Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?
Nên cẩn trọng từ việc nhỏ
Một công dân già - Trương Thanh Sơn (Khánh Hòa) Làm sao “lớn” nổi khi các con đường phải chịu cảnh “kẻ đắp, người đào !?” - Ảnh N.Hải
Tôi thường xuyên theo dõi diễn đàn "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?" trên Báo Thanh Niên. Là người Việt Nam, tôi vô cùng quan tâm đến hình ảnh của đất nước ta trong mắt bạn bè quốc tế. Chúng ta đã nói nhiều đến những thành tựu đạt được trong thời gian qua cũng như những yếu tố tiêu cực phần nào cản trở đến công cuộc cải thiện hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thế nhưng, tôi nhận thấy có một hiện tượng bất hợp lý ảnh hưởng phần nào đến hình ảnh Việt Nam, ít nhất là trên khía cạnh ngoại giao. Suốt một quãng đường dài khoảng 60 km từ Hà Nội đến Hải Dương, có rất nhiều những cột cờ của các công ty liên doanh giữa Việt Nam với nước ngoài mà trên đó quốc kỳ của Việt Nam lại "vô tình" được treo ngang hàng với cờ của một tổ chức hoặc thậm chí là cờ của một công ty nào đó.
Tôi nghĩ rằng, xét trên khía cạnh nghi thức ngoại giao thì dường như điều này thể hiện sự không ngang hàng, nếu không muốn nói là bất bình đẳng. Quốc kỳ là một biểu tượng thiêng liêng đại diện cho hình ảnh và ý chí của cả một đất nước, một dân tộc. Cờ công ty chỉ là một biểu tượng của một trong vô số những nhân tố rất nhỏ trong cái khối dân tộc, quốc gia to lớn ấy mà thôi. Hai đối tượng này không bình đẳng và càng không thể đồng nhất chúng để rồi treo những lá cờ theo cách mà nhiều công ty liên doanh trên đã làm.
Theo tôi được biết có những nguyên tắc bất di bất dịch trong các nghi thức ngoại giao quốc tế mà thoạt nghe thôi nhiều người sẽ nghĩ rằng nó quá tỉ mỉ nhưng kỳ thực nó lại vô cùng cần thiết, góp phần khẳng định vị thế và sự tự chủ của một quốc gia dù lớn hay nhỏ, dù nghèo hay giàu... Ví dụ như cách những nguyên thủ quốc gia bắt tay nhau, hay sử dụng phiên dịch ngay cả khi họ hoàn toàn có thể nói được tiếng Anh.
Tôi thiết nghĩ, trước khi đề cập đến những vấn đề mang tầm chiến lược, những quyết sách ở tầm vĩ mô về hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, ta nên chú ý một chút đến những chi tiết thường nhật nói trên. Bất kỳ người nào có hiểu biết về những nghi thức ngoại giao tối thiểu cũng có thể cảm thấy chạnh lòng về vị thế của một nước Việt Nam ngay trên lãnh thổ nước Việt Nam.
Sẽ thật là không hay nếu những người nước ngoài nhận thấy sự vô lý này. Họ sẽ nghĩ gì về sự thiếu hiểu biết, thiếu cẩn trọng trong các nghi thức ngoại giao? Đừng để hình ảnh Việt Nam bị ảnh hưởng cho dù nó xuất phát từ sự thiếu hiểu biết!
Nguyễn Thị Phương Thanh (Hà Nội)
Nhục hay không nhục?
So về diện tích và dân số, Việt Nam ta lớn gấp mấy mươi lần Singapore. Nhưng so về cách làm kinh tế và quản trị đất nước thì ta nhỏ hơn Singapore cũng đến mấy mươi lần. Đó là một sự thực và là một cái nhục. Tôi nói nhục, không có gì là phải xấu hổ. Vì biết nhục và không chịu nhục làm nô lệ, ta đã "lớn" hơn cả quân Nguyên Mông, quân Mãn Thanh và trong thế kỷ 20, "lớn" hơn cả Pháp và Mỹ. Trong cách làm "lớn" để bảo vệ Tổ quốc, trên thế giới không có nước nào "lớn" như ta.
Vậy tại sao khi đã tự làm chủ được mình, chúng ta lại nhỏ hơn cả một đảo quốc bé xíu?
Suốt 30 năm qua, có nhiều người từ chiến trường đã bước vào chính trường và giờ đây là thị trường. Họ đâu biết rằng nơi đây không có đạn bom nhưng còn khốc liệt còn hơn cả chiến trường. Cái bệnh tự tin không đúng chỗ một thời ta gọi là duy ý chí. Còn nhiều bệnh khác nữa góp phần làm cho đất nước ta càng ngày càng "nhỏ", càng tụt hậu. Đó là bệnh hình thức, bệnh báo cáo láo, bệnh thành tích, bệnh cục bộ địa phương, bệnh mua quan bán tước, từ đó đẻ ra bệnh quan liêu, tham nhũng mà PMU18 chỉ mới là một trong những cái u trong cơ thể đất nước.
Dân ta cũng yêu nước không kém gì dân Nhật nhưng những người quản lý đất nước Việt Nam chắc chắn phải học hỏi nhiều ở những nhà quản lý đất nước Nhật và Singapore.
Ngay từ bây giờ, muốn cho đất nước ta "lớn" lên, chúng ta hãy biết nhục và thề rửa nhục như trước đây ta đã thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Bài vở tham gia diễn đàn, xin gửi về
[email protected]
Kẻ đắp người đào, làm sao “lớn” nổi?
Nhiều bài viết trên diễn đàn này có nội dung phong phú. Đâu đó quanh ta có những chuyện rất đời thường, những chuyện tưởng như quá nhỏ nhưng rất đáng trân trọng, nghĩ suy... Tôi muốn đề cập một vấn đề nhỏ trong muôn ngàn sự việc đã và đang diễn ra hằng ngày, đây đó trên đất nước ta mà theo tôi cần sớm khắc phục. Rất nhiều người dân thắc mắc tại sao các ngành liên quan ở trung ương và cả địa phương như quy hoạch, điện lực, bưu chính - viễn thông, cấp thoát nước... không có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ ngay từ đầu mà cứ mạnh ai nấy làm, kẻ đắp, người đào; kẻ xây, người phá cứ lặp đi, lặp lại làm tổn hại biết bao nhiêu tiền của Nhà nước và nhân dân?
Dọc tuyến quốc lộ 1A từ Bắc xuống Nam dài hàng ngàn km, trong vòng từ 5 đến 7 năm trở lại đây, có không dưới ba lần ngành bưu chính - viễn thông đào bới, xây lắp, di chuyển đường cáp quang vì ngành giao thông - vận tải mở rộng mặt đường. Rồi đến lượt ngành giao thông - vận tải san ủi mặt bằng, làm đường, rải nhựa vừa hoàn tất chưa kịp nghiệm thu thì công nhân xây lắp điện của ngành điện lực hì hục đào đục con đường trông rất đau thương để trồng trụ điện cao áp. Rồi đến ngành cấp thoát nước đục ngang con đường để đặt ống dẫn nước vào khu dân cư. Cứ thế lặp đi, lặp lại không biết bao giờ chấm dứt. Sự lãng phí bạc tỉ từ mồ hôi, công sức của nhân dân như thế đã góp phần làm nghèo đất nước, trong khi nhân dân ta chắt chiu, tằn tiện từng đồng từ mồ hôi, nước mắt còn Chính phủ phải vay mượn nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế để tái tạo, dựng xây đất nước. Đúng vậy, nếu các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị làm kinh tế, các địa phương, các cấp, các ngành... trong phạm vi cả nước đề cao trách nhiệm, tâm huyết với Tổ quốc, với nhân dân, có hành động đẹp thì nước Việt Nam sẽ chẳng bao lâu là một nước lớn.
Minh Nhật (Quảng Nam)