Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam, xin kính gửi đến thầy cô lòng biết ơn chân thành về công lao dạy dỗ dành cho chúng em.
Xin trích dẫn một bài viết hay trên Vietnamnet nhân ngày này.
http://vietnamnet.vn/thuhanoi/2004/11/347123/
Qua sông ngoảnh lại thương đò
23:34' 18/11/2004 (GMT+7)
Thầy! Tiếng gọi ấy sao mà thiêng liêng, tiếng gọi ấy sao cứ ngân vang đến vô bờ… Sáng tinh khôi, tôi bước ngược dòng người, trong dòng vội vã ấy không biết có bao người nôn nao với mái trường xưa, ai bỗng nhớ ngày Nhà Giáo Việt Nam đang về trên từng ô cửa lớp…
“Khi thầy viết bài bụi phấn rơi rơi/ Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy…"
Bài hát như nhịp vỗ thời gian đập sóng vào ký ức…
Chỉ ngày mai nữa thôi sẽ đến Tết Thầy Cô. Bỗng dưng tôi thấy lòng mình vui lạ. Nửa khấp khởi như ngày trẻ thơ nhưng nay băn khoăn trước bộn bề công việc, sợ không kịp trở về với Thầy cũ trường xưa. Nửa nôn nao bồi hồi, bởi đêm qua mình như lắng nghe kỷ niệm đọng lại đâu đây mang hình giọt nhớ… nhớ ngày 20.11 trong suốt một quãng đời cắp sách đến trường mà tôi đã quá yêu thương.
Thầy! Tiếng gọi ấy sao mà thiêng liêng, tiếng gọi ấy sao cứ ngân vang đến vô bờ. Và tiếng gọi ấy như thắm đượm từ thuở mình tập đánh vần để nhìn mặt, gọi tên từng con chữ. Ngày ngồi giữa đám đông bạn bè, ê a bài học đầu tiên với người thầy đầu tiên trong đời chắc ai cũng nhớ. Ngẫm lại một thời chợt thấy mình nao nao trong dạ…
Sáng tinh khôi, tôi bước ngược dòng người. Nơi có những gương mặt tôi không biết tên và không kịp định tuổi, chắc chắn trong những người ấy có nhiều người đã từng làm đứa học trò và cũng nhiều người làm thầy đang vội vã đến trường cho kịp giờ đứng trên bục giảng. Trong dòng vội vã ấy, không biết có bao người nôn nao với mái trường xưa, ai bỗng nhớ ngày Nhà Giáo Việt Nam đang về trên từng ô cửa lớp…
Câu nói của đức Khổng Tử “Tiên học Lễ, hậu học Văn”, hay câu nói ngàn xưa “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nơi cổng trường như vẫn còn đọng lại với thời gian, đọng lại bên trang sách. Buồn thay, thế hệ học trò bây giờ cảm xúc về ngày Tết Thầy như chạm dần vào sự nhợt lạt. Em tôi và những bạn bè cùng trang lứa không hình dung được ngày 20.11 bắt đầu từ đâu, và việc đi chúc mừng Tết Thầy cũng chỉ thể hiện trách nhiệm đối với sự phân chia của lớp... Thời chúng tôi, quà cho thầy là những bông hoa hồng, những cành lan tím hay những cánh hoa dại lung linh… Thế nhưng nơi lớp học em tôi bây giờ đã khác, món quà được định lượng bằng những phong bì lạnh ngắt đến vô hồn.
Ngày xưa, thầy Chu Văn An khắc chữ Nhân vào lòng bàn tay người học trò, nét chữ ấy trong lòng bàn tay đứa con của thủy thần như đậm mãi. Ngày nay, những câu chuyện giữa Thầy – Trò trong môi trường học đường thật đến khó tin mà ai cũng biết. “Cô giáo như Mẹ hiền…” – Câu hát ấy ai cũng nghe, nghe mà chạnh lòng bởi những người “mẹ hiền” ấy ngược đãi với những đứa con của mình. Học trò chưa kịp đóng tiền học phí, cô giáo phạt đứng ngoài nắng. Học trò nghịch vẽ phấn trắng lên ghế, cô giáo bắt phải liếm bằng sạch hết những hạt bụi phấn kia. Học trò mắc phải sai lầm nào đấy, thầy bắt đứng trước cửa lớp, đợi bất kì ai đó ngang qua chắp tay lạy một cái… Gần đây, có trường hợp một cô giáo ở Q.6 TP.HCM bắt học trò thụt dầu đến ngất xỉu. Buồn biết bao khi những chuyện ấy diễn ra ở chốn học đường thiêng liêng, nơi người ta đến để cho và nhận tri thức làm người.
Không chỉ Học trò trở thành nạn nhân, ngược lại không ít thầy cô cũng là nạn nhân của học trò. Chuyện hành hung thầy cô trước cổng trường, hay những cuộc trả thù có cả máu và nước mắt với những hậu quả thương tâm, sự hối hận muộn mằn… Tất cả không còn xa lạ với cuộc sống xã hội ngày nay nữa. Nhưng một khi mọi người trong xã hội vẫn thấy như chính mình bị tổn thương trước những hình ảnh như vậy tức là tình thầy trò lắng sâu chưa bị hoen ố.
Có câu chuyện từ trang sách văn học Nga kể rằng, một người học trò thành đạt đã quên cô giáo năm xưa nhưng cô vẫn dõi theo những thành công của anh, vẫn mua cuốn sách của đứa học trò cũ viết ra và trở thành độc giả. Trong cuộc gặp gỡ tình cờ, người học trò thảng thốt nhận ra đứa con tinh thần của mình trong trái tim cô giáo, anh vẫn xin được ký vào cuốn sách ấy dòng chữ để tặng cô dẫu có muộn mằn. Câu chuyện như neo lại một niềm tin ấm áp và trong trẻo đến vô cùng.
Mấy ngàn năm rồi lớp lớp học trò vẫn đặt hai chữ Tôn sư bên cạnh hai chữ Trọng đạo như khắc tạc một niềm tri ân. Với tôi, nếu được vẽ hai bức tranh cho ngày Lễ Thầy Cô. Một sẽ là chân dung Khổng Tử và 3000 học trò, dù sao dẫu ai bại ai thành cũng lớn lên từ một chữ Nhân. Một sẽ là cô bé Antưnai ngây thơ đứng giữa trời cao lộng gió, bên hai cây thông ngàn đời rì rào gợi nhớ hình dáng người thầy đầu tiên.
Có ai đó đã ví người thầy như người chèo đò và những đứa học trò là khách qua sông. Một mai bến vắng, khách sang sông rồi con đò vẫn như xưa miệt mài giữa đôi bờ đưa bao thế hệ đi ngang dòng sông tri thức, để viết tên mình thành chữ NGƯỜI viết hoa, để khách sang sông rồi đã bao lần ngoảnh lại
"... Qua sông ngoảnh lại thương đò
Xa thầy nỗi nhớ của trò nao nao…"