Le Thuy Trang đã viết:Mùa xuân
Nguyễn Thị Hồng Ngát
Cứ ngỡ tóc mình không bạc
Sẽ đen đen mãi suốt đời
Cứ nghĩ mắt mình mãi biếc
Nụ cười mãi cứ trên môi.
Thời gian cứ thế dần trôi
Bươn bả dòng đời tất bật
Một sáng anh nhìn ngơ ngác
Như là không nhận ra em.
Bạn bè bao năm thân quen
Gặp em cũng nhìn ngơ ngác
Ôi cô gái ấy đâu rồi
Chẳng lẽ đây là ai khác?
Em sợ bèn đi mua gương
Soi vào cứ chê không thật
Mái tóc nào kia chớm bạc
Không! Không! Không phải em đâu!
Đôi mắt nào kia đổi màu
Còn đâu cái nhìn lúng liếng!
Xuân đi rồi xuân lại đến
Tiễn xuân tiễn một đời người.
* Khổ thơ đầu đã đem đến cho người đọc một cảm nhận lạ, nghiệm ra rất ngược với với quy luật sinh tồn của một đời người. Cái hay là ở chỗ "cứ ngỡ", "cứ nghĩ" và "mãi cứ" ấy. Tác giả nói thật mà như đùa và nói đùa như thật đấy, thế mới tài! Chất lãng mạn sức sống của tâm hồn và lòng yêu cuộc sống, cuộc đời đắm say đến độ nào thì Hồng Ngát mới thốt lên tiếng lòng hồn nhiên, chân thành và thi vị đến vậy. Có điều đã là quy luật. Tất cả chỉ là mong ước, nguyện cầu.
Như vậy Mùa xuân đâu chỉ là cảm tác về mùa xuân thôi mà thực chất là tự trạng về đời người, về "kiếp người" đang sống giữa nhân gian. Hai câu cuối bài thơ mang đậm chất triết lý: xuân của thiên nhiên đất trời thì lúc nào cũng trẻ, còn xuân của đời người thì giảm dần theo vòng quay của thời gian. Càng ngẫm càng thấy thấm thía, sâu sắc. Có khá nhiều bài thơ hay nói về tuổi xế chiều nhưng để cho nhịp tim người đọc đạt đến sức "lay" như Mùa xuân - cảm tác của Nguyễn Thị Hồng Ngát thì thật hiếm. Hơn thế, Mùa xuân - cảm tác còn là một "truyện ngắn" bằng thơ thật độc đáo thắm tình, đẫm đời, giàu chất nhân sinh.
Minh Quang
(Nguồn: Hạnh phúc gia đình, số ra tháng 1.2002)