[Tìm hiểu] Chùa Thiếu Lâm và Thiếu Lâm Quyền

Nguyễn Quí
(SauXao)

New Member
LỊCH SỬ CHÙA THIẾU LÂM

Tại tỉnh Hà Nam, cách thành phố Đăng Phong 13 cây số về hướng Tây Bắc, tọa lạc một trong năm ngọn núi linh thiêng của Trung Hoa : đó là núi Tung Sơn. Núi nầy gồm hai đỉnh :

- tại hướng Đông, là đỉnh Thái Thất Sơn, đỉnh nầy cao nhất của Tung Sơn (1.440 mét),
- tại hướng Tây là đỉnh Thiếu Thất Sơn.

Trên sường của Thiếu Thất Sơn, tọa vị một khu rừng che chở chùa Thiếu Lâm, chùa nầy đã làm đề tài cho khá nhiều tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa. Lịch sử chùa bắt nguồn từ cuối thế kỷ thứ 5, dưới triều đại nhà Bắc Ngụy (386-534)...

Từ triều đại nhà Bắc Ngụy tới triều đại nhà Đường (618-907)

Vào năm 464, nhà sư Bạt Đà, từ Thiên Trúc tới Trung Hoa. Vào năm 495, Hoàng Đế Hiếu Văn (471-499), ra lịnh xây cất một ngôi chùa trên núi Tung Sơn, làm chổ cho Bạt Đà truyền đạo. Ngôi chùa lấy tên là Thiếu Lâm, tên của khu rừng trên Thiếu Thất Sơn.
Theo truyền thuyết, Bạt Đà và hai đệ tử : Tuệ Quang và Tăng Trù đều biết võ thuật nhưng thật sự ta không có chứng cớ về sự kiện nầy.
Dưới thời Hoàng Đế Tuyên Võ (499-515), một thầy tu khác người Ấn Độ sang Trung Hoa, người đó là Bồ Đề Đạt Ma (Puti Damo, phiên âm tiếng Hoa của tên Ấn Độ "Bodhidharma"). Vào năm 527, Đạt Ma vào chùa Thiếu Lâm truyền đạo, người ta thường kể chuyện ông tỉnh tọa hơn chín năm trước vách động, động nầy sau đó được gọi là Đạt Ma động.
Động nằm gần chùa, và trước đây không lâu, người ta còn chỉ gương mặt của ông in trên vách động như hình chụp trên tấm phim ! Vào đầu thế kỷ thứ 20, bọn lính làm lọan đã phá hủy vết tích nầy.
Kể từ Bồ Đề Đạt Ma, môn Thiền Tông bắt đầu phát triển, Thiền là phiên âm từ tiếng Ấn Độ của "Dhyâna", môn nầy được nhiều người biết hơn với cái tên Nhật là Zen.
Người kế vị Đạt Ma, Tuệ Khả (487-593) rời chùa Thiếu Lâm. Những người chưởng môn Thiền học sau đó không còn ở tại chùa Thiếu Lâm nửa.
Người ta thường cho là Thiếu Lâm Quyền do Đạt Ma sáng tác. Nhưng chúng ta phải nhớ là Đạt Ma sang Trung Hoa đã hơn 14 thế kỷ và sự chặt chẻ của một khảo sát có tính cách khoa học về lịch sử võ thuật Trung Hoa chỉ có từ đầu thế kỷ thứ 20 với lịch sử gia Đường Hào (1897-1959) !
Bởi thế, dầu rằng Thiếu Lâm Quyền có chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, chúng ta không thể kết luận là Thiếu Lâm Quyền hoàn toàn xuất phát từ võ thuật Ấn Độ truyền bởi Đạt Ma. Vả lại, có học giả về Trung Hoa và Phật Giáo nghi ghờ sự tồn tại của Đạt Ma...

Văn Đế (581-618), Hoàng Đế thứ nhất của triều đại nhà Tùy (581-618) cho chùa thêm 1.648 mẩu đất. Và từ đó, để chống lại quân cướp, vì chùa chứa nhiều của cải, một đoàn quân võ tăng được đào luyện, võ thuật tại chùa chắc hẳn bắt đầu từ đây. Và chùa đã phạm giới với tính hiếu hòa của Phật giáo.
Có thể từ thời đó mới phát huy môn côn thuật của chùa. Côn thuật được chuộng hơn những võ khí khác (như thương, kiếm, đao) bởi nhà tu vì ít gây thương hại cho địch thủ.

Theo một tấm bia tại chùa, vào đầu triều đại nhà Đường (618-907), Vương quốc nhà Trịnh tại tỉnh Hà Nam, chống lại chánh quyền triều đình, mười hai võ tăng của chùa Thiếu Lâm dưới sự chỉ huy của Đàm Tông giúp Hoàng Tử Lý Thế Dân bao vây thành Lạc Dương. Sau đó, Đàm Tông và mười hai võ tăng tập kích quân của tướng Vương Nhân Tắc tại Bạch Cốc, cách Tung Sơn vài chục cây số.
Vương Nhân Tắc là cháu của vua Vương Thế Sung. Lý Thế Dân tuân lệnh cha là Cao Tổ (618-626), Hoàng Đế nhà Đường đi chế ngự sự nổi dậy của Vương Thế Sung. Sự kiện nầy xẩy ra vào năm 621.
Vương Thế Sung bị bắt và bị giết sau đó.
Lý Thế Dân cho lịnh đóng cửa tất cả ngôi chùa trong vùng, vì trong đó có những ngôi chùa đã giúp đỡ Vương Thế Sung. Nhưng để đền ơn với chùa Thiếu Lâm, ông cho phép chùa tiếp tục hoạt động. Vào năm 625, Lý Thế Dân phong cho Đàm Tông chức Tướng, cung cấp cho chùa Thiếu Lâm thêm đất đai và lụa gấm, và cho chùa danh hiệu "Thiên hạ đệ nhất tự". Hai năm sau, Lý Thế Dân thành Hoàng Đế thứ nhì của triều đại nhà Đường, với danh hiệu là Thái Tông (627-649).
Sự kiện nầy được kể lại, vào năm 1982, bởi phim "Thiếu Lâm tự" sản xuất bởi Hương Cảng và Trung Quốc lần đầu tiên hợp tác, và được ghi lại bằng hình vẽ trên vách tường trong chùa. Đó là bằng chứng của sự tồn tại của Thiếu Lâm võ tăng.
Dưới triều đại nhà Đường, theo truyền thuyết chùa Thiếu Lâm có mời võ sư để trao đổi võ thuật. Những võ sư đó là :
- Trịnh Giảo Kim, danh thủ về Nguyệt Nha phủ,
- La Thành, chuyên về Mai Hoa thương,
- Cao Hoài Đức, với môn Hắc Hổ đồng trùy,
- và gia đình họ Dương, danh tiếng với Nhị Thập Nhất Danh thương.

Ta nên thân trọng đối với những sự kiện nầy vì La Thành, với tên là Tiểu La Thành là một danh thủ về thương dưới triều đại nhà Tùy (581-618) ! Còn gia đình họ Dương, chỉ kể từ bà Dương Diêu Chân và chồng là Lý Toàn (với biệt danh là Lý Thiết Thương) sống vào thế kỷ thứ 13, mới luyện tập thương pháp !
Như ta thấy, danh sách nêu trên không đáng tin cậy. Dỉ nhiên gia đình họ Dương nầy không quan hệ với gia đình của Dương Lộ Thiền, người sáng tác ra Dương gia Thái Cực Quyền.
Vào triều đại nhà Đường, chùa rất giàu sang và có hơn hai ngàn tu sỉ !

Từ triều đại nhà Tống (960-1279) tới triều đại nhà Minh (1368-1644)

Đại tướng Triệu Khuông Dẩn (927-976), sau làm Hoàng Đế Thái Tổ (960-976), người khai sáng triều đại nhà Tống (960-1279), là một danh thủ, theo truyền thuyết, có quan hệ với chùa Thiếu Lâm. Có người nói là ông đã học tại chùa, theo người khác ông đã dạy tại chùa. Môn võ của Tống Thái Tổ có tên là Trường Quyền và bao gồm 32 thế. Chúng tôi sẽ bàn về vấn đề nầy vài chương sau.
Vào đầu triều đại nhà Nguyên (1271-1368), Phước Du lập ra năm ngôi chùa Thiếu Lâm :

- tại Hòa Lâm, hiện nay ở tại Nội Mông Cổ,
- tại Trường An, hiện nay là Tây An tại tỉnh Thiểm Tây,
- tại Yến Kê, ở hướng Tây Nam thành Bắc Kinh, tại tỉnh Hà Bắc,
- tại Thái Nguyên, tại tỉnh Sơn Tây và
- tại Lạc Dương, tại tỉnh Hà Nam.

Nhưng rất tiếc, những ngôi chùa nêu trên không còn nữa !
Người võ sư của chùa Thiếu Lâm danh tiếng thời đó có lẻ là Khẩn Na La, giỏi về khá nhiều binh khí, nhiều truyền thuyết về ông được lưu truyền trong dân gian. Có người cho ông sống vào thế kỷ thứ 6 hay thứ 7, theo chúng tôi nghỉ, chuyện nầy đáng nghi nghờ.
Vào lúc hổn loạn Hồng Cân, vào thế kỷ thứ 14, Khẩn Na La chỉ cần múa cây côn đủ làm chạy dài đám dân làm loạn.
Từ năm 1324, một người Nhật Bản, Đại Trí (Dai Chi, theo tiếng Nhật, giọng đọc On), ở tại chùa hơn 13 năm. Kể từ 1347, một người Nhật khác, Thiếu Nguyên (Sho Gen theo giọng đọc On) ở tại chùa 20 năm, ông được tặng biệt danh là Quốc Hồn (Koku theo giọng đọc On) !
Dưới triều Hoàng Đế thứ nhất của nhà Minh, Hồng Võ (1368-1398), một người Nhật thứ ba, Đức Thủy (Toku Shi theo giọng đọc On), ở 22 năm tại chùa. Ba hành giả nầy sau đó trở về xứ truyền đạo và võ thuật.

Vào thế kỷ thứ 14, vì quyền thuật tại Thiếu Lâm tự còn non sơ, hòa thượng Giác Nguyên rời chùa tìm quyền sư học nghệ thuật. Tại Lan Châu và Lạc Dương, ông gặp Lý Tẩu, và Bạch Ngọc Phong với người con trai. Giác Nguyên mời ba người nầy về chùa Thiếu Lâm. Ba danh sư truyền quyền thuật cho hòa thượng tại chùa và sắp xếp lại 70 thế quyền, sau đó tăng lên 170 hay 173 thế. Những thế nầy là nền tảng của Thiếu Lâm Quyền.

Mười năm sau, Lý Tẩu rời chùa còn Bạch Ngọc Phong và đứa con trai xuất gia với pháp danh là Thu Nguyệt và Trình Tuệ. Sau đó, hai người sáng chế môn Ngũ quyền dựa theo Ngũ Cầm Hí của Hoa Đà. Năm loại thú của Ngũ quyền là hổ, báo, xà, hạc và long.

Nhiều tác giả khác đặt Giác Nguyên, Lý Tẩu, Bạch Ngọc Phong vào thế kỷ thứ 16 hay xưa hơn nữa vào thế kỷ thứ 7... Chúng tôi rất nghi ngờ thuyết nầy. Chúng tôi hy vọng khám phá tài liệu khác chính xác hơn để có thể kết luận.

Và dưới triều đại nhà Minh (1368-1644), Thiếu Lâm võ tăng tham gia vào công cuộc đánh đuổi quân cướp Nhật Bản (Nụy khấu) ven biển Đông Nam của Trung Hoa. Đoàn võ tăng được biết tiếng nhất là đoàn chỉ huy bởi hòa thượng Nguyệt Không vào năm 1553. Nhưng võ tăng không dẹp được hoàn toàn quân cướp đó. Sau phải nhờ tới Đại tướng Thích Kế Quang (1528-1588) mới dẹp dứt được mối hại nầy.
Paul Demiéville, trong bài : "Le Bouddhisme et la guerre", (Phật giáo và chiến tranh), xuất bản vào năm 1957 bởi Viện Cao học Trung Hoa (Institut des hautes études chinoises) tại Pháp, thuật lại sự dũng cảm của Thiếu Lâm võ tăng trong lúc lâm trận.
Thích Kế Quang, trong quyển Kỷ hiệu tân thư viết vào năm 1560, lược trình võ thuật Trung Hoa thời đó. Trong quyển sách của ông, ông chỉ ghi lại côn pháp của Thiếu Lâm tự mà không nói tới quyền thuật của chùa.

Vào năm 1561, bạn của Thích Kế Quang, Đại tướng Du Đại Du (1503-1579), ghé thăm chùa Thiếu Lâm, và như ông thuật lại trong quyển Chánh khí đương tập, ông chỉ trích môn côn thuật của chùa !
Lúc ông rời chùa, hai hòa thượng theo ông, đó là Tông Kình và Phô Tòng. Họ học với Du Đại Du trong ba năm và sau đó đem môn võ nầy trở lại dạy tại chùa. Như ta thấy, quyền thuật Thiếu Lâm chịu ảnh hưởng của Du Đại Du và Thích Kế Quang. Hai tướng nầy là bạn thân nên đã trao đổi nhau võ thuật.

Trịnh Tông Du (1561-?), một đệ tử tục gia của Thiếu Lâm tự trong quyển Thiếu Lâm côn pháp siển tông xuất bản vào năm 1621, ghi lại :
"Có người hỏi :
- Côn pháp của phái Thiếu Lâm rất hay mà tại sao ngày nay các nhà sư Thiếu Lâm chỉ chăm về quyền mà không chăm về côn?
Tôi dáp :
- Côn pháp Thiếu Lâm còn có tên là Dạ Xoa, vốn thánh truyền của Khẩn Na La Vương đến nay là Vô Thượng Bồ Đề. Còn quyền thuật chưa nổi tiếng trong nước nên nay mới chăm về quyền để luyện môn nầy cho đến chổ tuyệt diệu như côn pháp."

Đoạn văn nầy chứng nhận là quyền thuật của Thiếu Lâm không ngừng biến đổi sau khi chịu ảnh hưởng của Du Đại Du và Thích Kế Quang.

Vào giữa thế kỷ thứ 17, một người Trung Hoa mà nhiều tác giả cho là đệ tử của Thiếu Lâm tự, Trần Nguyên Bân (Chin Gempin theo tiếng Nhật) (1587-1671) truyền dạy võ thuật tại Edo (hiện nay là Tokyo), từ ông xuất phát khá nhiều phái Nhu thuật (Ju-Jitsu) của Nhật Bản.
Vào cuối thời nhà Minh, Thiếu Lâm tự có tham gia trong những cuộc nổi dậy chống lại chánh quyền trung ương. Nhiều người chí sĩ vô chùa ở một thời gian, và có hòa thượng rời chùa ra ngoài hoạt động. Nhờ vậy chùa có dịp trao đổi kỹ thuật với bên ngoài.
Phần đông những môn võ tại Trung Hoa hiện nay tự xưng bắt nguồn từ chùa Thiếu Lâm. Có một câu tục ngữ quả quyết : Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm !

Triều đại nhà Thanh (1644-1911)

Nhiều tác giả viết về Thiếu Lâm Quyền đều đặt Vương Lang sống vào cuối thế kỷ thứ 10. Chúng tôi nghỉ là đặt Vương Lang vào phần thứ nhì của thế kỷ thứ 17 là hợp lý nhất. Vì theo truyền thống của Đường Lang Phái, Vương Lang sống vào cuối nhà Minh và đầu nhà Thanh, ông là đệ tử tục gia của chùa Thiếu Lâm và là tổ khai sáng môn Đường Lang Quyền.
Theo Đức Kiền, vào năm 963, hòa thượng Phước Cữ, hợp danh thủ của 18 phái khác nhau để trao đổi kỹ thuật. Nhưng tên đầu của hòa thượng nầy là chữ Phước, chúng tôi nghỉ phải đặt Phước Cữ vào thế kỷ thứ 13 đồng một thời với hòa thượng Phước Du.
Những phái đó là :

1. Trường Quyền của Thái Tổ (triều đại nhà Tống, thế kỷ thứ 10),
2. Thông Bối Quyền của Hàn Thông,
3. Triền Phong của Trịnh Ân,
4. Đoản Quyền của Ôn Nguyên,
5. Đoản Đả của Mã Tích,
6. Hầu Quyền của Tôn Hằng (triều đại nhà Thanh)
7. Suất Loát Ngạng Băng của Cao Hoài Đức,
8. Câu Lâu Thái Thủ của Lưu Hưng,
9. Cổn Lâu Quán Nhỉ của Đàm Phương,
10. Chiêm Nả Điệt Pháp của Yến Thanh,
11. Uyên Ương Cước của Lâm Xung,
12. Thất Thế Liên Quyền của Mãnh Tô,
13. Oa Lý Pháo Trùy của Thôi Liên,
14. Khổn Lỗ của Dương Cổn,
15. Đường Lang của Vương Lang (thế kỷ thứ 17),
16- Tam Thập Lục Trường Quyền của Triệu Khuông Dẩn.
Ta chú ý là vào thời đó Thiếu Lâm Quyền trọng môn vật và môn cầm nả.
Như ta thấy, Đức Kiền chỉ đưa ra 15 danh sư vì Triệu Khuông Dẩn và Tống Thái Tổ cùng là một người. Mười lăm danh sư của Thiếu Lâm Quyền giống y với 15 người trong danh sách 18 võ sư của Đường Lang Quyền. Dựa theo danh sách của phái Đường Lang, 3 phái còn lại là :
16. Diện Chưởng Phi Tật của Miên Thế,
17. Kháo Thân của Hoàng Thiếp,
18. Khái Thủ Thông Quyền của Kim Tương.

Môn phái Đường Lang đặt Vương Lang vào thế kỷ thứ 17. Và chúng tôi nghỉ hợp lý hơn đặt Vương Lang sau Giác Nguyên.
Hai môn phái trong 15 phái ghi lại bởi Đức Kiền, theo truyền thuyết, được khai sáng bởi hai anh hùng trên núi Lương Sơn, tại tỉnh Sơn Đông, vào đầu thế kỷ thứ 12 :

- Yến Thanh, một võ sỉ trong Lư viên ngoại, và
- Lâm Xung, giáo đầu của Cấm binh ở Kinh sư.

Một trăm lẻ tám anh hùng trên Lương Sơn là đề tài của bộ Thủy Hử Truyện viết bởi Thi Nại Am hay La Quáng Trung vào thế kỷ thứ 14.
Yến Thanh và Lâm Xung không thể sống vào thế kỷ thứ 10 như Đức Kiền đã đề nghị. Vì thế chúng tôi tự hỏi là danh sách 18 danh sư sống vào những thế kỷ khác nhau (Thái Tổ vào thế kỷ thứ 10, Yến Thanh và Lâm Xung vào thế kỷ thứ 12, Vương Lang và Tôn Hằng vào thế kỷ thứ 17) có phải tiêu biểu cho sự ảnh hưởng liên tục trong thời gian của Thiếu Lâm Quyền.
Hợp lý hơn, mười tám danh sư hợp lại tại Thiếu Lâm tự là truyền nhân của Cao Hoài Đức, Thái Tổ, Hàn Thông, Yến Thanh, Lâm Xung, vân vân. Chúng ta phải chờ tài liệu khác để có thể khảo sát vấn đề nầy.
Theo truyền thuyết, trong ba năm, 18 võ sư hợp tại Tung Sơn trao đổi kỷ thuật và sáng chế kỷ thuật khác. Cuộc hợp nầy được ghi lại trong một bộ sách, đó là Thiếu Lâm Quyền Phổ, gồm hơn 40 quyển chứa đựng 173 bài quyền và 133 bài binh khí, tổng cộng 3895 hình vẻ. Bộ nầy được sao chép và bổ túc vào năm 1927 bởi Vĩnh Tường (1913-1987). Bộ mới nầy gồm 411 bài võ chia ra làm 274 bài quyền và 137 bài binh khí.
Vào năm 1928, Vĩnh Tường về quê thăm cha già bệnh nặng. Đáp lại sự yêu cầu của phường trưởng, Vĩnh Tường mang bộ sách theo, vì lúc đó nước Trung Hoa nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng đang nằm trong cảnh hổn loạn. Và sau đó, vào mùa xuân năm 1928, thư viện của chùa Thiếu Lâm bị hỏa thiêu.
Vào năm 1980, Vĩnh Tường trở về chùa và qua đời sau đó vì bệnh lao phổi. Năm 1982, ông giao bộ sách lại cho Đức Kiền và hai người bổ túc thêm một lần nữa bộ sách đó. Dựa vào đó, hai người có xuất bản, vào năm 1983, quyển Thiếu Lâm Cầm Nả Pháp.

Đức Kiền, như Vĩnh Tường, nghỉ là bộ Thiếu Lâm Quyền Phổ có từ thế kỷ thứ 10, nhưng chúng tôi thận trọng hơn, nghỉ là bộ đó có từ gần đây hơn. Hy vọng bộ nầy được xuất bản để chúng ta có thể tham khảo.
Xin trở lại lịch sử chùa Thiếu Lâm...

Vào năm 1736, theo nhiều tác giả, quân lính của Hoàng Đế Ung Chánh (1723-1736), đã tấn công chùa. Nhưng cho tới nay, không có tài liệu nào, ngoài tiểu thuyết võ hiệp ra, dẩn chứng sự kiện nầy. Vả lại, ta nên xét lại thuyết cho là chùa Thiếu Lâm là trung tâm kháng chiến chống nhà Thanh.
Bằng chứng là Hoàng Đế Càn Long (1736-1796), vào năm 1750, có viếng chùa Thiếu Lâm, và ở lại ba ngày. Ông có để lại ba chữ "Thiếu Lâm tự" trước cửa chùa, ba chữ mà ta vẩn có được thấy hiện nay hơn hai thế kỷ sau...
Còn chuyện đạo sĩ Võ Đang Sơn giúp lính triều đình giết hại hòa thượng Tung Sơn thuộc giả tưởng tiểu thuyết. Chúng tôi trong một bài báo khác sẽ khảo sát hai truyền thống Võ Đang và Thiếu Lâm.

Chùa Thiếu Lâm vào thế kỷ thứ 20

Dưới thời Trung Hoa Dân Quốc (1912-1949), một đứa nhỏ 8 tuổi vô chùa, làm người ở, nhưng vẩn được học võ. Lúc 15 tuổi thì rời chùa, gia nhập quân đội và trở thành Đại tướng ! Đó là Đại tướng Hứa Thế Hữu (1905-1986), sau làm Phó Tổng Trưởng Quốc Phòng của Mao Trạch Đông.
Vào mùa xuân năm 1928, Thạch Hữu Tam hỏa thiêu chùa Thiếu Lâm. Chùa cháy trong hơn 40 ngày.
Chùa đã bị đốt hai kỳ trước nhưng không chịu thiệt hại nhiều. Kỳ nầy, thư viện bị tiêu hủy và tất cả sách đều bị đốt cháy ; nhà tu đều bỏ chạy. Nhưng hình như chùa vẩn còn âm thầm hoạt động vì Tố Pháp (sanh năm 1925) trong quyển Thiếu Lâm Bát Cực Quyền, ghi là ông học võ tại chùa vào năm 1936...

Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc được thành lập vào năm 1949. Vào năm 1965, Đức Thiền (1907-1985), lúc đó sống gần chùa, tụ hợp tất cả những thầy tu tán loạn về chùa. Đức Thiền đã gia nhập chùa vào năm 1916. Ông được nâng lên chức phường trưởng sau khi chùa hoạt động lại.
Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976) là thời cơ để cho quân lính phá hủy một lần nữa chùa Thiếu Lâm. Nhà tu bị đài. Sau Cách Mạng Văn Hóa, vào năm 1978, chùa hoạt động lại và được sữa chữa hoàn toàn.

Vào năm 1980, Đức Kiền (sanh năm 1942) gia nhập chùa. Ông trước đó là lính, sau khi vô chùa Đức Kiền học với Tố Hỷ (sanh năm 1925). Dưới sự chỉ định của chánh phủ, Đức Kiền đã soạn nhiều quyển sách về Thiếu Lâm Quyền, tài liệu quí giá cho sự tham khảo về môn võ thuật nầy.
Thập niên 1980 là khởi nguyên của "Tân Thiếu Lâm". Vào năm 1982, phim "Thiếu Lâm tự" được chiếu trên màn ảnh Trung Quốc.
Nhiều người trẻ sau đó tới Tung Sơn tầm thầy học võ.
Vì chùa không thể tiếp hết những người tới cầu học, những người nông dân chung quanh lợi dụng thời cơ để mỡ trường Thiếu Lâm Quyền ! Phải chờ tới năm 1986, chánh quyền mới dẹp hết hơn 46 trường, chỉ còn lại bốn trường.
Đức Thiền không biết võ thuật mà là một thầy thuốc, hợp tác với Đức Kiền để soạn quyển Thiếu Lâm Khí Công, xuất bản vào năm 1983 ; trong quyển sách nầy, hai người có ghi lại Thiếu Lâm Thất Thập Nhị Nghệ.

Vào năm 1987, một trung tâm thương mại và một khách sạn được khai trương. Lúc đó số những "hòa thượng" lên tới 50 người. Vào năm 1988, một trung tâm huấn luyện võ thuật rộng hơn 4472 mét vuông mỡ cửa gần chùa để thu hút "ngoại tệ". Trung tâm đó lấy tên là Thiếu Lâm Tự Võ Thuật Quán.
Vào thập niên 1960, bên Trung Quốc một môn võ thuật được sáng tác chú trọng về phần biểu diển. Những lực sĩ của môn võ tân thời nầy được cải trang thành hòa thượng để làm nhiều trò biểu diển nhằm lừa bịp công chúng.

Môn Thiếu Lâm Quyền hiện nay có hơn trăm bài quyền, trong đó những bài được biết nhất là :

- Tiểu Hồng quyền,
- Đại Hồng quyền,
- La Hán quyền,
- Mai Hoa quyền,
- Tâm ý bả, vân vân…

Tên của bài và thế có vẻ cổ truyền, nhưng hiện nay vì thiếu tài liệu, chúng tôi không thể định được những bài hiện nay là bài chân truyền hay không.
Theo vài học giả, môn Thiếu Lâm hiện nay là sự hổn hợp của những bài quyền của những võ sư tự xưng đã học tại chùa với những bài của môn võ thuật tân thời.
Vậy nên bài Túy quyền là một bài quyền mới chế của Thiếu Lâm Quyền, bắt nguồn từ môn võ thuật tân thời mới sáng tạo vào thập niên 1960, như chúng tôi đã nói trên.
Lúc cần biểu diễn thì những "hòa thượng" xử dụng những bài võ của môn võ thuật tân thời nầy.
Vài bài quyền khác không có từ chùa nhưng có gốc xưa hơn, thí dụ là :

- bài Băng Bộ quyền đối luyện, gốc từ Thất Tinh Đường Lang Quyền ;
- bài Công Tự Phục Hổ quyền, một bài quyền rút gọn lại của Hồng Gia ;
- bài Du Gia côn, là bài sao chép lại từ quyển Kỷ Hiệu Tân Thư của Thích Kế Quang ;
- bài Tổng Hợp Thái Cực quyền chỉ là bài rút gọn lại của Dương gia Thái Cực Quyền ;
vân vân…

Bài quyền xưa của Thiếu Lâm đơn giản và đánh theo một đường thẳng, lúc luyện quyền chỉ cần một chỗ con bò nằm là đủ (Quyền đả ngọa ngưu chi địa).
Tuy Thiếu Lâm Quyền lấy cương nghạnh làm chủ nhưng vẩn trọng "Cương trung hữu nhu", "Cương nhu tương tể"... Thiếu Lâm Quyền xử dụng thủ pháp và cước pháp, thoát ngoài phạm vi của câu tục ngữ : "Nam quyền Bắc thoái".


Chùa Thiếu Lâm ở miền Nam nước Trung Hoa

Tại tỉnh Phước Kiến, có một ngôi chùa khác, người ta thường lẩn lổn với chùa Thiếu Lâm tại Tung Sơn. Theo truyền thuyết, chùa nầy nằm trên núi Cửu Liên Sơn.
Có một ngọn núi Cửu Liên Sơn tại tỉnh Giang Tây, giáp ranh với tỉnh Quảng Đông, nhưng Đường Hào (1897-1959) khi tới đó tra cứu không tìm thấy vết tích của chùa Thiếu Lâm, và ông vẩn không tìm thấy một chùa Thiếu Lâm tại nơi nào khác ! Có thể Cửu Liên Sơn chỉ ngôi chùa nằm ngoài cửa Đông của thành Tuyền Châu.
Chùa tại Tuyền Châu được xây cất vào khoảng năm 874-879. Chùa bị hỏa thiêu hai lần : dưới triều đại nhà Tống (960-1279) và nhà Nguyên (1271-1368). Vào năm 1435, chùa được sửa chửa lại và thành một nơi quan trọng truyền bá Phật Giáo.

Tại chùa nầy có 36 La Hán đường, dành cho võ tăng luyện tập, và 18 hay 108 Mộc Nhân mà võ sinh phải vượt qua trước khi được cho phép rời khỏi chùa. La Hán đường và Mộc Nhân đã làm mê say biết bao nhiêu đọc giả qua những truyện võ hiệp Trung Hoa. Từ đó phát sinh ra huyền thoại Thiếu Lâm !
Chúng tôi xin tiếp tục huyền thoại nầy...

Hoàng Đế Càn Long (1736-1796) dưới triều đại nhà Thanh (Qing) (1644-1911), cho lệnh tấn công và phá hủy chùa tại Cửu Liên Sơn, vào năm 1768. Vì Cửu Liên Sơn là một trung tâm chống nhà Thanh.
Phần đông những sách ghi lại năm người sống sót sau tai nạn vào năm 1768, đó là Hồng, Lưu, Mộc, Thái và Lý, năm người tổ của năm môn phái chánh của tỉnh Quảng Đông :

- Hồng gia,
- Lưu gia,
- Mộc gia,
- Thái gia và
- Lý gia.

Ta còn nghe nói là năm người nầy lập ra Tam Hợp Hội, một hội âm thầm hoạt động chống lại nhà Thanh. Nhưng hình như đây là một sự lầm lẩn giữa hai truyền thống giống nhau. Truyền thuyết gán Tam Hợp Hội cho năm nhà sư trốn thoát cuộc hỏa thiêu chùa gần thành Phước Châu tại tỉnh Phước Kiến vào năm... 1674 ! Trước hai cuộc hỏa thiêu vào năm 1735 và 1768 !

Theo truyền thuyết khác, chính là mười người trốn thoát khỏi cuộc hỏa thiêu vào năm 1768, 10 người nầy là đệ tử của hòa thượng Chí Thiện, còn gọi là Thiếu Lâm Thập Hổ :

- Hồng Hi Quan (người tổ của Hồng gia),
- Phương Thế Ngọc (người ta gán cho ông môn Ngũ Hình Quyền),
- Lưu Dụ Đức,
- Hồ Huệ Kiền,
- Đồng Thiên Cân,
- Lý Cẩm Tuyền,
- Tạ Thế Phước,
- Lương Hiến Tùng,
- Phương Hiếu Ngọc và
- Phương Mỹ Ngọc.

Võ thuật của chùa tại Tuyền Châu vẩn còn được dạy tại tỉnh Phước Kiến. Một quyển sách, Phước Kiến Thiếu Lâm Quyền, xuất bản vào năm 1983, trình bày môn quyền thuật nầy.

Ngoài bảy ngôi chùa nêu trước đây, có thể có nhiều ngôi chùa khác, nhưng chắc chắn hiện nay không còn nữa. Nhưng chúng ta không có bằng cớ nào xác nhận sự tồn tại của những ngôi chùa đó.
Dỉ nhiên ngôi chùa chánh là ngôi chùa Thiêu Lâm trên núi Tung Sơn.


Nguyển Jacques và Dufresne Thomas
Báo Sổ Tay Võ Thuật

Tài liệu tham khảo :

- 1982 : Vô Cốc & Lưu Chí Học, Thiếu Lâm tự tư liệu tập, Trung Quốc.
- 1983 : Hồ Kim Hoán, Tôn Sùng Hùng và Nguyễn Bão Tương, Phước Kiến Thiếu Lâm Quyền, Trung Quốc,
- 1988 : Đức Kiền, Thiếu Lâm võ tăng chí, Trung Quốc,
- 1988 : Hsu Adam, "In search of Kung Fu's roots - Part II - The mystical Shaolin Temple", báo "Black belt", September, Mỹ,
- 1990 : Tác phẩm tập thể, "Shaolin Kungfu", Trung Quốc,
- 1990 : Đức Kiền, Thiếu Lâm võ thuật đại toàn, Trung Quốc.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Re: Chùa Thiếu Lâm và Thiếu Lâm Quyền

Có đọc bài của Việt rồi nhưng không chú ý lắm về phong cảnh chùa TL nên không bàn được gì hơn...
 
Back
Bên trên