Nguyễn Hà Phương
(phhn)
BQL CLB Du học
ÐẤU VẬT VUI XUÂN
HỘI XUÂN DÂN TỘC:
Khi đề cập đến Hội Xuân Dân Tộc, chúng ta phải trở lại thời xa xưa, trước năm Ất Dậu 1945. Trong thời xưa, những việc hay, vẻ đẹp của dân tộc tính Việt Nam đã được thể hiện trung thực, qua những tập tục, sinh hoạt cổ truyền, trong một xã hội căn bản nông nghiệp của tiền nhân.
Hàng năm, trong những tháng đầu xuân, dân làng thường mở hội xuân. Ngoài mục đích để nghỉ ngơi, giải trí, sau một năm làm lụng cực nhọc, nhân dịp này, người ta còn muốn thể hiện những ý niệm thiêng liêng như: lòng biết ơn sâu đậm đối với các vị anh hùng liệt nữ dân tộc, lòng tôn kính thờ phượng tôn giáo, qua các nghi thức tế lễ cổ truyền, cũng như, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ của dân làng, mỗi năm có dịp thấm nhuần sự tươi mát của tiết xuân. Cho nên, ca dao Việt Nam có câu: "Tháng Giêng ăn Tết ở nhà. Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè."
Trong những ngày hội xuân, dân làng có tổ chức những trò vui cho người dự hội, mà các cụ thường gọi là "Trò Bách Hí", tùy theo từng địa phương, "Trò Bách Hí" được thay đổi khác nhau. Có những trò vui tao nhã, dành cho người trí thức, có những trò vui thú vị, dành cho người bình dân. Cũng như, có nhiều thú vui khác nhau, để thích hợp cho mọi lứa tuổi, từ tuổi già như các trò chơi tổ tôm, đánh bài chọi, xem hát chèo, hát bộ,... Xuống đến tuổi trẻ thanh niên tham dự các trò chơi như: hát quan họ, hát ví, đò đưa, ném còn hát lượn, trai gái từng cặp đánh đu,... Cũng như, còn có những trò vui để khuyến khích tinh thần đoàn kết như đánh phết, thi bơi thuyền, kéo co,... và tinh thần thượng võ như các cuộc đấu vật, đấu trung bình tiên, cờ lau tập trận, diễn trận đánh giặc Ân,...
Về tinh thần thượng võ, dân tộc Việt Nam đã minh chứng trong Việt sử, từ ngày lập quốc Hùng Vương đến thời cận đại, Việt sử là cả một lịch sử tranh đấu không ngừng của dân tộc. Người dân Việt đã tranh đấu để sống còn, đối với phương Bắc, lẫn ngoại bang, và tranh đấu để mở rộng đất nước về phương Nam. Do đó, tổ tiên Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, trong việc bảo vệ đất nước. Thuở xưa, trong thời bình, ngoài việc cần thiết của việc phát triển kinh tế nông nghiệp, người Việt không bao giờ lãng quên đến sự rèn luyện võ dũng. Cũng như, tinh thần thượng võ luôn được đề cao trong quãng đại quần chúng, để nuôi dưỡng sức mạnh chiến đấu tiềm tàng, và phát huy ý chí quật cường, bất khuất của dân tộc.
Vì vậy, những cổ tục đề cao tinh thần thượng võ đã được tiền nhân thể hiện qua những trò chơi xuân như đấu trung bình tiên, đấu vật,..., trong những ngày Hội Xuân Dân Tộc. Trong các trò chơi chiến đấu của hội xuân, chỉ có đấu trung bình tiên, và đấu vật là hai môn chơi tốn nhiều ngày giờ và công phu tập luyện nhất. Hai môm chơi này đòi hỏi người dự đấu phải có một trình độ căn bản về kỹ thuật lẫn công phu tập luyện vững chắc. Vì vậy, người tập luyện hai môn này có dịp ứng dụng tài võ nghệ của mình, để chống bắt trộm cướp, bảo vệ xóm làng. Hơn nữa, họ còn được xem là những tài nguyên quân lực tiềm tàng để chống giặc, bảo vệ đất nước, trong thời loạn lạc ngoại xâm.
ÐẤU VẬT LÀ GÌ?
Thuở xưa, tại Việt Nam, môn "Ðấu Vật" còn được gọi bằng những danh từ khác như: Ðánh Vật, Chọi Vật, hay Ðô Vật mà danh từ được gọi thông dụng ngày nay. Ðấu Vật là một môn chơi thể thao cá nhân, có tính chất chiến đấu, áp dụng sức mạnh, lẫn sự nhanh nhẹn, khéo léo, được phối hợp với những kỹ thuật thăng bằng, nhằm mục đích làm cho đối phương bị té nhào, ngã ngửa xuống đất. Cho nên, Ðấu Vật còn được xếp vào một trong những môn của võ thuật, mà người bình dân thường gọi là nghề võ hay võ nghệ.
NGUỒN GỐC ÐẤU VẬT VIỆT NAM:
Hầu hết các tỉnh miền Bắc Việt, thuở xưa, hàng năm, vào tháng Giêng âm lịch, đều có tổ chức đấu vật, trong các hội xuân dân tộc. Những tay đấu vật nổi tiếng nhất thường xuất phát từ những làng như: Chùng Mậu, tỉnh Bắc Ninh, Hồi Hợp và Vị Thanh tỉnh Vĩnh Yên, Mai Ðộng tỉnh Hà Ðông, Thục Vụ và Lương Xá tỉnh Nam Ðịnh, làng Sình huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên.
Riêng tại làng Mai Ðộng tỉnh Hà Ðông, một địa phương nổi danh về Ðấu Vật lâu đời nhất, theo lời truyền khẩu, "Bà Lê Chân, một nữ tướng tiên phuông của Hai Bà Trưng, đã dùng môn Ðấu Vật là môn chánh trong những cuộc tuyển chọn các quân sĩ. Về sau, bà Lê Chân đã bị tử chiến, tại làng Mai Ðộng tỉnh Hà Ðông, sau khi thua trận tại Bạch Ðằng Giang, với quân Hán do Mã Viện cầm đầu, bà phải rút quân về Hồ Lăng Bạc để anh dũng chống cự, sau cùng vì quân ít thế cô nên bà Lê Chân phải tử thủ tại làng Mai Ðộng tỉnh Hà Ðông.
Ðể tỏ lòng kính mến một liệt nử dân tộc, dân làng Mai Ðộng đã lập đền thờ bà. Về sau, người đời phong tặng bà Lê Chân với tước hiệu là "Thượng Ðẳng Phúc Thần Công Chúa". Ngoài ra, đền thờ của bà còn được dựng lên tại nhiều tỉnh khác như: làng An Biện, huyện Ðồng Triệu, tỉnh Hải Dương, và Ngõ Nghề tỉnh Hải Phòng,... Cho nên, hàng năm, vào dịp đầu xuân để kỷ niệm bà Lê Chân, tại làng Mai Ðộng, cũng như các làng có đền thờ bà, đều có tổ chức môn vui Ðấu Vật. Có lẽ, môn Ðấu Vật đã được phổ thông đại chúng kể từ thời đó, do công khởi xướng của bà Lê Chân, trong việc tuyển chọn quân sĩ chăng?...
HUẤN LUYỆN ÐẤU VẬT
Thông thường, khoảng chừng một hai tháng trước ngày có hội Xuân, phần đông, các lực sĩ dự đấu vật phải tập hợp tại nhà của ông thầy võ trong làng mình để tập dượt. Thuở xưa, vì bảo vệ xóm làng khỏi bị ăn cướp, mỗi làng đều có một ông thầy dạy võ cho dân làng. Nếu làng nào không có thầy dạy võ, người đại diện làng phải qua mời rước ông thầy võ ở làng bên cạnh về để dạy võ cho dân làng của mình.
Khi tập dượt, cũng như lúc dự đấu tranh giải, lực sĩ đấu vật không có măc quần áo, thân hình để trần, phía dưới, phần hạ bộ được che kín bởi một cái khố (như quần xì líp ngày nay) bằng vải, lụa hoặc nhiểu, có màu trắng, đen, xanh hoặc đỏ, nâu tùy ý, nhưng không được dùng màu vàng, vì lak màu dành riêng cho vua chúa, người dân thường bị cấm dùng đến màu này.
Phần đông, các lực sĩ tham dự đấu vật, không nhiều thì ít, đều có học qua căn bản của quyền võ cổ truyền. Cho nên, khi tham dự học tập đấu vật, họ không lấy chi làm khó khăn. Khái lược kỹ thuật của môn đấu vật Việt Nam gồm có những thế miếng được xếp vào 3 loại chính yếu như sau:
Miếng Ngáng hoặc Ðệm: là những thế miếng dùng chân của mình để chận, cản, hoặc đá quét vào chân đối thủ, mục đích làm mất thăng bằng của đối thủ, khiến cho đối thủ phải té nghửa xuống đất.
Miếng Ðôi hoặc Bốc: mục đích để nhấc bổng thân hình và hai chân của đối thủ hổng lên khỏi mặt đất, bằng đôi tay của mình, hoặc bằng đầu đội, hay dùng lưng cõng, vai vác đối thủ lên.
Miếng Hạ Thổ hoặc Nằm Bò: Những miếng này chỉ áp dụng khi đấu thủ bị sơ hở ở tư thế té nằm sấp, úp mặt xuống đất. Trong những lúc như thế, đấu thủ chỉ có cách nằm sấp thủ thế, để chịu cho đối thủ tấn công mình (bằng những phương cách đẩy, xô, bứng, cốt để lật cho nằm ngửa bụng lên). Rồi bất ngờ, trong những giây phút sơ hở của đối thủ, người ta thường dùng những miếng Ðội hoặc Bốc để thủ thắng, hoặc người ta lập tức đứng hẳn lên để tiếp tục cuộc đấu.
Trước khi học những thế miếng, người học phải học tập cách đứng thủ thế, với hai tay đưa vòng ra phía trước (tưởng tượng như đang ôm bấu vào thân hình đối thủ), giống như hai càng cua, mắt nhìn chăm chú vào phía trước mặt, với những bước chân tiến, lui, vòng qua lại hai bên, một cách chậm chạp, vững chắc.
Tiếp theo, ông thầy mới dạy thêm cho biết cách thức tập những thế té sấp, té ngửa, và té qua một bên, để khỏi bị tai nạn gãy xương. Sau đó, học lần lượt những kỹ thuật căn bản, để áp dụng những miếng Ngáng hoặc Ðệm, miếng Ðội hoặc Bốc, và những miếng cần thiết khi Hạ Thổ hoặc Nằm Bò. Tất cả các miếng thế đều được ông thầy giảng giải, phân rành để áp dụng vào những trường hợp, hoặc hoàn cảnh khác biệt để tự vệ và thủ thắng trước đối thủ. Ðến khi học thành thuộc, những người học mới bắt đầu thực tập, người này nhường người kia. Dần dần, họ đã quen với trận đấu, và áp dụng tập đấu thực sự, với sức mạnh, sự lanh lẹ và khôn ngoan của riêng mình.
LUẬT LỆ ÐẤU VẬT:
Khi tham dự đấu vật, các đấu thủ phải tuân theo các luật lệ của đấu vật. Ðể thủ thắng, đấu thủ phải áp dụng những thế miếng để vật cho đối thủ của mình bị té nằm xuống, trong tư thế ngã ngửa, lưng chạm đất, mà danh từ đấu vật gọi là "Vật Ngã Trắng Bụng".
Hoặc áp dụng những miếng Ðội (Bốc) để nhấc bổng đối thủ lên cao, với hai chân của đối thủ hổng lên khỏi mặt đất.
Khi ở tư thế Hạ Thổ (Nằm Bò) đấu thủ chỉ được phép dùng hai cách Ngáng, Ðội để đối phó, trái lại, không được dùng tay chân đấm đá, hay dùng những hành động xấu xa khác. Ngoài ra, trong khi đấu, các đấu thủ không được phép nắm tóc, móc mắt, chọt lét làm cho nhột, cắn, ngắt véo, đâm, bóp hạ bộ, hoặc phun nước bọt vào mặt, vào người đối thủ. Cũng như không được dùng lời thô tục để chửi bới, hoặc xé khố (quần xì líp) của đối thủ.
ÐẤU TRƯỜNG HỘI XUÂN:
Các hội xuân thường được tổ chức vào những ngày đầu hoặc rằm tháng Giêng, nơi đấu trường thường là cái đài ở trước sân đình, thuận tiện cho các đấu thủ làm lễ bái hướng vào đình, mỗi khi bắt đầu một trận đấu.
Ðể chuẩn bị dự đấu, các đấu thủ mình trần, ngồi xếp thành hai hàng đối diện ở hai bên sân đình. Lần lượt, từng cặp đấu thủ được gọi lên thượng đài. Sau khi họ làm lễ bái, cuộc đấu bắt đầu, với những cử chỉ thận trọng, họ múa tay, co chân, tới lui, cặp mắt lầm lì, chăm chú gườm nhau, để tìm hiểu những sơ hở của nhau. Một vài phút sau đó, họ xông vào nhau, với hai tay ôm choàng bấu chặt vào thân hình đối thủ, để lừa thế miếng vật ngã đối thủ.
Trong lúc đó, với phận sự của viên trọng tài, một người đánh trống, tay cầm chiếc trống khẩu, ghé vào gần tay các đấu thủ mà đánh ba tiếng liên hồi, như để kích thích tin thần chiến đấu, còn người phất cờ, tay cầm cờ cán dài, để ngăn giữ không cho người xem tiến sát gần sân đấu, và chỉ phất cờ theo nhịp trống, khi có người thắng cuộc.
Theo tác giả Toan Ánh, trong các sách biên khảo phong tục Việt Nam:
"- Tại những hội quê như ở làng Hồi Hợp huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên, mở hội vào ngày rằm (15) tháng Giêng Âm Lịch, làng Mai Ðộng tỉnh Hà Ðông mở hội vào các ngày mồng 4, 5 và 6 tháng Giêng Âm Lịch,... là những làng có đấu vật, thường bao giờ cũng có những "Giải Vật". Giải Vật có nhiều giải phụ và ba giải chính. Những giải phụ gọi là giải hàng. Cứ ha đấu thủ vật nhau, người nào thắng, đều được giải hàng.
Hàng năm, những giải chính đều có người giữ giải, người giữ giải, tùy theo giải nhất, giải nhì, giải ba, phải giữ cho hết thời gian mở hội. Nếu không có đấu thủ nào thắng được người giữ giải, lúc đó, người giữ giải mới được lãnh giải. Thường những giải chính của các hội làng, chỉ được tranh đấu vào những ngày chính của hội này. Nếu có nhiều người phá giải, người giữ giải nhất, nhì, hoặc ba sau khi vật thắng một số đấu thủ, tùy theo, mỗi giải sẽ được tuyên bố trúng giải. Giữ giaỉ nhất cần phải vật được ít nhất 6 đấu thủ khác. Giải nhì phải vật thắng được 5 đấu thủ, giải ba phải vật được 4 đấu thủ.
Người phá giải, sau khi đã vật thắng được người giữ giải, không phải là được giải ngay, mà còn phải vật ngã thêm một số đấu thủ khác. Phá giải nhất phải thắng thêm 4 người, giải nhì 3 người, giải ba 2 người. Ðối với ba giải chính, phá xong mỗi giải, hoặc do người giữ giải đã vật đủ số người theo lệ định, hoặc do người phá giải đã toàn thắng, dân làng thường đốt một bánh pháo toàn hồng để mừng người được giải.
ÐẤU TRUNG BÌNH TIÊN
Thuở xưa, vào ngày hội xuân, ngoài các cuộc thi đấu vật, người ta còn có tổ chức các cuộc đấu "Trung Bình Tiên". Trung Bình Tiên còn được gọi với những tên khác như: "Côn", "Roi". Ðây là một cây gậy dài khoảng 2 thước.
Theo truyền thuyết, phép đánh Trung Bình Tiên (hay Côn, Roi) đã có từ đời Vạn Thắng Vương Ðinh Bộ Lĩnh, vua Ðinh Tiên Hoàng đã áp dụng môn này vào việc huấn luyện quân sĩ, để kỷ niệm trò chơi cờ lau tập trận của mình trong thời thơ ấu.
Ðấu Trung Bình Tiên là một trận đấu, trong đó đấu thủ sử dụng món binh khí bằng một cây gậy dài, để đánh đỡ, với tư thế hai chân đứng dang rộng ra, cùng hai đầu gối cong gập lại, mà trong nghề võ gọi là tư thế đứng tấn như: Tấn Trung Bình, Tấn Ðinh, và Tấn Chảo Mã. Người chơi trò đấu Trung Bình Tiên phải mất nhiều công phu, ngỳ giờ để luyện tập kỹ thuật đấu, với những miếng đánh, miếng đỡ, và có những bước tiến, bước lui, để lừa đối thủ. Ngoài ra, đôi tay chân của người tập đấu phải luyện cho mạnh mẽ, cứng rắn. Cặp mắt phải sáng tỏ, lanh lẹ, để nhận rõ những đòn đánh đỡ của đối thủ, mà tiên liệu cách tiến thoái, tránh né. Cũng như, tìm ra những sơ hở của đối thủ để tấn công thủ thắng.
Trong cuộc đấu, thường thường hai đấu thủ giao đấu tay đôi với nhau. Người nào đánh trúng nhiều lên trên thân hình, hay những chỗ hiểm yếu của đối thủ là người được thắng cuộc. Các chiếc gậy của hai đấu thủ đều được bịt vải dầy ở hai đầu, để tránh sự nguy hiểm cho các đấu thủ. Hai đầu bịt vải dầy được tẩm nước vôi trắng, để một khi đấu thủ nào đánh trúng vào đối phương sẽ có dấu vết ghi lại. Vết vôi trên mỗi đấu thủ sẽ giúp cho ban giám khảo xét định điểm hơn thua.
Thuở xưa, Ðấu Trung Bình Tiên và Ðấu Vật, hàng năm, đều được dân Việt ngưỡng mộ trong hội xuân dân tộc, với mục đích đề cao tinh thần thương võ và nuôi dưỡng sức mạnh chiến đấu tiềm tàng, để bảo vệ an ninh xóm làng, quốc gia, dân tộc.
G.S. Vũ Ðức
P.S: Không biết clb võ thuật Hao có ai đã từng tham gia đấu vật? Em đã từng được xem đấu vật Việt Nam ở làng ngoại thành Hà Nội một lần. Tuy đấu vật Việt Nam không 'trâu' như Sumo Nhật Bủn hay Boxing US, nhưng hội vật làng ngày xuân là một nét văn hóa rất đẹp ở các làng quê VN