SV du học sẽ đi về đâu?

Trương Tuấn Anh
(truongtuananh)

New Member
Nguyễn Văn Hiến, Moscow

Hoàn cảnh của tôi là một ví dụ rõ rệt nhất cho nhưng gì đã nói ở trên. Cách đây hơn 20 năm, tôi đã "được" trở thành lưu học sinh. Khi nhận kết quả báo điểm đỗ đại học biết mình được đi Tây, không thể tả nổi sự sung sướng của tôi và gia đình. Các cụ ngày xưa nói "Thứ nhất là đỗ thám hoa, thứ hai vợ mới, thứ ba...", chắc cũng không hơn được cái sự sung sướng của tôi. Đó là thời kỳ tồi tệ nhất của đất nước dưới thời bao cấp, "đi Tây" đồng nghĩa với... lên thiên đường. Tất nhiên là tôi ôm hoài bão học tập thật tốt để sau này cống hiến "trả ơn" cho đất nước.

Sau 1 năm học tiếng Nga, trước khi lên đường tôi nhận được "gáo nước lạnh đầu tiên"; ngành học tôi đăng ký khi thi đại học (mà tôi là người đỗ đầu) mà Nga nhận đào tạo có 2 suất thì đã có 2 người khác chiếm mất (sau này tôi được biết đó là 2 con em cán bộ giảng dạy của trường đại học trong nước do bố mẹ chạy chọt nâng điểm trong năm thứ nhất để giành suất đi Tây - đây là "ngón" khá phổ biến của con em giáo viên đại học hồi đó). Vậy là tôi phải học một ngành mới có tên gọi kêu "sang sảng" nhưng tôi biết chắc có đến thế kỷ... 22 cũng chưa phát triển được ở Việt Nam. Sở dĩ vẫn cần một thằng "ất ơ" như tôi học chỉ để chứng tỏ với thế giới là lĩnh vực đó Việt Nam cũng quan tâm. Khiếu nại ư ? Vô ích ! Không đi ư ? À, thằng này ý thức chính trị kém, đời mày tàn rồi !

Thôi thì cứ học đi, ở Việt Nam đến người nông dân còn làm trái nghề (đi ăn xin chẳng hạn) nữa là trí thức. Học một lèo gần chục năm, tôi ôm tấm bằng phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ về nước. Những tưởng cục "chất xám" là tôi đã được ngoại quốc tôi luyện kỹ đến thế sẽ được giới khoa học nước nhà giang cánh tay đón chào. Quên đi ! Hơn 1 năm xin việc mà ở đâu người ta cũng trả lời "không phù hợp chuyên môn", "chờ xin thêm biên chế" v.v. Mà nghề của tôi chỉ thiên về nghiên cứu, đi đâu được ngoài mấy thành phố. Cuối cùng nhờ chạy chọt tôi cũng xin được một công việc hợp đồng tạm thời ở một viên nghiên cứu ở Hà Nội. Công việc ở cái viện này có chể gói gói bởi 3 việc chính: "Uống chè, lĩnh đồng lương chết đói và ... đấu đá". Các sếp thì chỉ tập trung vào các việc: đi họp và thăm quan ở nước ngoài, xin tiêu chuẩn phân nhà đất cho... bản thân ! và giữ ghế cho chắc. Thỉnh thoảng có vài dự án đặt, đám nhân viên chúng tôi làm miệt mài nhưng thù lao thì sếp xơi gần hết chỉ chừa cho chúng tôi những mẩu bánh vụn. Chức làm sếp béo bở như vậy nên đấu đá nhau khiếp. Suốt ngày phe nọ rình hất phe kia, rồi thư nặc danh tố cáo...

Người ta đã nói về cách đối nhân xử thế của đám công chức Việt Nam là: "Giàu thì ghét, đói rét thì khinh, thông minh thì không sử dụng". Đám thân viên chúng tôi hồi đó chỉ sống được nhờ ước mơ ngày nào đó mình sẽ leo lên thành... sếp. Thế là luồn lọt, nịnh bợ, quà cáp... tìm ông nào vững thế mà dựa. Tôi nghĩ nếu như mình may mắn đợi được đến ngày được lên sếp thì tôi cũng phải "xơi" của nhà nước thật nhiều cho bõ nhưng ngày "ăn mắm mút dòi" quỵ lụy này. Một vài đứa tre trẻ thấy tương lai như "cái tiền đồ của chị Dậu" cũng bỏ chạy ra xin làm cho công ty nước ngoài nhưng vốn dĩ được đào tạo về khoa học cơ bản, nay có tô vẽ thêm tí tiếng Anh (hồi đó mốt vi tính còn chưa thịnh hành), cũng chẳng lại được với mấy đứa "kinh tế", "quản trị kinh doanh" hay "thư ký chân dài" nên cuộc sống vẫn quay quanh cảnh "giật gấu vá vai".

Đang loay hoay trong cảnh "sống mòn" thì gặp lại mấy thằng bạn thời sinh viên ở Nga về phép. Mấy thằng đó hồi sinh viên đi buôn nhiều hơn đi học, trường cấp cho bằng xanh vì sở dĩ không có loại bằng... tím. Học xong bám trụ ở nước Nga, nay tuy chưa thành "soái" nhưng "tướng", "tá" thì thừa sức. Nay về phép vừa mua đất giữ tiền vừa lập đường dây đánh hàng biển sang Nga. Gặp chúng nó, tôi vừa mừng vừa tủi. Biết hoàn cảnh của tôi, một thằng đọc câu thơ: "Chung quy chỉ tại vua Hùng / Đẻ ra một lũ vừa khùng vừa điên / Thằng khôn thì đã vượt biên / Còn thằng ở lại vừa điên vừa khùng". Rồi chúng nó bảo: "Thôi, mày theo chúng tao ngược đường sang Nga. Bọn tao không để cho mày đói như cái viện khỉ gió kia đâu!". Sau vài đêm suy nghĩ, tôi lại quyết định ra đi với hai bàn tay trắng, chỉ có khác hành trang lần ra đi này không phải là "hoài bão" như như mười mấy năm trước mà là một sự thất vọng, sự tiếc nuối 20 năm đèn sách và nỗi đau của một người chạy trốn tổ quốc.

Nay tôi đã đổi đời về vật chất, tiền kiếm thừa tiêu, nhưng suốt ngày chỉ vật lộn với tiền - hàng. Để kiếm miếng ăn ở cái nước Nga đầy nguy hiểm và bất trắc này (nơi tư cách một người Việt đi ngoài đường còn thua cả... con chó), nhiều khi người ta tưởng chừng như phải sống trầm luân qua mấy kiếp người, và nhiều người phải trả những cái giá vô cùng đắt. Nhiều lúc tôi vẫn tự hỏi: Phải chăng đây là cuộc sống mà cái thằng lưu học sinh là tôi 20 năm trước hướng đến ư? Hỡi ôi! Yêu tổ quốc lắm nhưng vì tổ quốc nghèo nên tôi phải ra đi... Nay nhìn lứa sinh viên Việt Nam ngày nay, số đông học đại học thì lao đầu vào các ngành "thơm". Ngành "thơm" tức là khi đi làm "bổng lộc" nhiều (Thử hỏi ngay khi còn trẻ đã có suy nghĩ như vậy thì làm sao tham nhũng không hoành hành ở Việt Nam). Ngoài ra, cái cảnh sinh viên nông thôn nghèo thi vào được đại học đã khó, ăn đói mặc rách học hết đại học còn khó hơn, nhưng khi tốt nghiệp đại học ra trường xin việc thì... vô vọng.

Một ý kiến nhỏ nữa, ngành cần sinh viên giỏi và tư cách đạo đức nhất chính là ngành sư phạm, nhưng mấy chục năm qua, điểm lấy đỗ vào đại học sư phạm luôn thuộc hạng thấp nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc ngành sư phạm chỉ thu hút được các sinh viên có trình độ thấp. Nguyên nhân là do đồng lương chết đói của giáo viên. Thử hỏi, với chất lượng giáo dục hiện nay của Việt Nam và cung cách sử dụng trí thức như vậy thì sự nghiệp "Trồng người trăm năm" mà Cụ Hồ từng mơ ước sẽ "trồng" ra những con người Việt Nam như thế nào? Chính phủ Việt Nam suốt ngày mời gọi kiều bào đem tiền về nước, còn khối tài sản "chất xám" quý hơn tiền bạc (để đào tại một sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ bạn cứ thử tính xem tốn bao nhiêu tiền) thừa cả đống thì coi như đồ bỏ hoặc sử dụng không đúng chỗ. Biết bao giờ chúng ta mới "vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu" đây?

Nguyễn Văn An, Hà Nội

Theo tôi, sự chọn người vào các vị trí hiện nay, đặc biệt trong các cơ quan "quốc doanh" (ở bất cứ lĩnh vực nào) không phụ thuộc vào khả năng hay nguồn đào tạo. Anh được đào tạo ở đâu, giỏi đến mức nào có thể nói hoàn toàn không quan trọng. Vấn đề là anh là ai, có quan hệ nào với ai hoặc anh có tiền không. Nếu thiếu những yếu tố đó, cho dù anh giỏi mấy cũng bị loại khỏi cái gọi là "thi công chức" do cơ quan tuyển người bầy ra.

Cuộc thi này đã bị xã hội lên án vì đó chỉ là một trò hề để hợp pháp hoá những người bất tài nhưng có những điều kiện cần nói trên. (Tất nhiên không phải tất cả người giỏi đề bị như vậy, nhưng người giỏi thực sự được tuyển mà thiếu những điều kiện cần nói trên là rất rất hiếm.)Một thự! c tế hiện nay trong nhiều cớ quan ăn lương nhà nước mà lại có vai trò đưa ra "quyết sách" có rất nhiều người "tốt nghiệp đại học" ... tại chức.

Họ là ai? những người do kém cỏi không được học hành một cách nghiêm túc (thi trượt đại học, ...) nhưng hiện họ là con, cháu, của ai đó hoặc có tiền cần được "dán tem đại học" để hợp pháp hoá chỗ ngồi.

Một điều đáng buồn nữa cho đất nước là nhiều sinh viên giỏi đang làm cho các cơ quan, công ty nước ngoài. Không phải ai trong số họ cũng thích phục vụ cho "thế lực thù địch với CNXH", nhưng vì CNXH không chấp nhận họ đó thôi. Xin hỏi nếu những người trong cơ quan đưa ra "quyết sách" mà là những người như nói ở trên thì đất nước đến bao giờ mới "sánh vai với các cường quốc năm châu" được?

Hoang, Ha Noi

“Đồng Nai: 27 thày cô 'quay cóp' khi thi giáo viên dạy giỏi... bậc tiểu học cấp tỉnh năm học 2003-2004 của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai... (sử dụng tài liệu) trong buổi thi lý thuyết ngày 9/2” đây là tin của Vnexpress. Trước đây tôi cứ nghĩ chỉ có sinh viên chúng tôi quay “phim”, bây giờ phát hiện thêm cánh giáo viên dạy “giỏi” tham gia.

Bộ Nội vụ năm nào cũng tổ chức thi chuyên viên công chức trong bộ máy hành chính, năm vừa rồi tôi phải photocopy một bộ “phim” cho ông anh một quyển tài liệu dày cộp để mang vào phòng thi, gấp quá không làm “phim” kịp ông anh vớ cả quyển mang vào nhưng lóng ngóng để rơi xuống đất, mất bao công sức buổi tối lại phải tiếp tục chạy marathon đến nhà thầy giáo...

Chuyện quay cóp trong lúc thi không còn của ! riêng giới học sinh sinh viên nữa, bây giờ cứ tổ chức thi cử là có quay cóp miễn đủ điểm đỗ tất thảy đều có bằng cấp như nhau. Hệ thống tuyển chọn cán bộ của Nhà nước đánh giá năng lực qua bằng cấp, hai người có bằng cấp giống nhau thì năng lực như nhau, ai quen thân hơn thì người đó được nhận vào làm việc.

Trong nước đang rộ lên phong trào học nâng cao làm thạc sĩ, tiến sĩ, một sinh viên học có thể tốt nghiệp cùng lúc 2, 3 trưòng năm trong tay 4, 5 bằng đủ loại khi xin việc, lưu học sinh dù học giỏi nhưng nếu chỉ có 1, 2 bằng cũng khó được sử dụng khi về nước.

Gió Lào, TPHCM

Tại sao lại chỉ là Lưu học sinh??? Vấn đề chính là Việt nam cần sửa đổi triệt để phương pháp đánh giá năng lực con người. Đó mới là động lực chính để mọi người nỗ lực đem trí tuệ của mình ra để phục vụ Tổ quốc. Trong thời gian vừa qua, hệ thống giá trị của Việt nam bị đảo lộn ghê gớm. Đúng thành sai, tốt thành xấu, "hươu" thành ngựa, là vì cách thức tổ chức bộ máy nhà nước bị một số kẻ dốt nát lợi dụng.

Rồi "Ngưu tầm ngưu.." những kẻ dốt nát đó làm sao dám sử dụng những người tài giỏi? Và phản ứng dây chuyền như vậy cứ tiếp nối. Tôi chắc chắn rằng ngay tai trong nước Việt nam, vẫn còn rất nhiều người trình độ không hề thua kém các Lưu học sinh, họ lại có đủ kinh nghiệm thực tế trong nước, vậy mà còn phải ngồi chơi xơi nước. Vì vậy các Lưu học sinh hãy bằng lòng với mình đi! Các bạn còn hạnh phúc hơn nhiều những đồng nghiệp trong nước vì các bạn còn có mảnh bằng của nước ngoài để "lận lưng".
Nguyễn Tiến, tp.HCM

Bác Việt Hoàng nói đúng suy nghĩ và hiện trạng của đám trẻ như tụi tôi. Tôi tốt nghiệp đại học hạng giỏi. Mấy năm nay rất cay cú vì phải cạnh tranh nghề rót nước, quét nhà và đánh máy cho sếp với đám lăng xăng quăng giỏi nịnh bợ. Thật ra khi còn là sinh viên tôi có nhiều hoài bảo lớn mong làm trong các công ty nhà nước hầu có thể ích nước lợi nhà. Như những gì mà báo chí và tuyên truyền kêu gọi sức trai trẻ tụi tôi. Nhưng hỡi ôi, lão xếp của tôi là một đảng viên gộc, dây mơ rễ má nhiều quá, nên dù có tài giỏi, năng nổ, thậm chí lắm mưu nhiều kế, tôi vẫn chẳng lay động được sợi lông chân nào của lão ta cả. Lão này là em của một ông quan to ở Cục nọ.

Trời ơi hỡi trời, nhiều lúc muốn ra công ty nước ngoài làm mà cảm thấy tức. Vì một là nguyện vọng mình chưa thỏa, hai là tôi đã bị tổn thương vì bọn quan lại rất ngu xuẩn bảo tôi là con mọt sách, học giỏi nhưng không biết thời thế (nghĩa là hùa theo bọn họ . Tui đau đớn lắm, nhưng tôi thề sẽ âm thầm vận động ngầm, không thể ra đi để cái cơ quan này cho đám sâu mọt này tự tung tự tác được. Kính mong quý bác động viên và chỉ giáo thêm trong bước đường cùng khổ này.

Việt Hoàng, Moscow

Lưu học sinh hay trí thức Việt nam muốn tiến thân hay có một vị trí tốt trong xã hội chỉ có một con đường duy nhất đó là biến mình thành Rôbôt, nghĩa là như một cái máy. Lãnh đạo bảo làm gì thì làm cái đấy, còn lại phải 3 không (không nghe thấy gì hết, không biết gì hết và không bao giờ nói gì hết). Hàng năm có hàng chục ngàn sinh viên ra trường và đi làm, nghe nói nhiệm vụ chính của họ ở chỗ mới là quét nhà và pha nước cho xếp ...

Từ Thứ, tp.HCM

Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo CHXHCNVN thì hiện nay có khoảng 18000 lưu học sinh VN tại những nước Hà Lan, Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Canada, Anh, Đức... Bao nhiêu người sẽ trở về nước không phải là điều đáng nói mà bao nhiêu người có thể trở thành 1 "Lý Quang Diệu" của VN ? Người ta sẽ có 1001 lý do để nói, để minh họa những cái đã xảy ra... Tuy nhiên, thực tế chưa thuyết phục được ai khi mỗi ngày hằng triệu "quan lại" luôn luôn đặt quyền lợi cá nhân của mình lên trên quyền lợi của dân tộc. Chỉ khi nào người dân được thông tin khách quan / đầy đủ 1 cách chính thức thì khi đó người ta mới biết rõ giá trị của nguồn lực lưu học sinh VN.

Phan Nhất Dương

Khi đọc được những ý kiến của các anh chị ở trên, tôi mới thấy được rằng không những chỉ có một mình tôi cô đơn, mang nỗi buồn xa xứ vì niềm mơ ước trở về quê hương để phục vụ không thể nào thực hiện được. Những lời kêu gọi những người có khả năng chuyên môn trở về chỉ là những cái bánh vẽ to tướng của các tổ chức được mệnh danh “Hội Trí Thức Yêu Nước”. Tôi không bao giờ dám nghĩ rằng mình thuộc giới trí thức. Với văn bằng PhD về Mechanical Engineering tại Columbia University, tôi đã bị từ chối khi đến xin việc ở Ðại Học Bách Khoa, TP HCM. Tôi ngu thật ! Sự thật bao giờ cũng phũ phàng ! Từ nay, những nỗi niềm về quê hương xin đành chôn kín trong đáy lòng.

Trần Hồng Sương, Cần Thơ

Đánh giá và chọn người là việc quan trọng nhất. Phương cách chọn người của các nước dựa vào đánh giá của trường học nên kết quả ra trường tốt được tuyển dụng và khi vào làm việc người ta mong sẽ có sáng kiến thay đổi. Chuyện cho nghỉ việc cũng dễ dàng. Ở Việt nam khác người ta chọn người hội nhập được vào cơ sở đó và không cần sự thay đổi chỉ cần sự chấp hành kế hoạch có sẵn. Cho nên thường cho bổ túc trình độ để làm hơn là học chánh quy. Công chức lại không hề bị cho thôi việc mà làm suốt đời cho nên gây ách tắc. Bày thêm thi công chức để thủ trưởng cơ quan dành quyền tuyển dụng chọn người cùng quan điểm như một doanh nghiệp tư nhân chứ không phải cơ quan nhà nước (chưa nói đến tiêu cực chọn người theo quà biếu phe nhóm vì không ai kiểm tra quản lý việc chấm bài thi ngòai vài người trong lãnh đạo đơn vị đó).

Mức lương không giúp nhà nước thuê được chuyên gia giỏi, người dân còn nghèo cũng không trả nổi chi phí cho một cuộc sống cao an tòan và được bảo vệ bởi các chuyên gia. Nhà nước chỉ đáp ứng được cái nền, lo điều thiết yếu chứ không thể nói là tiến bộ hay sự tươm tất dễ chịu. Dần dà người giỏi và trung thực không ai nghĩ sẽ vào làm cho nhà nước vì lương thấp và phải làm việc theo phong cách lạc hậu. Nhưng có nhiều lãnh vực tư nhân làm song hành với nhà nước như các công ty nước ngòai làm hàng xuất khẩu cần lưu học sinh tốt nghiệp từ nước ngòai nên có nhu cầu tuyển dụng cao đối tượng này. Kể cả người dân nghèo còn mong xuất khẩu lao động thì không thể có chuyên gia giỏi tự nguyện làm việc lương thấp.

Bà Ngô Bá Thành là ngoại lệ có được cơ hội làm việc khi Việt Nam đang xây dựng luật và Bà có sự phù hợp khi đó là sự đóng góp cuối đời của người không còn bận bịu sự tiến thủ cá nhân không bận lo cuộc sống( không cần lương cao). Các lưu học sinh trẻ và giỏi cần xây dựng kinh tế gia đình nên tìm các vị trí quốc tế hay làm việc ở nước ngoài. Khi không còn nặng nợ áo cơm bận bịu gia đình thì về giúp Việt Nam (không lương). Tùy tình hình kinh tế Việt nam cũng có thuê chuyên gia ngọai như bóng đá cho nên lưu học sinh còn phải thể hiện mình ưu việt hơn so với chuyên gia ngọai mới có thể có vị trí mong muốn : chỗ làm tốt lương cao.

Khi có cơ quan nào cần thì làm chứ đừng nên vác đơn đi xin việc với cái bằng cấp to đùng nhưng không ai biết. Bạn sẽ đối mặt với điều kỳ thị người chưa rõ nguốn gốc. Nếu bạn là nguy cơ làm thủ trưởng mất chức sớm phải nghỉ hưu non thì đừng hòng vào được cơ quan đó vì Ông thủ trưởng này sẽ bảo vệ mình bằng cách đàm tiếu nói xấu bạn đấy. Chớ có ngây thơ nghĩ hể giỏi thì ai cũng phải dành ưu ái người ta thương dành cho bạn lòng ganh tỵ nhiều hơn. Có luật đời như thế đó.

Nếu bạn nào muốn thảo luận chủ đề này xin sang diễn đàn thảo luận nghiêm túc. Thanks! b-)
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên