Quê hương không để nhớ mà là để trở về

Lưu Công Thành
(congthanh)

Điều hành viên
Xin giới thiệu đến các bạn thư của một người cha là di dân viết cho con nhân ngày Father’s day. Ông không mong được đáp đền công ơn, chỉ mong các con đem những gì học hỏi ở xứ người về xây dựng quê hương như tấm lòng của người con xa xứ.



Diệu Minh và Minh Tâm,

Các con thân yêu

Theo phong tục Mỹ, ngày chủ nhật thứ 3 của tháng 6 hàng năm là ngày Father’s day, để cho con trẻ tỏ lòng hiếu thảo, thương kính và biết ơn đối với người cha của mình. Người Mỹ cũng như người Việt ở Mỹ thường có thói quen vào ngày này thì tặng cho cha mình một đoá hoa tươi, một món quà nho nhỏ. Nếu ở xa thì gọi điện thoại hỏi thăm và chúc sức khoẻ. Ai thích viết thì ghi vào nhật ký ghi lại đôi điều cảm nghĩ về người cha thân yêu. Ba thì không có cơ hội để làm những điều này vì lẽ ba của ba (ông nội các con) đã qua đời. Thôi thì nhân ngày Father’s day năm nay, thay vì viết cho ba của ba thì ba sẽ viết cho các con.

Ðến nay Diệu Minh đã 22 tuổi, Minh Tâm thì 19 tuổi. Chừng ấy tuổi mà các con vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của cái tên mà ba đã đặt cho các con. Ba đã dùng tên mẹ con là Diệu ghép thành Diệu Minh để trong giây phút nào đó, con có lỡ quên đi người mẹ của mình thì khi tên con được viết ra hay được bạn bè gọi, là lúc nhắc nhở cho con nhớ đến mẹ, để liệu mà cư xử cho phải đạo. Ðạo ở đây là đạo lý của người Việt Nam, mặc dầu các con đang sống ở Mỹ, sẽ vào quốc tịch Mỹ, trở thành công dân Mỹ.

Còn Minh Tâm cũng vậy. Ba đã dùng tên chị con ghép lại thành tên con để cho con không quên rằng trên đời này con có một người chị. Nói thế để cho các con hãnh diện về cái tên của mình. Nó mang sắc thái văn hoá, tâm tư nguyện vọng mà người cha muốn gửi gấm vào những đứa con. Còn giữ được tên tức là còn nhớ đến nguồn gốc, ông bà, cha mẹ.

Không hiểu các con có để ý không. Dầu trời rét cũng như trời nóng, những người đàn bà Ấn Ðộ đi ra đường thường mặc áo dài, trên vai có vắt một cái khăn cũng dài. Ðó là y phục truyền thống của họ. Những người này đã sống ở Mỹ từ nhiều đời nhưng lúc nào họ cũng giữ được phong tục, tập quán, những giá trị truyền thống của nước họ. Dầu sống ở Mỹ nhưng đất nước họ luôn luôn ở trong tim họ. Họ hội nhập chứ không hoà tan vào nước Mỹ. Thật đáng khâm phục.

Hồi còn ở Việt Nam, ba có cuộc sống an nhàn, thoải mái như thế nào. Vậy mà sang đây ba phải sử dụng cây kiếm, cái búa đến chai cả tay. Một ngày làm việc đứng 8 giờ, không được ngừng tay. Lúc làm ca 1 thì bốn năm giờ sáng đã thức dậy giống như người ta đi cày. Lúc làm ca 2 thì một hai giờ đêm mới về tới nhà. Mẹ con cũng vậy. Có bao giờ các con tự hỏi lý do gì đã khiến cho ba mẹ phải cực khổ như vậy? Thật ra, không phải chỉ có ba mẹ mà nhiều người khác nữa cũng vì các con của mình mà hy sinh, mất mát.

Lúc mới sinh các con, ba mẹ đều đi làm, phải gửi các con cho hàng xóm. Suốt ngày ba chỉ mong cho mau hết giờ làm để về nhà ẵm bồng các con. Có những lúc nhìn lộn giờ, ba về sớm cả tiếng đồng hồ. Ðến lúc các con đủ tuổi thì được gửi đi nhà trẻ. Diệu Minh thường hay khóc khi đến nhà trẻ. Những lúc đó ba nóng ruột, lại ẵm về. Coi như nghỉ làm ngày đó, ở nhà trông con. Ba tự đặt ra chế độ “con khóc, cha nghỉ”, song song với chế độ “con ốm, mẹ nghỉ” của Nhà nước. Minh Tâm thì nhỏ hơn nhưng đã tỏ ra lì lợm, không bao giờ khóc, còn biết đưa tay vẫy chào cho ba an tâm đi làm.

Khi các con đến tuổi đi học thì ba lại cực hơn. Mỗi ngày ba phải đưa rước các con đi học ở quận 3. Trước khi đến sở làm thì ba chở Diệu Minh đến trường Colette, xong chạy tới trường Lương Ðịnh Của cho Minh Tâm xuống. Trưa về thì ngược lại. Ngoài việc học, ba còn phải lo cho các con việc chơi. Ngày xưa, không có ai hướng dẫn nên ba cùng với đám trẻ con lối xóm chơi những trò tự phát rất nguy hiểm như đánh trống, trèo cây bắt ổ chim, leo cột đèn bắt dế, tắm sông hoặc đi phá làng phá xóm. Rút kinh nghiệm, ba muốn các con chơi những môn thể thao lành mạnh, thanh lịch. Hàng ngày, ba phải chở Diệu Minh đi học đánh bóng bàn còn Minh Tâm đi học cờ vua. Ba đã hồi hộp theo dõi từng đường bóng của Minh và từng nước cờ của Tâm. Các con đâu biết ba buồn như thế nào, mỗi khi Diệu Minh thua trận, tiu nghỉu, rời bàn bóng. Còn Minh Tâm cũng nhiều lần làm cho ba muốn đứng tim nhưng nhờ sự lì lợm lúc nhỏ đã biến thành bản lĩnh trên bàn cờ nên cuối cùng con cũng chuyển bại thành thắng, làm cho ba thở phào nhẹ nhõm, như được hồi sinh.

Gần hết cuộc đời mà ba vẫn không có được một tài sản nào có giá trị. Vậy thì mai này ba sẽ để lại gì cho các con? Ba để lại nhiều thứ lắm, đó là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ðó là lòng vị tha, niềm tin và hy vọng. Các con phải biết vận dụng để làm giàu cho bản thân và sống hạnh phúc, ý nghĩa với mọi người. Nước Mỹ đã trang bị cho các con một kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại, một tầm nhìn rộng rãi. Nhưng nước Mỹ vẫn chỉ là quê người. Quê nhà là Việt Nam. Vấn đề không phải là trở về với đầu óc tự cao, tự đại, hay hẹp hòi, ích kỷ. Cũng không phải trở về với tinh thần tự mãn.Theo ba, các con phải biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại, vận dụng những gì tinh tuý nhất, tốt đẹp nhất của xứ người, làm sao cho nước Việt Nam mình ngày càng phát triển, tốt đẹp, theo tinh thần "Ta về ta tắm ao ta, Ao nhà có đục, ta hoà cho trong".

Ba của các con

KEVIN LÊ TẤN DƯƠNG
 
Không được quên phong tục tập quán vn , đặt tên con nào cũng có ý nghĩa nhưng mà cuối thư vẫn không quên được tên Tây là Kevin ??? Lê Tấn Dương thì có sao đâu mà phải thêm Kevin vào cho nó tây nhỉ ? hehe
 
Back
Bên trên