[Tìm hiểu] Pencak Silat

Đỗ Việt
(doviet)

Thành viên danh dự
Người đi gieo mầm

Pencak Silat là quốc võ của người Indonesia, lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu từ SEA Games 15 (1989, Malaysia) với nhiều bộ huy chương Seni (biểu diễn) và Tanding (đối kháng). Những gì làng võ Pencak Silat Việt Nam đạt được hôm nay không thể không kể đến đóng góp lớn của cố võ sư – nhà báo Đỗ Hóa…

Vạn sự khởi đầu nan

Trở về từ SEA Games 15, với một cuộn băng video và vài quyển sách dạy Silat, ông Hoàng Vĩnh Giang gọi ngay Hoàng Vĩnh Hồ và Đỗ Hóa đến để giao cho sứ mệnh phát triển môn Silat ở Việt Nam.

Việt Nam hiện có nhiều "không đếm xuể" các nhà vô địch thế giới. Đặc biệt, tại giải thế giới 2002, Việt Nam đã có đến 12 tân vô địch.

Bắt đầu từ con số 0. Ông Hồ chịu trách nhiệm chiêu sinh. Đỗ Hóa với kiến thức sâu rộng về võ học lo nghiên cứu băng hình, chuyển ngữ các điều luật... Ngoài ra bằng mối quan hệ rộng của mình, Đỗ Hóa kêu gọi các võ đường ủng hộ môn này.

Thuở sơ khai, không có nơi tập luyện, Đỗ Hóa nhường hẳn căn nhà mới được cấp ở Nghĩa Đô để làm địa điểm cho các học trò ăn tập. Hơn chục học trò được gom vào cái nhà bé tí tẹo ấy, huỳnh huỵch đấm đá và văn ôn võ luyện. Bạn bè, đồng nghiệp có người chẳng biết Silat là gì mắng Hóa làm cái việc ăn cơm nhà vác ngà voi rồi mơ Vàng.

Lứa học trò ấy, được coi là lứa VĐV khóa 1 của Silat sau này. Họ đã trở thành những nhà vô địch thế giới đầu tiên bước ra từ cái thảm lem nhem của thầy Hóa như Xuân Thắng, Hồng Hải, Đặng Thị Thúy...

Từ Hà Nội, phong trào Silat lan rộng ra 16 tỉnh phía Nam nhờ công sức của Đỗ Hóa vận động bạn bè vốn là võ sư. Năm 1994, giải vô địch quốc gia Pencak Silat toàn quốc đầu tiên ra đời. Từ đó đến nay Silat Việt Nam đã tiến một bước dài và nhanh chóng qua mặt cả quê hương Silat là Indonesia.

Mời thầy Indo trị Indo

SEA Games 18 (1995). Việt Nam chỉ giành 3 HCB và 4 HCĐ. Không nản chí, với uy tín của mình. Đỗ Hóa đánh bài độc: Dùng thầy Indo trị Indo. Quyết mời cho bằng được cựu HLV trưởng đội tuyển Quốc gia Indonesia là Shuhartono sang hỗ trợ Việt Nam xây chiến lược Vàng.

Huy chương vàng tặng thầy

Trịnh Thị Mùi là tên tuổi lớn nhất với 4 HCV liên tiếp qua các kỳ SEA Games 19, 20, 21, 22, cùng 2 HCV thế giới và 1 HCV châu Á. Những bại tướng của Mùi đều là những võ sĩ Silat sừng sỏ thế giới. SEA Games 22 là chiếc HCV cuối cùng của cô gái Thanh Hóa.

Nguyễn Văn Hùng là nhà vô địch liên tiếp 3 kỳ SEA Games 20, 21, 22 ở hạng cân 80, 85 kg, HCV châu Á và thế giới. Thân người cao lớn, là tác giả của những chiến thắng tuyệt đối trước các đối thủ hàng đầu thế giới.

Silat Việt Nam còn có nhiều võ sĩ lừng danh khác như: Nguyễn Hữu Long, Đinh Công Sơn, Trịnh Thị Ngà, Lê Anh Tuấn... chưa kể đôi Seni Hải Yến - Hồng Nhung.

Tất cả các nhà vô địch ấy đều nhắc đến thầy Hóa như một người cha lớn, tận tụy chỉ bảo cho những đứa con mình.

SEA Games 19 ngay tại đất Indo, Silat lần đầu tiên mang về cho đoàn thể thao Việt Nam 3 huy chương vàng. Hai năm sau tại SEA Games 20, số Vàng của Việt Nam tăng lên 7 và đến SEA Games 22 trên sân nhà thì Pencak Silat Việt Nam đã thống trị Đông Nam Á với 11 vàng.

Không quên người gieo mầm

Ngày 28/12/2003, Đỗ Hóa, người gieo mầm cho Silat Việt Nam nằm xuống. Các học trò vây quanh ông tiếc nuối, thể thao Việt Nam mất một người bạn thân thiết. Ông Hoàng Vĩnh Giang, mắt đỏ hoe nói với giọng ngậm ngùi: "Silat Việt Nam đại thắng, thể thao Việt Nam mừng công lớn và chắc chắn tên anh vẫn còn mãi Hóa ơi!".


(Nhân dân)
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên