Đinh Xuân Tú
(nonbadboy)
New Member
Nguyễn Dư
(Kính tặng quý ông, quý bà đã từng mê mệt vì phở)
(Kính tặng quý ông, quý bà đã từng mê mệt vì phở)
Hôm nay tôi xin được tập tễnh múa rìu qua mắt bá quan văn võ của viện hàn lâm ẩm thực, lạm bàn về phở.
Thật ra thì những điều cần nói về phở đã được các chuyên gia mổ xẻ, phân tích, ca tụng từ năm xửa năm xưa hết rồi. Chỉ cần lật mấy bài viết về phở của Thạch Lam (Hà Nội ba mươi sáu phố phường, 1943), Vũ Bằng (Miếng ngon Hà Nội, khoảng 1952), Nguyễn Tuân (Phở, 1957) ra đọc là ai cũng có thể cảm nhận được hết cái ngon, cái thú, cái quyến rũ của một món quà cổ truyền của ta.
Nếu vậy thì còn gì để phải nói nữa ?
Ấy đấy, nếu chỉ ngừng ở chỗ ngon, ở cái thú thì chuyện đã xong từ lâu rồi. Khốn nỗi sau những giây phút no ấm ngất ngây, tinh thần sảng khoái, các chuyên gia ẩm thực lại bắt đầu... thắc mắc. Thế là chả ai bảo ai, tất cả cùng vung tay gạt bát đũa sang một bên, rủ nhau ngồi bàn luận hăng say, có người quên cả xỉa răng.
Câu hỏi quan trọng đầu tiên được các vị đặt ra là phở từ đâu ra ?
Nguyên Thanh (Phở, Đoàn Kết số tháng 10, Paris, 1987) , Nguyên Thắng và Xưng Xa Hột Lựu (Mũ phở khăn rằn, Đoàn Kết số tháng 7-8, Paris, 1988) đã luận bàn tỉ mỉ, chí lý về nguồn gốc của phở. Theo một số học giả thì phở vốn gốc Tàu, được Việt hóa. Tên phở đến từ chữ phấn của ngưu nhục phấn. Tuy nhiên thuyết này vẫn còn bị nhiều người phản đối khá gay gắt. Phở là món ăn hoàn toàn Việt Nam ! Tại sao cứ phải mang mặc cảm, chối bỏ nguồn gốc như vậy?
Ta bị mặc cảm, nhưng tự ti hay tự tôn? Đang còn phân vân thì bỗng nghe tin Pháp đòi bản quyền tác giả của phở. Các ông ấy được tư vấn, cố vấn ra sao mà cứ nhất định rằng phở bắt nguồn từ... pot-au-feu.
Thoạt nghe thấy cũng có lý. Rõ ràng là tiếng phở của ta nghe rất giống tiếng feu của Pháp. Phở phải ăn nóng... như lửa mới ngon! Eo ơi ! Thế là một số bà con Việt Nam ta thắc mắc, hoài nghi, cuối cùng ngả theo thuyết cho rằng phở là của Pháp chứ chẳng phải ta hay Tàu gì cả.
Nể tình mà nói thì thực dân Pháp đến cai trị nước ta trong khoảng gần 100 năm đã để lại dấu vết của sâm banh, bít tết, ba tê, ba gai, xà lách, xà lim, cà rốt, cà nông v.v. và v.v., như vậy thì món pot-au-feu cũng có thể là cha đẻ của phở lắm chứ ?
Xét về lý thì pot-au-feu được Larousse định nghĩa là món ăn làm bằng thịt bò hầm với cà rốt, tỏi tây, củ cải v.v. hoặc là tên của miếng thịt dùng để nấu món pot-au-feu.
Hai định nghĩa của Larousse cho thấy rằng phở chỉ giống pot-au-feu nhiều lắm là tảng thịt bò hầm, còn lại mớ cà rốt, tỏi tây, củ cải và đồ gia vị thì xin gác qua một bên. Thịt bò hầm kiểu này cũng có mùi vị đặc biệt không giống thịt phở chín. Hơn nữa, người Pháp ăn pot-au-feu với bánh mì, khoai tây... chứ chưa thấy ai ăn với bánh phở bao giờ ! Xem vậy thì pot-au-feu khá xa lạ với phở.
Các hàng phở ở Hà Nội trước đây cũng đã thử nghiệm phở sốt vang (hai tiếng sốt vang hoàn toàn đến từ tiếng Pháp) để làm vừa lòng mấy ông tây bà đầm. Tôi chưa được ăn phở sốt vang, nghe nói khá đắt vì được xào xáo với rượu vang. Thuở bé xin mẹ được một đồng bạc, đánh chén một bát phở không, không thịt, là đủ sướng mê tơi rồi. Làm sao mà biết được phở sốt vang trong tiệm của người lớn. Sau này có tiền muốn ăn cũng không được vì món này chết yểu rất sớm. Đông và tây khó mà gặp được nhau trong bát phở.
Cái lý nó khuyên ta không nên lẫn lộn hai món ăn cổ truyền của hai quốc gia văn hiến. Nhưng nói như vậy chỉ là nói suông! Đành rằng ta vừa có tình vừa có lý, nhưng rốt cuộc ta mới phê bình pot-au-feu chứ ta vẫn chưa có bằng cớ gì về gốc gác của phở để bác pot-au-feu.
Xin lỗi các bạn, vì bực pot-au-feu nên tôi hơi dông dài. Bây giờ xin bàn có bằng cớ.
Hy vọng rằng 2 tấm tranh dân gian Oger (1909) tôi đem ra trình làng sau đây sẽ góp phần làm sáng tỏ được vấn đề nguồn gốc và tên gọi của phở.
Tấm tranh thứ nhất vẽ một hàng quà. Những ai đã từng sống ở Hà Nội năm xưa, trước 1954, chắc đều nhận ra dễ dàng đây là một hàng phở gánh. Tấm tranh vẽ một bên là thùng nước dùng lúc nào cũng sôi sùng sục, bên kia xếp tất cả những đồ cần thiết. Chúng ta nhận ra con dao thái thịt to bản, lọ nước mắm hình dáng đặc biệt, cái xóc bánh phở bằng tre đan treo bên thành, cái liễn đựng hành, mùi. Tầng dưới là chỗ rửa bát, bên cạnh có cái giỏ đựng đũa. Con dao to bản và cái xóc bánh đủ cho chúng ta biết rằng đây là một gánh phở, có thể nói rõ hơn là phở chín. Sực tắc không dùng hai dụng cụ này. Sực tắc nhúng, trần những lọn mì bằng cái vỉ hình tròn, đan bằng giây thép. Còn hủ tiếu ? Cho tới năm 1954, đường phố Hà Nội chưa biết hủ tiếu. Vả lại những xe hủ tiếu (xe đẩy chứ không phải gánh) của Sài Gòn cũng không thái thịt heo bằng con dao to bản của hàng phở chín.
Tấm tranh này xác nhận rằng vào những năm đầu thế kỷ 20, ở ngoài Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, phở gánh còn do người Tàu (và có thể cả người Việt Nam ?) bán.
Tấm tranh thứ nhì có tên là hàng nhục phấn, vẽ thùng nước dùng. Hai thùng nước dùng của hai tranh khá giống nhau. Tranh thứ nhì cho biết rằng chữ ngưu của món ngưu nhục phấn sang đầu thế kỷ 20 bắt đầu bị rơi rụng. Tên món ăn trở thành nhục phấn.
Nhưng dựa vào đâu để nói rằng chữ phở đến từ chữ phấn ?
Trong bài Đánh bạc của Tản Đà được viết vào khoảng 1915-1917 có đoạn :
(...) Trời chưa sáng, đêm còn dài, thời đồng tiền trong tay, nhiều cũng chưa hẳn có, hết cũng chưa chắc không. Tất đến lúc đứng dậy ra về, còn gì mới là được.
(...) Có nhẽ đánh bạc không mong được, mà chỉ thức đêm ăn nhục phơ ?
Tản Đà gọi nhục phấn là nhục phơ. Chữ phấn chuyển qua phơ trước khi thành phở. Phơ của nhục phơ (chứ không phải feu của pot-au-feu) mới là tiền thân của phở,.
Tóm lại, ngưu nhục phấn đã được nói gọn thành nhục phấn từ đầu thế kỷ 20 (tranh dân gian). Nhục phấn được chuyển thành nhục phơ (Tản Đà). Ít năm sau nhục phơ được dân chúng đổi thành phở (Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức, 1933). Năm 1943 Thạch Lam đưa phở vào văn học.
Kể từ năm 1943, trong văn học cũng như trong dân chúng, tên phở được tất cả mọi người dùng.
Mới bàn đến tên phở thôi mà đã ồn ào như thế, huống hồ bàn đến những vấn đề to lớn khác !
Tôi không đủ khả năng đề cập đến những vấn đề thuộc phạm trù triết lý, thẩm mỹ. Có cho húp cạn dăm ba thùng nước phở tôi cũng chịu không biết rõ mặt mũi một bát phở đúng điệu phải ra sao, một bát phở ngon phải như thế nào ?
Trước khi ngừng, xin kể vài mẩu kỷ niệm của những lần được tay nâng môi kề một bát phở.
Ai ơi bưng bát phở đầy... Khó quên được "phở" của bọn sinh viên chúng tôi vào những năm 65-70. Cái thời ở Pháp không kiếm đâu ra được bánh phở, nước mắm. Chúng tôi hầm thịt với muscat, đinh hương, viandox. Ăn với mì sợi, hành tây. Nghĩ lại mới thấy "phở" thời đó sao mà giống pot-au-feu thế. Thế mà đứa nào cũng khen ngon. Ôi, cái thời tuổi trẻ còn dễ tính.
Mấy năm đầu của thời kỳ Việt Nam đổi mới và mở cửa...
Hà Nội như một người mới ốm dậy đòi ăn giả bữa, xối xả lao mình vào... ăn trứng. Vừa bổ, vừa sang! Các cửa hàng rộn vang tiếng đòi đập thêm trứng. Bánh cuốn cũng trứng. Phở cũng trứng! Một trứng chưa đủ, vẫn còn thèm. Cho hai trứng nhé ông hàng ơi ! Nhiều con mắt liếc trộm khách hào hoa! Gọi một bát phở thường lúc này là chuyện hơi không bình thường.
Xế cửa nhà tôi ở trọ có một hàng phở bình dân. Không phải phở tiệm, cũng không phải phở gánh. Hàng phở kiểu này chưa có tên trong văn học. Tạm gọi là phở hè lè tè. Bàn ăn cũng như ghế ngồi của khách, của chủ chỉ cao cách mặt vỉa hè độ 20 phân. Ai thích nước phở trong và ngọt thì nên đến ăn ở đây. Trong vắt, không một váng mỡ ! Dường như xoong nước dùng chỉ có nước, muối và bột ngọt. Mỗi bát phở được cô hàng tặng thêm lưng thìa cà phê bột ngọt. Khách muốn đậm đà hơn ? Dạ có (muối trộn bột ngọt) đây ạ. Được cái phở cũng có ớt, chanh, hành hoa thái nhỏ.
Tại Huế, khu Gia Hội có một tiệm nho nhỏ nhưng chuyên làm cả một bảng các món đặc biệt. Hai ba kiểu mì xíu mại, hoành thánh, dầu chao quẩy. Ba bốn kiểu phở tái, chín, nạm, gầu. Có cả hủ tiếu Nam Vang, mì Quảng... Điểm độc đáo của tiệm là tất cả các món đặc biệt này chỉ cần một thùng nước dùng.
Một hôm tôi lang thang dưới Xóm Bóng (Nha Trang). Mải la cà chụp ảnh, quá ngọ mới đi ăn trưa. May quá còn tiệm phở mở cửa. Ông chủ vồn vã mời ăn phở đặc biệt (lại đặc biệt). Khoái quá, tôi gật đầu lia lịa. Làm xong bát phở, ông chủ đi nghỉ trưa. Cả tiệm chỉ còn tôi với bát phở đặc biệt ! Ăn hết mấy sợi bánh tôi vẫn chưa hết dè dặt với cái khối gì là lạ nổi trong bát. Một lát tôi ngoắc thằng bé từ nhà trong đi ra, hỏi nó xem tôi đang ăn phở gì ? Thằng bé chăm chú dòm bát phở. Con không biết, để con hỏi mẹ. Dạ mẹ không biết, chờ lát nữa hỏi ba. Dạ ba nói là phở giò. Phở giò của Vũ Bằng đây à ?
Ấy đấy, chữ nghĩa mà không rõ ràng thì thật là phiền.
Nhân dịp lên kinh đô ánh sáng, tôi được bạn rủ đi ăn phở. Mời ông ăn phở ngon nhất Paris, được sách hướng dẫn du lịch khen đàng hoàng. Cho 2 tô đặc biệt ! Không đặc biệt hóa ra thua thiên hạ à ? Ông bạn trịnh trọng múc tương tàu, tương ớt ra đĩa. Ủa, sao ông nói là ăn phở ? Phở đặc biệt chính hiệu con nai vàng đây. Vừa chín, vừa tái, lại thêm bò viên, cổ hũ, lá sách. Nhiều thứ vui lắm. Ăn phở mà lại vui nữa thì nhất rồi ! Giá mà thêm tí bê thui chấm tương gừng nữa thì vui hết xẩy !
Đến Mỹ mà không đi thăm khu Tiểu Sài Gòn thì...kể như chưa đến Mỹ. Nghe bên phải bên trái người ta nói như thế. Mới chân ướt chân ráo tới Cali tôi đã vội yêu cầu được tới thăm thủ đô thứ hai của Việt Nam.
Chúng tôi đi chợ, ăn phở. Hên quá, gặp lúc tiệm đang quảng cáo khuyến mại, mua một tặng một. Mua một bát phở người lớn, tặng một bát phở trẻ con. Theo thói quen, tôi bắt đầu bằng thưởng thức miếng thịt chín. Thôi nguy rồi ! Không có tăm ! Có chớ, để ở quầy trả tiền ngoài kia kìa. Mắc răng kiểu này thì chỉ còn nước ngồi ngắm mấy miếng thịt gân to bằng nửa quân bài tây, chờ mọi người ăn xong. Kỹ thuật thái thịt bây giờ tiến lắm. Đem đông lạnh, thái bằng máy, muốn to mấy cũng được.
Một lần khác, trong một tiệm phở khác, tôi bị bối rối. Tàu bay, tàu thủy, tàu hỏa, hàng không mẫu hạm... Cả một thời quá khứ, chọn gì đây ? Bát thường thôi ông ạ. Mấy cái tàu to như...cái chậu, sức tụi mình không kham hết đâu !
Việt kiều Cali rất hãnh diện là nơi đây thức ăn vừa rẻ, vừa đầy nồi !
Chúng ta có thể nói không ngoa là phở đã sống thăng trầm với người Việt Nam. Nơi thôn ổ hay chốn thị thành, tại quê nhà hay khắp năm châu, lúc khó khăn thiếu thốn cũng như buổi ấm no thanh bình, phở luôn ở bên cạnh mọi người.
Xa xưa, phở là phở bò, phở chín. Ngày nay, phở thay da đổi thịt, muôn màu muôn vẻ. Cách nấu, cách ăn thay đổi không ngừng. Đã đến lúc phải phân loại, đặt tên cho bát phở để tránh ngộ nhận.
Đại khái chúng ta có thể phân biệt :
Bát phở bò của Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân thì gọi là...phở.
Tàu bay, tàu bò, thịt to bánh nhiều cốt làm vui lòng giới ẩm thực vũ bão thì nên gọi là...phởn.
Ngầu pín, viagra, cổ hũ, lá sách, trứng, giò heo, thịt chó (có người định thử) thì phải gọi là...phịa!
Còn cái thứ chết tiệt của mấy ông sinh viên ? Xin tự phê gọi nó là...phản.
Tiếng Việt vốn giàu âm thanh, ngữ nghĩa, còn nhiều chữ khác có thể dùng cho phở được. Tuy nhiên chúng ta cũng nên thận trọng yêu cầu các nhà văn học định nghĩa rõ ràng các chữ dùng kẻo lại gây ra những bàn cãi dài dòng cho mai sau.
Trong quá khứ đã từng có một giáo sư thuyết trình tại hội Việt Mỹ (Sài Gòn) rằng
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
Chuông chùa Thiên Mụ ngân nga thánh thót, chicken soup của Thọ Xương thì tuyệt, không đâu ngon bằng !
Mới đây, trong một cuốn hướng dẫn du lịch Việt Nam rất đẹp, soạn công phu, có chậu hoa màu đỏ được chú là... fleur de théier.
Trà với chè tuy hai mà một,
Trà với trà tuy một mà hai.
Trà (camélia) và trà (théier), đằng nào chả là trà. Cứ động đến ăn uống là các ông chỉ hay lý sự lôi thôi !
Nguyễn Dư
(Lyon, 2/ 2001)
Tản mạn về phở
TTC - Tản mạn về phở. Đi đâu cũng gặp thịt mỡ dưa hành, mồng hai tết đã thèm tô phở. Chợt nhớ đến bài tùy bút về phở của cụ Nguyễn Tuân. Đọc bài tùy bút này thì tôi cũng chẳng còn gan để lạm bàn về phở.
Cái đẹp, cái hay, cái ngon, cái văn hóa của phở đã được cụ dọn lên hết trong một bài tùy bút mà khi đọc xong không ai có thể cầm lòng được, phải nuốt nước miếng đi tìm bát phở mà thôi.
oOo
Chắc chắn thời cụ Tuân thì từ phở chưa được dùng để ám chỉ các “em” của các đấng ông chồng thích của lạ. Tại sao không là bánh cuốn, bánh mì, mì, hủ tíu, xíu mại, bánh bao... mà lại là phở?
Tôi nghĩ đem phở để ám chỉ bồ nhí của các ông chồng hay ăn vụng chỉ có mấy tay chơi miền Bắc mới nghĩ ra cái từ ám chỉ thay thế hết sức đắc địa này. Vì ở Hà Nội người ta ăn phở nhiều hơn bất cứ món nào khác. Buổi sáng, dân Hà Nội ít ăn mì, bánh mì, bánh bao,... mà đa số thường ăn phở. Phở chắc chắn là cái gì đó đứng sau cơm.
Nguồn gốc của phở là ở miền Bắc, có thể là ở làng Vân Cù tỉnh Nam Định với dòng họ Cồ rồi lan truyền khắp miền Bắc và “rộ” nhất là ở Hà Nội. Hình như bây giờ ở Hà Nội, chỉ cần ra khỏi ngõ là gặp quán phở to có, nhỏ có. Có quán nằm ngoài lề đường, có quán thì nằm trong nhà. Và nhiều nhất là phở bán tại nhà.
Một vài cái bàn con con. Trên bàn chỉ cần có cút rượu, lọ tỏi ngâm dấm và một thùng nước phở nấu bằng than đá là đã trở thành quán phở. Ở Sài Gòn, quán phở khá rộng rãi, ghế ngồi cao (dù cho bán phở theo gu Bắc hay Nam), còn phở Hà Nội thì quán phở gia đình chật, ghế ngồi thường thấp lè tè, người ngồi ăn thường phải ngồi san sát bên nhau...
oOo
Không hẳn chỉ có những quán phở gia đình vô danh, Hà Nội cũng có những quán phở trứ danh mà tên tuổi đã đi vào “lịch sử” ăn uống như phở cô Cử Lò Đúc, phở Thìn bờ hồ, phở Lê Văn Hưu, phở Bát Đàn... Quán phở nào cũng y chang như nhau. Tất cả đều có vẻ cũ kỹ, chật chội và huyên náo. Trong những quán phở ở Hà Nội, mọi người ngồi san sát vào nhau, múc gắp, húp hít hà, càu nhàu, gọi hàng phở inh ỏi.
Vì vậy chăng mà không khí của những quán phở kiểu này có một không gian phở rất đặc trưng mà những quán phở sang trọng không thể có được. Ăn phở mà khẽ khàng quá, lịch sự quá và đôi lúc sạch sẽ quá như Tây thì khó tìm được không khí phở rồi. Bởi thoạt kỳ thủy, phở là một món ăn rất bình dân từ người bán cho đến người ăn.
oOo
Nhắc đến phở Bát Đàn - tôi nghĩ - đó là quán phở “cuối cùng còn sót lại của thời kỳ xếp hàng”. Ở quán này, khách hàng phải xếp hàng tay cầm tô, tay cầm đũa tiến dần từng bước một đến người bán phở. Sau đó, họ nháo nhào đi tìm bàn, hoặc bưng tô đứng đợi cho ai đó ăn xong mà giành chỗ. Vừa ngồi xuống bàn là cố ăn cho xong vì biết đâu đó có ai đang bưng tô đang đứng đợi mình ăn cho xong để có chỗ ngồi... Và chỉ một bát mà thôi, nếu ai cần ăn thêm thì phải xếp hàng tiếp.
Quán khó chịu thế đấy nhưng vẫn thấy xe con ngừng liên tục. Tài xế đi xếp hàng còn ngài giám đốc phải tự đi tìm bàn. Trong đội ngũ xếp hàng chờ ăn phở, ta có thể thấy anh công nhân đứng trước mặt nhà doanh nghiệp, rồi tới vị giáo sư sau đó là nhà văn, nhà báo, dân con phe... bình đẳng ra phết! Dân “Sè - Gòng” ra Hà Nội ăn bát phở chơi cho biết chứ không ai thích ăn phở kiểu xếp hàng như vậy. Nhưng đối với một số người Hà Nội, có lẽ họ đã “nghiện” cái không gian phở xếp hàng Bát Đàn này.
oOo
Những người Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống, công tác đều không quên được gu phở Bắc Hà Nội. Bởi vậy, hiện nay dọc các con phố lớn nhỏ, đường hẻm hay mặt tiền ở Sài Gòn có nhiều quán phở mang tên Bắc Hải, phở Hà Nội, phở chính gốc, phở gia truyền, phở Thìn... Những quán phở to nhỏ này đều “gia truyền” và không ai chịu nhường ai trong sự quảng cáo chính gốc phở này.
Phở có mặt ở Sài Gòn theo bước chân của người miền Bắc. Dần dần, dân Sài Gòn cũng “học tập” và chế biến thành phở theo gu Sài Gòn. Phở Sài Gòn phải có tương đen, ớt cà, rau thơm và giá trụng. Tất nhiên còn có cả sự khác nhau về hương vị nữa. Vì phở không rau chưa chắc là nấu theo kiểu miền Bắc. Và bây giờ có nhiều quán phở Bắc vẫn phải kèm thêm rau thơm, giá trụng để nhân tâm tùy khẩu vị.
oOo
Rốt cuộc, những yếu tố gia vị thực phẩm nào tạo nên món phở?
Khi nói đến đi ăn phở, người ta nghĩ ngay đến phở bò mà có lẽ trước kia phở ăn với thịt bò, nhưng ngày nay phở đâu chỉ là thịt bò. Còn phở gà, thậm chí phở... chó. Biết đâu sẽ còn phở dê... phở heo!?
Phở gà, phở chó cũng là cọng bánh phở ấy nhưng nước dùng (nước lèo) chắc không phải là nồi nước dùng của phở bò. Nồi nước dùng của phở bò phải nấu bằng xương bò, và có nơi còn bỏ thêm con sá sùng để nước có vị ngọt. Trong nồi nước dùng của phở bò luôn có vị hồi tạo nên hương vị đặc trưng của phở bò. Nồi phở mà thiếu hương vị ấy là không còn phở bò nữa. Một số quán phở do vài ông nước ngoài, Việt kiều mê phở mở quán phở thiếu không gian phở đã đành lại còn thiếu cả mùi đặc trưng của phở. Không phải chỉ có bánh phở, thịt bò tái chín, gầu, sụn gân là thành phở mà còn phải có hương phở nữa.
Lạ thay cái hương của phở!
Ăn phở ở Boston
Một địa chỉ phở Việt ở Mỹ
Hóa ra món phở quốc hồn quốc túy của dân ta đã phổ biến đến mức trở thành một địa chỉ ẩm thực trong bộ nhớ một nhân viên khách sạn Jury’s 5 sao của Mỹ...
Đêm đầu tiên đến Boston (Mỹ), mệt lử sau một chuyến bay dài gần 2 ngày trời, đầy ứ với các loại fastfood, tôi hỏi cô tiếp tân khách sạn da màu đen bóng xem có quán Vietnamese noodle soup (phở Việt Nam) nào gần đây hay không.
Không một chút suy nghĩ và cũng chẳng thèm giở sổ, cô bấm điện thoại nhoay nhoáy, và ngẩng lên nhìn tôi với một nụ cười thông cảm ra vẻ ta đây biết cả rồi: “Pho Pasteur still opens, sir!” (Phở Pasteur còn mở cửa, thưa ngài!).
Lò dò tìm đến địa chỉ được căn dặn, tôi chỉ muốn ồ lên một tiếng thất kinh khi một tô phở xe lửa giá năm đô rưỡi được bưng lên nghi ngút khói. Không phải là tô phở, mà là một thau phở thì đúng hơn, cỡ bằng cái nón cối bộ đội và chàng bồi bàn Mỹ đen lực lưỡng chỉ bưng một lần 2 tô là maximal performance (hết sức). Ái chà, lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu sự nghỉ giải lao là tối cần thiết trong ẩm thực. Nghĩa là sau khi chiến đấu - khá vất vả - được có nửa tô, người ăn phở cần bước ra ngoài, đi loanh quanh chừng nửa tiếng, hút vặt dăm hơi thuốc, rồi mới đủ can đảm quay lại đối diện với nửa tô còn lại. Dù rằng chỉ có bánh phở khô, không mềm mại tươi mới như bánh phở bên nhà, tô phở Boston cũng đủ thứ chín-nạm-gầu- vè và các loại rau giá xanh tươi.
Ngoại trừ cái sự quá khổ, kẻ hậu sinh này không dám than phiền về cái sự “phí cả cái công ăn” phở Việt Nam trên đất Boston, thưa cụ Nguyễn Tuân kính mến ạ! Hương vị quê nhà, dù không trọn vẹn, nhưng là một điều ấm áp thật lạ lùng trên đất khách!
Những hôm sau, khi phở Pasteur trở thành địa chỉ quen thuộc mỗi tối, tôi còn được mục kích một quang cảnh ấn tượng khác. Một cô Mỹ tóc vàng, dáng nhỏ nhắn, sau khi khoan khoái xơi hết một tô xe lửa to đùng, ung dung gọi thêm một đĩa gỏi cuốn king size, và tà tà thưởng thức với một vẻ khoái hoạt đáng kính phục. Và còn kết thúc bằng một trái dừa tổ bố. Hóa ra, cái sự ăn uống lấy no làm sung sướng, lấy nhiều làm ngon, cũng có “giá trị nhất định” của nó. Khác hẳn với cái sự “ăn chơi ăn bời” của các bậc thầy ẩm thực bên nhà. Tôi nhìn thau phở khổng lồ chui tọt vào cái miệng hoa của người đẹp Hoa Kỳ, lòng thầm nghĩ 10 năm sau nếu có duyên tái ngộ, e rằng nàng kiều nữ hôm nay đã biến thành một thiếu phụ ngót nghét hơn tạ rưỡi. Nghĩ cũng buồn!
Có lạ lùng không, từ đất Hà thành, tô phở Việt bay thẳng sang Boston, hòa nhập với nền ẩm thực của xứ cờ hoa, hóa thân thành tô phở king size xe lửa. Hương vị vẫn nguyên vẹn, ở mức tối đa mà vật thực địa phương cho phép, chỉ phình ra gấp 4, gấp 5 về kích thước.
Trông vào tô phở Việt khổng lồ, có ai hình dung đến hành trình của nó theo dấu chân nhọc nhằn của lưu dân Việt?
Theo Lê Đình Phương
Người Lao Động
Chỉnh sửa lần cuối: