THÀNH PHẦN CỦA BỘ HỒ SƠ XIN HỌC ĐẠI HỌC MỸ

Mai Thanh Hà
(mtha)

Administrator
Nhân viên
Để chuẩn bị cho bộ hồ sơ xin học Đại học Mỹ, các anh chị em cựu học sinh đã từng học tại Mỹ chia sẻ, bộ Hồ sơ cần có:

1. Hồ sơ xin học điện tử (Online application)
Hầu hết các trường hiện sử dụng hệ thống Common Application. Nếu trường bạn apply không sử dụng Common Application, bạn cần lên trang web của trường để đăng nhập vào mẫu đơn của riêng trường, điền và nộp. 1 số trường hiện nay cho học sinh lựa chọn dùng hệ thống nộp hồ sơ Coalition.
Hồ sơ bao gồm các câu hỏi liên quan đến nhân thân, quá trình học tập, điểm số của học sinh, các giải thưởng thành tích, điểm số chuẩn hóa, liệt kê và mô tả các hoạt động ngoại khóa...
Hồ sơ cũng có phần để học sinh upload bài luận chính và các bài luận phụ, phần để học sinh mời giáo viên nộp các thư giới thiệu.
2. Bài luận chính trong Common Application (Personal Statement)
Bài luận chính nên thể hiện tốt các thế mạnh, cá tính, cách suy nghĩ, nhìn nhận cuộc sống của em. Bài này sẽ được upload và nộp trên Common App. Bài luận này có thể hiểu là gần giống 1 “truyện ngắn,” chủ đề khá mở, tự do, về bản thân học sinh, viết một cách ngắn gọn, gần gũi, sáng tạo, không như 1 bài văn nghị luận, không nhất thiết phải liên quan chặt chẽ tới ngành học dự kiến hay định hướng nghề nghiệp. Bài được dùng chung cho các trường trong Common App.
Tùy xem bài luận đã được hoàn thiện hay chưa, hay thời điểm bắt tay vào viết luận/ tìm kiếm và chốt được ý tưởng tốt, mà một học viên có thể hoàn chỉnh tương đối bài luận chính của mình vào cuối tháng 8, tháng 9 hay sang tháng 10. Có học viên có nhiều trải nghiệm xã hội phong phú hay câu chuyện về cá nhân/gia đình thú vị thì ý tưởng sẽ được chốt sớm và viết xong nhanh hơn. Nhiều học sinh có khó khăn về tìm kiếm ý tưởng, hay viết chưa được mạch lạc, logic, sẽ mất lâu thời gian hơn.
3. Các bài luận phụ (Supplemental Essay)
Không phải trường nào cũng yêu cầu thí sinh viết thêm bài luận phụ, và chủ đề, số lượng bài luận phụ sẽ khác nhau phụ thuộc vào từng trường (0-5 bài/câu hỏi ngắn), có thay đổi qua các năm. Để biết mình có phải nộp thêm bài luận phụ cùng với đề bài cụ thể, bạn cần xem trong phần “Writing Supplement” hoặc phần “Questions” thuộc phần “My Colleges” khi điền Common Application/xem phần hồ sơ trực tuyến của trường.
Bài luận phụ thường có độ dài 100-300 từ, có chủ đề phong phú liên quan đến tại sao học sinh muốn theo học tại trường X, hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa nhất với em, tác phẩm văn học/ nghệ thuật em yêu thích, các câu hỏi đòi hỏi tư duy sáng tạo, tưởng tượng v.v...
4. Thư giới thiệu
Thông thường các trường yêu cầu 1 thư từ giáo viên chủ nhiệm – counselor và 1-2 thư từ các giáo viên bộ môn. Các môn xin thư nên là các môn học sinh đạt điểm số cao, được các thầy cô đánh giá tốt, và là thư của giáo viên dạy chính khóa. Lý tưởng nhất nên có cả thư từ 1 bộ môn khoa học và thư từ 1 bộ môn xã hội (không chọn các môn như thể dục, quân sự, giáo dục công dân). Các thư mang tính chất bổ sung có thể là thư từ hiệu trưởng/ hiệu phó, thầy giáo phụ trách đội tuyển, hướng dẫn nghiên cứu khoa học, người phụ trách dự án hoạt động ngoại khóa mà con tham gia tích cực, đóng góp nhiều... . Tuy nhiên, cần thận trọng khi chọn người giới thiệu, không nên gửi quá nhiều, thông tin trùng lặp và phải tuân thủ các giới hạn của từng trường.
5. Báo điểm chính thức các kì thi chuẩn hóa
Học sinh yêu cầu đơn vị tổ chức thi quốc tế gửi trực tiếp cho các trường đại học thì mới được công nhận. Học sinh sẽ gửi điểm TOEFL hoặc IELTS, SAT I/ACT hay điểm SAT II, AP... theo yêu cầu của nhà trường và cho kỳ thi em đã dự thi, đạt kết quả tốt. Chú ý nên gửi điểm ít nhất trước 2-4 tuần hay sớm hơn nếu có thể so với hạn nộp hồ sơ để đảm bảo các trường nhận được kịp hạn xét hồ sơ.
6. Giấy tờ tài chính
Với các học sinh xin hỗ trợ tài chính, bộ hồ sơ thường bao gồm:
Đơn xin hỗ trợ tài chính (có thể là form ISFAA, CSS hoặc Certificate of Finance, tùy yêu cầu của trường): cần chú ý kiểm tra trường yêu cầu loại form nào để khai cho đúng. Thường các đơn này có hạn trùng với hạn nộp hồ sơ đại học Common App hoặc muộn hơn 1 chút nhưng học sinh nên hoàn thành sớm nhất có thể để nhà trường đủ dữ liệu xét gói hỗ trợ tài chính. Đơn này thường được khai trực tuyến hoặc download, điền và email lại cho trường, tùy từng loại đơn.
Xác nhận thu nhập/ lương hưu của bố & mẹ: bản tiếng Anh hay song ngữ, mỗi bố mẹ cần cung cấp 1 bản. Thường các trường sẽ cho phép scan các giấy tờ tài chính và gửi qua email tới văn phòng xét duyệt tài chính. Nên xin xác nhận này vào đầu/giữa tháng 10 hoặc khoảng 1 tháng trước vòng nộp hồ sơ đầu tiên.
Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng: xin bản tiếng Anh hay song ngữ từ ngân hàng bố mẹ có tài khoản thanh toán/sổ tiết kiệm. Nên xác nhận gần ngày nộp hồ sơ (1-2 tuần trước nộp hồ sơ). Trường thường yêu cầu xác nhận có tối thiểu 1 năm mức đóng góp tài chính dự kiến cho trường. Xác nhận số dư lấy từ các ngân hàng nước ngoài hay Việt Nam có giá trị ngang nhau. Loại tiền tệ không nhất thiết là tiền Đôla Mỹ mà có thể là tiền Việt hay các ngoại tệ khác – có thể báo kèm tỉ giá qui đổi, tương đương với bao nhiêu ngàn đôla Mỹ là được.
Nên xin xác nhận số dư ngân hàng trước khoảng 1 tuần trước thời gian nộp hồ sơ tài chính, không nên xin sớm quá thì xác nhận sẽ không còn hiệu lực.
*Các gia đình không xin hỗ trợ tài chính thì không cần nộp đơn xin hỗ trợ nhưng phải nộp cho trường xác nhận thu nhập và xác nhận số dư tài khoản , chứng minh đã có sẵn số tiền đủ cho ít nhất 1 năm học đầu tiên.
7. Resume tóm tắt các hoạt động ngoại khóa
Không bắt buộc, chỉ nên làm nếu học sinh có nhiều thành tích nổi bật và khai trên Common App cảm thấy chưa đủ chỗ, chưa được chi tiết.

Sau khi đã có 7 tài liệu trên, bàn phỏng vấn sẽ chờ các bạn :)

Nguồn: summit.edu.vn
 
Back
Bên trên