T.T.KH.: Tình Yêu Và Phong Hóa Việt Nam

Lê Diệu Linh
(dieulinhle)

New Member
Nhược Trần Ngọc Huệ

T.T.KH. là ai?

Trên thi đàn Việt Nam từ năm 1937, xuất hiện một người thơ, dưới bút hiệu T.T.KH., với bốn bài thơ kể lại chuyện tình diễm tuyệt, và cũng rất não lòng của một cô gái thiết tha yêu một chàng nghệ sĩ. Nhưng vì sự khắt khe của gia đình, nàng phải xa người yêu để đi lấy một ông chồng già. Mộng đẹp vỡ tan, nàng mượn mấy dòng thơ để kêu lên những tiếng bi thương gợi cảm. Thế là thiên hạ đổ xô đi tìm T.T.KH. Nhưng nàng chỉ là một bóng mây, vẫn là một thắc mắc không được giải đáp.

Có người cho tên nàng là Trần Thị Khánh? Vì ngày đó, khách yêu thơ căn cứ vào một số bài thơ của Thâm Tâm, như: Gởi T.T.KH., Dang dở, Màu máu Ti Gôn... Thâm Tâm thường nhắc tới một người con gái tên là Khánh:

- Miệng chồng Khánh gắn trên môi,

Hình anh, mắt Khánh sáng ngời còn mơ.

- Khánh ơi, còn hỏi gì anh,

Lá rơi đã hết màu xanh, màu vàng.

nhưng mãi đến bây giờ câu chuyện T.T.KH. là ai, vẫn còn là một nghi án.



T.T.KH. xuất hiện vào làng thơ tiền chiến: giữa tháng 9 năm 1937, tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy (TTTB) xuất bản tại Hà Nội, có đăng một tiểu thuyết tựa đề: Hoa Ty Gôn của Thanh Châu. Nội dung câu chuyện kể lại một mối tình ngang trái. Báo phát hành được mấy hôm, một thiếu phụ vóc dáng bé nhỏ, vẻ mặt thùy mị, đem đến tòa soạn một phong bì dán kín gởi ông Chủ bút, trong đó chỉ vỏn vẹn có bài thơ "Hai Sắc Hoa Ti Gôn", (HSHTG) ký tên T.T.KH.

Trong bài thơ này, tác giả thuật lại chuyện tình tan vỡ giữa một cô gái và một chàng nghệ sĩ trót yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh ngang trái, nàng phải gạt nước mắt nên duyên cùng người khác, một ông chồng già. Tâm tư nàng tan nát, mỗi khi ôn lại những kỷ niệm êm đềm của một thời đã qua mà không bao giờ còn gặp lại.

Sau khi bài thơ HSHTG đăng trên báo, tòa soạn T.T.T.B. lại nhận thêm ba bài nữa: Bài Thơ Thứ Nhất, Ðan Áo Cho Chồng và Bài Thơ Cuối Cùng. Rồi từ đó, độc giả không còn gặp thơ của T.T.KH. nữa.

Ở đây ta không đi tìm thân thế của T.T.KH., phê bình khuynh hướng thi ca của tác giả này, mà chỉ chú trọng đến một khía cạnh khác: Tình Yêu của T.T.KH. và phong hóa Việt Nam.

Quan niệm về hôn nhân trong xã hội Việt Nam thật là khe khắt, cha mẹ định là con phải theo, dù không muốn cũng không được. Người ta tìm nơi môn đăng, hộ đối cho việc cưới gả, có khi gán con để trừ nợ. Con gái, khi đã về nhà người, được phận nào, nhờ phận nấy, dù cay đắng nghiệt ngã trăm chiều cũng phải nuốt lệ vào lòng, không mong gì trở về nhà cha mẹ đẻ, hay được tháo cũi sổ lồng. Xã hội chẳng những không chấp nhận mà còn lên án, chê bai kẻ "trốn chúa, lộn chồng".

Khác với các cô gái bình thường, T.T.KH. của chúng ta có tâm hồn nghệ sĩ, nên đã mở lòng giao cảm với một chàng nghệ sĩ. Thời đó, nghệ sĩ là lớp người bị xã hội coi rẻ, cấm tuyệt con gái không được giao thiệp. Cho nên, chẳng những đã cắt đứt tơ lòng, gia đình còn cay nghiệt hơn, bắt nàng phải kết hôn với một ông chồng già. Dù trái ngang, nàng vẫn nhủ lòng cố gắng yêu người chồng mà gia đình chọn lựa:

Và một ngày kia tôi phải yêu,

Cả chồng tôi nữa lúc đi theo

Những cô áo đỏ sang nhà khác

Gió hỡi, làm sao lạnh rất nhiều!



Có lẽ vì lòng đã có bến đỗ, vì tuổi tác cách biệt, nàng đã cố nhủ mình rằng yêu, rằng yêu, nhưng tình yêu không thể gượng ép. Khi đã chết yêu đương thì lòng cũng trống trải lạnh lùng, dù đè nén, giấu diếm cũng không được:



Dẫu biết lần đi một lỡ làng,

Dưới trời đau khổ chết yêu đương.

Người xa xăm quá, tôi buồn lắm,

Trong một ngày vui pháo rộn đường.



Từ đấy, thu rồi, thu lại thu,

Lòng tôi còn giá đến bao giờ?

Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ...

Người ấy, cho nên vẫn hững hờ.



Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.

Nhưng từ thu chết, từng thu chết

Vẫn giấu trong tim một bóng người.



"Vẫn giấu trong tim một bóng người" nhưng bây giờ thân đã như "chim vào lồng, như cá mắc câu", nên không dám vượt vòng lễ giáo:



Từ đấy không mong, không dám hẹn,

Một lần gặp gỡ dưới trăng nghiêm.

Ðến cả thơ thẩn bằng... thơ mà cũng lo ngại:



Viết đoạn thơ đầu, lo ngại quá,

Vì tôi còn nhớ hẹn nhau xưa.

Cố quên đi nhé, câm và nín,

Ðừng thở than bằng những giọng thơ.



Tiếng lá thu rơi, nghe như tiếng chân người, lòng thầm mong mà không dám gặp:

Tôi run sợ viết, lắng im nghe,

Tiếng lá thu rơi xiết mặt hè

Như tiếng chân người len lén đến,

Song đời nào dám gặp ai về.



Trong bài thơ Ðan Áo Cho Chồng, nàng đã nói lên tất cả những bi thương, u uất, nghẹn ngào của "một tâm hồn héo":

Chị ơi! Nếu chị đã yêu,

Ðã từng lỡ hái ít nhiều đau thương.

Ðã xa hẳn quảng đời hương.

Ðã đem lòng gửi gió sương mịt mùng.

Biết chăng chị? Mỗi mùa đông,

Ðáng thương thay kẻ có chồng như em.

Vẫn còn thấy lạnh trong tim,

Ðan đi, đan lại áo len cho chồng.

Con chim nó hót trong lồng,

Hạt mưa nó rụng bên sông bơ phờ.

Lưng trời nổi tiếng tiêu sơ,

Than ôi gió đã sang bờ ly tan.



Tháng ngày miễn cưỡng em đan,

Kéo dài một chiếc áo len cho chồng.

Như con chim hót trong lồng,

Tháng ngày mong nhớ ánh hồng năm nao.

Ngoài trời mưa gió xôn xao,

Ai đem khóa chết chim vào lồng nghiêm?

Ai đem lễ giáo giam em?

Sống hờ một kiếp trong duyên trái đời.

Lòng em khổ lắm chị ơi,

Trong bao ngờ vực với lời mỉa mai.

Quang cảnh lạ. tháng năm dài,

Ðêm đêm nằm tưởng ngày mai giật mình!

(Ðan Áo Cho Chồng)



Vì bài thơ này đăng trên báo, nên mới có bài thơ cuối cùng:

Bài thơ đan áo nay rao bán

Cho khắp người đời thóc mách xem.



Có lẽ vì đó mà gia đình chồng làm khổ nàng thêm, nên:

Giận anh, tôi viết dòng dư lệ,

Là chút dư hương điệu cuối cùng.



Miệng thì nói oán hờn, mà lòng thì nhớ nhung ân hận vì "Buồng nghiêm thơ thẩn hồn eo hẹp":

Tôi oán hờn anh mỗi phút giây,

Tôi run sợ viết, bởi rồi đây,

Nếu không im được thì tôi chết.

Ðêm hỡi, làm sao tối thế này?



Năm lại năm qua cứ muốn yên,

Mà phương trời gió cứ làm quên.

Mà người lỡ dở duyên thầm kín,

Là chính là anh, anh của em!



Tôi biết làm sao được, hỡi trời?

Giận anh không được, nhớ không thôi.

Mưa buồn, mưa hắt trong lòng ướt,

Sợ quá đi anh... có một người.



Thật là một tiếng kêu than ai oán của một thiếu phụ lỡ làng duyên. Não nùng ở chỗ đã trái ngang mà vì phong hóa nên phải ép mình vào đời sống gia đình, không dám làm điều gì khiến xã hội chê trách, dù đời sống kéo dài một cách vô vị, lạt lẽo:

... Ðáng thương thay kẻ có chồng như em,

Vẫn còn thấy lạnh trong tim!...



Cái xã hội phong kiến Việt Nam thời đó không những đã giết một T.T.KH. mà chắc còn giết nhiều T.T.KH. khác, nhưng chỉ có một T.T.KH. có thi tài để nói lên tiếng kêu bi thương của con chim bị nhốt trong lồng nghiêm.

Nay đọc lại thơ người má hồng phận bạc, chỉ còn biết:

Cho tôi ép nốt dòng dư lệ,

Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.

để, gọi là đồng thanh tương ứng trong chút duyên văn nghệ của người nay khóc người xưa vậy.



-----------------------



Tài liệu tham khảo:

Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến

Nguyễn Tấn Long

Nguyễn Hữu Trọng
 
Back
Bên trên