự là Tông Du, theo các nhà sư Thiếu lâm là Hồng Kỷ, Hồng Chuyển chuyên luyện về côn pháp. Ông có soạn sách Thiếu lâm côn pháp.



Hà Lương Thần trong sách Trận Kỷ khi luận về côn pháp lúc bấy giờ để chia ra thành từng phái, có viết :

Côn pháp ở vùng Ðông hải, Biên thành và của Dũ Ðại Du thích hợp với nhau. Có nhiều chỗ dấu kín không dạy. Côn pháp của Thiếu lâm đều là dạ xoa côn pháp. Vì vậy có Tam đường là Tiền, Trung và Hậu. Tiền đường côn còn gọi là Ðơn thủ dạ xoa, Trung đường côn còn gọi là Âm thủ dạ xoa, giống như đao pháp. Hậu đường côn còn gọi là Hiệp côn đới bỗng, các nhà sư ở Ngưu sơn giỏi về lối này.



Sách Ninh ba phủ chí có viết :



Biên Trừng theo học võ ở chùa Thiếu lâm.



Như vậy côn pháp của ông tức là Dạ xoa côn. Sách lại ghi :



Trong niên hiệu Chính đức, giặc Nụy khấu đến cống hiến lễ vật. Có tên giỏi đánh côn nghe tiếng của Trừng xin tỉ đấu. Quan thái thú Trương Tân đồng ý. Giặc Nụy hơn 10 tên, đều cầm thương tranh nhau đâm Biên Trừng nhưng ông chỉ cầm chỉa ba vung lên, bao nhiêu thương đều rơi hết.



Như vậy, Biên Trừng còn giỏi cả chỉa ba. Ngày nay, "Phong ma côn" của Tra quyền cũng giống như Thiếu lâm côn. Mã Lương ở Bảo dương có soạn sách Côn thuật rất được người ta tán thưởng.



d. Ðao pháp

Ðời Minh có Thạch Kính Nham giỏi về phép đánh Nụy đao. Lục Phu Ðình, Thạch Xác Am cùng theo học với họ Thạch. Ðầu đời Thanh có bậc đại nho là Nhan Nguyên tự là Tập Trai vừa giỏi quyền thuật vừa sành đao pháp, từng bẻ cành trúc làm đao cùnh múa võ với Lý Mộc Thiên, được mấy hiệp, đâm trúng vào cổ tay của họ Lý. Mộc Thiên rất giỏi võ, nhưng cũng phải chiết phục (thua và phục). Tập Trai lại giỏi lối đao đánh trên ngựa và song đao, nhưng không rõ ông theo học với ai. Bạn của họ Nhan là Nhiễm Hoài Phác, Bành Tử Lượng, Ngụy Tú Thăng đều giỏi võ. Họ Bành và họ Nhiễm đều giỏi song đao, Tử Lượng lại giỏi về đơn đao. họ Ngụy có thể nhảy cao đến nóc nhà. Nhiễm Hoài Phác là quyền sư, có thể võ nghệ của Tập Trai là do họ Nhiễm truyền thụ. di dân (người dân còn sót lại) đời Minh như Ngũ công sơn nhân, Vương Dư Hựu dều giỏi về đao và thương, nhờ học trò của Tập Trai là Lý Cương Chủ dạy cho.



Gần đây, ở vùng Kinh tân nổi tiếng về đại đao có Vương Chính Nghị dược người ta gọi là Ðại đao Vương Ngũ. Ðàm Tự Ðồng theo học với họ Vương. Họ Vương chết trong loạn quyền phỉ năm Canh tý (1900).
 
Re: lược khao võ thuật trung hoa

CHƯƠNG NĂM



NHỮNG ÐIỀU TỒN NGHI


Chương này ghi lại những truyền thuyết từ ngày xưa để lưu truyền. Sau mỗi phần nếu có những lời nhận xét của chúng tôi là để luận đoán và phát minh hầu soi sáng vấn đề.



I. CÁC MÔN LIÊN QUAN ÐẾN QUYỀN THUẬT NỘI GIA



1. THÁI CỰC MÔN



a. Hứa Tuyên Bình (1) đời Ðường có truyền lại môn Thái cực quyền còn gọi là Tam Thế thất, chỉ có 37 thế mà nổi tiếng. Phương pháp dạy môn này là dạy từng thế riêng, khi học thế này đã thành thuộc thì mới dạy thế khác, không xác định quyền lộ. Sau khi công phu đã thành, các thế hỗ tương với nhau, liên miên không dứt, vì vậy nên gọi là Trường quyền. Yếu quyết gồm có "Bát tự ca", "Tâm hội luận", "Chu thân đại dụng luận", "Thập lục quan yếu luận". Về sau truyền cho Tống Viễn Kiều.



Chúng tôi nhận xét :

Tiểu sử của Hứa Tuyên Bình có thể xem sách Ðường thi kỷ sự bản mạt của Kỷ Hữu Công đời Tống. Có điều : Hứa Tuyên bình dạy Thái cực quyền thì không có sách vở để khảo cứu, có lẽ là do khẩu thuyết lưu truyền mà thôi.



(1) Hứa Tuyên Bình người ở huyện Hấp, phủ Vi châu, thuộc Giang Nam, ở ẩn tại núi Thành dương, rồi làm lều ở Nam Dương. Theo phép Tịch cốc, nhịn ăn. Lý Bạch có đến thăm họ Hứa, nhưng không gặp, có đề thơ tại Vọng Tiên Kiều.



b. Họ Du (2) truyền lại môn Thái cực quyền gọi là Tiên thiên quyền, còn có tên là Trường quyền, học được của Lý Ðạo Tử (3) đời Ðường. Họ Lý ở Nam Nhan cung, núi Võ Ðương, không ăn đồ nấu chín, người ta gọi là Phu Tử Lý. Môn phái họ Du còn lại là Du Thanh Tuệ, Du Nhất Thành, Du Liên Châu và Du Ðại Nham.



(2) Người huyện Dĩnh, phủ Ninh quốc thuộc Giang nam

(3) Người ở An Khánh thuộc Giang nam.



c. Thái cực quyền của họ Trình bắt đầu từ Trình Linh Tiển (4), môn này do Trình Củng Nguyệt truyền đến Trình Tất (5) rồi đổi tên là Tiểu Cửu Thiên, có tất cả 14 thế, có hai bài ca quyết là "Dụng công ngũ chí" và " Tứ tính qui nguyên".



(4) Tự là Nguyên Ðiều, người phủ Vi châu, Giang nam. Loạn Hầu Cảnh, phủ Vi châu được yên là do công của họ Trình. Vua Nguyên đế nhà Lương phong làm Vi châu thái thú.

(5) Ðậu Tiến sĩ niên hiệu Thiệu Hưng, làm chủ bộ ở Hưng hóa, quan đến Lễ bộ Thượng thư.



d. Thái cực quyền của Ân Lợi Hanh truyền lại gọi là Hậu Thiên Pháp, truyền cho Hồ Cảnh Tử (6), họ Hồ dạy cho Tống Trọng Thù (7) gồm có 17 pháp thức, phần nhiều thuộc lối đánh bằng cùi chỏ, tuy tên gọi các thế khác nhau, nhưng công dụng cũng giống như các môn Thái cực quyền kể trên.



(6) Người ở Dương châu.

(7) Người ở An châu, thường đi chơi đài Cô tô và đề thơ trên đài nầy.



e. Trương Tam Phong tên là Thông, tự là Quân Thực, người ở Liêu dương, theo học đạo Nho cuối đời Nguyên, giỏi vẽ và viết, lại giỏi cả thi, từ. Năm Trung Thống nguyên niên, đỗ Mậu tài (tú tài) làm quan Lịnh ở Trung sơn và Bắc lăng. Vì rất hâm mộ Cát Trĩ Xuyên, nên Trương Tam Phong dứt bỏ đường công danh, đi chơi trong núi Bảo kê, thấy 3 ngọn núi cao đẹp xanh tốt, bèn lấy hiệu là Tam Phong Tử. Ðời sau nói về Trương Tam Phong có đến 10 thuyết khác nhau nhưng đều không nói đến chuyện ông giỏi quyền thuật. Ðầu niên niên hiệu Hồng Võ (1368) ông được triệu vào triều, đi ngang qua núi Võ đương, ban đêm nằm mơ thấy Huyền Võ Thiên Ðế dạy cho quyền pháp, đến sáng phá được giặc, vì vậy gọi môn quyền này là Võ đương phái, còn gọi là Nội gia quyền.



Lại có thuyết cho rằng Tam Phong sinh vào đời vua Huy Tông nhà Tống (1100-1125) khi quân Kim vào chiếm Trung quốc, một mình ông giết hơn 500 giặc Kim. Người vùng Sơn thiểm ái mộ ông theo học đến mấy ngàn người.



Những thuyết trên đây theo sách Thái cực quyền đồ thuyết giải của Hứa Võ Sinh.



II. CÁC MÔN LIÊN QUAN ÐẾN QUYỀN THUẬT NGOẠI GIA


1. MÔN PHÁI THIẾU LÂM



Kỹ thuật của phái Thiếu lâm, cao nhất là Ngũ quyền. Ngũ quyền là Long quyền luyện thần, Hổ quyền luyện cốt, Báo quyền luyện lực, Xà quyền luyện khí, Hạc quyền luyện tinh. Nhiều người cho rằng Ngũ quyền là do Ðạt Ma thiền sư truyền lại từ đời Lương (907-923). Thiền sư ở chùa Thiếu lâm thấy học trò tinh thần ủy mỵ, mỗi khi ngài thuyết pháp, học trò thường bì quyện, không thư thái về tinh thần, vì vậy mới dạy học trò phương pháp luyện tập quyền thuật gồm có trước, sau, tả, hữu, tất cả 18 thế là : Triều thiên trực cử (2 thế), Bài sơn vận chuyển (4 thế), Hắc hổ thân yêu (4 thế), Hạc dực thư triển (1 thế), Tốn trản câu hung (1 thế), Vãn cung khai cách (1 thế), Kim báo lộ trảo (1 thế), Thoái lực trật đảng (các thế trên đều dùng tay, chỉ riêng có thế này mới dùng chân). Ðó là thủ pháp của Thập bát La hán quyền.



Mấy trăm năm sau có Giác Viễn Thượng Nhân, vốn là một vị công tử ở Nghiêm châu, cắt tóc xuất gia, vào chùa Thiếu lâm, học được môn Ngũ quyền của Ðạt Ma sáng chế thêm thành ra 72 thế.



Về sau, có nhiều người theo học. Giác Viễn thấy môn này chưa đến chỗ tuyệt diệu, mới thay đổi thành người thường cầu thầy học thêm. Ðến Lan châu đất Thiểm, mới gặp Lý Tẩu. Họ Lý giỏi về thuật cầm nã, lại thích tập luyện môn "Ðại điểu hồng quyền", vì vậy thân pháp rất mau lẹ, lại có tuyệt nghệ về chưởng pháp và chỉ pháp. Giác Viễn đã quen biết với Lý Tẩu, lại được họ Lý giới thiệu, theo học với Bạch Bgọc Phong ở Thái nguyên. Lúc ấy họ Bạch đang dạy võ ở chùa Ðồng Phúc tại Lạc dương. Về sau, Lý Tẩu và Bạch Ngọc Phong đều về chùa Thiếu lâm. Võ thuật của Thiếu lâm, từ khi có thêm họ Lý và họ Bạch mới thay đổi, dung hợp tông pháp cũ, sáng tạo và tăng thêm hơn 100 thế. Sự kiện trên xảy ra vào đời Kim (1115-1234) và đời Nguyên (1279-1368).



Từ niên hiệu Ðạo Quang (1837-1867), Hàm Phong (1867-1878) trở về sau, võ thuật lổi tiếng khắp hai vùng Ðại giang (tức sông Hoàng hà) Nam Bắc Trung Hoa gồm có 3 người :



a. Một là Lý Cảnh Nguyên, còn có hiệu là Trường Tu Lý, người ở Hạ khẩu thuộc tỉnh Hồ bắc, theo học với một nhà buôn họ Cao.



Hơn một năm, võ nghệ đại tiến, về sau được họ Cao giới thiệu theo học với một nhà sư ở chùa Tam Nguyên, có soạn sách Trần kỹ thiền cơ phát huy môn phái Thiếu lâm. Về sau, con của họ Lý bất tiếu (không giống, bất tiếu tử : con không giống cha) sách ấy bị thất lạc.



b. Người thứ hai là Tất Hắc Tử, quê ở Ma dương thuộc đất Tương châu. Bẩm sinh Hắc Tử có sức mạnh hơn người, da đen, vì vậy còn có hiệu là Tất da đen. Theo học võ với Tào Ngọc Ðình người ở Hán Thăng. Thầy của học Tào là Trí Viên thiền sư, vốn là bậc võ nghệ cao cường của phái Thiếu lâm, luyện được môn Hô hấp thần chưởng hơn 40 năm, có thể đánh người cách xa 100 bước, lại có thể nhảy qua tường cao một trượng không nge tiếng động. vì vậy võ nghệ của thiền sư khai sáng một lối mới cho võ phái Thiếu lâm. Tất Hắc Tử được tào Ngọc Ðình dạy dỗ bèn chuyên công tập võ Thiếu lâm có thể đi trên vách, chưởng lực thần công cũng đại tiến. Họ Tào thương, bèn dạy môn Lưu tâm hoàn pháp. Võ nghệ của họ Tất gồm được tinh hoa của hai miền Nam Bắc.



c. Thứ ba là một người họ Hồ quê ở Lê bình thuộc đất Kiềm, múc nhỏ rất chuộng võ nghệ, lại giỏi về môn Ðoản đả và Thoái kích pháp cùng với môn Thôi ấn của Liễu diệp chưởng. Về sau họ Hồ còn theo học với Nhất Quán (sau khi học võ của Giác Viễn, Nhất Quán lại theo học với người ở Quế lâm là Mã Sĩ Long. Sĩ Long dạy cho Nhất Quán môn Thần nã thuật, Nội gia khí công, Ngọc xuyên kiếm. Vì vậy Nhất Quán vốn học võ Thiếu lâm lại học luôn cả võ của phái Nội gia). Họ Hồ từ khi theo học với Nhất Quán, được bí truyền, lại cố tập môn Song thôi thủ. Về sau lại biến đổi lối dạy của thầy, chuyên dồn sức vào 1 ngón tay. Học trò của Hồ giỏi nhất là Dương Ðộc Nhãn, Mã Bắc Tùng. Sau Dương Ðộc Nhãn hay dạy võ ở vùng đất Tương, đất Kiềm. Mã Bắc Tùng dạy võ ở vùng Xuyên, Thục. Ðến nay, vùng này vẫn còn học trò của họ Mã.



Chúng tôi nhận xét :

Nếu như thuyết trên đây đúng thì các vùng Xuyên, Kiềm, Tương còn những học trò kế thừa môn phái của họ Hồ, tiếc rằng chúng tôi không quen biết nhiều với các vị quyền sư ở các vùng này, nên không thể dò hỏi mà đối chứng được. Vì vậy các thuyết trên để vào chương Tồn Nghi.



d. Quyền thuật Thiếu lâm ở đất Việt (Quảng đông) được truyền từ Thái Cửu Nghi. Thái là học trò giỏi của Nhất Quán, vốn là người ở Cao yếu, đất Việt. Trong thời Sùng Trinh, thi đổ khoa võ cử làm Quân lịnh Thừa tuyên quan dưới quyền quan Kinh lược Hồng Thừa Trù. Họ Hồng đầu hàng Mãn Thanh, Thái Cửu Nghi bỏ trốn vào chùa Thiếu lâm, học võ với Nhất Quán thiền sư, rất giỏi về Siêu cử thuật, lại tinh cả thoái pháp (phép sử dụng chân), có thể nhảy hơn một trượng, mau như chim ưng, người ta không thể phòng bị được. Học trò giỏi của họ Thái có một người họ Mạch, một người họ Mạc. Cả hai đều ở Thuận đức, không biết tên là gì. Sau khi Thái Cửu Nghi mất hơn 10 năm, hai người học trò mới chuyên tâm, trí ý về sư pháp, đều trở thành bậc võ sư tài giỏi nhất ở Việt đông. Ðến nay hơn 100 năm, những người bàn đến quyền thuật vẫn thường tán thưởng.



Chúng tôi nhận xét :

Theo những điều ghi trên, nên tìm những võ sư rành về môn phái trên ở Việt đông để dò hỏi, nay không thể chứng minh hư thực thế nào.



e. Quy ước về Thập giới (10 điều răn) của phái Thiếu lâm bắt đầu có từ Viên Tính thiền sư (ngài sinh vào cuối đời Minh 1660). Sau đến Thống Thiền thượng nhân mới tăng thêm và sửa đổi. Thống Thiền là hoàng tộc nhà tộc nhà Minh, tên thật là Chu Ðức Trù, có người nói rằng Thượng Nhân là chú họ của Phú vương nhà Minh. Cuối cùng đến Việt tây cử binh lo việc khôi phục, chuyện không thành mới vào tu ở chùa Thiếu lâm. Sau bị người ta dò xét sắp bị bắt, mới bỏ trốn ra Ðài loan, nương nhờ Trịnh Kinh (con Trịnh Thành Công). Bày mưu cho họ Trịnh, nhưng mưu không được dùng, buồn sầu trở về, đến Ðạm thủy thì mất.



Những điều trên trích ở sách Thiếu lâm quyền thuật bí quyết.



g. Thiếu lâm phái còn được gọi là Ngoại gia. Triệu Khuôn Dẫn là thủy tổ. Khuôn Dẫn nhờ võ giỏi nên thắng người, nhưng hết sức dấu kín, không dạy cho ai hết. Một hôm say rượu, mới nói những chỗ tinh diệu cho các quan nghe. Khi tỉnh hối hận, nhưng không muốn nuốt lời, cuối cùng mới đem sách đặt ở Thần đàn chùa Thiếu lâm : phép này chuyên về ngạnh công.



Những điều trên trích ở sách Bắc quyền vưng biên của Lục Sư Thông.



2. THÁI TỔ MÔN



Những nhà quyền thuật xưa nay đều cho rằng Tống Thái Tổ có 32 thế Trường quyền, lại có Lục bộ quyền, Hầu quyền, Hóa quyền, tên của các thế tuy có khác nhau, nhưng thực ra cũng đại đồng tiểu dị.



Trích ở mục "Quyền kinh" trong sách Kỷ hiệu tân thư của Thích Kế Quang.



Chúng tôi nhận xét :

Truyền thuyết thường cho rằng Tống Thái Tổ giỏi về quyền thuật và môn Trường quyền được truyền từ Tống Thái Tổ. Ai cũng nói như vậy. Nhưng từ đời Tống (960-1279) đến đời nhà Minh (1368-1623) trải qua một thời gian khá dài, không rõ hệ phái và sự truyền thụ do những ai, nên chỉ có thể liệt vào mục Tồn Nghi mà thôi. Quyền sư Lương Vỹ Thần thuộc phái Thái tổ có nói :



Chủ yếu của Thái tổ môn là quyền pháp gồm các loại Trường quyền, Ðường lang triển xí, Lạc tục phản xa, Ðể công.



Lời nói ấy khác với lời của Thích Kế Quang trong Kỷ hiệu tân thư. Vì vậy, ghi chép phụ vào đây.



3. HỒNG QUYỀN MÔN



Quách Hy Phần có nói :



Nay có nhiều người cho rằng môn Hồng quyền là do Tống Thái Tổ truyền lại.



Cũng Quách Hy Phần nói :



Nay có kẻ cho rằng môn Hồng quyền do Tôn Võ Tử sáng chế truyền đến họ Thích thêm vào phần khí công để tăng thêm thực lực, thu túng mà luyện thủ pháp, nên gồm cả tinh hoa của nội gia và ngoại gia.



Trích sách Trung quốc thể dục sử.



Chúng tôi nhận xét :

Những người cho rằng môn Hồng quyền do Tôn Võ Tử truyền lại thì ít, còn thuyết cho rằng môn này do Tống Thái Tổ sáng chế thì có nhiều người nghe theo. Nhưng cho rằng Thích Kế Quang tập môn Hồng quyền cộng thêm vào phép vận khí và các phép thu túng, thì trong mục "Quyền kinh" ở sách Kỷ hiệu tân thư không có ghi. Có lẽ chỉ căn cứ vào khẩu thuyết mà thôi.
4. ÐÀN THOÁI MÔN



Những người giỏi quyền thuật trong Hồi giáo thường nói : môn Ðàn thoái truyền từ Nam Kinh đến Bắc kinh được xuất phát từ Hồi giáo. Vì vậy hai câu đầu trong bài ca quyết của Thập lộ Ðàn thoái là :

Côn luân đại tiên thế giới truyền,

Danh viết Ðàn thoái áo vô biên.

(nghĩa là bậc đại tiên ở Côn luân truyền dạy cho thế giới môn Ðàn thoái, áo diệu vô cùng).



Ý của 2 câu thơ này muốn nói Hồi giáo ở Trung hoa truyền từ Tây vực. Trong tiểu thuyết đời Ðường có chuyện Côn luân nô là người Tây vực. Phải chăng Côn luân nô, nhân vật giỏi võ trong tiểu thuyết ấy có liên quan đến môn Ðàn thoái ?



Nhận xét của chúng tôi :

Trong tiểu thuyết đời Ðường có ghi lại là Côn luân nô giỏi kiếm thuật, vì vậy những người trong Hồi giáo mới y thác để tăng thêm giáo trị của môn Ðàn thoái. Những người trong Hồi giáo thường nói hai môn Tra quyền và Ðàn thoái từ Tây vực truyền vào Trung quốc.



5. ÐOẢN ÐẢ MÔN CỦA PHƯƠNG NAM



Chu Hồng Thọ khi luận về nghệ thuật quyền cước vào thời Trung cổ có nói :



Nghệ thuật quyền cước thời thượng cổ đến đời Tần (221-206 trước Tây lịch), đời Hán (202-8 trước Tây lịch) tự nhiên bị thất truyền, đến đời Hậu Hán mới thấy ghi chép rõ ràng. Quyền thuật của Trung quốc coi Quách Di là thủy tổ. Từ Quách Di về sau mới có những nhân tài còn được ghi chép trong võ sử.



Họ Chu lại bàn về quyện thuật thời cận cổ có nói :

Như phép hậu dịch của Hứa Doanh, phép tiền dịch của Trương Cử Sơn không thể để cho thất truyền.



Lại có thế "Võ Tòng mở khóa" cho rằng Võ Tòng bị trói 2 tay, chỉ dùng 2 chân để ứng địch rồi về sau thành ra một thế võ tuyệt diệu. Ðời Minh, người ở Hồ nam là Vương Tín Thần dùng ý nghĩa bốn chữ "Võ Tòng mở khoá" biến thành ca quyết để cho người học võ dễ nhớ (theo sách Diễn võ tinh pháp).



(Những điều trên đây trích trong sách Quyền nghệ học sơ bộ).



6. CÁC MÔN LIÊN QUAN VỀ ÐÔ VẬT



Môn Ðô vật dùng tay không và sức mạnh mà phát sinh ra những mánh lới, nghệ thuật, tạo thành một lối riêng trong võ học Trung quốc. Thuật này theo bản tính của động vật. Trong thời đại tiến bộ này, không có một quyển sách chuyên môn nào để khảo cứu về Ðô vật. Các võ sĩ truyền từ đời nọ sang đời kia rằng môn Ðô vật được sáng tạo từ lúc Nhạc Vũ Mục cầm quân đánh giặc. Bởi vì Nhạc Vũ Mục rất giỏi về quyền, bỗng, nhiều người theo học. Nhưng quyền bỗng phải có thân thể mẫn tiệp mới có thể tập đến chỗ ảo diệu. Ðến như bôn Ngưu Cao rất chậm chạp, tối tăm nên học rất khổ sở. Nhạc Vũ Mục mới rút các động tác trong các môn câu, nã, tiêu, khấu vv... sáng lập ra môn Ðô vật. Bởi môn này rất dễ chỉ dạy không cần người học thông minh hay tối tăm, thể chất không cần khỏe mạnh hay yếu đuối, nếu cố gắng hết năng lực của mình, vẫn có thể thắng được địch thủ. Ðời Càn Long nhà Thanh gọi môn này là Tạp kỷ, cũng được thịnh hành một thời.

(Trích bài tựa sách Suất dốc giáo khoa thư của Mã Lương)



7. CÁC MÔN LIÊN QUAN ÐẾN KHÍ GIỚI



a. Kiếm môn (môn đánh kiếm)

Trong sách Trận kỷ, Hà Lương Thần có viết :



Phép "Phân giáo" của Biện Trang Tử, pháp "Khởi lạc" của Vương Tụ, phép "Cố ứng" của Lưu Tiên Chủ, phép "Thiển điện" của Mã Minh Vương, phép "Xuất thủ" của Mã Khởi, đó là kiếm pháp của năm nhà, đều có truyền lại đời sau.



b. Thương môn (phép đánh thương)

Sách Kỷ hiệu tân thư có chép :



Phép đánh thương truyền lại bắt đầu từ họ Dương, trong thiên hạ ai cũng yêu chuộng môn này. Cái linh diệu ở chỗ quen tay, đã thành thuộc thì chỉ nghĩ là lập tức thế phát ra, cây thương trong tay biến hoá thần diệu, không còn vướng mắc. Lại không có gì quí bằng tĩnh nhưng tâm không quên sự động mà biến hóa vô cùng không thể lường trước được. Ðời sau ít kẻ học được đến chỗ thần diệu. Cũng có kẻ học được bí truyền, nhưng dấu kín không dạy, mà dù có dạy cũng dạy khác với chân truyền.



Sách Trận Kỷ của Hà Lương Thần lại chép :



Thương pháp dùng cả trường lẫn đoản, hư thực đều thích nghi, lúc tiến lên tinh nhuệ không thể chống đỡ, lúc lui mau lẹ không nghĩ kịp. Thiên hạ gọi là vô địch chỉ có Lê hoa thương pháp của họ Dương mà thôi.



Chúng tôi nhận xét :

Vợ của Lý Toàn là Dương Thị rất giỏi phép đánh thương. Chuyện này có chép trong Tống sử. Ðiều đó không thể nghi ngờ được. Có điều Lê hoa thương pháp có thần diệu như đời sau truyền tụng hay không, đó là một điều đáng ngờ. Và đời sau cho rằng Lê hoa thương pháp do họ Dương truyền lại, có đúng sự thật hay không. Ðó cũng là điểm đáng xét lại.



c. Ðao môn (môn đánh đao)

Trong bài đề tựa sách Hình ý quyền học của Tôn Lộc Ðường, Triệu Hành có viết :



Năm ngoái, tôi có thấy một quyển sách "Ðao pháp quyền thuật" của Dương Dư Hựu, trong lòng rất lấy làm mừng, nhưng chưa có lúc rãnh để sao chép lại. Ðến nay thấy quyển "Thập tam đao pháp" rất hay, không còn nhớ đến sách cũ nữa.



Chúng tôi nhận xét :

Chưa hề thấy sách Thập tam đao pháp, nên chúng tôi không thể biết được hư, thực thế nào. Nay chép vào đây để tồn nghi.



d. Côn môn (phép đánh côn)



Hà Lương Thần viết trong sách Trận kỷ :



Ngạn ngữ thường truyền : Nhất là Tử vi côn, nhì là Trương gia côn, thứ ba là Thanh điền côn.



Rồi lại có thuyết cho rằng :



Thứ nhất là Ðằng xà côn của Triệu thái tổ, thứ hai là Ngưu gia bỗng ở Tây sơn, Hạ đồ câu (móc). Còn như loại Tôn gia côn là của bọn Tống Giang ở Lương Sơn Bạt.



Chúng tôi nhận xét :

Gần đây đều cho rằng Tống Thái Tổ có truyền lại Bàn long côn, không nghe nói về Ðằng xà côn. Những việc tục truyền thường không đúng sự thực. Như Tôn gia côn do bọn anh hùng Lương Sơn Bạt truyền lại là căn cứ trong tiểu thuyết. Những điều ghi chép trong tiểu thuyết là giả thác không lấy gì làm chắc.
 
Re: lược khao võ thuật trung hoa

CHƯƠNG SÁU



NGUỒN GỐC




1. TỔNG THUYẾT



Võ thuật Trung quốc phát nguyên từ các thuật đánh kiếm, vật, đạo dẫn, sử dụng tay không đánh nhau của thời cổ. Khảo cứu về những thuật này vốn có nhiều chỗ tương thông. Bởi vì phép đánh nhau bằng tay và vật thì có những thế ứng dụng trong quyền thuật sau nầy. Môn đạo dẫn thuộc về thuật nhiếp sinh, nhưng phép đạo dẫn còn vận động thân thể. Nếu thân thể hoạt động, tay chân tự nhiên mau lẹ. Chẳng hạn như vận dụng khí giới thì gồm có thân, thủ, nhãn và bộ pháp đều mau chóng, nếu không sẽ mắc phải tệ trạng chậm chạp, sa cơ lỡ bước. Như vậy đủ thấy các thuật trên có chỗ tương thông. Nay luận về võ thuật Trung quốc, khảo cứu cổ tích, tìm tòi trong sách vở để hiểu rõ nguồn gốc của 4 môn trên. Sau đó lại tìm những sự phân, hợp và lưu hành hầu phân tích những tính chất của các môn phái gần đây.



Tiếc rằng những người học võ ngày xưa phần nhiều thô lỗ, chất phác, không phải là kẻ văn nhân, lại chẳng có sách vở ghi chép sự thực. Hơn nữa các võ sư dạy theo phương pháp cổ truyền, không cải thiện lối dạy, lại tự tôn về võ nghệ của mình, đem những thuyết hoang đường phụ họa vào môn phái để tăng giá trị. Do đó, chúng tôi mới đặt ra một chương khảo cứu về nguồn gốc các môn phái, hệ thống sư thừa truyền thụ xưa nay như thế nào để cho rõ.



Tổng quát thì quyền thuật có thể chia làm hai tông là Nam phái và Bắc phái. Các phương pháp chiến đấu của Bắc tông đều có những chuyên môn riêng. Chẳng hạn như lối đánh kiếm dần dần diễn ra thành lối sử dụng các loại khí giới. Vì vậy, có nhiều người thuộc Bắc phái nổi tiếng nhờ chuyên môn sử dụng một loại khí giới độc đáo.



2. LUẬN VỀ SỰ HỌC TẬP CỦA NỘI GIA THUỘC NAM PHÁI



Các nhà quyền thuật thuộc Nam phái, còn gọi là Võ Ðang phái, nguồn gốc từ Trương Tam Phong. Có thuyết cho rằng tiên sinh là người đời Tống Huy Tôn, có thuyết nói là người cuối đời Nguyên, đầu đời Minh. Nay không có sách vở nào khảo cứu minh bạch được. Chỉ biết rằng họ Trương có truyền lại môn Thái cực quyền. Trong sách Thái cực quyền luận của Vương Tông Nhạc, có nói :



Những điều bàn luận trong sách này căn cứ vào lời dạy của Trương Tam Phong tiên sinh để giúp hào kiệt trong thiên hạ tăng thêm tuổi thọ, sống lâu, chớ không nghĩ đến chuyện dùng Thái cực quyền để làm phương tiện đánh kẻ địch.



Như vậy, có thể biết Thái cực quyền phát nguyên từ Trương Tam Phong.



Quyền thuật của phái này hết sức mềm dẻo, vì thế còn gọi là Miên quyền, phát xuất từ thuật đạo dẫn (hô hấp) của thời cổ. Các nhà đạo dẫn cho rằng môn này có lợi cho tay chân, tức là việc ứng dụng của quyền thuật cũng nằm trong đó.



Về sau, có hai môn Bát quái và Hình ý cũng bắt nguồn từ Thái cực quyền, nhưng hơi biến hóa khác đi.



Theo thông tục thì ở vùng gần sông Trường giang, quyền thuật lưu hành thường dùng những tư thế chật hẹp và chú trọng đến việc nhào lộn gọi đó là Nam phái. Còn quyền thuật lưu hành ở vùng Sơn đông, Hà bắc, tư thế rộng rãi và chuyên môn tiến thoái mau lẹ, gọi đó là Bắc phái.



Nếu khảo luận về ý nghĩa của tên gọi từ ban đầu thì Nam phái và Bắc phái chỉ về Nội gia và Ngoại gia, khác với truyền thuyết thông thường. Nếu khảo về nguồn gốc, thì quyền thuật ở vùng Trường giang, tư thế chật hẹp và chuyên chú về nhào lộn, cũng là chi nhánh của ngoại gia.



Lại như thông tục cho rằng Dịch cân kinh, Bát đoạn cẩm có nhiều chỗ giống với Thái thanh đạo dẫn dưỡng sinh kinh, Ninh tiên sinh đạo dẫn dưỡng sinh pháp, Bành tổ đạo dẫn pháp... của Ðạo gia. Như vậy thì Dịch cân kinh, Bát đoạn cẩm cũng do Ðạo gia truyền lại, có rất nhiều liên quan mật thiết với Thái cực quyền, nên đem vào trong Nam tông quyền thuật. Còn những chuyện cho rằng Dịch cân kinh do Ðạt Ma viết, Bát đoạn cẩm do Nhạc Võ Mục viết đều do người sau bày ra, không đáng tin như vậy.



3. LUẬN VỀ CÁI HỌC CỦA NGOẠI GIA BẮC PHÁI



Trong quyền thuật, gọi là Bắc phái tức là Ngoại gia quyền thuật. Ðời đời cho rằng phái Thiếu lâm là thủy tổ của quyền thuật Ngoại gia. Ðiều ấy không đúng. Chúng tôi đã bàn luận vấn đề này trong chương "Biện Ngụy". Ngoại gia chuyên về cương mãnh, mau lẹ vì vậy tiến thoái nhanh nhẹn, không thể lường trước, rất hợp với lối dùng tay không đánh nhau ngày xưa. Những môn quyền thuật cương mãnh, kiểu tiệp người ta thường quan niệm rằng môn phái Thiếu lâm là tổ vậy.



4. THUẬT ÐÔ VẬT



Ở vùng Hà bắc rất thịnh hành về môn Ðô vật. Phép này cấm dùng tay đánh và chân đá, chuyên dùng lối vật giữa hai đối thủ, hễ ai ngã trước là thua, thích hợp với môn giốc để đời cổ.



Môn Ðô vật này, ngày nay có nhiều người cho rằng được bắt nguồn từ phái Thiếu lâm, chỉ nhằm mục đích thắng kẻ địch, không phải lấy thuật đạo dẫn, dưỡng khí làm gốc. Như vậy môn Ðô vật gần với Bắc phái mà xa với Nam phái.



5. KIẾM THUẬT



Có những kẻ giỏi về một loại khí giới người sau nhắc nhở không ngớt, được sách vở ghi chép để lại như sách Tấn sử chép Trần An giỏi về trường mâu và đại đao, Bỉnh Tiên giỏi về lối dùng mâu. (xem truyện "Lưu Diệu" trong Tấn sử").



Ðời Ðường, Hám Lăng giỏi lưỡng nhân đao (đao hai lưỡi) dài 1 trượng, gọi là thách đao (xem truyện Ðỗ Phục Uy trong sách Ðường thư). Uất Trì Kỉnh Ðức giỏi dùng sóc, lại có thể tay không cướp được sóc (giáo) của địch (truyện Kính Ðức trong Ðường thư).



Ðời Ngũ Ðại, Vương Ngạn Chương giỏi về Thiết thương (truyện Ngạn Chương trong Ngũ đại sử).



Sử đời Tống chép Lý Toàn và vợ là Dương Thị giỏi đánh thương (truyện Lý Toàn), người ở Quan tây là Lữ Ðộng Tân giỏi kiếm thuật (Tống sử, truyện Trần Ðoàn). Trương Uy giỏi dùng côn gỗ, gọi là Tử Ðại Trùng, côn tròn và không có lưỡi sắc, dài không đến 6 thước (thước Tàu) (truyện Trương Uy trong Tống sử).



Ðời Nguyên có Vương Anh giỏi song đao, gọi là Ðao vương (truyện Vương Anh trong Nguyên sử), Ðăng Bật giỏi song kiếm (truyện Tấn Sĩ Lục của Tống Liêm).



Những điều nêu ra ở trên đều có thể tin được. Nay xem lối dùng khí giới trong những đời gần đây đều tương thông với lối tập quyền thuật của các môn phái
 
Re: lược khao võ thuật trung hoa

CHƯƠNG BẢY



PHÂN LOẠI KHÁC NHAU




Trong thời cận đại, các môn phái của Nội gia tương đối ít, ngược lại, các môn phái Ngoại gia thật phồn thịnh. Nay đem sự học tập của Nội và Ngoại gia lược thuật ra sau đây.



1. THÁI CỰC MÔN



Quyền thuật của Nội gia coi Thái cực môn là chính tông. Ðộng tác của môn Thái cực rất chậm chạp, nhưng khi ứng dụng thì rất mau chóng. Vì vậy mới có câu : Tĩnh có thể thắng động. Do đó trước hết phải luyện tĩnh công để bình tĩnh quan sát sự biến hóa, tùy lúc mà ứng dụng. Thái cực quyền lấy 13 thế làm chủ.



Phàm tập về Thái cực quyền, một người luyện tập riêng thì có lợi cho việc dưỡng sinh. Hai người thì cùng luyện tập, song đấu thì linh động, có thể tùy theo thế tấn công của địch mà thắng địch. Danh gia về Thái cực quyền là Vương Tông Nhạc viết trong sách Thái cực quyền pháp luận :



Có thể dùng 4 lượng mà chống được 1000 cân, Thái cực quyền không dùng lực mà thắng địch.



Nhiều người cho rằng Trương Tam Phong sáng tạo Thái cực quyền. Hoàng Tông Hy khi soạn bài "Vương Chinh Nam mộ chí" có viết :



Trương Tam Phong là đạo sĩ ở núi Võ Ðang.



Và xem hai chữ Thái cực có thể suy đoán môn quyền này liên quan đến Ðạo gia. Thế thì Thái cực quyền gồm cả ý nghĩa đạo dẫn (luyện khí của đạo gia). Gồm cả hai phương diện dưỡng sinh và tự vệ, môn quyền thuật này thật đáng quí. Tuy vậy, tập Thái cực quyền phải đòi hỏi một thời gian khá lâu. Chu Tú Phong tiên sinh ở Sơn đông có viết :



Tục truyền tập Thái cực quyền trong 10 năm không bước ra khỏi cửa, ý nói công phu đòi hỏi một thời gian khá dài vậy.



Nếu không tập luyện ròng rã trong 10 năm, không thể ra ngoài đối phó với địch thủ được.



2. BÁT QUÁI MÔN



Ngoài Thái cực môn, còn có Bát quái môn, cũng là võ học của Nội gia. Về hình thức thì môn quyền thuật Bát quái nầy rất nhiều, tương tự như quyền thuật của Ngoại gia, nhưng lại dùng hoàn hành (bộ pháp tròn) và hoán chưởng (thay đổi tay) làm chính tông, còn gọi là Du thân bát quái. Bát quái chia ra ba loại, thượng bàn, trung bàn và hạ bàn khác nhau. Các thế của thượng bàn hơi thấp, các thế của trung bàn so với thượng bàn lại thấp hơn, đến như các thế của hạ bàn lại càng xuống thấp hơn nữa. Bộ pháp thì rất hẹp, chỉ cần phạm vi mỗi bề 2 thước (8 tấc Tây) cũng đủ xoay trở. Trong lúc sử dụng bộ pháp, dụng ý của Bát quái môn là né tránh thế công của địch, tập kích vào mặt sau của đối phương nên còn gọi là tránh thực, đánh hư. Vì vậy, người luyện tập cần phải làm sao bộ pháp cho nhanh, đánh vào sau lưng địch mà địch không kịp né tránh.



Trong lúc ứng địch, cần phải ý chuyển mà khí trầm, vì vậy thay đổi chừng vài thế, người biểu diễn quyền thuật này cảm thấy các kinh mạch trong thân thể điều thông suốt. Ðộng tác của Bát quái gồm Thập chưởng : Ðơn hoán chưởng, Song hoán chưởng làm gốc. Tám chưởng còn lại là Thuận thế chưởng, Ðại mãng phiên thân, Sư tử khai khẩu, Sư tử cổn cầu, Phong luân chưởng, Thám chưởng, Ðại bằng triển xí, Bạch viên hiến quả.



3. HÌNH Ý MÔN



Có người cho rằng Hình ý môn do Nhạc Vũ Mục (Nhạc Phi) đời Tống sáng chế. Thuyết này có nhiều chỗ đáng ngờ. Nhưng dụng ý của môn quyền thuật này có rát nhiều tương quan với hai môn Thái cực và Bát quái. Ngày nay, những người luyện tập Thái cực quyền đều có học qua về Hình ý và Bát quái, và những người học Hình ý quyền cũng học thêm về Thái cực quyền và Bát quái quyền.



Gần đây có nhiều người tuy biết rằng Hình ý quyền không phải do Nhạc Phi sáng tạo, và biết rõ nó nhiều tương quan với hai môn Thái cực và Bát quái, nhưng không dám xếp môn này vào loại quyền thuật của Nội gia.



Cơ bản các động tác của môn Hình ý gồm Ngũ hành và Thập nhị hình. (Thập nhị hình là long, mã, hổ, hầu, qui, kê, diêu, yến, xà, di, ưng, hùng).



4. PHÂN LOẠI QUYỀN THUẬT BẮC PHÁI



Bắc phái thuộc Ngoại gia có rất nhiều chi nhánh không thể kể hết tất cả. Nay đưa ra những nét đại cương, gồm ba loại. Trường quyền, Ðoản đả và Ðịa đường.



Các môn Thái tổ, Nhị lang, Mê tung, Bát cực, Phiên tử, Tra quyền, Hồng quyền vv... rất nổi tiếng trong loại Trường quyền. Những môn ấy đại đồng tiểu dị. Thường trong lúc luyện tập coi trọng sự tiến thoái mau lẹ, nhảy, tọa nhẹ nhàng, khí thế tinh nhuệ, phương pháp biến hóa nhiều, đường quyền rộng vv...



Còn như về môn Ðoản đả thì nổi tiếng nhất là Miên Trương Ðoản đả, Lục lộ Ðoản đả của Ðàn thoái môn, Thiên cang thủ ở vùng Giang nam, Ðối đả của phái Hồng Tháo vv... Ðường quyền nghiêm nhặt, thủ pháp kín đáo. Các loại quyền thuật thông hành ở đất Việt (vùng Lưỡng Quảng của Trung hoa) cũng thuộc về loại này.



Ðến môn Ðịa đường chuyên về nhào lặn thì nổi tiếng nhất là Lục hợp môn. Các loại Hầu quyền, Túy bát tiên cũng là các quyền thuật chủ yếu của Ðịa đường môn. Nay, quyền thuật lưu hành ở vùng Trường giang, những phương pháp nhào lộn không chịu ảnh hưởng của Hầu quyền và Túy bát tiên mà có liên quan nhiều đến môn Ðoản đả.



5. CÁC LOẠI THUỘC TRƯỜNG QUYỀN



Công dụng của Trường quyền là ở chỗ mau và mạnh, lúc tiến thì cấp bách, lúc thoái thì gấp rút, nhẹ nhàng không thể biết trước được, làm cho địch thủ khó lường. Trường quyền thường công kích vào chỗ hở của đối phương làm cho địch thủ không thể tự kiểm soát đường quyền.



Trong Trường quyền, môn Phiên tử sở trường về luyện tay, môn Phê quải sở trường về luyện chưởng, Tra quyền sở trường về luyện tập bước đi. Ðó là những chỗ độc đáo của mỗi môn.



Ngày nay, Phiên tử môn và Bát thiên môn chia thành hai phái ; tuy chia ra làm hai, các tư thế và dụng ý không có gì khác nhau. Những người học quyền nếu thông thạo môn Phiên tử thì cũng luyện tập môn Bát phiên hoặc ngược lại. Trong môn Phiên tử, Ưng trảo liên quyền là cơ bản.



Ðàn thoái còn gọi là Ðàm thoái. Gần đây rất thịnh hành trong Bắc phái. Sở dĩ gọi tên như vậy là do những thuyết sau đây : có người nói sở dĩ gọi là Ðàm thoái vì do một nhà sư ở chùa Long đàm truyền ra. Lại có người nói kẻ sáng tạo môn võ này là họ Ðàm. Có người gọi là Ðàn thoái vì lực từ chân phát ra rất mạnh như thế đạn bắn.



Các tư thế của môn này rất nhiều, tuy hình thức không khác nhau mấy, nhưng số mục lại có chỗ sai biệt. Ðại khái có thể chia làm 2 loại : một loại gồm 12 lộ rất thịnh hành trong Hồi giáo, một loại chỉ có 10 lộ. Môn Ðàn thoái này rất thực dụng trong quyền thuật Bắc phái, rất ích lợi cho sự vận động.



6. VỀ CÁC LOẠI ÐOẢN ÐẢ



Ðoản đả với Trường quyền ngày nay hỗn hợp với nhau. Vì vậy, những người học tập về Trường quyền đều tập thêm về Ðoản đả. Những người chuyên lấy Ðoản đả làm chủ rất nhiều ở vùng Giang nam và Quảng đông. Ở vùng Giang nam, người ta lại đem Ðoản đả hỗn hợp với Ðịa đường quyền.



7. CÁC LOẠI THUỘC MÔN ÐỊA ÐƯỜNG QUYỀN



Môn phái Lục hợp rất coi trọng về Ðịa đường quyền, nhưng Ðịa đường quyền lại thành ra một môn riêng. Ngày nay, Ðịa đường quyền lưu hành ở vùng Giang nam cùng với Ðịa đường quyền lưu hành ở vùng Dự, Lỗ có nhiều chỗ khác nhau. Bởi vì vùng Giang nam, các tư thế quyền thuật đều hẹp và dày, phần lớn lấy các thế của Ðoản đả. Còn vùng Dự, Lỗ (tỉnh Sơn đông), các tư thế rát rộng, phần nhiều lấy những thế của Trường quyền. Nhưng cả hai nơi đều chuộng việc nhào lộn, phàm những kẻ tập Ðịa đường quyền đều phải sở trường về cách lăn lộn, nhào, té...
 
Re: lược khao võ thuật trung hoa

CHƯƠNG TÁM



KHÍ GIỚI




I. NÓI VỀ 18 MÔN BINH KHÍ


18 món binh khí gồm :



Ðao
thương
kiếm
kích
đảng
côn

Xoa
ba
tiên
giản
chùy
búa

Câu
liêm
trảo
quài
cung tiễn
đằng bài




Tuy vậy, có thuyết gọi 18 môn binh khí là :



Ðao
thương
kiếm
kích
đảng
côn

Xoa
ba
tiên
giản
chùy
phủ

Câu
liêm
trảo
đại
quyết
cung thỉ




Thật ra quyết là một cây mộc côn gồm 2 nhánh, cách sử dụng không khác chi giản, còn đại là tên gọi thông thường của trảm mã đao, bởi vì vùng Sơn đông gọi trảm mã đao là Song thủ đới, âm "đới" đọc theo tiếng Trung hoa, chuyển thành âm "đại". Như vậy nên cho vào loại với đao. Vì thế theo thuyết thứ nhất khi nói về 18 môn binh khí thì đúng hơn.



1. Trong loại đao gồm có đơn đao, song đao, đại đao, phác đao, trảm mã đao.



2. Về thương thì gồm có đại thương, hoa thương. Ðại thương dài 1 trượng 8, 1 trượng 2, 1 trượng lẻ 8 tấc, 1 trượng, ngắn nhất là 8 thước (thước Tàu, 1 thước Tàu = 4 tấc Tây, 1 trượng = 10 thước Tàu). Hoa thương dài không quá 7 thước, ngắn khoảng 5 thước.



3. Kiếm gồm có đơn kiếm, song kiếm. Kiếm dài 3 thước (thước Tàu), ngắn 2 thước 4 tấc.



4. Kích gồm có đơn kích và song kích. Song kích đều ngắn.



5. Ðảng gồm có Nhạn linh đảng, Long tu đảng. Hai loại này giống nhau, nhưng cái móc của Nhạn linh đảng cong về phía dưới, còn của Long tu đảng thì cong về phía trên. Lâi có Lựu kim đảng, gần giống với Nguyệt nha sản.



6. Côn thì có loại dài 6 thước, loại Tề mi côn chỉ trên đước 6 thước.



7. Câu gồm 2 loại Hổ đầu câu, Lộc giác câu.



8. Liêm gồm có đao liêm và thương liêm đều có loại dài, ngắn khác nhau. Loại dài 6, 7 thước, loại ngắn 2 thước 4 tấc. Phàm những loại binh khí ngắn đều dùng 1 đôi như song kích, song kiếm... Lại có Hổ trảo liêm, còn gọi là Nhật nguyệt song bút.



9. Trảo gồm có Kim long trảo, giống như các ngón tay người ta.



10. Quài gồm có Dương giốc quài, Lý công quài. Dương giốc quài dài 4 thước. Lý công quài là 1 đôi đoản quài (quài ngắn). Tiên lặc quài còn gọi là Câu liêm quài, hình giống như đơn đao, cán đao là 1 mũi thương nhọn.



11. Tiên thì gồm có đơn tiên và song tiên. Ngoài ra còn có nhuyễn tiên, nhuyễn gồm 7 đốt hoặc 9 đốt.



Ngoài 18 môn binh khí, còn có Phương tiên nguyệt nha sản, Bế huyệt Nga mi thích. Ám khí thì có tiêu, đạn, tụ tiền...



II. CÁCH SỬ DỤNG CỦA 18 MÔN BINH KHÍ


Cách vận dụng 18 môn binh khí, đại để thương và côn thuộc về một loại. Cách dùng côn và thương có nhiều chỗ giống nhau, nhưng dùng về "đả" thì côn nhiều hơn thương. Côn pháp của phái Thiếu lâm còn kiêm luôn cả những đặc tính của thương và bỗng, gồm 7 phần thương pháp, 3 phần côn pháp. Trong các loại côn pháp thì côn pháp Thiếu lâm hay nhất. Ðến như lối hai tay cầm côn, hổ khẩu tay hướng về nhau, gọi là âm thủ côn.



Theo sách Kỷ hiệu tân thư của Thích Kế Quang thì :



Thương có lối Lê hoa thương của họ Dương cùng với lối đánh côn của họ Sa và họ Mã.



Theo sách Thiếu lâm côn pháp của Trình Xung Ðẩu thì :



Côn có loại côn pháp Ðại tiểu Dạ xoa của phái Thiếu lâm, cùng Âm thủ côn của nhà họ Tôn.



(Âm thủ côn là lối cầm 2 hổ khẩu hướng vào nhau).



Kích có hai loại khác nhau là trường kích và song kích. Trường kích và câu liêm thương thuộc một loại. Kích và câu liêm thương thường nặng ở đầu nên lúc sử dụng không được linh động như thương. Song kích thuộc một loại với song câu, song liêm.



Ðảng, xoa, ba, thuộc về một loại đều là những võ khí ngăn trở địch tấn công mau chóng, nhưng dùng không được tiện lợi, nhanh nhẹn, dễ bị chậm chạp, không phải là kẻ có sức mạnh thì không thể dùng được.



Trúc tiết tiên, đơn giản, đơn đao thuộc về một loại. Song tiên, song giản, song đao thuộc về một loại. Lối đánh của tiên và giản là lối chém của đao.



Ðại đao, trảm mã đao thuộc về một loại, chùy và búa đều là những võ khí nặng nề. Ngày xưa, trong lúc hành quân, nếu trận của quân giặc kiên mật khó xung đột, thường chọn những người có sức mạnh, cầm chùy dài, búa dài hăng hái xông lên mà phá. Nếu cá nhân chống nhau với địch thủ thì những võ khí như chùy và búa không thích dụng lắm. Chùy và búa chỉ có các phương pháp ngạnh đả, ngạnh chước, ngạnh thung, không có nhiều xảo pháp.



Lối sử dụng của quài có lúc dài, lúc ngắn làm cho kẻ địch khó đề phòng. Câu liêm quài còn có phép móc kéo địch thủ, nhưng rất khó sử dụng.



Kiếm được dùng từ xưa. Phàm các lối sử dụng võ khí đều thoát thai từ lối đánh kiếm mà ra. Bởi vì ngày xưa, các võ khí như qua, mâu, kích đều dùng trong chiến trận, hơn nữa lại còn dùng lối đánh nhau bằng xe (xa chiến) nên đánh, đâm, tiến, thoái đều theo sự tiết chế, theo mệnh lệnh mà động thủ, không thể nhảy nhót mau lẹ, tự do tung hoành, biến hóa như ý. Chỉ có kiếm là vật dụng người xưa mang theo, thường tập rèn có thể tự vệ được. Vả lại kiếm thường dùng khi đánh nhau dưới đất, vì vậy kiếm thuật rất dễ đến chỗ xảo diệu (vì nhiều người học và nghiên cứu, sáng tạo).



Kiếm khác với đơn đao ở chỗ đơn đao phía mũi rất nặng còn mũi kiếm thì nhẹ. Vì vậy, dùng kiếm mau chóng hơn là dùng đơn đao.



Còn các loại Nga mi thích, cửu tiết tiên người xưa thường đem theo hộ thân, rất tiện lợi. Nga mi thích quá ngắn, còn cửu tiết tiên rất khó sử dụng.



III. LƯỢC BÌNH VÀ SO SÁNH VỀ CÁCH SỬ DỤNG BINH KHÍ CỦA CÁC MÔN PHÁI


Các loại võ khí thường dùng gồm có đao, thương, kiếm, côn, câu. Ba loại thương, côn, câu các phái Ðàn thoái và Tra quyền được chân truyền. Trong phái Ðàn thoái có môn Ngũ hổ đoạn môn thương, Trung bình thương hợp với phép đánh thương ghi trong sách Kỷ hiệu tân thư của Thích Kế Quang. Phong ma côn của phái này cũng giống như côn pháp của Thiếu lâm tự. Phép đánh câu cũng rất xảo diệu, tinh bác.



Về đao pháp thì phái Phê quải có lối song đao rất thực dụng. Lối sử dụng đại đao ở vùng Giang nam cũng có nhiều chỗ hay.



Về kiếm thì các phái Thái cực, Bát quái, Phê quải đều có chỗ linh diệu là dùng nhu chế cương. Bàn long kiếm pháp của phái Chuyết cước vừa nhu lẫn cương rất hay. Ðến như loại côn pháp ở vùng Giang nam, thường là loại Tề mi côn hoặc đoản côn hay dùng âm thủ, sử dụng cả 2 đầu, không thực dụng.
 
Re: lược khao võ thuật trung hoa

CHƯƠNG CHÍN



LỰA CHỌN MÔN HỌC VỀ VÕ THUẬT




Ngày xưa, người ta chọn môn học về võ thuật, phần lớn coi trọng đến việc ứng địch. Ngày nay còn gồm luôn cả phương diện vận động. Vì vậy, đối với việc lựa chọn các môn quyền thuật và khí giới để học, cũng cần phải bàn luận phân biệt. Bởi vì lấy việc ứng dụng làm mục đích khác với lấy việc vận động làm mục đích, cho nên sự lựa chọn cũng có chỗ khác nhau.



I. HIỆU LUẬN VỀ NHỮNG ƯU, KHUYẾT ÐIỂM CỦA QUYỀN THUẬT TRÊN PHƯƠNG DIỆN VẬN ÐỘNG



Thường những người tuổi trẻ, sức mạnh vừa thích hoạt bát lại thích phồn hoa, nên tập những loại quyền thuật cương mãnh và đẹp đẽ để gây thêm sự hào hứng. Như vậy, có thể học các loại quyền như Ðàn thoái, Tra quyền, Phiên tử, Phê quải, Hồng quyền, Thiếu lâm... thì đều thích hợp. Ðến như môn Ðoản đả cũng có thể kiêm tập. Chỉ có môn Ðịa đường chuyên việc nhào lộn, nếu gặp lúc sơ ý, rất dễ bị thương thân, càng phải nên thận trọng.



Nếu những người thân thể nhẹ nhàng mà gặp danh sư của phái Ðịa đường thì học cũng không hại gì. Chúng tôi thường thấy những võ sư dạy quyền thuật ở thôn quê, thường bắt học trò tập nhào lộn, chuyên cậy vào sức mạnh, không theo đúng phương pháp, như vậy chỉ có hại mà thôi, nên cẩn thận mới được.



Những người đã quá 30 tuổi, các khớp xương không còn mềm dẻo, nếu tập nhảy, nhào lộn thì cảm thấy khó nhọc, nên có thể chọn một trong ba môn Thái cực quyền, Bát quái quyền và Hình ý quyền mà luyện tập, hoặc là tập cả ba môn cũng được để càng thêm thú vị. Trong ba môn này, Hình ý quyền dễ nhất, Bát quái quyền khó tập nhất. Bởi vì tập Bát quái quyền cần phải có bộ pháp cho nhanh, thân pháp cho mềm dẻo. Hình ý quyền thì thủ pháp hết sức đơn giản, bộ pháp cũng không phí sức. Thái cực quyền tuy rất nhu hòa, nhưng toàn bộ Thái cực quyền gồm hơn 79 thế, hai chân thường phải xuống tấn thấp, những người mới học cảm thấy tập luyện khó khăn. Những người bốn, năm mươi tuổi, hay những kẻ quá mập sợ không thể học được. Vì vậy, thích nghi nhất cho việc tập luyện chỉ có Hình ý quyền. Lại nữa, sau khi học xong, không kể ở đâu và lúc nào, đều phải luyện tập một thời gian nhất định trong mỗi ngày. các môn Hình ý quyền, Thái cực quyền không cần chỗ luyện tập khá rộng, còn các môn quyền thuật thuộc Bắc phái như Tra quyền, Phê quải thì phải cần có chỗ tập rộng. Môn Ðoản đả ở phương Nam Trung quốc cũng không cần chỗ tập rộng. Thế thì đứng về phương diện vận động mà xét, không có gì tốt hơn là tập hai môn Hình ý và Thái cực.



Còn như môn Ðô vật, nếu không phải là người có sức khỏe thì không thể học được. Hơn nữa, môn Ðô vật lúc tập cần phải có 2 người để vật với nhau. Trong lúc luyện tập phải vật ngã đối phương, vì vậy nếu không có sức khỏe thì không thể luyện được.



II. HIỆU LUẬN NHỮNG SỞ TRƯỜNG VÀ SỞ ÐOẢN CỦA QUYỀN THUẬT VỀ PHƯƠNG DIỆN ỨNG ÐỊCH



Ðứng về phương diện đối phó với địch thủ mà nói thì mỗi môn quyền thuật đều có sở đoản và sở trường.



Thái cực môn lấy tĩnh chế động, nhưng sự sâu xa, huyền diệu rất khó lĩnh hội. Nếu không luyện tập công phu trong vòng 8 hay 10 năm, thì không thể dùng để ứng địch. Hơn nữa, nếu học Thái cực quyền mà dùng để ứng địch thì phải thường luyện tập phép thôi thủ. Phép này phải có 2 người. Do đó, học Thái cực quyền mà cầu mong ứng địch thì thật khó.



Bát quái quyền biến hoá rất linh động, nếu tập luyện thuần thục thì sử dụng như ý muốn, lúc múa quyền có cảm tưởng như rồng lượn, nhưng những kẻ thân thể chậm chạp, nặng nề, mập quá thì không nên học, dù có học cũng không thành công mấy.



Hình ý quyền thích hợp cho tất cả mọi người, nhưng phương pháp hết sức đơn giản, nếu tập nhiều rát dễ tinh thục. Nhưng vì quá đơn giản, lại ít biến hóa, nếu gặp địch thủ giỏi hoa quyền, có thể khó mà đối phó.



Các môn Trường quyền, Ðoản đả, Ðàn thoái, Tra quyền, Thiếu lâm... pháp thức rất nhiều, dùng cả quyền lẫn cước, hơn nữa dùng lực ở chỗ nào cũng rất dễ biết, công kích ở hướng nào cũng dễ rõ. Vì vậy, học trong vòng 2, 3 năm có thể ứng địch. Nhưng người học thấy vậy rất dễ chểnh mảng tập luyện, không cố gắng thâm cầu. Thường thường công phu luyện tập ít mà đã cho rằng nhiều. Hơn nữa pháp thức quá nhiều, khó mà chuyên luyện.



Ðịa đường là một loại quyền thuật chuyên môn, nhưng rất khó dùng. Bởi vì đã nhào lộn, mà từ chỗ nhào lộn ấy để cầu thắng, thì khó biết bao. Lại có kẻ nói đó là phép tìm cái thắng trong cái bại vậy. Lý ấy cũng có phần đúng. Nhưng nếu mới học quyền thuật mà tập ngay môn Ðịa đường thì vì nhào lộn mà rất dễ bị thương, lại sợ bị ngăn trở sự hứng thú của người tập. Nếu đã học về Trường quyền, Ðoản đả hay bất cứ một loại quyền thuật nào của Bắc phái, thân thể đã đến chỗ linh hoạt, rồi sau mới tập môn Ðịa đường thì không thấy khổ sở lắm và không đến nổi vì nhào lộn mà bị thương.



Còn thuật Ðô vật có thể dùng để thoát thân khi bị người ta ôm hay bắt, nhưng Ðô vật phải tập 2 người thao luyện với nhau, một người không thể đơn luyện được. Môn này không khó học, nhưng người học phải có thân thể tráng kiện mới có thể chịu đựng khi bị vật té. Nên tập các môn quyền thuật của Bắc phái trước, rồi sau mới tập môn Ðô vật thì cảm thấy không khổ sở lắm. Vì những người này thân thể đã linh hoạt, khi bị vật té, tự tìm phương cứu tế, không đến nỗi bị té quá nặng. Nếu ai ban đầu tập môn Ðịa đường rồi sau mới học môn Ðô vật thì hay lắm.



III. SỰ LỰA CHỌN KHÍ GIỚI ÐỂ HỌC



Việc luyện tập khí giới khác với việc luyện tập quyền thuật, bởi vì những người luyện tập khí giới đều phải tập quyền thuật trước. Ðến khi quyền thuật đã tinh thì học thêm khí giới để mở rộng sở thích của mình. Ðến như ở giữa chiến trận, khí giới để dùng chỉ có hai loại thương và đao mà thôi.



Nay luận về việc chọn khí giới để học là đứng trên phương diện vận động dung hợp với phương diện ứng địch mà thôi. Bởi vì những người đã học về võ khí, nếu không dùng đến việc ứng địch thì hỏi còn thú vị gì ?



Khí giới tương đối dễ tập hơn quyền nhưng phải học quyền thuật trước để có căn bản. Sách Kỷ hiệu tân thư của Thích Kế Quang có viết :



Ðại để những loại khí giới như côn, đao, thương, chỉa ba, kiếm, kích, vv... đều xuất phát từ quyền pháp, đầu tiên tập quyền để hoạt động thân thủ và quyền là nguồn gốc của võ nghệ.



Trong các loại võ khí thì kiếm nên học nhất. Bởi vì phương pháp nhiều, chỗ dễ, khó đều có cả, múa lên lại vừa đẹp, vừa thực dụng. Hơn nữa đã biết về kiếm thuật, thì khi cần dùng có thể cầm một cây gậy thường chống cũng có thể thay kiếm được.



Ðơn đao cũng rất tiện lợi, nhưng không bằng kiếm. Kiếm vừa có định thức, vừa có động thức, có khi mau, có lúc chậm ; đao thì chỉ có mau. Vì vậy những người lớn tuổi không thể học đao mà chỉ có thể học kiếm.



Thương, côn, đại đao là những loại binh khí dài chỉ dùng để xung phong ngoài chiến trận còn ít khi mang theo bên mình vì bất tiện. Nhưng tập côn và thương có thể thêm sức cho đôi tay. Tập đại đao thì thêm sức cả toàn thân. Các loại song đao, song kiếm, song câu, song giản phương pháp rất hoa diệu, rất hợp với cái đẹp của nghệ thuật, nhưng những người lớn tuổi thì không thể học được.



Ngày xưa, người ta dùng những loại vũ khí như cửu tiết tiên (roi 9 đốt), tam tiết côn (côn 3 đốt) để tự vệ rất tiện lợi, nhưng ngày nay ít dùng, nhưng lối sử dụng cái loại vũ khí này rất hoa mỹ đáng xem. Có điều rất khó sử dụng. Trong lúc học cửu tiết tiên, có thể lấy một sợi dây dài khoảng 4 thước Tàu, một đầu cột một cục sắt nặng khoảng một lượng (hay cục đá cũng được), dùng vải, bông bao ở ngoài cục ấy để làm cửu tiết tiên. Khi tập luyện đã thuần thục, nên mới dùng tiên thật, thì không đến nỗi bị tiên gây thương tích (khi tập luyện).



Ngoài những khí giới ấy ra, các loại khác dụng ý cũng gần giống như vậy. Nếu các loại trên đã tập thuần thục thi các môn khác học qua là biết sử dụng ngay.
 
Re: lược khao võ thuật trung hoa

CHƯƠNG MƯỜI


CHỈ YẾU


Chương này mở đường cho những người mới theo học quyền thuật và gạt bỏ những điều sai lầm trong lúc luyện tập.



I. NÊN BIẾT CÁCH TÌM THẦY


Tuân Tử có nói : Học phải tìm thầy, Dương Tử pháp ngôn lại nói : Cần việc học không bằng chăm lo việc cầu thầy. Ðại phàm học môn gì cũng cần phải có thầy huống chi là quyền thuật, nếu không có thầy chỉ dạy thì làm sao có thể không hiểu được ?

Ngày xưa những người học quyền thường coi trọng về thực nghiệm. Ngày nay lại viết sách, vẽ hình để làm sáng tỏ. Nhưng những người học quyền thuật đã có chỗ tâm đắc thì có thể nhìn hình vẽ mà tìm ra đầu mối, có thể phát kiến những điểm mới lạ. Ðến như kẻ chưa tập võ thì không thể làm như vậy được. Chẳng những người chưa học võ không thể làm được mà đến những người mới học cũng chưa thể tự tập được. Những người tu luyện về Ðạo gia thường nói : Có được bí quyết rồi mới về xem sách mà hiểu thêm được. Lời nói ấy thật đúng vậy.



Công phu là do mình tự tập, còn pháp môn là nhờ thầy dạy cho. Tuy có thầy giỏi nhưng ta không gia công thì cái giỏi của thầy cũng không giúp gì cho ta được. Tuy không gặp được thầy giỏi nhưng ta cố gắng thì màu xanh thoát từ màu chàm nhưng lại đẹp hơn màu chàm (ý nói học trò học với thầy nhưng sẽ giỏi hơn thầy). Việc ấy thường có vậy. Hàn Dũ có nói :



Ðệ tử không cần phải như thầy, thầy không cần phải hiền hơn đệ tử.



Thật chí lý thay.



Thường mới theo học quyền thuật, không cần phải tìm ngay những thầy võ giỏi nổi tiếng. Bởi vì các vị ấy thường cho mình có địa vị cao không hết lòng chỉ dạy. Ta nên tìm những võ sư có kỹ thuật thường thường thì rất dễ học hỏi. Ðợi đến khi bước đầu vững vàng, cơ sở thành tựu, ta nên tiến thêm mà cầu học ở các danh sư, xin họ chỉ dạy cho. Như vậy người theo học dễ lĩnh ngộ mà các danh sư cũng không ngại phiền nhiễu.



II. CÁCH TUẦN TỰ TRONG KHI TẬP QUYỀN THUẬT



Phàm những kẻ học quyền, khi đã có thầy chỉ dạy, thì các lối nghiên cứu, tập luyện trước sau đều do thầy chỉ dẫn. Các lối dạy tuần tự trước sau, đại để cũng có nhiều chỗ tương đồng. Nay thông hợp các phái, giả định thành một tiêu chuẩn. Nếu theo đó mà cầu học thì tự cảm thấy rất dễ tiến bộ.



1. Nếu học quyền thuật nội gia thì đầu tiên nên học về Hình ý quyền, tiếp đó, học về Thái cực quyền và cuối cùng theo học Bát quái quyền. Như đã chuyên luyện môn thôi thủ của Thái cực quyền thì không học Bát quái quyền cũng không hại gì. Bởi vì Bát quái quyền, về phương diện ứng địch, rất hữu dụng, nhưng đã tập kỷ về thôi thủ thì khi gặp kẻ địch vẫn có thể biến hóa một cách thần diệu. Dụng ý của Bát quái quyền cũng nằm trong đó mà thôi.



2. Nếu học quyền thuật của phái Ngoại gia thì đầu tiên nên tập về Ðàn thoái để hạ bàn được vững chắc, thủ pháp, nhãn pháp, thân pháp đều có thể ứng dụng được. Sau đó, tiến thêm lên mà học các môn khác thì lúc đó căn bản đã có. Nếu ban đầu không học về Ðàn thoái mà theo học các loại hoa quyền chuyên nhảy nhót, nhào lộn thì rất dễ mất căn bản.



3. Phương pháp luyện sức, nên lấy phép hô hấp, vận khí làm chủ. Có thể theo hình vẽ chỉ dẫn về Dịch cân kinh thập nhị thế (tức là Vi đà hiến chữ, Trích tinh hoán đẩu, Xuất trảo lượng xí...) và tham chiếu với phương pháp hô hấp để cho sức khỏe được dồi dào. Cũng có thể theo phép vận khí trong sách Thiếu lâm bí quyết. Ðến như các phép tập ngạnh công như cử đá, cử tạ rất dễ tổn thương đến thân thể, mà lại có nhiều bất tiện (nếu gặp lúc không có tạ hoặc đá thì chẳng tập được và những vật nặng như thế không thể mang theo dễ dàng khi đi xa). Nhưng phương pháp vận khí phải cần một thời gian khá lâu mới có công hiệu, không thể kết quả mau chóng. Nếu cần kết quả mau chóng như cử tạ, thì sức khỏe tăng nhanh, nhưng sức dồn lại phần trên của thân thể, hạ bàn hư phù, không bằng lối vận khí của phái Thiếu lâm, hay lối tập điều hòa của Dịch cân kinh rất là hữu dụng. Nếu người tập luyện mà có chí, lúc nào cũng tập rèn thì không có gì hay bằng tập môn Ðàn thoái, lợi ích rất nhiều, không có môn quyền thuật nào sánh bằng. Trong mục "Phàm lệ" của sách Hình ý quyền học sơ bộ Lý Kiếm Thu cũng ca tụng về thực dụng của môn Ðàn thoái. Họ Lý là người giỏi về Hình ý quyền mà cũng phải khen môn Ðàn thoái, như vậy giá trị của môn Ðàn thoái thật cao vậy.



4. Cách chọn những khí giới để luyện tập cái nào trước, cái nào sau thì ai cũng công nhận là trước khi học về khí giới phải học rành về quyền thuật. Ðầu tiên, muốn học về khí giới, nên tập về đơn đao (mã tấu) và côn, về sau hãy tập kiếm và thương. Bởi vì lối đánh đơn đao gần giống với kiếm và lối đánh côn gần giống với thương, nhưng đơn đao dễ học hơn kiếm, côn dễ học hơn thương. Về sau nên tập song đao, song kiếm, song câu, đại đao để tăng thêm sự thú vị. Biết được các loại này thì về sau có thể lĩnh hội được các lối sử dụng về khí giới khác rất dễ dàng. Nếu không tập những võ khí khác cũng không hại gì, mà nếu có tập cũng không gặp khó khăn.



III. THÔNG BỆNH CỦA NHỮNG NGƯỜI HỌC QUYỀN



1. Chúng ta xem những người học quyền thuật, thường ban đầu thì rất hào hứng, nhưng cuối cùng bỏ dở, không chịu tập luyện, đến nỗi quên hết những điều đã học được. Như vậy là tại làm sao ? Bởi vì tâm lý của người ta thường thích cái mới quá chán cái cũ, vì vậy lúc mới học tham học nhiều để mau được lợi ích, lại muốn cho mau thành công. Trong lúc luyện tập quyền thuật, học môn này chưa xong, đã mong học một môn khác, căn bản vì vậy không được chắc chắn. Thêm nữa lại tập nhiều môn, nếu một ngày kia xa thầy, không khỏi gặp những điều thiếu sót, quên lần. Ðã thiếu sót, quên lần, thì tập không còn hứng thú. Bởi không hứng thú nên không ôn luyện, không bao lâu thì quên sạch những điều đã học. Ðó là một mối hại vậy.



2. Lại có người vì bận nhiều việc, tình cờ bỏ phế không tập trong một thời gian. Mà tập quyền cũng như tập viết, không nên gián đoạn một ngày. Nếu lỡ gặp phải một thời gian không tập luyện thì công phu tập luyện trước kia coi như mất cả. Vì vậy có kẻ bỏ một thời gian không tập rồi chán nản mà bỏ tập luôn ! Thật ra, nếu lỡ mất một thời gian không tập luyện cũng không đến nỗi hại lắm.



3. Phàm học một loại quyền thuật nào, nếu không luyện đến ngàn lần rất dễ bị quên... Nếu tập hơn ngàn lần thì thành thuộc mà thành ra xảo diệu. Trong đó có bao nhiêu phương pháp đều có thể tự mình lĩnh ngộ được. Không nên cầu học cho nhiều, chỉ chuộng hình thức bên ngoài. Vì vậy có người học quyền thuật mấy năm, có thể tập được rất nhiều bài quyền mà đến khi gặp kẻ địch thì không thể tự vệ được, cử động thất thế, đến nỗi bị những kẻ không học võ đánh bại ! Ðó là bởi tham nhiều mà không tinh luyện vậy.



IV. Ý NGHĨA CỦA HAI CHỮ "TINH" (RÒNG) VÀ "BÁC" (RỘNG)



Một nhà văn đời Thanh là Ngô Ðịnh Hữu có nói :



Muốn cho rộng mà lại cầu cho tinh, muốn sức chia ra nhiều mà công phu thành tựu, thì từ xưa đến nay chưa từng có vậy.



Nhưng Mạnh Tử lại nói :



Nếu bác học mà trình bày rõ ràng thì từ chỗ học rộng có thể trở về chỗ giản ước được.



Hai ý kiến trên hình như xung đột nhau nhưng kỳ thực lại có thể dung hoà với nhau.



Chúng ta học tập quyền thuật có thể chứng minh điều ấy. Chúng tôi thường nghe một võ sư là Mã Vân Phố nói : Những vị quyền sư ở phương Bắc nước Tàu dạy học trò, đầu tiên dạy một môn quyền thuật quan trọng nhất trong môn phái, như trong môn Ðàn thoái thì dạy 10 lộ Ðàn thoái, trong môn Hồng quyền thì dạy Ðệ nhứt lộ Hồng quyền, môn Phê quải thì dạy Phê quải quyền. Rồi bắt học trò luyện tập trong 3 năm ròng, sau đó mới dạy những loại khác. Như vậy, người học có một cơ bản vững chắc, hơn nữa để xem người học có lòng nhẫn nại hay không ? Nếu không có lòng nhẫn nại thì lòng yêu thích võ thuật không cao, cuối cùng cũng bỏ ngang nữa chừng, tốt hơn là không dạy gì thêm cho đõ tốn thì giờ và tâm lực.



Lời nói ấy hết sức hữu lý. Vì vậy các võ sư phương Bắc, tuy trình độ cao thấp khác nhau, nhưng không bao giờ chỉ cậy vào sức mạnh của kẻ chưa học võ, mà lúc nào tay chân cũng nhanh nhẹn, có thể ứng địch được.



Còn người phía Nam nước Tàu, quen tính phù hoa, ai ai cũng tham học nhiều, không nghĩ đến căn bản. Vì vậy, có kẻ học quyền thuật lâu đến 7, 8 năm, mà nếu gặp phải một người có sức mạnh và nhanh tay, thường không thể chế ngự họ được. Ðó là do có và không có căn bản mà ra vậy.



Nếu học một môn mà công phu tập luyện đã dày sâu, thì muốn học rộng thêm rất dễ. Tinh luyện giúp cho ta biến hóa thần diệu, học rộng giúp cho kiến thức của ta mở mang. Vì vậy, dù học rộng mà tinh lực không bị hao tổn, sức tuy chia ra mà vẫn thành tựu. Câu nói của văn gia Ngô Ðịnh Hữu chỉ có ý khuyên những người không có chủ kiến, thiếu lập trường, cứ theo đuổi kẻ khác, tự mình không chọn một con đường riêng cho mình. Ôi ! Lý trên há chỉ đúng cho những kẻ học quyền thuật mà thôi sao ? Trăm nghiệp khác khác mà thành hay không thành cũng do lẽ ấy mà suy ra
 
Re: lược khao võ thuật trung hoa

Anh ơi em thấy anh post được nhiều bài thế.Anh lấy tài liệu ở đâu ?????Cho em bít với được hông.Em mê võ lém.
 
như bạn đọc ở trên đây là tui chỉ có đấnh máy và post lên thôi
 
Back
Bên trên