Tưởng niệm 50 năm cuộc cách mạng mùa thu Budapest tại Hungary ^^

Trần Xuân Bách
(KGB Agent)

New Member
Lâu nay , các topic trên TLNT nói nhiều về các vấn đề kinh tế , xã hội . nhưng mình thấy , một lãnh vực quan trọng khác nữa rất đáng lưu tâm là ÔN LẠI LỊCH SỬ .


Hẳn chúng ta học sử cũng đã một lần nghe đến cách mạng Hungary 1956 .Vâng ,cách đây đúng 50 năm vào ngày (23-10-56) cuộc cách mạng mùa thu Budapest bùng nổ đánh dấu một sự kiện lịch sử của dân tộc Hung Gia Lợi về lòng quả cảm đứng lên đòi tự do dân chủ.
Ngược dòng thời gian , sau WW2 , Hungary đi vào quỹ đạo Soviet , gia nhập khối Comecon (hội đồng tương trợ kinh tế do Liên Sô đứng đầu) và khối hiệp ước quân sự Warsaw . Như thường lệ , nền kinh tế bị quốc hữu hóa , các quyền tự do dân chủ bị hạn chế .Rất nhiều thành phần trí thức , tôn giáo bất bình với thực trạng xã hội đã lên tiếng và bị kết án tù ...
Tuy nhiên ,sau khi lãnh tụ Soviet là Stalin qua đời năm 53 , tình hình chính trị đã được nới lỏng đôi chút. Tân thủ tướng Imre Nagy đã thực hiện những chính sách cải tổ nền kinh tế ,chính trị và ra lệnh thả hàng ngàn tù nhân chính trị , đó là việc làm khiến cho điện Cẩm Linh (Kremlin) không hài lòng .
Họ gây sức ép buộc cách chức Imre Nagy và khai trừ đảng tịch của ông . Nhưng lúc này ,ở Liên Sô , tại đại hội 20 Đảng CS Liên Sô tháng 2 năm đó , tổng bí thư Nikita Khrushev vừa đọc một bản báo cáo vạch trần tội ác của Stalin , cộng với thực trạng xã hội Hung nên những cải cách của Imre Nagy được coi là niềm hi vọng cho nhân dân Hung .Thế là do dư luận trong nước đòi hỏi thông qua các cuộc biểu tình , Imre Nagy đã được khôi phục đảng tich và trở lại cương vị thủ tướng (hay lúc đó còn gọi là chủ tịch hội đồng bộ trưởng ) .Ngay sau khi trở lại , ông tuyên bố rút Hungary ra khỏi khối Warsaw và kêu gọi UN và phương Tây bảo vệ lập trường trung lập của Hung . Trong giai đoạn căng thẳng giữa 2 khối Nato và Warsaw ,Liên Sô đã coi hành động này của Imre Nagy là phản cách mạng và họ đã tiến hành một cuộc can thiệp vũ trang nhằm "bảo vệ Hung khỏi rơi vào tay Đế quốc" ngày 13-10 .

Trước cuộc can thiệp này , toàn dân Hungary đã anh dũng đứng lên . Cuộc xuống đường đòi tự do dân chủ của hơn 200.000 người trước Tòa nhà Quốc Hội Hungary vào chiều tối ngày 23-10 tại Thủ đô Budapest đã là đỉnh điểm của cuộc cách mạng . Những đòi hỏi đặt ra là :
Phải thành lập một chính phủ dân chủ do Imre Nagy đứng đầu.
- Ðòi quân đội Liên Xô phải triệt thoái khỏi Hungary
- Ðòi hạ bệ và đem ra xét xử những người lãnh đạo đã gây ra tội ác đối với dân tộc và quốc gia Hungary
- Ðòi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và những quyền căn bản khác của con người
- Ðòi thông qua cuộc bầu cử tự do với sự tham dự của nhiều đảng phái chính trị.

Đoàn người biểu tình đã giật sập tượng Stalin ở thủ đô . Và thế là điều gì phải đến đã đến . Thủ đô Budapest ngày 4-11-1956 tràn ngập khói thuốc súng , tiếng gầm rú của xe tăng Sô Viết , trước sự chống trả ngoan cường của kháng chiến quân và nhân dân thủ đô .Đây là những lời nói cuối cùng của thủ tướng Imre Nagy được phát đi trên làn sóng điện :
"Đây , Imre Nagy , chủ tịch hội đồng bộ trưởng nước cộng hòa nhân dân Hungary . Rạng sáng nay ,các đạo quân Soviet đã tấn công thủ đô của chúng ta với mục đích rõ ràng là lật đổ chính phủ dân chủ của nước Hung . Quân đội chúng ta đã kháng cự lại , chính phủ ở vị trí của mình . Tôi thông báo điều này để toàn dân Hung và công luận thế giới được biết " .
Cách mạng không thành ,Budapest chìm trong biển máu ,gần 20000 người đã chết , và hàng trăm nghìn người phải bỏ nước ra đi lánh nạn .
Imre Nagy bị bắt , đầy sang Romania , lãnh án tử hình và , ông bị treo cổ dù vào những giờ phút cuối , Liên Sô đã khuyên ông hãy nhận một trong những tội danh mà họ gán cho ông để có thể thoát khỏi án tử hình. Nhưng đến hơi thở cuối cùng, ông vẫn nhất mực khẳng định những việc làm của mình là đúng , rồi lịch sử và người dân Hung sẽ là phán quyết cuối cùng về những việc làm của ông .

Như vậy , cuôc cách mạng mùa thu Budapest dù bị đàn áp , nhưng nó , cùng với cuộc cách mạng Praha 1968 ở Tiệp Khắc sau này , đã là minh chứng cho sự quả cảm của những dân tộc dám đứng lên để đòi lại quyền sống , và nó trở thành bài học vô giá góp phần đưa tới sự chuyển đổi của các xứ Đông Âu sang một thời đại mới của tự do dân chủ vào những năm cuối thập niên 80s .
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Rất mừng là trong khi báo chí ở VN không thấy nhắc nhở gì về chuyện này thì có những bạn trẻ như Bách vẫn biết và nhớ về cách mạng Hung. Bravo Bách =D>

Tiếc là Hung lại kỷ niệm ngày này trong không khí chia rẽ sâu sắc về chính trị. :(

Thanh Tâm Tuyền có bài thơ này về cách mạng Hung:

Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
Hãy cho anh run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giới
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi
Hãy cho anh ngủ bằng trán em
Đau dấu đạn
Đêm không bao giờ không bao giờ đêm
Chúng tấn công hoài những buổi sáng
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong giây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Chú Bách, liệu những người Hung đó có "sai lầm" khi đứng lên đấu tranh chống lại giặc ngoại xâm không :). Phải chăng họ nên chờ đợi vì vài chục năm sau đằng nào chả độc lập :D.
 
ấy ấy , anh cứ trêu em ^^
em ko dám bàn sang vấn đề cuộc chiến VN nữa đâu :))

nhưng trước tiên em muốn biết quan điểm rất chi tiết , rõ ràng của anh về biến cố 1956 này (nếu ko muốn gọi nó là cách mạng )
 
Chỉnh sửa lần cuối:
nhưng trước tiên em muốn biết quan điểm rất chi tiết , rõ ràng của anh về biến cố 1956 này (nếu ko muốn gọi nó là cách mạng )

Hihi, 1956 ko gọi là cách mạng thì gọi là gì? Vả lại, từ 16 năm nay, người Hung đã ghi vào luật việc coi biến cố 1956 là „cuộc cách mạng và đấu tranh đòi độc lập dân tộc” rồi. Việt Nam nhà mình hay có kiểu „bảo hoàng hơn vua”, nhiều khi cũng nên nể tình người dân bản xứ chút, xem họ nghĩ gì, tâm tư ra sao...

Có một số bài viết, cũ mới đủ cả, về cách mạng 1956 của Hung và một yếu nhân của biến cố ấy, thủ tướng Hung Nagy Imre. Hôm trước Bách có yêu cầu anh post, nhưng anh đi vắng giờ mới về. Vậy gửi dần ở đây để nhà mình tham khảo.

L.

@ To Trung: Trung hóm thế?

Anh có thể khẳng định là biến cố 1989 ở Đông Âu và sau đó, ở Liên Xô, sẽ không thể có được nếu ko có 1956 của Hung...

Dĩ nhiên, cái này thì nhiều người đã nhắc đến rồi, ko phải phát kiến của anh :)
 
Chỉnh sửa lần cuối:
1956 (1)

"Tự thuở khai thiên lập địa đến nay, chưa hề có một giờ khắc nào lại chứng tỏ rõ ràng hơn năm 1956, rằng ước vọng tự do của con người là vĩnh cửu và bất diệt, cho dù nó phải đứng trước một kẻ thù mạnh hơn gấp bao nhiêu lần đi nữa..."

Đó là những lời lẽ xiển dương cuộc cách mạng dân chủ mùa thu Hungary 1956 của John F. Kennedy, người ít năm sau đó đã trở thành tổng thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Tròn nửa thế kỷ sau, một "hậu duệ" của Kennedy, tổng thống Mỹ George W. Bush, trong chuyến viếng thăm lịch sử Budapest đầu mùa hạ năm nay, đã coi cuộc cách mạng 1956 của người Hung là tiền đề cho những biến chuyển dân chủ Đông Âu cuối thập niên 90 thế kỷ trước, đồng thời, cũng là sự kiện đặc biệt quan trọng cả về thực tiễn lẫn biểu tượng trong những nỗ lực toàn cầu của đường lối ngoại giao Mỹ sau Đệ nhị Thế chiến.

Những lời ngợi ca ở mức độ cao nhất từ miệng các vị nguyên thủ quốc gia siêu cường số một của thế giới, trong trường hợp này, không chỉ mang tính ngoại giao. Ngược lại, nó khẳng định một điều: trong thế kỷ trước, khi từ "cách mạng" được dùng một cách lạm phát và nhiều khi, vô lối, thì vẫn có ít nhất một cuộc cách mạng mang đầy đủ những tính chất ban đầu của từ này: niềm khao khát tự do, độc lập, cùng sự lãng mạn của những con người dám dứng lên bảo vệ chính kiến của mình trong cuộc chiến không cân sức...

Đó là cuộc cách mạng 1956 của người Hung, mà đến nay, trải qua bao thăng trầm, đã có một vị trí thích đáng ngay cả trong sự đánh giá chính thức của quốc gia này: một cuộc chiến đòi dân chủ và độc lập dân tộc.

*

Để tìm hiểu nguyên nhân của cách mạng 1956, cần trở về những năm tháng của nửa thế kỷ trước, khi ở Đông Âu, cuộc Thế chiến tàn khốc đã trôi qua được gần chục năm. Các đảng Cộng sản địa phương - được sự "bảo hộ" của Moscow - đã đều lên nắm quyền sau khi thủ tiêu các đảng phái khác; nhà độc tài Stalin đã có các "môn đệ" trung thành và đắc lực ở từng nước và những hậu sinh này đã có dịp tập dượt nền độc tài, cũng như khả năng tổ chức các phiên tòa ngụy tạo để sát hại các đồng chí của họ ở trình độ không kém gì điện Kremlin.

Riêng tại Hungary, sau cái chết của Stalin năm 1953, trong nội bộ Đảng Cộng sản Hungary nảy ra đòi hỏi dân chủ hóa đảng, phản đối đường lối độc tài của cặp bài trùng Rákosi Mátyás & Gerő Ernő, hai thủ hạ đắc lực của Stalin. Tháng 7-1953, Nagy Imre, một nhà cách mạng có tư tưởng quốc gia được lên nắm quyền; cho dù được đào tạo "bài bản" nhiều năm tại Moscow, nhưng vị thủ tướng này luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Trong gần 2 năm đứng đầu chính phủ, Nagy Imre chủ trương đổi mới toàn diện về kinh tế và chính trị. Hàng loạt cải cách dân chủ được ban bố như cho phép kinh doanh cá thể, bỏ tệ cưỡng bức nông dân vào các hợp tác xã, giảm thuế má, tăng cường sản xuất hàng tiêu dùng, tuyên bố đại ân xá, giải thể các trại tập trung, chấm dứt lối xét xử phi luật pháp của các tòa án binh, phục hồi nhân phẩm cho rất nhiều nạn nhân của tệ độc tài, sùng bái cá nhân... Đi xa hơn nữa, Nagy Imre còn chủ trương một thể chế đa đảng "hạn chế" và có ý định thực hiện một mô hình XHCN "mang bộ mặt nhân tính". Trên phương diện này, có thể nói những ý tưởng của ông đã đi trước "Mùa xuân Praha" gần 15 năm!

Tất nhiên, phe bảo thủ trong Đảng không thể "án binh bất động" trước những hành động được lòng dân của thủ tướng Nagy Imre. Điện Kremlin cũng lo ngại Nagy Imre sẽ đi "quá đà", vượt khỏi tầm kiểm soát của họ. Tháng 4-1955, Nagy Imre bị tước hết mọi chức vụ, thậm chí ông còn bị khai trừ khỏi đảng. Tuy nhiên, ở vào thời điểm ấy, khi tình hình Đông Âu có một số hòa dịu nhất định - đặc biệt là khi nước Áo, một láng giềng gần gũi và thân thiết của Hung, trở thành quốc gia trung lập và thoát khỏi sự quản chế của Liên Xô - những ước vọng dân chủ của người dân Hung đã không thể bị nhấn chìm.

*

Mùa xuân và mùa hạ năm 1956 khởi đầu với những dấu hiệu rất khả quan tại nhiều quốc gia trong khối XHCN thời ấy. Cuối tháng Hai, trong phiên họp kín của của Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô, lãnh tụ Nikita Khrushchev đọc bản báo cáo mật lừng danh "Về nạn sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó" thừa nhận và vạch trần những tội ác của Stalin và những tệ hại của nạn sùng bái cá nhân. Cuối tháng Năm, cục trưởng Cục Tuyên huấn Đảng Cộng sản Trung Quốc Lục Định Nhất tung ra khẩu hiệu "Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh" (nghĩa là "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng"), với ý để nền văn nghệ khởi sắc, cần có nhiều môn phái, nhiều chủ trương, cần đề cao sự tự do tranh luận (tất nhiên vẫn dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng). Cuối tháng Sáu, thợ thuyền Ba Lan ở Poznan, Gdansk và Warszawa đứng lên đòi quyền tự do và đưa chính khách có tư tưởng quốc gia Gomulka lên vị trí đứng đầu Đảng Cộng sản.

Tại Hungary, vào thời điểm ấy, ban lãnh đạo thủ cựu không muốn và không thể đáp ứng những đòi hỏi dân chủ và cải tổ của người dân. Hầu như tất cả mọi giai tầng trong xã hội Hung - từ thanh niên, sinh viên đến giới văn nghệ sĩ, trí thức, từ công nhân đến nông dân - đều muốn chế độ thay đổi theo hướng nhân bản hơn, dân chủ hơn. Hàng vạn người tập trung thảo luận các vấn đề chính trị cấp thời trong khuôn khổ CLB Petőfi (lấy tên thi hào, nhà cách mạng vĩ đại Hung thế kỷ XIX); tại đó, những ý kiến phê phán sự độc đoán của Đảng được đưa ra một cách thẳng thừng, không khoan nhượng. Vấn đề độc lập dân tộc cũng được đưa ra một cách gay gắt: sự hiện diện của quân đội Liên Xô tại Hung, cũng như sự lệ thuộc ở mức nô lệ của thể chế cầm quyền ở Hung vào Moscow đã là điều dân Hung không thể chấp nhận.

Vào đầu tháng Mười năm 1956, tất cả mọi điều kiện đã đều hội tụ cho một cuộc nổi dậy của toàn dân tộc. Cuộc nổi dậy ấy, không phân tích của giới sử học về sau, không còn là vấn đề cơm áo, bởi lẽ đời sống của 10 triệu người Hung thuở ấy thực chất không đến nỗi nào, so với các quốc gia công sản khác trong khối Hiệp ước Warszawa. Mục đích của nó cao cả hơn nhiều: giành quyền tự quyết, độc lập dân tộc, tạo dựng một thể chế dân chủ, pháp quyền.

Một dân tộc nhỏ đã kiêu hãnh và anh dũng đứng lên như thế...

(còn tiếp)
 
Chỉnh sửa lần cuối:
1956 (2)

Những dự cảm đầu tiên, rõ rệt và cụ thể, về một cuộc nổi dậy, đã diễn ra vào ngày mùng 6-10-1956 tại Budapest, đúng vào ngày kỷ niệm các liệt sĩ của cuộc cách mạng dân chủ Hung 1848. Hôm đó, hàng trăm ngàn người đã tụ tập ở thủ đô phản đối chế độ, trong lễ tái mai táng lãnh tụ cộng sản Rajk László và các đồng sự, bị vu cáo là gián điệp và chịu bản án tử hình trong phiên tòa ngụy tạo cách đó 7 năm. Theo những lời thuật lại, đám đông khổng lồ đã âm thầm và im lặng, nhưng đó là là sự im lặng trước một cơn giông tố!

Ban lãnh đạo cộng sản Hung bối rối và không biết phải làm gì trước tình thế đó. Trước những đòi hỏi của dân chúng, ngày 13-10, họ buộc phải trả lại đảng tịch cho Nagy Imre, nhưng mọi sự không dừng ở đó. Mười ngày sau, cuộc cách mạng mà rất nhiều người hằng mong đợi đã bùng nổ, thoạt tiên dưới dạng một cuộc biểu tình hòa bình và tự phát của giới sinh viên Đại học Kỹ thuật Budapest, thể hiện sự đoàn kết đối với những nỗ lực cải tổ của nhân dân Ba Lan. rất nhanh chóng, cư dân Budapest, công nhân các nhà máy lớn, trong số đó có không ít đảng viên cộng sản, đã tham gia cùng đoàn biểu tình. Buổi chiều 23-10, đã có tới 200 ngàn người tập trung trước Nhà Quốc hội Hungary với bản yêu sách 16 điểm của sinh viên trường Bách khoa, gồm những đòi hỏi cụ thể và chính yếu như thành lập một chính phủ mới do Nagy Imre đứng đầu; quân đội Liên Xô phải tức khắc rút khỏi Hung; phế truất những lãnh tụ cộng sản có nhiều sai lầm và đưa họ ra tòa; đảm bảo quyền tự do ngôn luận, báo chí và các quyền công dân khác; tổ chức lại cơ cấu kinh tế Hung; tổ chức nhũng cuộc bầu cử tự do, đa đảng... Chín rưỡi tối, hơn 300 ngàn người đổ ra đường, lật đổ bức tượng Stalin cao 10 mét, biểu tượng của thể chế độc tài tại Hungary, và tiến tới tòa nhà của Đài phát thanh đòi được đọc những yêu sách kể trên. Hoảng hốt trước khí thế của người dân, ban lãnh đạo cộng sản đã chỉ thị cho mật vụ chính trị nổ súng vào đoàn biểu tình, đồng thời, họ gọi điện yêu cầu Liên Xô trợ giúp. Cuộc biểu tình hòa bình của sinh viên và cư dân Budapest đã biến thành khởi nghĩa vũ trang như thế.

Ngay sau khi xảy ra biến cố ngày 23-10, chiến xa Liên Xô đã được điều động từ các tỉnh về Budapest và Moscow tưởng rằng chỉ với sự hiện diện quân sự này, người Hung sẽ nhụt chí. Nhưng mọi sự đã diễn ra theo chiếu hướng ngược lại: ngưòi dân Budapest, trong đó có không ít thanh niên ở độ tuổi mới lớn, đã dùng mọi vũ khí thô sơ để kháng cự lại xe tăng Liên Xô. Với sự xuất hiện của quân đội ngoại bang tại đất Hung, biến cố 1956 trở thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và trong vài ngày đầu, sự can thiệp của Liên Xô đã thất bại.

Sau khi được trở lại cương vị thủ tướng, Nagy Imre, sau những lưỡng lự ban đầu trước việc lựa chọn một giải pháp khả dĩ cho nước Hung, đến ngày 28-10 đã có một bước quyết định, khi ông tuyên bố biến cố đang diễn ra là "phong trào dân chủ dân tộc", đòi quân đội Nga phải tức khắc rút khỏi Budapest và chủ trương tiến hành đàm phán để rút khỏi nước Hung. Đồng thời, ông cũng ra chỉ thị giải tán cơ quan mật vụ chính trị, công bố đại ân xá và tái lập thể chế đa đảng. Như thế, vị thủ tướng Hung đã hoàn toàn đứng về phe cách mạng, những đòi hỏi chủ yếu của cuộc khởi nghĩa đã được đáp ứng và một tuần sau khi nổ ra, cuộc cách mạng Hung tưởng chừng đã thắng lợi.

Tuy nhiên, tình hình chính trường thế giới khi ấy hoàn toàn bất lợi cho cuộc cách mạng Hung. Các cường quốc Anh, Pháp và Israel tấn công Ai Cập, làm nổ ra cuộc khủng hoảng ở kênh đào Suez, tính đến việc điện Kremlin do "bận bịu" ở Hung, sẽ không "trả đũa" để bảo vệ Ai Cập. Để đổi lại, Phương Tây, cho dù bày tỏ sự đồng cảm với Hungary, nhưng ngầm thỏa thuận với Moscow rằng họ không can thiệp vào các sự kiện ở Hung. Trong hoàn cảnh ấy, đầu tháng 11-1956, Liên Xô quyết định can thiệp vũ trang vào Hung đúng vào lúc thủ tướng Nagy Imre tuyên bố nước này rút khỏi khối Hiệp ước Warszawa và trở thành một quốc gia trung lập.

Rạng sáng mùng 4-11, quân đội Xô-viết ồ ạt tràn sang Hung để đàn áp cuộc cách mạng. Trong cảnh bị chiến xa bao vây tứ bề, thủ tướng Nagy Imre, lần cuối cùng chính thức phát biểu trên Đài phát thanh, đã tuyên bố với toàn thế giới việc Liên Xô tấn công một quốc gia độc lập và cho biết Hungary sẽ không đầu hàng.

Bài phát biểu được phát nhiều lần trên làn sóng điện bằng nhiều thứ tiếng ấy, kết thúc với âm hưởng trầm hùng và bi thương của bản Quốc ca Hung, cho thấy trước một kết cục ảm đạm của cuộc cách mạng. Sau chừng một tuần, cuộc chiến hoàn toàn không cân sức đã chấm dứt: 20 ngàn người Hung đã bỏ mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến ác liệt. Thủ đô Budapest bị tàn phá, nhưng ở nhiều nơi, những người nổi dậy đã "tử thủ", gây cho quân đội Liên Xô những tổn thất không nhỏ... Mùa đông năm ấy, hơn 200 ngàn người Hung đã phải bỏ nước ra đi, trong số đó có không ít khoa học gia, trí thức lỗi lại, về sau đạt được vị trí đáng kính nể trên thế giới. Những quốc gia Phương Tây - đặc biệt, Pháp, Canada, Hoa Kỳ... - đã rộng mở đón đoàn người tị nạn và như lời tổng thống George W. Bush trong chuyến viếng thăm lịch sử tại Hung mới đây, ông tự hào vì cộng đồng người Hung di tản đã góp phần vào sự phát triển và phồn vinh của Mỹ!

*

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác


Cố thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, vào một ngày mùa đông cách đây tròn nửa thế kỷ, đã có những vần thơ giận dữ và phẫn nộ ấy, mà đến giờ, khi nhắc đến Hungary, nhiều người Việt còn nhớ tới. Cùng thời gian ấy, văn hào Albert Camus, Giải Nobel Văn chương, cũng từng nhắc đến cách mạng Hung một cách trân trọng: "Nước Hung bị chà đạp, bị xiềng xích, đã nỗ lực cho tự do và công lý hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới trong vòng hai mươi năm qua..."

Nửa thế kỷ trôi qua. Ngày 23-10 năm nay, gần 50 vị nguyên thủ quốc gia đã có dịp tập trung tại Budapest để hồi nhớ về một cuộc cách mạng đã để lại nhiều dư âm và những hồi quang sâu đậm trong lịch sử thế kỷ XX. Với người Hung, những thông điệp của cách mạng 1956 vẫn còn nguyên vẹn: hãy sống và chết trong tự do và cho nhân phẩm của mình!

(HL - Nhân 50 năm của cuộc cách mạng 1956)
-------------

Một số bài có liên quan, cũ mới đủ cả, có ở dạng layout báo (PDF) ở địa chỉ này (ngại tìm bản DOC quá!):

http://download.yousendit.com/713D62AF2D377CC2

L.
 
To Bách: Anh quả nhiên là không biết gì nhiều về những biến cố đó ở Hung. Qua những gì chú đưa tin thì theo anh trước hết đó là một cuộc cách mạng chống lại sự can thiệp của nước ngoài, và anh thấy nó là chí lý.

Anh Linh: Theo em nghĩ năm 1990 cục diện của Liên Xô là không thể đảo ngược được. Phải thừa nhận rằng mặc dù nhân dân Hung và Đông Âu anh hùng và giỏi giang thật, nhưng nếu anh cu Liên Xô mà không tự mình chết đi thì chắc cuộc cách mạng vĩ đại ở Đông Âu có lẽ cũng còn phải chờ lâu nữa mới có thể thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Mặt khác nhiều người cũng nói rằng không có cuộc chiến 45-54 ở Việt Nam thì nhiều nước thuộc địa khác, nhất là thuộc địa của Pháp, chắc cũng còn lâu mới giành độc lập.
 
Anh Linh: Theo em nghĩ năm 1990 cục diện của Liên Xô là không thể đảo ngược được. Phải thừa nhận rằng mặc dù nhân dân Hung và Đông Âu anh hùng và giỏi giang thật, nhưng nếu anh cu Liên Xô mà không tự mình chết đi thì chắc cuộc cách mạng vĩ đại ở Đông Âu có lẽ cũng còn phải chờ lâu nữa mới có thể thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Mặt khác nhiều người cũng nói rằng không có cuộc chiến 45-54 ở Việt Nam thì nhiều nước thuộc địa khác, nhất là thuộc địa của Pháp, chắc cũng còn lâu mới giành độc lập.

:) Trung nói như sách! Về cái gọi là "ko thể đảo ngược" được ấy.

Tất cả đều có căn nguyên và quá trình của nó. 1956 của Hung là tiền đề cho 1968 của Tiệp và, ít nhiều, hai sự kiện đầu là cú hích cho 1980 ở Ba Lan.

Làm gì có chuyện ông anh cả Liên Xô lại tự mình chết đi năm 1990??? Có lý do và căn nguyên của nó chứ?

Còn về kháng chiến chống Pháp của Việt Nam thì có ai kêu ca gì đâu, mà Trung đưa quàng vào đây?

L.

TB. Văn phong châm biếm của Trung (những ngôn từ "anh hùng", "giỏi giang", "vĩ đại"...) có vẻ ko hợp khi nói về chuyện nghiêm túc thế này. Sorry em!
 
Hm... Trước sự kiện này ở Hung thì ở Áo cũng có 1 sự kiện khác mà mình sẽ tóm tắt dưới đây. Không biết sự kiện đấy của Áo có ảnh hưởng ít nhiều gì tới sự kiện này của Hung không nhỉ...? :p

Sự kiện của Áo:
Sau khi khối Đồng minh (Mỹ, Anh, Pháp, LX) dẹp được phát xít Đức thì họ cũng "đóng quân" ở nước họ vừa cứu luôn :D (Hồi đấy Áo bị chia ra thành 4 phần, mỗi vị đóng quân ở 1 phần của họ :D )
Hồi đấy, ngày từ năm 1943, nước Áo đã "tỉnh" nhanh nên muốn độc lập càng sớm càng tốt. Áo chỉ còn 1 giải pháp hợp lý và hiệu quả nhất là quyết định biến nước mình thành 1 nước Trung lập (phải thế thì mới là lý do chính đáng cho phía LX rút quân). Nói chung, 3 nước Anh, Pháp và Mỹ thì cũng xuôi xuôi rồi (nhưng mà vẫn nghi ngờ sự Trung lập sau này của Áo, nên cũng dè chừng), nhưng LX với ý định biến nước Áo thành 1 nước Cộng sản chủ nghĩa thì còn lưu luyến lắm :D
Cũng vào khoảng thời gian đó, nhiều sự kiện xảy ra làm cơ hội thực hiện ý nguyện Trung lập của nước Áo được tăng lên đáng kể. LX rồi cũng phải đồng ý, nhưng với 1 điều kiện là Áo phải trả cho LX 150 triệu USD tiền bồi thường quản lý vũ khí (so với giá trị tính công thật cũng như so với kinh tế hồi đó là quá quá nhiều). Nhưng Áo giao kết là sẽ chỉ trả bằng hiện vật chứ không bằng tiền mặt - đó là bằng dầu hỏa. Quy ra sẽ là 10 triệu tấn dầu hỏa, trả trong vòng 10 năm :D (về sau này giảm xuống còn 6 triệu tấn).
Cuối cùng sau 12 năm, năm 1955, Áo chính thức giành được độc lập và trở thành 1 nước Trung lập. (Lịch sử ghi lại rằng khi ký xong Hiệp định Trung lập cho nước Áo, mọi người cụng cốc ăn mừng. Vừa cụng cốc xong, Ngoại trưởng LX thời đấy là Wjatscheslaw Michailowitsch Molotow, vì tức nên đã hất ly rượu ra đằng sau lưng, va vào tường vỡ toang :p )

Có thể là nhân đà này, Hung mới đấu tranh dành độc lập. Hồi đấy, gần 200 nghìn người Hung sang Áo tị nạn và phần lớn ở lại luôn (Áo với Hung do có chung 1 lịch sử - Đế quốc Áo-Hung - nên thân nhau từ trước). Đến giờ, Áo với Hung vẫn có 1 mối quan hệ rất thân thiết :D
 
@ Hà: Có chứ, có nhắc đến ở đây mà :)

L.

1956 (1)
Tuy nhiên, ở vào thời điểm ấy, khi tình hình Đông Âu có một số hòa dịu nhất định - đặc biệt là khi nước Áo, một láng giềng gần gũi và thân thiết của Hung, trở thành quốc gia trung lập và thoát khỏi sự quản chế của Liên Xô - những ước vọng dân chủ của người dân Hung đã không thể bị nhấn chìm.
 
--Anh Linh ở Hungary chắc cũng lâu nên có nhiều tư liệu và hiểu nhiều hơn đàn em về cách mạng 1956 nên xin thứ lỗi cho đàn em bày tỏ chút hiểu biết kém cỏi nhé :D:D:D.

--Theo thiển ý của em thì cuộc cách mạng Hungary năm 1956, nếu bỏ qua những từ ngữ mỹ miều như "đấu tranh đòi tự do dân chủ"... mà báo đài phương Tây vẫn dùng, thì có lý do từ các chính sách kinh tế sai lầm dẫn đến việc dân bị đói. Đã k0 cho người ta ăn mà lại còn cấm người ta nói thì ai mà chịu nổi. Chính vì thế nên dân Hungary mới muốn hướng về Tây Âu và Mĩ, Liên Xô can thiệp thì cách mạng nổ ra. Nói chung là đụng tới miếng ăn của người ta là k0 được rồi :p.

--Hồi trước ông bố em du học ở Rumani có biết 1 câu chuyện cười ở xứ này. Tuy 2 nước Rumani và Hungary khác nhau nhiều lắm nhưng vẫn có vài điểm chung thời cộng sản nên em xin kể để mọi người thư giãn 1 tí: :D

Ceausescu ( lãnh đạo Rumani) cải trang thành 1 ông cụ, đi xuống phố và hỏi 1 người qua đường:

"này, mày có dám bắn Ceausescu k0?"
"có, nếu tao có súng và đạn."
"sao thế?":-?
"tao chán cái cảnh xếp hàng lắm rồi" :eek: :p:p

--Thế đấy, lúc đầu k0 phải vì tự do dân chủ gì, mà là do "đang đói mà nó vẫn bắt tao xếp hàng để mua đồ ăn" .:p
 
--Anh Linh ở Hungary chắc cũng lâu nên có nhiều tư liệu và hiểu nhiều hơn đàn em về cách mạng 1956 nên xin thứ lỗi cho đàn em bày tỏ chút hiểu biết kém cỏi nhé :D:D:D.

Có gì đâu em.

--Theo thiển ý của em thì cuộc cách mạng Hungary năm 1956, nếu bỏ qua những từ ngữ mỹ miều như "đấu tranh đòi tự do dân chủ"... mà báo đài phương Tây vẫn dùng, thì có lý do từ các chính sách kinh tế sai lầm dẫn đến việc dân bị đói. Đã k0 cho người ta ăn mà lại còn cấm người ta nói thì ai mà chịu nổi. Chính vì thế nên dân Hungary mới muốn hướng về Tây Âu và Mĩ, Liên Xô can thiệp thì cách mạng nổ ra. Nói chung là đụng tới miếng ăn của người ta là k0 được rồi :p.

Ở đây có mấy ý:

- Dân Hung hồi đó ko đói. Mức sống của Hung rất khá, so với các nước khác trong phe XHCN thời ấy. Nhất là sau khi Nagy Imre lên làm thủ tướng thời 1953-1955 và có những chính sách cải cách kinh tế rất cởi mở (Nagy Imre, thực ra, trước tiên là một nhà kinh tế có tầm nhìn tốt, chứ thực ra ko phải một nhà cách mạng), thì kinh tế Hung hoàn toàn ko đến nỗi nào, so với "phe ta".

- Vì thế, cuộc cách mạng 1956 của Hung thực sự là đòi tự do dân chủ (ko liên quan gì đến chuyện "từ ngữ mỹ miều" mà em nói, vì trong trường hợp này thì những "từ ngữ mỹ miều" ấy là đúng :) ), chứ ko phải vì đói nên dân nổi loạn. Ý này anh có nhắc đến trong bài viết. Bảo rằng vì bị đụng đến miếng ăn mà nổi dậy là hạ thấp cách mạng Hung 1956.

--Hồi trước ông bố em du học ở Rumani có biết 1 câu chuyện cười ở xứ này. Tuy 2 nước Rumani và Hungary khác nhau nhiều lắm nhưng vẫn có vài điểm chung thời cộng sản nên em xin kể để mọi người thư giãn 1 tí: :D
Ceausescu ( lãnh đạo Rumani) cải trang thành 1 ông cụ, đi xuống phố và hỏi 1 người qua đường:
"này, mày có dám bắn Ceausescu k0?"
"có, nếu tao có súng và đạn."
"sao thế?":-?
"tao chán cái cảnh xếp hàng lắm rồi" :eek: :p:p
--Thế đấy, lúc đầu k0 phải vì tự do dân chủ gì, mà là do "đang đói mà nó vẫn bắt tao xếp hàng để mua đồ ăn" .:p

Những truyện tiếu lâm chính trị kiểu như vậy, bên này có cả thúng :) Tuy nhiên, nếu nói về xếp hàng thì Hung là nước đỡ nhất trong phe XHCN. Và nhất là, nếu có phải xếp hàng, thì Hung là xứ còn có cái để mà mua. Em nghe cái này chưa?

Thời "bao cấp" ở Nga. Một đoàn người xếp hàng dài cả cây số trước một cửa hàng. Một người cuối hàng hỏi:

- Quý vị xếp hàng để mua gì vậy?
- Mua bô!
- Mua bô làm gì mà xếp hàng dữ thế?
- Để ngộ nhỡ ngày mai cửa hàng có phân phối... cứt, thì còn có cái để đựng chứ!


Chuyện hơi tục, nhưng phản ánh đúng một thực tế là có thời gian ở Liên Xô, có xếp hàng cũng chả có gì để mua. Và người dân thì lắm khi cứ thấy đông đông là xếp hàng, chưa cần biết là sẽ có hàng gì để mua :)

Tuy nhiên, Romania thì khổ lắm, cho đến bây giờ vẫn vậy... Có điều, dân Romania cũng ko nổi loạn cho dù bị đói :))

L.

TB. Em viết câu này có vẻ bỉ thử: "Thế đấy, lúc đầu ko phải vì tự do dân chủ gì, mà là do "đang đói mà nó vẫn bắt tao xếp hàng để mua đồ ăn".

Đây ko phải là trường hợp của Hung, tuy nhiên, nếu ở đâu đó mà người dân do đói dám đứng lên làm cách mạng, rồi chống cả kẻ mạnh hơn mình gấp bội, thì cũng đáng khâm phục chứ?
 
BIẾN CỐ 1956 TỪ GÓC NHÌN CỦA KGB (trích từ cuốn sách KGB_ những chiến dịch tình báo từ Lenin đến Gorbachev của 2 tác giả Oleg Gordievxki và Christopher Andrew)

Tháng 3 năm 54 , cục an ninh quốc gia Soviet đã tiến hành một cuộc cải tổ quy mô nhất sau WW2 , MGB lại tách ra khỏi MVD , nhưng bị giáng xuống từ Bộ thành Ủy ban an ninh quốc gia(KGB) và chính thức trực thuộc hội đồng bộ trưởng .Chủ tịch đầu tiên của KGB là một vị tướng 49 tuổi -A .Xêrov
Kinh nghiệm lâu năm của ông ta trong lĩnh vực trấn áp bất đồng chính kiến đã tỏ ra có lợi trong thời kỳ khủng hoảng những năm đầu ở ghế người đứng đầu KGB :cuộc cách mạng Hungary .Trấn áp cách mạng đã đem lại uy tín cho thế hệ mới của những người đứng đầu KGB .Năm 54 , chủ tịch tương lai của KGB- Yuri Andropov (cũng là Tổng bí thư LX thời kỳ đầu hậu Breznhev) trở thành đại sứ LX tại Budapest ở tuổi 40 .Năm 55 , một chủ tịch tương lai nữa của KGB là A.Kriutrơkov , 31 tuổi đến Budapest với cương vị là bí thư thứ 3 của Andropov .

Giữa những năm 50s , Andropov mà có thể là cả Kriutrơkov đã hiểu ra rằng ,phương án phát triển không theo CN Stalin của Rakosi sẽ là một trở lực cho chế độ cộng sản ở Hung .Ngày 17-7-1956 ,Mikoian bay đến Budapest buộc Rakosi từ chức Tổng bí thư với lý do sức khỏe để sang LX . Nhưng người kế vị Rakosi lại là một người cấp tiến theo đường lối cứng rắn của Enre Gere , đó là Imre Nagy . Sự sụp đổ của Rakosi và những cải cách ở Ba Lan đã dẫn tới những thay đổi chính trị thực sự .
Tháng 10 , khi cuộc khủng hoảng ở Hung trở nên trầm trọng , cố vấn trưởng KGB ở Budapest--tướng Emelianov bị triệu hồi về Moskva .Tướng Xerov bay sang Budapest -lần đầu tiên một chủ tịch KGB nhận trách nhiệm lãnh đạo một chiến dịch lớn ngoài lãnh thổ LX . 23-10 , trong một chiến dịch của Sinh viên trên đường phố Budapest , với một phân tư triệu người tham gia đòi tuyển cử tự do , xô xát đã xảy ra với quân LX . 9 giờ tối , các nhân viên của AVN đã nổ súng giết chết mấy người biểu tình gần tòa nhà đài phát thanh .Khi AVN đưa quân đến tiếp viện trên những chiếc xe cứu thương thì bị đoàn người biểu tình bao vây , tước hết vũ khí . Trong vòng mấy giờ sau đó , những người biểu tình nhận được vũ khí do những cảm tình viên trong lực lượng cảnh sát ,quân đội cũng như từ các kho vũ khí mà họ chiếm được .Những người quá khích đã giật sập tượng Stalin .Một cuộc cách mạng nổ ra .
Trong cuộc họp khẩn của bộ nội vụ được triệu tập ngay tối đó , Xerov giới thiệu là cố vấn mới của LX nhưng ko xưng danh .Phát biểu với những người có mặt , Xerov nhấn mạnh " Bọn fascists và đế quốc đang tiến hành đánh phá trên đường phố Budapest ,thế mà trong lực lượng vũ trang của đất nước chúng ta vẫn có những đồng chí ko dám cầm vũ khí !"
S.Kopatri , cảnh sát trưởng Budapest , người mà sau đó đã nhanh chóng đứng về phía những người biểu tình đã mỉa mai "Rõ ràng đồng chí từ Moskva vừa đến chưa có thời gian để tìm hiểu tình hình đất nước ta .Chúng ta cần phải báo cho đồng chí ấy biết rằng , trong số những người biểu tình ,ko có fascists , cũng chẳng có đế quốc , đó là những người con trai , con gái tốt nhât của giai cấp công nhân , là tinh hoa của tri thức đất nước đang đòi hỏi quyền của mình và muốn tỏ rõ nguyện vọng ủng hộ những người Ba Lan " .Một phần tư thế kỷ qua , nhưng Kopatri vẫn còn nhớ rất rõ cái nhìn chòng chọc sắc lạnh của Xerov lúc đó .

Ngay tối hôm đó , 23-10, Gere với sự chấp thuận của LX , cử Nagy lên làm thủ tướng .Đồng thời , ông cũng tìm kiến sự giúp đỡ của "các lực lượng quân đội LX đang đóng ở Hung nhằm chống lại nguy cơ phản CM " .Sáng hôm sau ,cứ tưởng rằng giai cấp công nhân ko ủng hộ sinh viên , quân đội LX với sự hỗ trợ của AVN đã tiến hành chiến dịch trấn áp CM đầu tiên .Sau mấy ngày đánh nhau trên đường phố , người ta nhận ra rằng giai cấp công nhân đã đứng về phía sinh viên . 25-10 , Kadar thay Gere trên cương vị bí thư thứ nhất .Sau đó , Kadar và Nagy tuyên bố "các cuộc đàm phán về việc rút quân đội LX ra khỏi Hung sẽ được tiến hành ngay sau khi trật tự được lập lại . Trong vòng mấy ngày liền , theo lời Khrushev , điện Kremlin đã ko biết là nên dùng vũ lực hay là rút quân khỏi Hung : "ko biết bao lần chúng tôi đã đắn đo quyết định thế này rồi thế kia "
Nghi đây là mưu toan của bọn đế quốc ,Xerov ra lệnh cho 200 nhân viên hoạt động bi mật của KGB ,đang sống ở phương Tây ,dưới tên giả , phải về Hung tìm hiểu tình hình ,và nếu cần phải tổ chức các cuộc khiêu khích để lấy cớ đem quân vào can thiệp - chiến thuật này được lặp lại ở Praha 1968.

(còn tiếp - mọi người vui lòng chờ em type xong đã nhé)

Trong lúc đó tình hình ở Budapest mỗi lúc một căng thẳng .Ngày 23-10 ,sau khi AVN bắn chết hàng trăm người biểu tình đã bị đình chỉ hoạt động sau khi đám đông biểu tình hành quyết mấy nhân viên của nó . 30-10 , các vị lãnh đạo ở Kremim là Mikoian và Xerov đồng ý rút quân ra khỏi Hung và tiến hành các cuộc đàm phán để Hung rút ra khỏi hiệp ước Varsava .Đến giữa ngày hôm đó , Nagy lên đài phát thanh tuyên bố " Để đảm bảo quyền dân chủ , chính phủ sẽ từ bỏ chế độ một đảng ,và chuyển qua chính phủ liên hiệp như hồi 1945 " Thế là trước ngày 30 ,Ngay -người được Moskva xem là niềm hy vọng lớn nhất để duy trì và bảo vệ chế độ CS Hung ,thì nay họ lại bí mật chuẩn bị lật đổ ông .

Vai trò chủ chốt trong việc lừa dối chín phủ của Nagy được giao cho Andropov .Một cố vấn của Đại sứ quán LX saunayf kể là Andropov là người đầu tiên "biết được bản chất " của Nagy và biết tự chủ trong suốt thời gian khủng hoảng . "Ông ta đặc biệt bình thản ngay cả lúc đạn bay vèo vèo xung quanh , cả khi tất cả chúng tôi ở sứ quán cảm thấy như đang ngồi trong một lâu đài bị bao vây " .1 -11 , người ta đánh thức Nagy dậy để báo tin , các đơn vị Soviet đang rút khỏi Budapest và một số đơn vị Hồng Quân khác đang tiến vào Budapest là để đảm bảo an ninh cho việc rút quân .Nagy tuyên bố Hung rút khỏi hiệp ước Varsava ,là một nước trung lập và yêu cầu OOH đưa ra vấn đề Hung ra bàn hội nghị . NGày 2-11 , chính phủ Nagy khánh nghị việc LX đưa thêm quân vào Hung với OOH .Tiếp tuc cam đoan với Nagy rằng việc rút quân vẫn tiếp diễn theo kế hoạch ,Andropov cùng với Kadar bí mật chuẩn bị lật đổ Nagy .Kadar đã hành động vì bắt buốc , dưới ảnh hưởng của hồi ức về những lần tra tấntrong tù vào năm 51-54 và dưới sự đe dọa của Andropov về việc sẽ đưa Rakosi trở lại nếu ông ko đồng ý .

Tối ngày 3-11 , Bộ trưởng quốc phòng trong CP Nagy ,Pal Maleter ,được mời đến bộ chỉ huy quân LX để bàn về những chi tiết cuối cùng của việc rút quân .Nửa đêm , khi mọi người đang nâng ly chúc mừng thì Xerov lao vào phòng , vung khẩu Maode trên tay ,dẫn đầu một nhóm sỹ quan , bắt toàn bộ đoàn đại biểu Hung và ra lệnh giam mỗi người vào một phòng. Sáng hôm sau , một loạt vụ treo cổ đã giết hết cả Maleter cùng các đồng sự của ông . 4-11 , trước khi trời sáng , Hồng Quân bắt đầu mở cuộc tấn công .Để đề phòng việc quân Hung kháng cự , Andropov vẫn tiếp tục lừa dối Nagy đến phút cuối .Và khi Tổng chỉ huy quân đội Hung gọi điện đến báo cho Nagy tin quân LX tấn công ,Ngay vẫn thản nhiên trả lời " Đại sư Andropov hiện đang ở chỗ tôi và nói rằng đây chắc là có một sự nhầm lẫn gì thôi chứ cp LX ko hề ra lệnh tấn công Hung .Đại sứ và tôi đang cố gắng liên lạc với Moskva " .Sáng hôm sau , Nagy đã phải nói lời cuối cùng của mình trên đài phát thanh " "Đây , Imre Nagy , chủ tịch hội đồng bộ trưởng nước cộng hòa nhân dân Hungary . Rạng sáng nay ,các đạo quân Soviet đã tấn công thủ đô của chúng ta với mục đích rõ ràng là lật đổ chính phủ dân chủ của nước Hung . Quân đội chúng ta đã kháng cự lại , chính phủ vẫn làm việc bình thường .Tôi thông báo điều này để toàn dân Hung và công luận thế giới được biết " .

Cũng ngày hôm đó ,Ngay và các bộ trưởng của ông được đưa vào sứ quán Nam Tư tị nạn . Xerov vẫn tiếp tục chỉ huy lính bắt giam "những phần tử phản cách mạng" chưa kịp chạy chốn ra nước ngoài .Trong số những người bị bắt có cả Cảnh sát trưởng Budapest- S.Kopatri do chính tay Xerov bắt . Khi đó , Xerov mới giới thiệu cho Kopatri biết mình là chủ tịch KGB và nói " Tôi định treo anh lên ngọn cây nào cao nhất ở Budapest " sau khi nhắc lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ như đã kể ở trên . Rất may là lời đe dọa này đã ko trở thành hiện thực . 21-11 , CP mới , do sự bảo hộ của LX . do Kadar đứng đầu , đã cho phép Nagy và các bộ trưởng của ông rời khỏi Đại sứ quán Nam Tư an toàn .Nhưng hôm sau , khi họ vừa rời khỏi đó , các nhân viên KGB đã tóm cổ từng người , kéo lên một chiếc xe bus rồi chở thẳng về Rumani .

Các cuộc hỏi cung Nagy đựoc tiến hành dưới sự chỉ huy của B.Sumilin , cố vấn trưởng KGB ,phụ trách "các vấn đề phản cách mạng" . 26-11 , Kadar tuyên bố trên đài "chúng ta sẽ ko đưa Nagy và các đồng sự ra tòa vì những tội lỗi của họ , cho dù họ có thú nhận đi nữa "
Tháng 2 năm 1957 , bộ ngoại giao Hung đã lặp lại tuyên bố trên ,song vì Nagy ko chịu thú nhận những tội lỗi mà KGB gán cho , Moskva đã có một ý định khác :trong số 6 người bị bắt khi vừa rời khỏi sứ quán nam Tư , 1 người đã chết vì tra tấn , người thứ 2 bị bóp cổ chết , khi tuyên bố tuyệt thực , còn Nagy và 3 người còn lại bị đưa ra xét xử kín vào tháng 3 năm 1958. Tuy vậy , phiên tòa đã làm KGB thất vọng .Vì các bị cáo vẫn ko chịu nhận tội nên nó phải hoãn lại .Tháng 7-1958 , khi phiên tòa mở lại , họ vẫn ko chịu nhận tội . Tất cả bị kêt án tử hình và chôn cất ở nghĩa địa dành cho những người vô danh .

Dù sao , cuối cùng thì phiên tòa xử Nagy cũng đã được mở .Nó đã gây ra một ảnh hưởng tồi tệ nhất đối với dư luận xh và là phiên tòa chính trị cuối cùng trong khối Soviet khi nạn nhân bị tuyên án tử hình .
 
Chỉnh sửa lần cuối:
György Dalos
Sự sợ hãi khôn ngoan và cái cười nhạo ngu xuẩn
(Phỏng vấn của báo taz, Stefan Reinecke và Christian Semler thực hiện)
Hồ Phạm Huy Đôn dịch


Cuộc nổi dậy tại Hungary tháng Mười 1956
Tròn 50 năm trước, người Hungary đã vùng dậy chống ách thống trị Xô-viết. Ngày nay cánh hữu ở Hungary tìm cách dùng cuộc nổi dậy năm 1956 cho mục đích của họ. Nhưng theo György Dalos thì những dữ kiện lịch sử lại nói một tiếng nói khác.

taz: Thưa ông Dalos, cách đây vài tuần, khi Thủ tướng Ferenc Gyurcsány công khai thừa nhận sự dối trá của mình thì một đám đông đã xông vào chiếm đài truyền hình, không khác gì sự kiện diễn ra ngày 23 tháng Mười năm 1956, cuộc biểu tình của một đám đông trước đài phát thanh đã dẫn đến vụ nổi dậy. Lịch sử lại tái diễn...

György Dalos: ... Vâng, đấy là cuộc diễn lại lịch sử. Chính trị ở Hungary rất nặng tính biểu tượng.

Hiện giờ thì cánh hữu ở Hungary đang tìm cách dùng cuộc nổi dậy năm 1956 cho mục đích của họ. Như thế có hợp lý không?

Không chỉ cánh hữu mà tất cả các giới ở Hungary đều viện dẫn sự kiện năm 1956. Còn chính cuộc nổi dậy đó thì không thể bảo là điển hình hữu hay điển hình tả được. Tất cả các lực lượng chính trị khác nhau đã tham gia vào đó- từ những người theo chủ nghĩa Troskyist đến bọn phát xít, từ thành phần trung dung theo khuynh hướng tự do đến các nhà dân chủ xã hội và cả thành phần tôn giáo nữa. Do đó mà có vô vàn khẩu hiệu và yêu sách khác nhau. Chỉ có một yêu sách không được nêu ra vào năm 1956: đó là nền kinh tế thị trường tự do.

Tại sao?

Vì tuy căm ghét cả khái niệm chủ nghĩa cộng sản lẫn khái niệm Xô-viết, nhưng thực ra người ta không ghét bỏ gì chủ nghĩa xã hội hay cái thiết chế ủy ban công nhân.

Lúc ấy có một nhóm trí thức cầm đầu, thấy trước và lập kế hoạch cho cuộc cách mạng đó không? Và nhóm này có đề ra chương trình gì không?

Thấy trước thì có, nhưng lập kế hoạch thì không. Thời đó có những hình dung khá mơ hồ về một chủ nghĩa xã hội mang diện mạo Hungary. Đó là một cuộc thử nghiệm nhập nhoà với mục đích kết hợp ý tưởng về cái gọi là "con đường thứ ba" với tinh thần dân tộc. Yếu tố quyết định cho động lực của cuộc nổi dậy năm 1956 là sự can thiệp của Liên Xô. Xe tăng Liên Xô lăn bánh vào Budapest ngày 24 tháng Mười đã hợp nhất cả phía cộng sản lẫn phía chống cộng thành cuộc nổi dậy đó.

Vậy đó là một cuộc nổi loạn tự phát, không có kế hoạch trước?

Đúng thế. Giới sinh viên kéo đến đài phát thanh ngày 23 tháng Mười năm 1956, biểu hiện sự đoàn kết của họ với Đảng Cộng sản Ba Lan. Đến một cái loa phóng thanh họ cũng không có. Họ thận trọng đòi hỏi "quan hệ hữu nghị Hung-Xô trên cơ sở bình đẳng". Sau đó thêm giới công nhân từ các quận vùng ven kéo đến, gia nhập cuộc biểu tình. Việc này đã thay đổi đặc tính của toàn bộ sự kiện. Giờ đây những người biểu tình đã có thể hô hào: "Ai là người Hung thì hãy sát cánh cùng chúng tôi". Tính dân tộc đã được đưa lên trên tính xã hội. Thành phần sinh viên đã mất quyền kiểm soát cuộc biểu tình. Theo tôi nhớ thì đằng nào cũng không còn kiểm soát được gì nữa: trên đường phố không còn an ninh quốc gia, không có cảnh sát ngoài đường. Đằng nào thì lực lượng cảnh sát cũng không được đào tạo cho những đợt tham chiến như thế. Đến dùi cui họ còn không có nữa là. Mãi sau này dưới thời Kadar mới có dùi cui, còn được gọi là "chủ nghĩa Marx ép khúc" hay „xúc-xích Kadar".

Vậy những người tham gia nổi dậy có một mục đích chung và một hệ thống chỉ huy không?

Không. Họ phối hợp với nhau trong những vấn đề thiết thực như cung cấp thực phẩm và phát tán thông tin. Nhưng trước hết họ là đối thủ của nhau. Ta không được phép quên rằng nhóm cốt lõi của những người nổi dậy chỉ gồm khoảng 500 người. Vậy mà họ đã làm cho xe tăng Liên Xô ở Budapest không nhúc nhích được nữa. Họ đã đẩy phía Liên Xô vào một tình huống tiến thoái lưỡng nan. Mạc Tư Khoa không có khả năng làm được gì về mặt quân sự, về mặt chính trị lại càng không. Vì vậy hồi đó Liên Xô đã rút lui trước khi thực sự tiến quân vào về sau.

Ônh có thể giải thích được vì sao cuộc nổi dậy đầu tiên chống thế lực đế quốc Xô Viết lại diễn ra ở Hungary không?

Một lý do là sự phục tùng đầy tính nô lệ của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Hung đối với Mạc Tư Khoa. Ở Ba Lan chẳng hạn thì khác hẳn về mặt này. Năm 1956 có một cuộc nổi dậy ở Poznan bị giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Ba Lan đàn áp đẫm máu với 80 người chết. Muốn nghĩ thế nào về Đảng Cộng sản Ba Lan thì nghĩ, nhưng họ không nấp bóng Mạc Tư Khoa như Đảng Cộng sản Hung. Họ đã từng có can đảm thay cả bộ sậu lãnh đạo mà không tham vấn Điện Cẩm Lanh. Đảng Cộng sản Hung thì luôn dọa dẫm các cuộc phản đối nhưng lại quá yếu, không thực hiện được những đe dọa của chính mình.

Mặc dù có nhiều nhóm không tương ứng với nhau, cuộc nổi dậy vẫn có một mục tiêu chính trị là ra khỏi khối Hiệp ước Warszawa và một nước Hungary tự chủ không phụ thuộc Mạc Tư Khoa. Chắc chắn là Mạc Tư Khoa không bao giờ khoan thứ mục tiêu này. Vậy cuộc nổi dậy là ảo tưởng?

Đúng thế. Năm 1968 dân Tiệp không hề muốn ly khai khối Hiệp ước Warszawa mà vẫn bị chiếm đóng. Dưới cách nhìn của ngày nay thì sự trung lập năm 1956 là một tư tưởng điên rồ. Nhưng vào thời điểm đó thì không. Người Hung chỉ thấy việc nước Áo tuyên bố trung lập trước mắt mình. Lúc đó Hiệp ước Warszawa mới ra đời được một năm. Và người Hung không biết rằng phương Tây đã chấp nhận sự phân chia thế giới. Trong khi người Ba Lan biết rằng sẽ không có sự giúp đỡ nào từ bên ngoài cả, thì người Hungary, trái lại, đã tin tưởng vào sự tuyên truyền của Hoa Kỳ. Hay nói rõ hơn thì người Hung đã tin vào những lời hứa hẹn của Radio Châu Âu Tự do, chỉ vì họ sẵn lòng tin những điều ấy.

Vì sao một chính khách thiếu quyết đoán như Imre Nagy, một người cộng sản theo khuynh hướng cải cách, lại ra tuyên bố Hungary ra khỏi Hiệp ước Warszawa?

Thật ra ông ta không muốn làm chuyện đó. Ban đầu ông ta đã dai dẳng chống cự cuộc nổi dậy mấy ngày liền. Rồi ông ta nhận ra là không thể được. Nagy muốn hòa hợp những mong muốn của người Liên Xô với những nét riêng biệt của Hungary. Chỉ khi điều này thất bại, ông ta mới ủng hộ việc ly khai. Ông ta đứng trước sự lựa chọn: hoặc trung thành với Mạc Tư Khoa, hoặc trung thành với dân tộc Hung. Ông ta đã quyết định và giữ nguyên chọn lựa của mình cho đến chết. Nagy đã lặp lại số phận của Bá tước Batthyány, vị thủ tướng đã từng đàn áp cách mạng vào năm 1848 để ngăn cản xung đột với triều đình Áo, để rồi bị triều đình Áo giết. Số phận của Nagy cũng y như thế; ông ta bị xử tử.

Sau khi cuộc nổi dậy bị đập tan, có một làn sóng khủng bố những người tham gia nổi dậy với hàng trăm bản án tử hình. Đồng thời quá trình bài trừ tệ sùng bái cá nhân Stalin cũng bắt đầu trong khối Đông Âu vào năm 1956. Vậy sự tàn bạo không thật thích hợp với thời kỳ đó bắt nguồn từ đâu?

Bằng sự tàn bạo đó, tầng lớp cầm quyền muốn chống lại cơn sốc đánh mất quyền lực trong một khoảnh khắc lịch sử. Sự trả thù quá đáng đó không chỉ xảy ra theo chỉ thị của Mạc Tư Khoa, mà là một đặc điểm của lịch sử nước Hungary. Những cuộc khủng bố như thế từng xảy ra vào năm 1514 do giới quý tộc Hung sau khi đánh bại cuộc khởi nghĩa nông dân cũng như vào năm 1849 do triều đình Áo. Khủng bố sau các cuộc nổi dậy không nhằm mục đích chống nổi dậy, mà để giúp giới cầm quyền vượt qua được nỗi sợ bị mất quyền lực về mặt tâm lý.

Nhưng vì sao sau đó Hungary lại trở thành cái góc vui tươi nhất trong khối Đông Âu - Chủ nghĩa xã hội hiện thực với một chút tự do nho nhỏ?

Sau năm 1956 giới cầm chịch chính trị biết rằng họ sẽ mất hết nếu không có xe tăng Xô-viết. Còn quần chúng thì biết rằng họ có thể lật đổ chính phủ đấy, nhưng bọn Xô-viết sẽ đến. Chính cái kinh nghiệm nước đôi này đã giúp hình thành cuộc cộng sinh bất đắc dĩ giữa nhân dân và lãnh đạo – mô hình Hungary. Mô hình này dựa trên hai thành phần: sợ hãi và cười nhạo, sự sợ hãi khôn ngoan và cái cười nhạo xuẩn ngốc.

Vậy ngày nay, vào năm 2006, còn lại gì từ mô hình đó ở Hungary?

Sự sợ hãi. Những biện pháp độc tài vẫn còn có thể làm cho người Hungary sợ sệt một cách dễ dàng.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8439&rb=0402
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Cánm ơn Bách đã chịu khó type. Anh có đọc cuốn sách này rồi, bằng tiếng Hung.

Bản dịch Việt ngữ (mà Bách type) để lại ấn tượng trong anh là quá lộn xộn. Nhất là phần phiên âm các danh từ riêng (tên người) thì bát nháo. :)

Phần nói về cách mạng Hung ko sai mấy, người ngoại quốc viết thế này là tàm tạm :)

Mấy lời góp vui:

Năm 55 , một chủ tịch tương lai nữa của KGB là A.Kriutrơkov , 31 tuổi đến Budapest với cương vị là bí thư thứ 3 của Andropov.

Kryuchkov chính là một trong "bát nhân bang" làm cuộc đảo chính hai ngày ở Liên Xô thời cách đây 15 năm. Trùm mật vụ chính trị mà làm đảo chính như dở hơi :)

Giữa những năm 50s , Andropov mà có thể là cả Kriutrơkov đã hiểu ra rằng ,phương án phát triển không theo CN Stalin của Rakosi sẽ là một trở lực cho chế độ cộng sản ở Hung.

Câu này khá vô nghĩa. Rákosi Mátyás là thủ hạ đắc lực nhất của Stalin ở Đông Âu, sao lại ko theo chủ nghĩa Stalin?

Phải hiểu là: cách cầm quyền độc đoán, sự sùng bái cá nhân tới mức ngu xuẩn của Rákosi tại Hung, khi đó đã trở nên lỗi thời, và bị dân Hung rất bất bình, sẽ ko hay ho gì cho Đảng Cộng sản Hung thời ấy.

Ngày 17-7-1956 ,Mikoian bay đến Budapest buộc Rakosi từ chức Tổng bí thư với lý do sức khỏe để sang LX .

Sau này, Rákosi cũng ko được về Hung, và mất ở Liên Xô.

Nhưng người kế vị Rakosi lại là một người cấp tiến theo đường lối cứng rắn của Enre Gere , đó là Imre Nagy.

Câu này lại càng vô nghĩa: Gero Erno, một lãnh tụ cộng sản khác của Hung, cũng là tay độc đoán hệt như Rákosi (ông này phải chịu một phần trách nhiệm ko nhỏ về sự bùng nổ của biến cố 1956). Còn Nagy Imre là một nhà cải tổ, muốn để CNXH có bộ mặt nhân tính. Sao lại bảo Nagy Imre là người cấp tiến theo đường lối của Gero Erno???

23-10 , trong một chiến dịch của Sinh viên trên đường phố Budapest , với một phân tư triệu người tham gia đòi tuyển cử tự do , xô xát đã xảy ra với quân LX .

Chuyện bịa đặt! Liên Xô hay viện cớ là dân Hung xô xát với lính Xô-viết đồn trú tại Hung, cho đó là một trong những lý do khiến Liên Xô can thiệp quân sự vào Hung.

Ngày 23-10, đâu đã có xô xát với lính Liên Xô đâu?

9 giờ tối , các nhân viên của AVN đã nổ súng giết chết mấy người biểu tình gần tòa nhà đài phát thanh .

Tay dịch giả này vớ vẩn quá! AVO, hay AVH là viết tắt của cơ quan mật vụ chính trị Hung. Còn AVN thì chả là cái gì cả :(

S.Kopatri , cảnh sát trưởng Budapest , người mà sau đó đã nhanh chóng đứng về phía những người biểu tình đã mỉa mai "Rõ ràng đồng chí từ Moskva vừa đến chưa có thời gian để tìm hiểu tình hình đất nước ta .Chúng ta cần phải báo cho đồng chí ấy biết rằng , trong số những người biểu tình ,ko có fascists , cũng chẳng có đế quốc , đó là những người con trai , con gái tốt nhât của giai cấp công nhân , là tinh hoa của tri thức đất nước đang đòi hỏi quyền của mình và muốn tỏ rõ nguyện vọng ủng hộ những người Ba Lan " .Một phần tư thế kỷ qua , nhưng Kopatri vẫn còn nhớ rất rõ cái nhìn chòng chọc sắc lạnh của Xerov lúc đó .

Kopátsy Sándor, ông này về sau có viết sách và bài vở về cách mạng Hung.

Trong lúc đó tình hình ở Budapest mỗi lúc một căng thẳng .Ngày 23-10 ,sau khi AVN bắn chết hàng trăm người biểu tình đã bị đình chỉ hoạt động sau khi đám đông biểu tình hành quyết mấy nhân viên của nó . 30-10 , các vị lãnh đạo ở Kremim là Mikoian và Xerov đồng ý rút quân ra khỏi Hung và tiến hành các cuộc đàm phán để Hung rút ra khỏi hiệp ước Varsava .

Đó là chuyện lừa đảo! Song song với việc "giả vờ" rút quân khỏi Hung, Liên Xô đã chuẩn bị cho chiến dịch can thiệp quân sự mới rồi.

Ngoài ra, làm gì có chuyện Liên Xô đồng ý (dù chỉ là trên giấy tờ) việc Hung rút khỏi Hiệp ước Warszawa?

Tối ngày 3-11 , Bộ trưởng quốc phòng trong CP Nagy ,Pal Maleter ,được mời đến bộ chỉ huy quân LX để bàn về những chi tiết cuối cùng của việc rút quân .Nửa đêm , khi mọi người đang nâng ly chúc mừng thì Xerov lao vào phòng , vung khẩu Maode trên tay ,dẫn đầu một nhóm sỹ quan , bắt toàn bộ đoàn đại biểu Hung và ra lệnh giam mỗi người vào một phòng. Sáng hôm sau , một loạt vụ treo cổ đã giết hết cả Maleter cùng các đồng sự của ông . 4-11 , trước khi trời sáng , Hồng Quân bắt đầu mở cuộc tấn công .Để đề phòng việc quân Hung kháng cự , Andropov vẫn tiếp tục lừa dối Nagy đến phút cuối .Và khi Tổng chỉ huy quân đội Hung gọi điện đến báo cho Nagy tin quân LX tấn công ,Ngay vẫn thản nhiên trả lời " Đại sư Andropov hiện đang ở chỗ tôi và nói rằng đây chắc là có một sự nhầm lẫn gì thôi chứ cp LX ko hề ra lệnh tấn công Hung .Đại sứ và tôi đang cố gắng liên lạc với Moskva " .Sáng hôm sau , Nagy đã phải nói lời cuối cùng của mình trên đài phát thanh " "Đây , Imre Nagy , chủ tịch hội đồng bộ trưởng nước cộng hòa nhân dân Hungary . Rạng sáng nay ,các đạo quân Soviet đã tấn công thủ đô của chúng ta với mục đích rõ ràng là lật đổ chính phủ dân chủ của nước Hung . Quân đội chúng ta đã kháng cự lại , chính phủ vẫn làm việc bình thường .Tôi thông báo điều này để toàn dân Hung và công luận thế giới được biết " .

Anh có mp3 đoạn phát biểu này của Nagy Imre. Sau khi nói bằng tiếng Hung, đài còn phát bằng mấy thứ tiếng khác. Rồi quốc ca Hung được cử lên, rất bi thảm. Có thể nghe rõ tiếng súng của quân đội Liên Xô trong đoạn băng lịch sử đó.

Lúc ấy, chiến xa Liên Xô đã bao vây tứ bề rồi...

L.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Anh Linh có thể cho biết ý kiến của anh là dựa trên các nguồn nào không ạ? Không thì sẽ giống như một số thành viên khác trong này (và ở các chỗ khác nữa :) - hơi tí thì nói là bịa đặt, vu khống, phản động, tuyên truyền ... Các thành viên khác đó thì họ nói về những vấn đề thiết thực với người Việt cho nên họ hình dung là ai cũng hiểu biết về các sự kiện đó rồi, nên họ nghĩ chỉ việc nói "bịa đặt quá" là ai cũng đồng tình với họ ngay. Thế mà thật ra có phải ai cũng đồng tình đâu. Đằng này sự kiện mà anh nói tới nó lại ở rất xa xứ Việt Nam này, cho nên trừ ra vài người ở Đông Âu thì e rằng không mấy ai biết đến các tài liệu về sự kiện đó cả.
 
@ Trung:

* Tư liệu về bất cứ vấn đề gì, nếu em muốn có thể tìm trên Net, cho dù vàng thau lẫn lộn nhưng chọn lọc và tổng hợp lại thì cũng khá xác tín và đầy đủ.

Còn nếu kiếm được sách (in) để đọc thì là hay nhất rồi!

Anh, vì ở Hung và cuộc cách mạng 1956 là của người Hung, nên trong vấn đề này đa phần anh đọc các tư liệu của Hung (hoặc của nước ngoài, nhưng thông qua bản dịch có hiệu đính [những chỗ sai], chú giải và phân tích của Hung). Nhân 50 năm cuộc cách mạng, Hung mới in thêm ba bốn chục cuốn về 1956; ngoài ra, sử liệu về 1956 của Hung, năm nào cũng ra chừng bảy, tám đến mười đầu sách. Đọc hết những cái này là đủ chết rồi, và có lẽ cũng chả mấy ai đủ thời gian và điều kiện đọc hết!

Nếu Trung muốn biết CỤ THỂ về điều gì, em có thể nêu ra, anh sẽ bảo em là anh căn cứ vào nguồn sử liệu nào.

* Sự kiện Hungary thực ra ko đến nỗi xa xôi lắm đối với Việt Nam. 1956 của Hung đã để lại ấn tượng rất mạnh đối với dân mình hồi đó, cả ngoài Bắc lẫn trong Nam. Trong Nam vì có nhiều info hơn (cho dù ko hẳn đã "đa chiều" :) ) nên người ta nhắc đến nó rất nhiều. Còn ngoài Bắc, cho dù do hoàn cảnh khi ấy ko tiện nhắc một cách chính thức đến nó, thì những ai (nhất là giới trí thức) có thể tiếp cận với chút thông tin, đều có bàn tán đến nó.

Đó là chuyện 50 năm trước. Còn bây giờ, có mạng Internet, thông tin cũng ko đến nỗi quá bưng bít, ai muốn đều có thể tìm hiểu về sự kiện này (ai ko muốn thì thôi, dĩ nhiên - cũng đâu cần ai cũng phải để ý đến một sự kiện mà họ ko nhất thiết phải quan tâm? :) ). Tại sao em có thể nói rất thoải mái về những chuyện ở Mỹ, ở những xứ này nọ, mà ko cảm thấy "xa xôi", trong khi anh và một số bạn khác nói về một sự kiện ở Hung, lại bị coi là "xa xôi"?

Và cho dù là "xa xôi" đi nữa, dĩ nhiên anh cũng ko thể nói bừa ("cậy" vì anh ở Đông Âu :) ), vì sự kiểm chứng thời nay ko thật khó.

* Anh có xem lại xem có viết cái gì để em cho rằng "giống như một số thành viên khác trong này - và ở các chỗ khác nữa - hơi tí thì nói là bịa đặt, vu khống, phản động, tuyên truyền". Trung có thể nói lại là anh "hơi tí thì nói là bịa đặt, vu khống, phản động, tuyên truyền" ở chỗ nào ko? :)

Trung cố gắng đi thẳng và cụ thể vào từng vấn đề mình thảo luận, hoặc là trả lời trực tiếp những gì anh nêu ra, chứ đừng lẩn đi nói cái khác nhé :)

L.

Anh Linh có thể cho biết ý kiến của anh là dựa trên các nguồn nào không ạ? Không thì sẽ giống như một số thành viên khác trong này (và ở các chỗ khác nữa :) - hơi tí thì nói là bịa đặt, vu khống, phản động, tuyên truyền ... Các thành viên khác đó thì họ nói về những vấn đề thiết thực với người Việt cho nên họ hình dung là ai cũng hiểu biết về các sự kiện đó rồi, nên họ nghĩ chỉ việc nói "bịa đặt quá" là ai cũng đồng tình với họ ngay. Thế mà thật ra có phải ai cũng đồng tình đâu. Đằng này sự kiện mà anh nói tới nó lại ở rất xa xứ Việt Nam này, cho nên trừ ra vài người ở Đông Âu thì e rằng không mấy ai biết đến các tài liệu về sự kiện đó cả.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
@anh Trung :

đúng là sự kiện ở Hung ko hề xa lạ với Việt Nam đâu anh ạ .
Dù sao nó cũng là một cơn "địa chấn" mạnh đối với các nước thuộc "phe ta" . Hồi đó ,ở miền Nam thế nào thì ko rõ , còn ở miền Bắc thì nó nhận được sự chú ý của cả giới lãnh đạo Đảng cũng như tầng lớp trí thức ,văn nghệ sỹ... ít nhiều có quan điểm tiến bộ .

Đặc biệt , theo các nhân chứng sống , như nhà thơ Lê Đạt (hiện còn sống trong nước ) và ông Nguyễn Minh Cần (nguyên phó chủ tịch ủy ban hành chính HN--kiêm ủy viên thường vụ của thành ủy Hà Nội trong thời kỳ 1956) (hiện đang sống tại Moskva) kể lại , thì các sự kiện ở Hung diễn ra ngay trước cuộc cách mạng (câu lạc bộ Petofi ) và sau cuộc cách mạng này , đã là MỘT TRONG NHỮNG hoàn cảnh ra đời , phát triển (ngắn ngủi) , và bị đàn áp của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm rất nổi tiếng trong năm 1956 ở ngay giữa Hà Nội mà ai cũng biết .

Đó là đối với trí thức thời trước , còn trí thức ngày nay , nhất là thế hệ trẻ , sự kiện ở Hung vẫn đáng được nêu ra như một bài học lịch sử về sự đấu tranh của các thế hệ đi trước cho khát vọng TỰ DO DÂN CHỦ nói chung, và tình đoàn kết dân tộc nói riêng ,vì lợi ích dân tộc mà có thể gắn kết những thành phần có quan điểm chính trị khác nhau (dĩ nhiên , thời thế đã có nhiều đổi khác)
Chính vì lí do đó , em đã lập ra topic này , và anh em mình lại có cơ hội để thảo luận ,học hỏi ^^

Còn về việc anh Linh hay dùng chữ " vu khống , bịa đặt ,xuyên tạc " khi góp ý về bản dịch Tiếng Việt mà em type ở trên , thì theo em là có cái lý của anh ấy .Tài liệu đó là do một cựu nhân viên của KGB viết ,lại qua bản dịch tiếng Việt của nhà xuất bản Công An nhân dân , nên có thể có những chi tiết ko đúng sự thật , hoặc là nhìn từ góc độ của người Liên Sô nên nó phiến diện ,hoặc là người dịch ra tiếng Việt đã dịch sai ý của tác giả ... Anh Linh là người ở Hung , nên được tiếp cận với sách báo của Hung , thậm chí là với cả các nhân chứng sống của giai đoạn 1956 , nên tất nhiên , phải nắm rõ hơn về mặt chi tiết .

PS : anh Trung up ảnh lên phần ava đi , em rất muốn biết mặt anh ^^


@anh Linh : em thấy hình như thứ tự sắp xếp họ và tên trong tên của người Hung có gì khác lạ . Sao lại là Nagy Imre (theo cách viết của anh) mà ko phải là Imre Nagy như nhiều sách báo của phương Tây vẫn hay viết ?
 
Chỉnh sửa lần cuối:
To Bách: Anh không nói rằng anh Linh nói người dịch "xuyên tạc", "bịa đặt"... là không có lý của nó. Cái anh muốn là xem cái lý của anh Linh nó ra làm sao. Vì thế anh muốn anh Linh nêu lên những nguồn tin của anh ấy là vì thế.

Anh Linh:

Không phải em yêu cầu nguồn tin của anh là để em lập tức vào đó đọc, tìm hiểu ngay. Thời này Internet thì thiếu gì thông tin? Cái mà người ta thiếu là thời gian để tìm hiểu đó anh. Vậy tại sao em lại muốn anh trích nguồn tin của mình? Đây là câu trả lời:

+ Thứ nhất người ta bảo "nói có sách, mách có chứng" - nếu anh nêu lên rằng theo người này người kia, nguồn này nguồn khác như thế như thế thì có thể em sẽ xem lướt qua để kiểm chứng nếu có thời gian.

+ Thứ hai là thực ra nguồn tin anh đưa ra chưa chắc em đã đi kiểm chứng ngay, mà nhiều khi sẽ tin luôn. Vấn đề là chúng ta chính là đang bàn luận trên Internet mà em không phải là người duy nhất đọc bài của anh viết. Do đó rất có thể một thành viên khác, cũng đang ở Hung chẳng hạn, cũng sẽ đọc những sách mà anh đọc, và do đó nếu anh có hiểu sai, hoặc dẫn sai thì họ sẽ sửa lại.

+ Thứ ba là việc anh trích dẫn một nguồn sách sẽ gây tin tưởng mạnh nơi người đọc. Người ta sẽ nói à, ra là anh ta có đọc sách hẳn hoi, có phân tích hẳn hoi, chứ đâu phải là chỉ nghe vài anh đồng nghiệp nói lại? Không những thế nguồn sách nào, tác giả nào nói lại càng gây tin tưởng hơn nữa. Chả hạn một nhân chứng chính ở phía LX mà lại tự thú về những chuyện này, hoặc là thông tin giải mật của KGB chả hạn thì chắc chắn là đáng tin hơn một nhà chính trị chuyên đi tuyên truyền chả hạn. Hoặc nếu rất nhiều nguồn cùng nói thì lại càng đáng tin.

Còn nữa, những vấn đề ở Mỹ mà thi thoảng em có đề cập thì có hai loại. Thứ nhất là những vấn đề xảy ra hàng ngày, do em cảm nhận, và em viết về nó như là một sự cảm nhận cá nhân của mình, cái này thì không thể nào trích dẫn. Nó khác với sự việc anh đang nói tới là một sự việc khách quan. Còn khi em nói tới một sự việc khách quan, như là vụ 911 chả hạn, thì em chắc chắn sẽ nêu nguồn tin, nếu không thì sẽ khiêm tốn mà rằng "tôi nghe nói như thế như thế", mời các bạn tham khảo. Chắc chắn em sẽ không xưng xưng mà rằng nguồn này nguồn kia là bịa đặt đâu.

P.S. Sự kiện này thì em cũng không hẳn là không muốn tìm hiểu. Nhưng tìm hiểu bằng cách google thì nói thẳng là gần đây em không có thời gian. Do đó tìm hiểu qua bằng cách đọc bài của mọi người mà thôi. Có điều muốn mọi người đưa thêm dẫn chứng. Còn nếu mọi người không có, thì thôi, cứ biết thế.
-------------

To Bách: Phong trào đó có tính chất vì dân chủ nhiều hơn hay nó là một cuộc nổi dậy chống lại sự can thiệp của ngoại bang nhiều hơn thì còn phải xét. Nếu muốn xem ảnh của anh thì có thể vào www.cs.colostate.edu/~trungdt
 
Back
Bên trên