Phỏng vấn "chụp giật"

Bùi Thu Trang
(Liverpool)

Moderator
Ngày kỷ niệm thành lập trường đang đến gần. Mọi bộ phận trong guồng máy chuẩn bị cho ngày hội lớn hối hả tăng tốc. Tờ Nội san văn học cũng vậy. Để có tiếng nói của một số "yếu nhân" nhất định phải có bài phỏng vấn các vị. Mà phải làm nhanh. Chúng tôi đành phải dùng cách phỏng vấn qua điện thoại; dùng điện thoại của trường (điện thoại "chùa" mà, đỡ phải móc ví của mình!)

Người thứ nhất được hỏi là một "yếu nhân", hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng: chị Nữ Anh, người chị cả của tổ văn cũng là người đầu tiên của tổ về hưu.

Hỏi: Alô! Kính chào chị Nữ Anh, bà chị của cả tổ. Chị về hưu dễ đến 7 năm rồi nhỉ?

Chị Nữ Anh (N.A): Mình về hưu năm 1993. Thành bà già rồi! Nhưng mình rất cảm động vì thấy anh chị em trong tổ vẫn nhớ đến mình, đến chơi thăm hỏi luôn. Lại còn liên hoan tiệc tùng nữa, "tuần chay nào cũng có nước mắt".

Hỏi: Quên chị sao được. Chị là người đầu tiên của tổ "hạ cánh". Mà "hạ cánh" rất đẹp, sau gần 40 năm lao động miệt mài trên bục giảng. Anh em trong tổ và nhiều thế hệ học trò lưu giữ rất nhiều kỷ niệm tốt đẹp về chị. Thế bây giờ chị sống thế nào?

N.A: Mọi việc đều ổn. "Ông xã" nhà mình vẫn khoẻ. Các cháu trưởng thành cả, nghề nghiệp đâu vào đấy. Mình đã lên chức bà nội từ lâu. Chỉ buồn nỗi vài năm nay mắt mũi kém quá. Đọc sách phải cỡ chữ mẫu giáo mới đọc nổi. Tivi xem cứ thấy lóa nhóa. Được cái chịu tập. Sáng nào mình cũng tập; cả đi bộ nữa, rất đều. Nhờ thế mà vẫn còn sức chăm sóc cho chồng con, cho cả cháu nữa.

Hỏi: Chị có điều gì muốn nói với anh chị em trong tổ không?

N.A: Cho mình gửi lời thăm hỏi tất cả. Nhớ hết, chẳng quên người nào. Sắp tới kỷ niệm thành lập trường, nhất định mình sẽ về. Chỉ xin dặn trước: mắt mũi kém, nếu chưa nhận ra ai để chào thì đừng giận mình nhé! Ôi giá anh Hồng và cô Nhung còn nhỉ. Thương lắm, nhớ lắm! Về hưu kể cũng buồn. Hưu là hưu hắt, là héo hon! May mà xa nhưng không lìa, xa mà không cách. Tổ mình là một tổ ấm ít có đấy (ở nơi khác, tổ văn là rất dễ lắm chuyện). Cố gắng giữ truyền thống ấy nhé, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường này.

- Cám ơn chị rất nhiều. Anh em trong tổ nhất định làm theo lời bà chị cả. Chúc chị (nàng dâu của cố nhà văn Hoàng Ngọc Phách), cả anh ấy nữa, lúc nào cũng sống vui, trường thọ.

Vừa dập máy, chuông lại réo. Nhấc máy, thì ra "xếp" Hoãn gọi về trường. May quá, phỏng vấn luôn (phí điện thoại cú này, Sở GD-ĐT phải chịu).

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Kim Hoãn, đương chức giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nguyên hiệu trưởng trường Ams (1985 - 1994). Chính "xếp" Hoãn đã gợi ý cho tổ văn tổ chức cuộc thi thơ "Tuổi học trò" (4.1990) và nhiệt tình làm "bà đỡ" cho tập Tuổi học trò chào đời.

Hỏi: Chào giám đốc, anh vẫn còn nhớ đường từ Sở về trường đấy nhỉ?

Giám đốc Nguyễn Kim Hoãn (NKH): Quên làm sao được. "Nước trôi lòng suối chẳng trôi" (các ông thấy không mình vẫn nhớ thơ Tố Hữu đấy chứ?). Sắp nghỉ rồi, lại càng nhớ trường cũ, nhớ anh em.

Hỏi: Nhớ cả chị em nữa chứ?

NKH: Cố nhiên rồi! (cười)

Hỏi: Do đâu mà hồi còn làm hiệu trưởng trường Ams, anh quan tấm đến tổ văn thế?

NKH: Mình dạy Toán, nhưng thấy Văn cần cho mọi người lắm. Khoa học càng phát triển, lại càng cần Văn hơn. Để hoàn thiện nhân cách, mỗi người - nhất là cánh trẻ, không chỉ cần tư duy khoa học, duy lý; mà còn phải nhạy cảm với cái thiện, cái đẹp nữa. Quan điểm của mình là ở trường chuyên không nên chỉ lệch về các môn tự nhiên. Phải hoạt động toàn diện, rèn luyện toàn diện. Hẳn các anh cũng biết giáo sư viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, nhà khoa học Phi Tuyết Ba v.v... đều có làm thơ; các vị ấy có không ít thơ hay đấy.

Hỏi: Đúng vậy, nhiều học sinh chuyên Lý, chuyên Toán, chuyên Hóa, chuyên Sinh trường Ams cũng "máu" sáng tác chẳng kém chuyên Văn đâu. Phải chăng từ quan niệm trên, 10 năm trước đây, anh đã nhiệt tình cổ vũ cho cuộc thi thơ Tuổi học trò?

NKH: Mình chỉ gợi ý thôi, công lao là ở các anh chị tổ Văn. Cuộc thi thơ hồi ấy vui nhỉ. Mình nhớ nhiều em các lớp không chuyên văn đã tham gia hăng hái lắm. Sau này về công tác ở Sở, theo dõi thấy các anh vẫn duy trì tốt niềm say mê sáng tác của các em in trong các tập san nội bộ, cả trên báo Hoa học trò nữa. Đừng làm mất phong trào nhé!

- Cám ơn anh Hoãn. Chúc anh vui, khỏe, "hạ cánh" đẹp.

*
* *​

Cô giáo Nguyễn Hồng Nga, nguyên hiệu phó trường Ams (nay đã nghỉ hưu) từng gắn bó với tổ văn suốt 15 năm. Qua điện thoại, tôi nghe khá rõ nhạc của bài dân ca quan họ Bắc Ninh, bài "Người ơi, người ở đừng về". Chắc cô giáo đang nghe nhạc.

Hỏi: Chị Nga ơi, về hưu rỗi rãi, giải trí bằng nghe nhạc, hử? Hình như chị thích bài quan họ giã bạn ấy lắm?

Chị Nguyễn Hồng Nga (NHN): Thích chứ. Ở thời điểm này, lời bài quan họ ấy gợi cho mình thật lắm bâng khuâng...

Hỏi: Bắt đầu "ca vọng cổ" rồi đấy. Kể cũng phải, "ở trường Ams mà nhớ trường Ams" (cho phép nhại một câu thơ của Nguyễn Bính), có phải tâm trạng hiện nay của chị là vậy? Thế bây giờ công việc của chị là gì?

NHN: Ngày nào cũng đến trường (tất nhiên trừ Chủ Nhật). Giúp trường trông nom các cháu học sinh bán trú. Về hưu thành cô "bảo mẫu". Buồn cười nhỉ?

Hỏi: Có gì mà buồn cười, hay chứ. Chị có hài lòng về công việc mới của mình không?

NHN: Kể cũng vất vả, chẳng được nghỉ trưa gì cả. Nhưng cũng vui, bọn "nhí" nghịch đáo để. Bây giờ thành nếp rồi, mình cũng quen dần. Thích nhất là có một công việc để làm, không có cảm giác hụt hẫng lắm. Lại được gặp các đồng nghiệp luôn, nhất là tổ văn của mình.

- Chúc chị giữ mãi được niềm vui ấy. Có công việc gì của tổ, đừng để anh em phải gọi đấy nhé!

NHN: Tất nhiên rồi!

*
* *​

Từ ngày vinh thăng chức "xếp" trường Ams, nhà giáo ưu tú hiệu trưởng Đỗ Lệnh Điện luôn luôn bận rộn. CLB Bi-a của trường thường xuyên vắng bóng một thành viên tích cực. Hằng ngày anh phải "đóng thùng" trong bộ "com lê", cổ toòng teng cái "cà vạt". Mặt mũi đăm chiêu, nghiêm nghị. Không dễ gặp anh nhất là trong mấy tuần cả trường sôi lên chuẩn bị cho ngày lễ hội. Vậy mà tôi cũng túm được anh ở phòng họp của tổ Ngoại Ngữ (độ này hiệu trưởng phải làm việc nhiều với tổ của chị Thu Phương). Không có tôi kéo ra, dễ gì anh thoát khỏi sự bao vây của những co giáo dạy tiếng Anh xinh xắn.

Thấy tôi cầm máy ảnh, anh Điện sử lại cái "cà-vạt" vừa bị xộc xệch: "Chụp ảnh hả?"

- "Ồ, không! Máy của tôi bị hỏng rồi" Anh có "lời vàng" nào cho Nội san văn học không?

- Tổ Văn các ông nhiều người tài thật đấy, (anh nói ngay khi thoáng thấy anh Lập sau lưng mình). Ông Lập tài "xào nấu" quá, tập ảnh giới thiệu truyền thống của trường mình ông ấy làm "ngon" lắm. Cả ấn phẩm của ông Cát nữa, gọn mà đẹp. Này, làm thế nào để tiềm năng của mỗi giáo viên trường mình có điều kiện bộc lộ nhỉ. Ai cũng phát huy hết khả năng của mình thì rất hay.

- Đơn giản thôi, miễn là nhà trường "chơi đẹp" với anh em. Theo anh, tổ văn cần làm gì để nhà trường "thương" nhỉ? Tổ tôi làm sao ra nước ngoài tìm kiếm huy chương "ô-lanh-phich" được đây? May mà hè vừa rồi anh Lập tổ tôi được theo các anh đi "Xanhgabo".

- Các ông làm được khối việc còn gì. Nhưng ngoài việc chăm lo nâng cao chất lượng dạy - học văn, các ông nên duy trì tốt những hoạt động ngoại khóa vốn có. Học trò trường mình nhiều khả năng lắm. Cứ "phát" là chúng nó "động" ngay.

- Có khi mình chưa "phát" nó đã "động" rồi! Tập Year Book nắm 1998 đấy!

- Ừ, nhưng có tổ chức vẫn hơn, chủ động vẫn hơn chứ.

- Vâng, chúng tôi sẽ tổ chức, sẽ chủ động. Nhưng để làm được tốt, phải có chức, phải được làm chủ kia. Đùa vậy thôi, chúng tôi biết nhà trường luôn luôn tạo điều kiện cho chúng tôi. Thôi, anh lại vào với chị em đi!

Nói lại bảo anh này muốn nịnh các "xếp". Nhưng quả thật, nhìn "êkíp" lãnh đạo của trường ta trong những ngày này thấy thương lắm. Các anh ấy lúc nào cũng tất cả ngược xuôi. Điện thoải réo liên hồi, tiếp khách liên tục. Hiệu phó Tuấn, nguyên "lãnh tụ thanh niên" nhiều năm của trường, ca sĩ hảo hạng, hình như hôm nay bị mất giọng. Anh là tổng đạo diễn các chương trình lễ hội, phải làm việc với nhiều đầu mối. Vốn có dáng bệ vệ nhất trong ban lãnh đạo, vậy mà thấy anh dịp này cũng hơi "xuống mã". Được cái ông này nhanh nhẹn; khó đến đâu, ông ấy "xoay" một cái là xong! (chắp tay xin lỗi cụ Nam Cao). Hiệu phó Khôi lại bận bịu theo kiểu khác. Anh ghé tai tôi nói nhỏ: "Để "các bố" ấy lo việc hội hè. Mình là cứ phải giữ nhịp việc dạy - học cho tốt. Phải cân đối chứ. Mải vui mà quên việc chính của trường thì hỏng".

Cặp kính trắng loang loáng trên bộ mặt lúc nào cũng hớt hải của anh khiến tôi bật cười: làm lãnh đạo khổ thế đấy! Hiệu phó Ban ung dung hơn. Ngồi sau bàn giấy (để che bớt cái bụng bắt đầu có chiều nặng nề), anh cười khùng khục trong cổ họng và nói với tôi bằng một giọng lâm li (lại xin cụ Nam Cao đại xá): "Mọi việc đầu chày đít thớt đến mình cả. Khéo phen này tịt mất một lứa đẻ cũng nên!" Tôi bảo anh: "Ở trường này, nhất anh đấy. Nói trộm ông Điện, ai vào đây thấy anh ngồi với "xếp", nhất định sẽ ngỡ anh là hiệu trưởng kia đấy. Có dáng "phát" lắm. Còn là lên nữa cho mà xem!" (Nói vậy thôi, chứ tôi biết ông này "khôn" lắm. Ông ấy theo đúng lời Trạng Trình: "Giừ chùa để ăn oản" đây!)

*
* *​

Bí thư chi bộ Trần Đồng Trực vốn là người vui tính. Sinh hoạt trong câu lạc bộ "những người đái đường", à quên, "những người đái tháo đường" đã hai năm nay, mà mặt mũi lúc nào cũng hơn hớn. Nhớ lại cái "thời xa vắng", các nhân vật chính ủy, bí thư Đảng trong văn chương của ta thường xuất hiện với bộ mặt "xã luận", mới thấy bây giờ đổi mới ghê thật. Ông bí thư này dễ gần, giọng cứ phảng phất giọng của biên tập viên thể thao Đài truyền hình Hà Nội. Trường giao cho ông nhiệm vụ trưởng ban lễ tân. Ôm một tập giấy mời mới cứng, ông nhớn nhác đi tìm các tổ trưởng, bắt họ phải làm cái việc của "bưu điện".

Thấy tôi xăm xăm đi tới, ông tái mặt, hốt hoảng: "Tôi lạy ông! Phỏng vấn hả? Ngó cái bản mặt ông, tôi sợ lắm! Nhà báo chuyên nghiệp tôi còn hãi nữa là dân "báo hại" như ông. Nhỡ miệng, có ngày chết sặc gạch!"

- Oan cho tôi quá! Tôi cũng "dân tiểu đường" như ông thôi. Chỉ dám quấy ông chút chút. Theo ông, công tác Đảng ở nhà trường nên như thế nào?

- À, ra thế! Nói nghiêm túc nhé. Mình nghĩ đơn giản thế này: Tinh thần cộng sản không chỉ ở chủ trương, nghị quyết. Nó phải thấm vào công việc hàng ngày của mỗi người, nhất là các đảng viên. Đảng viên trước hết phải là giáo viên giỏi. Anh không dạy giỏi, chỉ giỏi những việc vặt, nói ai nghe? Phát triển Đảng cũng nên hướng về phía học trò, nhất là những em đến tuổi trưởng thành. Chi bộ rất chú ý đến việc này, kể cả các giáo viên trẻ. Sức sống, nguồn bổ xung của Đảng căn bản là ở đấy. Phải không?

- Ông nói thì chỉ có đúng trở lên (tôi nịnh khéo)! Còn "diamincron" không, cho tôi một viên?

*
* *​

So với bí thư Trực, chủ tịch công đoàn trường Ams Lương Tất Đạt có vẻ điềm đạm hơn. Nhưng ai cũng biết ẩn sau con người lo "cơm áo gạo tiền" cho anh em ấy, là một nhà thơ trào phúng có hạng. Trường này có đến cả chục cây bút trào phúng. Không biết có phải vì nhà giáo là lớp người cùng khổ nên hay cười trừ cơm? Nhưng lần này gặp ông Đạt, tôi thấy ông chẳng trào phúng chút nào. Ông bảo tôi: "Được tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng, ai chẳng thích? Nhưng vui đấy, mà cũng lo đấy. Giành được danh hiệu đã khó, giữ được danh hiệu càng khó hơn. Rồi thì những năm tới, khối việc phải liệu. Chỉ chết "thằng" công đoàn, lo động viên anh em trong thời buổi này đâu có dễ. Ngoài tinh thần, cũng phải có...". Ông nháy mắt với tôi, cười.


*
* *​

Lần đầu tiên trường Ams có một "lãnh tụ thanh niên" là người của phái đẹp: cô Lê Thị Oanh. Nhìn trước ngó sau, đợi cho "bà xã" khuất sau cánh cửa phòng kế toán - tài vụ, tôi mới lại gần cô giáo Oanh (sau khi quẳng đi mẩu thuốc lá), hắng giọng:

- Chào người đẹp! Cô có rỗi không đấy?

- Em thì lúc nào cũng bận, lúc nào cũng rỗi. Bận với người này, rỗi với người khác.

"Cô này ghê thật", tôi chột dạ không biết mình có ở trong danh sách loại người thứ hai ấy không (?)

- Có gì mới trong công tác Đoàn trường ta những năm tới không cô? Xin cô nói nhanh cho nhà tôi lĩnh lương sắp ra ngay bây giờ đấy. Mà xin cô nói tiếng mẹ đẻ đấy nhé. "Em" mà nói tiếng "Anh" với tôi, tôi chẳng hiểu gì đâu. Tiếng "Ănglê", tôi chỉ biết độc có một từ "lo-ve" thôi.

Cô Oanh cười độ lượng. Cô nói: "Anh cứ đùa. Mới lên thay anh Tuấn làm cố vấn Đoàn, em cứ rối tinh với cả núi việc. May mà mọi việc đều ổn thỏa. Đại hội Đoàn trường xong rồi. Đoàn trường đã có Bí thư. Còn cái mới ư, hãy đợi đấy. Thế nào các anh cũng ngạc nhiên cho mà xem. Chỉ mong các thầy cô hết lòng ủng hộ Đoàn, nhất là các giáo viên chủ nhiệm. Này, sau anh vội thế. Coi thử màu váy mới của em này, em sắm để mặc trong dịp lễ hội sắp tới đấy. Có được không anh?

Tôi nhắm mắt khen bừa một câu rồi chạy ra đón vợ đang hớn hở cười với một xấp tiền lương trong tay.

P.V Tú Còm
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bài phỏng vấn của Thày nào mà hay thế, làm em tưởng tượng được ra hầu hết các Thày Cô giáo cũ mà bài viết nhắc đến. Không ngờ các Thày cũng thay đổi dung nhan - đều đầy đặn ra - như vậy. Có mỗi tác giả Bài phỏng vấn là ai thì không hình dung ra. Thày nào ở Tổ Văn, lại có vợ cùng dạy học ở Ams... Hay là...? Có nhẽ là...?
Kính chúc các Thày Cô trường ta sức khỏe dồi dào, tâm hồn lại trẻ trung mãi như thế này.
 
Có mỗi tác giả Bài phỏng vấn là ai thì không hình dung ra. Thày nào ở Tổ Văn, lại có vợ cùng dạy học ở Ams... Hay là...? Có nhẽ là...?

ko biết ý chị có giống ý em ko nhỉ? :D

!c,
 
Chỉnh sửa lần cuối:
em á, hihi...nói thầm nhá: bố L...i...ê...m kekeke hihihihihi :D. phải ko chị? :p :D

!c,
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên