Thư của người xa xứ-"Có đi xa mới thèm...rau muống"

Lê Anh Nhân
(Phương Nhân)

Thành viên (sai email)
Thư của một người xa xứ
"Có đi xa mới thèm …rau muống"



Anh C mến,

Tôi vừa mới kết thúc lớp học về nghiên cứu quản lý tính đa dạng về nhận lực thì viết thư ngay cho anh đây. Đây là một lớp học rất hay, tập trung nghiên cứu về mối quan hệ giữa cá nhân trong một tổ chức có nhiều thành phần sắc tộc, màu da và nền văn hoá khác nhau. Hai mươi sinh viên theo học lớp này, tất cả đều là người Mỹ, trừ tôi ra. Nhưng nói người Mỹ thì không có nghĩa tất cả họ đều cùng một màu da giống nhau, mà có người Mỹ gốc da trắng, người Mỹ gốc Phi, người Mỹ da đỏ, người Mỹ gốc Do Thái, người Mỹ gốc Mêxicô.

Theo Uỷ ban điều tra dân số, nhóm người châu Á đông nhất tại Mỹ là người Nhật, người Hoa, người gốc Philippines, người gốc Triều Tiên, người gốc Ấn Độ và gốc Việt Nam… Tập trung chủ yếu ở California và Hawaii, thứ hai là ở các bang New York, Illinois, Texas. Ở những nơi này có những khu đô thị mang tên gọi như China Town, Japanese Town, hay người Việt ở Orange County thuộc nam California.

Theo thống kê dân số năm 1990, dân số Mỹ gốc Việt là 615.000 người. Nhưng con số này tăng lên khá nhanh, tính đến nay đã có khoảng 1,6 triệu người. Dân số Việt Nam khá trẻ, độ tuổi trung bình là 21,5 thấp hơn nhiều so với độ tuổi trung bình của dân số Hoa Kỳ là 30. Xa quê nhưng người Việt mình vẫn giữ được những phong tục tập quán của dân tộc. Trung bình mỗi gia đình người Việt có khoảng 6,5 người, và rất nhiều gia đình cả ba thế hệ cùng sống chung với nhau. Người Mỹ đánh giá cao đặc trưng này, và cho đây là một mặt tích cực.

Hiện nay, hầu như bang nào cũng có người Việt sinh sống. Bang Oklahoma tôi ở nhỏ thôi, nhưng dân số người Việt tại đây tăng lên khá nhanh. Ở đây có đủ thứ dịch vụ để phục vụ nhu cầu đời sống của người Mỹ gốc Việt. Hầu hết tất cả các bang đều có cửa hàng ăn uống của người Việt, đặc biệt là phở, không chỉ người Việt mình thích mà ai cũng thích. Ở California, phở Hoa phố Pasteur rất nổi tiếng trong danh mục các món ăn truyền thống quốc tế. Một tô phở có giá trung bình khoảng 5 dollar; tô cũng chia ra nhiều kích cỡ nhỏ, trung bình, lớn (còn gọi là tô Xe Lửa, thường được tắt là XL for Extra Large). Với tôi, mùa đông được ăn một tô XL thì chẳng gì bằng!

Lại nói về siêu thị. Hàng Việt Nam thì cái gì cũng có hết. Giống như ở nhà vậy, chỉ khác là ở nhà cái gì cũng tươi còn ở đây là để đông lạnh. Tết đến, bánh chưng, dưa hành muối, củ kiệu, cây mứt, cây phát tài.. được bày bán la liệt. Rất nhiều hàng dán mác Made in Vietnam như mì ăn liền, tôm cua, thịt cá, cả nước khoáng Vĩnh Hảo và ngô bắp nữa. Rau muống không bán theo mớ như ở nhà, mà tính theo trọng lượng: khoảng 2 dollar/lb (1lb = 453gr).Vào mùa đông thì rau muống đắt lắm, có khi lên đến 3 dollar/1lb. Tôi thích nhất là dưa cải xanh, mùa đông thì món này rất rẻ, cứ hai tuần đi mua một lần về nhà muối lấy. Hương vị không bằng muối trong các hũ, song dù sao cũng đỡ thèm. Muối cà thì tôi chịu, muối thử mấy lần mà chẳng giòn và ngon như hồi ở nhà. Các loại rau khác như rau cải xanh, rau dền, rau đay, rau mùng tơi, rau bạc hà đều có thể trồng được ở đây. Nhiều gia đình đất đai rộng rãi cũng dành một phần để trồng rau, trồng vừa cho vui vừa là để đem bán cho các siêu thị. Rau còn đắt hơn thịt lợn, rau muống là đắt nhất. Buồn cười thật anh nhỉ! Ở nhà thì rau muống có mà cả núi, lại làm đủ các loại món. Còn ở đây, mắc quá nên chẳng bày vẽ thêm nhiều món làm gì. Và anh biết không, tôi chợt nhận ra rằng có đi xa mới thèm… rau muống.

Thân

Quỳnh Lê (Oklahoma - Hoa Kỳ)
Đăng trên tạp chí Quê Hương, Số ra ngày 30/08/2002
 
Em chưa bao giờ đi xa nên chưa hiểu được hết cái nỗi nhớ quê hương của người xa xứ nó như thế nào.Mà suy cho cùng thì VN vẫn là nơi tuyệt vời nhất đối với hầu hết nhưng người VN
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
 
Back
Bên trên