[Tìm hiểu] Bình Định - Nơi định danh là Miền Đất Võ

Đỗ Việt
(doviet)

Thành viên danh dự
Không biết tự bao giờ, khi nói đến truyền thống thượng võ, người ta đều nghĩ ngay đó là vùng Bình Định. Căn nguyên để Bình Định trở thành Miền đất võ, có lẽ còn phải bàn thêm, nhưng việc hình thành nên những làng võ, làng tuồng, làng bài chòi... trong cơ cấu làng là hiện tượng hiếm có trên đất nước ta.

Nền học võ chân truyền Bình Định được hình thành theo đơn vị làng mà mỗi khi nhắc đến không ai là không biết tới các địa danh như: An Thái, An Vinh, Thuận Truyền... Chính những làng quê ấy đã góp phần tô thắm nên bức tranh hoành tráng của truyền thống thượng võ, được coi là nét sinh hoạt dân gian tồn tại bền chặt trên vùng đất Bình Định từ xưa đến nay. Về nguồn gốc của Võ Bình Định đã được giới nghiên cứu bàn đến, nhưng cái lý mà ông Vũ Ngọc Liễn, một nhà nghiên cứu văn hóa Bình Định, đưa ra dễ chấp nhận. Ông cho rằng Bình Định xưa là vùng đất phiên trấn biên giới Việt - Chăm, nơi lưu đày hoặc lánh nạn của các hào kiệt không thuận ý quân vương, nơi dung nạp những con người thất cơ lỡ vận. Đương nhiên song hành với hai đối tượng vừa nói không ít lũ lưu manh truyền kiếp cũng trà trộn đến đây "hành nghề" bất lương. Cho nên thuở ấy vùng này trộm cướp liên miên, chính quyền đương thời chẳng những không kiểm soát nổi mà còn thả nổi. Chuyện cha Hồ, chú Nhẫn sống ngoài vòng cương tỏa, tung hoành vùng núi Truông Mây (nay là Hoài Ân); chuyện Chàng Lía vừa là tướng cướp vừa là con người đậm màu hiệp sĩ có phạm vi hoạt động từ vùng núi Bình Khê đến Hoài Ân, nghĩa là từ vùng núi phía nam đến bắc Bình Định... là những minh chứng.

Do đặc điểm địa lý và xã hội vùng Bình Định thuở sơ kỳ, nên nhu cầu về võ nghệ thuở ấy cực kỳ bức thiết nhằm rèn luyện thể lực chống chọi thiên nhiên khắc nghiệt, chống thú dữ, chống trộm cướp bảo vệ tính mạng và thành quả lao động đồng thời chống áp bức, cường quyền, bênh vực kẻ yếu, giúp người nghèo... Biểu tượng cho những đức tính ấy là nhân vật Chàng Lía, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân thế kỷ XVIII trước khi có cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra. Sự tích Chàng Lía với sức sống của nó mang tính truyền kỳ nhưng gói ghém khá trọn vẹn những gì thuộc về yếu tố phát sinh và hình thành Miền đất võ Bình Định; đồng thời cũng là bức tranh toàn cảnh cái đêm hôm trước của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Theo ông Vũ Ngọc Liễn, trước khi là vua, là tướng, lực lượng cốt cán của nghĩa quân Tây Sơn đều là những võ sĩ, hiệp sĩ võ nghệ cao cường... Chính cái phẩm chất tráng sĩ trong từng con người ấy là nhân tố quyết định mọi thắng lợi phi thường của quân đội Tây Sơn...

Các năm 1998-1999, trên mảnh đất Bình Định đã phát hiện được ba văn bản bằng Hán Nôm về những bài võ Bình Định tại các từ đường Phan Thọ, xã Bình Nghi (Tây Sơn); từ đường họ Trương xã Mỹ Hòa (Phù Mỹ) và võ đường Thanh Lương, thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Những tư liệu này cho thấy Bình Định rất xứng đáng với cái tên gọi "miền đất võ", mảnh đất này đã hun đúc nên bao tài danh trên làng võ không phải trong giang hồ như một số người nhìn nhận, mà có sắc của vua ban và được khắc bia lưu danh ở cố đô Huế.

(TS Đinh Bá Hòa)
 
Re: [Tham khảo] Bình Định - Nơi định danh là Miền Đất Võ

Chùa Long Phước thuộc huyện Tuy Phước của đất võ Bình Định. Chùa nép mình dưới bóng tre xanh hiền hòa của làng quê Việt Nam muôn thủa. Trong chùa, sớm chiều vang lên tiếng mõ, tiếng tụng kinh của các nhà sư tan vào làn sương bảng lảng. Cùng với sự tĩnh lặng của không gian là sự miệt mài, lặng lẽ tập luyện võ thuật của các môn sinh.

Đáng quí hơn là từ ngôi chùa này, các nhà sư trụ trì đã hiến cho ngành thể dục thể thao tỉnh, đặc biệt là các võ sư những tài liệu quí giá về võ thuật trong những cuốn sách mà sư tổ của họ truyền lại.

Nhà sư Hạnh Hòa trụ trì chùa Long Phước cho biết về vị sư tổ của mình. Ngài có pháp danh là Hư Minh, còn tên thật, quê quán ở đâu không ai biết. Nhà sư Hư Minh sống dưới thời vua Lê Chiêu Tông. Do Nam Bắc phân tranh Trịnh - Nguyễn, ngài sớm bị mồ côi cha mẹ, phiêu bạt khắp nơi kiếm sống và tìm thầy học võ mong giúp ích cho đời.

Sau ngót 40 năm trời công phu học tập võ nghệ, sư tổ đã sưu tầm được nhiều bài võ cổ từ thời Hồng Bàng, Hùng Vương đến các chiêu pháp võ công siêu việt của các danh tướng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão hay như bài kiếm pháp của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cùng các danh sư làng võ, ẩn sĩ nhiều đời truyền lại. Sau đó, sư tổ hệ thống lại và phân ra các bậc từ thấp đến cao, phổ vào dạng toán số cho ngắn gọn, dễ nhớ. Lại có đủ các phép binh thư đồ trận sắp xếp theo từng trình độ. Bộ binh thư dày chưa quá 1.000 trang, có tới hơn 2.000 bài thảo của thập bát ban binh khí và phần phụ lục cho các binh khí đặc dị. Cuốn kỳ thư đó có tên "Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp".

Nhà sư Hạnh Hòa cùng đồng đạo Vạn Thanh đã tận tâm truyền dạy các bài võ cổ cho các môn sinh đến học và chép một số trang trong cuốn "Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp" tặng Sở Thể dục Thể thao Bình Định. Sau đó ít lâu, hai nhà sư chùa Long Phước lại tìm được một số trang cuốn kỳ thư khác có tên gọi "Tây Sơn danh tướng bí kíp mộ hồn thảo quyền". Cuốn này có 2 tập, tập thứ nhất là "Tây Sơn liệt quang chi binh pháp", tập thứ hai là "Phò Đại Nam triều chi tướng thao". Sách chép tiểu sử của một số danh tướng Nhà Tây Sơn, các bài võ nổi tiếng của họ và cắt nghĩa nguồn gốc, xuất xứ bài võ đó.

Đây là những cuốn sách võ vô cùng quí giá cần được ngành TDTT quan tâm khai thác, học tập, bảo tồn và phát huy.

(Nguyễn Văn Chương)
 
Re: [Tham khảo] Bình Định - Nơi định danh là Miền Đất Võ

Làng võ Bình Định xưa và nay​

"Roi Thuận Truyền, quyền An Thái" hoặc "Trai An Thái, gái An Vinh", là những câu ca nói về các làng võ xưa ở Bình Định. Ba làng võ An Vinh, An Thái và Thuận Truyền là ba làng võ nổi danh biểu trưng cho miền đất võ Bình Định: An Vinh giỏi quyền, Thuận Truyền giỏi roi thuộc môn phái võ ta, còn An Thái giỏi côn thuộc phái võ Tàu.

Làng An Vinh trước năm 1945 rất trù phú, dân cư đông đúc, nằm trải dài theo bờ bắc sông Côn. An Vinh thuở ấy thuộc xã Bình An, huyện Bình Khê nay thuộc xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn. Dân sở tại sống bằng nghề làm ruộng là chính, một số làm nghề buôn bán nhỏ, chài lưới, làm đậu miếng và dệt lụa…

Trước và sau năm 1945, An Vinh xuất hiện những võ sư có tên tuổi như Hương mục Ngạc, Cai Bảy (Cai Kềnh), Hương kiểm Cáo, Kiểm Mỹ, Hộ Hải, Hai Điển, Chín Đỗ... Đó là những viên chức làng xã dưới thời phong kiến. Những võ sư rất tinh thông võ nghệ, có sức mạnh hơn người, một mình có thể địch hàng chục, hàng trăm người như Cai Bảy, Hương kiểm Cáo hoặc sử dụng thành thạo đến mười tám món binh khí như Chín Đỗ. Những năm từ 1960 trở đi, một võ sư tên tuổi là Nguyễn Kim Bảng, là người kế thừa phái võ An Vinh đã nổi danh ở Gia Lai, Kon Tum và đã mở nhiều võ đường thu hút hàng trăm võ sinh thuộc nhiều dân tộc khác nhau.

Nơi đây vẫn truyền tụng cho nhau nghe câu chuyện về một cô gái liễu yếu đào tơ hạ hàng chục địch thủ mà không mấy nhọc sức. Người con gái đó không ai khác hơn là cô Tám Cảng, con gái cưng của ông Hương mục Ngạc. Cô Tám đã từng thử sức nhiều võ sĩ đương thời thuộc nhiều môn phái khác nhau nhưng chưa hề thất bại. Cô Tám đã đi vào huyền thoại trong làng võ của đất Tây Sơn, như là một võ sư tên tuổi vào ra các đấu trường như chỗ không người. Sau này, phái "yếu" chưa có ai nối nghiệp được cô Tám cả. Có lẽ từ đó xuất hiện câu ca: "Trai An Thái, gái An Vinh" chăng?

Phía bắc làng An Vinh là làng Thuận Truyền, thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), chỉ cách An Vinh chừng 5-6 km, nổi tiếng về roi. Roi Thuận Truyền đi liền với quyền An Vinh. Làng Thuận Truyền phần lớn là đất núi đồi, nhân dân lam lũ với nghề nông, nghề vườn bốn mùa khoai sắn. Đất đai thì cằn cỗi, dân cư thưa thớt. Sư tổ của làng roi ở đây phải kể đến Hồ Ngạnh. Đường roi của ông thiên biến vạn hóa, hiểm hóc khôn lường. Một khi địch thủ đã lâm vào thế trận roi vây bủa của ông, chỉ nghe tiếng vù vù cũng đủ khiếp nhược tinh thần.

Bên kia sông Côn là làng An Thái nằm trải dài đến vài cây số. An Thái xưa nay vẫn thuộc xã Nhơn Phúc của huyện An Nhơn, là một thị tứ nho nhỏ thơ mộng, quyến rũ và cổ kính. Phố xá thì nhỏ hẹp, cũ kỹ, nhà cửa phủ rêu phong phảng phất một Hội An thu nhỏ. An Thái bấy giờ như một trung tâm huấn luyện võ thuật truyền thống thuộc phái võ Tàu. Thầy giáo Hiến từng đến đây mở trường dạy học và đã được anh em Tây Sơn đến xin thọ giáo. Nhân dân An Thái vốn có truyền thống thượng võ và rất yêu thích võ thuật. Nhà giàu có thì thuê thầy võ đến truyền dạy cho con cháu, nhà nghèo cũng phải tìm cách gửi gắm cho võ sư nào đó vò vẽ năm ba đường côn, bài quyền. Thành thử, đã làm "trai An Thái" thì phải biết võ nghệ. Võ sư Tàu Sáu là người nổi tiếng nhất ở làng võ An Thái. Nhưng sau này, An Thái đã phân ra nhiều chi phái nhỏ hơn, có phái lại lai cả võ ta lẫn võ Tàu. Hiện nay, ở An Thái có đến bốn lò võ lớn là lò võ Bình Sơn, Hải Sơn, Quách Cang (tức phái Tàu Sáu), và Hồ Hoành. Trong đó võ Bình Sơn là đông hơn cả.

Nói đến võ Bình Định là phải kể đến các làng võ An Vinh, Thuận Truyền, An Thái, một thời đã là cái nôi của môn võ thuật Bình Định từng làm rạng danh đất Tây Sơn lịch sử. Theo lão võ sư Lâm Ngọc Phú, chưởng môn võ đường Bình Sơn, kể rằng: "Ngày xưa, vùng đất này thường hay tổ chức Hội đổ giàn, cướp heo quay. Đó là dịp để những người học võ, những lò võ, những làng võ thi thố tài năng với nhau, lễ vật cướp được không lớn nhưng đó là danh dự uy tín của người học võ…".

Ngày xưa, người học võ là học cả đời, có người theo học võ từ khi tóc còn để chỏm cho đến khi lấy vợ, sinh con mà vẫn còn học. Ví như lão võ sư Phan Thọ, hiện đang ở Bình Nghi, Tây Sơn, ông theo học võ từ thuở thiếu niên, khi lập gia đình, vợ ông đã bán 2 con bò để lấy tiền cho ông tiếp tục "tầm sư học võ".

Ngày nay, các lò võ ở An Vinh, An Thái, Bình Nghi vẫn còn mở lớp dạy võ cho thanh thiếu niên trong vùng và các vùng lân cận; có võ đường là "vệ tinh" cung cấp VĐV cho Sở TDTT. Thế nhưng theo võ sư Lâm Ngọc Phú, thì: "Bây giờ thanh thiếu niên học võ theo kiểu "cấp tốc", học cho có miếng để tự vệ, phòng thân chứ không khổ luyện như lớp cha anh ngày trước…".

(Lưu Nguyễn)
 
Võ Tây Sơn - Bình Định

Tây Sơn - Bình Định là một địa danh võ thuật. Nơi đây cũng là nơi phát tích của nhà Tây Sơn mà lịch sử đã ghi dấu ấn những chiến công hiển hách của Hoàng đế Quang Trung với một đội quân được luyện tập nhuần nhuyễn về võ thuật. Câu ca dao đầy khí phách của đất Bình Định vẫn còn lưu truyền, cho thấy võ Tây Sơn - Bình Định mang dáng dấp của võ cổ truyền dân tộc:
Ai vô Bình Định mà coi
Con gái Bình Định múa roi đi quyền.​

Võ thuật là bản năng sinh tồn của nhân loại. Lúc đầu lập quốc, tổ tiên ta đã phải chống chọi với biết bao sự vật đổi sao dời của thiên nhiên, cùng nguy hiểm do bầy ác thú gây ra. Có một rẻo đồng bằng ven biển chật hẹp, ba bề núi chắn, con người dân không lúc nào không dùng võ thuật chiến đấu với ác thú, với ngoại xâm để sinh tồn. Như vậy, gọi võ thuật là bản năng, là lợi khí sinh tồn của nhân loại không phải là không đúng! Ba anh em nhà Tây Sơn thời đó được gửi học võ tại võ đường của một bậc trượng phu - võ sư Trương Văn Hiến. Ông dạy cả văn lẫn võ. Người đến xin học văn thì bắt buộc phải học thêm võ. Người đến xin học võ thì bắt buộc phải học thêm văn. Văn võ phải nương nhau thì đạo làm người mới giữ được vững. Vị sư phụ họ Trương dẫn dắt trai tráng đến đất võ bằng đường văn! Trong dân gian, từng gia đình có sự truyền thụ rất công phu để cháu con lên rừng, ra rẫy không e ngại muông thú, có việc đi đường xa không sợ đạo tặc. Giỏi võ trước hết là để giữ mình, để làm người trượng phu, không làm kẻ giặc bạo tàn! Do đó, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín là những quy pháp trong võ thuật.

Võ Bình Định ra đời rất sớm, quy tụ những võ sư tài giỏi mọi miền về đây và hình thành các môn phái, sáng tạo những bài quyền, bài kiếm, bài roi độc đáo... Những làng võ một thời như Thuận Truyền, An Thái, An Nghi, Bình Nghi của đất Tuy Viễn, Bình Khê; những bậc thầy như võ sư Hồ Ngạnh, Hà Trọng Sơn... đã rèn luyện nên nhiều thế hệ học trò hiện vẫn kế tục và phát triển võ nghiệp. Ngày nay nếu về thăm Tây Sơn gặp cụ Phan Thọ tuổi ngoại 70 và có dịp xem cụ biểu diễn bài "Trường đao hiệp nghĩa" mới cảm nhận được phút giây như sóng dâng bão cuốn, gió mây vần vũ mà bài võ thể hiện!

* Đặc điểm của võ Tây Sơn

Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã tiếp thu tinh hoa độc đáo của các dòng võ khác nhau để xây dựng dòng võ Tây Sơn với những đặc điểm riêng.

Tính dân tộc: Trong các chiến công của Hoàng đế Quang Trung, người ta nhận thấy võ thuật và binh pháp giữ vai trò rất quan trọng. Các đòn thế võ Tây Sơn rất hiểm hóc. Ra đòn nhanh, biến hóa khôn lường, lấy thủ làm công, lấy công giữ thủ song toàn, hư thật bất phân, khéo léo trăm bề, tư thế nghìn nẻo, làm cho đối phương rất khó chống đỡ. Ông Nguyễn Lữ, em Nguyễn Huệ, đã làm cho võ thuật Việt Nam trở thành một trường phái độc đáo không kém võ Trung Quốc. Người Việt ta có thân hình bé nhỏ, sức khỏe hạn chế so với người Tàu. Võ Trung Quốc phải luyện từ 10 năm trở lên. Muốn cho các chiến sĩ Tây Sơn tinh thông võ nghệ trong một thời gian ngắn thì phải luyện theo cách khác. Nguyễn Lữ nghiên cứu các thế gà đá nhau áp dụng vào võ thuật, từ đó rút ra lối võ dùng yếu thắng mạnh, dùng mềm thắng cứng. Ông cũng nghiên cứu các thế đá ào ạt tấn công của con gà lớn với cái thế chống đỡ của con gà nhỏ thường chui luồn, xỏ vỉa, từ đó tạo ra các thế lặn hụp, tránh né, đến phản công. Cuối cùng ông đã sáng tạo ra bài quyền mang tên "Hùng Kê Quyền". Nữ tướng Bùi Thị Xuân khi quan sát đôi chim đậu trên cành cây đùa nhau cũng sáng tác bài "Song Phượng Kiếm".

Tính truyền thống: Trước đây người dân Bình Định đều biết võ để tự vệ. Họ truyền cho nhau trong thôn xóm, bản làng. Với người thân thì cha truyền cho con, chồng truyền cho vợ, anh truyền cho em... Nhờ đó, những bài võ từ thời xa xưa vẫn được lưu truyền. Võ Bình Định đã có nhiều môn phái khác nhau, nhưng tựu trung vẫn giữ truyền thống của miền đất võ. Cách đây hơn sáu năm, đoàn võ thuật Bình Định gồm Kim Dũng, Đinh Tuấn, Văn Cảnh... nhiều lần sang Pháp giảng dạy theo lời mời của Liên đoàn Võ thuật Paris, Marseille, Orion và nhiều địa phương khác, đã để lại niềm tự hào cho những người đồng hương sống trên đất khách quê người. Các nữ võ sĩ thuộc Câu lạc bộ Võ thuật Paris rất thích thú, thán phục bài thảo "Ngọc trản" đầy biến hóa, mềm mại như điệu múa khi sử dụng nhu công và hài hòa như một bức tranh khi cương nhu phối hợp. Bài thảo được trình diễn một cách hoàn hảo về nghệ thuật, về sức mạnh, thể hiện nét đẹp vốn có của võ Tây Sơn - Bình Định. Phương pháp truyền dạy vẫn giữ võ đạo xưa. Những điều nên làm, nên tránh đối với các môn sinh vẫn giữ nguyên và ba điều tâm niệm chính là: Kính tổ - Trọng thầy - Mến bạn.

Tính đa dạng và liên hoàn: Võ Tây Sơn - Bình Định rất đa dạng và phong phú. Bất cứ môn phái nào cũng theo bí quyết quyền thuật, một sức mạnh tổng hợp, dung hòa trên, dưới, trái, phải, trước, sau. Phép dùng liên quan với nhau của lực họp chia ra nội tam hợp - ba cái hiệp lại ở bên trong là tinh, khí, thần. Ngoại tam hợp - ba cái hiệp lại ở bên ngoài là thủ, nhãn, thân. Trong ngoài hợp với nhau đó là lục hợp. Có được như vậy mới đủ khả năng thắng địch thủ. Tính liên hoàn rõ nét trong việc sử dụng 18 ban binh khí, chia ra 9 loại võ khí dài và 9 loại võ khí ngắn. Dù bất cứ loại võ khí nào cũng đều không ra ngoài 6 điểm: chém xuống, chém ngang, hất lên, gạt xuống, lướt qua và đè. Từ khi nhà Tây Sơn sập đổ, Nguyễn Gia Long vẫn sợ "oai hùm" nên cấm ngặt toàn bộ 18 ban binh khí của quân đội Tây Sơn - những vũ khí lợi hại làm nên sự bách chiến bách thắng của Hoàng đế Quang Trung ở thế kỷ 18. Mãi đến khi Bảo tàng Quang Trung được thành lập năm 1979 mới thu gom được 9 môn. Hiện nay các võ sinh ở Bảo tàng Quang Trung thường biểu diễn khi khách trong và ngoài nước đến tham quan.

* Sự liên quan giữa võ Tây Sơn và võ Bình Định

Trước thời Tây Sơn, ở Bình Định đã có nhiều người giỏi võ. Những người này có thể là tướng sĩ theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập nghiệp, cũng có thể là những người Trung Quốc sang Việt Nam trú ngụ tại vùng Quy Nhơn, An Nhơn. Người Bình Định vốn ưa học võ, đã học thầy, học bạn, rồi dung hòa cải tiến dần. Theo cụ Hồ Ngạnh, ba anh em Tây Sơn cũng học võ như mọi người, nhưng nhờ óc phán đoán, thiên tư võ thuật, nghiên cứu tinh thâm, đã gạn lọc được những tinh hoa võ thuật, hệ thống lại và tạo thành phái võ riêng. Công trình này cũng có sự đóng góp của nhiều tướng lĩnh Tây Sơn. Sau đó, võ Tây Sơn được phổ biến hạn chế trong quân đội. Những người này nắm được một số chân truyền của môn phái rồi truyền dạy lại cho con cháu, học trò. Lại pha trộn thêm võ Bình Định, hoặc cải cách ít nhiều để tránh sự nhòm ngó của triều Nguyễn. Cũng theo cụ Hồ Ngạnh, võ Tây Sơn, võ Bình Định đều là võ dân tộc Việt Nam. Môn phái nào cũng hay. Tuy nhiên có vài đặc điểm khác nhau là võ Tây Sơn có cơ sở về võ lý được biến đổi qua các dòng họ, được chân truyền của môn phái; còn võ Bình Định được truyền dạy tương đối tùy tiện, thêm bớt, sửa đổi những điều mình đã học để dạy lại cho học trò. Lâu dần, võ Bình Định chuyên về cương công - công phu cứng rắn, xa dần nhu công - công phu mềm dẻo. Võ Bình Định thích hợp với người có thể chất khỏe mạnh, nên mới có câu "Võ dĩ dũng vi bán" - võ lấy sức mạnh làm một nửa, những người ốm yếu khó học được. Ngược lại, võ Tây Sơn chú trọng cả cương lẫn nhu. Càng luyện tập, võ sĩ thuộc phái Tây Sơn càng mềm dẻo, nhưng càng lợi hại. Võ Bình Định chuyên về ngoại công - công phu luyện tập bằng chân tay, võ khí, ít chú trọng về nội công, hít thở, vận khí như võ Tây Sơn.

(Sưu tầm)
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên