Sức sống của một từ: Tà

Chu Anh Duy
(boytotbung)

Điều hành viên
Sức sống của một từ: Tà



Nhà văn nhà thơ thường được xem là những bậc thầy về ngôn ngữ. Họ suy nghĩ, sáng tạo nhiều khi chỉ một từ thôi phải tốn biết bao công sức. Một từ trong đời thường tưởng như khô cứng, không còn phát sáng nữa, dưới ngòi bút của họ trở nên sinh động, hiện lên tầng tầng lớp lớp âm thanh, mầu sắc và cả những ý tứ biểu cảm ẩn hiện xâu sa. Nhớ một câu thơ của Tản Đà: "Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương". Trong tiếng Việt hoặc Hán Việt pha trộn thì chỉ có tà dương, chứ làm gì có chữ tà tà dương? Cụ Tản Đà phải chăng đã dùng thừa một chữ "Tà".

Nguyễn Du trong truyện Kiều đã không ít lần dùng đến chữ Tà: "Trải bao thỏ lặn ác tà".

Bóng tà như dục cơn buồn

Bà huyện Thanh Quan viết: Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà. "Cung Oán Ngâm Khúc" có câu: "Hoá công sao khéo trêu ngươi - Bóng đèn tà nguyệt nhử mùi ký sinh". "Truyện Hoa Tiên" viết: "Trước hiên nương bóng tà song - Câu thơ biếng giở bút đồng để suông". Và chính Tản Đà cũng đã viết trong "Thề Non Nước": "Trời tây ngả bóng tà dương". Chữ Tà trong tiếng Hán có nghĩa là không ngay thẳng, xấu xa như tà dâm, tà thuyết, tà giáo... Tà còn có nghĩa là nghiêng là dốc, tà dương là mặt trời buổi chiều, chiếu ánh nắng nghiêng, tà tà là xiên xiên, nghiêng nghiêng. Nguyễn Du viết: "Tà tà ngả bóng về tây là diễn tả cảnh mặt trời chiều đang nghiêng dần về phía tây". Trong cuộc sống, hai chữ tà tà thuần Hán có lúc được chuyển sang với nghĩa tà tà thuần Việt, được dùng với ý chầm chậm không vội vàng gì. Ví dụ người ta có thể nói:

"Chiều nay chúng mình thả bộ tà tà ra đó chơi"

Tà tà đã, vội gì.

Một chữ tà thôi mà được dùng vào bao nhiêu ngữ cảnh phong phú sinh động. Nhưng Tản Đà đã không dừng lại ở những kiểu dùng cũ. Tà dương ở Tản Đà biến thành tà tà dương, có thừa không? Không những không thừa mà "bóng tà tà dương" còn nâng mức biểu cảm cách diễn đạt ánh nắng buổi chiều lên một sắc thái mới, vang động hơn, mầu sắc hơn. Chỉ thử bỏ đi một chữ tà hoặc thay nó bằng một chữ nào khác, câu thơ sẽ mất ngay sức sống, nó sẽ thành dở ngay tức khắc. Bóng tà tà dương là một cụm từ đầy nhạc điệu, rất truyền cảm, đọc lên như hình dung thấy cả không gian bao la của một buổi trời chiều có ít nhiều dư vị buồn thương. Cái cảnh vỏ vàng cây đỏ gắn liền với bóng tà tà dương thì nghe mới hợp cảnh và hợp tình. Cái hay của Tản Đà là ở đó.

Sáng tạo ra một từ mới, làm sống lại một từ cũ, pha trộn từ này vào từ kia để làm cho nó linh hoạt hơn... là cả một nghệ thuật lâu dài và đầy gian khổ. Người xưa viết: nhị cú tam niên đắc - ngâm thành song lệ lưu, tạm dịch là ba năm viết hai câu thơ - ngâm lên lệ chẩy ướt mờ hàng mi. Phải mất ba năm mới sáng tạo được hai câu thơ thì một chữ dùng trong hai câu thơ ấy phải tốn bao nhiêu thời gian?


-Sưu Tầm-
 
thế mà mình vẫn luôn nghĩ rằng " tà là trái nghĩa với thiện" cơ đấy!
đúng là nông cạn!
 
Back
Bên trên