tản mạn một buổi chiều Hà Nội

Thiều Hoàng Yến
(canary)

Thành viên danh dự
tản mạn một chiều Hà Nội

Lâu lâu về mới được phóng xe máy, vừa thích vừa sợ. Tôi thích cái cảm giác vi vu trên đường phố, hòa vào dòng người và xe hối hả ngược xuôi, và thích cái gió dìu dịu của một mùa đông Hà Nội ấm lạ thường như năm nay, cái gió không đủ lạnh mà chỉ mang lại một cảm giác thư thái, dịu dàng (nó làm tôi nhớ lại những sớm và chiều thu Hà Nội, cái mà tôi nhớ nhất khi xa nhà), lại còn thích những lần phóng vù vù trên những đoạn đường rộng, vắng xe, thích ngắm những hàng cây xanh rì giữa đông trên những đường Trần Phú, Hoàng Diệu.... Tôi sợ vì những lần "suýt (bị) đâm" khi người ta vượt ẩu, si nhan trái thì rẽ phải, sợ tiếng còi inh ỏi chói tai của hàng trăm xe cộ trên đường, sợ những con phố cũ mới treo biển một chiều, sợ những cái gương của xe máy đâm tua tủa khắp đường phố, sợ những em học sinh cấp 2 đạp xe ngông nghênh giữa đường, tai giả điếc trước tiếng còi nhắc nhở của xe máy, sợ từ đâu xông tới những người đi bộ đầy dũng khí phăng phăng qua những làn xe...

Chiều qua, nhân dịp xách xe ra đường, tôi vi vu lang thang qua những con phố mà ngày nhỏ tôi hay qua lại, muốn quên đi những buồn phiền của ngày, và cũng muốn tìm kiếm một Hà Nội khác mà tôi vẫn thấy mấy tuần nay... Tôi muốn đi tìm những kí ức ấu thơ còn đọng lại đâu đó trên những con phố cũ, muốn tìm thấy một Hà Nội của riêng mình, một Hà Nội đẹp dịu dàng mà kiêu sa, giản dị mà hào hoa, một Hà Nội luôn cho tôi kiêu hãnh và tự hào về thành phố của mình, một Hà Nội mà tôi luôn mang trong hành trình kí ức của mình đi khắp nơi...

Sau khi rẽ phải từ phố Hà Trung lúc nào cũng chật chội và bận rộn như những phố cổ khác là tôi sung sướng nhấn ga trên đường Phùng Hưng- con đường nhanh nhất để ra Hàng Lược như theo lời chỉ dẫn của một cô mà tôi hỏi đường. Băn khoăn một tí tẹo trước khi nhìn thấy cái biển đề tên phố Bát Đàn, rồi tôi lại nhớ ra ngay "à, lên tít trên kia, qua Cửa Đông, khi nào nhìn thấy cái gầm cầu thì mới rẽ phải". Sao mà Hàng Lược lại thành phố một chiều rồi thế này?, không sao, không ngược đường mình đi là được. Chưa kịp hưởng cái niềm sung sướng được nhấn ga để được cơn gió chiều mơn man lên mặt thì tôi đã kịp nhận ra mình suýt nữa thì sai lầm. Phố này ngược chiều mà vẫn đầy xe, nhất là gần đây những xe ô tô biển 29S, T, U thi nhau làm chật thêm đường phố, góp phần ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Đành vậy, đi chầm chậm để ngó sang bên trái nhìn phố Hàng Mã một cái. Tôi có ý muốn săm soi xem người ta đã bán Mercedes, BMW bằng giấy chưa, nhưng lại loạng choạng tay lái khi tới ngã tư. Thôi, để qua nhìn xem cái quán Chả Cá Lã Vọng nằm ở đâu trên cái phố Chả Cá này vậy, nhưng một lần nữa tôi lại bỏ cuộc vì chỉ thấy quần áo và khách sạn. Chưa kịp buồn vì điều đó thì tôi lại tự mỉm cười một mình khi qua Lương Văn Can, con phố mà theo tôi là nơi đầy háo hức và vui sướng đối với những đứa trẻ. Tôi nhớ lại có một chủ nhật khi tôi còn nhỏ (chẳng nhớ rõ là mấy tuổi nữa) ngồi kẹp giữa bố mẹ đi dạo phố phường, đang ca hát những câu tôi thêm thắt và tự bịa từ những bài hát nghe trên T.V, tôi bỗng ngừng hát và ngây ngất khi nhìn thấy một con gấu bông màu vàng to đùng, chắc chắn là to hơn cả người tôi ngày ấy. Và thế là tôi bắt đầu năn nỉ bố mẹ bằng được. Mẹ không đồng ý, vì lí do gì tôi chẳng nhớ nữa (mà có lí do gì thì cũng chỉ đều vô nghĩa với tôi mà thôi, tôi mê gấu bông lắm). Và tôi bắt đầu ngay sở trường của mình, quên phéng đi mất là đang ở giữa phố đông người: tôi bắt đầu lăn tăn mấy giọt nước mắt, cái mặt thì xị lại đầy phấn nộ. Đấy là bước thứ nhất. Mẹ tôi vẫn không đồng ý. Thế là bước thứ hai, tôi khóc thành tiếng, nức nở như tội nghiệp oan ức lắm, mặt chuyển sang màu đỏ như hoàng hôn trên Hồ Tây. Tôi đang chuẩn bị tiếp bước thứ ba (mè nheo ăn vạ) thì cả bố và mẹ đã đầu hàng, và bố chạy vội tới cửa hàng, mặc cả mấy câu cho qua chuyện theo ý mẹ, rồi ngay sau đó tôi sung sướng ôm gấu về nhà. Tôi vấn nhớ khi về đến nhà hôm ấy là tôi ôm gấu chạy tung tăng, nhảy lên nhảy xuống trên giường, qua ghế, rồi xuống sàn vì sung sướng. Cho đến tận bây giờ mỗi khi nhìn thấy thú nhồi bông, lòng tôi vẫn thấy 'xao xuyến', và khi được ai tặng cho thú nhồi bông, lòng vẫn vui như thuở nhỏ năm ấy, chỉ có điều không nhảy tưng tưng lên nữa. (anh có biết trước điều này không nhỉ, mà hôm đó Valentine tặng em con gấu bông to gần bằng người em? :) ). Bây giờ phòng của tôi cả ở nhà và ở trường vẫn không thể thiếu được những con thú nhồi bông trên gối, giá sách, và ghế sô fa dù chẳng có khi nào có thời gian mà chơi với chúng cả.
Hết Lương Văn Can, tôi rẽ phải theo thói quen, cố tình đi chậm hơn thường lệ để ngắm nghía những đồ lụa tơ tằm, những quà lưu niệm rất Việt Nam, đẹp mắt nhưng thường là được bán theo giá "cho Tây mua". Lại nhớ tuần trước khi anh về thăm Hà Nội cùng tôi, khi được tôi giới thiệu phố Hàng Gai theo cách mà tôi vừa kể, anh nói "chuối nhỉ, thế thì tụi Tây ba lô sao mà mua mấy đồ này!" (không biết mấy tụi đó có biết ra chợ Đồng Xuân không nhỉ :d )
Qua Hàng Gai là tới Hàng Bông nhộn nhịp đêm ngày, nơi tập trung hàng loạt các hiệu quần áo với đủ loại giá, mỹ phẩm Nhật Bổn và Đại Hàn, rồi xe máy đủ loại (hôm nọ tôi vẫn còn thấy cả mấy chiếc Chaly cúc cu giống như mẹ tôi đi chục năm trước), giầy dép Trung Quốc và Hồng Kông nhưng "thiết kế theo mốt của Ý" mà anh nói là "nhọn hoắt như muốn đâm xỉa vào người khác", nơi có nhà thầy Khôi hiệu phó trường Ams mà có một dạo tôi cũng đến học thêm được vài buổi, và là con phố mà bố tôi hay nói "đất đắt nhất Hà Nội bây giờ, 45 cây một mét vuông không có mà mua" (chắc là bố chẳng bao giờ đọc báo Mua và Bán, chỉ nghe người này người kia nói :D, hay là bố thích "dùng phép thậm xưng", anh nhỉ :) )

Hết phố Hàng Bông, đi thẳng là tới Điện Biên Phủ. Đi đến giữa phố nhìn sang phía tay phải là Tống Duy Tân nơi có hàng gà tần Cây Si yêu thích của tôi. Còn nhớ ngày nhỏ khi mới ăn gà tần, tôi chỉ thích ăn thịt gà, còn rau và nước thì phải đợi bố mẹ bắt ăn. Bố mẹ động viên bằng cách "sẽ chỉ cho ăn kem trứng nếu ăn được hết một bát gà tần". (Trời ơi, viết đến đây sao mà thèm hai món này quá đi mất!) Đi hết Điện Biên Phủ, chẳng nhớ thế nào mà tôi rẽ ra đường Hùng Vương, cái đường to rộng để các bác quan to của trung ương còn đậu hoàng loạt BMW trước cửa Nhà Khách Chính Phủ. Thẳng đường Hùng Vương là tới Hồ Tây. Đền Quán Thánh ở phía tay phải, cổ kính và lặng lẽ đầu đường Thanh Niên sống động, và lãng mạn không chỉ cho "hội đang yêu". Hì hì, đúng là một ngày nắng ấm đẹp trời, học sinh lớn nhỏ, mấy đôi anh chị tranh nhau đi đạp vịt (hay là xe đạp nước, cũng thế thôi). Lác đác cũng có vài ba đôi dựng xe sát hồ, đứng/ngồi dựa vai nhau nhìn hồ. (Nhìn thơ mộng thật đấy, nhưng say sưa quá mất xe thì sao nhỉ? :) ) Đi trên con đường này thích nhất là gió hồ thổi man mát vào những hôm trời nắng đẹp thế này.
Phía bên hồ Trúc Bạch cũng đông vui không kém, vài tốp học sinh ghé bên hồ sau giờ học (mà có thể mấy em đó trốn học cũng nên) cùng nhau vui cười rôm rả, rồi tí toét chụp ảnh. Thời học trò vui thật đó, nhìn thấy lại nhớ lớp hồi lớp 9. Hồi đó bọn tôi đi thăm cô giáo ngày 20 tháng 11 thì phải. Đứa xe máy, đứa xe đạp, cả lớp (trừ mấy bạn bôn sê vích thích ở nhà học bài) rồng rắn kéo nhau đi thăm cô một chút, rồi rủ rê nhau đi ăn bún ngan, đi ăn chè, đi hát karaoke, rồi lang thang ngoài đường. Chiều muộn hôm đó, hội chỉ còn khoảng hơn mười đứa, dựng xe ngồi hóng mát ở vườn Hồng. Ngồi chơi chán, hết trò trêu nhau, bọn tôi ngồi trêu những người qua đường. Có đôi nào đi qua thì một đứa nói "Ơ, anh này hồi xưa yêu tớ" hay là "Bọn mày ơi, người yêu thằng T lớp mình kìa", rồi cả lũ ngồi cười rôm rả với nhau, chẳng quan tâm người ta có nghe thấy hay không. Rồi đến chiều tối gần giờ cơm, cả lũ mua kem ngồi ăn với nhau và bàn là về nói bố mẹ hôm nay về muộn vì một đứa bị thủng lốp xe trên phố Tràng Thi.

Đang nhớ lại kỉ niệm ngày trước, tôi tới cuối đường Thanh Niên lúc nào không hay, và chẳng nghĩ nhiều, quẹo xe rẽ trái (sang phố gì ý nhỉ?). Tôi muốn thử trí nhớ của mình, tự tìm đường lên phủ Tây Hồ xem sao. Phải đến sáu, bảy năm nay tôi không lên phủ, từ hồi liên hoan cuối năm lớp chín. Tôi muốn đi tìm cái đầm sen (mà theo tôi là cái đầm sen tự nhiên duy nhất xung quanh Hà Nội) trên lối đi vào phủ. Và tôi chợt thèm ngắm nhìn hoàng hôn bên cái đầm sen đó, dù biết rằng mùa này đâu còn bông sen nào. Tôi vẫn nhớ như in ngày nhỏ, khoảng hồi lớp 4, 5, 6 gì đó, bố mẹ hay cho tôi tới đây chơi, có dạo chủ nhật nào cũng tới để ăn bún ốc hay lẩu cá tôm. Mỗi lần đi qua đầm sen là bố chạy xe chậm lại để cả nhà cùng ngắm sen, nhìn vài ba người dùng thuyền thúng nho nhỏ đi hái sen, và nhất là để hít thật sâu hương thơm của sen. Tôi nghĩ chẳng có nơi nào ở Hà Nội mà không khí trong lành đặc biệt như thế. Nghĩ tới đây, tôi tự nhủ rằng nếu có lần sau anh về chơi Hà Nội cùng, tôi nhất định sẽ dành thời gian đưa anh tới đầm sen này, để anh cảm nhận được phần nào tình yêu Hà Nội trong tôi qua một góc nhỏ êm đềm của thành phố, khác hẳn những phố phường nhộn nhịp huyên náo bên ngoài mà anh đã thấy.
Qua khách sạn Thắng Lợi, tôi chẳng thể nào nhớ được đường đi ra sao nữa. Nhìn sang phải thấy con đường to rộng mù mịt khói, tôi lấy cớ sợ bố mẹ ở nhà lo lắng rằng tôi "đi ra đường một tí" mà mãi không thấy về, lòng nửa muốn nửa không, tôi quay xe để về nhà. Lượn qua Hồ Tây một lần nữa, mong rằng mặt trời lặn sớm để được ngắm hoàng hôn trên hồ mà trời còn sáng rõ.
Hết phố Lê Trực, qua ngã tư cắt ngang với Nguyễn Thái Học là tới Trịnh Hoài Đức. Qua nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (đối diện với sân vận động Hà Nội), tôi nhớ lại có những ngày hè hồi cấp hai, khi mẹ đi thi đấu bóng bàn ở đây, tôi thích lắm mỗi lần được đi xem và cổ vũ mặc dù chẳng hiểu tí tẹo gì về bóng bàn cả. Bởi vì mỗi lần đi xem mẹ đánh bóng như thế là được bánh kẹo, nước ngọt mà cơ quan mua để "bồi dưỡng vận đông viên" :).
Hết Trịnh Hoài Đức, rẽ phải qua Cát Linh, cái phố mà hay bán mấy bồn tắm, lavabo này nọ, và cuối phố là khách sạn Horizon to đùng. Rẽ trái ở đó là ra Giảng Võ, con phố dẫn tới trường Ams, quá tí nữa là triển lãm quốc gia, rồi đi tiếp thế nào để về nhà ý nhỉ?...
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên